Tháng 5 và tháng 6 thường có những học sinh và sinh viên tốt nghiệp. Đây cũng là những tháng mà các học sinh và sinh viên phải miệt mài học tập vất vả để thi tốt nghiệp. Đây cũng là thời gian mà đại gia đình xum họp và hân hoan đón chào những tân khoa.
Năm nay, gia đình tôi chuẩn bị để dự lễ tốt nghiệp của hai người cháu. Nhân dịp ấy, tôi tiếp xúc với cháu Thùy Trang và hỏi xem cháu muốn làm nghề gì sau khi ra trường. Câu trả lời của cháu Trang làm cho tôi hơi ngạc nhiên:
“Thưa bác, cháu đang học về truyền thông (Media). Các giáo sư của cháu đã sẵn sàng mướn cháu sau khi tốt nghiệp để làm việc với họ trong lãnh vực truyền thông nhưng cháu đang suy nghĩ.
Một mặt, cháu muốn tiếp tục học thêm để lấy bằng Cao Học hay Tiến Sĩ. Một mặt khác, cháu muốn ghi danh vào Peace Corps để đi hoạt động ở các nước chậm tiến còn được gọi là các nước thứ ba. Mộng ước của cháu là trở nên một chuyên viên làm phim tài liệu để thực hiện những cuốn phim nói về cảnh nghèo khó. Với đam mê và ước mơ làm những gì có ích lợi cho người khác, cháu muốn dùng ống kính và tài năng của mình để giúp thế giới biết rõ hơn những góc cạnh của sự nghèo khó và những con người đang tranh đấu để thoát khỏi sự nghẻo đói ấy.
Dĩ nhiên nếu sống ở Mỹ, cháu có thể tìm được việc làm với đồng lương khá lớn vì điểm ra trường của cháu cao. Cháu nghĩ nếu tìm một việc làm bình thường thì ai cũng có thể làm được nhưng để tìm một công việc thích hợp với giấc mơ của mình thì cháu cần phải trải qua những kinh nghiệm của cuộc sống. Do đó, cháu muốn đi phục vụ những người nghèo trong khoảng 3, 4 năm, và ghi lại các tài liệu sống thực để thực hiện những phim tài liệu.
Trong thời gian 4 năm học tập vừa qua, cháu đã xin được một học bổng để qua Tân Tây Lan học và sinh hoạt. Trong suốt 6 tháng ở đó, cháu rất thích đời sống thiên nhiên nhiên và bình an của nước này. Đất rộng, cảnh đẹp mà người dân thì ít ỏi và hiền hòa. Cuộc sống ở bên ấy không xô bồ như ở tiểu bang California này. Tuy nhiên, cháu chỉ sợ rằng nếu dọn sang bên ấy thì sẽ khó tìm được một việc làm mà cháu hằng mong ước.
Hiện nay, cháu không bận bịu với gia đình, không có người yêu, và cha mẹ cháu có thể sống mà không cần sự giúp đỡ tài chánh của cháu. Nếu cháu không thực hiện những ước mơ thì sau này, khi lập gia đình, cháu sẽ bị bó chân với bổn phận người vợ và người mẹ.”
Tôi thầm cảm phục lối suy nghĩ trưởng thành và khác người của cháu gái. Cháu vừa dạy cho tôi một bài học sống động! Tôi khuyến khích cháu hãy cố gắng thực hiện giấc mơ của mình. Nếu người trẻ nào cũng mong ước phục vụ người nghèo khổ và mong làm một điều thiện hảo cho tha nhân thì chắc chắn, thế giới sẽ tốt lành hơn và cuộc đời của những người bất hạnh sẽ được hạnh phúc hơn.
“Trong đời sống, nếu bạn không có ước mơ thì kể như bạn sẽ chết! If you don’t dream, you will die!”
Kim Hà, 13/5/2008
|