MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Xem Quả Biết Cây
Thứ Năm, Ngày 9 tháng 5-2019
XEM QU BIT CÂY

MỤC TỬ THẬT HY SINH MẠNG SỐNG

NGƯỜI LÀM THUÊ BỎ MẶC ĐÀN CHIÊN

Đó là điều minh định của Mục Tử Nhân Lành Giêsu được Thánh sử Gioan cho biết trong Ga 10:11-12.

Người ta có nhiều cách ví von để kết luận về một hệ lụy tất yếu nào đó: cha nào con nấy, thầy nào trò nấy, rau nào sâu nấy. Còn Chúa Giêsu xác định: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai” (x. Mt 7:16; Mt 12:33; Lc 6:44). Xem quả có thể biết cây. Nhận định của Chúa Giêsu có tháp dụng vào mọi trường hợp trong cuộc sống.

Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, là Chúa Chiên Lành. Đã từng có những người noi gương Thầy Chí Thánh – như Thánh Gioan Maria Vianney (sinh ngày 8-5-1786, qua đời ngày 4-8-1859), cha sở xứ Ars (Pháp), đúng là một mục tử đích thực, là linh mục như Chúa muốn, sống khắc khổ vì lợi ích của các linh hồn. Ngay tại Việt Nam cũng đã có các gương sáng “nặng mùi chiên” như ĐGM Jean Cassaigne (gọi thân thương là “Cha Sanh”, người Pháp, 1895-1973) chấp nhận chết với các bệnh nhân phong Di Linh (Dalat), LM F.X. Trương Bửu Diệp (1897-1946) không ngại chết thay cho đoàn chiên (Gx Khúc Tréo, ngày nay có trung tâm hành hương Tắc Sậy). Chúa Giêsu muốn các linh mục phải thực sự sống PHỤC VỤ chứ KHÔNG HƯỞNG THỤ (Mt 20:26-28; Mt 23:11; Mc 10:43-45). Cả Thiên Chúa và Giáo Hội đều mong ước có những linh mục thánh như vậy. Lòng dân tỏ lộ ý trời.

Hình ảnh con chiên rất quen thuộc với người Do Thái – kiểu như với người Việt là con trâu, con bò, con heo. Đàn chiên nào cũng phải có chủ, và bất kỳ đàn súc vật nào cũng vậy, huống chi là một tổ chức, do đó mà một tổ chức hoặc một nhóm người nào thì cũng có người “chống mũi chịu sào”, thậm chí dù đó chỉ là nhóm ba người: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên” (Trong ba người cùng đi, chắc chắn có một người là thầy; nghĩa bóng là người hướng dẫn, ý nói về tầm quan trọng của tập thể). Thật vậy, dù là tam giác hay đa giác, các cạnh và các góc đều có mối liên quan chặt chẽ với nhau, không thể tách rời – dù là cạnh hay góc.

Kinh Thánh cho biết vào một ngày Sabát, hai ông Phaolô và Banaba vào hội đường ngồi tham dự. Tan buổi họp, có nhiều người Do Thái và nhiều người đạo theo, tức là những người tôn thờ Thiên Chúa, đi theo hai ông. Hai ông nói chuyện với họ và khuyên nhủ họ gắn bó với ân sủng của Thiên Chúa.

Theo sách Công Vụ cho biết, ngày Sabát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. Một sự kiện rất lạ lùng. Thế nên khi thấy đám đông như vậy, người Do Thái SINH LÒNG GHEN TỨC, họ phản đối những lời ông Phaolô nói và nhục mạ ông. Nhưng ông Phaolô và ông Banaba vẫn mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em KHƯỚC TỪ lời ấy, và TỰ COI MÌNH KHÔNG XỨNG ĐÁNG hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 13:46-47). Thiên Chúa ban cho mỗi người được quyền tự do chọn lựa chứ không ép buộc. Tự nguyện có giá trị hơn miễn cưỡng.

Hai ông nói lời rất giản dị nhưng rõ ràng và chính xác, lời đó đã đủ sức “chạm” vào tận đáy lòng họ. Dân ngoại nghe lời đó và họ vui mừng tôn vinh Lời Chúa, rồi tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời cũng đều tin theo. Thế là Lời Chúa đã lan tràn khắp miền ấy. Sự thật mãi là sự thật, chân lý là vĩnh cửu, không ai có thể thay đổi chân lý hoặc xuyên tạc sự thật.

Tuy nhiên, những người Do Thái đã sách động nhóm phụ nữ thượng lưu theo đạo Do Thái, cùng với các thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và ông Banaba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. Chuyện đời là thế, sự đời thường là vậy. Thấy họ cứng lòng, hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới I-cô-ni-ô. Còn các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần. Sự thật minh nhiên về những gì Chúa đã hứa.

Niềm vui không thể che giấu, thế nên Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ, vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo. Hãy nhìn nhận Chúa là Thượng Đế, chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt” (Tv 100:1-3). Nhận ơn thì phải biết ơn, trong cuộc sống đời thường cũng vậy. Chúng ta phải biết tạ ơn vì “Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín” (Tv 100:5). Hoàn toàn hợp lý!

Chắc chắn bất kỳ ai cũng không thể xuyên tạc sự thật, có cý bóp méo sự thật thì cuối cùng cũng bị người ta phát hiện. Thánh Gioan Tông Đồ kể lại thị kiến có thật chứ không bịa đặt: Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế (Kh 7:9). Thánh nhân trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó”. Vị ấy bảo: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:14). Một cách giặt kỳ lạ: Giặt bằng máu – chứ không giặt bằng nước.

Có những điều bình thường mà kỳ diệu – và cũng có những điều tưởng lạ mà lại rất bình thường. Thánh Inhaxio Loyola cho biết: “Nếu Thiên Chúa gởi cho bạn nhiều đau khổ, đó là dấu Ngài có kế hoạch lớn dành cho bạn, và chắc chắn Ngài muốn làm cho bạn nên thánh”. Như vậy, gian truân và đau khổ là “điểm son” chứ không là nỗi bất hạnh như phàm nhân lầm tưởng. Thật vậy, đại văn hào Victor Hugo có cách nhận định chí lý: “Đau khổ như hoa quả, Chúa không khiến nó sinh ra trên những cành quá yếu ớt mà không chịu nổi”. Chắc chắn KHÔNG TRẢI QUA ĐAU KHỔ thì người ta KHÔNG CÓ KINH NGHIỆM và KHÓ TRỞ THÀNH NHÂN TÀI. Còn Albert Hubbard nói: “Nếu bạn đau khổ, hãy cảm ơn trời! Đó là DẤU HIỆU chắc chắn cho thấy bạn ĐANG SỐNG”. Có đau khổ thì mới đáng sống, thật kỳ lạ quá chừng!

Chúa Giêsu trải qua đau khổ mới tới vinh quang, và Ngài mệnh danh là Người Tôi Tớ Đau Khổ. Chính sự đau khổ tôi luyện người ta thêm vững mạnh và can đảm. Một dạng “mềm” hơn nhưng cần thiết: Thất bại là mẹ thành công. Vì thế, chính những người đã trải qua gian truân thử thách kia mới “được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh, và chính Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ” (Kh 7:15-17). Đó là quy trình hợp lý của công bình và công lý, vì Thiên Chúa là Đấng chí minh, chí công, chí thiện, và chí thánh!

Chắc hẳn ai cũng biết rằng trong các mối quan hệ, dù là mối quan hệ nào, cũng có hệ lụy đặc trưng. Riêng về hệ lụy chủ và chiên, chính Chúa Giêsu đã minh định: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10:27-28). Mục Tử Giêsu sống vì, sống cho, và sống với đàn chiên. Ngài không thể an tâm khi lạc mất một con chiên.

Thật thú vị với cách nói của công ty bảo hiểm Prudential: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Trong châm ngôn của công ty này là “sự lắng nghe” (có chú ý) chứ không đơn thuần là “sự nghe” (không chú ý hoặc tình cờ). Hai động thái “lắng nghe” và “thấu hiểu” cũng có phần khác nhau, phải cố gắng mà “nối kết” chúng với nhau thành một động thái. Bởi vì nếu chỉ “lắng nghe” mà không “thấu hiểu” thì cũng vô ích. Người ta cũng không thể cố gắng “thấu hiểu” mà không chịu “lắng nghe”. Hai động thái liên quan lẫn nhau, hầu như không thể tách rời – tuy hai mà một.

Tương tự, nếu chủ và chiên không chịu nghe nhau, chủ tự nói tự nghe, và chiên cũng vậy, thì đó chỉ là các hoạt động một chiều, như hai đường thẳng song song không thể gặp nhau hoặc không thể đồng quy, tất nhiên không thể nào hiểu nhau được. Cũng vậy, chủ cứ độc đoán, chỉ muốn dùng “quyền” mà “hành” người khác thì thật nguy hiểm, đó chỉ là “thợ chiên” chứ không phải “chủ chiên”. Thật chí lý khi Việt ngữ có danh từ kép: Quyền hành. Thế thì thật thâm thúy!

Chỉ có chủ chiên thật mới dám xả thân vì đoàn chiên, chắc chắn chủ chiên giả hoặc thợ chiên thì chẳng bao giờ dám làm vậy – mà họ cũng chẳng muốn thế đâu. Chúa Giêsu là Chúa Chiên Lành nên Ngài mạnh mẽ xác định: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha LÀ MỘT” (Ga 10:29-30). Gương Mục Tử Giêsu sáng chói, nhưng vấn đề là chúng ta có thật lòng soi và có thấy gì hay không.

Lạy Mục Tử Giêsu Nhân Lành, xin ban cho nhiều người dấn thân mở Nước Chúa, xin giúp chúng con luôn biết lắng nghe và thấu hiểu nhau, xin tẩy rửa chúng con trong Máu và Nước từ Thánh Tâm Ngài, xin hoàn thiện chúng con trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, qua từng nhịp thở, nhờ tác động của Thánh Linh. Chúng con tin kính Ngài là Thánh Tử Phục Sinh, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768