MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: linh mục anthony trung thành
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 2017
Thứ Tư, Ngày 15 tháng 11-2017
Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 2017


Khi mời gọi mọi người đi theo mình, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Ai muốn theo Thầy thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”(x. Mc 8,34). Khi huấn dụ cho các Tông đồ, Đức Giêsu báo cho họ biết trước: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét...” (x. Mt 10,22). Khi sai các Tông đồ đi rao giảng, Đức Giêsu cũng nói: “Thầy sai các con đi như đàn chiên đi giữa bầy sói”(x. Mt 10,16). Như vậy, bách hại luôn gắn liền với các Kitô hữu, họ phải chịu muôn vàn hình khổ mà người đời có thể nghĩ ra, nhưng qua cái chết của họ nói lên cho thế giới nhiều điều. Đó là ba điểm chúng ta cùng nhau suy niệm trong ngày lễ hôm nay.


  1. Bách hại luôn gắn liền với các Kitô hữu

Thật vậy, bách hại luôn gắn liền với đời sống của môn đệ Đức Giêsu và cuộc sống của Giáo hội mà Ngài sáng lập. Lịch sử Giáo hội qua mọi thời đại đã chứng minh cho chúng ta thấy điều đó. Sau cái chết của Đức Giêsu, các môn đệ và vô số những người đi theo Ngài lần lượt bị giết hại. Thánh Stêphanô được xem là vị tử đạo tiên khởi. Rồi đến các thánh Tông đồ. Cứ thế, Giáo hội Rôma bị bách hại liên tiếp suốt 300 năm. Từ đó tới nay, nơi này hay nơi khác, không có thời gian nào mà Giáo hội không bị bách hại. Theo báo cáo của tổ chức “Open Doors”, trong năm 2013, trên thế giới có 2 123 vụ giết chết “tử vì đạo” (Nguồn: Reuters). Riêng tại Việt Nam chúng ta, Giáo hội cũng bị bách hại trong suốt gần 300 năm đầu, từ khi đón nhận Tin mừng. Bách hại khốc liệt nhất là thời kỳ của các vua nhà Nguyễn: Thiệu Trị, Minh Mạng, Tự Đức. Có khoảng 150 ngàn người chết tử vì đạo. Trong số đó, có 117 vị đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988 và một vị được phong Chân phước đó là thầy giảng Anrê Phú Yên.

Hiện tại, mặc dầu không có sắc chỉ cấm đạo một cách minh nhiên, nhưng Giáo hội Việt Nam vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ đạo, sống đạo và truyền đạo.


  1. Những hình khổ các Kitô hữu phải chịu?

Người ta có thể nghĩ ra muôn vàn hình khổ để bắt các vị Tử đạo phải chịu. Cụ thể, các Kitô hữu ở Rôma phải chịu các hình khổ như: Cho thú dữ phanh thây, chà đạp, xé xác, hoặc tẩm dầu đốt cháy như những ngọn đuốc trong đêm tối hay đóng đinh vào thập tự…Còn ở Việt Nam, hình khổ mà các vị Tử đạo phải chịu là: Bá đao : bị lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho dù 100 miếng; Lăng trì : chặt chân chặt tay trước khi bị chém đầu; Thiêu sinh : bị thiêu sống; Xử trảm : bị chém đầu; Xử giảo : bị tròng dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây cho đến chết; Chết rũ tù : bị tra tấn, hành hạ đủ cách đủ kiểu, rồi bị bỏ đói cho tới khi kiệt sức và chết gục trong tù.

Mặt khác, người kitô hữu phải chịu muôn vàn hình khổ khác do kế hoạch Phân Sáp của Vua Tự Đức vào năm 1851 và 1856. Đây là một kế hoạch rất thâm độc: Thứ nhất, không cho người công giáo sống trong làng công giáo của mình, nhưng phải đến ở trong các làng bên lương; thứ hai, một người công giáo bị năm người bên lương canh giữ cẩn mật; thứ ba, các làng công giáo bị phá hủy, của cải ruộng đất của người công giáo bị tịch thu và giao vào tay những người bên lương, những người lương sử dụng và nộp thuế cho nhà nước; thứ tư, không cho người đàn ông công giáo ở một nơi với người đàn bà công giáo, không cho vợ chồng công giáo ở với nhau, mỗi người phải đi ở một nơi xa nhau, con cái của người công giáo thì phải để cho gia đình người lương nuôi. Theo các sử liệu ghi chép lại, với kế hoạch Phân Sáp, có khoảng 400 000 kitô hữu phải bị đi phân sáp, trong đó có từ 50 000 – 60 000 tín hữu phải chết nơi phân sáp, 100 làng công giáo bị tàn phá bình địa, 2 000 họ đạo bị tịch thu tài sản ruộng đất, 115 Linh mục Việt nam và 10 giáo sĩ ngọai quốc bị giết, 80 Dòng Mến Thánh Giá bị phá tan, 2000 nữ tu Mến Thánh giá phải tan tác, 100 nữ tu Mến Thánh giá chết vì Đạo.

Ngoài ra, phải kể đến những cuộc thảm sát người Kitô hữu do phong trào Văn Thân ở thế ký 19 gây ra: tổng cộng số giáo dân bị giết khoảng 40 000 người, 30 linh mục Việt Nam, 20 thừa sai và hàng ngàn họ đạo bị thiêu hủy. (Nguồn các dự liệu: Internet)


3. Cái chết của các Thánh Tử Đạo nói lên điều gì?

Thứ nhất, cái chết của các Thánh Tử Đạo nói lên niềm tin mãnh liệt của cha ông chúng ta đối với đạo Chúa. Thật vậy, cha ông chúng ta đã được đón nhận đức tin vào Chúa. Đức tin đó đã được đâm rễ sâu vào tâm hồn của các Ngài một cách chắc chắn đến nỗi không có gì có thể tách rời được. Đúng như lời Thánh Phaolô khẳng định: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 8,38,39). Bằng chứng cụ thể: Tại công trường Đông Hới, quan tra vấn Cha Khoa nhiều lần, khuyên dụ Cha bỏ đạo, quan còn ra lệnh đánh Cha 76 roi để uy hiếp tinh thần và dùng nhiều mưu kế và khổ hình để lung lạc đức tin của Cha Khoa, nhưng Ngài nhất quyết đi trọn con đường khổ giá, giữ vững đức tin. Các quan đành thua cuộc và quyết định lên án xử giảo cha.

Thứ hai, cái chết của các Thánh Tử Đạo nói lên lòng trung thành với Thiên Chúa: Các Thánh Tử Đạo không chỉ trung thành với vua chúa trần gian, với quê hương tổ quốc mà còn trung thành với Giáo Hội và nhất là với Thiên Chúa. Thánh Micae Hồ Đình Hy thưa với vua rằng: “Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô”. Thánh Phêrô Quí khẳng định: “Dù trăng trói, gông cùm, tù rạc; chén ngục hình xiềng toả chi nề; miễn vui lòng cam chịu một bề; cho trọn đạo trung thần hiếu tử”.

Thứ ba, cái chết của các Thánh Tử Đạo nói lên đức hy sinh can đảm phi thường: Con người ai mà không tham sống sợ chết, ai mà không sợ đau khổ, nhất là những đau khổ man rợ như: voi dày, thiêu sinh, trảm quyết, lăng trì, bá đao…Vậy mà, nhờ ơn Chúa trợ giúp, các Thánh Tử Đạo đã hy sinh, can đảm lướt thắng tất cả những khổ hình để giữ vững đức tin, giữ vững lập trường : “Thà chết chứ không chịu bỏ đạo, bỏ Chúa”. Thánh Anrê Thông xác quyết : “thà tôi bị lưu đày và chịu chết vì Chúa; Chứ tôi không chối đạo”. Thánh Laurenxô Ngôn, 22 tuổi, một nông dân đã trả lời khi các quan bắt người bước qua thánh giá : “Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa tể trời đất. Thánh Giá là phương thế Chúa dùng để cứu độ nhân loại. Tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp. Tôi sẵn sàng chịu chết vì đức tin vào Thiên Chúa của tôi”. Thánh Luca Thìn, 39 tuổi, khẳng định : “Tôi là một kitô hữu. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ”.

Tóm lại, cái chết của các Thánh Tử Đạo cho chúng ta thấy niềm tin mãnh liệt vào Đạo, lòng trung thành sắt son với Chúa và sự hy sinh can đảm phi thường trước muôn vàn hình khổ của cha ông chúng ta. Vì thế, cái chết của các ngài như những hạt giống tốt được Thiên Chúa gieo vào lòng đất và trổ sinh nhiều bông hạt. Đúng như câu nói bất hủ của giáo phụ Tertulien : “máu các Thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các Kitô hữu”. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nói : Sỡ dĩ Giáo Hội đã phát triển mạnh là nhờ “thời gian gieo giống của các Đấng tử đạo và gia sản sự thánh thiện của các thế hệ Kitô hữu đầu tiên”. Nói cách khác, chính hành vi làm chứng đạo bằng cái chết của vô vàn tiền nhân đã xây dựng nên Giáo Hội.


Năm 2018, chúng ta sẽ kỷ niệm 30 năm Toà Thánh nâng 117 vị Tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh. Vậy, “chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những chứng nhân anh dũng, dám sống mầu nhiệm hạt lúa được gieo vào lòng đất, chấp nhận chết đi để mang lại nhiều hoa trái (x. Ga 12,23-25)”. Đồng thời, “kỷ niệm biến cố phong Thánh Tử Đạo là dịp để chúng ta ôn lại đời sống chứng nhân của các ngài, noi gương các ngài, sống tinh thần Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh, cộng tác phần mình xây dựng một Giáo Hội vững mạnh và một xã hội công bằng và nhân ái.” (x. Thư chung HĐGM Việt Nam 2017, số 5).

Xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Amen.


Lm. Anthony Trung Thành

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Suy Niệm Chúa Nhật Iv Mùa Vọng – Năm B (12/21/2017)
Suy Niệm Chúa Nhật Iii Mùa Vọng – Năm B (12/14/2017)
Suy Niệm Chúa Nhật Ii Mùa Vọng – Năm B (12/7/2017)
Suy Niệm Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ - Năm A (11/24/2017)
Suy Niệm Chúa Nhật 33 Thường Niên – Năm A (11/17/2017)
Tin/Bài khác
Suy Niệm Chúa Nhật Xxxii Thường Niên – Năm A (11/9/2017)
Suy Niệm Lễ Các Đẳng Linh Hồn 2017 (10/31/2017)
Suy Niệm Lễ Các Thánh Nam Nữ 2017 (10/30/2017)
Suy Niệm Chúa Nhật Xxx Thường Niên – Năm A (10/26/2017)
Suy Niệm Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo 2017 (10/20/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768