Học
hỏi Phúc âm: Chúa nhật 24 Thường niên năm A
- Đọc Mt 6,12.14-15. So sánh với đoạn này với
Mt 18,21-35 ? Tìm một điểm giống
nhau.
Trong Bài Giảng trên núi, Đức Giêsu
đã nhấn mạnh đến thái độ cần tha
thứ cho anh em.
Tha thứ cho “người ta” là điều kiện
cần thiết để được Thiên Chúa tha thứ
cho chính mình. Dịch sát Mt 6,12 như
sau: “Xin tha cho chúng con những món nợ, như chính chúng con
cũng tha cho những người mắc nợ chúng con.” “Nợ” là lối nói ẩn dụ để nói về
tội. Trong Mt 6,14-15 Đức
Giêsu đã triển khai thêm câu trên. Ngài không nói
đến “những món nợ” (ta opheilếmata), những
nói đến “những lỗi lầm” (ta paraptốmata).
Cha trên trời sẽ tha hay không tha cho chúng ta tùy theo chúng
ta tha hay không tha cho người ta. Trong Bài Giảng
về Hội Thánh ở chương 18, Đức Giêsu lại
nói về thái độ tha thứ. Ở đây Ngài sử
dụng ý niệm “nợ” nhiều lần (Mt 18,24.27.28.30.32.34). Nhưng “tha nợ” ở
đây chính là “tha tội,” vì Phêrô đã hỏi Đức
Giêsu: “Thưa Ngài, nếu anh em con cứ phạm tội chống lại
con (= xúc phạm đến con), thì con phải tha bao nhiêu lần ?” (Mt 18,21).
- Đọc Mt 6,12.14-15. So sánh với đoạn này với
Mt 18,21-35 ? Tìm một điểm khác
nhau.
Có
một điểm khác biệt quan trọng giữa Mt 6,12 với
Mt 18,27, đó là trong dụ ngôn ở Mt 18 ông vua đã tha thứ
cho anh đầy tớ trước
khi anh ấy tha thứ cho người bạn
của anh, nghĩa là tha thứ vô điều kiện. Sự
tha thứ này chỉ bị rút lại khi anh cố tình không
tha thứ cho người khác (Mt 18,32-35).
Chúng ta cũng có thể hiểu Kinh Lạy Cha (Mt 6,12) theo chiều hướng đó: Thiên Chúa
đã tha thứ cho chúng ta vô điều kiện. Ngài chỉ
không tha thứ, nghĩa là rút lại lòng tha thứ, khi chúng
ta không chịu tha thứ cho nhau (Mt 18,15).
Lòng tha thứ của Thiên Chúa mà chúng ta đã nhận
được, sẽ ở lại với chúng ta hay không,
còn tùy chúng ta có chuyển đi lòng tha thứ đó cho anh em
khác hay không.
- Đọc Lc 17,4. So sánh đoạn này với Mt 18,21-22, tìm ra những khác biệt.
Trong
Lc 17,3-4 Đức Giêsu đòi ta phải
khiển trách người anh em phạm tội, và tha thứ
cho người ấy với điều kiện là người
ấy tỏ ra hối cải. Số lần
tha thứ tối đa mỗi ngày là bảy lần.
Còn trong Mt 18,21-22 ta không thấy nói đến
chuyện tha thứ với điều kiện người
anh em hối cải. Hơn nữa, số lần
tha thứ ở đây lên đến bảy mươi lần
bảy, nghĩa vô giới hạn.
- So sánh phản ứng của
ông vua và của người mắc nợ nhiều trong
Mt 18,23-27 và Mt 18,28-30.
Hai
đoạn văn Mt 18,23-27 và Mt 18,28-30
cho thấy hai phản ứng rất khác nhau của hai nhân
vật: ông vua và kẻ mắc nợ nhiều. Ông vua đứng trước người mắc
nợ mình một món nợ khổng lồ, không có gì để
trả. Khi thấy người ấy “sấp mình xuống,”
khẩn khoản nài xin và hứa sẽ trả hết, ông
vua bèn “chạnh lòng thương” và tha luôn món nợ (Mt 18,23-27). Ngược lại, khi
chính người vừa được tha này đứng
trước người đồng bạn (cùng giúp việc
cho chủ) mắc nợ anh ta một món tiền nhỏ so
với món tiền khổng lồ anh ta vừa được
tha, thì anh ta lại có thái độ khác hẳn. Người
đồng bạn này cũng “sấp mình xuống” van xin và
hứa hẹn sẽ trả, nhưng anh ta không tha mà lại
tống vào ngục (Mt 18,28-30). Thái độ
của anh này bị những đồng bạn khác nhận
ra và hết sức buồn phiền nên mới đi báo
đầu đuôi câu chuyện cho ông chủ (= ông vua).
- Câu Mt 18,21
được dịch sát là: “Nếu anh em con cứ phạm
tội chống lại con…” Tại sao ở
đây Đức Giêsu mời gọi ta tha thứ cho anh em; còn
trong Mt 18,15, khi anh em phạm tội,
Ngài lại đòi chúng ta phải góp ý sửa lỗi cho
anh em ?
Trước một người “phạm tội”
đến anh em trong cộng đoàn, Đức Giêsu đòi
ta có hai phản ứng khác nhau. Ở Mt 18,15 Ngài đòi ta
phải sửa lỗi người ấy theo từng
bước một. Còn ở Mt 18,21-22
Ngài lại bảo chúng ta phải tha thứ nhiều lần,
tha vô giới hạn. Có lẽ sự khác biệt ở
đây đến từ mức độ nặng hay nhẹ
của tội đã phạm đến anh em trong cộng
đoàn. Nếu tội đã phạm là một tội nghiêm
trọng, gây thiệt hại lớn cho một cá nhân, hay gây
gương xấu lớn cho cộng đoàn, thì cần góp
ý sửa lỗi để giúp cho người phạm lỗi
hoán cải và không tiếp tục phạm. Còn nếu chỉ
là những lỗi do thiếu sót, vô ý hay do yếu đuối,
thì ta phải tha thứ luôn luôn. Tuy nhiên, sửa lỗi và
tha thứ không phải là những thái độ ngược
nhau, nhưng bổ sung cho nhau. Cả hai đều
bắt nguồn từ tình huynh đệ trong cộng
đoàn.
- Tha thứ đến 70 lần
7. So sánh giá trị của mười ngàn nén vàng và một
trăm quan tiền.
Sách
Sáng thế nói đến việc báo thù gấp bảy
mươi lần bảy của La-méc (St 4,24).
Còn ở đây Đức Giêsu nói đến việc tha thứ
bảy mươi lần bảy (Mt 18,22).
Việc báo thù vô hạn của người
đời xưa được thay thế bằng việc
tha thứ vô hạn của các kitô hữu. Chúng ta tha thứ vô hạn vì chúng ta nhận
được sự tha thứ vô hạn từ Thiên Chúa.
“Mười ngàn yến vàng” có giá trị cực
kỳ lớn vì một yến vàng bằng 6000 ngày
lương. Con số này cho thấy món nợ của
chúng ta đối với Chúa thật kinh khủng so với
món tiền anh em nợ chúng ta chỉ bằng 100 ngày
lương.
- Ý nghĩa của “chạnh
lòng thương” ở Mt 18,27. Đọc
thêm Mt 9,36; 14,14; 15,32; 20,34. Ai là người
hay chạnh lòng thương trong Tin Mừng Mát-thêu ?
Ông
vua (= ông chủ) đã tha cho người đầy tớ
mắc nợ ông món tiền cực lớn, vì ông “chạnh
lòng thương” anh ta và cả gia đình anh (Mt 18,27). Chạnh lòng thương là để cho
trái tim mình chạm đến nỗi khổ
đau của người khác. Trong Tin Mừng Mát-thêu, Đức
Giêsu là Đấng hay chạnh lòng thương (Mt 9,36; 14,14; 15,32; 20,34) trước nỗi
đau của con người.
- Đọc Mt 18,33.
Bạn nghĩ gì về việc Thiên Chúa có thể rút
lại ơn tha thứ Ngài đã ban cho ta, nếu
ta không tha thứ cho người anh em trong cộng đoàn ?
- Qua câu Mt 18,33 ta
thấy Thiên Chúa đòi buộc chúng ta “phải”
thương xót nhau như chính Ngài đã thương xót
chúng ta. Dụ ngôn này cho thấy Ngài có thể rút lại
lòng thương xót và tha thứ nếu chúng ta không biết
thương xót anh em. Khi sống với nhau trong cộng
đoàn tín hữu,anh em luôn mắc nợ
chúng ta một điều gì đó, lớn hay nhỏ.
Chính thái độ tha thứ của chúng ta cho anh em khiến
chúng ta giữ được ơn tha thứ Chúa đã
ban cho chúng ta.
GỢI Ý SUY NIỆM: Bạn có kinh nghiệm về
thương xót và tha thứ cho ai chưa ?
Câu nào trong dụ ngôn này đánh động bạn hơn cả ?
|