THẦN HỌC GÓP Ý GIẢI
THÍCH GA 19.25-27
Những nhà
thần học góp ý giải thích đoạn TM này, chia thành
hai đường hướng:
Giải thích theo
Thánh-Mẫu-học,
Giải thích theo Giáo
Hội-học.
A) GIẢI THÍCH THEO
THÁNH-MẪU-HỌC
Quả
thực, giải thích theo Thánh-Mẫu-học như chúng ta
sẽ trình bày đây có giá trị riêng của nó. Nhiều
nhà chú giải KT thuộc hạng thế giá nhất, nhìn
nhận TM Gioan có tính cách
Thánh Mẫu rất sâu đậm, cách đặc
biệt qua hai đoạn Ga 2.1-11 và đoạn 19.25-27,
ở đây ĐG nói những lời trăng trối
với Mẹ Ngài và môn đệ yêu dấu của Ngài.
Chính chức linh mẫu của Đ.Maria được
trình bày ở đây một cách minh bạch.
-
Hai đoạn KT đóng khung sứ vụ ĐG
Người
ta rất có lý khi ráp
lời trối trăng này của ĐG (Ga 19.25-27) với
đoạn tiệc cưới ở Cana (2.1-12), ở
đó ĐG làm phép lạ hóa nước thành
rượu, được
Thánh sử Gioan nói là “Dấu
lạ đầu tiên” của Sứ vụ Thiên Sai
của ĐG: “Ngài đã tỏ
vinh quang Ngài ra và môn đệ đã tin vào Ngài” (2.11).
Dấu lạ đầu tiên này liên kết với lời
trối trăng của ĐG ở Ga 19.25-27 cuối sứ
vụ, để đóng
khung sứ vụ công khai của ĐG vào giữa.
Chắc là Gioan đã có chủ ý như vậy, khi ông ghi
lại hai biến cố đều có sự hiện
diện của Mẹ Maria, đang khi suốt cuốn TM,
ông không hề nói gì đến Người như bên các TM
Nhất Lãm.
Hai
biến cố cách xa nhau theo thời gian vật lý, nhưng
rất gần nhau vì ý nghĩa của từ “Giờ”,
Giờ đặc biệt và trọng đại của
ĐG. Trong TM của Gioan, người ta được
hiểu “Giờ” nói đây là Giờ Tử Nạn, Giờ
Ngài hiến thân chịu chết trên thập giá, để
từ thân mình ấy “máu và nước” vọt ra (Ga 19.34),
và Thần khí được trao ban (Ga 19.30) tức là
gồm tất cả mọi ơn phúc mà Chúa Cứu Thế
ban xuống cho nhân loại để họ được
cứu chuộc.
Ta hãy cứu
xét hai đoạn KT ấy.
Đoạn KT 1: Lời ĐG trong tiệc cưới Cana
ĐG
nói về “Giờ” của Ngài (Ga 2.4). Giờ ấy, ở
đây chưa đến, nhưng vậy mà ĐG vẫn
làm một dấu chỉ (phép lạ hóa nước thành
rượu) để tỏ vinh quang Thiên Sai Ngài ra (2.11).
Nhưng sự tỏ vinh quang Thiên Sai đầu tiên này
ĐG cho biết – qua câu “chưa đến” – là nó
phải hướng đến “Giờ” trọng
đại, uy linh cao cả, Giờ Tử nạn (Ga
7.37; 8.20; 10.27; 16.32) song cũng chính là Giờ Ngài
được tôn vinh trọn vẹn (Ga 12.23,27t; 13.1; 17.1).
Từ khởi điểm sứ vụ công khai, lúc Ngài chịu
Rửa ở sông Giócđan và lời chứng từ của
Gioan Tẩy Giả về Chiên TC xóa tội trần gian,
ĐG tiến tới Giờ tối hậu ấy, tức
là tất cả đời của Đấng Cứu
thế phải hướng đến Thập giá.
Thế
mà, ở dấu lạ Cana
(tỏ vinh quang Thiên Sai đầu tiên) cũng như ở
Giờ Tử nạn và Phục sinh (thể hiện
đầy tròn điều dấu lạ đầu tiên tiên
báo), Đ.Maria đều
có mặt (2.1t và 19.25). Đúng vậy: Ở tiệc cưới Cana, Đ.Maria là người
được nêu tên trước hết (và
được mời trước ĐG). Có một cái gì
bàng bạc trong bản văn làm cho ta phải nghĩ
rằng: bản văn này muốn làm nổi bật nhân
vật Maria, và muốn đề cao vai trò độc
đáo của Người. Thông Điệp MĐCT dẫn
giải: “Điều ấy có nghĩa là Mẹ đóng
góp (một vai trò tích
cực trong việc) “Khởi
đầu các dấu lạ”, (các dấu lạ bày
tỏ uy quyền Thiên Sai của Con Mẹ). Quả
thật, chính Người đưa sáng kiến cho ĐG,
Con mình, để hướng Ngài chú ý đến sự hết
rượu (c.3), và cũng chính Người nói với các
người hầu hãy thi hành những gì Ngài bảo (c.5)”.
Quả là khó
hiểu, vì sao Người có thể nói với các
người hầu như thế, đang khi lời ĐG:
“Này bà, giữa tôi và bà nào có
việc gì? Giờ của tôi chưa đến” (c.4) xem
ra như có vẻ từ chối?
Không
phải vậy. Lời “Này bà,
giữa tôi và bà nào có việc gì?” hoặc “Tôi với bà
nào có liên quan gì đến chuyện đó” là một
kiểu nói của người Sêmít, nêu lên một sự
khác nhãn giới, khác quan điểm giữa hai người
đối thoại (TOB): Quả thực, ĐG đứng trên một trình
độ vượt quá rất xa tầm mắt của
Mẹ Ngài: Đ.Maria thì nhìn vào hoàn cảnh cụ
thể thiếu rượu của đám cưới, còn
ĐG lại nhìn đó là cảnh của cả nhân loại
“đều đã phạm
tội và khuyết hẳn vinh quang TC”(Rm 3.23), thiếu
“sự sống thần linh”, mà chỉ có mình Ngài mới
đem lại cho họ được, song giờ thực
hiện điều ấy chưa đến, nên Ngài bảo:
“Giờ của tôi chưa
đến”.
Nghe lời
đó, người nào khác có lẽ coi là một lời
từ chối còn Đ.Maria đã hiểu ý Con mình, do
Người sống với Con mình 30 năm, Người
Mẹ hẳn biết ý
Người Con thường nói cao siêu trên một bình
diện quá tầm Mẹ… Một ví dụ điển hình
trong thời thơ ấu: tìm thấy Ngài sau ba ngày lạc
mất, khi thắc mắc thì Ngài đáp: “Tìm con làm chi, sao Cha mẹ lại không biết con
phải ở nhà Cha con sao?”
Thời
ấy Mẹ Ngài không hiểu. Nhưng nay sau 30 chung sống
với Con, thì khác rồi, trong truyện hết rượu
đây, Mẹ biết ý Ngài lắm, Ngài nói có ý cao siêu, còn
thực tế, Ngài sẽ can thiệp. Chỉ nguyên việc
Mẹ đến nói với Con về hết rượu,
cũng lộ ra Mẹ biết Ngài sẽ can thiệp. Sao
Mẹ không đi nói với ông quản tiệc? Vì cứ
sự thường ở đời trong trường
hợp thiếu rượu, thì đi nói với ông quản
tiệc là hợp lý nhất, chính ông là người có
phận sự lo cho có rượu tươm tất!
Thế mà Mẹ lại đi nói với Con của Mẹ,
chỉ là một khách tay không đến dự tiệc. Hành
động đó chẳng phải đã biểu lộ
Mẹ biết Ngài là ai và có thể làm gì, dù đang khi đó
ĐG chưa làm một phép lạ nào.
Vì vậy, dựa vào sự hiểu biết ý
của Con, Mẹ tin
Ngài sẽ can thiệp,
sẽ có phép lạ trước khi phép lạ xảy
ra, bởi vậy Người mới (dám) dặn các người
hầu phải làm theo những gì ĐG sẽ dạy
bảo. Lm. Boismard nhận xét: “Đ.Maria là người
đầu tiên trong những kẻ tin mà không cần
thấy” (Ga 20.29).
Như thế, Mẹ ĐG tỏ ra là người phụ tá Con mình trong việc thực
hiện dấu chỉ
nước hóa rượu. Tuy vậy, đó mới chỉ
là một
dấu chỉ báo trước và hướng tâm trí
người ta đến “Giờ ấy”, Giờ
thực hiện một sự biến đổi vô cùng
vĩ đại, không phải biến đổi
nước hóa thành rượu – chỉ là chuyện nhỏ
– mà là biến đổi tâm hồn của tất cả
nhân loại từ tội lỗi thành người mới
tốt lành thánh thiện. 700 lít rượu thượng
hảo hạng kia tiêu biểu cho sự sung mãn các phúc lành
Thiên Sai của thời mới, thời của Thần Khí,
do ĐK khai sáng.
Đoạn KT 2: Lời trối trăng từ thập giá,
Tuy
vậy, việc phụ tá của Đ.Maria chỉ hoàn
toàn thể hiện trọn vẹn vào cái “Giờ” mà câu
trả lời của ĐG:“Giờ
của tôi chưa đến” (c.4) ngầm gợi
đến cho Mẹ “như một điểm hẹn”, lúc Giờ ấy sẽ
đến, giờ Ngài sẽ nói lời trối trăng
quan trọng với Mẹ Ngài từ trên Thập giá (Ga
19.25-27).
Để hiểu rõ đoạn KT này của Gioan,
trước hết cần giải thích ý nghĩa về “người môn đệ ĐG
yêu mến”, và về tước “Bà” mà ĐG gọi Thân mẫu Ngài.
1)
Người môn đệ ĐG yêu mến. Bằng vào tính tượng
trưng đặc biệt của TM Gioan, chung chung
người ta nhận rằng: người môn
đệ ĐG yêu mến này tiêu biểu cho hạng môn
đệ chân chính .
Và người môn đệ chân chính này đã
được ĐG trao phó cho Đ.Maria làm Mẹ ông: “Đức Giêsu nói với thân
mẫu rằng : “Hỡi Bà, đây là con của Bà. Rồi Người nói với
môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Vậy, bởi những lời
CG trối trăng, chức linh mẫu của Đ.Maria được thành lập.
Giờ
đây, Con của Người sắp từ trần gian này
trở về bên Chúa Cha, việc trối trăng này là
điểm cuối cùng ĐG phải làm, cho trọn
tất cả sứ mệnh cứu độ đã lãnh
từ nơi Cha:
chết đền tội, / sống lại ban
sự sống mới,/ ban Thần Khí, /
ban Mình Máu
Ngài, / trối Mẹ Ngài lại cho HT.
Đủ
cả! Thế là tất cả những gì “KT (tiên báo) đã nên trọn” và Ngài có thể nói :“Mọi sự đã hoàn tất”
(Ga 19.28,30).
Nếu
TM Gioan ghi nhận: “ĐG đã
yêu mến các kẻ thuộc về Ngài còn trong thế gian,
thì Ngài yêu mến họ đến tận cùng” (13.1), thì
giờ đây trên Thập giá, Ngài ý thức được
rằng Ngài đã chu toàn việc yêu thương đó, đã
hoàn tất không còn sót một việc gì trong chương
trình cứu độ yêu thương ấy (19.28), mà việc cuối cùng là trối
trăng Mẹ Ngài cho môn đệ.”
2) Về tước “Bà” mà ĐG gọi Thân mẫu Ngài ở tiệc
cưới Cana, thì ý nghĩa có
vẻ khá bí hiểm, dầu vậy nay lại
được Ngài dùng lại trên Thập giá. Đã
nhiều lần ĐG sử dụng “danh xưng” ấy
không hề có hàm ý khinh miệt, trái lại còn có vẻ trang
trọng nữa. Ngài nói với người phụ nữ
Samari:
“Này Bà,
hãy tin Ta, sẽ đến giờ không phải trên núi này hay
tại Giêrusalem mà các ngươi sẽ thờ
phượng Cha” (4.21).
Cũng
xưng hô như thế, khi Ngài khen lòng tin của
người đàn bà ngoại giáo xứ Tyrô-Phênixi (Mt 15.28),
hoặc khi trấn an cô Maria thành Magdala sáng ngày phục sinh
(Ga 20.15).
Ở
Cana, cũng như ở đồi
Gongôta, ĐG cũng dùng “danh xưng” ấy mà nói với Thân
Mẫu.
Bảo rằng đó là một lối xưng hô trang
trọng mà thôi không đủ, vì ở hai nơi đó,
một ở đầu, một ở cuối sứ
vụ, hai hoàn cảnh đặc biệt, nhất là ở
cuối sứ vụ trong giờ bi thảm của cuộc
Thương khó cận kề cái chết, thì ĐG, một
người Con nói với Mẹ mình, hẳn phải gợi
lên một cái gì bí nhiệm hơn! (Chẳng phải TM
thứ 4 là TM có tính tượng trưng bí nhiệm đó
sao?!).
Ý bí nhiệm
ấy là gì?
Theo một
số tác giả (Gaechter, Braun), những lời ĐG nói
với Mẹ dưới chân Thập giá, đã ứng
nghiệm một lời Sấm tiên tri Thiên Sai : Thánh sử Gioan đặt
lời trối của ĐG nói với Mẹ Ngài ở
giữa hai lần nhắc lại các lời sấm tiên tri
xưa: Một về việc chia áo xống (19.24 à Tv 22.19)
và Hai về việc kêu “Ta khát” (19.28 à Tv 69.22);
việc trước, ông trích dẫn lời sấm tiên tri :
“Ngõ hầu KT được
nên trọn : “Chúng chia nhau áo xống tôi, và áo chùng của tôi
chúng đã bỏ thăm” ; việc sau, ông không trích
dẫn sấm ngôn mà chỉ nói suông : “Ngõ hầu KT được nên trọn”. Vậy
nếu đoạn trối trăng cho Đ.Maria
được cho xen vào giữa
mạch văn đầy lời tiên tri ấy, thì hẳn phải có một
lời tiên tri nào của CƯ được nhắm
đến !
Có đấy, lời duy nhất
có thể tìm được là lời Sấm của sách Sáng thế báo
cuộc vinh thắng của dòng dõi của một
người được gọi là “đàn bà” trên con
Rắn Satan :
“Ta sẽ gây hận thù giữa
mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống nó ;
dòng giống nó sẽ đạp đầu mi,và mi sẽ
táp lại gót chân.” (St 3.15),
Người đàn bà ấy
trực tiếp là bà Eva, song được qui hướng
về Đ.Maria là Mẹ thật của “Dòng giống” mà KT hiểu là chỉ về ĐG,
Đấng Thiên-Sai-Cứu-Thế.
Tổng
hợp ý nghĩa của hai đoạn KT trên
Đức
thánh Giáo Trưởng Gioan Phaolô II tổng hợp hai
đoạn KT 1) và 2) trên đây, trong Thông Điệp
MĐCT (số 23): để xác định cách minh bạch
và quả quyết dứt khoát về vai trò làm Mẹ
tất cả nhân loại của Đ.Maria:
“Nếu
đoạn TM của Th.Gioan (=đoạn KT 1) về
biến cố Cana trình bày vai trò làm Mẹ đầy ân
cần của Đ.Maria vào
lúc ĐG khởi đầu hoạt động thiên sai,
thì một đoạn TM khác, cũng của Th.Gioan
(=đoạn KT 2), củng cố vai trò làm Mẹ này,
trong kế hoạch cứu độ của ân sủng, vào lúc ĐK hoàn tất hy tế
Thập giá, hoàn tất mầu nhiệm Vượt
qua của Người.
[…] “Vậy, chúng ta đang ở
trung tâm việc hoàn tất lời hứa hàm ẩn trong
lời sấm: “Dòng giống
người đàn bà sẽ đập đầu con
rắn” (St 3.15). Quả thật, (Dòng giống ấy là) ĐG đã hoàn toàn chiến
thắng Satan, sự dữ, tội lỗi và sự
chết nhờ cái chết cứu độ của mình.
Thế thì khi từ trên Thập giá, ĐG nói với Thân
Mẫu mình: “Thưa bà, đây
là con của Bà”… làm sao lại nghi ngờ rằng ở
đây, trên đồi Golgotha, lời nói ấy không chạm đến chiều sâu
mầu nhiệm Maria, làm nổi bật vai trò độc
đáo nhất của Mẹ trong toàn bộ kế hoạch
cứu độ? […] Đó
là Thân Mẫu của ĐK được ban cho loài
người làm
người Mẹ.”
Dưới
chân Thập giá có Gioan, “người
môn đệ mà ĐG thương mến”, đón
nhận lời Thầy thánh trối Thân mẫu mình làm
Mẹ ông, nhưng không chỉ có mình ông, ông hiện diện
đó là tiêu biểu cho loài người, vì vai trò làm Mẹ của Thân
Mẫu ĐK được nối dài cách “mới mẻ”
cho toàn thể GH.
- Đoạn Khải huyền 12 củng cố
Cách hiểu
trên này được củng cố bởi sách Khải
huyền , ở
ch 12.1-8, cũng Gioan tông đồ đó được
thị kiến về “một Bà”, là người Mẹ
của trẻ trai, và là Địch Thù của Con Mãng Xà, vốn
là Con Rắn quỉ quyệt của Vườn Địa
đàng xưa (St 3.15). Sau khi nó thất bại không giết
được trẻ trai con bà (c.5), nó được mô
tả “đi tuyên chiến
với các người khác thuộc dòng giống Bà,
những kẻ nắm giữ lịnh truyền TC và có
nơi mình chứng của ĐG”, tức là các kẻ tin
Ngài (c.17). Vậy nếu người Đàn Bà, mà Gioan
thị kiến đây, trực tiếp chỉ về
Dân Chúa là HT sinh ra Đấng Thiên sai (Trẻ trai), thì không
thể không nhận thấy gián tiếp nơi
người Đàn Bà ấy, Đ.Maria là người
Mẹ cụ thể đã sinh ra Trẻ trai ấy là ĐG, như thế tất nhiên “các người khác thuộc dòng
giống Bà” là những kẻ
“có nơi mình chứng của ĐG”, nghĩa là những
kẻ tin ĐG, cũng phải đưa về cho
Đ.Maria, là Mẹ của họ. Kết luận: Là Mẹ sinh ra trẻ trai là
ĐG, Đ.Maria cũng là Mẹ sinh ra tất cả cộng
đồng những ai tin ĐG.
Làm
con cái Đ.Maria, họ nhận lãnh một sự sống
mới, một sự sinh ra mới mẻ mà HT là
người thực hiện khi dìm họ vào trong giếng
rửa tội của HT: “Quả
thật, quả thật, tôi bảo ông (Nicôđêmô): ai không
sinh ra bởi nước và Thần Khí thì không thể vào
được Nước Thiên Chúa. 6 Sự
gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, sự gì sinh bởi
Thần Khí là thần khí. Ông chớ ngạc nhiên vì tôi nói:
các người phải sinh lại bởi Trên.” (Ga 3.5-7).
***
B) GIẢI THÍCH GA 19.25-27 THEO GIÁO HỘI-HỌC
Đ.Maria dưới thập giá,
đó là Giáo Hội!
Người
mở lối giải thích này là Th.Ambrôxiô. Theo ông, dưới hình hài Đ.Maria, chính GH được nhắm
tới và nơi GH
ấy, môn đệ Gioan, tiêu biểu cho hết
thảy tín hữu, từ nay nối kết với GH
một tương quan thân mật: con với mẹ. Thánh nhân giảng: “CK
từ trên Thập giá cũng nói với anh chị em rằng:
“Này là Mẹ con”, rồi Ngài
nói với HT: “Này là con Bà” (Exp. Ev. Lc 7.5; PL
15,1700). Như vậy, HT là bà mẹ, nhận lấy các
người con là tín hữu do CG trối lại.
Thường
thường các Giáo phái ly
khai đi theo lối giải thích này (vì không nhìn
nhận Đ.Maria là Mẹ mình). Có người còn đi xa
hơn khi nghĩ rằng: Cảnh ở Thập giá này
chấm dứt vai trò của Đ.Maria, nhường
chỗ cho vai trò của HT. “Bà Maria đã được
ủy thác để sinh ĐG, và ở bên cạnh Ngài
để làm chứng tá cho sứ vụ Ngài cho đến
Núi Sọ. Giờ đây, mọi sự đã hoàn tất, Bà Maria phải rút lui vào bóng
tối, nhường chỗ cho GH, Mẹ thiêng liêng độc nhất của chúng
ta. Từ đây, chứng tá của Bà Maria đã hoàn
tất, y như chứng tá của Gioan Tẩy Giả
chấm dứt với Phép Rửa của ĐG. Trong
cuộc Tử nạn của Con TC cũng là Con của Bà Maria,
thể hiện tất cả công trình cứu độ
của TC, mà GH sẽ là chứng tá, để công bố ra
từ đời này đến đời khác đến
tận cùng trái đất. Chính vì thế, Bà Maria chỉ còn
lui vào ẩn dật, trong “đám
mây các chứng nhân” (x. Hr
12.1).
“Khi
trao phó Gioan làm con Bà Maria và trao phó Bà Maria làm Mẹ Gioan…, Bà
Maria, Mẹ ĐG, từ nay, trở nên Mẹ của Gioan,
nhưng là người Mẹ trần thế, Mẹ ở
bên dưới, vì duy chỉ Giêrusalem trên trời, tức là GH, sinh sản
người ta trong đức tin, mới là Mẹ thiêng
liêng của ta (Gal 4.26), chức làm Mẹ của Bà Maria
đối với Gioan chỉ
là hình bóng của cái chức làm Mẹ thiêng liêng của HT,
vì việc HT sinh ra ta là tác sinh ta bởi
hạt giống bất hoại là Lời TC (1Pr 1.23)
chứ không phải bằng hạt giống hư hoại
của xác thịt, vì thế Bà Maria, Mẹ của Con TC,
theo xác thịt… phải xóa mình đi, nhường chỗ
cho hạt giống bất hoại hoạt động, tức là Lời sống
động và hiệu lực của TC, chỉ
lời đó sinh ra, xây dựng và ban sự sống cho HT.”
*******
CHỨC LINH MẪU CHÍNH THỨC
CỦA ĐỨC MARIA
(II) TRONG TRUYỀN THỐNG
SỐNG ĐỘNG CỦA HỘI THÁNH
Đức
Giám Mục C.Journet nghĩ rằng: chỉ có Truyền
thống sống động của HT mới biểu
lộ rõ ràng ý nghĩa của các lời CK trối
Đ.Maria là thế nào. Vậy ta hãy thử tóm lược
những nét chính của Truyền thống này.
Về
chức linh mẫu của Đ.Maria, thì ông Origênê chỉ đề cập gián tiếp khi
ông luận rằng: Tín hữu nào đạt
được sự hoàn thiện thì đều
được ĐG coi là con Đ.Maria, và như thế,
lời ĐG trối cho Đ.Maria “Đây là con Bà!” là nói
về kẻ ấy. (In Johan 1,4,23; PG 14.32).
Th.Giêrônimô thì
lại lưu ý điều này: Th.Gioan Tông đồ
được phúc đón Đ.Maria Mẹ đồng trinh
của CG là do ông có công giữ mình đồng trinh.
Th.Aogutinô nói
đến chức linh mẫu siêu nhiên của Đ.Maria
như thế này: “Về
thể xác, một mình Đ.Maria là Mẹ của
ĐK. Nhưng về
diện thiêng liêng thì xét theo việc Người thi
hành ý muốn TC, chiếu theo lời ĐG phán: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha Ta,
Đấng ngự trên trời, người ấy là anh
chị em Ta, là mẹ Ta” (Mt
12.50), thì
Người là chị, là
Mẹ của ĐG. Hễ
Người là Mẹ của Đầu, vậy thì Người thực cũng là
Mẹ chúng ta, là những
chi thể của Ngài, mà
bởi đức ái, Mẹ đã cộng tác để
chúng ta được sinh ra trong GH.” (De Virg. 5,5 và 6,6; PL 40,399)
Nói
chung, thời các Giáo phụ, không thấy nói rõ về
chức linh mẫu của Đ.Maria phát xuất từ
lời trối trăng của ĐG trên thập giá.
Chỉ đến
thế kỷ thứ 9, Georges
thành Nicômêđi nối lại với tư
tưởng của Origênê, bằng cách nhìn nhận vai trò
chính thức của Đ.Maria đối với HT sơ
khai do CG trao phó. Ông đặt trên miệng ĐG lời nói
với Đ.Maria: “Người môn đệ đã kề
đầu sát ngực Con, xin trao nó cho Mẹ; cùng với nó
và trong nó, Con ký thác cho Mẹ các môn đệ khác của
Con”. (In St. Mariam…, PG 100, 1476t).
Bên GH Tây phương: Phải đợi đến thế kỷ 11,
mới tìm thấy một chứng từ nói về chức
linh mẫu của Đ.Maria do lời trối trăng
của ĐG. Anselmô thành
Lucques nói:
“Thật là
điều tốt lành khi chiêm ngắm CK trao phó Mẹ Ngài
cho môn đệ và môn đệ cho Mẹ Ngài. Ngài nói: “Hỡi Bà, này là con Bà”, và “Này con, đấy là Mẹ con”;
như thế để Bà Mẹ vinh hiển ấy
chuyển cầu cho tất cả các tín hữu chân chính,
bởi lòng yêu thương cao cả thấm nhuần
đạo đức của Người, và để
Người gìn giữ, bảo vệ cách riêng những
kẻ Người đã nhận làm con, đó là những
tội nhân đã được cứu chuộc.” (Orat. 1).
Anselmô thành Cantorbêry nêu lên như một nguyên tắc: Maria là Mẹ
chúng ta, CG là Anh ta (Orat. 52; PL 158, 957). Đồ đệ
của ông là Eadmer
vịn vào nguyên tắc ấy để cầu nguyện:
“Ôi Bà Chúa,
nếu Con Mẹ đã nhờ Mẹ mà nên Anh chúng con, thì
Mẹ đã chẳng nhờ Ngài mà nên Mẹ chúng con sao? Vì
khi Ngài sắp chết vì chúng con trên Thập giá, Ngài nói
với Gioan…, là kẻ đại diện cho chúng con trong lúc
ấy: “Này là Mẹ anh.” (Tract. de Conceptione BMV, PL 159, 315).
Chứng nhân
sáng giá nhất của thời Trung Cổ là Rupertô thành Deutz (+1130). Ông có
quan điểm như sau:
“Với
quyền nào, người môn đệ CG yêu dấu
được là con của Mẹ Ngài và Mẹ Ngài là
Mẹ ông? Thưa, chính vì Đ.Maria đã sinh ra căn nguyên
cứu rỗi của mỗi người – một cách không
đau đớn (do Người không mắc tội tổ
tông, St 3.16) – khi (ở Bêlem) Mẹ sinh ra đời vị
TC làm người từ xác thịt mình. Giờ đây, bên
Thập giá Người sinh – một cách đau đớn
vô cùng – như lời Simêon đã báo trước… Như
vậy, với những đau đớn ở cữ (Kh
12; Tv 47) kết hợp với cuộc khổ nạn
của Con Một mình, Đ.Maria diễm phúc đã sinh ra sự cứu
rỗi cho ta (nghĩa là ban sự sống là ĐK cho ta), vì
thế Người là Mẹ chúng ta hết thảy… Do
đó, lời ĐG nói với môn đệ “Này là Mẹ con” có thể nói
cách hợp lý với bất cứ người môn
đệ nào, nếu họ có mặt ở đó lúc
ấy”… (In Johan. 13; PL 169, 789t).
Như
thế, theo ý kiến của Rupertô, chức linh mẫu của Đ.Maria được
thể hiện ngay trong việc sinh hạ đau
đớn, khi Người đồng thống
khổ với CG bên Thập giá.
Các
thần học gia và các tác giả đạo đức sau
này, nào là Th.Bernarđinô,
Th.Anphongsô Ligori, v.v…, đã khai triển cảnh Đ.Maria đứng bên
thập giá mỗi vị một cách…Chẳng hạn Th.Anphongsô nói rằng: “Bây
giờ, ta phải đào sâu lý do thâm thúy đã khiến
ĐK gọi Đ.Maria là “Bà”. Ngài muốn cho biết Mẹ
Ngài chính là người đàn bà mà lời Sấm
ở sách Sáng thế nói đến (3.15). Chắc chắn “người đàn bà” nói
ở sách Sáng thế là chính ĐTN Maria, và “dòng giống của bà” thì gồm có cộng
đồng các người công chính với ĐG Thủ
Lãnh họ. Chính vì thế, Đ.Maria đã được
chỉ định làm Mẹ vừa của Đầu,
vừa của các chi thể là các tín hữu. Do đó, ở
chân Thập giá, Th.Gioan không được gọi bằng
tên riêng là Gioan, song là “môn
đệ Chúa yêu dấu”, cốt cho mọi
người biết rằng: Đ.Maria là Mẹ của bất cứ người
Kitô-hữu tốt lành nào được CG yêu dấu, và trong họ CG đang sống.”
(Vinh quang Đ.Maria, phần III, số 5).
***
CHỨC LINH MẪU CHÍNH THỨC
CỦA ĐỨC MARIA
(III) TRONG HUẤN QUYỀN
CỦA GIÁO HỘI
Không
có đặc ân nào của Đ.Maria lại được
Huấn Quyền quả quyết thường xuyên và
nhấn mạnh cho bằng chức linh mẫu của
Đ.Maria, và luôn luôn trong tương quan với lời
trăng trối của ĐK trên Thập giá.
Trong số
các văn kiện ấy, không thể kể hết ra
đây, có hai lời quả quyết được lưu
ý nhất:
Đức Giáo Trưởng Bênêđitô
14 viết: “HT Công giáo
luôn vẫn tuyên xưng với tình con thảo rằng:
lời cuối cùng của Hôn Phu hấp hối trên Thập
giá đã trối lại cho mình Đ.Maria như
người Mẹ rất yêu dấu” (Bullarium).
Cùng
một ý ấy, Đức
Lêô 13 viết: “Đây là mầu nhiệm tình yêu lớn
lao của ĐK đối với ta. Lúc sắp sinh thì, Ngài
đã muốn trối lại Mẹ Ngài cho môn đệ
Gioan bởi lời di chúc đáng nhớ này: “Này là con Bà”, mà theo ý kiến chung của HT, qua môn
đệ Gioan, CK muốn chỉ về cả nhân loại,
cách riêng những ai liên kết với Ngài bằng
đức tin” (Tự sắc “Adjutricem Populi”).
Cũng
vậy, các Đức Giáo Trưởng Piô 9, Piô 12… Vị
sau này nói: “Chính ĐG từ trên Thập giá, muốn xác
nhận bằng một hồng ân, tượng trưng và
hữu hiệu, chức linh mẫu của Đ.Maria
đối với loài người, khi Ngài nói những
lời đáng nhớ: “Hỡi
Bà, này là con Bà”; như thế nơi bản thân
người môn đệ yêu dấu, Ngài ký thác tất
cả thế giới Kitô-giáo cho Rất Thánh Nữ
Đồng Trinh. Lời Xin Vâng hồi nhập thể,
việc cộng tác của Người vào công trình của
Con mình, các đau đớn lớn lao Người chịu
trong kỳ Thương khó, và nỗi sầu bi làm tim
Người ra như chết ở Núi Sọ: tất
cả những điều đó đã mở lòng Đ.Maria
yêu thương chung tất cả nhân loại, cuối cùng
lời phán quyết của Con chí thánh đã đóng ấn
của Đấng Toàn năng vào chức làm Mẹ theo ân
sủng của Người. Từ đó, quyền thế
bầu cử vô cùng vô tận của Danh hiệu làm Mẹ
nơi tòa CG, Đ.Maria sử dụng hoàn toàn cốt
để cứu vớt những kẻ mà TC, nay từ
trời, trỏ cho Người mà nói như xưa rằng:
“Hỡi Bà, đây là các con Bà.” (Doc. catho. (1954), 1006).
Cuối cùng, xin nhắc lại lời Công
đồng Vat 2:
“Trên bình
diện ân sủng, Đ.Maria thật là Mẹ chúng ta…, và
tiếp tục chức làm Mẹ… cho tới lúc hoàn tất
vĩnh viễn việc cứu rỗi mọi người
được tuyển chọn”… “Sự can thiệp mang
năng lực cứu độ của ĐTN trên nhân loại
… bắt nguồn từ công phúc dư tràn của ĐK …
năng lực can thiệp này không hề cản trở,
trái lại sẽ giúp đỡ các tín hữu kết
hiệp trực tiếp với ĐK.” (HC GH, số 61-62,60).
***
CHỨC LINH MẪU CHÍNH THỨC
CỦA ĐỨC MARIA
(IV) TRONG THẦN HỌC
Nhìn vào
đạo lý Công giáo về
sự công chính hóa sẽ thấy HT Công giáo có lý mà tin
rằng: bởi vì Đ.Maria là Mẹ ruột ĐG tức
là đã ban thịt máu mình tạo nên thân thể cho
CK-Đầu, thì Người cũng là Mẹ của các chi
thể Ngài - là các tín hữu - một cách siêu nhiên bí
nhiệm. Nói tổng quát thì như vậy, nhờ đạo
lý Công giáo về công chính hóa sẽ thấy chính xác và sâu xa
hơn như sau:
Người
có lòng tin vào Chúa thì được công chính hóa ,
mà được công chính hóa là họ được
biến đổi một
cách vật lý chứ không chỉ một cách thiêng
liêng, bởi Chúa Thánh Thần, và họ được
hiệp thông một cách vật lý với CK trong chính bản
chất (bản thân) mình! (Il est physiquement en sa nature même
en communion avec le Christ) (Fx.Durrwell).
Họ trở nên chi thể và đồng hóa với Ngài
thành một thân thể, chính là thân thể vinh hiển
của Ngài. Như thế, họ thông phần vào sự
sống của thân xác phục sinh của Ngài.
Chẳng phải chúng ta đã tin
nhận rằng: theo đạo lý các thánh Tông đồ và
các Giáo phụ, Ngôi Hai mặc xác phàm lúc Nhập thể
đã thâu nhận
lấy chúng ta một cách bí nhiệm vào thân thể Ngài,
rồi sau khi Ngài đã vâng theo ý Chúa Cha mà bằng lòng
chịu chết, Chúa Cha rất đẹp lòng và cho Ngài
phục sinh. Thì như trên vừa nói, vì ta vốn đã
được thâu nhận vào làm một thân thể cách
bí nhiệm với Ngài lúc mặc xác phàm, lẽ tất nhiên lúc
Ngài phục sinh, ta được đồng hóa với
thân thể phục sinh của Ngài.
Ngày
nay, người ta gọi HT và Kitô hữu chúng ta là “Thân
Thể mầu nhiệm Đức Kitô”. Đối với
nhiều người, công thức ấy có nghĩa như
một đoàn thể thiêng liêng mơ hồ. Nhưng theo
cha Fx.Durrwell, tư
tưởng của Th.Phaolô hết sức thiết
thực: HT (và Kitô hữu chúng ta) là Thân Mình của Đức Kitô, đồng hóa không
chút mơ hồ bóng bẩy với thân thể vật lý
của Đấng Cứu Thế , với
thân thể Phục Sinh của Ngài” :
3 “Anh em không biết rằng : khi
chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy,
để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta
được dìm vào trong cái chết của Ngài sao? …. Vì
nếu ta đã nên đồng hình với sự chết
của Ngài, thì ta cũng
được đồng dạng với sự sống
lại của Ngài” (Rm 6.3,5)
“TC đã cho ta … được cùng hồi sinh
với ĐK… và
được cùng sống lại, được
cùng ngự trị trên trời trong ĐK Giêsu” (Ep 2.5-6)
Khi ấy, vai trò làm Mẹ của Đ.Maria là như
thế nào?
a) Trước phục sinh
Đ.Maria, ngay từ khi nói lời “Fiat”
ưng thuận làm Mẹ Ngôi Hai Nhập thể, đã
tạo nên thân thể cho CG-Đầu, thì – như chúng ta
đã biết – Đầu ấy cũng bao gồm, tuy cách
tiềm ẩn, các chi thể là chúng ta nữa, vì không
thể nào chỉ làm Mẹ của Đầu mà không làm
Mẹ của thân thể. Thế là Đ.Maria đã trở
nên Mẹ siêu nhiên của chúng ta từ căn gốc.
Mẹ Maria đã nói với
thánh nữ Giêtruđê: “Giêsu, Con rất dịu dàng của
Mẹ không là Con độc nhất (Unigenitus), nhưng
thật là Con đầu lòng (Primogenitus), vì Mẹ đã thụ
thai Ngài đầu hết trong dạ. Nhưng sau Ngài,
đúng hơn bởi Ngài, Mẹ đã thụ thai các con
tất cả khi nhận lấy các con làm con cái trong dạ
đầy tình từ mẫu của Mẹ, để các con
nên anh em Ngài, đồng thời là con Mẹ!”
Đức thánh Giáo
Trưởng Piô X cũng phụ họa chân lý ấy:
“Trong dạ rất tinh
tuyền của Đức Mẹ, CG không những nhận
lấy một thân xác nhân loại, nhưng cả một
thân xác thiêng liêng, hợp thành bởi những kẻ sẽ
tin vào Ngài. Để ta có thể nói: Khi mang Đấng
Cứu Thế trong dạ, Maria cũng mang tất cả
những ai chỉ có sự sống vì được bao hàm
trong sự sống của Đấng Cứu chuộc. Bởi
vậy chúng ta tất cả, khi được liên kết
với CG Kitô, chúng ta được dạ Mẹ Maria sinh
ra như một thân thể nối với đầu,
một cách siêu nhiên và bí nhiệm, nhưng thực sự,
chúng ta được gọi là Con Mẹ Maria, và
Người là Mẹ chúng ta hết thảy.” (Pie X, Ad Diem
illum, 2 Fév. 1904).
Vai trò làm Mẹ
của Đ.Maria là như thế nào?
b) Sau phục sinh
Đến
khi sau phục sinh, thân xác CG được thần hóa ,
và Ngài được TC đặt làm Đầu của HT
- là thân thể của Ngài (Ep 1.22) -, đương nhiên
Đ.Maria vì là Mẹ của Đầu đã
được thần hóa ấy, thì cũng là Mẹ
của thân thể gắn bó mật thiết với
Đầu nữa, tức là HT, là các tín hữu, một
cách siêu nhiên, bí nhiệm song rất thiết thực.
Người nhìn thấy, trong ánh sáng tỏ tường khôn
sánh, Con của Người là Đầu của một Thân
thể to tát vô biên,… và vẫn cứ tiếp tục được
hoàn thành mãi cho đến tận thế, bởi việc
gầy tạo những chi thể mới cho CK.
Và
như sự sống của CK tiếp tục nối dài
dưới thế nơi các chi thể Ngài, vai trò làm Mẹ
CK cũng nối dài trong họ. Và phận sự ấy kéo
dài bao lâu mà CK chưa được hình thành hoàn tất
trong họ, tức là đến ngày “họ nên thành toàn” (Ep
4.13), ngày họ sinh ra trên trời vậy (HC GH, số 62).
Mục sư Max Thurian cũng đồng quan niệm: “Đạo lý
về chức linh mẫu phổ quát của Đ.Maria
căn cứ trực tiếp vào đạo lý về ân
sủng, và về sự thông phần một cách vật lý
của GH và của mỗi người tín hữu vào sự
sống ĐK.” (Mariology d. Reformed, London 1951, 310).
ÄRÃ
Tác giả Mari-học
khêu ra : “Bốn từ “Bà” trong 4 chặng chính của
lịch sử cứu độ (đều có liên quan
tới Đức Maria): Tiên báo (St 3.15), Khai mạc (Ga 2.4),
Hoàn tất (Ga 19.26-27), Khải hoàn (Kh 12.1)” (trang 82).
|