MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Cha Thánh Eymard, Chứng Nhân Lòng Chúa Thương Xót Nơi Thánh Thể
Thứ Ba, Ngày 30 tháng 9-2014

CHA THÁNH EYMARD, CHỨNG NHÂN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT NƠI THÁNH THỂ

(viết theo Jim Brown)

Năm 1862, bà chị của điêu khắc gia Auguste Rodin qua đời do bị biến chứng sau cuộc phẫu thuật không thành công vì chứng viêm phúc mạc. Đang là một người đầy khát vọng, gặp biến cố đau thương này, điêu khắc gia Rodin kiệt sức vì đau buồn, đến nỗi anh đã ngưng lại việc điêu khắc, và tự khép mình trong nhà, cắt đứt mọi quan hệ với các bạn hữu và đồng nghiệp. Điêu khắc gia chỉ mới 22  tuổi này kiệt quệ trong nỗi buồn làm cho cơ thể hoàn toàn suy nhược.

Vị linh mục nơi Rodin sinh sống tại Pháp, không thể mang lại bất cứ niềm an ủi nào cho anh. Ngài quyết định để cho Rodin tiếp xúc với cha Eymard, một linh mục “mạnh mẽ và ân cần, nổi tiếng vì cứu được các linh hồn lạc mất”. Người ta ít biết được điều gì diễn ra giữa hai người, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, Rodin đã gia nhập cộng đoàn tu của cha Eymard, làm một tập sinh, lấy tên là thầy Augustin.

Cuối cùng, tinh thần cũng như ý chí làm việc của Rodin được phục hồi, và anh tiếp tục lại việc điêu khắc của mình. Lịch sử nói với chúng ta rằng cha Eymard khôn ngoan nhận ra ơn gọi của Rodin không nằm trong đời sống tu trì, nhưng nằm trong việc theo đuổi những hoạt động nghệ thuật. Rodin đã rời khỏi đó, sau 5 tháng sống trong cộng đoàn của cha Eymard. 

Một tác phẩm điêu khắc đặc biệt của Rodin còn lại từ thời kỳ này trong cuộc đời anh là bức tượng bán thân của cha Eymard, tác phẩm chính đầu tay của anh, “thật vững vàng, sống động và diễn cảm, về lòng kính trọng mà tập sinh này cảm thấy đối với vị bề trên, người đã bày tỏ cho anh ánh sáng khi anh bị lạc đường trong tình trạng tối tăm... đã cứu anh khỏi tình trạng suy sụp... giúp anh phục hồi lại sức sống của một người hoàn toàn cống hiến cho việc điêu khắc”  (Một số tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Rodin: Nhà Tư tưởng, Những Người dân Thị trấn Calais, Bàn tay Thiên Chúa, Nụ hôn).

Câu chuyện này nói rất nhiều về cha Phêrô Giulianô Eymard, người đã được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong Chân Phước, và Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII  phong Hiển Thánh cách đây 50 năm. Đây là câu chuyện về một người với những khả năng đặc biệt về sức mạnh cá nhân, sự ân cần ấm áp và tính nhạy cảm khôn ngoan – có lẽ đây là những kết quả của một cuộc đời tận tụy với Thánh Thể và được tôi luyện qua rất nhiều giờ chiêm niệm cầu nguyện trước bí tích Cực Thánh.

Câu chuyện này liên kết với hai câu chuyện khác về cha Thánh Eymard. Một câu chuyện diễn ra tại Lyons năm 1848, khi ngài là linh mục Dòng Đức Maria. Thật lâu sau cuộc Cách Mạng Pháp, lúc này vẫn là năm của các cuộc cách mạng trên toàn Châu Âu, thời gian của các biến động lớn lao về mặt xã hội và chống đối thuyết giáo quyền. Cha Eymard thường chăm sóc nhiều công nhân không có kỹ năng, bị đè nặng bởi những luật lệ bất công, thiếu việc làm, và sống trong các khu ổ chuột bần cùng. Cha Andre Guitton kể lại câu chuyện như sau:

“Một hôm, cha Eymard thấy mình ở giữa một nhóm những kẻ khích động quần chúng, và kẻ nào đó bắt đầu la lớn: “Điều này là gì? Một vị linh mục tốt lành không vì gì cả?”. Những kẻ khác tiếp tục la lớn: “Hãy quẳng ông ấy xuống sông Rhône đi!”. Nhưng người nào đó nhận ra ngài và nói: “Nhưng đó là cha Eymard!”. Tâm trạng họ đã thay đổi từ hận thù sang ngưỡng mộ: “Ồ! Không, ngài làm rất nhiều việc tốt đẹp trong thành phố chúng ta!”. Rồi họ hân hoan hộ tống ngài đến nhà dòng, với những tiếng hô lớn: “Hoan hô cha Eymard!”. Để biểu thị rõ là ngài thực sự đứng về phía họ, các công nhân phất cao lá cờ ba màu trước ngôi nhà”.

Câu chuyện khác do cha Norman Pelletier đề cập đến cả trong tác phẩm của Champigneulle, lẫn trong Lời Nói Đầu của cuốn sách “Ngày Mai E Rằng Quá Trễ”. Năm 1856, cha Eymard mở cộng đoàn Dòng Thánh Thể đầu tiên tại Paris. Giữa lúc hình thành cộng đoàn tu mới, cha Eymard vẫn tìm được thời gian để đến với cái được gọi là ‘băng đảng đỏ’ thật khủng khiếp, bao gồm các khu ổ chuột chung quanh Paris vào giữa thế kỷ XIX, nơi mà không cảnh sát cũng như giáo sĩ nào dám đặt chân đến. Cha Eymard tin rằng việc được rước lễ rất quan trọng, đến nỗi ngài tự cam kết dạy giáo lý cho những thanh thiếu niên “nhặt giẻ rách”, vẫn lang thang thành từng đám trên các đường phố.

Hãy tưởng tượng cha Eymard sẽ gặp thách đố thế nào khi cố gắng lôi kéo những thanh thiếu niên đường phố này, “trong số đó, vài người đâu có bao giờ tới trường hoặc nghe nói về luân lý, họ không có tôn giáo, và hầu hết đều coi chiếc áo dòng như một đối tượng để chế nhạo”. Để hiểu được tâm trạng của cha Eymard, hãy đọc một đoạn nhật ký của cha Thánh nói về sứ mạng cao cả này:

“Ngày mai bắt đầu kỳ tĩnh tâm cho những đứa trẻ nhặt rác. Thiên Chúa ban cho chúng ta ân huệ là làm việc bác ái. Chúng là những cặn bã của xã hội. Chúng ta dạy dỗ những trẻ này về Thiên Chúa và về bản thân chúng. Thật là một sứ mạng cao quý! Tôi sẽ không trao đổi sứ mạng này vì những sự nghiệp xứng đáng hơn. Chúng là những hoàng tử nhỏ của Thánh Thể, những người mà chúng ta tìm thấy ở nơi bần cùng.”

Cuốn sách “Những Hình Xăm Trên Trái Tim” của cha Gregory Boyle, SJ nói về câu chuyện suốt 25 năm, cha Boyle và các bạn đồng chí hướng với ngài đã chăm sóc các băng nhóm tại Los Angeles, California, như thế nào. Los Angeles được biết đến như thủ đô băng đảng của thế giới, và giáo xứ của cha Boyle được biết đến như thủ đô băng đảng của Los Angeles. Câu chuyện của ngài thực sự tác động đến trái tim người đọc, có lúc khơi dậy cảm giác sợ hãi – có khi là tiếng cười – kế tiếp là những giọt nước mắt trong những bi kịch cuộc đời làm tan nát tâm hồn. Đọc cuốn sách này giúp thấu hiểu hơn về sức mạnh của nhân cách, sự ân cần và tận tụy qua những câu chuyện về cha Eymard. Cha Eymard từng trải nghiệm các loại thách thức tương tự trong các khu ổ chuột tại Lyons và Paris. Điều gì đã truyền cảm hứng cho cha trong những nỗ lực anh hùng đến thế?

Trong thời của cha Eymard, có một trào lưu tôn giáo thâm nhập khắp nơi được gọi là đạo lý khắc khổ. “Linh đạo” này tập trung vào tội lỗi của con người, hậu quả là đã nhấn mạnh vào tình trạng bất xứng của chúng ta trước sự hiện diện của một Đấng Thượng Đế siêu việt và trọn hảo. Trong những năm đầu tiên, cha Phêrô Giulianô Eymard, với tư cách là chủng sinh và linh mục, cũng từng bị ảnh hưởng bởi điều được gọi là “linh đạo đền bù phạt tạ”, nghĩa là một nền thần học nhấn mạnh vào việc chầu Thánh Thể và những việc thiêng liêng mà chúng ta làm để đền bù phạt tạ vì những tội lỗi của xã hội. Cha Eymard đã từng đấu tranh suốt đời, hầu tìm kiếm sự trọn lành nội tâm để ngài có thể dâng lên Thiên Chúa quà tặng là toàn bộ con người mình. Tuy nhiên, ngài đã khám phá ra trong Thánh Thể không phải là một vị Thiên Chúa chỉ tập trung vào những tội lỗi và thiếu sót của mình, nhưng là một Đức Giêsu chỉ quan tâm đến việc bày tỏ lòng thương xót của Người đối với Phêrô Giulianô.

Cha Eymard đã phải đấu tranh hằng ngày suốt cuộc đời để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Đầu năm 1845, cha đã bắt đầu thay đổi từ linh đạo đền bù phạt tạ sang linh đạo về tình yêu và lòng thương xót, tập trung vào Đức Kitô, đặc biệt khi cha cảm nghiệm được tình yêu này trong Thánh Thể. Ba năm trước khi qua đời, cha Eymard từng thực hiện một kỳ tĩnh tâm dài ở Roma. Trong kỳ tĩnh tâm này, cha đã được sức mạnh của tình yêu Đức Kitô tác động bên trong – một tình yêu mà cha cảm thấy đang truyền qua cả con người mình.

Giữa linh đạo khắc kỷ đang thắng thế thời đó, cha Eymard vẫn lặng lẽ suy niệm về một Đức Kitô đầy yêu thương trong Thánh Thể. Điều này thôi thúc cha trở thành một người ủng hộ không mệt mỏi cho việc rước lễ thường xuyên. Thời đó, nhiều người Công giáo vẫn rước lễ mỗi năm một lần vào mùa Phục Sinh. Cha Eymard đã phá bỏ thông lệ này. Chúng ta đọc thấy rõ ý tưởng đó qua một trong các lá thư của ngài, :

“... Anh em hãy rước lễ hằng ngày. Hãy thử tưởng tượng công việc của anh em sẽ khó khăn biết bao, nếu anh em không ăn Bánh ban sự sống. Hãy ăn đi, hầu có khả năng để làm việc.”

Ngoài cách thúc đẩy việc rước lễ thường xuyên và ý tưởng một Giáo hội lành mạnh đòi hỏi Thánh Thể phải là trung tâm nuôi dưỡng chúng ta hằng ngày, cha Eymard cũng tin rằng người công giáo nên dồn hết tâm trí vào giáo lý về Thánh Thể, chia sẻ đặc sủng Thánh Thể và sứ mạng của Dòng Thánh Thể. Cha còn đào tạo một nhóm các cộng tác viên, cuối cùng đã được Đức Giáo Hoàng Piô IX phê chuẩn năm 1875. Năm 1862, Ngài đã liệt kê một số công việc chính của các cộng tác viên về Thánh Thể:

1. Giảng dạy giáo lý Công giáo cho các trẻ em và người lớn không có học, chưa Rước Lễ Lần Đầu.

2. Tận tụy với việc ban Của Ăn Đàng, qua việc chuẩn bị cho những người bệnh đón nhận các bí tích sau hết.

Như vậy, cha Eymard đã hình thành một tình yêu rất cá nhân với Đức Giêsu trong Thánh Thể. Cha khuyến khích đồ đệ của mình – các tu sĩ và giáo dân – suy niệm về mối quan hệ này khi chầu Thánh Thể, và sống linh đạo Thánh Thể là cố gắng thực hành những việc cụ thể như:

• Sẵn sàng giúp đỡ những người kiệt quệ đau buồn, như câu chuyện cha Eymard với điêu khắc gia Rodin.

• Vui vẻ với những kẻ bất kính, xúc phạm, làm tổn thương và tức giận mình.

• Có lòng thương xót và quan tâm với những người “nhặt giẻ rách”, là những người nghèo khổ trong thời đại chúng ta.

• Làm việc, đấu tranh chống lại những cơ cấu bất công, áp bức, chèn ép các anh chị em hèn kém nhất.

• Chia sẻ niềm tin của mình về Thánh Thể.

• Suy niệm nhiều hơn về tình yêu và lòng thương xót Đức Giêsu dành cho mỗi người nơi bí tích Thánh Thể một cách rất cá nhân.

Cha Eymard đã từng trải qua cuộc đấu tranh nội tâm khi triển khai linh đạo Thánh Thể tập trung vào một vị Thiên Chúa đầy lòng thương xót, đầy tình yêu thương mà ngài đã tìm được trong Thánh Thể. Điều này xuyên suốt các câu chuyện được đề cập ở trên, và trong những trích dẫn sau đây:

Trong một lá thư năm 1848, gửi một phụ nữ đang chăm sóc cha mẹ già của bà ấy, cha Eymard viết:

“Bà hãy rất đơn sơ đến với Chúa, với sự từ bỏ của một trẻ nhỏ. Hãy nói với Chúa Nhân Lành những điều bà đang nghĩ, những điều bà muốn, những điều làm cho bà bối rối. Ồ! Chúng ta trở nên hạnh phúc biết bao, khi khám phá được cuộc nói chuyện nội tâm này với Chúa. Chúng ta mang kho tàng của mình bên chúng ta đến khắp nơi. Chúa Giêsu trở thành trung tâm đối với tâm hồn và cuộc đời chúng ta”.

Năm 1865, cha Eymard viết suy niệm này (hình như phản ánh một sự thay đổi trong hiểu biết của ngài về Thiên Chúa):

“Nhưng than ôi! Tôi đã chu toàn bổn phận qua việc phục vụ của mình như thế nào? Tôi là một nhân viên của Chúa, người gác cửa, lính tạp vụ, thay vì một người phục vụ của cá nhân Người. Tôi nói nhiều về Người, nhưng lại ít nói với cá nhân Người. Giống như như bà Matta, tôi bận rộn quá nhiều việc, trong khi Thầy Nhân Lành lại chỉ muốn tôi ở dưới chân Người thôi; và khi chầu Thánh Thể, tôi dành thời gian của mình để bảo những người khác chầu, thay vì tự mình thờ phượng Chúa, nói chuyện với Chúa về những người khác và xem xét ơn ích của những người khác, trong khi chính tôi là người mà vị Thầy Nhân Lành này muốn. Người tiếp tục bảo tôi: ‘Hãy nói với Ta về bản thân con, nói với Ta về tâm hồn, những mong ước, những nỗi đau khổ của con’. Tôi thật ngu xuẩn khi không làm điều Chúa muốn!”

Và trong lá thư dưới đây gửi một tu sĩ bạn:

“Hỡi bạn thân mến, hãy tìm kiếm Thiên Chúa trong yên tĩnh và an bình của sự cô tịch. Thật dễ dàng hơn để tìm thấy Người trong đó. Hãy vui hưởng Thiên Chúa, trong lòng nhân lành của Người đối với bạn, và theo sự quan phòng của Người, vốn thật ngọt ngào và mạnh mẽ dẫn dắt bạn đến nơi bạn đang ở hiện nay. Hãy chuyên cần suy nghĩ về Chúa chúng ta trong bí tích Thánh Thể, và bạn sẽ hạnh phúc như chúng ta có thể được như vậy, trên con đường dẫn tới thiên đàng”.

Điều mang tính rất cách mạng là vào thời đó cha Eymard đã tin tưởng và dạy rằng tình yêu Thiên Chúa cảm nghiệm được trong Thánh Thể nên trở thành trung tâm đối với linh đạo Kitô hữu. Và đối với cha Eymard, đây là một cuộc gặp gỡ rất cá nhân với Chúa.

Ngày nay cha thánh Phêrô Giulianô Eymard sẽ nói gì với bạn và tôi? Điều gì đã làm cha Eymard yêu thương được những “đứa trẻ bụi đời trên đường phố”, các công nhân bất kính, tức giận đó? Điều gì lôi kéo cha và các thừa tác viên cùng cộng tác với ngài, để cứ tiếp xúc và yêu thương những người đã và đang gây đau đớn cho mình?

Ai là những kẻ thật khó yêu thương đối với tôi? Ai là những người “nhặt giẻ rách” đang thách thức trong cuộc đời tôi, mà cha Thánh Eymard sẽ thôi thúc tôi đưa vào phần suy niệm của mình lúc chầu Thánh Thể, hoặc dâng lên lúc cử hành thánh lễ ? Có phải đó là những đứa trẻ bẩn thỉu trên đường phố hoặc những kẻ luôn chống đối tôi với vẻ đầy tức giận? Có phải đó là những người  lắm tiền nhiều của, có địa vị, chức tước, phe cánh với tôi, có quan hệ thân thiết với tôi? Có phải đó là những người có quan điểm khác biệt với tôi về thần học, chính trị, về cách sống ? Hoặc những người có ơn gọi và đặc sủng riêng, có những cách thức khác với tôi khi thi hành sứ vụ Thánh Thể ? Trong cuộc đời tôi, ai cần đến lòng thương xót của tôi? Bí tích Thánh Thể là bí tích của lòng thương xót mà sao tôi không biết xót thương nhau khi cùng một linh đạo Thánh Thể?

Trong huấn dụ “Bí Tích về Đức Bác Ái” (2007), Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói:

“Trong Thánh Thể, Đức Giêsu làm cho chúng ta trở thành những nhân chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tất cả các anh chị em của chúng ta. Do đó, Mầu nhiệm Thánh Thể làm phát sinh việc phục vụ với lòng bác ái dành cho người lân cận. Điều này hệ tại ở chính sự kiện là, trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa, tôi yêu thương ngay cả những kẻ mà tôi không ưa hoặc thậm chí thù ghét tôi. Điều này chỉ có thể diễn ra dựa trên cuộc gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ đã trở thành sự kết hợp của ý chí, thậm chí còn ảnh hưởng đến những cảm giác của tôi. Sau đó, tôi học hỏi để nhìn người khác không chỉ bằng đôi mắt và những cảm giác của mình, nhưng còn từ nhãn giới của chính Đức Giêsu Kitô. Tôi nhận ra nơi tất cả những người mình gặp gỡ đều là những anh chị em mà Chúa đã trao ban cả mạng sống cho họ và yêu thương họ “đến cùng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh:

"Các nhu cầu của chúng ta, cho dù là chính đáng, cũng không bao giờ khẩn trương bằng các nhu cầu của người nghèo là những con người không có cả những cái cần để sống nữa…

"Ai đến với Thánh Thể mà không có lòng cảm thương đối với những ai thiếu thốn và không biết chia sẻ thì không đẹp lòng Chúa Giêsu.

"Một Kitô hữu có thể nào hiện hữu mà chẳng xót thương hay chăng? Không! Một Kitô hữu cần phải xót thương, vì đó là tâm điểm của Phúc Âm… Hãy tạ ơn Chúa là Đấng đã ban cho chúng ta ơn được Giáo Hội làm mẹ, vị dạy cho chúng ta con đường xót thương là con đường sự sống”

Chúng ta đã cử hành lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày tôn phong cha Thánh Phêrô Giulianô Eymard. Cha có tên trong lịch phụng vụ của Giáo hội (ngày 2 tháng 8), và là một Tông Đồ Thánh Thể đối với toàn thể giáo hội và đối với mọi thời. Cha mời gọi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Đức Giêsu trong Thánh Thể, suy niệm tình yêu của Người trong lúc chầu Thánh Thể, và sống tình yêu này trong cuộc sống đầy khó khăn thử thách gắt gao để trở thành những chứng nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa nơi bí tích Thánh Thể đối với tất cả các anh chị em của chúng ta.

Lm. Giuse Trần Đình Long,sss

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Điệp Khúc Mai Côi (10/1/2014)
Điệp Khúc Kính Mừng (10/1/2014)
Chuỗi Ngọc Mai Côi (10/1/2014)
Toàn Thể Giáo Hữu Việt Nam Hết Lòng Tin Cậy Chạy Đến Cùng Đức Mẹ! (10/1/2014)
Bàn Tay Đức Mẹ! (10/1/2014)
Tin/Bài cùng ngày
Kinh Kính Mừng - Lời Kinh Cầu Cho Hòa Bình, Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ (10/7/2018)
Lời Kinh Gần Gũi Cuộc Sống, Lm Giuse Nguyễn Hữu An (9/30/2014)
Kinh Kính Mừng Lời Kinh Cầu Cho Hòa Bình, Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ (9/30/2014)
Cách Lần Hạt Mân Côi, Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ (9/30/2014)
Chương Trình Tháng Mân Côi 2014 (9/30/2014)
Tin/Bài khác
Chuỗi Ngọc (lễ Đức Mẹ Mai Côi) (10/7/2018)
Chuỗi Ngọc Vàng Kinh (10/7/2018)
Chuỗi Kinh Hòa Bình (9/29/2014)
Chuỗi Mai Côi (9/29/2014)
Cn 2609: Đức Mẹ Akita, Nhật Bản (5) (9/26/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768