MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 18.07 – 24.07.2014 --- Trung Đông Tang Thương Trong Chiến Tranh
Thứ Bảy, Ngày 26 tháng 7-2014
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 18.07 – 24.07.2014

Trung Đông tang thương trong chiến tranh

 

 

1. Đức Thánh Cha bày tỏ sự đau buồn khi người Công Giáo cuối cùng phải rời khỏi Mosul

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi tất cả các tín hữu trên thế giới hãy nhớ đến các Kitô hữu đang phải chạy trốn khỏi thành phố Mosul của Iraq, và tiếp tục cầu nguyện cho những người khác đang bị cuốn hút vào các cuộc xung đột trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông và Ukraine.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên sau khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu trưa Chúa Nhật 20 tháng 7 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha đã được thông báo hôm thứ Bảy là người Kitô hữu cuối cùng của Mosul, nơi đã từng là thủ phủ Kitô Giáo trong 16 thế kỷ, đã phải rời khỏi thành phố theo sau một tối hậu thư của bọn khủng bố Hồi Giáo ISIS. Cho đến nay, thành phố, nơi đã từng có 60,000 Kitô hữu trước khi cuộc chiến Iraq bắt đầu, đã không còn một sự hiện diện Kitô giáo nào.

Đức Thánh Cha nói ngài nhận được tin với sự âu lo và nhắc lại rằng tại Mosul cũng như tại nhiều miền khác của Trung Đông, các Kitô hữu ngay từ thời sơ khai của Kitô Giáo đã "sống hài hoà với đồng bào họ, và đóng góp đáng kể cho lợi ích của xã hội ".

Ngài nói:

"Tôi mời gọi anh chị em nhớ đến họ trong lời cầu nguyện," Đức Giáo Hoàng nói. "Tôi cũng mong anh chị em kiên trì trong lời cầu nguyện cho các tình huống căng thẳng và xung đột vẫn tồn tại trong các phần khác nhau của thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông và Ukraine.

"Xin Thiên Chúa của hòa bình truyền cảm hứng cho tất cả mọi người trên thế giới, một mong muốn đích thực cho đối thoại và hòa giải. Bạo lực không thể chế ngự bằng bạo lực. Bạo lực chỉ có thể chiến thắng bởi hòa bình!"

Đức Thánh Cha sau đó dừng lại trong một khoảnh khắc im lặng trước khi cầu nguyện xin sự cầu bầu của Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình.

2. Đức Thánh Cha tiếc thương Giám Mục Tin Lành Tony Palmer

Hôm Chúa Nhật 20 tháng 7, Giám Mục Tin Lành Tony Palmer, một người bạn thân của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã chết vì tai nạn giao thông. Tai nạn xảy ra khi vị Giám Mục này đang lái một chiếc mô tô tại Anh quốc. Sau nhiều giờ giải phẩu vị Giám Mục của Liên Hiệp Các Giáo Phái Phúc Âm đã qua đời cùng ngày.

Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự tiếc thương của ngài trước cái chết của người bạn thân đã từng quen biết nhiều năm với ngài.

Đầu năm nay, hàng trăm các tín hữu Tin Lành thuộc phái Ngũ Tuần đang trong tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô Giáo tại Hoa Kỳ đã theo dõi một đoạn video do Giám Mục Tony Palmer ghi bằng iphone trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô hôm 14 tháng Giêng. Trong đoạn video này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi đến Đại Hội của họ những tâm tình mong muốn sự hiệp nhất Kitô Giáo của ngài. 

Qua người vợ Ý thuộc Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo, Tony Palmer đã trở thành gạch nối với Giáo Hội Công Giáo và đã từng làm việc với nhiều giới chức Công Giáo tại Rôma. Đặc biệt nhất là trong giai đoạn hoạt động tại Á Căn Đình, ông đã quen biết với Đức Tổng Giám Mục Bergolio từ năm 2006 và nhận Đức Tổng Giám Mục làm linh hướng. 

Theo lời ông trình bày trước Đại Hội, thì giữa tháng Mười Hai vừa qua, ông nhận được cú điện thoại từ Đức Phanxicô ngỏ ý muốn gặp ông. Trong cuộc tiếp kiến ngày 14 tháng Giêng tại Vatican, ông cho Đức Phanxicô hay mình sắp sửa tham dự Đại Hội này, nếu Đức Phanxicô có mấy lời nhắn với Đại Hội thì hay biết mấy. 

Giám Mục Tony Palmer nói:

"Tôi hỏi: Đức Thánh Cha có muốn tôi viết xuống không? Ngài nói: sao anh không thu một đoạn video? Tôi thực sự đã nghĩ đến chuyện này, tôi luôn có iPhone trong túi. Tôi đã nghĩ đến việc xin ngài điều này.. . nhưng tôi không muốn lạm dụng tình bạn của chúng tôi."

Trong đoạn video Đức Thánh Cha nói bằng tiếng Anh nhưng pha với tiếng Ý:

“Xin lỗi anh chị em vì đôi khi tôi nói bằng tiếng Ý. Nhưng tôi nói chẳng bằng tiếng Anh hay tiếng Ý, nhưng bằng tiếng nói con tim. Đó là thứ ngôn ngữ đơn giản và chân thật hơn, và thứ ngôn ngữ này có từ vựng và văn phạm của nó. Một văn phạm đơn giản với hai luật: Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì họ là anh chị em của chúng ta. Với hai luật ấy, chúng ta có thể tiến về phiá trước.

Tôi đang ở đây với người anh em mình, với Giám Mục anh em Tony Plamer. Chúng tôi đã là bạn cố tri trong nhiều năm. Ngài bảo với tôi về Đại Hội của anh chị em, về cuộc gặp gỡ của anh chị em. Và tôi thật hân hạnh được chào đón anh chị em với cả niềm vui và nỗi khát khao. 

Vui vì thấy anh chị em cùng tụ họp để tôn thờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa duy nhất và cầu nguyện cùng Chúa Cha để đón nhận Thánh Thần. Điều này thật vui vì chúng ta có thể thấy Chúa đang hoạt động khắp cùng bờ cõi trái đất. Khát khao vì điều xảy ra là trong chỗ chòm xóm với nhau có những gia đình yêu mến nhau nhưng cũng có những gia đình không ưa nhau. Những gia đình tụ họp cùng nhau và những gia đình phân rẽ. Chúng ta thuộc loại, chop phép tôi được nói, là phân rẽ. Phân rẽ vì tội lỗi đã chia cách chúng ta, tội lỗi của tất cả chúng ta. Những hiểu nhầm xuyên suốt trong lịch sử. Đó là hành trình dài của tội lỗi mà tất cả chúng ta đều dự phần. Trách ai bây giờ?

Tôi khát khao rằng sự phân rẽ này đến hồi kết thúc để chúng ta được hiệp nhất. Tôi khao khát sự chấp nhận lẫn nhau này.

Thánh Kinh đã đề cập đến gia đình của anh em Giuse khi nạn đói xảy ra họ trẩy sang Ai cập để mua cái gì đó để ăn. Họ có tiền nhưng họ không ăn tiền được. Nhưng ở đó họ gặp được cái còn quý hơn thực phẩm: đó là người anh em của mình. Tất cả chúng ta đều có tiền là văn hóa, là lịch sử của chúng ta. Chúng ta giầu có về văn hóa, tôn giáo và chúng ta có những truyền thống dị biệt. Nhưng chúng ta phải gặp gỡ người khác như những anh chị em của mình. Chúng ta phải khóc cùng nhau như Giuse đã từng khóc. Những giọt nước mắt này hiệp nhất chúng ta. Những giọt lệ của yêu thương. 

Tôi nói chuyện với quý vị như những anh chị em với nhau bằng những từ ngữ đơn giản. Với niềm vui và nỗi khát khao. Chúng ta hãy để nỗi khát khao được gặp gỡ và ôm lấy nhau tăng trưởng trong chúng ta vì điều này thúc đẩy chúng ta tìm kiếm nhau và chấp nhận nhau. Và cùng tôn thờ Chúa Giêsu Kitô là Chủ Tể của lịch sử, là Chúa và là Chúa duy nhất của Giáo Hội, chúng ta hãy cầu nguyện với Ngài cho sự hiệp nhất. 

Tôi chân thành cám ơn anh chị em đã lắng nghe tôi. Tôi chân thành cám ơn anh chị em đã cho tôi nói ngôn ngữ của con tim. Và tôi cũng xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi vì tôi cần những lời cầu nguyện của anh chị em.

Và chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta được hiệp nhất. Chúng ta là anh chị em với nhau. 

Chúng ta hãy tiến về phía trước, chúng ta là anh chị em với nhau và trong tinh thần chúng ta hãy ôm lấy nhau. Xin Chúa hoàn thành công việc Ngài đã bắt đầu. Cơ may này là một phép lạ, phép lạ của tình hiệp nhất đã bắt đầu. Một nhà văn Ý nổi tiếng là Manzoni, đã viết về điều này trong những tiểu thuyết của ông. Ông là một người đơn giản và ông đã viết: ‘Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một phép lạ Chúa đã bắt đầu mà lại không kết thúc nó một cách chính xác.’ Chúa sẽ hoàn thành phép lạ của sự hiệp nhất này."

Thông điệp video của Đức Giáo Hoàng làm sững sờ những người hiện diện. Đức Thánh Cha sau đó đã yêu cầu các tham dự viên cầu nguyện theo ước nguyện của Chúa Kitô “Ut unum sint - Để Chúng Nên Một.” Cộng đồng Ngũ Tuần đáp lại bằng những lời cầu nguyện và gửi đến Đức Thánh Cha một video của họ được thực hiện trong dịp này.

3. Sứ điệp gửi tín hữu Hồi giáo nhân dịp kết thúc chay tịnh Ramadan

Theo truyền thống đã có từ nhiều năm, hôm 18 tháng 07, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn đã công bố sứ điệp gửi các tín hữu Hồi giáo nhân dịp kết thúc tháng chay tịnh Ramadan.

Sứ điệp mang chữ ký của Đức Hồng Y Jean Louis Tauran chủ tịch và linh mục Miguel Ayuso Guixot, tổng thư ký hội đồng đối thoại liên tôn của Tòa Thánh. Sứ điệp có đoạn viết “Anh chị em Hồi Giáo thân mến, chúng tôi rất vui mừng và thành tâm chúc mừng anh chị em dịp lễ Id al Fitr, chấm dứt tháng chay tịnh Ramadan là tháng dành để cầu nguyện, thanh tịnh và cứu giúp người nghèo. Hồi năm ngoái, trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đích thân gửi điệp văn cho anh chị em nhân dịp này. Các tín hữu Kitô và Hồi Giáo đều là anh chị em với nhau, vì cùng là con cái của một Thiên Chúa duy nhất đã tạo dựng nên gia đình nhân loại. Chúng ta luôn cám ơn Đấng Tối Cao đã ban cho chúng ta nhiều điểm tương đồng, chẳng hạn như phẩm giá con người là con cái Thiên Chúa và lòng tuân phục Người, cùng với tình yêu, công lý, hòa bình và sứ mạng phục vụ giúp đỡ người nghèo khó. 

Như mọi người chúng ta đều rõ, thế giới ngày nay đang phải đối diện với những thách đố trước hiểm họa môi sinh, cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn vũ và nạn thất nghiệp lên cao, nhất là giữa những người trẻ. Nhân loại ngày nay cần phải chung sức hoạt động để xây những nhịp cầu hòa bình và thăng tiến hòa giải, nhất là tại những vùng mà tín hữu Kitô và Hồi Giáo cùng đang chịu cảnh thương đau của chiến tranh. 

Cầu xin tình thân hữu của chúng ta sẽ làm nảy sinh những đường hướng cộng tác mới để giải quyết những thách đố này cách khôn ngoan và thận trọng, để chứng minh rằng các tôn giáo có thể là suối nguồn mang lại hòa hợp và lợi ích cho toàn xã hội. Cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng tôi xin gửi đến toàn thể các anh chị em những lời chúc mừng an vui và thịnh vượng nồng nhiệt nhất.”

4. Sứ điệp ĐTC gửi nhân Hội Nghị về Di cư tại Mễ Tây Cơ

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tìm ra các hình thức di cư hợp pháp và an ninh, giúp thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ và đương đầu với hiện tượng di cư trên thế giới.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp gửi hội nghị về di cư do chính quyền Mễ Tây Cơ tổ chức khai diễn ngày 14 tháng 7 tại thành phố Mễ Tây Cơ. Tham dự hội nghị có Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, nhiều giới chức đạo đời gồm cả các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và các thiện nguyện viên nam nữ làm việc cho người di cư và tị nạn.

Trong sứ điệp Đức Thánh Cha khẳng định rằng việc toàn cầu hóa là một hiện tượng đặt ra cho chúng ta nhiều thách đố mới, trong đó có phong trào di cư. Mặc dù di cư là sự kiện xảy ra trong hầu hết mọi đại lục và các quốc gia trên thế giới, nó vẫn bị coi như một tình trạng cấp bách hay một sự kiện lâu lâu mới xảy ra một lần. Di cư là một hiện tượng đem theo nhiều hứa hẹn lớn, nhưng người di cư vẫn bị kỳ thị và bài trừ, trong khi họ đã phải đau khổ vì bị cưỡng bách ra đi, và thường khi họ bị bó buộc phải rời xa gia đình người thân và chết cách thê thảm trên đường di cư. 

Chúng ta tất cả cần phải thay đổi thái độ đối với người di cư tỵ nạn: từ thế thủ và sợ hãi, thờ ơ hay gạt bỏ là thái độ của “nền văn hóa gạt bỏ” đổi sang thái độ cởi mở, quảng đại tiếp đón của “nền văn hóa gặp gỡ”, là nền văn hóa duy nhất giúp xây dựng một thế giới công bằng, huynh đệ và tốt đẹp hơn.

Đức Thánh Cha đã đặc biệt mời gọi lưu ý tới hàng ngàn trẻ em di cư không có cha mẹ và người lớn đi kèm để thoát cảnh nghèo đói và bạo lực. Các em đến từ các nước Trung Mỹ Latinh và tìm sang Hoa Kỳ qua ngã biên giới Mễ Tây Cơ. Cần phải có các cơ cấu tiếp đón và che chở các em. Nhưng cũng cần có các đường lối chính trị thông tin tức chính xác về các nguy hiểm người di cư có thể gặp phải, và nhất là thăng tiến phát triển tại các quốc gia gốc, để người dân có cuộc sống xứng đáng, khỏi phải di cư. Điều này chỉ có thể thực hiện, nếu có các hình thức mới của việc di cư hợp pháp và an ninh.

Phát biểu trong hội nghị, Đức Hồng Y Parolin tái khẳng định phẩm giá và các quyền con người trong đó có quyền tự do tôn giáo, mà mọi quốc gia cần thăng tiến và tôn trọng. Các ý niệm này là kết qủa đóng góp lớn của Kitô giáo cho nhân loại khi rao giảng tình yêu thương huynh đệ đại đồng. Trong số các lý do gây ra nạn di cư có việc vi phạm các quyền căn bản của con người, chiến tranh, bạo lực, bất công, đàn áp, nghèo đói và bần cùng. Bước vào thế kỷ 21 rồi mà thế giới ngày nay vẫn còn có biết bao nhiêu bạo lực chính trị, kinh tế và xã hội, khiến cho con người phải sống trong nghèo đói, bị hạ nhục xúc phạm đến phẩm giá của họ, và đôi khi bị tra tấn hành hạ, bị khai thác bóc lột phải làm việc như nô lệ, bị lạm dụng tính dục, hay rơi vào tay các tổ chức tội phạm và chết trong sự thờ ơ của nhiều người... 

Tất cả mọi người và mọi dân nước đều có bổn phận góp phần làm cho thế giới này trở nên tốt lành hơn. Giáo Hội Công Giáo tại Mễ Tây Cơ đã đưa ra rất nhiều sáng kiến nhắm tiếp đón các anh chị em di cư ty nạn để giúp họ có cuộc sống mới an bình và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên các tổ chức quốc tế và các chính quyền phải phối hợp với nhau để đưa ra các giải pháp hữu hiệu trên bình diện rộng lớn cho vấn đề di cư tỵ nạn, làm sao để phẩm giá và các quyền của họ được tôn trọng và bảo đảm hơn.

5. Do Thái tổng tấn công vào Gaza. Đức Thánh Cha gọi điện thoại cho tổng thống Israel và Palestine

Nửa đêm thứ Bẩy rạng sáng Chúa Nhật 20 tháng 7, Do Thái xua quân vào dải Gaza. 40 ngày trước, Tổng thống Israel Shimon Peres và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã cầu nguyện cho hòa bình, cùng với Đức Giáo Hoàng tại Vatican. Kể từ đó, điều đáng tiếc là các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ và xấu hơn nữa đến mức đã phát triển thành một cuộc xung đột đẫm máu, cướp đi sinh mạng của ít nhất 340 người, chủ yếu là người Palestine. 

Trước diễn biến mới nhất là Israel phát động một cuộc tổng tấn công trên bộ tại Dải Gaza chống lại các chiến binh Hamas, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện cho cả hai ông Peres và Abbas. Theo tuyên bố của Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ mối quan tâm của mình về cuộc chiến đang diễn ra, và sự đau khổ của các nạn nhân vô tội. 

Đức Giáo Hoàng yêu cầu cả hai nhà lãnh đạo tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình. Tuy nhiên, ngài cũng gọi những cam kết mạnh mẽ hơn từ "các bên liên quan và những người nắm giữ chức vụ chính trị", để đạt được một lệnh ngừng bắn ngay tức khắc. 

Đức Giáo Hoàng đã cố gắng làm hết sức mình trong một trạng huống vô cùng khó khăn. Ông Peres, là người có khuynh hướng hòa bình, chỉ còn nắm giữ chức vụ tổng thống cho đến ngày 27 tháng 7. Trong khi đó, Tổng thống Abbas và đảng Fatah của ông bị Hamas đặt ra ngoài trong cuộc xung đột, và các đối thủ Hamas của ông kêu gọi một cuộc tấn công toàn diện ở Gaza, và thẳng thừng bác bỏ một thỏa thuận ngừng bắn được Ai Cập ủng hộ. 

Trong bối cảnh cuộc tấn công của Israel, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gởi điện văn cho linh mục chánh xứ giáo xứ Thánh Gia, là nhà thờ Công Giáo duy nhất trong dải Gaza để thăm hỏi. Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc một số gia đình, kể cả trẻ em và người cao tuổi đang tị nạn bên trong. 

Trong điện văn của mình gởi cha Jorge Hernandez, chánh xứ giáo xứ Thánh Gia, là một linh mục đồng hương người Á Căn Đình Đức Giáo Hoàng bày tỏ sự gần gũi của mình với cha Hernandez , các anh chị em, và toàn thể cộng đồng Công Giáo. Ngài nói rằng ngài đã cầu nguyện cho họ, và xin Đức Mẹ bảo vệ họ.

6. Caritas của Giáo phận Roma mở rộng nhà chăm sóc cho người nhiễm vi khuẩn HIV

Trong 25 năm, chi nhánh Caritas của Giáo phận Roma đã có một cách tiếp cận tích cực để chăm sóc cho người bị nhiễm khuẩn HIV. Khi căn bịnh quái ác này lần đầu tiên được đề cập rộng rãi, người ta rất sợ, và những người bị nhiễm khuẩn thường chỉ còn vài nơi để chuyển đến. Một trong những địa điểm đó đặt tại Villa Glori, trong một khu phố sang trọng của kinh thành Rôma. Đó không phải là một trung tâm y tế, nhưng đó là một nơi họ có thể gọi là nhà. 

Massimo Raimondi, Giám đốc căn nhà tình thương Villa Glori tâm sự 

"Trung tâm chúng tôi bị người ta coi là chỗ bị quỉ ám. Hàng xóm không muốn thấy sự tồn tại một trung tâm như thế. Nhiều người sợ hãi, cho đến bây giờ vẫn còn. Đó là khó khăn lúc đầu, ngay cả những người trong chúng tôi làm việc ở đây cũng sợ hãi." 

Hai mươi năm trước, Massimo Raimondi đã trở thành một tình nguyện viên chăm sóc cho người bị nhiễm HIV. Lúc đó, bệnh nhân được cung cấp những chăm sóc cơ bản được cung cấp, nhưng trên hết mọi sự, đó là một ngôi nhà để họ có thể chết với phẩm giá con người. Nhiều bệnh nhân không chống đỡ được lâu với căn bệnh này, họ chết chỉ trong vòng vài tháng. Với những tiến bộ trong việc điều trị căn bệnh này, bệnh nhân bắt đầu sống lâu hơn, và trung tâm cũng chuyển trọng tâm của mình để trở thành một nhà điều dưỡng hơn là một trung tâm chờ vĩnh biệt. 

Bây giờ, trong tư cách giám đốc trung tâm, Raimondi trông nom 26 cư dân. Phần lớn trong số họ có một quá khứ khó khăn, bao gồm vô gia cư và sử dụng ma túy. Mục tiêu chính của Raimondi là đem lại cho họ một mái nhà. 

Massimo Raimondi cho biết:

"Một trong những bệnh phổ biến nhất là trầm cảm, và điều này có xu hướng tạo ra các vấn đề tâm thần. Chúng tôi tin rằng, để chế ngự được căn bệnh này chỉ thuốc thôi thì không đủ. Chúng ta nên chống lại bệnh tật này với tình cảm, và sự tôn trọng dành cho mỗi người " 

Vị giám đốc cho biết nhiệm vụ chính của trung tâm là cung cấp những hỗ trợ, và giống như bất kỳ một gia đình nào khác, trung tâm đứng bên cạnh họ khi họ tìm cách điều trị. Trung tâm chỉ cung cấp gia cư, các dịch vụ y tế và tâm lý không được cung cấp ở đây, mà ở những địa điểm bên ngoài. Bằng cách đó, trung tâm khuyến khích mọi người ra ngoài và gặp gỡ với những người khác.

Trong bốn năm qua, Caritas của Giáo phận Roma có kế hoạch mở rộng trung tâm. Nhờ sự đóng góp rộng rãi của một gia đình lân cận, trung tâm có thêm một nguyện đường nhỏ và chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô tặng cho nhà nguyện chuông để dùng trong thánh lễ.

7. Nhà thờ trang trí bởi những tranh hoạt hình

Cảnh thánh Martin, một người lính La Mã, tặng chiếc áo choàng của mình cho một người ăn xin là một trong những hình ảnh đầy biểu tượng và được nhiều người biết nhất trên thế giới. Ngài là một trong những vị thánh được mộ mến nhất trong Giáo Hội.

Vì vậy, để dạy cho trẻ em biết câu chuyện của Ngài, một giáo xứ Ý đã quyết định trang hoàng tất cả những cột trong nhà thờ với những bản vẽ truyện tranh miêu tả cuộc sống của vị thánh. 

Mabel Morri, họa sĩ truyện tranh nói : "Trẻ em rất thích thú với những hình ảnh. Chúng bắt đầu đặt câu hỏi về những ý nghĩa của những tấm hình, bởi vì chúng không biết câu chuyện. Vì vậy, những người không biết câu chuyện của Thánh Martin có thể biết được câu chuyện vì chúng tôi đặt những mô tả bên cạnh các cây cột, và chúng tôi phát hiện ra có rất nhiều người, đã đọc và hiểu ý nghĩa của 60 bức tranh.

Cô Mabel đã rất ngạc nhiên khi giáo xứ yêu cầu cô thực hiện dự án này. Tuy nhiên, nhìn vào phản ứng của mọi người , cô ấy rất hài lòng với những gì cô đã làm. 

Cô Mabelchia sẻ thêm: "Chúng ta đang trở lại với cội nguồn của chúng ta vì truyện tranh được hình thành từ Giáo Hội, với những bức bích họa. Chúng ta đang quay lại một điều đã được thực hiện trong nhiều thế kỷ qua, trong lịch sử nghệ thuật."

Kết quả cuối cùng của những gì xảy ra bên trong những ngôi nhà thờ từ xa xưa đến này là việc rao giảng Tin Mừng. Với thiết kế đơn giản và màu sắc sống động, câu chuyện của vị thánh này một lần nữa đi vào cuộc sống , để bất cứ ai viếng thăm nhà thờ đều nhìn thấy. 

Nhưng, có lẽ chỉ có một số ít người có thể sánh được với Đức Giáo Hoàng về lòng nhiệt thành khi nói về Thánh Martin. Đức Giáo Hoàng luôn luôn sẵn sàng có huy chương của vị thánh này để tặng cho các nhà lãnh đạo thế giới đến thăm ngài tại Vatican.

8. Anh Giáo chính thức chấp nhận phong chức Giám Mục cho phụ nữ

Trong những ngày vừa qua Giáo Hội Anh giáo đã nhóm Tổng công nghị tại York và đã chấp thuận phong chức Giám Mục cho các nữ mục sư. Vấn đề này đã được thảo luận từ nhiều năm qua và đã bị bác bỏ năm 2012, nhưng nay đã được hai phần ba các thành viên Tổng công nghị gồm các Giám mục, mục sư và giáo dân chấp nhận.

Tổng công nghị là cơ quan quản trị cao nhất của Giáo Hội Anh Giáo. Một kiến nghị chỉ được thông qua với 2/3 số phiếu ủng hộ. Tổng công nghị Anh Giáo gồm: hội đồng giám mục, hội đồng linh mục và hội đồng giáo dân. 

Kết quả của cuộc bỏ phiếu như sau: 

Hội đồng giám mục: 37 phiếu thuận, 2 phiếu chống, 1 phiếu trắng.

Hội đồng linh mục: 162 phiếu thuận, 25 phiếu chống, 4 phiếu trắng.

Hội đồng giáo dân: 152 phiếu thuận, 45 phiếu chống, 5 phiếu trắng. 

Kết quả này cho thấy 351 thành viên đã bỏ phiếu thuận trong khi 72 thành viên bỏ phiếu chống và 10 thành viên bỏ phiếu trắng.

Việc phong chức linh mục và Giám Mục đã gây ra những chia rẽ trong Anh Giáo. Tỉ lệ người đi nhà thờ ngày Chúa Nhật đã giảm xuống còn 0.5%, tức là bình quân trong 200 người nhận mình là Anh Giáo thì chỉ có một người đi lễ ngày Chúa Nhật.

Mục sư Paul Kenedy, chánh xứ nhà thờ Các Thánh ở Winchester lên tiếng ủng hộ việc truyền chức Giám Mục cho phụ nữ cho dù nhà thờ của ngài hiện nay không còn ai đến dự lễ.

Trong khi đó cha Malcolm Jones, là cha sở họ đạo Công Giáo Holy Trinitry ở gần bên nhận định rằng quyết định của Tổng công nghị Anh giáo chấp thuận cho nữ giới làm Giám Mục đã tạo thêm một chướng ngại mới trên con đường tiến về hiệp nhất giữa Anh giáo và Công Giáo.

9. Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự đau buồn tột độ trước việc máy bay Malaysia bị bắn rơi ở Ukraine 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự thất vọng và đau buồn tột độ trước "bi kịch là chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysian Airlines đã bị bắn rơi ở phía đông Ukraine". Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh Vatican cho biết như trên trong cuộc họp báo ngày thứ Sáu 18 tháng 7. Vụ việc xảy ra gần thành phố Donetsk, gần biên giới Nga vào lúc 17:15 chiều thứ Năm 17 tháng 7 theo giờ địa phương. 

Chiếc máy bay gồm 298 hành khách đã bị bắn rơi và không còn ai sống sót sau tai nạn. Cha Federico Lombardi cho biết Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ. Ngài cũng tái đưa ra lời kêu gọi hòa bình và đối thoại để chấm dứt xung đột tại Ukraine. 

Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines đã cất cánh từ Amsterdam, và đang trên đường đến Kuala Lumpur. Lúc bị bắn hạ, chiếc phi cơ đang bay ở độ cao hơn 10,000 km. 

Những nguồn tin ban đầu nghi ngờ phiến quân thân Nga đã bắn rớt chiếc máy bay vì nhầm là máy bay quân sự của Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng quân phiến loạn chỉ là một đám ô hợp, được huấn luyện sơ sài không có khả năng, kiến thức và phương tiện để gây ra bi kịch này. Họ tin rằng chỉ có quân Nga trú đóng gần biên giới với Ukraine để bảo kê cho quân phiến loạn thân Nga ở Donetsk mới có những hoả tiễn địa không Buk 9K37 bắn xa tới độ cao như vậy. Đây là loại hỏa tiễn tầm nhiệt được đưa ra vào năm 1980 được cải tiến từ những hỏa tiễn Mạc Tư Khoa đã cung cấp cho Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam.

Trong một thông cáo báo chí, Malaysia Airlines nói họ đã mất liên lạc với chiếc máy bay lúc 14:15 giờ quốc tế khi máy bay đang bay cách phi trường Tamak 30km trên lãnh thổ Ukraine, cách biên giới Nga 50km. Chiếc máy bay Boeing 777 đã cất cánh từ Amsterdam là thủ đô Hoà Lan lúc 12:15 trưa theo giờ địa phương và được dự trù đáp xuống Kuala Lumpur lúc 6:10 sáng giờ địa phương. Trên chuyến bay có 298 người bao gồm 15 người thuộc phi hành đoàn.

10. Sứ điệp của Liên Hội Đồng Giám Mục Phi Châu và Madagascar

Trong sứ điệp công bố sau hội nghị về gia đình do Liên Hội Đồng Giám Mục Phi châu và Madagascar tổ chức trong các ngày từ mùng 6 đến 13 tháng 7, các Giám Mục đã đưa ra 23 đề nghị nhằm củng cố gia đình truyền thống bằng cách gia tăng chương trình chuẩn bị hôn nhân, thăng tiến giáo dục đào tạo gia đình cả trên bình diện tinh thần.

Các chương trình này cần thiết, vì giúp gia đình đương đầu với cuộc khủng hoảng hiện nay hậu qủa của chủ nghĩa cá nhân, duy lợi ích và tham lam, khiến cho người ta quên đi sự nhưng không của tình yêu.

Mười đề nghị đầu liên quan tới việc chuẩn bị hôn nhân chu đáo, bắng cách tái cấu trúc mục vụ gia đình, đào tạo các nhân viên mục vụ gia đình, củng cố đặc thái kitô, giáo dục con cái và người trẻ có tinh thần trách nhiệm và trưởng thành, dấn thân trong các lãnh vực xã hội, luật pháp và chính trị.

Mười đề nghị tiếp theo nêu bật bốn cột trụ của chiều kích tinh thần trong cuộc sống gia đình là: lắng nghe Lời Chúa, thường xuyên tham dự các buổi cử hành Thánh Thể, cầu nguyện chung và siêng năng rước Minh Thánh Chúa.

Các Giám Mục cũng đề cao việc đẩy mạnh tình liên đới với các gia đình nghèo túng và gặp khó khăn, cũng như thanh tẩy các tập tục liên quan tới của hồi môn, chống lại các hiện tượng giáo phái, phù thủy, ma thuật và thăng tiến mục vụ của lý trí

11. Không chấp nhận thứ chính trị loại bỏ

Cần phải đem con người trở lại trung tâm của xã hội, tư tưởng và suy tư, để đừng rơi vào chủ thuyết giản lược nhân chủng học.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên sau bữa ăn trưa với các tham dự viên ngày hội học về “nền kinh tế bao gồm” do Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình cùng tổ chức với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong nội thành Vatican ngày thứ Bẩy 12 tháng 7. Tham dự ngày hội học đã có 70 chuyên viên thuộc nhiều lãnh vực khác nhau. Ban trưa các tham dự viên đã dùng bữa với Đức Thánh Cha trong nhà trọ Thánh Marta.

Lấy lại hình ảnh của nho sau khi được chưng cất trở thành rượu mạnh Grappa, Đức Thánh Cha cảnh báo nguy cơ con người đánh mất đi bản chất là người đích thực của mình, vì bị biến thành một dụng cụ. Trở thành một dụng cụ của hệ thống xã hội, kinh tế, một hệ thống trong đó thống trị và làm mất quân bình cuộc sống. 

Khi con người mất đi nhân tính, thì cái gì chờ đợi chúng ta? Xảy ra điều mà tôi gọi là một đường lối chính trị, một xã hội học, một thái độ của sự loại bỏ. Người ta loại bỏ những gì không cần thiết đối với họ. Khi con người không còn ở trung tâm nữa thì người ta loại bỏ trẻ em. Sinh suất tại Âu châu đã xuống đến mức thấp nhất như tất cả chúng ta đều biết rồi. Người ta loại bỏ người già, vì họ không dùng được nữa. Và bây giờ người ta loại bỏ cả một thế hệ người trẻ, và đây là điều vô cùng nghiêm trọng: tôi trông thấy con số 75 triệu người trẻ thất nghiệp, dưới 25 tuổi. Họ là các người trẻ không được học hành và không có công ăn việc làm. Đó là một sự gạt bỏ kinh khủng. Gạt bỏ sắp tới đây sẽ là cái gì? 

Xin cám ơn sự đóng góp của qúy vị cho nỗ lực đưa con người trở lại trung tâm của cuộc sống. Con người là vua của vũ trụ. Đây không phải là thần học và triết lý, mà là một thực tại nhân bản

12. Thân phận Kitô hữu tại Iraq: Phải cải sang Hồi Giáo, hoặc trả thêm thuế, hoặc tử hình.

Quân Hồi Giáo cực đoan đang chiếm đóng vùng phía bắc Iraq và Syria đã ra lệnh cho các Kitô hữu ở thành phố Mosul là họ phải bỏ Kitô giáo và nhận Hồi giáo làm tôn giáo của mình, hoặc phải nộp thêm thuế cho các tòa án Hồi giáo Sharia, nếu không sẽ bị tử hình.

Quân khủng bố Hồi Giáo đã thành lập nhà nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria, gọi tắt là ISIS hôm 29 tháng 6. Nhà lãnh đạo của nhà nước không được nước nào công nhận này là tên trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi, đã ra sắc lệnh và gởi đến cho các nhà lãnh đạo Kitô Giáo tại Mosul.

Sắc lệnh nói rõ rằng nhà lãnh đạo ISIS đã đồng ý để các người Kitô giáo không chịu cải sang Hồi giáo có thể trả thêm thuế nếu muốn sống ở Mosul. Nếu không, họ phải rời bỏ thành phố này trước buổi trưa ngày thứ Bảy 19 tháng 7 năm 2014. Sau thời hạn đó, sắc lệnh của Abu Bakr nói rõ : “không còn lựa chọn nào khác ngoài lưỡi gươm chém đầu.”

Tưởng cũng nên nói thêm nhóm chiến binh thánh chiến ISIS thuộc nhóm Sunni quá khích là một nhóm xuất thân từ Al Qaeda. Trong mấy tháng qua họ chiếm được nhiều vùng đất ở Iraq và Syria và đã thiết lập một nước Hồi giáo mà đặc ngữ chuyên môn gọi là Caliphate. Giáo sĩ Abu Bakr đã tuyên bố ông là nhà lãnh đạo tân quốc gia Hồi Giáo này.

13. Đức Giáo Hoàng đã nhận hàng ''tấn'' thư từ !

Đức Giáo Hoàng có thư. ... .. và rất nhiều thư. Hàng ngàn lá thư nhận được mỗi tuần tại Bưu điện của Vatican. Chúng được phân loại từng cái một. .. ngay tại đây.

Cha Stefano Bortolato thuộc Bưu điện Vatican cho biết "Những lá thư này được gởi cho Đức Giáo Hoàng, các phòng ban của Vatican, các giám mục và Hồng Y cư ngụ tại Vatican."

Người ta ước tính rằng mỗi tuần, Đức Thánh Cha nhận được khoảng 6.000 lá thư, như vậy mỗi năm Ngài nhận khoảng 300.000 bức thư. Các nhân viên lựa riêng thư của Đức Giáo Hoàng sang một bên, và sau đó trao tận tay cho các cộng tác viên của ngài tại Bộ Ngoại giao Tòa Thánh.

Cha Stefano Bortolato cho biết thêm: "Chúng tôi không biết những những bức thư nói gì vì chúng tôi không mở chúng và khi Đức Giáo Hoàng đọc những lá thư này chúng tôi không có ở đó. Điều mà chúng tôi biết là Đức Giáo Hoàng nhận thư trực tiếp, mở thư và đọc một số lá thư"

Trong tư cách là một nhà nước độc lập, Vatican có bưu điện riêng của mình. Bưu điện này gửi và nhận thư từ khắp các nơi trên thế giới.

“Nếu bạn viết thư cho Đức Giáo Hoàng, chính xác bạn sẽ viết gì trong đó?"

Một người đang có mặt tại Bưu điện Vatican nói:

“Tôi sẽ thỉnh cầu Ngài cầu nguyện cho hòa bình thế giới."

Mặc dù ngày nay, thật là dễ dàng viết một e-mail hoặc thậm chí gửi đi một tweet, Đức Giáo Hoàng thích liên lạc theo lối xưa. Cho dù, đó là bằng cách gọi điện thoại, hay trả lời thư trực tiếp.

Một khách hành hương đang có mặt tại Bưu điện Vatican nhận xét:

"Tôi nghĩ rằng điều này đáng kinh ngạc. Đức Giáo Hoàng này rất khác so với Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm và Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ."

Vatican có hệ thống để xác minh những lá thư nào là hợp lệ. Với những lá thư xin yểm trợ tài chính, chẳng hạn, những thư gởi từ các giáo xứ hay giáo phận thì được coi trọng hơn. Nhưng hầu hết, chỉ đơn giản là xin cầu nguyện.

Cha Stefano Bortolato nói tiếp: "Chỉ cần nhìn các địa chỉ trên các lá thư, chúng tôi có thể nhận ra rằng kể từ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô được bầu lên, chúng tôi đã nhận được nhiều thư từ châu Mỹ La tinh hơn."

Ở đây, tại quốc gia nhỏ nhất thế giới, trớ trêu thay thư từ lại nhận được từ khắp mọi chân trời góc bể của thế giới. Mặc dù phải chen vai thích cánh với hàng chục ngàn bức thư, người ta vẫn hy vọng rằng bức thư của họ, chỉ cần một bước nữa thôi... dán tem rồi sẽ đến thẳng bàn làm việc của Đức Giáo Hoàng.

14. Xin cho Công Giáo Bắc Hàn được tham dự chuyến tông du của Đức Thánh Cha.

Tin của thông tấn xã AP cho biết vào ngày thứ Ba 15 tháng 7, Công Giáo Nam Hàn đã một lần nữa yêu cầu chính quyền cộng sản Bắc Hàn cho phép đại diện Công Giáo Bắc Hàn, gồm 10 người, được sang Nam Hàn để dự thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành nhân dịp ngài viếng thăm Nam Hàn vào trung tuần tháng 8 năm 2014.

Theo dự liệu, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Nam Hàn vào các ngày từ 14 đến 18 tháng 8 năm 2014. Trong chuyến tông du này Đức Thánh Cha sẽ tham dự ngày đại hội giới trẻ, chủ tọa lễ phong chân phước cho 124 người Đại Hàn đã tử vì đạo, đồng thời mang sứ điệp hoà bình đến bán đảo bị chia đôi vì chiến tranh.

Giới chức Công Giáo Nam Hàn cho biết cách đây 6 tháng, Công Giáo Nam Hàn đã yêu cầu chính quyền Bắc Hàn cho phép đại diện Công Giáo Bắc Hàn được tham dự các nghi lễ nhân dịp Đức Thánh Cha viếng thăm Nam Hàn. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Hàn đã không trả lời yêu cầu này và hôm nay Công Giáo Nam Hàn lại một lần nữa xin cho đại diện Công Giáo Bắc Hàn được đi Nam Hàn. Theo phát ngôn viên tổng giáo phận Seoul, cha Hur Young-yup, cho biết chính quyền Bắc Hàn có thể sẽ trả lời yêu cầu của Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn vào đầu tháng 8.

Tưởng cũng nên nói thêm hiến pháp cộng sản Bắc Hàn ghi rõ bảo đảm quyền tự do tôn giáo, nhưng thực tế, cộng sản Bắc Hàn đã tiêu diệt tôn giáo một cách triệt để. Theo các người Bắc Hàn đào thoát sang Nam Hàn, người nào phân phát Thánh Kinh hay bí mật tổ chức cầu nguyện chung cũng đủ để chính quyền Bắc Hàn xử tử hình hoặc bắt đi trại tù lạo động khổ sai.

Theo linh mục phát ngôn viên của tổng giáo phận Seoul, trước chiến tranh 1950-1953, Bắc Hàn có khoảng 50,000 tín hữu Công Giáo. Hiện nay, theo sự quan sát của các người có dịp đến Bắc Hàn, người ta không thấy có dấu hiệu nào là có sinh hoạt của người Công Giáo.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Cn 2531: Cuộc Hiện Ra Của Mẹ Betania, Venezuela (10) (8/9/2014)
Cn 2522: Ngày 5 Tháng 8 Là Sinh Nhật Của Đức Mẹ Maria (8/5/2014)
5 Tháng 8, Lễ Cung Hiến Ðền Ðức Bà Cả (8/5/2014)
Mẹ Tình Yêu (8/2/2014)
Cứ Tin Tưởng Vào Chúa Và Làm Điều Thiện (7/27/2014)
Tin/Bài cùng ngày
Phép Mầu Mân Côi (7/26/2014)
Tin/Bài khác
16 Tháng Bảy, Ðức Bà Núi Camêlô (7/16/2019)
Xin Mẹ Cứu Giúp Con Mọi Nơi Mọi Lúc, Nhất Là Trong Giờ Chết! (7/25/2014)
Quyền Năng Cứu Giúp Của Đức Mẹ (7/23/2014)
Lạy Mẹ Maria Thánh Mẫu La Vang, Xin Đoái Thương (7/21/2014)
Kính Đức Mẹ 5 Ngày Thứ Bẩy Đầu Tháng (7/13/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768