MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Cn 2759: Thánh Địa Phước Kiều, Quảng Nam (8)
Thứ Tư, Ngày 28 tháng 1-2015

CN 2759: THÁNH ĐỊA PHƯỚC KIỀU, QUẢNG NAM (8)

Sau đó, phải đoàn hành hương chúng tôi đến thăm nhà thờ Phước Kiều. Nhà thờ đang được xây cất lại, và sẽ trở thành một giáo xứ trong tương lai. Chúng tôi cũng đến thăm Dinh quan Trấn Biên tọa lạc trong khuôn viên trường học Nguyễn Du vì đó là nơi mà Thánh Andre Phú Yên bị giam cầm. Cách Dinh Trấn Biện khoảng 300 thước là một cánh đồng nơi Thánh Andre Phú Yên Tử đạo. Nơi này nằm ở quận Duy Xuyên, Quảng Nam.

Sau đây là bài viết có giá trị và tốn nhiều công phu của Lm. Antôn Nguyễn Trường Thăng. Kính mời quý vị theo dõi:

LƯỢC SỬ PHƯỚC KIỀU THÁNH ĐỊA.

I. LAI LỊCH MỘT VÙNG ĐẤT TỪ THẾ KỶ 2 ĐẾN THẾ KỶ 16.

Ngược dòng lịch sử, vùng đất phía Bắc sông Thu Bồn trước kia thuộc Vương quốc Champa. Người Chăm thoát ách thống trị Nhà Hán thành lập nước Lâm Ấp lập quốc cuối thế kỷ 2.

Năm 1306, Vua Chế Mân đã dâng tặng cho vua Trần Nhân Tông , vua Đại Việt, hai Châu Ô và Lý như sính lễ để được thành hôn với Công Chúa Huyền Trân. Vùng Bắc sông Thu Bồn từ nay thuộc Đại Việt.

Những trang sử hào hùng “từ thưở mang gươm đi mở nước” vẫn còn lưu dấu nới đây với các danh tướng Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Lê Thánh Tôn, Hồ Hán Thương...

Dinh Cham, cách Hội An không xa đã được Chúa Nguyễn Hoàng chọn làm cơ sở hành chánh của vùng đất mới Quảng Nam năm 1602. Từ đây Dinh trấn Quảng Nam hoặc Dinh trấn Thanh Chiêm là nơi các Chúa Nguyễn tính kế lâu dài “vạn đại dung thân”.
Một Đoan quận công Nguyễn Hoàng nhìn xa trông rộng.
Một Nguyễn Phước Nguyên hướng ra biển giao thương quốc tế.
Một Nguyễn Phước Kỳ sáng suốt tiếp thu khoa học Tây phương.
Một Nguyễn Phước Lan lãng mạn và kiêu hãnh.
Một Nguyễn Phước Tần anh hùng, hảo hán.
Miền đất với những bóng hồng là mẫu nghi hay ác quỷ. Một cố gái hái dâu họ Đoàn, mai ngày sẽ được tôn vinh là Bà chúa tầm tang : Hiếu Chiêu Hoàng hậu, mẹ Dũng lễ hầu Phước Tần ; hay Tống thị, “kỳ nữ họ Tống” với sắc đẹp làm khuynh đảo nhà Tiền Nguyễn, là nguyên nhân xa đưa đến cái chết của nhiều vị tử đạo và nhiều cuộc bách hại.
II. THẾ KỶ 17, DINHCHAM, CÁI NÔI CỦA ĐẠO THÁNH ĐỨC CHÚA TRỜI ĐẤT.
Chính sách mở cửa ngoại thương làm giàu xứ Đàng Trong đã được các vị chúa Nhà Tiền Nguyễn nầy hết sức coi trọng. Đàng Trong mỗi ngày một thịnh vượng. Tàu buôn các nước Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Nhật Bản... thường xuyên lui tới.

Người Bồ Đào Nha, với tên gọi người Hoa Lang đã xin phép mở thương điếm tại Đàng Trong vào năm 1613, vào giai đoạn Nhật Bản bế quan tỏa cảng và ban hành những chỉ thị bách hại đạo công giáo. Nhiều thương gia Nhật Bản công giáo đã đến dây buôn bán, giữ đạo và thành hôn với các phụ nữ bản xứ. Bên cạnh Cửa Hàn Touron, Hoài Phố Faifoo, Dinh trấn Thanh Chiêm cũng là một thủ phủ quan trọng. Nhận thấy việc cần giúp đỡ những tín hữu nầy sống đúng luật đạo, ngày 18 tháng 01 năm 1615, một phái đoàn truyền giáo Dòng Tên chính thức được phái đến Đàng Trong, Bề trên là linh mục Francesco Buzomi, linh mục Diego Carvalho và ba thầy trợ sĩ Bồ Đào Nha và Nhật Bản. Họ dùng chân tại Cửa Hàn (Touron) nơi có một cộng đồng Nhật Bản sinh sống và sau đó đến Hội An (Hải Phố, Hoài phố, Faifoo…) dạy giáo lý , rửa tội và hợp thức hóa các đôi hôn phối Việt Nhật. Trước giai đoạn nầy cũng đã có một số tín hữu người Việt công giáo, không nhiều lắm như mẹ con bà Phanxica và Gioanna được các cha rửa tội sinh sống tại dây.

Năm 1617, cha Bề trên tỉnh Dòng Tên Nhật Bản tại thành phố Ma Cau (Áo môn) gữi tiếp hai linh Mục Borri và Pina đến. Thời kỳ nầy cha Buzomi thành lập cơ sở Nước Mặn, Qui Nhơn. Cha Pina cũng vào sinh sống tại đó ít lâu, sau được chuyển về giúp đỡ Nhật kiều công giáo tại Hội An. Nhận thấy người Việt đón nhận Tin Mừng dễ dàng và giữ đạo sốt sắng, linh mục Pina quyết định chuyên tâm giúp đỡ người Việt. Khoảng năm 1619-1621, linh mục lên ở hẳn tại Dinh Trấn Thanh Chiêm, mua nhà và học tiếng Việt. Lá thư viết năm 1623, hiện được lưu trữ tại thư viện Adjuda, thủ đô Lisboa Bồ Đào Nha đã được linh mục Roland Jacques phát hiện và giải mã tác giả không thể ai khác ngoài linh mục nầy. Chính cha dấn thân vào việc tìm hiểu ngôn ngữ, văn phạm, ghi chú những câu trích dẫn hay từ sách thánh hiền hoặc ca dao tục ngữ dân gian bằng mẫu tự La Tinh (chính xác hơn là mẫu tự Bồ đào nha). Công việc nầy đã mở đầu cho việc hình thành một phương pháp ký âm mới cho chữ Việt vốn bị lệ thuộc vào Hán Tự hoặc chữ Nôm khá phức tạp.

Văn bia Dinh trấn Thanh Chiêm đã ghi công người khai sáng cách ghi chữ quốc ngữ hiện nay. Dinh trấn Thanh Chiêm chính là cái nôi của chữ quốc ngữ. Nơi đây xứng đáng để xây dựng bảo tàng chữ Quốc ngữ, thứ chữ viết mới giúp dân Việt thoát nạn mù chữ, tiến bộ, văn minh và hiện nay thuận lợi trong việc hội nhập thế giới qua xa lộ thông tin Internet. Đang tuổi đời sung sức, bao dự định đầy triển vọng thì Chúa lại đột ngột gọi ngài về trước lễ Giáng Sinh 1625 trong sự tiếc thương vô hạn. Ngài được an táng tại Hội An. Phải chăng ngôi mộ ngài nắm sát ngôi mộ của linh mục Gioan Baotixita Sanna mất năm 1726 cũng tại Hội An ?

Dinh trấn Thanh Chiêm là trung tâm giao dịch thương mại và văn hóa của Đàng Trong, nơi tập trung nhiều nhiều trí thức, khoa bảng. Một thế hệ nho sĩ và các nhà hoạt động tôn giáo đang hướng về những cái mới từ Tây phương mang đến : khoa học và triết học, thần học. Việc tiếp nhận đức tin của họ giúp đỡ rất nhiều cho công việc truyền giáo. Họ phiên dịch kinh nguyện, trình bày giáo lý, sáng tác thơ văn, truyền bá chân lý. Ngược lại, họ cũng tiếp thu những kiến thức khoa học mới về thiên văn, địa lý, kiến trúc, hội họa phương tây qua các Ki tô hữu Bồ Đào Nha và các nhà truyền giáo uyên bác như Borri, Pina... Lịch sử còn ghi lại vị lão nho uy tín Quảng Nam tinh thông Việt ngữ, am tường văn hóa Việt Nam, sau khi tranh luận và âm thầm tìm hiểu đã phục lý và đã được Rửa tội với tên thánh Giuse. Cụ còn lôi cuốn vị quan về hưu Phêrô, sư cụ danh tiếng Manuêlê, cụ Phaolô, cố vấn pháp luật của hoàng tử Kỳ vào đạo Thiên Địa Chân Chúa.

Năm 1624, cha Alexandre de Rhodes và Jeronimô Majorica đã sống ở đây, học tiếng Việt với cha Pina và nhiều người khác. Đặc biệt với cậu bé mang tên Raphaen Rhodes.

Với một đội ngũ trí thức thánh thiện, uy tín và năng động như thế, đạo công giáo đã bén rễ sâu chỉ sau một thập niên. Báo cáo của cha Gaspar Luis năm 1621 về Đàng Trong cho thấy đạo Đức Chúa Trời Đất đã đặt nền móng vững chắc tại Đàng Trong.

Tuy nhiên, nước Bồ Đào Nha mỗi ngày thêm sa sút. Sự xuất hiện của những cường quốc mới như Hòa Lan, Anh Quốc chống công giáo đã gây nhiều phiền toái. Hoa Lang đạo, đạo của người Bồ càng lúc càng bị nghi ngờ. Ngoài ra, những lối hành xử độc đoán nhân danh đức tin của một số giáo sĩ gây nhiều hiểu nhầm dễ dẫn đến những cuộc bách hại.

Chúa Nguyễn Phước Lan nghe lời Tống thị quyết loại trừ thầy giảng Y Nhã, một cánh tay đắc lực của linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes). Người thừa hành án lệnh là Ông cai bạ Quảng nam : Ông nghè Bộ. Ý Chúa nhiệm mầu, người chứng thứ nhất không phải là thầy Y Nhã mà lại là thư sinh giáo lý viên Anrê xứ Ranran (Phú An phủ).

Qua các bản tường trình chúng ta biết rõ ràng từng chi tiết cuộc hiến tế đầu mùa của thầy Anrê. Tại Dinh Cham tức Dinh trấn Thanh Chiêm, thầy đã bị xét xử, bị kết án tử hình và bị giết chết trong vòng 24 tiếng đồng hồ vì cương quyết “giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi cho đến trọn đời”.

Hôm đó là ngày 26 tháng 7 năm 1644.

Ông Nghè Bộ cũng đồng lúc bắt giam ông già Anrê Sơn (1579 ?- 1648) Ông là một vị quan nghỉ hưu, một cột trụ của giáo hội Đàng Trong vào năm 1644. Biên bản các người Bồ Đào Nha chứng kiến cuộc xử án thầy Anrê Phú Yên đã nói nhiều về ông. Cuối cùng , tuy không bị giết, nhưng ảnh tượng và sách vở trong nhà ông bị tịch thu và bị đem đốt. Sách gì ? Sách đạo, sách giáo lý Đàng Trong tiếng Việt, sáng tác thơ ca tôn giáo của ông và bạn bè đồng đạo. Tất cả tan theo tro bụi, một sự mất mát lớn về văn hóa.

Kể từ cái chết của thầy Anrê, vùng đất nầy đã trở thành nơi hành hình của nhiều lớp sĩ phu công giáo. Điển hình là cái chết của Alexù Dậu, một tín hữu danh tiếng mẹ Việt, cha Nhật Bản. Cái chết của nhà trí thức Gião Vượng hoặc Gioan Thanh Minh, người vị vọng và nổi tiếng về văn thơ năm 1663.

Cột trụ cuối cùng của tín hữu vùng đất nầy là công chúa Maria Mađalêna Ngọc Liên (1596-1665). Bà theo chồng sống tại Dinh Trấn biên Phú An sau vể hưu ở Dinh trấn Thanh Chiêm. Có thể do tư thù trấn thủ mới An võ hầu Tôn thất An bất chấp địa vị hoàng tộc của bà, sỉ nhục và đàn áp đến nỗi không chịu nổi khát nước bà đã chối đạo “bề ngoài”, khi cha Louis Chevreuil, M.E.P đến, bà đã thống hối và chết thánh thiện.

Chúng ta còn kể thêm tên hai nhân vật xuất thân từ Dinh trấn nầy đã ghi dấu ấn không phai mờ trong lịch sử Giáo hội và văn hóa là Raphaen Rhodes. Linh mục Đắc Lộ học tiếng Việt với thiếu niên Thanh Chiêm 13 tuổi.

"Người giúp tôi đắc lực là một cậu bé người xứ này. Trong ba tuần lễ đã dạy tôi các dấu khác nhau và cách đọc hết các tiếng. Cậu bé không hiểu tiếng tôi mà tôi thì chưa biết tiếng cậu, thế nhưng, cậu có trí thông minh biết những điều tôi muốn nói. Và thực thế, cũng trong ba tuần lễ, cậu học các chữ của chúng ta, (tức của người Âu Châu), học viết và học giúp lễ nữa (bằng tiếng La tinh). Tôi sửng sốt thấy trí thông minh của cậu bé và trí nhớ chắc chắn của cậu. Từ đó cậu đã làm thầy giảng giúp các cha. (...), cậu rất mến thương tôi nên đã muốn lấy tên tôi đặt cho cậu, tức là RAPHAËL RHODES".(Hành trình và Truyền giáo, bản dịch Hồng Nhuệ, tr. 56)

Sau nầy ông là cột trụ nâng đỡ giáo đoàn Đàng Ngoài.

Linh mục Lữ y Đang (Đương), trong bản điều tra về thầy Anrê Phú Yên tử đạo, ông đã ký tên Đươn. Sấm Truyền Ca, tác phẩm của ông và có thể có cả thân phụ là ông Anrê Sơn còn để lại dấu ấn mạnh mẽ với gần 5000 câu thơ lục bát trong sáng, chữ thuần Việt, một tác phẩm phiên dịch Kinh Thánh Cựu ước, 100 năm trước thi hào Nguyễn Du.

Từ năm 1660 trở đi, Huế, Touron (Đà Nẵng), Hội An, Cacham (Kẻ Chàm) là nơi diễn ra nhiều cuộc bách hại. Người công giáo bị bắt bớ, cướp bóc của cải , tống ngục, giết chết nếu không từ bỏ đức tin và chà đạp Thánh giá. Thời đó, người ta muốn hạ bệ vua Bồ Đào Nha nên đồng hóa thánh giá như là biểu tuợng vua Bồ Đào Nha (theo linh mục Vachet). Người Nhật Bản công giáo có đến 300 sinh sống tại Hội An đã chối đạo, lôi theo 130 người giàu có công giáo tại Kẻ Chàm (Dinh trấn), nhưng nhiều tấm gương anh dũng làm chứng cho đức tin vẫn ngời sáng như trường hợp bốn cụ già, mấy phụ nữ và bốn trẻ em trong đó có cô bé Lucia 13 tuổi. Cả một tập thể công giáo có học thức, có địa vị và giàu có vì đạo Chúa mà phải lầm than khốn khổ. Tuy không có tên trong sổ bộ các thánh nhưng họ chính là những thánh tử đạo tiên khởi người Việt hoặc Nhật Bản trước mặt Chúa và loài người.

III. THẾ KỶ 18 ĐẦY BIẾN ĐỘNG.

Khi Giáo hội chuyển quyền bảo trợ Bồ Đào Nha sang việc thiết lập các giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài cũng như phong chức cho các vị Giám mục Tông tòa năm 1659, Giáo hội Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới với sự tham gia của các Thừa Sai Paris (Mission Etrangere de Paris, viết tắt là MEP). Các vị sang đây với trách nhiệm rõ rệt là xây dựng Giáo hội địa phương và đào tạo hàng Giáo sĩ bản quốc. Nhiều họ đạo mới được hình thành, trong khi đó cộng đồng công giáo Dinh trấn Quảng Nam lụi tàn. Trong buổi giao thừa, các nhà truyền giáo có nhiều điểm dị đồng dẫn đến nhiều tranh cãi. Giữa thế kỷ 18, Tòa Thánh phải cử Đức giám mục Francois Elzear Achards de la Baume đến phân xử. Thống kê năm 1747 cho biết vùng quanh Dinh trấn Thanh Chiêm được cai quản bởi các linh mục Dòng Tên, dòng Phan Sinh, Dòng Truyền bá đức tin và các linh mục thừa sai Paris. Kẻ Thá, Đồng Đúc (Phước Kiều), Bằng An thuộc quyền chăm sóc của các cha Dòng Tên, trong khi xứ Cồn Úc (Cần Húc theo Lê quý Đôn) lại thuộc các thừa sai Paris, Trà Kiệu thuộc các linh mục Phan Sinh.

Các chúa nhà Tiền Nguyễn tiếp tục chống đối đạo thánh. Nắm 1750, toàn bộ giáo sĩ ngoại quốc bị trục xuất. Cuộc khởi nghĩa năm 1774 của Tây Sơn, cuộc tiến quân vào Đàng Trong của Chúa Trịnh và việc chống đỡ của Nhà Nguyễn biến vùng đất trù phú thịnh vương Quảng Nam thành bãi chiến trường và đói kém. Dinh Trấn bị chà qua xát lại và hoàn toàn bị xóa sổ

IV . THẾ KỶ 19, CAO ĐIỂM BÁCH HẠI.

Vua Gia Long thống nhất đất nước chưa được bao lâu. Dân chúng vừa được an cư thì vua Minh mạng hạ lệnh bắt đạo. Vào năm 1833, vua ra lệnh chuyển dời tỉnh lỵ Quảng Nam về làng La Qua cách đó vài cây số. Vài năm sau, vua ra lệnh cấm đạo. Các vua kế nghiệp như Thiệu Trị, Tự Đức cũng tiếp tục chính sách đàn áp. Giáo dân vùng đất nầy tan tác. Giáo dân Quảng Nam cùng với giáo dân Huế, Quảng Trị là những chứng nhân đức tin tiên phong. “Quảng Nam Tỉnh đạo nhơn sự tích giảng” viết trước năm 1870 có ghi :

Ất Mùa niên lệnh truyền mở hội.
Đông thiên hề (?) sấm nổỉ sét vang
Quảng Nam đầu quyển dư ngàn,
Trường nhì trường thứ nghênh ngang thậm nhiều,
Bị quan phúc nhặt đánh phiêu
Trường ba còn chẳng bao nhiêu sĩ hiền

Bến Chợ Củi, cũng gọi bến Kẻ Tội bên giòng sông Thu Bồn và Sài giang (sông Chợ Củi) thơ mộng đã chứng kiến bao cái chết ngoan cường như cuộc hành hình vào năm Canh Thân (1860) của Linh mục Stêphanô Phạm Tín Lợi (Bình Định), chủng sinh Phaolô Nguyễn văn Võ (Bàu Nghè An Ngãi), Simon Nguyễn văn Nguyên (Lộc Hòa, Phú Thượng), Philipphê Nguyễn văn Học (Bàu Nghè, An Ngãi).

Bốn người trí mạng một ngày
Tại bến Kẻ Tội, tớ thầy thăng thiên
Hồn về chầu Chúa vô biên
Chói lòa rực rỡ, bình yên đời đời.

Trong số những người bị bắt năm Tự Đức thập nhị niên tức 1858, có Biện Thọ, người Phường Đúc, ông phải bị đi đày và chết trong Tây Thành .
Án lưu hai mươi ba ông.
Biện Thọ, Phường Đúc, chết trong Tây Thành.

Tây Thành là đâu ? “Phát hồi Gia Định”, chính là thành Gia Định. Sách Hạnh Đức cha Thể, in tại Qui Nhơn năm 1907, trang 72 cho thêm chi tiết.

“Vã Biện Thọ, họ Phước Kiều, phải đày và chết ở chốn cách (khách) đày; thầy Luông, họ Ngọc Kinh, chết trong ngục ; ông cả Hữu, họ Phú Thượng, bị án oa trữ cha Lợi, phải mang xiềng nặng gông nặng cầm trong ngục, chờ án bộ về, nhưng khổ quá, chết gấp rũ tù, không kịp xử ; ông Cả Lương, thuộc họ Phú Thượng, cũng bị án chứa cha Lợi, là án trảm quyết, mà bởi quá trăm tuổi, nên quan cứ luật mê giam đãi tệ, là cầm nhặt cho đến chết”

Khi kinh đô Huế thất thủ năm 1884, phong trào Cần Vương do các Văn Thân chủ xướng với khẩu hiệu Bình tây Sát Tả, người công giáo cả tỉnh Quảng nam phải điêu đứng. Văn thân chiếm thành tỉnh, chiếm đoạt vũ khí và chuyển súng thần công vây hãm Trà Kiệu. Trong hoàn cảnh đó khó còn giáo dân nào có thể bám trụ.

V. THẾ KỶ 2O, XÂY DỰNG TRÊN ĐỐNG TRO TÀN.

Đầu thế kỷ 20, môt số người công giáo quy tụ về Hội An, Vĩnh Điện, Phước Kiều. Các linh mục Jean Baptiste Bruyere Nhơn, Pierre Auguste Gallioz Thiết và Joseph Lalanne Lân vừa lo cho họ Trà Kiệu vừa chăm sóc Hội An, Phước Kiều. Sau khi di chuyển nhiều nơi như Lệ Sơn, Hộ Diêm, Cồn Dầu, năm 1930, linh mục Pierre Auguste Gallioz Thiết về Phước Kiều lập trụ sở, xây nhà thờ tại Phước Kiều và coi sóc họ Hội An và La Nang (Phong Thử). Đây là giai đoạn vàng son của Phước Kiều. Nghề đúc đồng thịnh vượng, dân cư giàu có văn minh. Hãy xem bức hình chụp năm 1938 cũng có thể hình dung ..

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, gia đình ở không xa Phước Kiều trong truyện ngắn Tiếng Đồng đã mô tả Phước Kiều như sau:

“Làng P.K., một cái làng khá lạ lùng đối với thế giới ruộng đồng bao la của chúng tôi. Cho đến nỗi bàng lân với nhau mà dân làng tôi gần như chẳng mấy quen biết dân làng ấy. Có hai lý do của sự ngăn cách. Họ theo công giáo và chuyên nghề đúc đồng. Nói là theo công giáo, nhưng tôi vẫn thấy có đình và cả chùa nữa dựng không xa giáo đường bao nhiêu. Mà giáo dân thì từ bao giờ cho đến thời ấy chỉ một ngày một phát triển ngay trong các gia đình giáo dân chứ tuyệt nhiên không tràn sang nhà người đi lương (đến bây giờ thì như chỉ còn khoảng năm bảy gia đình) mặc dầu ở đó có cả một ông cố đạo người Pháp, cố Thiết... Lúc còn nhỏ, tôi không dám đi vào làng ấy. Vì vào làng phải qua hai con đường. Con đường thứ nhất nhỏ hẹp, hun hút…Con đường thứ hai phải băng qua giáo đường cao lớn, trắng xóa, nhọn hoắt lạ lùng... (Tiếng đồng của Nguyễn Văn Xuân. Tuyển tập Nguyễn văn Xuân, trang 466-467, Nhà xuất bản Đà Nẵng 2002)

Ông Nguyễn văn Xuân sinh năm 1921, ông kể câu chuyện năm ông 14 tuổi tức năm 1935, như thế hai việc hoàn tòan trùng khớp với giai đoạn linh mục Pierre Auguste Gallioz MEP, cố Thiết làm quản xứ.

Vào thời kỳ đó cơ quan hành chánh quan trọng của tỉnh Quảng Nam nằm ở làng La Qua. Tổng đốc Nam Ngãi (Quảng Nam và Quảng Ngãi) là ông Ngô Đình Khôi. Là người công giáo, gia đình ông không dự lễ ở Hội An, nơi có công sứ Pháp mà thường dự thánh lễ tại nhà thờ Phước Kiều hoặc nhà thờ nhỏ bé La Nang. Ông ủng hộ việc các nữ tu Dòng Thừa Sai Phan Sinh Đức Mẹ (Franciscaines Missionnaires de Marie ) đến làm việc tại làng La Qua và chuẩn bị việc thành lập một trường nữ Trung học cho con em trong tỉnh Quảng Nam. Các nữ tu qua sự trung gian của Đức Cha Tardieu Phú, mua được một lô đất rộng gần hai mẫu tây giá 1500 đồng bạc Đông Dương và bắt đầu xây dựng một trạm xá y tế. Các nữ tu làm việc rất đắc lực và được dân trong cả vùng Điện Bàn, Duy Xuyên mến mộ. Đến năm 1935, cố Thiết được chuyển về họ đạo Hội An nhưng vẫn lo cho Phước Kiều.

Nhưng rồi thế chiến thứ hai bùng nổ năm 1939. Tại Việt Nam, Nhật Bản đảo chính lật đổ người Pháp, các nữ tu và linh mục Thiết buộc rời bỏ nhiệm sở. Biến cố kế tiếp là phong trào Việt Minh cướp chính quyền và chiến tranh Việt Pháp bắt đầu. Đây là một giai đoạn đau thương của vùng đất nầy. Những cụ già kể lại, sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Trung Hoa đến giải giới đã đóng đồn tại nhà thờ và không rõ do dịch bệnh hay đói khổ, họ chết rất nhiều. Cố Thiết được đi “an trí” ba năm tại vùng “tự do” Việt Minh từ 1946 đến 1948. Tình hình an ninh từ năm 1947 đến 1954 không thuận tiện cho việc thờ phượng tại nhà thờ Phước Kiều nên vào năm 1948 nhà thờ Phước Kiều và tất cả trang thiết bị như chuông trống đã được linh mục Mollard Lễ chuyển về Vĩnh Điện, cách đó ba bốn cây số. (BC: Cho Vĩnh Điện “nợ” đó nghe). Giáo họ Phước Kiều lại một lần nữa tan tác. Giáo dân kẻ lên Trà Kiệu, người ra Đà Nẵng hoặc các thành phố lớn khác. Sau năm 1954, nhà thờ được xây dựng lại trên nền cũ nhưng không còn quan trọng như xưa, dầu dân chúng làm ăn khấm khá nhờ nghề đúc đồng. Rồi chiến tranh lại tái diễn cho đến năm 1975 hòa bình được lập lại. Trong thời bao cấp, kinh tế hậu chiến khó khăn, nghề đúc đồng mai một, dân chúng cầm cự bằng nghề đúc xoong nồi nhôm. Phước Kiều Gò Nổi trực thuộc giáo xứ Vĩnh Điện. Mỗi tuần các cha đến dâng lễ, các em về Vĩnh Điện học giáo lý.

Sau đây là danh sách các cha đã phục vụ tại giáo xứ Vĩnh Điện kiêm giáo họ Phước Kiều, Gò Nổi.

1. Lm. Pierre Gallioz Thiết, 1930 -1948
2. Lm. Mollard Lễ, 1948- 1951.
3, Lm. Amedee Benoit Sáng, 1951-1953
4. Lm. Phaolo Võ Hữu Tư, 1953 -1956
5. Lm. Gioan Baot. Trần Anh Tuấn, 1956- 1960
6. Lm. Giacôbê Nguyễn Đình Thuận, 1960 -1971
7. Lm. Giacôbê Nguyễn Thành Tri, 1971- 1975
8. Lm. Anrê Tôn Thất Phái, 1974-1975
9. Lm Giuse Nguyễn văn Cử, 1975
10. Lm. Đôminicô Nguyễn Thanh Liêm, 1975- 1985
11. Lm. Phêrô Lê Như Hảo, 1985- 1987
12. Lm. Giuse Nguyễn Văn Thông 1987- 1994
13, Lm. Antôn Trương Gia Ninh, 1994-2001
14. Lm. Phêrô Vũ Văn Khóa, 2001-2007

Sau đời Cha Vũ Văn Khóa, Phước Kiều trực thuộc Giáo xứ Hội An.

GIÁO HỌ GÒ NỔI

Trong chiến tranh chúng ta đã biết nhiều về Gò Nổi “Nhất Củ Chi, Nhì Gò Nổi”, hai địa danh tràn ngập bom đạn. Tuy không có di tích “vật thể” nào nổi bật, nhưng Gò Nổi “phi vật thể” thì lại quá nổi tiếng. Đây là vùng đất nối dài của Dinh Trấn Thanh Chiêm về phía Tây, nơi hàng năm phải gánh chịu nhiều trận lụt lớn. Dù vậy, do đất đai màu mỡ, chẳng ai nghĩ đến chuyện di dời. Nơi đây là quê hương của bao anh hùng dân tộc và bao văn nhân thi sĩ : Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, Đại quan Phạm Phú Thứ, nhà văn Phan Khôi, nhà hùng biện Phan Thanh, thi sĩ Xuân Tâm, bà Nguyễn thị Bình... Đây là vùng đất học và là quê hương của nhiều nhà doanh nghiệp đặc biệt ngành dệt may.

Đạo Chúa cũng đã cắm rễ từ thế kỷ 17, nhưng do chiến tranh liên miên, bão lụt và cấm cách trong nhiều thế kỷ, đạo chưa bén rễ sâu , phải luôn luôn bắt đầu lại. Theo tài liệu làng Bảo An (Điện Quang), cuối thế kỷ 19 đã có nhiều người tòng giáo và trước cách mạng tháng Tám, khu vực nầy đã có hai nhà nguyện Bảo An và Nam Kỳ. Ngày nay con cái công giáo Gò Nổi cũng đang có mặt tại nhiều vùng đất tại Việt Nam và trên thế giới như Pháp Quốc và Hoa Kỳ… Riêng những người hồi hương sau chiến tranh hiện nay chỉ còn 42 hộ , họ ước mong chính sách tôn giáo được mở rộng để một nhà nguyện sẽ lại được mọc lên trên vùng đất đau thương và anh hùng nầy trong một tương lai gần.

VI. THẾ KỶ 21 ĐANG CHỜ ĐỢI.

Vào năm thánh 2000, thầy giảng Anrê Phú yên được Đức Thánh cha Gioan Phaolô 2 nâng lên hàng Á Thánh. Lm Phêrô Vũ văn Khóa, cha sở Vĩnh Điện khởi sự công việc trùng tu thánh địa. Tháng 12 năm 2006, Đức Giám mục Giuse Châu Ngọc Tri quyết định sáp nhập Phước Kiều và Gò Nổi vào Giáo xứ Hội An do lm Antôn Nguyễn Trường Thăng và Tôma Võ Minh Danh coi sóc.

Ngày 26 tháng 7 năm 2007, Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, giáo phận Đà Nẵng nâng nhà nguyện Phước Kiều lên hàng Đền Thánh. Từ đó, hàng năm đến ngày 26 tháng 7, ngày giỗ của Á Thánh, toàn thể giáo phận lại quy tụ cử hành Đại lễ long trọng. Ước mong sẽ có một ngày, ngôi Đền dâng kính “Hiển Thánh” Anrê Phú Yên sẽ thay thế ngôi nhà nguyện bé nhỏ đơn sơ nầy và trở thành Trung tâm Hành Hương quan trọng của Giáo hội Việt Nam. Chỉ còn năm năm nữa, Giáo hội Việt Nam mừng 400 năm Tin Mừng chính thức đến Hội An. Món quà lớn nhất mà Đức Thánh Cha sẽ ban cho chúng ta là “Hiển thánh” Anrê Phú Yên. Mong vậy thay.

Vào đầu thế kỷ 20, giáo họ Phước Kiều dâng hiến một số người con linh mục và tu sĩ như linh mục Giuse Dương Ngọc Liên (1883- 1944) và tu sĩ dòng Lasan Antôn Thiện. Ngày nay, con cháu gốc Phước Kiều có linh mục Biển Đức Nguyễn Tấn Khóa, Nữ tu Lê thị Miên, Dòng Nữ tử Bác Ái, trước đấy là Giám tỉnh Dòng ; nữ tu Saint Jean Trần Thị Anh, người đã được bầu chọn làm Bề trên Giám tỉnh Tỉnh Dòng Thánh Phaolô thành Chartres Đà Nẵng hai nhiệm kỳ và hiện là cố vấn dòng tại Rôma. Linh mục Nguyễn Hữu Trường Sơn đang du học tại giáo đô Rôma.

Số giáo dân hiện nay của Phước Kiều ghi danh là 130 người, thuộc 41 hộ, nhưng hiện diện khoảng 114. Gò Nổi có 107 nhân danh, 42 hộ, hiện diện thường xuyên 90. Trình độ học vấn Đại học và cao đẳng cả hai nơi là 18 người. Với chương trình Căn Nhà Đồng tâm (Giáo phận giúp từ 10 đến 12 triệu), hai giáo họ xây được 14 nhà, trong đó dành cho anh em không công giáo 5 nhà. Nhờ sự cố gắng của gia đình, gia tộc, thân hữu, chính quyền, họ đã xây nhà trị giá xây dựng thấp nhất 25 triệu và cao nhất 80 triệu.

VII. TẠM KẾT

Gần 400 năm qua đi, Dinhcham, Dinh trấn Thanh Chiêm với họ đạo vẫn còn đó như một dấu ấn không phai mờ của Giáo hội Việt Nam. Giáo hội rất nhỏ bé nhưng là bé hạt tiêu. Những nhân vật đạo đời, mà cuộc sống chói ngời vẫn còn đó.

Những lời thơ, tiếng đồng chuông, khánh, cồng, chiêng vẫn còn ngân vang . Một thế hệ mới đang khởi đầu với nhiều hy vọng. Dân tộc Việt Nam sẽ trường tồn cùng với chữ quốc ngữ Thanh Chiêm khai sáng. “Tiếng ta còn, nước ta còn”. Giáo hội Việt Nam vững tiến bước đi giữa giông bão và như Á thánh Anrê Phú Yên, quyết “Giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi cho đến trọn đời”.

Hội An ngày 09 tháng 5 năm 2010 
Lm. Antôn Nguyễn Trường Thăng.
Quản xứ Hội An kiêm Quản trị Đền Á Thánh Anrê Phú Yên tại Phước Kiều.

Thật sự, nhờ qua chuyến đi này mà tôi mới được biết nhiều nơi thánh địa của vùng Quảng Nam và Phú Yên. Quê hương Việt Nam thật oai hùng vì có nhiều vị thánh tử đạo đã anh dững đổ máu đào để giữ vững đức tin của mình. 

Buổi trưa hôm ấy, phái đoàn hành hương chúng tôi ghé thăm nhà thờ Thánh Tâm ở Quảng Ngãi. Chúng tôi được gặp gỡ cha Trương Đình Hiền là vị linh mục chính xứ. Ngài có biệt tài viết các bài giảng rất hay.

Tối hôm ấy, phái đoàn ngủ ở Tòa GM Qui Nhơn. Cha Trưởng Đoàn còn cho mọi người đi thăm mộ của thi sĩ Hàn Mạc Tử và một nơi tôn kính Đức Mẹ Maria. Cám ơn Dòng Tên đã mở mắt và mở trái tim của chúng con để nhận biết những tinh hoa của dân tộc Việt Nam.

Kim Hà
28/1/2015

 

 

 

 

 


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thơ Kính Đức Mẹ Lộ Đức (2/11/2015)
Ðức Mẹ Lộ Ðức, 11/2 (2/11/2015)
Đức Mẹ Lộ Đức Tại Việt Nam (2/8/2015)
Mẹ Đã Chọn Lavang Mà Hiện Đến Giữa Thời Ly Loạn Khốn Khổ Trăm Bề! (2/7/2015)
Kính Mừng Maria Đầy Ơn Phước (2/2/2015)
Tin/Bài khác
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, Cầu Cho Chúng Con, Lm Antôn Nguyễn Văn Độ (1/1/2018)
Sự Suy Tưởng Của Đức Mẹ ! (1/1/2018)
Tình Mẹ (1/1/2018)
Nữ Vương Hòa Bình, Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lm Giuse Nguyễn Hữu An (1/1/2018)
Chúng Con Ở Nơi Khóc Lóc Than Thở Kêu Khẩn Mẹ Thương! (1/26/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768