MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Nghe Và Làm, Dụ Ngôn Hai Người Con, Lm. Phanxicô Vũ Phan Long
Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 9-2014

Nghe và làm, dụ ngôn hai người con, Lm. Phanxicô Vũ Phan Long

Dù chúng ta hay người anh em có thế nào, tất cả đều là con của cùng một Cha, được Người thương trọn vẹn, tín nhiệm trọn vẹn, và giao công việc đồng đều

1.- Ngữ cảnh

Nhìn vào dàn bài tổng quát của phân đoạn gồm các chương 21 và 22, ta nhận ra đặc tính bút chiến của ba dụ ngôn Đức Giêsu kể ra nhằm biện minh cho kế hoạch của Thiên Chúa:

1) Dụ ngôn Hai người con (21,28-32) xác định trong Ít-ra-en có những người tội lỗi thực sự vì bất phục tùng.

2) Dụ ngôn Những tá điền sát nhân (21,33-43) vạch trần kế hoạch sát nhân của người Do-thái và loan báo chương trình của Thiên Chúa là sắp chuyển sứ mạng của người Do-thái cho Dân ngoại (c. 45 cho thấy rằng các thượng tế và người Pharisêu hiểu là Ngài nói về họ, và như thế là gián tiếp nhìn nhận dự tính sát nhân của họ).

3) Dụ ngôn Tiệc cưới hoàng gia (22,1-14) gom lại các dữ kiện của hai dụ ngôn trước (từ khước vì bất phục tùng, sát hại người con trai, hủy diệt những kẻ sát nhân, kêu gọi những người khác).

Ba bài dụ ngôn này cũng được trình bày tiệm tiến (làm việc, cung cấp hoa trái, đến dự tiệc).

Dụ ngôn Những người thợ làm vườn nho (20,1-16) đã nêu bật rằng Thiên Chúa không hề bị lệ thuộc hành vi con người; Người hoàn toàn tự do và tốt lành. Trong dụ ngôn Hai người con, Đức Giêsu cho thấy lần nữa rằng thi hành ý muốn của Thiên Chúa là một bổn phận không thể tránh né.
.- Bố cục
            Bản văn có thể chia làm hai phần:

            1) Dụ ngôn Hai người con (21,28-31a);

            2) Bài học (21,31b-32).

3.- Vài điểm chú giải

- Các ông nghĩ sao? Một người kia có hai con trai (28): Đức Giêsu hỏi ý kiến của các thính giả và cả các đối thủ của Ngài. “Người kia” tượng trưng Thiên Chúa; còn “hai người con” tượng trưng cho hai thành phần làm nên Dân Thiên Chúa vào thời Đức Giêsu: những người “tội lỗi”, không tuân giữ Lề Luật và các quy định của kinh sư, và những người “công chính” trung thành với tôn giáo chính thức, ở đây là các thủ lãnh của Dân. Cả hai bên đều được gọi là “con” của Thiên Chúa.

- nó hối hận (30): Mt không dùng động từ “hoán cải” (metanoeô) mà là động từ khác, “hối hận” (metamelomai), chỉ có ở đây và ở 27,3 trong Mt, nhưng được dùng nhiều trong Bản LXX theo nghĩa là “quay trở về với Thiên Chúa” (Ed 14,22; Tv 105,45; Xh 13,17…).

- vào Nước Thiên Chúa trước các ông (31): Động từ proagô thường có nghĩa là “đi trước”, nhưng ở đây có nghĩa là “chiếm chỗ”. Đây là một kiểu nói a-ram.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Dụ ngôn Hai người con (28-31a)

Cả hai người con đều được cha đề nghị với giọng thân tình là đi làm vườn nho cho ông. Phản ứng của họ hoàn toàn khác nhau. Người thứ nhất trả lời bằng một câu “Con không muốn” khô khan và bất lịch sự, nhưng rồi anh nghĩ lại và đi làm việc trong vườn nho. Người thứ hai đáp lại bằng một câu “Thưa ngài, con đi!” lịch thiệp và khả ái, nhưng anh không đi đến vườn nho và không động một ngón tay vào. Nơi người thứ nhất, lời nói thì không thỏa đáng, nhưng hành động thì tốt. Nơi người thứ hai, các lời nói thì tốt, nhưng thiếu hành động.  Thế mà chắc chắc là không phải các lời nói nhưng các hành động mới có tính quyết định. Chỉ ai làm theo ý muốn của người cha, thì mới thực hiện ý muốn của ông. 

Đức Giêsu kể dụ ngôn này cho “các thượng tế và kỳ mục trong dân” (21,23), vì họ đã đến Đến thờ gặp Ngài mà hỏi về nguồn gốc của quyền Ngài. Trong cách đánh giá ví dụ được nêu ra, Đức Giêsu và các đối thủ đồng ý với nhau. Cả họ nữa, họ cũng nhận định là ý muốn của người cha chỉ được thực hiện qua hành động. Tuy nhiên, họ không đồng ý với Đức Giêsu về cách áp dụng.  

* Bài học (31b-32)

Đức Giêsu dùng dụ ngôn này mà mô tả một bên là lối xử sự của giới lãnh đạo tôn giáo và bên kia là lối xử sự của những người thu thuế và những người tội lỗi đối với ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn này đã được Gioan Tẩy Giả công bố. Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của họ về quyền của Ngài bằng một câu hỏi ngược lại liên hệ đến quyền của viï Tẩy Giả. Ngài muốn họ cho biết cách họ lượng định về Gioan: họ coi ông là một sứ giả của Thiên Chúa, nhận quyền bính từ Người, hay là họ coi ông chỉ là một người thường, nhân danh mình mà đến (21,25). Phải hiểu điểm này để hiểu ý nghĩa và vai trò của Gioan, hiểu lời loan báo và phép rửa ông làm. Họ đã muốn tránh lấy lập trường, nên đã giả bộ không biết.

Tuy nhiên Đức Giêsu nói thẳng ra Ngài nghĩ gì về vị Tẩy Giả và Ngài đánh giá thế nào lối xử sự của ông. “Ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông” (21,32; x. 11,7- 19). Gioan đã đến do Thiên Chúa sai phái và đã loan báo những gì người ta phải làm, đâu là lối xử sự đúng đắn, phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Qua trung gian Ngài, Chúa Cha đã bày tỏ ý muốn của Người và đã mời đi làm trong vườn nho Người. Nhưng họ hoàn toàn không muốn tin; họ đã không chịu nhận biết Ngài là vị ngôn sứ được Thiên Chúa cử đến nên đã không lắng nghe sứ điệp của Ngài (x. c. 25). Do đó họ tương ứng với người con thứ hai, đã nói những lời tốt đẹp, nhưng không làm đúng ý của cha.

Lời khuyến cáo của Đức Giêsu càng gây đau đớn, bởi vì Ngài đặt đối lập người thu thuế và các cô gái điếm với những người đang đối thoại với Ngài. Đối với các thủ lãnh Do-thái, chỉ nguyên việc được nhắc tới cùng với người thu thuế và các gái điếm đã là một chuyện sỉ nhục rồi. Theo họ, người thu thuế và kẻ tội lỗi theo nguyên tắc bị loại khỏi Nước Thiên Chúa do lối sống của họ. Ngược lại, Đức Giêsu lại thấy người thu thuế và kẻ tội lỗi nàyï chính là đứa con lúc đầu đã cương quyết nói không, nhưng rồi hối hận và đã đi làm theo ý cha. Đức Giêsu không đồng ý với lối sống của họ, nhưng nhìn nhận rằng họ đã nhận biết sứ điệp Gioan gửi đến để kêu gọi hoán cải và coi đó là thi hành ý muốn của Thiên Chúa; Ngài khẳng định rằng đây là điều cần thiết để được vào Nước Thiên Chúa.

+ Kết luận

Qua bài dụ ngôn này, Đức Giêsu dạy chúng ta đừng phê phán về giá trị tôn giáo của người ta dựa theo một bảng phân loại các hạng người hoặc thể theo những cam kết về lý thuyết hay nguyên tắc. Nói cho cùng, chính cách xử sự cho thấy đáy lòng.

Khi so sánh dụ ngôn này với dụ ngôn Người con hoang đàng, ta có thể thấy được là các quan hệ giữa Đức Giêsu và giới lãnh đạo Ít-ra-en xấu đi rõ ràng. Người con nói không, rồi hối hận, có lẽ ít đáng bị trách hơn đứa con hoang đàng, nhưng người con nói vâng mà không làm gì cả thì bị phê phán nghiêm khắc hơn người anh cả ghen tị. Trong bài dụ ngôn Luca, thính giả có ấn tượng là người cha gia đình còn hy vọng bao trùm sự ghen tương tồi tệ của đứa con cả bằng tình thương của ông. Nhưng khi nghe dụ ngôn Hai người con, ta đoán ra rằng Đức Giêsu không còn hy vọng hoán cải người Pharisêu được nữa. Họ đã chứng kiến sự thánh thiện của Gioan Tẩy Giả, họ đã thấy những người thu thuế và các phụ nữ tội lỗi hoán cải, thế mà họ không hề băn khoăn nghĩ ngợi! Sự chai đá của họ thật vô phương cứu chữa!

5.- Gợi ý suy niệm

1. Chúng ta học nơi Đức Giêsu bài học không có nhận định kiểu thành kiến về giá trị tôn giáo của người ta dựa theo cách phân loại các hạng người tùy các dấn thân theo nguyên tắc hay các lý thuyết của họ. Chỉ lối sống thực tế mới cho thấy lòng dạ con người.

2. Dù đã nói “không”, hoặc đã sống xấu xa, chẳng một ai lại phải tuyệt vọng. Câu trả lời đầu tiên không phải là lời quyết định, nếu ta không ở lại trong lời ấy, nếu ta biết điều chỉnh nó và vượt thắng nó bằng lối cư xử đúng đắn tiếp sau. Và lối xử sự đúng đắn của những người trước đấy đã sống sai lạc hẳn là phải thúc đẩy những người vẫn tự nhận là tốt lành đi đến hoán cải, nhưng không khiến họ bắt chước hành động trước đây của mình. 

3. Cần phải đi tìm biết ý Thiên Chúa và mau mắn đón nhận. Cần phải nhận biết các sứ giả Thiên Chúa gửi đến nhằm thông tri cho ta biết ý muốn của Người. Từ khước lấy lập trường là một cách lấy lập trường chống lại ý muốn của Thiên Chúa. Lời nói không thể thay thế hành động hữu hiệu. Đã nói là vâng theo ý Thiên Chúa thì phải nghiêm túc thực hiện thánh ý Người trong đời sống mình.   

4. Dù chúng ta hay người anh em có thế nào, tất cả đều là con của cùng một Cha, được Người thương trọn vẹn, tín nhiệm trọn vẹn, và giao công việc đồng đều: chăm sóc chính vườn nho của Người. Chúng ta có biết nhận ra vinh dự đó mà sống cho nghiêm túc đời sống và sứ mạng  của mình, đồng thời giúp anh chị em cũng sống được như thế chăng?

(Lm. Phanxicô Vũ Phan Long)

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Kinh Kính Mừng Lời Kinh Cầu Cho Hòa Bình, Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ (9/30/2014)
Cách Lần Hạt Mân Côi, Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ (9/30/2014)
Chương Trình Tháng Mân Côi 2014 (9/30/2014)
Chuỗi Kinh Hòa Bình (9/29/2014)
Chuỗi Mai Côi (9/29/2014)
Tin/Bài khác
Với Bộ Áo Đức Bà Tôi Sẵn Sàng Chết Vì Đạo Công Giáo (7/17/2019)
Đặc Ân Ngày Thứ Bảy (cho Người Đeo Áo Đức Bà) (7/17/2019)
Chuỗi Ngọc (lễ Đức Mẹ Mai Côi) (10/7/2018)
Chuỗi Ngọc Vàng Kinh (10/7/2018)
Cn 2609: Đức Mẹ Akita, Nhật Bản (5) (9/26/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768