MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Người Cõi Trên
Thứ Ba, Ngày 7 tháng 8-2018
NGƯỜI CÕI TRÊN

Có lần Chúa Giêsu đã xác định: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3:13). Đó là Ngài nói về Ngài, thế thì đích thực Ngài là “người cõi trên”, thuộc thượng giới, thế nhưng Ngài lại tự nguyện sống và làm việc ở hạ giới – trần gian. Chuyện khó tin mà có thật. Và cũng vì “khó tin” nên “không tin”, cụ thể là người Do Thái, tới nay mà họ vẫn không tin Đức Giêsu Kitô là Đấng Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta – Đấng Emmanuel.

Chúa Giêsu mặc xác phàm nhưng Ngài vẫn là Thiên Chúa, đặc biệt là có hai bản tính – thần tính và nhân tính. Về nhân tính, Ngài trở nên giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, nghĩa là Ngài cũng có nhu cầu ăn uống, và Ngài cũng cảm thấy đói (Mt 4:2; Mt 21:18).

Ăn uống cần thiết để duy trì sự sống, nhưng ăn không phải là bỏ vô miệng rồi nhai và nuốt, mà còn cần biết thực phẩm đó có hóa chất hoặc độc tố hay không, đặc biệt là phải bảo đảm đủ dưỡng chất. Điều đó liên quan vấn đề dinh dưỡng. Dinh dưỡng là gì? Dinh dưỡng là khoa nghiên cứu mối liên quan giữa thực phẩm và cơ thể, đó là quá trình cơ thể sử dụng thức ăn để duy trì sự sống, sinh trưởng và phát triển bình thường của các mô và cơ quan, và để sinh năng lượng, cũng như các phản ứng của cơ thể đối với việc ăn uống, sự thay đổi khẩu phần và các yếu tố khác có liên quan bệnh lý.

Chất dinh dưỡng rất cần thiết trong việc phát triển cơ thể hợp lý và khỏe mạnh. Chất dinh dưỡng là chất bổ dưỡng, là vitamin, nếu thiếu nó thì cơ thể suy yếu và sinh bệnh tật, nhưng nếu nó nhiều quá cũng bất lợi cho sức khỏe, do đó mà phải có mức cân bằng hợp lý với cơ thể. Nói đến dinh dưỡng có “dính líu” tới ẩm thực, tức là ăn uống.

Sau một ngày đường trong sa mạc, ông Ê-li-a đến ngồi dưới một gốc cây kim tước (ulex europaeus – loài cây bụi thường xanh, lưu niên và có gai, mọc thành bụi rậm rạp. Cây này mọc phổ biến ở những khu vực đất đã được khai khẩn, trên thảm cỏ, ở bìa rừng, ven biển và những vùng đất hoang. Loại cây này phát triển tốt và khó tiêu diệt khi chúng đã thích nghi và phát triển). Ông xin cho được chết và nói: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (1 V 19:4). Câu này cho thấy ông khiêm nhường và tự cảm thấy hổ thẹn vì cũng chẳng hơn gì ai. Rồi ông nằm dưới cây kim tước đó và thiếp đi. Nhưng có một thiên sứ đụng vào người ông và gọi ông dậy ăn (1 V 19:5).

Giật mình thức giấc, ông ngơ ngác đưa mắt nhìn thì thấy ở phía đầu ông có một chiếc bánh nướng trên những hòn đá nung và một hũ nước. Quá đã! Buồn ngủ gặp chiếu… hoa (chứ chẳng phải “chiếu manh” đâu). Đang đói, ông liền ăn bánh và uống nước, nhưng rồi lại nằm xuống – không phải để ngủ mà… chờ chết. Thiên sứ của Đức Chúa trở lại lần nữa, đụng vào người ông và nói: “Dậy mà ăn, vì ngươi còn phải đi đường xa” (1 V 19:7). Ông lại dậy, lại ăn bánh và uống nước. Đúng là thần lương, ăn vô thấy khỏe re. Cũng nhờ loại lương thực đặc biệt nhiều dưỡng chất đó mà ông đủ sức đi ròng rã suốt bốn mươi ngày, bốn mươi đêm để tới Khô-rếp, núi của Thiên Chúa.

Hằng ngày chúng ta cũng được lãnh nhận Thần Lương do Chúa ban – loại thực phẩm đặc biệt “Made in Heavens” (làm tại Nước Trời), không chỉ cho cơ thể mà quan trọng hơn là cho linh hồn. Đó là những hồng ân, Lời Chúa, và đặc biệt là Thánh Thể. Vì thế, như tục ngữ Việt Nam nói: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, chúng ta phải chân thành quyết tâm như Thánh Vịnh gia: “Tôi sẽ KHÔNG NGỪNG chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người CHẲNG NGỚT trên môi” (Tv 34:2), đồng thời làm nhân chứng cho Thiên Chúa: “Linh hồn tôi HÃNH DIỆN vì Chúa, xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên. Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người. Tôi đã TÌM KIẾM Chúa, và Người đáp lại, GIẢI THOÁT cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng” (Tv 34:3-5). Thật vậy, bất cứ “ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi” (Tv 34:6), và với kinh nghiệm dày dạn, Thánh Vịnh gia minh định: “Từ nhỏ dại tới nay tôi già cả, CHƯA THẤY người công chính bị bỏ rơi, hoặc dòng giống phải ăn mày thiên hạ” (Tv 37:25).

Chắc hẳn không ai lại không đã từng hơn một lần được nhận ơn lành của Chúa – thậm chí là nhận quá nhiều, vì thế chúng ta lại càng phải minh chứng: “Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn” (Tv 34:70). Và cũng chắc chắn rằng “sứ thần của Chúa đóng trại chung quanh để giải thoát những ai kính sợ Người” (Tv 34:8). Cứ thật lòng suy nghĩ xem điều đó có đúng hay không. Nếu thực sự đúng, mỗi chúng ta đều có trách nhiệm phải chia sẻ với người khác: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!” (Tv 34:9). Không ai có thể phủ nhận. Và điều đó có liên quan vấn đề mà tiểu thuyết gia René François Bazin (người Pháp, 1853-1932) đề cập: “Con người, dù là người không tin, cũng có một nhu cầu được thánh thiện, ngay khi họ nhận ra sự thánh thiện, họ liền chạy theo”. Thật lạ!

Cuộc sống luôn có tính liên đới. Do đó, ai càng lãnh nhận nhiều thì càng “mắc nợ” Chúa, và tất nhiên càng phải làm chứng về Ngài. Việc chúng ta ca tụng Chúa không thêm gì cho Chúa nhưng sinh ích lợi cho chính chúng ta (Kinh nguyện Thánh Thể). Thánh Phaolô khuyến cáo: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc” (Ep 4:30). Không chỉ bổn phận đối với Chúa, Thánh Phaolô còn nói về bổn phận yêu thương đối với đồng loại: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4:31-32). Thế nhưng, trong đời sống thường nhật, chúng ta chưa thể hiện đúng mức, thậm chí có khi còn “trái ngược” với đức yêu thương, ngay cả lúc chúng ta mệnh danh là người hoạt động trong các hội đoàn. Chưa thương xót người thân cận thì làm sao có thể yêu kẻ thù (x. Mt 5:44; Lc 6:27) và tha thứ “bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18:22) như Chúa Giêsu đã truyền dạy? Thánh Gioan gọi là “nói dối” (1 Ga 2:4; 1 Ga 4:20).

Đề cập nhiệm vụ yêu thương, Thánh Phaolô giải thích: “Hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, Người đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5:2). Rất dễ hiểu!

Vô cùng kỳ diệu vì vượt quá trí hiểu phàm nhân khi Chúa Giêsu đã có cách độc nhất vô nhị là “lấy Thịt Máu Ngài làm lương thực nuôi dưỡng chúng ta”. Không thể nào chúng ta khả dĩ hiểu hết sự mầu nhiệm này. Vì thế, người Do-thái đã xầm xì phản đối khi nghe Đức Giêsu nói: “Tôi là bánh từ trời xuống” (Ga 6:41). Nghe “sốc” quá, muốn lộn gan và muốn điên lên được! Rồi họ đặt vấn đề: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?” (Ga 6:42). Ui da, nghe mà nổi da gà và khó tin quá đi, bởi vì “anh chàng” Giêsu này ở cùng xóm lao động với họ, hằng ngày ra vào chạm mặt nhau, thế mà bây giờ bỗng dưng “nói rước” lên về mình thái quá. Ai mà chịu nổi chứ? Nhà Chú Giuse và Cô Maria nghèo rớt mồng tơi, ai còn lạ gì trong xóm nhỏ ở cái làng Nadarét bằng cái bàn tay ấy? Quen mặt, biết tên hết trơn!

Thế nhưng Chàng Giêsu vẫn thản nhiên và nói thẳng: “Các ông đừng có xầm xì với nhau!” (Ga 6:43). Ôi, lạ thế nhỉ? Họ nói thầm với nhau mà Chúa Giêsu cũng biết. Lạ lùng thật! Rồi Ngài nói tiếp: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy, và Tôi, Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:44). Hết bất ngờ này tới bất ngờ khác, chắc lúc đó họ ngẩn người trông ngố còn hơn “chú Tàu nghe kèn”. Miệng chữ A, mắt chữ O, họ chưa hết kinh ngạc thì lại nghe Ngài nói: “Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha thì sẽ đến với Tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời” (Ga 6:45-47). Lạ lùng lắm, lạ tới mức chịu không nổi nữa!

Sự thật vẫn là sự thật, mặc dù người ta không tin. Chúa Giêsu lặp lại và giải thích: “Tôi là BÁNH TRƯỜNG SINH. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là BÁNH TỪ TRỜI xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là BÁNH HẰNG SỐNG từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6:49-51). Lại càng khó lọt tai hơn. Ai lại ăn thịt sống và uống máu sống chứ? Nhưng đó hoàn toàn là sự thật. Và điều đó chỉ có Thiên Chúa mới khả dĩ làm được. Chúng ta cũng phải đấm ngực và bắt chước viên đại đội trưởng mà thốt lên: “Đúng người này là Con Thiên Chúa” (Mt 27:54). Và rồi từ đó tới nay, đã có nhiều phép lạ Thánh Thể để củng cố đức tin cho chúng ta.

Có câu chuyện lý luận về Thánh Thể như thế này...

Palestine là một vùng đất hiện vẫn còn rất đông người theo đạo Hồi. Một hôm, một vị thầy lãnh đạo một cộng đoàn Hồi giáo mời một linh mục Công giáo đến để công khai tranh luận về bí tích Thánh Thể trước sự hiện diện của các tín hữu đôi bên. Vị thầy hỏi:

Làm sao một miếng bánh nhỏ lại có thể trở thành Đức Kitô được?

Vị linh mục trả lời:

Được chứ sao lại không? Tôi xin minh chứng cho thầy biết bằng một thí dụ đơn sơ. Nếu thầy ăn cơm, thầy có thể biến cơm thành máu thịt của thầy, có thật thế không nào? Vậy thì tại sao Chúa lại không biến tấm bánh nhỏ trở thành máu thịt Chúa được?

Bậc thầy đó lại hỏi tiếp:

Làm sao Đức Kitô to lớn như thế lại có thể ở trong miếng bánh nhỏ xíu?

Vị linh mục trả lời:

Thầy hãy nhìn trời, nhìn núi và các thôn làng. Bầu trời thì mênh mông. Ngọn núi thì cao lớn hùng vĩ, còn thôn làng thì rộng rãi bao la, thế mà con mắt nhỏ xíu của thầy có thể chứa được tất cả. Nếu con mắt của Thầy làm được chuyện đó thì tại sao Thiên Chúa lại không thể làm cho miếng bánh nhỏ xíu chứa đựng được Đức Kitô.

Bậc thầy không chịu thua lại hỏi thêm:

Làm sao có thể cử hành nhiều thánh lễ cùng một lúc tại nhiều nơi trên thế giới, mà mỗi thánh lễ lại có Mình và Máu của Đức Kitô được?

Vị linh mục đáp:

Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được.

Rồi để chứng minh cho câu trả lời này, vị linh mục lấy một tấm gương ném xuống đất khiến nó bể tan thành rất nhiều mảnh nhỏ. Tiếp đến, vị linh mục giơ tay chỉ cho bậc thầy đang ngạc nhiên và nói:

Trước đây trong tấm gương này, thầy trông thấy gương mặt mình có phải không nào? Và bây giờ thầy cũng trông thấy gương mặt mình trong từng mảnh nhỏ. Thế thì tại sao Thiên Chúa lại không thể hiện diện tại nhiều nơi trong cùng một lúc được.

Cuộc tranh luận trên giúp chúng ta hiểu được phần nào mầu nhiệm Mình Máu Thánh Đức Giêsu Kitô mà Giáo Hội cử hành bí tích Thánh Thể mỗi ngày. Vậy chúng ta phải có thái độ nào khi đi tham dự Thánh lễ?

Hãy nghe Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta qua Thánh nữ Faustina:

– “Ta rất đau lòng khi các linh hồn lãnh nhận bí tích yêu thương này như một thói quen, hầu như họ không nhận thức được của ăn này, cho nên họ không có niềm tin hay tình yêu đối với Ta trong trái tim họ. Ta bước vô những tâm hồn đó với tất cả sự miễn cưỡng, thà rằng họ đừng rước lễ thì hơn” (Nhật Ký, số 1258).

– “Niềm vui thích lớn lao của Ta là được kết hợp với các linh hồn… Khi họ rước lễ, Ta đến ngự trong tâm hồn họ. Bàn tay Ta đầy những ân sủng mà Ta muốn ban cho họ, nhưng họ không để ý đến Ta. Họ để Ta thui thủi một mình và bận bịu với những ý nghĩ riêng tư của họ. Ôi, buồn biết mấy vì những linh hồn không nhận biết tình yêu của Ta! Họ đối xử với Ta như một vật chết” (Nhật Ký, số 1385).

– “Thật đau đớn cho Ta, rất ít linh hồn biết kết hợp với Ta trong lúc đón rước Ta. Ta chờ đợi họ, nhưng họ rất lãnh đạm thờ ơ với Ta. Ta muốn ban rất nhiều ơn cho họ nhưng họ không muốn nhận lãnh” (Nhật Ký, số 1447).

Lạy Thiên Chúa, chúng con tạ ơn Ngài đã sai Con Một Ngài đến trần gian để cứu độ chúng con, xin giúp chúng con luôn sống xứng đáng với hồng ân được lãnh nhận và luôn biết quyết tâm noi gương Đức Giêsu Kitô trong mọi hoàn cảnh, xin giúp chúng con chuẩn bị chu đáo để xứng đáng lãnh nhận Bánh Thánh Giêsu và được phúc trường sinh. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768