MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
[ Sưu Tập Những Bài Suy Niệm Kinh Thánh] -- Bài 32. Sự Cao Cả Của Thánh Giuse
Chủ Nhật, Ngày 8 tháng 10-2023
Bài 32. SỰ CAO CẢ CỦA THÁNH GIUSE

 

Bản văn Tin Mừng Mt 1.18-25 đã gây lúng túng rất nhiều cho các nhà chú giải Kinh Thánh, và xem ra chưa có giải thích nào toàn mỹ cả. Từ trước đến nay, phần đa số thường cắt nghĩa là Th’Giuse không hề hay biết việc Thiên thần truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria, cho nên ông bị bất ngờ khi thấy Maria có dấu hiệu bên ngoài đã mang thai, nên ông định bụng hủy bỏ hôn ước, tuy vậy vì ông là người công chính, tức là tốt bụng, nên không muốn tố cáo Maria nếu tố cáo, cô sẽ bị ném đá, chiếu theo luật phạt tội ngoại tình, ông chỉ định tâm bỏ bà cách kín đáo.

Nay, thử đề cập một cách giải thích khác về mấy câu Mt 1.18-21.

C.18 nói, Đ.Maria đã đính hôn với T’Giuse, mà theo tục lệ và pháp luật Do Thái thì đính hôn có giá trị tương đương với việc thành hôn của ta bây giờ, tức là hai người đã thành vợ thành chồng với tất cả những nghĩa vụ và bó buộc của nó, chỉ có điều là chưa rước dâu về nhà chồng chung sống, tục lệ Do Thái cho hoãn việc rước dâu một thời gian từ vài tháng đến một năm. Trong thời kỳ ấy, giả sử họ có con với nhau, con vẫn là con hợp pháp chứ không phải con ngoại hôn. Và nếu có ai trong hai người ngoại tình thì phải chịu luật pháp phạt ném đá cho chết. Các điều trên đây trong Kinh Thánh nói rõ nên chỉ cần nhắc sơ qua.

Đến c.18c: “Trước khi chung sống bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, thì vấn đề đặt ra là ông Giuse có biết việc thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần này không và biết lúc nào, biết trước hay biết sau khi Thiên thần báo mộng cho ông (c.20)? Chúng ta sẽ cố gắng trả lời.

C.19 viết: “Giuse là người công chính, không muốn tố giác bà... định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Bản dịch Kinh Thánh La Bible de Jerusalem (tắt: BJ2 ) lần tái bản năm 1998 ở cước chú b có giải thích thế này: Sự công chính của ông Giuse nằm ở chỗ ông không muốn nhận làm cha (và đặt tên của mình cho) một đứa trẻ mà ông không biết cha nó là ai; và cũng ở chỗ vì lòng cảm thương (par compassion) đối với Maria, ông không muốn trao bà cho công lý xét xử nghiêm ngặt, vì hậu quả sẽ là Maria bị phạt ném đá chết (Đnl 20.20t). Như thế BJ2 vẫn theo lối giải thích truyền thống như trên đầu đã trình bày.

Luật Do thái chấp nhận ly dị, khi có cớ chính đáng (Đnl 24.1tt; x. Mt 19.). Nhưng muốn ly dị thành sự thì phải làm giấy “rẫy vợ” và ra toà, như thế là công khai hoá rồi, và trước tòa ông Giuse phải nói vụ việc ra: cái thai này không phải của ông, là chồng chính thức. Câu báo cáo trước tòa ấy bản văn Mt 1.19 gọi là “tố giác công khai” chứ không nên hiểu là “tố cáo”. Như vậy - cho dù ông Giuse không có ác ý tố cáo buộc tội ngoại tình cho Maria - thì đương nhiên Maria vẫn sẽ bị xử tử ném đá chiếu theo luật pháp. Làm sao Maria có thể biện minh bằng cách nói có thiên thần hiện ra và bảo thụ thai bởi phép Thánh Thần, ai mà tin được!

May thay! Th’Giuse dự tính kín đáo rời bỏ Maria để tránh cho Maria cái nguy tử đó. Quả Thánh nhân đúng là “một người công chính”, đức độ, nhân từ và quảng đại ở trong chuyện này. Đức Maria phải vô cùng biết ơn Thánh nhân ở chỗ này, vì chúng ta cứ thử nghĩ xem nếu Thánh Giuse, vì buồn giận mà hành động theo cảm tính của một người chồng (có cảm tưởng) bị lừa dối, thì số phận của Maria sẽ thế nào, và kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa sẽ bị đảo lộn tất cả, (lúc ấy Maria đã mang thai Ngôi Lời Nhập thể trong dạ rồi) ?

BJ2 viết tiếp quan điểm của mình: trong trường hợp ngờ vợ ngoại tình song không có bằng chứng, chồng vẫn có thể xin các tư tế làm cuộc “phân xử của Chúa” (ordalie), mời xem Ds 5.11tt mô tả.

Cả hai cách xử công khai nói trên, Th’Giuse đều không muốn làm.

Ít ra tới đây, ta cũng cảm động vì Th’Giuse còn có lòng tốt với Đức Maria và không nỡ tàn xử.

Tuy vậy cách giải thích của BJ2 không đề cao tâm hồn cao cả của Th’Giuse cho đủ, vì nghĩ rằng ông chỉ vì thương Đức Mariạ mà không tố cáo, chứ ông vẫn còn nghi ngờ có chuyện gì lấn cấn nơi Maria. Đàng khác, nếu ông không được Maria cho biết đã thụ thai bởi phép Thánh Thần, tức là chẳng biết việc của vợ mình, hóa ra Th’Giuse bị để ra ngoài chầu rìa trong một việc liên quan lớn tới cuộc sống của hai vợ chồng sau này, như thế là điều đáng bất bình.

Tốt hơn nên nghĩ rằng trong chuyện gay cấn này Đức Mariạ đã cư xử rất khôn ngoan như sau:

Chúng ta nghĩ rằng chính do Maria nói mà Th’Giuse đã biết việc thụ thai bởi phép Thánh Thần, trước khi Thiên thần báo mộng cho ông ở c.20. 

Maria cho chồng mình biết điều ấy trong trường hợp nào?

Hãy lấy trình thuật truyền tin của Luca 1.26-38. Khi Thiên thần đề nghị Maria chịu thai (c.31), Người tưởng việc đó sẽ làm theo thường tình là cần một người nam dự vào, nên Maria hỏi Thiên thần: “Việc đó xảy ra thế nào được vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

Đại đa số các nhà chú giải ngày nay (x. BJ2, TOB v.v..) cho rằng qua câu nói đó Maria không có ý bảo: chuyện thụ thai đó không thể xảy ra được vì tôi đã khấn giữ mình đồng trinh. Theo sát bản văn, đây Maria chỉ nói về một tình trạng cụ thể là hiện thời Người không có quan hệ vợ chồng với người nam [1]; vì thế Người hỏi cách thức phải làm thế nào để thực hiện lời Thần sứ truyền bảo.

Vả lại, Maria không thể khấn như thế, vì trong luật Do Thái (Ds 30.4tt) dạy về khấn hứa của nữ giới có chỉ định: phải được hoặc cha (nếu còn là con gái ở nhà cha mẹ), hoặc là chồng (khi đã xuất giá) chấp thuận lời khấn hứa thì mới có giá trị :

“Nếu người phụ nữ đi lấy chồng, và vẫn còn phải giữ những lời khấn hứa hay bị ràng buộc bởi một lời hứa thiếu suy nghĩ nào người ấy đã thốt ra, và nếu người chồng nghe biết được mà chồng vẫn im lặng trong ngày nghe biết được chuyện ấy, thì các lời khấn của người phụ nữ ấy có hiệu lực, và những  điều mà người ấy tự buộc mình làm cũng đều có hiệu lực. Nhưng nếu trong ngày nghe biết được, chồng người ấy phản đối, thì anh ta hủy bỏ lời khấn hứa còn ràng buộc người vợ, và lời hứa thiếu suy nghĩ người vợ đã tự buộc mình phải giữ, Đức Chúa sẽ dung thứ cho người phụ nữ ấy” (và không buộc giữ lời khấn nữa) [2].

Đúng là trường hợp của Maria, vì như ta đã biết Maria đã đính hôn với Giuse (coi như đã là vợ chồng thật trước pháp luật), làm sao Maria có thể đơn phương chấp nhận lời đề nghị của Thiên sứ (thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần), mà không nói cho Giuse là chồng biết – dù việc chấp nhận đề nghị đây chính xác không phải là một lời khấn mà luật buộc người vợ phải nói với chồng (theo Ds 30.4tt) – dầu vậy. nó có tính chất phản nghịch cuộc hôn nhân và gây sóng gió cho cuộc sống vợ chồng của hai người sau này.

Người Công giáo trước đây – vì quá ước muốn tôn dương đức đồng trinh của Đ.Maria, nên họ cố quyết phải bảo vệ và đề cao với bất cứ giá nào – nên đã tưởng tượng ra giải đáp này: hai ông bà cùng đồng tâm nhất trí hẹn nhau làm lời khấn trinh khiết trọn đời. Đó là một giải thích ít ra là kỳ quặc... và bất thường. Vì không hề đếm kể gì đến phong tục và lịch sử Do Thái thời ấy:

Thật thế, không có một tục lệ nào và định chế xã hội nào của người Do Thái ủng hộ cho quyết định sống đồng trinh như vậy...[3] Trong quan niệm Do Thái, việc lập gia đình không còn là chuyện cá nhân, song là một nhiệm vụ tôn giáo và dân tộc: nhiệm vụ lưu truyền nòi giống với hy vọng được Đấng Thiên sai Thiên Chúa hứa trong Kinh Thánh sinh ra trong dòng tộc mình. Trong viễn tượng ấy, việc son sẻ không sinh con (cũng như giữ đồng trinh) là một khiếm khuyết về mặt tôn giáo và đạo đức, đó là dấu Thiên Chúa loại bỏ người đó ra khỏi kế hoạch của Người...Nói nặng hơn, đó là một dấu không được Thiên Chúa chúc phúc. Một sự tủi hổ. Bà Elidabét vợ ông Dakarya sau khi được có thai lúc tuổi già, đã vui mừng thốt lên: “Ấy Chúa… đã cất nỗi hổ nhục của tôi giữa người đời!” (Lc 1.24-25) [4].

Vì vậy không thể chấp nhận việc Maria làm lời khấn giữ mình đồng trinh, nhưng xét theo trạng thái tâm hồn Người hằng vâng theo thánh ý Thiên Chúa, nên có thể nghĩ Người sẵn sàng bước vào đời hôn nhân bình thường như bao cô gái khác nếu đó là ý Chúa, tuy trong thâm tâm, do ơn vô nhiễm nguyên tội làm cho Người có một khao khát sống trọn vẹn chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa. Nhưng nếu thánh ý Thiên Chúa muốn cho Người sống bậc hôn nhân như thường, Maria cũng xin vâng và hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa. Đó mới thật là trọn vẹn vâng phục. Nhưng Thiên Chúa đã có kế hoạch của Người!

Tuy vậy, đề nghị của Thiên Thần với Maria là Người sẽ chịu thai, cho dù bởi phép Chúa Thánh Thần, dầu sao cũng là một việc quan trọng và gây xáo trộn lớn trong đời sống hôn nhân của Giuse-Maria, thì không thể nào Maria lại không đi bàn hỏi với Giuse trước đã (do thân phận người phụ nữ Do Thái thời cổ rất lệ thuộc đàn ông như trên đây (sách Ds 30.4tt) đã cho biết).

Đàng khác, nếu ta đọc Kinh Thánh Cựu Ước, sẽ thấy trong những việc truyền tin sinh con lạ lùng như thế này, nếu Thần sứ nói với người chồng thì không sao, còn nếu nói với người vợ thì thể nào người vợ cũng phải đi nói lại với người chồng. Ta hãy đọc một chuyện điển hình trong chương 13, sách Thủ Lãnh :

Có một người đàn ông ở Xo-rơ-a, thuộc chi tộc Đan, tên là Ma-nô-ác. Vợ ông son sẻ và không sinh con. Sứ giả của ĐỨC CHÚA hiện ra với người vợ và nói : "Này, bà là người son sẻ và không sinh con, nhưng bà sẽ có thai và sinh một con trai. Vậy bây giờ phải kiêng cữ (…) vì con trẻ sẽ là một người hiến dâng cho Thiên Chúa từ lòng mẹ. Chính nó sẽ bắt đầu cứu Ít-ra-en khỏi tay người Phi-li-tinh."

Bà đi vào và nói với chồng rằng : "Một người của Thiên Chúa đã đến gặp tôi ; hình dáng của người như hình dáng một sứ giả của Thiên Chúa (…)  Người nói với tôi : 'Này bà sẽ có thai và sẽ sinh một con trai’ (…)

Ông Ma-nô-ác khẩn cầu ĐỨC CHÚA: "Thưa Ngài, xin vui lòng cho người của Thiên Chúa mà Ngài đã sai, đến với chúng con một lần nữa, và dạy chúng con phải làm gì." Thiên Chúa nghe tiếng ông Ma-nô-ác, và sứ giả của ĐỨC CHÚA lại đến gặp vợ ông, lúc bà đang ở ngoài đồng, khi ông Ma-nô-ác, chồng bà, không có mặt ở đó. Bà vội vã chạy đi báo cho chồng, và nói với ông : "Này người đã gặp tôi hôm trước, lại hiện ra với tôi nữa." Ông Ma-nô-ác đứng dậy đi theo vợ, đến gặp người kia và nói : "Ngài có phải là người đã nói với bà này không ?" Người ấy đáp: "Chính Ta." Ông Ma-nô-ác nói : "Khi xảy ra như ngài nói, thì đứa bé phải giữ luật nào, và nó phải làm gì ?" Sứ giả của ĐỨC CHÚA nói với ông Ma-nô-ác: "Tất cả những điều Ta đã nói với bà ấy thì bà ấy phải giữ… " Bấy giờ ông Ma-nô-ác bắt một con dê tơ và lấy tế phẩm, để dâng làm lễ toàn thiêu trên tảng đá kính ĐỨC CHÚA.

Là Trinh nữ rất khôn ngoan, “Virgo sapiens”, Maria chắc chắn sẽ phải xử sự giống như thế, theo luật Do Thái (Ds 30.4tt) về sự khấn hứa của phụ nữ phải được chồng chấp thuận. Ở đây dù không phải là lời khấn hứa, song cũng là một chuyện tương đương, Maria không thể đơn phương quyết định một mình được, không thể đơn phương chấp nhận thụ thai dù bởi quyền phép Thánh Thần!

Do đó nên nghĩ Maria phải đi nói với Giuse sự việc để được Giuse chấp thuận (theo luật Do Thái Ds 30.4tt trích dẫn trên kia). Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng Th’Giuse được biết việc thụ thai bởi Th’Thần do Maria báo cho biết, không cần đợi lúc Thiên Thần báo mộng sau này (c.20) mới biết.

Vậy, sau khi được sự đồng tình và chấp thuận của Giuse, Maria mới nói lời “Xin vâng” với Thiên thần.

Về phía Thiên Chúa, Người cũng tôn trọng hôn nhân, nên Người không thể đề nghị một chuyện tày trời và xáo trộn hôn nhân như thế với một mình Maria. Nên việc Maria đi bàn hỏi với chồng mình là việc khôn ngoan, chính đáng và đúng luật pháp. Trong một đại sự như vậy, phải có giờ cho Maria cân nhắc, suy nghĩ, bàn hỏi… Không có lý do gì buộc việc Truyền tin phải xảy ra một lèo liên tục trong mấy phút đồng hồ.[5]

Phần Giuse, vì ông là người công chính, là người có lòng tôn kính và sẵn sàng vâng lời Thiên Chúa, nên khi được Maria bày tỏ việc truyền tin và đề nghị của Thiên Chúa qua sứ thần thiên quốc, ông đồng ý cho vợ mình tuân theo lời đề nghị của Thiên Chúa, Đấng có kế hoạch nhiệm mầu của Người. Biết được ý của Thiên Chúa và chương trình của Thiên Chúa như thế, ông phải nhường bước cho Người. Giuse cao cả là ở chỗ này.

Cách giải thích mới này khác với giải thích thường quen trước đây nghĩ rằng Maria đơn phương chấp thuận lời truyền tin của Thiên thần, không hề bàn hỏi, và cũng không hé răng nói chút nào cho Giuse biết, và cứ để mặc phú thác cho Thiên Chúa soi sáng dạy dỗ cho ông thế nào không biết. Và chỉ khi Maria đi thăm và ở lại giúp đỡ bà Elidabét 3 tháng trở về, Giuse mới thấy những dấu hiệu vợ mình có thai, ông phẫn chí buồn rầu tính chuyện bỏ đi, cách âm thầm kín đáo vì không nỡ tố cáo Maria. Sau đó, Giuse được thiên thần báo mộng ở Mt 1.18-20 mới hay biết đấy là chuyện Thiên Chúa can thiệp.

Hơn nữa, nếu chấp nhận giả thuyết Maria không nói với Giuse về việc Thiên thần truyền tin cho cô thụ thai Con Thiên Chúa, thì sẽ càng rất khó giải quyết vụ rút lui âm thầm của Giuse. Theo giả thuyết này, Giuse chỉ thấy vợ mình có những dấu hiệu thụ thai không do ông, và do một người khác, mà ông không biết là ai, và vì ông thương hại Maria mà không tố cáo trước tòa án vụ có thai đáng ngờ, vậy thì hóa ra ông đồng lõa hoặc ít ra bao che dung túng cho một  sự vi phạm luật, nếu thế làm sao ông có thể được gọi là “người công chính”? Th.Giêrônimô cũng đưa ra thắc mắc : “Ông Giuse giấu tội của vợ mình, thì sao có thể được coi là người công chính?”

Trái lại, cách trình bày mới mẻ đề nghị trên đây còn cho thấy sự cao cả của Giuse là ở đâu. Vì lòng tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa, ông đã vượt thắng ý riêng, quyền lợi riêng tư. Ông bằng lòng hi sinh tất cả những dự tính về tương lai mà một người chồng bình thường có quyền mong muốn, để Thiên Chúa sử dụng Maria vợ mình theo kế hoạch của Người. Và từ đó, ông tôn trọng Maria như là một con người được đặc tuyển bởi Thiên Chúa, trở nên một cách nào như là Hòm Bia của Thiên Chúa, bất khả xâm phạm! Cho nên suốt đời Th’Giuse coi mình như là người tôi tớ, và không còn tơ hào nghĩ tưởng đến việc vợ chồng với Đức Maria – tuy chính thức trước pháp luật và cả trước mặt Thiên Chúa ông vẫn là người chồng yêu thương vợ và “Con” mình.

Th’Giuse cao cả là ở chỗ đó, đích thực là “một người công chính” là ở chỗ đó, và Kinh Thánh đã không lầm khi tặng cho Người tước hiệu cao quí đó!

Trở lại với Giuse, phải nghĩ sao về chuyện rút lui êm thấm (“bỏ bà cách kín đáo”) của trình thuật Matthêu? Cách giải thích mới mẻ trên đây, sẽ cắt nghĩa dễ dàng:

Nhờ Maria nói cho ông biết câu truyện Truyền tin, ông biết vợ mình nay là người của Thiên Chúa, được Người chọn và dành riêng ra cho một sứ mệnh cao cả, và cái thai kia là do bởi phép Chúa Thánh Thần. Vậy vốn là người công chính, có lòng trọng kính và vâng phục Thiên Chúa, ông tự thấy mình không thể (và không xứng đáng) làm chồng một người phụ nữ kỳ diệu, cao cả như thế, và làm cha một đứa trẻ mà gốc gác của nó lại siêu phàm như vậy, cho nên ông rút lui, tức là rời bỏ Maria. Ông sẽ tạo ra một cái cớ nào đó hợp pháp (x. Mt 19.3) để có thể gỡ bỏ hôn nhân và rút lui âm thầm. Như vậy, Giuse rút lui vì tôn kính chứ không phải vì thất chí !

Kết quả thế nào ?

Như Abraham xưa, sau khi Thiên Chúa thử thách thấy ông bằng lòng tế sát con một yêu quí và là hi vọng nối dõi tông đường, thì Người đã trả lại đứa con nguyên vẹn cho ông và còn thưởng cho ông một dòng dõi đông như sao trời cát biển (St 22.12,16-18), thì nay, thấy lòng kính phục của Giuse chấp nhận hy sinh tất cả, Thiên Chúa trả lại tất cả cho ông, và trả lại một cách siêu vời:

Người sai sứ thần đến nói cho ông biết : chính Thiên Chúa muốn ông sẽ cứ làm chồng của Maria, và làm cha (nghĩa phụ) của Thánh trẻ, Con Một Thiên Chúa :

- Làm cha của Thánh trẻ bằng hành vi đặt tên để cho Thánh trẻ thuộc vào dòng họ Đavít của ông (Mt 1.21), để danh chính ngôn thuận trước mặt dân Do Thái Ngài là Đấng Thiên Sai. Cùng với Maria, Thánh trẻ này sẽ là đứa con chung, nhưng “không sinh bởi xác thịt, hay ý của nam nhân...song bởi Thiên Chúa” (Ga 1.13), đứa con của ơn huệ Thiên Chúa. Chính vì vậy, qua những trình thuật của sách Phúc Âm, ta thấy Giuse yêu mến và tôn kính Thánh trẻ Giêsu vô cùng: chỉ cần nhớ đến cuộc tị nạn đang giữa đêm khuya sang đất Ai cập;  rồi khi bạo chúa Hêrôđê chết  và nghe con của hắn lên làm vua thay cha, ông sợ cho sự an toàn của thánh trẻ nên đã đến lập cư tại Galilê miền Bắc (Mt 2.13-15, 19-23); và nhớ đến nỗi đau đớn sầu khổ của ông khi lạc mất Thánh trẻ: “Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con” (Lc 2.48)...

- Và Giuse vẫn làm chồng chứ không mất đi người vợ mà ông yêu thương vô cùng [6]. Ông nghĩ mình phải rút lui, không có vai trò gì trong chuyện cao siêu kỳ diệu này, thì nay, Thiên Chúa vạch ra cho ông biết ông có vai trò đối với Giêsu và Maria, vai trò quan trọng trong công trình cứu độ: vai trò nuôi nấng, gìn giữ, bảo vệ hai nhân vật chủ chốt trong công cuộc cứu chuộc nhân loại.  Và ông đã vâng lời. Kinh Thánh nói: Sau khi tỉnh giấc, ông đã làm theo như lời Thiên thần dạy (c.24): rước vợ về nhà chung sống.

 Nhưng vì nay ông ý thức được rằng cung lòng Maria đã trở thành nơi “Con Đấng Tối Cao”, “Đấng Thánh”, “Con Thiên Chúa” ngự (theo như Maria kể lại lời Thần sứ, Lc 1.32,35), Giuse sẽ vô cùng tôn trọng Maria: “giữa ông và bà không có việc tri giao vợ chồng, cả đến lúc bà sinh con...” [7] song không vì thế, hay chính vì thế mà Giuse càng yêu thương và kính nể người vợ tuyệt vời của mình vô ngần, ông sẽ tận tụy suốt đời che chở, bao bọc, nuôi nấng, nâng đỡ (x. Ep. 5.28-29).

Quả thật Giuse là con người hạnh phúc !

Thiên Chúa làm cái gì cũng hoàn hảo tuyệt vời!

Lm. Phêrô Hoàng-Minh-Tuấn. CSsR

 

{{{{{




[1]  Mời đọc cuốn Mầu Nhiệm Đức Maria (MNĐM), tập I, tr. 152tt bàn rộng dài.

[2]  Người phụ nữ Do Thái ngày xưa có vai trò rất thấp kém trong xã hội, và rất lệ thuộc người nam giống như ở VN chúng ta: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.”

[3]   Tuy nhiên người ta cũng cho biết, thời đó đã manh nha một vài phong trào sống ẩn dật và giữ mình độc thân để chờ đón Nước Thiên Chúa, chẳng hạn nhóm Essêni, ở Qumrân, v.v… nhưng chúng ta thấy thường là họ sống theo cộng đoàn  với những chủ đích và ý hướng khác hẳn.

[4]   Đoạn trên này tóm lược từ  Sách “Các Mầu Nhiệm Đời Mẹ Maria”, sđd, tr. 152tt, trình bày các ý kiến của J.Guitton, Bobichon, F.M.Willam...

[5]   Nên nhớ: bản văn Tin Mừng là một trình thuật rút gọn, toát lược để dạy đạo cho tân tòng dễ nhớ, không phải một bản văn tự thuật hay phóng sự.

[6]   Mời xem cuốn MNĐM, t. II, 283tt: “Người chồng của Maria”

[7]   Theo bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768