ĐOẠN III
ĐỨC MARIA CÔ ĐỌNG NƠI MÌNH
TÂM TÌNH ĐÓN TIẾP CỦA CÁC
“NGƯỜI NGHÈO CỦA THIÊN CHÚA”
TRƯỚC ĐẤNG CỨU THẾ
SẮP ĐẾN
Sau những cuộc tấn
công và tàn phá Kinh đô, triệt hạ Đền thờ,
dẫn đến các thử thách gian khổ của
cuộc lưu đày bên Babylon, quốc gia Do Thái coi như
bị xóa sổ hoàn toàn: không còn vua, không còn uy quyền;
mặt tôn giáo không còn Đền Thờ làm nơi tế
tự. Đã đành, người ta mơ ước
một cuộc phục hưng. Đang khi chờ
đợi, họ thu mình trong một lối sống
của một tập đoàn khép kín. Chính trong thời
kỳ này, những phần tử ưu tú và năng
động, được các ngôn sứ ra công đào
luyện, đã cấu thành một “nhóm sót”, xứng
danh “Dân TC”. Nhóm sót này cứ được liên lỉ
tẩy luyện cho đến ngày trọng đại, ngày
giáng lâm của Đấng phải đến:
“Ta sẽ luyện chúng như người
ta luyện bạc, Ta sẽ thử chúng như người
ta thử vàng. Phần nó, nó sẽ kêu khấn Danh Ta, và Ta, Ta
sẽ nhậm lời nó”. Ta đã nói: “Nó sẽ là dân
của Ta!” Còn nó, nó sẽ nói: “Ngài là TC của tôi” (Dcr
13.8-9).
Cụ thể mà nói, Nhóm
sót ấy gồm “những người nghèo”, những
người có tinh thần nghèo khó, nhận biết mình
tự sức chẳng có gì, mọi sự đều trông
cậy hoàn toàn nơi TC, cho nên họ luôn trung thành, tin
tưởng nơi Ngài trong hết mọi sự. Chính từ cảnh
nghèo khó, hèn mạt, khốn khổ của họ trổ
sinh bước tiến thiêng liêng của họ.
Đ.Maria thuộc dòng dõi các
kẻ nghèo khó sẵn sàng mở đón Vương triều
của TC. Người thấm
nhuần tinh thần “những người nghèo của TC”, được biểu lộ ra trong kinh nguyện của
các Thánh vịnh, họ mong đợi ơn cứu
độ từ TC, và hoàn toàn tín thác nơi Người (x.
Tv 25, 31, 35, 55). Hiến Chế GH của Công Đồng Vat.
II (số 55) nói: “Đ.Maria đứng đầu trổi
vượt trong nhóm người khiêm hạ và kẻ nghèo
khó của Chúa này.”
Lời nguyện
cầu và khát vọng của những tâm hồn mở
đón TC cứ nối tiếp nhau, người
trước kẻ sau, trong lịch sử ấy, và
cuối cùng sẽ tập
trung tất cả nơi Đ.Maria, Người
sẽ tỏ ra là
-điểm kết tụ của dòng dõi thần bí
ấy, -“là trái tim của KT” , -là “lời ca qui tụ tất
cả chuỗi dài những kẻ khẩn cầu.”
KT đã thuật lại
lời ca của họ:
Bà Myriam, em gái ông Aharôn, tay
vỗ trống và cùng với các phụ nữ đi theo bà
nhảy múa theo nhịp trống kèn mà ca ngợi TC,
Đấng đã cứu dân Israen khỏi kỵ binh hùng
hậu Ai Cập đuổi bắt ở Biển
Đỏ: “Hãy hát mừng
ĐỨC CHÚA, vì uy danh Người cao cả: chiến mã
với kỵ binh, Ngài đã quăng chìm đáy biển!” (Xh
15.20-21).
Bà
Đêbôra, nữ
tiên tri, nữ thẩm phán trong Israen thời cổ, sau khi
thắng trận trên dân Canaan, cũng đã ca lên bài Khải
hoàn : TC dùng tay đàn bà yếu hèn mà thắng binh hùng
tướng mạnh (Tl 5.).
Bà
Yuđitha
cũng ca ngợi TC đã dùng nữ lưu chân yếu tay
mềm mà chém đầu tướng Hôlôphernô (Gđt 16.).
Nhất là Bà Anna son sẻ, cầu
xin Chúa đoái thương, khi được ơn sinh con
là tiên tri Samuen, đã dâng lời ca ngợi Giavê, Đấng
đã nâng kẻ hèn hạ, nghèo khó lên, hạ kẻ quyền
quí xuống. Bài ca này là bản thảo cho bài ca “Hồn tôi tán dương…”
của Đ.Maria (1Sm 2.// Lc 1.45-55).
Và Đ.Maria đã xướng lên Bài ca “Hồn tôi tán dương Chúa”,
ý tứ sẽ lấy lại các lời và đề tài
thiết thân của “các người nghèo” của TC (x. Mari
học, tr.76-79). Thật vậy, Đ.Maria đã ứng
khẩu một lời ca ngợi tạ ơn và hân hoan , điều ấy
chẳng có gì làm ta ngạc nhiên, nếu ta hiểu biết
tâm hồn người Đông Phương thường
diễn tả nỗi vui nỗi buồn trong những điệu
hát, bài thơ, câu vè, ca dao, tục ngữ… Tâm hồn
người Do Thái đạo đức cũng thế!
Đ.Maria đã ca hát.
Tâm tình của Người được Th.Luca gói ghém trong
bài ca này. Nói cách khác, bài ca ấy gồm tóm tất cả ý
tưởng và tâm tình của đời Người… Người
ta có thể nói về bài ca ấy, như danh họa Corot nói
về một bức tranh ông đã vẽ: “Tôi phải
để vào đó bao nhiêu lâu? Năm phút, và tất cả
đời tôi!” Bài “Hồn tôi
tán dương” có thể chỉ dài dăm ba phút,
nhưng tất cả một cuộc đời
được kể lại trong ấy… Cũng dám nói
tất cả lịch
sử hoàn vũ được phác họa trong bài
ca ấy của Đ.Maria.
Thật vậy,
Đ.Maria biết cái luật bí mật và đơn sơ,
mà mọi tâm hồn nhỏ bé, khiêm nhu có thể hiểu
được và nghiệm chứng được ở
mỗi thời đại, luật ấy nằm gọn
trong công thức này: “Người
hạ kẻ quyền thế khỏi ngôi báu, và nâng kẻ
hèn mọn lên”. Cái luật bên trong của lịch sử
hoàn cầu đó rất khác với luật bên ngoài, mà
người ta thường tả trong sách vở, báo
đài trần gian, ở đó người ta đọc
thấy toàn chuyện của kẻ quyền thế,
của kẻ mạnh, của cường quốc, họ
thi đua bành trướng, thi đua quyền lực,
rồi sụp đổ dưới sự trấn áp
của một quyền lực khác! Nhưng luật bên trong
mới chính lại là luật chân thật, ngấm ngầm
xuyên suốt lịch sử. Chính là luật nghịch nhiên mà
ĐG đã công bố trong Tám Mối Phúc.
Maria ca hát “Hạnh phúc mà
muôn thế hệ sau này sẽ dành cho Người”.
Phúc ấy không phải là vì sự cao cả và vinh quang mà
Người có, nhưng là vì “thân
phận mọn hèn” của Người; không phải sự đầy dẫy
ân sủng đã ban xuống cho Người là duyên cớ
làm Người có phúc, nhưng là sự trống không, bởi đó Người
đã làm cho sự đầy dẫy kia đến với
Người: “Phận nữ
tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn
tới ; và Đấng Toàn
Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”.
Nhưng khiêm nhường
lại không sợ nói
sự thật cách đơn sơ. Maria đã nói
rõ: “Mọi đời sẽ
khen tôi có phúc”… và “TC đã làm
cho tôi những điều thật là lớn lao, vĩ đại”…
Các vị đại thánh sau này,
thấm nhuần tinh thần Tám Mối
Phúc, và
bài học khiêm nhường nhỏ bé của bài ca “Hồn tôi tán dương Chúa”,
đâu có nói gì khác hơn…
Tóm
kết:
Bởi vì nơi
Người, những gì là tinh túy nhất của Israen
đã được phô diễn, nên Đ.Maria là
Đấng hội đủ tư cách hơn ai hết
để thưa tiếng “Fiat” - “Xin thành sự”, chấm
dứt tất cả nỗi chờ mong vạn đại
của dân Israen, và mở đón kỷ nguyên mới.
***
Phụng
Vụ diễn lại thời gian
chờ mong Đấng Cứu Thế
Phụng vụ của Mùa
Vọng gợi lại thời gian lâu dài chờ mong Chúa
Cứu Thế sinh xuống trần, có ba nhân vật
được trình bày nổi bật trong Phụng Vụ
Kinh Nguyện và Thánh Lễ của mùa này:
1) Isaia, sứ ngôn loan
báo về cuộc xuất hiện của vị Thiên Sai
Cứu Thế.
2) Gioan Tẩy Giả,
Tiền hô kêu gọi dân chúng sám hối để dọn
đường đón Đấng Cứu Thế.
3) Đ.Maria, Trinh Nữ khiêm hạ làng
Nadareth, Người có phận sự đem Đấng
cứu tinh vào trần gian tội lỗi.
Một câu của Thánh
ca Creator Alme siderum (Đấng tạo thành cao cả các vì
sao) hát rằng: “Để đền tội chung của
nhân loại, lạy CG Cứu Thế, Chúa đã sinh ra
từ lòng ĐTN như là một tế vật hoàn hảo,
chờ ngày hi sinh trên Thập giá.”
Câu: “Trời cao, xin đổ
sương xuống”, được dùng trong Phụng
vụ Mùa Vọng đã rút từ lời ca của ngôn
sứ Isaia:
“Trời
hỡi, từ trên cao hãy nhỏ sương xuống, và làn
mây, hãy tuôn trào đức nghĩa, ước gì
đất hãy mở ra, để cho cứu độ khai
hoa, và một trật đức nghĩa đâm
chồi. Chính Ta, Đức Chúa, Ta đã tạo nên
sự này” (Is 45.8).
Sứ ngôn ví Vua Thiên Sai
với mầm chồi mọc lên từ gốc là nhà
Đavít (6.13; 11.1). Thế thì chính nơi ĐTN Maria mà đất
mở ra để cứu độ khai hoa và Đức
Công chính (là ĐG) đâm chồi.
Phụng
Vụ thuộc nghi thức Đông
Phương Bydăngtin đã liên kết Đ.Maria với cuộc
trông đợi Đấng Cứu Thế bằng những
lời ca phong phú hơn Phụng Vụ La Tinh:
“Hỡi Bêlem, hãy chuẩn
bị! Vườn địa đàng mở ra cho mọi
người. Hỡi Ephrata, hãy sẵn sàng, vì từ
Đức Trinh Nữ, cây sự sống khai hoa trong hang
đá. Lòng dạ Người đã trở nên địa
đàng linh thiêng, ở đó trồng cây thần linh ban
sự sống cho ta, nếu ta lãnh lấy mà ăn
để khỏi phải chết như Ađam. CK
đến thế gian để dựng lại hình ảnh
Ngài xưa kia đã bị vỡ tan tành.”
Phụng Vụ ấy cũng
nhấn mạnh đến việc Ngôi Hai nhận xác phàm do
Đ.Maria hiến cho:
“Trong Đức Trinh
Nữ, mọi người đồng kêu lên: Vâng, lạy
Chúa, xin đến! Chúng con sẽ dâng cho Chúa gì đây?…
Trời dâng lên Chúa các Thiên thần, đất hiến dâng
cho Chúa các lễ vật; còn loài người chúng con dâng cho
Chúa một người Mẹ đồng trinh.” (Sđd,
201).
*
* *
ĐOẠN IV
ĐỨC MARIA LÀ CHÓP ĐỈNH
CỦA CÁC TUYỂN CHỌN CỦA THIÊN CHÚA
BỞI
ƠN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Việc chuẩn bị
sau cùng để nhân loại đón Đấng Cứu
Thế đã được chu toàn một cách lạ lùng,
đến nỗi thoạt nhìn, nó làm ta kinh ngạc. Sao
thế ? Đấng Cứu Chuộc, được TC ban
để cứu nhân loại sa ngã, sẽ đặt chân
vào giữa nhân loại đang nằm dưới ách nô
lệ tội lỗi, ở một điểm chưa hề bị xâm phạm
ngay cả bởi bóng dáng của tội lỗi: Đó là
ở nơi Đ.Maria, con gái Israen, cũng dòng giống
Ađam Eva. Lạ lùng chưa ? Một con người không
nhiễm nguyên tội ! Ngay từ lúc
đầu thai khởi sự cuộc đời !
Khi ta sinh ra đời, ta không
có quyền chọn người nào làm cha làm mẹ. Họ
sinh ra ta, thế là họ là cha là mẹ ta, xấu tốt ta
cũng đành chịu. Nhưng TC thì không như thế,
Người có quyền chọn một người
xứng đáng làm mẹ mình. Chưa hết, ai trong chúng ta
chẳng mong có một người mẹ xinh đẹp,
tốt lành, nhân hậu, giàu có? Ta rất khổ sở và
xấu hổ khi có một người mẹ không ra gì,
xấu xí và nhiễm đủ thứ tính mê tật
xấu…
Có nhiều người đã
gặp hoàn cảnh đó, và họ nghĩ nếu họ có
khả năng, họ sẽ làm cho mẹ họ nên tốt
đẹp tuyệt vời… Nhưng loài người
chẳng ai có khả năng ấy, chẳng ai có thể
thay đổi được người mẹ của
mình theo ý mình. ĐG thì không thế, vốn là TC, Đấng
Tạo Hóa tạo dựng muôn loài luôn vật, Ngài có khả
năng tạo nên cho mình một người Mẹ
tuyệt vời, hay làm cho Mẹ mình thành tốt đẹp
tuyệt vời.
Và việc đó, Ngài đã làm
cho ĐTN Maria, Mẹ Ngài.
Trước khi
đầu thai xuống làm người trong lòng Đ.Maria,
việc đầu tiên là Ngài làm cho Mẹ được vô
nhiễm nguyên tội, hay nói cách khác, làm cho Mẹ mình ngay
từ đầu cuộc đời không hề nhiễm
chút bóng dáng gì bợn nhơ tội lỗi, hoàn toàn tinh
khiết, thánh thiện không chút tỳ ố nào. Vì Ngài là TC
chí thánh và sẽ là Đấng giải thoát nhân loại
khỏi ách nô lệ ma quỷ, thì không thể nào lại
chịu ngự xuống đầu thai trong lòng một
phụ nữ dính bợn nhơ tội lỗi, một
người mẹ đã nằm dưới quyền
lực và thống trị của ma quỉ.
Vậy chúng ta dành ít phút
để tìm hiểu đặc ân này. Cha K.Rahner giúp chúng ta
:
“Nhờ học giáo lý, mọi
tín hữu đều hiểu, không nhiều thì ít, ý nghĩa
của mấy tiếng “vô nhiễm nguyên tội”. Thế
nhưng chúng ta cũng thường bắt gặp luôn -
cả nơi những người Công giáo - những
hiểu lầm kỳ quái về tín điều này.
“Trước tiên, vô nhiễm
nguyên tội hoàn toàn không có nghĩa là Đ.Maria
được cha mẹ sinh ra một cách khác biệt
với mọi người về mặt thể lý. Và tín điều
cũng không hề có ám chỉ u ám ngấm ngầm rằng:
việc một con người sinh ra, kết quả
của tình yêu giữa hai vợ chồng, có nhiễm cái gì ô
uế. Không phải thế! Vì trong gia đình, khi một
người con chào đời, thì đó là một biến cố thánh
thiện ăn nhằm với ý định của TC (St
1.27-28), (đặc
biệt khi hôn nhân của họ đã được nâng
lên thành một Bí tích).
Tóm lại, giáo
thuyết về “Vô nhiễm nguyên tội” của Đ.Maria
hoàn toàn không có chút liên lạc gì với những điều
hiểu lầm trên đây.”
Vậy thì ‘Vô nhiễm nguyên tội’ có nghĩa gì?
“Với mấy tiếng
ấy, HT muốn quả quyết với chúng ta
điều này: Đ.Maria, Nữ Trinh chí thánh và là Mẹ TC,
đã được TC ban
cho ơn Thánh Sủng ngay từ giây phút
đầu tiên của đời Người, bằng vào
công phúc cuộc Tử nạn của CG Kitô, Con của Ngài,
tuy lúc ấy CG chưa ra đời, chưa chịu tử
nạn, nhưng TC đã nhìn thấy trước
những hiệu quả của việc cứu chuộc do
Con của Ngài thực hiện và đem áp dụng
trước cho Đ.Maria. Do đó, Đ.Maria đã không
hề phải ở trong cái tình trạng mà chúng ta gọi là
mắc Tội tổ tông
(hay nguyên tội); và tội tổ tông không là cái gì
hết ngoài việc thiếu ơn thánh sủng trong con
người (x. Rm 3.23), vốn là một hậu quả gây
nên bởi tội của người tiên khởi đã
phạm trong buổi đầu tiên của lịch sử
nhân loại.
“Tóm lại, ơn vô
nhiễm nguyên tội của Maria có nghĩa là: ngay từ
giây phút đầu tiên của cuộc đời,
Người đã có đầy ơn thánh sủng là sự
sống TC trong tâm hồn. Đó là một đặc ân mà TC
đã thông ban cho Người, không phải vì Người
đã có chút công lao gì trước mặt TC, nhưng hoàn toàn
là do lòng ưu ái của TC (Đấng hoàn toàn tự do, không
bị hạn chế bởi một qui luật nào),
để với sự tràn đầy ân sủng từ
buổi đầu đó, Người được
xứng đáng trở thành Mẹ của CG Con TC giáng
trần.
Ngay từ giây phút đầu
tiên của cuộc đời, Đ.Maria đã
được bao bọc trong tình yêu cứu chuộc và
thánh hóa của TC. Đó là nội dung giáo huấn đã
được Đức Piô IX, năm 1854, long trọng
tuyên bố thành một tín điều cho mọi
người Công giáo.”
|