VÀI PHÚT SUY NIỆM
ĐỨC MARIA
THƯƠNG TA TRONG CON MÌNH
Thời đại ta đầy gian trá,
bạo tàn và tranh chấp, người ta thường coi
con người quá rẻ, nhiều khi không bằng một
con vật, nên người ta đầu độc
người, giết người dễ dàng không ghê tay.
Thật là điều khích lệ khi nhắc nhớ lại
chức vị cao cả của ta trước mắt TC.
Qua những danh xưng làm ta choáng váng, Th.Phaolô
vị Sứ đồ dân ngoại cho biết địa
vị làm Kitô hữu cao cả đến chừng nào:
-“Ấy vậy, anh em không còn là người
xa lạ, là khách ngụ cư, mà là những người
đồng hương với các thánh, và là người nhà
của TC” (Ep 2.19).
-“Anh em đã chịu lấy
Thần Khí của hàng nghĩa tử, nhờ đó ta kêu
lên: Abba, Ba ơi! Chính Thánh Thần chứng thực cho
thần hồn ta rằng: ta là con cái TC” (Rm 8.15-16).
-“(Anh em hãy) hân hoan cảm tạ
Cha, Đấng đã làm cho anh em có thể dự phần
cơ nghiệp dành cho các thánh trong ánh sáng.13 Chính
Người đã kéo anh em ra khỏi quyền lực
tối tăm, và chuyển anh em vào vương quốc
của Con chí ái Người…” (Cl 1.11-12)
- Và nhiều đoạn khác…
Trước mặt Thiên Chúa Cha, chúng ta không
phải là nô lệ (Gl 4.7) bị người ta đè
đầu và bóc lột, là kẻ xa lạ mà người ta
lãnh đạm, kẻ qua đường mà người ta
quên lãng, khách trọ mà người ta cho đỗ nhờ
vài hôm và mong đừng nán lại quá lâu, nhưng là con cái,
mà đối với con cái, nhà Cha là nhà mình, mình ở,
đúng vậy, hiện tại ta đang được
sống trong gia đình TC. Điều ấy, ĐG phục
sinh đã công bố rõ cho ta, khi Ngài bảo cô Maria người
Magđala:
“Hãy đi
gặp anh em Thầy và nói với họ: Thầy lên cùng Cha Thầy và cũng là Cha anh em,
TC Thầy và cũng là TC của anh em” (Ga 20.17).
TC không đối xử với ta “như
thể” ta là con cái đâu. Không bao giờ trong các quan hệ
với thụ tạo, TC làm “như thể”… Người
không đánh lừa ta, không chơi chữ. Người không
đeo mặt nạ hay đóng kịch làm Cha. TC thực
tế hơn ta, và thiết thực hết mức, và
một cách tuyệt vời!
Hãy nghe Th.Gioan:
“Hãy coi lòng mến lớn lao
chừng nào Cha đã ban cho ta, để ta được
gọi là con cái. Và thực
sự ta là con cái… Anh em thân mến, hiện giờ ta
là con cái TC…” (1Ga 3.1-2).
Như thế, ta được chức
vị siêu phàm ấy là do tình yêu của Chúa Cha. Nhưng,
người ta đã giảm bớt giá trị của chức
vị là con cái TC khi chỉ hiểu theo tư cách là nghĩa
tử mà thôi, vì chỉ có ĐG mới là Con thật
của TC. Không ! TC không đành lòng nhận ta làm nghĩa
tử đâu! Bởi vì :
“…Anh em đã chịu lấy Thần Khí
của hàng con cái, nhờ đó ta kêu lên: Abba, Ba ơi! Chính
Thần Khí chứng thực cho thần hồn ta rằng:
ta là con cái TC” (Rm 8.15t).
Cha Giuse Thuấn cắt nghĩa: “Ở
đây quyền làm con của tín hữu tùy thuộc vào
địa vị làm Con của Chúa Kitô, thông chia địa
vị đó…” (KT TƯ, Rm 8.15, chú thích*). Vì chúng ta “đã lãnh lấy Thần khí
của hàng con cái”, tức là thông chia Thần Khí riêng
của Con là CK, Con Một Chúa Cha:
“TC
đã sai Thần Khí Con của
Người đến trong lòng anh em” (Ga 4.6),
nhờ vậy ta được là con
thật. Ngôn ngữ nhân loại của ta nghèo nàn, không có
chữ nào khác để chỉ chức làm con TC đặc
biệt của tín hữu, đành phải dùng tạm
chữ “nghĩa tử”. Phải tạm dùng chữ ấy
để nói rằng ta không phải là Con thật TC
như ĐG là Ngôi Hai “sinh bởi Đức Chúa Cha từ
trước muôn đời”, “ánh sáng bởi ánh sáng, TC
thật bởi TC thật, …đồng bản thể
với Đức Chúa Cha…” Dầu vậy phải nhấn
mạnh rằng chức vị làm con TC của ta có
một cái gì hơn là “nghĩa tử”, vốn chỉ là một sự thừa nhận
làm con suông trên mặt pháp lý, mà chẳng có máu mủ ruột
thịt gì với nhau. Vậy cái đặc biệt hơn
đó là gì? Là:
“…Anh em được thông chia cùng
một bản tính thần linh của TC” (2Pr 1.4).
Chẳng khác nào nói ta có tính TC trong mình,
hay nếu dùng hình ảnh bóng bảy mà nói : ta mang “dòng
máu” thần linh của TC trong mình, mà mang dòng máu ai thì tất
nhiên là con ruột hay con thật của
người ấy. Cho nên KT xác nhận ta là con thật TC:
“Hãy coi lòng mến lớn lao chừng nào Chúa
Cha đã ban cho ta, để ta được gọi là con
cái. Và thực sự ta là con cái… Anh em thân mến, hiện giờ ta là con cái TC…”
(1Ga 3.1-2).
Như vậy, ta là con cái của TC, song “con
cái trong Con độc nhất” của TC (Filii in Filio),
chứ không ở bên ngoài lề người Con ấy,
ở trong đến mức
làm thành một thân với Người Con ấy:
“Trong Thần Khí độc
nhất (Thần Khí của ĐK), hết thảy ta
được nhờ thanh tẩy mà nhập vào thân mình
độc nhất (thân mình CK) dù là Do thái hay Hy Lạp, nô
lệ hay tự do” (1Cr 12.13).
“Anh em là thân mình của ĐK”
(hiệp nhất và đồng hóa với thân thể riêng
Ngài) (1Cr 12.27).
Mà dĩ nhiên thân mình ĐK đây là thân mình phục sinh vinh hiển
của Ngài, mà tiếng thông dụng vẫn gọi là
“Thân mình mầu nhiệm” hay “Nhiệm Thể” của
ĐK.
Đó, đã thấy chức vị chúng ta
đạt tới chóp đỉnh cao cả dường nào
chưa !
Chính dựa trên chức vị tuyệt
vời này mà TC đối xử với ta. Lm. Lacordaire nói: “Nơi TC không có hai tình yêu.
Chỉ có một. Tình yêu hằng hữu, vô biên, không thể
thấu hiểu mà TC thương Con Một của
Người từ đời đời, tình yêu ấy
Người cũng hiến cho ta mà Người thấy
đang ở trong Con của Người”.
Trong lời nguyện tế hiến, ĐG
đã nguyện rằng:
“…Lòng mến Cha đã yêu Con có trong
chúng, và Con ở trong chúng” (Ga 17.26).
Lời nguyện chưa từng nghe, nhưng
thực ra không làm chúng ta ngạc nhiên: Một khi ta là Con TC
trong Con Một Người, dĩ nhiên tình yêu của
Người - qua Con Một - cũng ôm choàng cả chúng ta.
GM Bossuet kêu lên: “Trong tất cả các ý tưởng của
Đạo Kitô, đây là điều làm ta thêm can đảm
nhiều nhất, thêm hy vọng nhiều nhất”.
·
Chưa
hết, vì là con mà ta có quyền thừa kế, hay đúng
hơn cùng thừa kế
với ĐG gia sản vô cùng
vĩ đại là Nước TC, là Thiên quốc, theo lời đã hứa :
“Những ai tin vào
Đức Giêsu, thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên
Chúa…” “Vậy đã là con, thì cũng là kẻ thừa kế
của Thiên Chúa, và đồng thừa kế với
Đức Giêsu.”(Ga 1.12; Rm 8.17)
Được
đồng thừa kế cái gì?
Đức Giêsu Con Một
Thiên Chúa, sau khi vâng ý Chúa Cha, chịu chết trên Thập giá
mà đền tội cho nhân loại, Ngài được TC
ban cho sống lại, và siêu tôn lên ngôi Chúa Tể (Pl
2.9-11), và đặt làm Vua toàn thể vũ trụ
trời đất! Chính
Chúa Giêsu đã xác nhận: “Ta đã được trao toàn
quyền trên trời, dưới đất!”(Mt 28.19-20), thực
hiện lời ngôn sứ Đaniên báo trước 7.13t. Vậy đã rõ: Nếu Chúa Giêsu
được tôn làm Chúa Tể, và làm Vua vũ trụ
trời đất, thì khi ta được đồng
thừa kế với Ngài, chẳng phải là thừa
kế chính chức quyền ấy sao?
Vũ trụ này –
hiện nay bị
biến dạng nên xấu xa vì tội lỗi loài
người (Rm 8.20) – sẽ
được Thiên Chúa biến
đổi nên mới, lạ lùng, huyền diệu, tốt
đẹp, tuyệt vời vô cùng (Kh 21.4-5; x. Rm 8.21),
để làm cõi TRỜI MỚI ĐẤT MỚI cho chúng
ta ở mãi mãi muôn đời. Tông đồ Gioan làm
chứng là đã thấy:
“Bấy giờ tôi thấy Trời Mới Đất
Mới, vì trời cũ đất cũ đã biến
mất…Đây là nhà tạm
Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư
ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của
Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở
cùng họ.” (Kh 21.1-3)
***
Nghe xong các chân lý mặc khải ấy như
nền tảng, bây giờ ta xem đến tình yêu
Đ.Maria đối với chúng ta :
Cha M.V.Bernadot góp ý:
“Qua các đoạn KT kể
trên cũng như nhiều đoạn khác, (nhờ ánh sáng
trên trời của CG Phục sinh) Đức Mẹ …
biết rằng Đấng Cứu Thế, Con của
Mẹ, là chính Vị Hôn Phu của những kết
ước bí nhiệm tiên báo trong sách Diễm Ca. Và thế
là Mẹ đã đem tình yêu đối với Con Mẹ mà
yêu những kẻ sẽ kết hợp với Ngài cách
mật thiết chừng ấy.” Vì Người không thể yêu Con của
Người mà tình yêu ấy lại không ôm choàng cả chúng
ta !
Nếu
nơi TC, không có hai tình yêu, thì cũng không có hai tình yêu
nơi Đ.Maria. Lòng âu yếm vô bờ bến của
Đ.Maria đối với ĐG “Con
lòng Bà gồm phúc lạ”, Người
đem lan tràn trên Con-viên-mãn của lòng từ mẫu của Người là chúng
ta tất cả. Đ.Maria yêu thương ta như CG
yêu chúng ta (Ga 13.24), nếu có thể nói một cách nào như
vậy. Người yêu thương ta trong Con của
Người. Người yêu chúng ta như Người
yêu và đã yêu luôn mãi CG Kitô.
Cha M.V.Bernadot diễn
tả: “Tôi được sinh ra trong ơn thánh nhờ
Đức Mẹ, nên Người thật là Mẹ tôi. Tôi
không nên hiểu cái danh chức (là con) ấy theo nghĩa
bóng, nhưng theo nghĩa đen và thực sự. Một phụ
nữ đã cho tôi sự sống phần xác, Đ.Maria ban
cho tôi sự sống linh hồn, sự sống kết
hợp tôi với TC. Đức Mẹ đã yêu tôi, đã
đau khổ vì tôi. Lòng Đức Mẹ trào trên tôi,
một tấm lòng đầy tràn sự sống, một
tấm lòng phụ nữ, một tấm lòng Mẹ… Chức
làm Mẹ của Người đã chiếu theo hình ảnh
chức làm Cha của TC… Và với bao tận tâm, bao âu
yếm! Vì TC đã ủy thác cho Mẹ ban phát các ơn
của Ngài cho ta. Ngài cũng ủy thác cho Mẹ ban phát
với cả tình yêu của Mẹ. Đó là sứ mệnh
của Mẹ, Mẹ không là Mẹ để… phán xét:
Mẹ yêu, Mẹ là Mẹ”
“Có cần gì phải nhấn
mạnh về điều đó nữa chăng? Nếu có
một thực tại nào mà tín hữu bám chặt đến
cùng, chính là thực tại của tình âu yếm khôn tả
của Maria đối với nhân loại. Người yêu
ta như người Mẹ, người Mẹ đã
đau khổ nhiều, chúng ta là con cái mà vì ta Mẹ đã
phải trả giá đau khổ vô chừng.
“Người yêu ta với
một tình yêu chân thật: Người muốn giải
thoát ta khỏi các sự dữ, các nỗi khốn cực
của ta, đem ta ra khỏi các nhục nhã, giáo dục ta
như một người mẹ thường làm, kéo ta
đến TC, và đổ tràn trong ta sự sống.
Nếu trong các kẻ thuộc về Người có ai
nhỏ bé, Người sẽ đến với họ, và
lòng thương xót Người sẽ tràn trên họ, và tình
âu yếm Người tăng thêm hoạt động.
“Đó là Người yêu CG
trong ta. Ta là
chi thể của Con của Người. Người yêu
người công chính đang kết hợp với CG.
Người yêu kẻ tội lỗi để kết
hiệp họ với CG. Công cuộc chính là thụ thai và
nắn đúc Nhiệm thể. Tình âu yếm mà Mẹ dâng
cho CK, Mẹ tiếp tục tuôn xuống trên chi thể
của Chúa: Đã có ai thấy bao giờ một tình yêu và
chức làm Mẹ như thế? Phúc lạc Mẹ
hưởng trên trời không làm Mẹ nhạt tình yêu
thương, trái lại làm thêm nóng nảy. Nguyện
vọng cứu vớt những kẻ mà CG đã chịu
chết cho và nguyện vọng thấy gia đình TC nảy
nở và phát triển trong sự thánh thiện là nguyện
vọng to tát biết bao của Mẹ”.
Th.Tôma Aquinô nói: “Lời
cầu nguyện cho người đồng loại phát
xuất từ lòng bác ái”. Trên trời, vì các thánh có một
lòng bác ái hoàn hảo hơn, nên cầu nguyện nhiều
hơn cho những người còn sống dưới
thế, và giúp đỡ họ bằng các lời cầu
nguyện ấy. Các ngài càng kết hiệp với TC,
lời cầu nguyện các ngài càng hiệu nghiệm. TC
ấn định rằng: sự cao quyền lớn
thế của người trên tràn xuống kẻ
dưới. Vì thế, Th.Phaolô nói về CK: “Ngài ở gần TC để bầu cử cho ta” (Hr
8.25). Đức Mẹ cũng ở gần Ngài, kết
hợp với Ngài như xưa bên máng cỏ và bên THẬP
GIÁ, thi hành chức vụ làm mẹ trong tình âu yếm”.
Đó là chân lý đầy an
ủi mà Đức Giám Mục Bossuet diễn tả lại
cho ta trong ngôn ngữ long trọng, oai nghiêm của ông:
“Nếu quả Đ.Maria luôn
nhắm theo tình yêu Chúa Cha hằng hữu mà điều
chỉnh tình thương mình, thì hỡi các tín hữu, hãy
đến, hãy chạy đến… cùng bà mẹ vô song
ấy, hãy tin rằng Người không tách ta ra khỏi Con
yêu dấu Người, Người sẽ coi anh em như “thịt bởi thịt và
xương bởi xương của Ngài” theo lời
thánh Phaolô Tông đồ nói (Ep 5.31), như những con
người mà trên họ và vì họ, máu Ngài đã
đổ ra; và xin nói thêm một chút nữa, Người
sẽ coi anh em như những Giêsu-Kitô trên trần; tình yêu
của Người đối với Con sẽ là mực
thước cho tình yêu Người đối với anh em”
(Sermon pour Fête du Rosaire, Paris, 1890).
***
Đ.Maria yêu là cốt
tiến dâng ta cho Chúa Kitô
Ngay đây, người
ta có thể nhận thấy nét độc nhất vô
nhị của tình từ mẫu của Đ.Maria: Tình
Mẹ ấy không bị vướng mắc cái cố
tật ích kỷ vô ý thức thường thấy nơi các
bà mẹ trần gian, đó là quá trắn tríu con cái.
Triết gia Emmanuel Mounier viết: “Tình mẫu tử cũng
có những vẩn đục… Tôi biết các bà mẹ
thường đặt nơi con cái một tình
thương tham lam. Các bà mẹ dốc đổ vào đó
tất cả sự giàu có của trái tim, song đồng
thời cũng chen lẫn một tính chiếm hữu vô ý
thức, nó khiến con cái bà khựng lại không
trưởng thành được mặt tâm lý và không phát
triển trong cuộc đời… Dù chúng ta là ai, phải luôn
phá vỡ xiềng xích của tình mẹ quá xác thịt
ấy.”
Còn Đ.Maria, Người là
mẹ không cốt để giữ ta cho riêng Người,
song cốt đưa ta đến một người khác:
CK! Mục đích là đào tạo CK trong ta, đồng hóa
ta với Ngài.
“Không bao giờ chúng ta
phải đập vỡ xiềng xích se kết ta với
Đ.Maria như thế, để cứu vãn tiến trình
lên trưởng thành trong đời sống Kitô hữu của
ta, bởi lẽ mối dây nối kết Đức
Mẹ với ta kia không có chút gì thuộc xác thịt,
nhưng nó thuộc trật tự siêu nhiên, thuộc trật
tự ân sủng. Cho nên sự trưởng thành của ta
trong CK không bị trì trệ bởi lòng trìu mến của
Đ.Maria… Người
chỉ là Mẹ và chỉ yêu ta trong CK và cốt để
ban CK cho ta và dâng hiến ta cho Ngài.” (Xem HC GH, số 60,
66).
Cha M.V. Bernadot viết (trang
35-37):
“Tất cả đời
sống ta đều hướng mạnh mẽ
đến phát triển và nảy nở: Luật của con
trẻ là phải đạt tới thành nhân. Đời
sống thiêng liêng cũng vậy: phải phát triển.
Đã hẳn, TC đã có thể tạo dựng chúng ta
như các Thiên thần: và chúng ta quyết định về
số phận đời đời của ta duy chỉ
bằng một hành vi của ý chí một lần xong
tất. Nhưng TC lại muốn cho ta có thể phát
triển: Ngài đã cho ta thời giờ và các phương
tiện. Ơn thánh ta nhận tại Giếng Rửa là
khởi điểm. TK nói: “Đường
đi của người công chính như ánh sáng rạng
dần dần cho tới chính ngọ” (Cn 4.18). Th.Phaolô
cũng thường lặp lại chân lý này bằng
nhiều cách, ông nói cho ta biết phải lớn lên trong
ơn thánh và “đạt
tới tuổi thành nhân của ĐK” (Ep 4.13).
Đức
Mẹ giúp ta lớn lên trong CK. Người là Mẹ. Người mẹ
không chỉ ban sự sống cho con, còn trông nom săn sóc
sự lớn lên của con và còn muốn làm cho nó nên
trưởng thành. Sự phát triển siêu nhiên đòi
mỗi lúc những năng lực mới, và ơn thánh cho
mỗi giây phút hiện tại, nếu không chúng ta khựng
lại ngay. Đức Mẹ ban các ơn đó cho ta,
tất cả những ơn ta cần, cho mỗi chi
tiết của đời sống, cho mọi khó khăn,
cho mọi tiến bộ có thể thực hiện
được.
Th.Tôma tiến sĩ nói:
“Chỉ có thần tính mới có thể thần hóa” (Som.
théo., IIa IIae 9.112-a.I), nhưng TC lại muốn rằng nhân
vì sự kết hợp chặt chẽ của CK và Mẹ
Ngài trong công cuộc cứu chuộc, hai Đấng cũng
kết hợp trong công cuộc phân phối ơn thánh. TC có
thể một mình ban phát ân sủng: song Ngài đã ưng ban
phát nhờ Mẹ Maria. Đạo lý “Thông ơn Thiên Chúa” này
đối với ta đã quá rõ, đây không cần nói
lại làm chi.
Điều muốn
nhấn mạnh là: Chúa Th.Thần, Đấng hướng
dẫn tất cả HT từ khi CK về trời,
hướng dẫn cách riêng Đ.Maria, dạy Đ.Maria đi
theo đường lối của Ngài, mà đường
lối của Ngài đối với các linh hồn là
như ĐG nói: “Thần Khí
sự thật… sẽ làm chứng về Ta…, Ngài sẽ làm
Ta được vinh hiển” (Ga 15.26; 16.14). Tất
cả đều qui về làm vinh hiển cho CK! Tất
cả hành động của Mẹ làm nơi các linh
hồn cũng đều qui về việc làm ta thuộc
trọn về CK, và CK thuộc về Chúa Cha (1Cr 3.23).
Sau hết – để
trấn an những ai sợ rằng lòng sùng kính Đ.Maria có
nguy cơ đẩy lui ĐK vào bóng tối – phải xác
quyết rằng: trong Kitô giáo tựu trung chỉ có TC và
ĐK. Lm. E.Mersch viết: “Tất cả từ hai
Đấng mà đến và tất cả đều qui
về hai Đấng. ĐTN không tỏ lòng nhân hậu nào
cho ta mà không phải là lòng nhân hậu của ĐK, cũng
như ĐK chẳng tỏ lòng nhân hậu nào cho ta mà không
phải là lòng nhân hậu của TC. Nhưng trong
chương trình Quan phòng của TC, có một khía cạnh
của tình yêu CK, chẳng hạn như sự dịu dàng
âu yếm…, mà loài người chỉ nhìn thấy rõ nét khi
nhìn vào Mẹ Ngài, cũng như có một khía cạnh
của tình yêu TC mà loài người chỉ nhìn thấy rõ nét
khi nhìn đến ĐK, vị TC làm người” (sđd,
230).
Chung qui, khi nhìn đến
Đ.Maria thì vẫn chính ĐK mà người ta nhìn
thấy, và khi Đ.Maria yêu thương ta, thì Người
yêu ta trong Con của Người.
“““““
|