PHỤ NỮ NÓI NHIỀU TỐT HAY XẤU?
Trần Mỹ Duyệt
“Đàn ông rộng miệng thì sang.
Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa
nhà”.
Đây là một thành kiến bất công và
không có bằng chứng khoa học đối với nữ giới. Rộng miệng hay hẹp miệng là thuộc
phần cơ thể học, nó không liên quan gì đến tâm lý và tư cách sống của một
người. Và nó cũng chẳng có ảnh hưởng gì đến việc tan hoang cửa nhà. Ngược lại,
lớn tiếng chửi bới vợ con, đánh đập người trong nhà theo lối sống gia trưởng,
theo quan niệm “trọng nam khinh nữ” mới làm cho gia đạo trở nên bất an. Có lẽ
vì muốn che dấu những thói hư tật xấu của mình nên đàn ông con trai, đặc biệt,
với quan niệm xã hội phong kiến xưa đã gán ghép câu tục ngữ bất công đối với
phụ nữ như trên.
Nhìn một đám đàn ông con trai tụ tập
trên chiếu bạc, lê la tại các quán nhậu, phòng trà, hoặc tụm năm, tụm ba bàn
chuyện thiên hạ tại các quán cà phê, thì ai cũng cho là bình thường. Một tệ nạn
thuộc giới đàn ông, con trai mà có lẽ chỉ có ở Việt Nam trong hoàn cảnh xã hội
mới ngày nay là “giao lưu”. Giao lưu buôn bán, giao lưu bạn bè, giao lưu áp
phe, mánh mung mà hậu quả của những giao lưu ấy như thế nào thì ai cũng biết.
Điều này nếu đem so sánh với thói ngồi lê, đôi mách, hoặc lắm điều của chị em
phụ nữ xem ra vẫn nhẹ nhàng hơn.
Tóm lại, những nhận xét thiên vị về
khả năng nói năng và giao tiếp của phụ nữ là một quan niệm và lối sống lỗi
thời. Tuy chúng ta không chấp nhận những thái quá của phong trào phụ nữ đòi
bình quyền, và những lối sống phóng túng của một số người, nhưng phải công bằng
trong quan niệm và lối sống hiện nay. Đây là điều đưa đến một lý do biện minh
cho thói nói nhiều, hoặc hay nói của nữ giới. Và liệu nó có phải là một lợi
điểm đối với phái nữ hay không?
NÓI NHIỀU LÀ BẢN NĂNG CỦA PHỤ NỮ
Theo khảo cứu của khoa học, thì 80-90% phụ nữ sống với não
cầu trái. [1] Nói chung, não cầu trái là phần lớn thuộc nữ giới, trong khi
80-90% nam giới sống với não cầu phải.
Hiện nay, chúng ta cũng không giải thích một cách chắc chắn
theo khoa học là tại sao óc của người phụ nữ lại linh động hơn trong phương
diện ngôn ngữ và nói năng. Nhưng dựa vào kết quả khảo cứu đăng trên Journal of
Neuroscience cho biết có một protein gọi là FOXP2 đã phát sinh khả năng nói. Nó
được tìm thấy hơn 30% FOXP2 trong óc của các em gái. Và nói chung khoa học đã
chứng minh rằng nữ giới có khuynh hướng nói hay hơn nam giới. [2]
Trong những đặc tính của não cầu
trái là phần ngôn ngữ và trí nhớ. Do đó, có thể nói, ngay từ bé phái nữ đã phát
triển sớm khả năng ngôn ngữ và nói. Một bạn nữ và một bạn nam cả hai học cùng
một ngôn ngữ, thí dụ, Anh ngữ hay Pháp ngữ thì bạn nữ bao giờ cũng nói năng,
truyền đạt ngoại ngữ ấy một cách thành thạo hơn bạn nam của mình. Cũng nhờ khả
năng này nên phái nữ chẳng những nói hay mà dĩ nhiên còn hay nói. Một người phụ
nữ trung bình nói 20.000 chữ một ngày, trong khi người nam chỉ nói có 7.000
chữ. [3] Nói gần gấp ba lần như vậy, cho nên nói ở sở, nói với bạn bè chưa đủ,
khi về nhà thì nói với con hoặc với chồng, với người yêu.
Một điểm đặc biệt hơn nữa là cầu nối
giữa hai não cầu (The corpus callosum) của nữ giới lại phát triển đặc biệt hơn,
nên có khả năng nối kết suy nghĩ và hành động nhanh hơn, tốt hơn so với nam
giới. Các nhà khoa học minh chứng rằng phụ nữ có khả năng làm nhiều việc cùng
một lúc tốt hơn đàn ông. [4] Kết quả là ở phụ nữ họ có thể làm 2 việc hoặc hơn
nữa cùng một lúc. Như vậy, một người vợ nếu vừa nói chuyện điện thoại với bạn,
vừa làm bếp thì sau khi kết thúc câu chuyện cũng có bữa cơm cho gia đình. Ngược
lại, người chồng thường chỉ làm có một việc một lúc. Đây cũng là điều thường
khiến xảy ra tranh cãi, khó chịu giữa đàn ông và đàn bà, và nó luôn luôn gây ra
khắc khẩu giữa hai vợ chồng. Nhiều khi vợ nói gà, chồng hiểu thành vịt, hoặc
vừa gà vừa chó thì chồng đành phải chịu thua không biết nàng muốn nói con gì.
NÓI NHIỀU TỐT HAY KHÔNG TỐT?
Như vừa trình bày trên, nói nhiều
hay khả năng nói thuộc bản năng thiên phú của nữ giới, do đó, họ không thể
không nói, có điều là nói cái gì, nói với ai, nói như thế nào và trong hoàn
cảnh nào.
Người ta thường nói: “Nếu một người phụ nữ ngồi một mình,
nàng đẹp và hiền lành như một thiên thần. Nhưng nếu hai người phụ nữ ngồi với
nhau thì có những tiếng xì xèo, to nhỏ. Còn nếu ba người phụ nữ ngồi lại với
nhau, sớm muộn sẽ trở thành một cái chợ”. So sánh này khiến người viết nhớ lại
câu chuyện khi tham dự một buổi hội thảo về gia đình. Thuyết trình viên hôm đó
cũng kể lại một ví dụ tương tự nhưng rất dí dỏm. Ông nói rằng, trong Hán tự,
chữ Nữ gồm 2 chữ thị. Và khi 2 chữ nữ viết song song sẽ thành chữ chợ. Như vậy
văn hóa Đông, Tây hòa hợp và cùng có một nhận định về khả năng nói và hay nói
của nữ giới.
Tại sao phụ nữ không được nói?
Nói nhiều chữ một ngày hay nói ít chữ một ngày, dù là đàn
ông hay đàn bà cũng cần phải nói. Vì nói, theo tâm lý học là một cách thức biểu
lộ tình cảm và truyền đạt tư tưởng. Rất nhiều hiểu lầm đã xảy ra vì không hiểu
nhau, vì không ai nói. Ở điểm này nói còn là một hình thức tâm lý trị liệu. Nó
không những giúp truyền đạt tư tưởng, mà còn giải tỏa những dồn nén và căng
thẳng. Như vậy, người phụ nữ nói nhiều là điều tốt cho sức khỏe tâm lý, và duy
trì lối sống tình cảm, vì phụ nữ sống nhiều bằng tình cảm.
Đa số đàn ông, con trai có một sai lầm rất lớn và hơi ích kỷ
khi đưa ra chọn lựa người bạn đường. Họ sợ và không muốn người phụ nữ nói nhiều
mà họ cho là càm ràm. Nhưng đây lại là một điểm tốt của phụ nữ. Cũng vì sống
với tình cảm và có bản năng làm mẹ, nên người phụ nữ nào tốt, người vợ, người
mẹ nào tốt không thể không nói, không càm ràm. Lý do, vì chồng con bê bối, bừa
bãi, hậu đậu mà đôi khi còn tỏ ra vô tâm. Trong những trường hợp ấy, việc càm
ràm của người vợ, người mẹ không gì khác hơn một lời nhắc nhở, và cũng là một
lời trách nhẹ. Nếu người chồng, người con sửa sai và gọn gàng, sạch sẽ, nghiêm
túc thì ai mà mệt xác phải càm ràm?
Phụ nữ ở một mình cũng không tốt
Trong cơ cấu não bộ, bộ nhớ và bộ nói cũng thuộc bán cầu
trái của não, nhờ đó nó giúp phụ nữ nhớ rất rõ và chi tiết từng sự việc. Đây là
ưu và cũng là khuyết điểm khi nó được áp dụng trong tương quan vợ chồng, bạn
bè. Nó khiến nữ giới rất khó quên những gì người khác làm cho họ buồn lòng,
hoặc bị thiệt thòi. Đa số nam giới, nhất là những ông chồng thường sống với
triết lý “trứng gà, trứng ếch” như nhau. Ngược lại, thì người phụ nữ có một ứng
dụng trong nếp sống theo nguyên tắc “tha nhưng không quên.” Đó là lý do tại sao
trong gia đình có tiếng càm ràm, có những gắt gỏng, và khó chịu, bởi một đàng
thì “hiểu rồi nói mãi”, đàng khác thì “nói mãi mà không hiểu hoặc không
làm”.
Ngoài ra, cũng theo tâm lý trị liệu, những gì nói ra được
luôn giúp vơi đi những căng thẳng và buồn bực trong nếp sống. Việc người phụ nữ
nói ra những gì khiến họ khó chịu, âu cũng là một hình thức xả đi những dồn nén
trong lòng. Đã có sẵn trí nhớ tốt, lại thêm nguồn chữ nghĩa phong phú lại gặp
những cái làm mình chướng tai gai mắt, ấm ức nếu không nói ra sợ đưa đến tâm
bệnh. Tại sao phụ nữ hay nhức đầu, đau dạ dầy, tiêu hóa bất thường, kinh nguyệt
bất thường? Đó là vì họ luôn luôn bị dồn nén, và chịu đựng. Thí dụ, trong đời
sống hôn nhân gia đình, đời sống chung nhiều chuyện nói ra thì tan cửa, nát
nhà, gây xích mích, giận hờn mà không nói ra thì hậu quả tất yếu là thuộc về
họ!
Nhưng nói mà không có người nghe thì nói làm gì, nói ra càng
tức, và vì thế dẫn đến tình trạng “ba người đẹp họp nhau sẽ thành cái chợ”. Khi
nói có người nghe. Tần số phát ra đồng điệu và có người đáp lại tại sao không
“tám”. Như vậy tại sao cấm phụ nữ không được “tám”? Tám cho vui, tám xả tress,
tám giúp nhau kinh nghiệm sống, dẫn đến sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau thì
đó còn gì bằng. Nhất là tám rồi về nhà khỏi càm ràm, đay nghiến chồng con thì
các đấng mày râu không nên cấm. Trong Thánh Kinh, “Đàn ông ở một mình không
tốt”. [5] Chắc khi phán điều này, Thượng Đế cũng nghĩ đến phái nữ nữa.
____________
Tài liệu khảo cứu:
1. https://toofab.com
› photos › 2015/09/22 › ladies-of-th...
2. Why do women talk so much?
You asked Google - The ..
3. https://www.bbc.com
› future › article › 20131112-do-w...
Prattle of the sexes: Do women talk
more than men? - BBC
4. https://theconversation.com
› scientists-may-have-prove...
5. Genesis 2:18
|