MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Cn 2756: Hành Hương La Vang Và Lăng Tử Đạo Trí Bưu, Tỉnh Quảng Trị (5)
Thứ Ba, Ngày 27 tháng 1-2015

CN 2756: HÀNH HƯƠNG LA VANG VÀ LĂNG TỬ ĐẠO TRÍ BƯU, TỈNH QUẢNG TRỊ (5)

Sáng thứ ba 13/1/2015, phái đoàn hành hương chúng tôi hạnh phúc được dự thêm Thánh Lễ thứ hai tại thánh địa Đức Mẹ La Vang. Cha Trưởng đoàn cho phép phái đoàn được ở lại cầu nguyện với Đức Mẹ Maria cho đến khoảng 10 giờ sáng thì mới đi thăm Đền Các Thánh Tử Đạo tại Trí Bưu và nhà thờ Trí Bưu, nơi có hơn 400 người tử đạo khi quân của Văn Thân đốt cháy họ trong nhà thờ.

Thật sự giáo xứ Trí Bưu không ở xa Thánh Điạ La Vang bao lâu nhưng giờ này chúng tôi mới được biết đến sự kiện có một số lớn các thánh tử đạo chết tại vùng Trí Bưu này.

Xin được trân trọng giới thiệu với quý vị một bài viết về Trí Bưu từ http://antontruongthang.com

Trí Bưu, một giáo xứ kỳ cựu của Giáo phận Huế (1690), toạ lạc cạnh thành cổ Quảng Trị, cách La Vang 6 km hướng Đông-Bắc. Trước gọi là Cổ Vưu, đến thời nhà Nguyễn, Cổ Vưu được chọn để xây nhà bưu trạm, vì vậy Cổ Vưu đã cải tên làng thành Trí Bưu. Lăng Tử Đạo tọa lạc trước mặt Nhà Thờ Trí Bưu, cách chừng 70 m.
 
1. LƯỢC SỬ BIẾN CỐ TỬ ĐẠO[1] (NGÀY 07 THÁNG 09 NĂM 1885)
 
1.1. Bối cảnh thời đại
 
Đầu thế kỷ 19, dưới triều vua Gia Long, người Pháp được ưu đãi trong giao thương buôn bán và truyền bá đạo giáo Ki-tô, khiến quan lại trong triều tỏ ra bất bằng. Đến các triều đại kế tiếp, sự bất mãn ngấm ngầm ngày càng gia tăng và đã có cuộc bách hại người Công giáo hết sức khốc liệt dưới thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Sau khi cửa Thuận An thất thủ[2], triều đình nhà Nguyễn buộc phải ký hòa ước năm 1884, chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp. Từ đó phái Văn Thân và các quan phụ trách chính uất ức đến cực độ, bí mật truyền các mật dụ “Bình Tây Sát Tả[3]” vầ chuẩn bị kỹ lưỡng cuộc nổi loạn tại Kinh Thành.
 
Cuối tháng 7 năm 1885, cuộc binh chiến ở kinh thành Phú Xuân bất thành, hai quan phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa vua Hàm Nghi ra lánh nạn tại Tân Đô Cùa (Cam Lộ) cùng với các yếu nhân trong triều đình như trong Hịch của vua Hàm Nghi đã viết: “Trẫm quyết định huyết chiến tại Huế, nếu được thắng lợi, thì khanh Nguyễn Văn Tường phải tổ chức một đội cấm binh hộ giá ra tỉnh Nghệ An và Hà Tỉnh; còn khanh Tôn Thất Thuyết phải lưu lại Huế để tiến hành việc “Sát Tả[4]”, vì bọn này là quân thông mưu với mọi Tây Dương. Nếu như chúng ta thất bại, trẫm và tùy giá phải đào nạn hầu tìm một phương kế khác mà khôi phục giang sơn”.
 
Khi đến Tân Sở lánh nạn được quan Văn Thân hỗ trợ đắc lực, họ xây thành đắp lũy, tích cơ dồn binh để tìm cơ hội thuận tiện nhất tề đồng khởi. Và thời cơ đã đến, vào ngày 06/09/1885 lợi dụng quan tuần vũ Quảng Trị đi dự đám tang của người em họ là Đô Thống Trương Đăng Đệ tại Chợ Sãi, quân Văn Thân liền bao vây chiếm thành Quảng Trị.
 
1.2. Diễn biến Biến Cố tử đạo của giáo hữu Trí Bưu
 
Cha Mát-thêu (Cố Thiện) làm chánh xứ lúc đó, sau khi tìm hiểu tình hình, trên đường trở về xứ đạo thì nghe một phát súng nổ long trời lỡ đất từ trong thành cổ bắn ra, báo hiệu sự làm chủ hoàn toàn của Văn Thân. Lập tức cố Thiện viết thư báo cho quan tướng De Courcy ở Huế rõ những việc xẩy ra và những nỗi eo le của giáo dân, và ngài cũng viết cho Đức Cha Lộc (Mgr Gaspar) mảnh giấy sau nầy: “Kính lạy Đức Cha, phái Văn Thân đã lấy tỉnh thành Quảng Trị rồi, tình cảnh chúng con rất eo le. Đức Cha có thể làm gì cứu chúng con được không? Nếu chúng ta không gặp nhau ở đời này nữa, thì xin giã Đức Cha, con đã quyết hy sinh chiều Chúa Nhựt”.
 
Rồi chiều lại, cố Thiện chiêu tập con chiên của mình hội lại trong nhà thờ đông gần tám trăm, ngài giảng cho họ nghe, khuyến khích họ và giải tội lòng lành cho họ. Nhưng cái tấm kịch một đàn chiên, mà đại đa số là đàn bà và con nít, sắp sửa bị chết một cách chắc chắn làm cho ngài suy nghĩ và liền thúc giục ngài quyết định dìu dắt họ đào nạn. Ngài tỏ cho họ biết những nỗi lo sợ vì cái cảnh eo le, đoạn ngài khuyến khích họ hợp lại từng đoàn mà theo đường núi hiểm trở để chạy vào trốn trong hội giáo ở địa đầu tỉnh Thừa Thiên. Ngài đem hết lòng hăng hái và quả quyết mà thực hành cái định kế ấy, lúc thì hăm doạ, lúc lại khẩn nài đoàn chiên mình phải theo gót mình để bảo toàn tính mạng. Dẫu nghe lời cố nói lý gì, dẫu thấy sự hiểm nghèo sắp đến, cũng không làm cho họ hết do dự: người thì không đành trốn nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ nhà lìa cửa, người lại đã lâu ngày nghe hăm doạ bắt bớ, nên coi những sự ấy làm thường, không có thể tin rằng có một ngày người ta thực hành những điều hăm doạ ấy. Tại không muốn nghe, lại tại lầm, nên làm cho gần sáu trăm (600) giáo dân phải thiệt mạng.
 
Cố Thiện đã chọn xóm La Vang làm nơi gặp nhau trước khi do đường núi chạy vào Huế. Theo thì giờ đã định, chiều ngày mồng sáu, ngài cải trang ra đi với một vài người đồng hành. Cha phó của ngài là cha Bửu, phải dẫn những giáo dân còn lại mà theo ngài. Khi đã đi ngang qua các làng lương dân, khỏi bị chúng nhìn nhận và khuấy nhiễu, cố Thiện bây giờ sai người báo tin cho cha Bửu phải vội vàng đi cho kịp. Khi cha Bửu và các bạn đồng hành vừa đến La Vang, thoạt nhiên họ nghe những tiếng la kêu inh ỏi, họ kinh hoảng nên chạy tan tác, cha Bửu trở lui vì tin chắc chắn rằng: điều ấy không sao giải được, cố Thiện đã bị phái Văn Thân bắt rồi.
 
Về sau, người ta rõ rằng những tiếng la inh ỏi đó là những tiếng của các người kêu nhau và không dính líu gì hết với sự giáo dân đào nạn. Dẫu sao đi nữa, cha Bửu với các bạn đồng hành bị làng Long Hưng bắt và trói lại, có lẽ cha Bửu được thả ra, nên ngài trở về nhà thờ mình mà chịu chết.
 
Còn cố Thiện ẩn núp trong bụi mà đợi, nhưng vô ích, cha phó và các bạn đồng hành của ngài không thấy đến. Cố Thiện không dám ngủ lại trong xóm La Vang, nên ngài nằm ngoài đồng và hôm sau ngài gặp một số ít bổn đạo đã theo ngài.
 
Ngài tỏ cho họ biết cái sự quyết định của ngài là phải do đường núi mà vào Huế. Dẫu cực khổ đến đâu cũng phải thực hành cái định kế ấy, vì phàm người giáo dân nào mà lọt vào tay phái Văn Thân thì phải bị giết hại một cách thảm khốc.
 
Một người lương dân ở xóm La Vang, có lòng thương, xin thân hành đầu giáo dân đào nạn cho những con đường hiểm trở mình tường thuộc biết. Sau hết quyết định khởi hành ngày hôm sau để đợi cha Bửu có thì giờ mà theo.
 
Cố Thiện trốn trong một nhà có đạo, bất ngờ nghe những sự bàn tán của đồng đảng của phái Văn Thân, ngài muốn tránh sự thù hằn đã luỵ đến chủ nhà, nên ngài vội vàng chạy ra ẩn núp cả đêm ngoài bụi. Gần hai trăm giáo dân theo ngài, dẫu ngài khẩn nài thế nào, họ cũng từ chối không chịu theo ngài chạy vào Huế vì họ nói rằng họ muốn ở lại La-vang mà xem những thời cục xoay vầy ra sao. Cố Thiện thấy họ cứng cỏi không muốn nghe, mà mình khuyên bảo mấy cũng vô hiệu, ngài liền khởi hành ngày mồng bảy tháng chín tây (7/9/1885) với một vài người mà thôi. Đứng trên những đồi núi lúp xúp, ngài thấy các làng giáo dân thuộc về miền Dinh Cát bị đốt phá tan tành.
 
Ngày hôm sau, mồng tám tháng chín tây (8/9/1885), đoàn ngài trốn nạn, nào bị đói khát, nào bị say nắng, nhiều giáo dân phải nằm ngay giữa đường và vì sức mỏn, nên không theo được nữa. Sau hết người hướng dẫn họ báo cho họ biết rằng họ đã gần đến họ Ba Trục, ở đất người ta thấy cái tình cảnh khốn đốn của cố Thiện và các bạn đồng hành của ngài, làm cho người ta kinh khủng và vội vàng đi đón những người trì hoãn cùng cấp cứu những người đã ngã dọc đường vì đói mệt.
 
Ai nấy đều tưởng cố Thiện đã bị giết, nhưng ngài đến Huế ngày 9 tháng 9 năm 1885. Ngày hôm trước, là mồng tám tháng ấy, quan tướng De Courcy đã phái một toán binh ra tái chiếm tỉnh thành Quảng Trị. Cha Allys (Cố Lý)[5] đồng đi với toán binh ấy. Ngài còn ghi nhớ rõ ràng những cái thời cục thảm hại ấy[6].
 
Sau khi khuyến khích mà ít ai nghe, cố Thiện lìa địa sở Cổ Vưu[7]; ngài đi rồi, thì tám trăm giáo dân, một phần giải tán khắp làng, còn một phần khác (đại đa số là đàn bà với con nít) chạy vào nhà thờ đóng bịt cửa lại mà ẩn núp.
 
Buổi mai ngày 7 tháng 9 năm 1885, ông Đội Cự, tướng Văn Thân, chia toán quân mình ra làm hai đoàn: đang lúc đoàn nọ bổ vây làng Cổ Vưu, thì đoàn kia lùng khắp đàng sá để đuổi giáo dân về ngả nhà thờ. Những giáo dân nào đang ở trong nhà thì bị tàn sát, còn nhà cửa thì bị phóng hoả huỷ phá. Có lệnh truyền thi hành một cách rất nghiêm nhặt, nên vào lúc trưa những giáo dân còn lại chạy về nhà thờ mà đã chật cứng những người đang đọc kinh lơn tiếng, và họ đoán trước rằng giờ chết đã gần đến. Nhưng phái Văn Thân còn do dự, chưa dám xông chiếm nhà thờ. Cửa lớn và cửa nhỏ đều đóng bịt lại một cách rất kiên cố, đó là lần thứ nhứt mà phái Văn Thân mục kích một lũ giáo dân đông đúc đáng sợ, tập trung lại như muốn để kháng cự vậy.
 
Từ trước đến bây giờ, ở miền Nam Huế và Bắc Trung kỳ, người ta chỉ đuổi bắt những giáo dân lẻ loi trong nhà họ. Sự giáo dân tập trung đông đúc như thế, đây là một dấu hiệu muốn kháng cự hay sao? Họ có khí giới không? Đó là những câu hỏi làm cho phái Văn Thân rất lo ngại. Không ai dám đề xướng và thực hành ngay sự tàn sát, nên phải lui binh để tránh mũi đạn bắn ra quá gần, vì tưởng ở trong nhà thờ có nhiều súng đạn.
 
Lúc bấy giờ, một đàng Văn Thân la lên rằng: “Cứ tiến mà! Họ không có khí giới đâu, có gì mà sợ?” Phái Văn Thân liền tiến, một thần công, hầu bắn cho đích, họ chĩa súng vào cửa chính thánh đường rồi bắn hai phát. Lại gần cửa sổ, phái Văn Thân chĩa súng bắn đám đông giáo dân đang chen chúc nhau trong nhà thờ mà họ không thèm kháng cự và đào thoát. Bấy giờ phái Văn Thân muốn cho sự tàn sát kết liễu, nên họ đem rơm do cửa lớn cửa nhỏ tống vào mà phóng hoả. Bởi thế nhà thờ liền hoá ra đống than lửa rất lớn. Người nào không bị chết cháy, thì bị chết ngột vì khói bao phủ, hoặc bị mái nhà đang cháy đổ sụp xuống đè chết. Một vài giáo dân muốn đào thoát, thì bị phái Văn Thân dùng mác xô đẩy vào trong đám cháy, hoặc bị giết lập tức.
 
Ngày 12 tháng 9 năm 1885, lúc quân Pháp đến, họ chỉ thấy một đống 400 thây chết hôi hám. Di thể của cha Bửu khó mà nhìn nhận, vì đã bị chém một cách ghê gớm; còn những xác khác, nhất là đàn bà con trẻ, đều bị tan xương nát thịt. Phía sau nhà thờ cuối cùng mới đổ sụp, đè vùi những người sống sót lại sau. Cố Lý thấy trong nơi ấy có xác một đứa trẻ kia còn buộc với xác mẹ nó. Cách đó vài bước, một bà già bị trọng thương ghê gớm nơi cổ mà đã sảng sốt, nên vừa thấy ngài thì kêu lên rằng: “Xin cứ giết tôi đi, tôi không bỏ đạo đâu”. Một người trai mà cố Thiện đã giao vài đồng bạc trước khi ngài lánh nạn, thì lúc bấy giờ đã hai ngày nằm trốn dưới hồ sen trước mặt nhà cha sở, rày là chỗ nhà phúc mấy chị Mến Thánh Giá.
 
Người ấy nghe những tiếng rên rỉ của những kẻ hấp hối, những chuyện bàn bạc của phái Văn Thân, nên về sau tường thuật lại những vai tuồng các yếu nhân trong đảng Văn Thân đã đóng trong tấn tuồng tàn sát thảm khốc kia.
 
Nhiều giáo dân đã lìa Cổ Vưu, theo cố Thiện còn ẩn núp trong miền sơn cước gần làng họ, sợ toán binh Văn Thân đi tuần thám, họ phải chạy vào trốn trong rừng xanh. Vì quá đói khát nên một vài người đánh liều lén về đồng nội kiếm môn khoai độ khẩu, nhơn đó mà nghe tiếng kèn tây thổi về hướng tỉnh thành. Mầng quá họ chạy về ngả ấy vừa gặp cố Lý, ngài cho ăn uống đỡ đói, rồi họ vội vàng trở lại rừng xanh báo tin để các bạn lánh nạn biết cho khỏi lo sợ.
 
Được tin mầng, giáo dân lánh nạn từ rừng xanh kéo nhau về Quảng Trị, không ngờ đàng sá đảng Văn Thân còn phòng triệt, nên độ 30 người bị bắt và tàn sát thêm nữa.
 
Bởi thế ông Thoàn bị giết, nhưng mà trước khi chết ông xin cái đặc ân chết trên đất của nhà thờ La Vang đã bị đốt phá. Hai mươi chín bạn đồng hành bị trói lại rồi đốt thiêu trong nhà thờ.
 
Tám ngày sau khi quân Pháp chiếm giữ tỉnh thành, những giáo dân tản lạc hoặc sơ sa vào tay đảng Văn Thân, mới đến Quảng Trị mà đã kiệt sức rồi.
 
Tóm lại, trong số tám trăm giáo dân của hội giáo Cổ Vưu, sáu trăm đã bị tàn sát; còn nhà thờ và nhà cửa của giáo dân thì chỉ còn lại những đống tro tàn khói lên nghi ngút.
 
Những họ nhánh của địa sở Cổ Vưu, là Hạnh Hoa, Tri Lễ[8], Ngô Xá, Đá Hàn, Chợ Sãi, cả thảy có 400 giáo dân. Trong số ấy chỉ còn lại 80 người sống sót. Hạnh Hoa và Đá Hàn cũng đã chịu một cái số phận đốt phá như Cổ Vưu vậy.
 
Những giáo dân ở Chợ Sải bị tàn sát không sót một người. Còn bổn đạo họ nhánh Tri Lễ, thì bị đảng Văn Thân đồng hương chém giết, những đảng Văn Thân làng ấy rất tàn ác. Chính mình họ khi thấy giáo dân Cổ Vưu tan tác chạy trốn ngoài đồng, họ bắt lại mà chém giết. Bởi thế quân Pháp và cố Lý thấy những tử thi giáo dân rải rác ngoài đồng ruộng.
 
Miền Dinh Cát đã cống hiến cho Giáo Hội Việt Nam những con người bất khuất vì đức tin, làm chứng nhân cho Chúa giữa lòng dân tộc, để lại một tấm gương anh dũng cho hậu thế mãi mãi không quên.
 
2. LĂNG TỬ ĐẠO
 
2.1 Sự hình thành
 
Trong số 800 giáo hữu thì có đến 600 và 1 linh mục bị tàn sát vì đạo Chúa. Họ đạo Cổ Vưu chỉ còn lại 170 người may mắn thoát nạn nhờ trốn trong bụi, núp dưới ao, vào rú La Vang hoặc chạy vào Huế.
 
Tất cả các thi hài tử đạo, sau đó, được các linh mục và giáo dân kính cẩn đưa đến một nơi, và cho xây một tháp cao 18 mét, tháp vẫn còn đứng mãi cho đến nay như một chứng tích lưu dấu muôn đời.
 
Lăng được sơ tạo và xây dựng qua nhiều giai đoạn khác nhau:
 
1. Sơ tạo: Năm Ất Dậu (1885), Lăng được khởi công xây dựng; lúc đầu vẫn còn đơn sơ vì những năm này đang trong tình cảnh khó khăn nhiều mặt: khó khăn trong việc thi hành đạo Chúa, khó khăn chính trị, xã hội,.v.v.. Do đó, Lăng không thể tiến triển và hoàn thành theo tiến độ được mà phải trải qua nhiều lần tu tạo.
 
2. Tu tạo: Kéo dài trong mấy năm liền, và đến năm 1893, Lăng được tu tạo cách hoàn toàn và hoàn thành vào Lễ Giáng Sinh.
 
3. Bị hư hại : Mùa hè 1972, một mùa hè thật tàn khóc đối với tỉnh Quảng Trị nói chung và cách riêng với Lăng Tử Đạo tại giáo xứ Trí Bưu, lăng đã bị bom đạn phá hoại làm hư hỏng nặng nề.
 
4. Phục chế : Năm Đinh Sửu (1997, đời cha An-tôn Nguyễn Ngọc Hà, cha quản sở Trí Bưu), Lăng được phục chế cách toàn diện (xem H.01). Tường thành khuôn viên lăng được xây lại mới; bốn tháp nhỏ ở bốn góc trong khuôn viên lăng được phục chế lại mới với những hoa văn; và đặc biệt là Tháp Lăng (tháp chính ở tâm của khuôn viên lăng) được phục tạo những tự Hán Nôm. CAO MINH LỤC[9] đã góp phần vào công việc phục tạo và biên dịch những tự Hán Nôm trên Tháp Lăng. Ông dịch sang Hán Nôm Bốn Mối Phúc ở bốn góc tháp tầng trên, và đã dịch cũng như phục tạo lại những tự Hán Nôm bị hư hỏng hoặc bị xoá mất hoàn toàn ở các mặt chính và mặt góc tầng dưới của tháp.
 
5. Trùng tu toàn diện : Năm 2007 (đời cha G.B. Lê Quang Quý, cha quản sở Trí Bưu), Lăng được phục chế một cách toàn diện hơn: xây Nhà Bia (trước đó chưa có), tường thành xung quanh được trùng tu mới (vách tường xây lại mới và cao hơn). Công trình trung tu hoàn thành và khánh thành Nhà Bia (mới xây) vào ngày 07 tháng 09 năm 2007 do Đức Cha phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng (người con của giáo xứ Trí Bưu) chủ lễ.
 
2.2 Kết cấu Lăng
 
Lăng được thiết kế thành một khối kiến trúc rất hài hòa giữa  kiến trúc Đông-Tây, cổ-kim (hội nhập văn hoá). Cấu trúc Lăng gồm khuôn viên tường thành (hình chữ nhật, sơn màu vàng). Toà Tháp cổ nằm chính tâm của khuôn viên lăng. Đây là toà tháp cao lớn và nổi bật nhất của lăng (kiến trúc chính của lăng). Bốn tháp nhỏ ở các góc (bên trong khuôn viên tường thành), những tháp này đối xứng nhau. Cổng vào Lăng ở chính giữa tường thành mặt tiền. Nhà Bia (mới xây) chính giữa tường thành mặt hậu, và lấy tường thành làm mặt hậu của nhà bia (đối diện với cổng vào qua Tháp lăng). Một bức hình mô tả lại khung cảnh của các vị tử đạo được tạc ngay trên bức tường, ở chính giữa tường thành bên phải. Và trong khuôn viên Lăng, có hòn non bộ bên trái, cạnh bức tường thành cùng với nhiều cây si (sanh) ở các góc.
 
Tháp lăng cao 18m: tháp thiết kế với hai tầng và chân tháp (2 bậc cấp), cùng vói đỉnh Thánh giá. Tháp hình trụ: 4 mặt chính lớn và 4 mặt góc (xem SƠ ĐỒ THÁP LĂNG). Bốn mặt chính có chiều dài (ở chân tháp) mỗi cạnh  3m; bốn mặt góc có chiều dài (ở chân tháp) mỗi cạnh  1,2m. Bốn mặt chính tầng trên của Tháp có đắp biểu tượng Thánh giá (xem H.2) bằng xi-măng cùng với những hoa văn ở phía dưới. Bốn mặt góc tầng trên của Tháp đắp 4 câu chữ Hán Nôm bằng những mãnh sành vỡ (bốn câu là 4 Mối Phúc, được trích ra trong Kinh Phước Thật Tám Mối). Tầng dưới gồm 4 mặt chính và 4 mặt góc: Bốn mặt chính hình vuông, giữa mỗi mặt đắp những Hán tự với nội dung là các biên niên sử; bốn góc của những mặt này được trang trí những cánh hoa (xem H.10). Bốn mặt góc (hình chữ nhật) đắp những lời ca tử đạo (bằng Hán Nôm).


Cám ơn tác giả đã viết rất chi tiết về sự kiện tử đạo tại Làng Trí Bưu, Quảng Trị.

Kim Hà

27/1/2015
 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thơ Kính Đức Mẹ Lộ Đức (2/11/2015)
Ðức Mẹ Lộ Ðức, 11/2 (2/11/2015)
Đức Mẹ Lộ Đức Tại Việt Nam (2/8/2015)
Mẹ Đã Chọn Lavang Mà Hiện Đến Giữa Thời Ly Loạn Khốn Khổ Trăm Bề! (2/7/2015)
Kính Mừng Maria Đầy Ơn Phước (2/2/2015)
Tin/Bài khác
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, Cầu Cho Chúng Con, Lm Antôn Nguyễn Văn Độ (1/1/2018)
Sự Suy Tưởng Của Đức Mẹ ! (1/1/2018)
Tình Mẹ (1/1/2018)
Nữ Vương Hòa Bình, Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lm Giuse Nguyễn Hữu An (1/1/2018)
Chúng Con Ở Nơi Khóc Lóc Than Thở Kêu Khẩn Mẹ Thương! (1/26/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768