MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Không Chỉ Tôn Kính Bằng Môi Miệng (suy Niệm Của Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật)
Thứ Hai, Ngày 31 tháng 8-2015

Không chỉ tôn kính bằng môi miệng

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật)

Cuộc kiểm tra

Sau mấy Chúa nhật đọc chương 6 Tin Mừng Gio-an, phụng vụ trở lại với Tin Mừng Mác-cô. Bản văn của phần phụng vụ lời Chúa tuần này thuật lại cuộc đối đầu kịch liệt giữa Đức Giêsu và nhóm biệt phái.

"Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?" Vấn đề đặt ra có vẻ buồn cười, xa lạ. Đàng khác, từ lâu rồi, Hội Thánh sơ khai đã vượt qua thói quen cứng ngắc là tuân giữ tỉ mỉ các khoản luật xa xưa. Dầu vậy, vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Cách chung, các kinh sư và biệt phái được trao nhiệm vụ công bố những lệnh truyền và tập tục, đồng thời có quyền xác định và giải thích luật Mô-sê. Một ý hướng rất đáng khen. Về phần Đức Giêsu, Người không chối bỏ nhiệm vụ này. Tuy vậy, theo Đức Giêsu, nhiệm vụ và quyền bính này không bao giờ được phép che giấu điều cốt yếu, tức là tình trạng của tâm hồn; nói cách khác, đó là sự trong sáng của lương tâm, là thái độ thành thực và tự do dấn thân trước Thiên Chúa. Trước Thiên Chúa, mỗi người đạt được giá trị tùy theo tình trạng tâm hồn của mình, và người ta bày tỏ tâm tình thờ phượng là chính hiện hữu của mình. Các thái độ tôn giáo của mỗi người phải được xuất phát từ những quyết định tự do, từ chính hiện hữu của mỗi người. Nếu như trong những thập niên gần đây, Hội Thánh bãi bỏ nhiều quy định, đó chính là nhằm mục đích đưa người tín hữu trở lại điểm cốt yếu này.

Như vậy, tinh thần Tin Mừng hoàn toàn khác hẳn thái độ duy luật cũng như thái độ bất chấp. Lề luật mà không có tâm hồn: đó là thái độ duy luật giả hình, muốn tìm an toàn trong những việc tuân giữ bề ngoài và không có sự dấn thân toàn diện, năng động của lòng tin. Ngược lại, nếu chỉ có tâm hồn mà không có lề luật: đó là thói bừa bãi, là thái độ không thấy cần phải sửa lại tình trạng cả con người cũ lẫn con người mới đang hiện diện trong mỗi người. Để kiểm tra sức khoẻ, ngày nay người ta dùng phương pháp siêu âm. Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người thực hành cuộc kiểm tra này trong tâm hồn để thực sự biết mình là ai trước Thiên Chúa và anh em.

Truyền thống và thích nghi

Khi trả lời nhóm biệt phái và các kinh sư, Đức Giêsu đã quở trách họ là những kẻ đạo đức giả: "Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm." Thực ra Đức Giêsu không có ý bác bỏ những truyền thống, những tập tục đã có từ xưa, Người chỉ muốn cho thấy là tất cả những tập tục ấy phải đi kèm với một tấm lòng. Con người phải thích ứng với xã hội, nhưng vẫn phải là một con người chân thành.

Truyền thống

Mỗi cộng đoàn tôn giáo, cũng như mọi cộng đoàn xã hội, đều lập ra một bản quy tắc để diễn tả nét đặc trưng và độc đáo trong niềm tin của mình. Dân Do-thái, và sau này, Hội Thánh Công Giáo cũng làm như vậy để đào sâu mặc khải, đồng thời để củng cố mối liên lạc giữa các tín hữu. Những khoản luật này dựa vào nhau và với thời gian, càng lúc chúng càng xa rời nguồn gốc nguyên thủy của mình.

Sự thích nghi

Đây là thái độ của mỗi người để hòa nhập vào cơ thể xã hội hay tôn giáo. Sự thích nghi được thể hiện trong mọi lãnh vực, kể cả về ý kiến và quan điểm. Bên cạnh những người có thái độ thích nghi vào xã hội, cũng có những nhóm người chống lại sự thích nghi.

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu nhấn mạnh đặc biệt đến sự thích nghi của nhóm sau này: nó làm cho con người không còn tự do cũng như trách nhiệm với xã hội, với cộng đoàn. Những người này nghĩ rằng chỉ cần tuân theo những khoản luật "được phép" hay "không được phép", và do đó, chỉ cần loại trừ sự ô uế bên ngoài là đủ.

Trong sạch và ô uế

"Rửa tay" là xoá đi những dấu vết còn lưu lại sau khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài. "Rửa tay" còn có nghĩa là không chịu trách nhiệm, không quan tâm gì đến cuộc sống, coi như mình ở ngoài các sinh hoạt của thế giới.

Đối với Đức Ki-tô, sự ô uế không phải là một tính chất gắn liền với sự vật, nhưng là cách thức con người giải thích về thế giới và áp dụng vào sự vật. Theo Đức Giêsu, sự ô uế và do đó cả sự chọn lựa, diễn ra trong tâm hồn con người chứ không phải là bản thu tóm các quy tắc.

Như thế, ngoài việc nhấn mạnh đến tình trạng tâm hồn, Đức Giêsu còn nghĩ tới một Giáo Hội phổ quát, một Giáo Hội vượt khỏi biên giới của dân tộc Do-thái. Nhiều phong tục tập quán của Do-thái là tốt, nhưng đến lúc phải mở rộng hơn để đón nhận mọi nếp sống, mọi nền văn minh trên toàn thế giới. Cần phải sàng sảy, chọn lọc để chỉ giữ lại những điều cốt yếu và loại bỏ, hay ít ra giảm nhẹ, những điều phụ thuộc. Những tập tục nào do con người tạo nên thì cần được thay đổi, điều chỉnh hầu làm sáng tỏ tinh thần tôn kính Thiên Chúa và chu toàn luật bác ái đối với người khác (theo Quesson).

Vậy, con người luôn được mời gọi và thúc đẩy vượt lên phía trước, đồng thời phải hoán cải không ngừng để đón nhận những điều mới. Truyền thống vẫn cần được tuân giữ, nhưng cũng cần được thích nghi cho phù hợp với thời đại. Truyền thống vẫn cần được tuân giữ, nhưng cũng cần được thích nghi cho phù hợp với thời đại đồng thời làm sáng tỏ điều cốt yếu.

Từ ý hướng đến hành động

Thắc mắc của nhóm biệt phái là một cơ hội tốt để Đức Giêsu xác định trật tự trong các cử chỉ và nghi lễ.

Thoạt đầu, người ta có cảm tưởng rằng chính ý hướng trong "tâm hồn" quyết định giá trị của việc làm, và người ta sẽ nêu lên câu ngạn ngữ "hoả ngục được lát bằng những ý hướng tốt".

Thực ra, phải nhìn vấn đề theo một góc cạnh khác: cử chỉ diễn tả được bao nhiêu ý hướng trong tâm hồn, và ngược trở lại, hành vi bên ngoài có phải là sự bày tỏ của tâm hồn không? Bạn có luôn yêu mến người mà bạn bắt tay hay tỏ vẻ thân thiện? Chúng ta muốn diễn tả thực tại nào bên trong khi trao cho người khác một cử chỉ hữu nghị? Chúng ta có thực sự muốn hoà giải khi cười với người giận ghét mình không?

Đối với Thiên Chúa cũng vậy. Bao nhiêu lời cầu nguyện, bao nhiêu hành vi đạo đức có phải thực sự phát xuất từ mối tương giao với Thiên Chúa, và có hướng về mục đích đó không? Chúng ta đã nhiều lần đọc lên "con yêu mến Chúa", thế mà cuộc sống của chúng ta vẫn đầy dẫy những xung đột, những hận thù, cả trong đời sống cá nhân lẫn đời sống cộng đoàn...

Quả thế, cả tôi lẫn các bạn, chẳng có ai hoàn hảo. Vấn đề của chúng ta không phải chỉ là làm một điều gì đó, nhưng là thay đổi tình trạng tâm hồn của chúng ta.

Dù vậy, với tình yêu Thiên Chúa đổ tràn trong lòng chúng ta, ít ra chúng ta có thể thực hiện một cách nào đó sự hoà hợp giữa ý hướng và hành động. Rửa tay hay không, điều đó không quan trọng, nhưng chúng ta phải ý thức rằng tâm hồn chúng ta cũng có chút xấu xa bẩn thỉu và chúng ta phải xin Đức Ki-tô ban cho chúng ta thứ nước có thể thanh tẩy chính tâm hồn. Đàng khác, cũng cần nhớ rằng, cuộc đời vẫn ở phía trước và chúng ta luôn phải giữ lấy điều cốt yếu, trong khi cuộc đời luôn có những đổi thay.


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Chuỗi Mân Côi Là Thanh Kiếm Từ Trời (9/4/2015)
Tuần Cửu Nhật Kính Đức Mẹ La Vang (9/4/2015)
Các Thánh Ca Tụng Kinh Mân Côi (9/4/2015)
Thơ Kính Mừng Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria 08/09 (9/3/2015)
Thơ Kính Mừng Đức Mẹ Núi Cúi 18/09/2015 (9/2/2015)
Tin/Bài khác
Âm Vang Kính Mừng Mẹ Hồn Xác Về Trời (8/15/2018)
Nguồn Gốc Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (8/15/2018)
Ðức Maria Nữ Vương (8/15/2018)
Tràng Chuỗi Mân Côi Cứu Bé 12 Tuổi Khỏi Bị Quỷ Nhập (8/30/2015)
Phép Lạ Vĩ Đại Không Ai Có Thể Chối Cãi (8/29/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768