MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Hành Hương Kỷ Niệm 400 Năm Dòng Tên Loan Báo Tin Mừng Trên Đất Việt Ngày 6,7 Và 8
Thứ Hai, Ngày 24 tháng 11-2014

NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG NGÀY 6

THỜI KHÓA BIỂU
 
Ngày thứ VI chúng tôi rời La Vang sớm lúc 7 g 00 để lên đường thăm Lăng Bia Tử Đạo Trí Bưu. Trước hết chúng tôi đến thăm ngôi Thánh Đường Họ Đạo Trí Bưu. Ngôi Thánh Đường này nằm sát ngôi Thánh Đường đổ nát xưa vì chiến tranh không còn nữa, và đây là họ đạo dòng Tên đầu tiên vùng xứ Huế Quảng Trị này. Quả là cảm động vì đúng là chúng tôi chính xác đang đứng trên vùng Đất Thánh. Chúng tôi đọc kinh chung như mọi lần chúng tôi viếng một ngôi Thánh Đường. Sau đó chúng tôi đi bộ ra Lăng Tử Đạo vì chỉ cách Nhà Thờ khoảng 100 mét. Chúng tôi được ông từ phát cho mỗi người tờ lịch sử nói về 400 tín hữu đã bị đốt cháy trong Ngôi Thánh Đường và được làm Bia Tử Đạo Trí Bưu này, kèm theo có mẫu kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chúng tôi đã có giờ cầu nguyện ngắn ở đây và chụp hình lưu niệm. Rời Lăng Tử Đạo, chúng tôi tranh thủ thời gian để đi thăm động Thiên Đình. Con đường Trường Sơn khá đẹp vì còn hoang sơ, và ít xe. Chúng tôi tới nơi cũng khá muộn, đã gần 12 giờ trưa. Chúng tôi đã dự trù ăn cơm Tay Cầm, rồi chúng tôi đi vào tham quan Động Thiên Đường. Đúng là một động có tầm cỡ. Mọi người hát vang bài TẠO VẬT ƠI HÃY CA KHEN THIÊN CHÚA. Phải mất 3 tiếng để thăm Hang Động vĩ đại này, nhưng vì khí hậu trong động chỉ khoảng 22 độ C nên đi không thấy mệt khi phải leo các nấc thang trong động. Chúng tôi rời hang động lúc 16 giờ và đi thẳng tới Tòa Giám Mục Vinh. Chúng tôi bị muộn giờ, vì mãi đến 20 giờ hơn chúng tôi mới tới được tòa giám mục Xã Đoài Vinh. Chúng tôi nhận phòng vội và đi ăn tối bên dòng MTG Vinh. Một bữa ăn tổ chức vội nhưng thật thịnh soạn. Chúng tôi được ngủ trong phòng có máy điều hòa. Một ngày mệt nhọc nhưng vui vì chúng tôi được biết nhiều điều thú vị cả về đạo lẫn đời. Chúng tôi đi ngủ đêm ngay sau đó, vì sáng hôm sau chúng tôi sẽ có Thánh Lễ với Đức Cha Phụ Tá của Vinh vào lúc 5 giờ sáng.

NHỮNG NƠI THÁNH NGHỆ AN, VỚI THÀNH PHỐ VINH
 
Tại đây có giáo xứ CẦU RẦM, có thể là CƯ SỞ GIÁO ĐIỂM ĐẦU TIÊN CỦA DÒNG TÊN ở Nghệ An. Hai giáo sĩ Đắc Lộ và Marques vì gặp khó khăn ở Bố Chính đã đến Hà Tĩnh và Vinh năm 1629. Các Ngài liền trình cho QUAN TRẤN THỦ ở đây về ngày giờ NHẬT THỰC NGUYỆT THỰC, nên vị quan này cho các Ngài được TỰ DO ở Nghệ An. Nhưng chỉ ít lâu sau, các Ngài lại gặp khó khăn ở đây. May mắn thay, nhân dịp có tàu buôn Bồ Đào Nha đến Nghệ An với hai cha Gaspar d’Amaral và Paulo Saїto, nên ngày 27 tháng 10 năm 1629 các Ngài lại lên thuyền đi ngược trở lại đến Kẻ Chợ, nhưng không được lên Kinh Đô vì Marques và Đắc Lộ đã có lệnh Chúa Trịnh trục xuất khỏi Đàng Ngoài. Tàu Bồ Đào Nha liền đặt điều kiện với Chúa Trịnh, nên hai cha cũng được về Kinh Độ trở lại. Ở Kinh Đô, chỉ có thương gia Bồ Đào Nha và Hai Vị Giáo Sĩ vừa từ Áo Môn đến mới trình diện Chúa Trịnh, còn hai cha Marques và cha Đắc Lộ thì âm thầm làm việc mục vụ.
 
Trong thời gian các cha đi vắng, năm 1628 Cha Đắc Lộ đã cho in LỊCH CÔNG GIÁO, nên giáo dân đã biết các ngày lễ trong năm, vì thế khi các Ngài trở lại Kinh Đô, họ đến xưng tội khá đông, đặc biệt vào các dịp MÙA CHAY và PHỤC SINH. Bà Catarina chị em với Chúa Trịnh đã theo đạo từ trước, nên bà làm thơ ca kể lại việc Chúa Tạo Dựng Trời Đất, rồi xuống thế làm người, chịu chết CỨU CHUỘC nhân loại, nên đã giúp rất nhiều LÒNG ĐẠO của các bổn đạo ở Đông Kinh. Bà còn cung cấp các ảnh tượng do bà cho đúc để người ta đeo vào cổ nữa (ảnh CON CHIÊN). Các cha chỉ được ở lại trong thời gian tàu Bồ Đào Nha ở đó, nên khi tàu rời Đàng Ngoài, các cha cũng bị TRỤC XUẤT rời KINH ĐÔ. Lúc đó giáo dân đã có 5.602 người. Các Cha liền trao trách vụ đó cho Ba Thầy Kẻ Giàng là Phanxicô Đức, Anrê Tri và Inhaxiô Nhuận trước kia vào đạo là các nhà Sư, coi sóc. Ba Thầy này đã đặt tay lên Sách Thánh tuyên thệ trong một THÁNH LỄ CHIA TAY ngày 27 tháng 4 năm 1630 (không lập gia đình cho tới khi các Cha trở lại, giữ tiền của tập thể, vâng phục một Thầy do các cha chỉ định). Sau này thầy Đức là người được các Cha đặt làm bề trên của nhóm Thầy Giảng này, sau đó được vào dòng Tên với bậc Trợ Sĩ. Đầu tháng 5/1630 các cha lên tàu về Áo Môn. Vì cha Đắc Lộ quá xuất sắc nên bề trên Áo Môn sợ Đắc Lộ trở lại Đàng Ngoài sẽ không thuận tiện cho việc Truyền Giáo, nên đã đặt Đắc Lộ làm Giáo Sư Thần Học ở Áo Môn 10 năm trước khi Ngài trở lại Việt Nam. Thế là cha Gaspar d’Amaral được cử đi Đàng Ngoài.
 
Cái lợi thế của cha Gaspar d’Amaral được cử ra Đàng Ngoài chỉ vì ông là người Bồ Đào Nha, mặc dù ông thông đạo tiếng Nhật hơn và đã được sửa soạn để đi Nhật Bản. Cùng với Gaspar d’Amaral lại có thêm Antonio de Fontes, cũng là người đã rành tiếng Việt ở đàng Trong, nhưng bị Chúa Nguyễn trục xuất năm 1630, nên giờ đây, sau khi trở về Áo Môn, cũng được cử đi Đàng Ngoài[1]. Vị thứ ba được cử đi là António-Francisco Cardim, nhưng vị này đến Đàng Ngoài để đi truyền giáo ở Lào.
 
Tàu rời Áo Môn ngày 18 tháng 2/1631 và đến Đàng Ngoài ngày 1 tháng 3/1631, bỏ neo ở Kẻ Chợ ngày 15 tháng 3/1631. Khi đến đây, các cha rất vui mừng, vì với sự hăng say của ba Thầy Kẻ Giảng đã khấn, có được thêm 3.340 tín hữu và dựng thêm được 20 nhà thờ, chỉ trong vòng 10 tháng các cha vắng mặt[2]. Đến năm 1632, thay thế cho hai cha Palmeiro và Fontes phải về Áo Môn theo lệnh Chúa Trịnh, hai cha Girolamo Majorica và Bernardino Reggio là người Đàng Trong mới về Áo Môn, được cử đến Đàng Ngoài[3]. Sau một năm ở Thăng Long, Majorica rời Thăng Long, chính thức đến VINH[4]. Tại nơi đây, đã tổ chức việc DÂNG HOA và NGẮM ĐỨNG do chính cha Majorica người Italia soạn, dựa theo câu văn rặt tiếng Nghệ An trong bài ngắm đứng là: “Mi (Tau) chẳng biết người ấy là ai !”. Trước Ngài là cha P. Marques và Đắc Lộ như đã nói ở trên.
 
Sau thánh lễ do Đức Cha Phụ Tá Vinh chủ sự, chúng tôi ăn sáng, và dùng caphê tại tòa giám mục Vinh, nơi các Đức Cha và các cha thuộc Tòa Giám Mục thường đến nhâm nhi càphê buổi sáng và nói chuyện với nhau. Đức Cha Phụ Tá rất muốn chúng tôi thăm Chùng Viện, nên cứ nhắc nhở hoài. Chúng tôi được cha Giám Đốc chủng viện tiếp đón, tham quan nhà nguyện, và các tòa nhà ở của các chủng sinh. Tòa Giám Mục đã dự trù cho chúng tôi một Thầy Triết II dẫn đường, nên chúng tôi dễ dàng đi đến thăm nhà thờ Cầu Rẩm như đã nói trong lịch sử. Sau đó Thầy dẫn chúng tôi vòng quanh con đường đển Cửa Rum là cửa biển cha Đắc Lộ đã đi vào lối đó để đến Vinh, bên cạnh bãi biển Cửa Lò ngày nay. Vinh chính là nơi văn vật, vì ở đây có Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Du. Tại Đại Chủng Viện Vinh có đặt tượng của Nguyễn Trường Tộ và tượng Giáo Sĩ Đắc Lộ hai bên lối vào. Chúng tôi ngồi chơi trước bãi biển Cửa Lò 30 phút, rồi lên đường đi Thanh Hóa lúc 10 giờ.
 
[1] Ông này cũng học tiếng Việt với cha Francisco de Pina cùng với Đắc Lộ ở Đàng Trong trước kia.
 
[2] Xem DTTXHĐV về ông Phanxicô được phúc tử đạo trong thời gian này (trang 155). Cũng xem Rhodes, Histoire du Royaume de Tunquin, trang 265-266.
 
[3] Cà hai đều là người Italia, cũng là đồng môn ở Đàng Trong với Đắc Lộ. Majorica là bề trên dòng Tên ở Đàng Ngoài có lẽ từ năm 1649 (và chết ở Thăng Long ngày 27 tháng 1/1656)
 
[4] Có thể xem thêm về việc Truyền Giáo ở Đàng Ngoài, với nhiều vị giáo sĩ khác nữa trong ĐQC, Ibidem các trang 158-168.Vị Giáo Sĩ gửi xác ở Đàng Ngoài là cha Giuseppe Mauro đã từ trần ở Thanh Hóa năm 1639, va Gaspar d’Amaral ngày 26 tháng 2 năm 1646. Còn ở Đàng Trong chúng ta biết Francisco de Pina đã bị đăm tàu và chết ở Hội An ngày 15 tháng 12 năm 1625, chôn cất tại Hội An.Theo sử liệu của cha Girolamo Majorica ở Nghệ An, từ năm 1632- 1649, mỗi năm ở Đàng Ngoài có hơn 10 ngàn người trở lại đạo theo như thông tin ông báo với Cha Đăc Lộ. Bản thân Majorica, phải phục vụ cho 40 ngàn bổn đạo, thuộc 70 Nhà Thờ khác nhau ở Đàng Ngoài. Theo João Maracci viết vào năm 1649 thì Đàng Ngoài có 190 ngàn bổn đạo. Còn theo Joseph Tissanier ra Đàng Ngoài từ năm 1658, số giáo hữu đã là 300 ngàn người. Dường như số giáo hữu Đàng Ngoài hợp với Đạo Mới hơn là dân Đàng Trong.Từ ngày 27 tháng 4 năm 1630 đã có Hội Thầy Giảng, và Dòng Mến Thánh Giá được chính thức thành lập năm 1670. 

NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG NGÀY 7

THỜI KHÓA BIỂU
 
Buổi sáng ngày thứ VII của khóa Hành Hương, sau khi dâng lễ sáng với Đức Cha Phụ Tá của giáo phận Vinh: Đức Cha Phêrô Viên, vị giám mục trẻ nhất trong Hội Đồng Giám Mục, chúng tôi lên đường đi Thanh Hóa. Như đã nói chúng tôi được một chủng sinh Triết II đi thăm nhà chờ cầu Rầm, Cửa Rum và sau khi dừng chân ở Cửa Lò, chúng tôi trực chỉ đi Thanh Hóa để tham quan Cửa Bạng, là nơi Đắc Lộ và Marques đã dạt thuyền vào đó ngày 19 tháng 3 năm 1627 trong ý định đi Kẻ Chợ. Nơi đây trở thành NƠI THÁNH, vì là nơi hai vị thừa sai dòng Tên chính thức được cử đến Đàng Ngoài để truyền giáo, nhưng do hoàn cảnh bão tố, thay vì đến thẳng Thăng Long, tàu của hai vị đã vào Cửa Bạng. Từ đó các ngài gọi cửa biển này là Cảng Thánh Giuse, và cũng do vậy mà giáo hội Đàng Ngoài nhận Thánh Giuse làm bổn mạng. Con đường từ Vinh đến Thanh Hóa chỉ có 150 km nhưng chúng tôi đã phải mất gần 5 giờ chạy xe mới tới nơi được. Không những thế, khi tới con đường dẫn tới Ba Làng, vì đường đang tu sửa, nên chúng tôi không được tham quan giáo xứ kỳ cựu này của dòng Tên, và như thế, cũng chẳng được tham quan Cảng Thánh Giuse: Cửa Bạng. Rất tiếc ! Chúng tôi đến Thanh Hóa tương đối sớm, khoảng 15 giờ 30 phút, nên chúng tôi có đủ thời gian tắm rửa nghỉ ngơi, và sau đó ăn tối lúc 18 giờ 30. Phòng ốc ở đây đầy đủ tiện nghi, vì là Tòa Giám Mục xây mới. Các bữa ăn ở đây cũng rất cao cấp. Ngay từ Vinh chúng tôi đã được chiêu đãi miễn phí, thì ở Thanh Hóa cũng thế. Cha Giám Đốc chủng viện và các Cha thuộc tòa Giám Mục đã đón tiếp chúng tôi hết sức chu đáo, vì với Tòa Giám Mục Thanh Hóa, châm ngôn của Tòa Giám Mục là: Mõi vị khách là một HỒNG ÂN được ghi ngay trước cổng vào, và theo Cha, Tòa Giám Mục Thanh Hóa đã lấy linh đạo của Thánh Biển Đức là: Đón khách như đón Đức Kitô. Chúng tôi có đủ điều kiện để có giấc ngủ yên tĩnh ở đây.
 
LỊCH SỬ NƠI THÁNH CỬA BẠNG THANH HÓA
 
Là nơi Giáo Sĩ Alexandre de Rhodes tức Giáo Sĩ Đắc Lộ và cha Pedro Marques đã cập bến ngày Lễ Thánh Giuse 19 tháng 03 năm 1627. Tại giáo xứ Ba Làng ngày nay có tượng Giáo Sĩ Đắc Lộ trong khuôn viên nhà thờ. Hai Ngài đến đây nhờ Tầu của ông Pinto da Fonseca, sinh quán tại Áo Môn, nhổ neo tại Áo Môn ngày 12 tháng 3/1627, lần theo bờ biển Hoa Nam, qua đảo Thượng Xuyên (Sanch’uan) lọt vào eo biển Quỳnh Châu, giữa bán đảo Lây Trâu và đảo Hải Nam, tiến xuống vịnh Bắc Bộ, để vào KẺ CHỢ (Thăng Long), nhưng sau NGÀY THỨ SÁU của cuộc hành trình này, gió bão nổi lên mạnh, đánh GIẠT TÀU về phía Thanh Hóa (Thời ấy gọi là Thinh Hóa). Sáng ngày 19 tháng 3/1627, gió bão yên lặng, tàu ghé Cửa Bạng dễ dàng. Để ghi nhớ giây phút đầu tiên bước chân lên đây, Narques và De Rhodes đặt thêm một tên cho Cửa Bạng là CẢNG THÁNH GIUSE, để xin vị Thánh làm Quan Thầy cho xứ Truyền Giáo Đàng Ngoài. Vế phía dân chúng, thấy tàu lạ tới VN thì tò mò đến xem, Cha Đắc Lộ liền dùng Tiếng Việt để nói với họ, khiến họ càng ngạc nhiên hơn nữa. (Câu
chuyện VIÊN NGỌC QUÍ mà Đắc Lộ nói với dân). Chỉ hai ngày sau đã có người xin TÒNG GIÁO với tên thánh là Giuse và Inhaxiô. Và trong vòng 2 tuần lễ đợi phép chúa Trịnh để lên KẺ CHỢ, các cha đã rửa tội được cho 32 người, trong đó có một THẦY ĐỒ và một PHÁP SƯ. Ngày 2 thang 4 năm 1627, hai cha và đoàn người đã theo đạo, vác một cây Thánh Giá làm bằng một cây GỖ LỚN TRÊN RỪNG, cắm trên một đồi cao, người đi Biển có thể NHÌN THẤY.
 
Vì Chúa Trịnh đang HÀNH QUÂN xuống phía Nam để đánh Chúa Nguyễn nên cha Đắc Lộ và cha Marques phải đi tàu chiến của Việt Nam để gặp Chúa Trịnh ngoài biển. Có tới 200 chiến thuyền, 500 thuyền chở quân cụ, và 300 con voi đi đường bộ, tổng cộng đến 200 ngàn quân. Đúng là một cuộc viễn chinh VĨ ĐẠI, theo lời kể của giáo sĩ Đắc Lộ. Đắc Lộ đi tháp tùng đoàn tầu này của Chúa Trịnh, rồi theo lệnh Chúa Trịnh, các Ngài xuống An Vực và lập CƯ SỞ ở đó, cùng với Nhà Thờ đầu tiên ở đây trong xứ Đàng Ngoài. Ngôi Nhà Thờ được khánh thành ngày 3 tháng 5/1627.
 
Tương truyền rằng, Thánh Phanxicô Xaviê vào thánh 7 năm 1549 đã ĐẾN THANH HÓA, có thể không phải vì CHỦ Ý, nhưng ghé nơi này vì tàu buôn phải vào đây để tránh BÃO hay TIẾP TẾ LƯƠNG THỰC trong ít ngày, rồi lại ra đi TRỰC CHỈ đến KAGOSHIMA, trên đảo Kyushu, thuộc NHẬT BẢN, chính xác tới nơi này vào ngày 15 tháng 8 năm 1549. Nếu thực sự là như vậy, thì tàu này đã dừng ở Cù Lao Chàm ngoài khơi QUẢNG NAM, vì theo Hải Trình từ Malacca đi lên phía Bắc, thì Cù Lao Chàm là TRẠM NGỪNG khá thuận tiện, vì theo lịch sử, chính ông Duarte Coelho đã ngừng lại ở đây năm 1523, rồi năm 1556, Fernão Pinto (Năm 1549 cùng đi Nhật với Thánh Phanxicô Xaviê. Sau này ông GIA NHẬP DÒNG TÊN ở Goa, và xuất dòng năm 1556 lúc ông 41 tuổi) cũng ĐÃ NGỪNG LẠI TẠI CÙ LAO CHÀM, và khám phá ra cây Thánh Giá trên Cù Lao Chàm do ông Duarte Doelho KHẮC vào năm 1523 (Xem DTTXHĐV trang 113-114). Vùng đất Thanh Hóa trở ra được gọi là ĐÀNG NGOÀI, tức Vương Quốc ĐÔNG KINH.
 
Đúng như nhận xét của Cha Baldonotti, người Đàng Ngoài rất dễ để chịu phép đạo, vì văn hóa Phật Giáo chưa sâu, lại dễ có lòng tin về Thiên Chúa Trời Đất, nên chỉ trong thời gian từ năm 1626 đến năm 1660 đã có đến 320 ngàn người theo đạo theo Joseph Tissanier: Thư gửi cho Linh Mục Le Cazré (ĐQC Ibidem trang 127). Riêng với Baldonotti và vị Thuyền Trưởng Gaspar da Fonseca thì do vụ việc bị coi là GIÁN ĐIỆP như đã nói, không dám trở lại Đàng Ngoài nữa. Ngược lại Marques và Đắc Lộ vì đã có kinh nghiệm ở Đàng Trong, nên QUYẾT TÂM THỰC HIỆN SỨ VỤ ĐÀNG NGOÀI, và đã có kết quả KHẢ QUAN như vậy. Theo Cha Đỗ Quang Chính SJ, có nhiều Sư Sãi và các bà quí tộc đã đóng góp cho việc Truyền Giáo này được thành công, nhưng đồng thời, cũng vì “đụng đến quyền lợi” của các Thầy Pháp, mà cũng có những tố cáo và chống đối[1]. Vì thế các Ngài phải rời Kinh Đô đi BỐ CHÍNH rồi từ BỐ CHÍNH vào Nghệ An, thành phố Vinh.
 
[1] Xem DTTXHĐV trang 143-148: Từ tháng 3/1627 đến tháng 5/1628 đã có 1.414 người theo đạo. Chính những người theo đạo ở Kinh Đô lại đi RAO TRUYỀN ĐẠO MỚI. Khi bị NGHI OAN, bị Chúa Trịnh giao cho các quan QUẢN THỨC tại Bố Chính, và từ Bố Chính, hai cha lần mò lên HÀ TĨNH, VINH (NĂM 1629), do vị quan ở đây tốt bụng, không quản thúc, để các cha tìm đường về lại ĐÀNG TRONG. Sở dĩ vậy, vì khi các thuyền viên chở các cha đi quản thúc ở Bố Chính, Đắc Lộ lại giảng đạo ngay trên THUYỀN và có tới 24 thuyền viên được rửa tội, và các ông này đã gửi gấm hai cha cho ông quan ở Bố Chính. Thế mới biết TÀI GIẢNG ĐẠO của Đắc Lộ.

NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG NGÀY 8

THỜI KHÓA BIỂU
 
Cuộc Hành Hương chính thức NHỮNG NƠI THÁNH theo vết chân các thừa sai Dòng Tên kết thúc với 7 ngày vừa qua. Sở dĩ chúng tôi đi tiếp vì muốn tham quan NHÀ THỜ PHÁT DIỆM và muốn đến Ninh Bình, để tham quan ĐAN VIỆN CHÂU SƠN NHO QUAN, vì đây là hai nơi rất đáng tham quan do tính lịch sử của nó ở thời cận đại. Chúng tôi rời Tòa Giám Mục Thanh Hóa lúc 7 giờ sáng, sau khi đã dâng lễ và ăn sáng tươm tất ở đây. Đến Tòa Giám Mục Phát Diệm khá sớm lúc 8 g 30 phút, chúng tôi được sắp xếp gặp Đức Cha Giuse Phạm Năng ngay lúc 8 g 45 phút, vì Ngài sau đó lúc 9 giờ ngài phải có cuộc họp ở toà Giám Mục. Chúng tôi đã chụp hình chung với Ngài, và tòa Giám Mục đã cho một Thầy hướng dẫn tham quan Quần Thể Nhà Thờ Phát Diệm. Cụ Sáu Trần Lục đã làm nên CƠ ĐỒ này. Khi ở trong tù, cụ đã xin ơn được khỏi bệnh và khi ra khỏi tù, cụ đã xây ngay NHÀ THỜ ĐÁ đế Tạ Ơn Đức Trinh Nữ Maria, rối từng bước xây các nhà thờ khác. Cuối cùng là Nhà Thờ Chánh Tòa Phát Diệm. Tất cả quần thể các Nhà Thờ này phải kéo dài mât 24 năm mới hoàn thành. Sau hơn một tiếng đồng hồ tham quan, tức đến 10 g 30 chúng tôi đã được hướng dẫn về các chi tiết của kiến trúc quần thể Nhà Thờ này, chúng tôi có ít phút nghỉ ngơi, và được cha Quản Lý quan tâm cho chúng tôi ăn trưa sớm lúc 11 g 00 và liền sau đó chúng tôi lên đường đi Ninh Bình lúc 12 g 15 phút. Điểm dừng chân trước khi vào nhà dòng Châu Sơn Ninh Bình là giáo xư Đồng Đinh. Cha xứ cho thuyền đưa chúng tôi viếng Đức Mẹ Đồng Đinh, và làm việc kính Đức Mẹ tại đó. Tôi nói với cha xứ rằng, hồi xưa các bậc cha ông đã chịu bách hại, thì ngày nay, Đồng Đinh cũng phải đối phó với các khó khăn như vậy. Giáo Hội của Đưc Giêsu lúc nào cũng thế, có khó khăn bắt bớ, nhưng từ những khó khăn bắt bớ đó, giao hội sẽ trổ sinh hoa trái. Chúng tôi về tới Nho Quan lúc 16 g 30 và lúc 17 g 30, chúng tôi được đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt tiếp đón nói chuyện. Chúng tôi dùng cơm tối với Đức Tổng lúc 18 giờ, đúng giờ cơm của Ngài. Thế là chúng tôi đã đi trọn 8 ngày Hành Hương để kỷ niệm Năm Thánh 400 năm dòng Tên đến VN.
 
NƠI THÁNH VÀ LỊCH SỬ KẺ CHỢ HAY THỦ ĐÔ HÀ NỘI
 
Tại địa điểm cầu THÊ HÚC ngày nay, tức Đền Bà Kiệu, trước kia có BIA TƯỞNG NIỆM GIÁO SĨ ĐẮC LỘ, khánh thành lúc 17 giờ ngày 29 tháng 5 năm 1941, có thể là Cư Sở đầu tiên mà Chúa Trịnh Tráng cho phép cha Đắc Lộ và Cha Marques ở đó và truyền đạo, ngay trước hồ Hoàn Kiếm ngày nay. Sau 1975 bia này đã bị HỦY BỎ. Theo cha Đỗ Quang Chính SJ, thì nơi đó có thể là chỗ cha Đắc Lộ đã xây NGÔI NHÀ THỜ ĐẦU TIÊN ở Hà Nội, tức KẺ CHỢ thời đó. Hiên nay chỗ đó được thay thế bằng ĐÀI KỶ NIỆM QUỐC TỬ QUỐC SINH (xem ĐQC trang 140-141).
 
Về việc Truyền Giáo ở đây, Lm Đỗ Quang Chính SJ cho biết: “Để dọn đường cho việc giới thiệu Tin Mừng với xã hội Đại Việt Đàng Ngoài, cha Jerónimo Rodrigues, giám sát HAI TỈNH DÒNG TÊN NHẬT BẢN, quyết định gửi hai Giêsu Hữu tiên phong đi Đàng Ngoài, đó là Giuliano Baldinotti người Italia và Tu Huynh Giulio Piani người Nhật (…) theo tàu buôn của ông Gaspar Porge de Fonseca người Bồ Đào Nha (…) nhổ neo rời Nhật ngày 2 tháng 2/1626, sau 36 ngày lênh đênh trên biển, mãi đến ngày 7 tháng 3/1626 mới tới cửa sông Hồng Hà (cửa Ba Lạt) hay cửa sông Đáy. Lúc đó Trịnh Tráng cho người khám xét tầu và đưa vào Thăng Long, có cả 4 chiến thuyền HỘ TỐNG vì vào thời đó quân nhà Mạc vẫn còn lảng vảng ở vùng này. Ngày 15 tháng 3 năm 1626 tàu tới KẺ CHỢ” (xem DTTXHĐV trang 115-117). Chúa Trịnh tiếp đón TÀU BỒ ĐÀO NHA nồng hậu, vì ông đang cần liên lạc với Maccau, tức Áo Môn. Ngày 7 tháng 4/1626 hai vị Truyền Giáo này vào gặp Chúa Trịnh Tráng cùng với thuyền trưởng Fonseca, có đem theo Bức Thư của Giám Sát J. Rodriguez, chính thức
xin được cho người đến Truyền Giáo ở Đàng Ngoài. Trịnh Tráng chấp nhận ngay, vì muốn giao hảo buôn bán với Bồ Đào Nha. Điểm đặc biệt là Chúa Trịnh Tráng còn cho phép Baldinotti ĐÀM ĐẠO về giáo lý với Hòa Thượng trụ trì Ngôi Chùa Chính trong Phủ Liêu. Vị Hòa Thượng này yêu mến cha Baldinotti và còn mời Cha ở lại trong xứ và biếu Cha nhiều quà tặng. Với chúa Trịnh Tráng, cha nói rõ, cha chưa ở lại ngay được, mà chỉ đi xem TÌNH HÌNH THỰC TẾ, xem việc TRÌNH BÀY VỀ ĐẠO CHÚA RA SAO, chứ không phải tìm kiếm VÀNG BẠC. Để tạo sự DỄ DÀNG cho việc này, Trịnh Tráng còn cấp cho cha GIẤY THÔNG HÀNH, hầu cha được tự do đi lại, cư trú trong lãnh thổ mà không phải chịu THUẾ MÁ.
 
Tình hình đang TỐT ĐẸP thì có người phao tin rằng, thương gia Bồ Đào Nha làm GIÁN ĐIỆP cho Đàng Trong, lại còn nói Thuyền Trưởng Fonseca đã nhận của chúa Nguyễn một MÓN TIỀN LỚN cho công việc này. Đối với cha Baldinotti thì Ngài lại không nhận ra được điều này, và khi thấy lòng hiếu khách của chúa Trịnh Tráng, cha muốn các giáo sĩ Đàng Trong biết tiếng Việt hãy ra Đàng Ngoài sớm để truyền giáo, nên đã viết thư cho cha Giám Sát Dòng Tên ở Đàng Trong là Cha Gabriel de Matos, người Bồ Đào Nha, bí mật gửi thư cho Ngài. Nhận được thư, Cha Matos xanh mặt, vì nếu Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn biết sự việc này, họ sẽ qui tội GIÁN ĐIỆP cho cả hai bên. Gabriel Matos lúc đó cũng đánh liều viết thư TRẢ LỜI cho Baldinotti biết, đã có một số cha từ Đàng Trong về lại Áo Môn rồi, và sẽ từ Áo Môn theo tầu Bồ Đào Nha đến Đàng Ngoài năm tới, nhưng không dám viết đích danh hai người đó là Pedro Marques và Alexandre de Rhodes (Đã rời Đàng Trong tháng 7/1626). Thư này đến tay Trịnh Tráng, nên bằng chứng đã rõ là có… vấn đề GIÁN ĐIỆP,
vì thế lá thư Gabriel Matos viết cho Baldinotti bị bại lộ khiến cha Baldinotti phải bị QUẢN THÚC, cùng với giới thương gia người Bồ Đào Nha tại một ngôi nhà ở ngoại ô thành Thăng Long.
 
Cũng may, khi Baldinotti viết THƯ GIÃI BÀY với Chúa Trịnh, rằng việc thư lại như thế, chỉ là tương quan TÔN GIÁO với các cha bạn thôi, chứ không có tương quan gì với Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Trịnh Tráng TIN LỜI CHA, chỉ bắt cha và các người trong đoàn THỀ THỐT lòng trung thành với Trịnh Tráng, ở một ngôi ĐỀN (TEMPLO hay PAGODE ?) một cách HẾT SỨC TRANG TRỌNG[1], rồi cho phép thuyền trở vế Áo Môn đúng ngày lễ Thánh I-Nhaxiô 31 tháng 7 năm 1626, nhưng mãi đến ngày 11 tháng 8/1626 mới rời KẺ CHỢ, có các tàu chiến Đàng Ngoài hộ tống, và RA KHƠI ngày 17 tháng 9 năm 1626, sau 5 tháng trời ở Đàng Ngoài kể từ ngày đặt chân đến Thăng Long ngày 15 tháng 3 năm 1626 (Ibidem trang 123).
 
Ninh Bình chỉ cách Thủ Đô Hà Nội gần 100 km. Tu viện Châu Sơn Nho Quan này nơi chúng tôi đến tham quan được xây dựng năm 1936, do Đức Cha Lê Hữu Từ chủ trì. Nho Quan là Dòng Châu Sơn thứ hai sau Châu Sơn ở Quảng Trị, ngày nay không còn nữa. Đức Cha Lê Hữu Từ là người đã sống ở Tu Viện này thời gian lâu trước khi Ngài được đặt làm Giám Mục Phát Diệm. Năm 1954 có cuộc di cư, các cha các thầy Châu Sơn vào Đơn Dương lập Châu Sơn trong miền Nam. Nho Quan miền Bắc vì thiếu người nên sống èo ọt. Mãi đến năm 1995 cha Berchmans mới từ Châu Sơn Đơn Dương trở ra lại Nho Quan, và từ đó từng bước hồi phục lại Châu Sơn Nho Quan như ngày nay. Hiện nay Nho Quan có Thánh Giá trên đỉnh núi cao, có Núi Đức Mẹ, và đang xây dựng VƯỜN HOA FATIMA. Các Cha các Thầy ở đây đã ổn định. Tạ ơn Chúa Châu Sơn Nho Quan kể như đã ĐỨNG VỮNG cả về CƠ SỞ lẫn về NGƯỜI.
 
Như thế tổng cộng chuyến Hành Hương của chúng tôi là đúng 8 ngày tham quan, một ngày đi và hai ngày trở về: Chuyến Hành Hương kéo dài 11 ngày là vì thế.
 
[1] Xem nghi thức THỀ THỐT này rất THÚ VỊ trong DTTXHĐV trang 122-123). Có thể KỂ hoặc ĐỌC khi đi xe.


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Trường Hợp Vô Nhiễm Thai Nghĩa Là Gì? (12/8/2019)
Xin Mẹ Cầu Bầu Cùng Thiên Chúa Ba Ngôi Cho Con Và Con Tin Chắc Mình Sẽ Được Cứu Rỗi! (11/29/2014)
Cn 2678: Lễ Kính Đức Mẹ Huyền Nhiệm 27/11 (11/28/2014)
Cn 2677: Tại Slovakia, Đức Mẹ Nói Về Ơn Chữa Lành Và Bình An ( S4) (11/28/2014)
Cn 2673: Đức Mẹ Slovakia Hưá Bảo Vệ Khi Gặp Tai Họa ( S3) (11/26/2014)
Tin/Bài khác
Tại Sao Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội? (12/8/2019)
Cn 2662: Đức Mẹ Hiện Ra Ở Slovakia ( S2) (11/19/2014)
Cn 2661: Đức Mẹ Hiện Ra Tại Nước Slovakia ( S1) (11/19/2014)
Chúng Con Xin Dâng Cho Đức Mẹ Mọi Người Trong Giáo Hội Việt Nam! (11/12/2014)
Xin Giúp Đỡ Con Trong Những Khi Khó Ngặt (10/26/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768