Suy
niệm Chúa Nhật XXIII Thường Niên
– Năm A
Thánh Phaolô đã
thú nhận: “Tôi
ăn ở như một người ngu, còn
sự lầm lạc của tôi thì vô
kể” (Ep
4,11). Đúng như người ta thường
nói: “nhân vô thập toàn”.
Thực tế là như vậy, nhưng để
nhận ra sự bất toàn của mình,
chấp nhận mình có tội không
phải là chuyện dễ dàng. Câu
chuyện Vua Đa-vít là một ví dụ.
Ông đã phạm tội ngoại tình,
gian dối, giết người. Vậy mà ông
vẫn che dấu và không nhận ra tội
lỗi của mình. Bằng chứng là sau
khi nghe tiên tri Na-than kể câu chuyện
“người
giàu cướp chiên của người
nghèo”
(x. 2Sm 12,1-4), ông còn “bừng
bừng nổi giận với người ấy
và nói với ông Na-than: Có ĐỨC
CHÚA hằng sống! Kẻ nào làm
điều ấy, thật đáng chết! Nó
phải đền gấp bốn con chiên cái,
bởi vì nó đã làm chuyện
ấy và đã không có lòng
thương xót”(x.
2 Sm 12, 5-6). Cho đến khi Na-than nói thẳng:
“kẻ đó chính là Ngài…”(x.
2 Sm 12, 7). Bấy giờ vua Đa-vít mới
chấp nhận tội lỗi của mình và
ăn năn thống hối.
Qua
câu chuyện trên cho chúng ta thấy, vai
trò của tiên tri Na-than hết sức quan
trọng, đã giúp Đa-vít nhận
ra tội lỗi của ông. Vì thế,
trong cuộc sống chung, sửa lỗi cho nhau là
một điều cần thiết và cũng
là một trách nhiệm: Trách nhiệm
của Cha mẹ đối với con cái; trách
nhiệm của cha xứ đối với con
chiên; trách nhiệm bề trên đối
với bề dưới; trách nhiệm của
thầy cô đối với học trò;
trách nhiệm của mỗi người khi
sống chung với nhau. Hơn nữa, là người
kitô hữu, khi lãnh nhận bí tích
Rửa tội, chúng ta lãnh nhận sứ
mạng tiên tri. Vai trò của tiên tri là
phải rao giảng Lời Chúa, phải lên
tiếng để kẻ tội lỗi thay đổi
đời sống của họ. Nếu tiên
tri mà không lên tiếng để cho kẻ
tội lỗi phải chết thì tiên tri
phải chịu trách nhiệm về cái
chết đó. Bài đọc I, tiên
tri Ezêkiel đã nói rất rõ ràng
rằng: “Nếu
ngươi không chịu nói để kẻ
gian ác bỏ đường lối mình,
thì chính kẻ gian ác sẽ chết
trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi
máu nó bởi tay ngươi. Còn khi
ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ
đường lối nó, nếu nó không
chịu bỏ đường lối nó, thì
nó sẽ chết trong sự gian ác của
nó, nhưng ngươi cứu được
mạng sống ngươi” (Ed
33,8-9). Qua bài Tin mừng hôm nay,
Đức Giêsu
cũng mời gọi chúng ta: “khi
thấy anh em lỗi phạm thì hãy đi
sửa dạy nó…”
(x. Mt 18,15).
Nhưng
phải sửa dạy như thế nào? Nhìn
vào cuộc sống, người ta thường
dùng nhiều phương cách khác nhau
để sửa lỗi kẻ khác. Những
nhà cầm quyền thường sửa lỗi
kẻ khác theo khung hình phạt qua một
tòa án: án treo, tù có thời
hạn, tù chung thân, tử hình. Họ
cũng có thể sử dụng hình phạt
như tra tấn, phạt kinh tế hay tịch thu
tài sản.
Còn
trong sinh hoạt đời thường của các
gia đình hay cộng đoàn, tùy vào
hoàn cảnh và phong tục người ta
có thể dùng những hình thức
khác nhau để sửa lỗi: Chẳng hạn,
cha mẹ có thể dùng lời nói để
dạy con cái, nhưng cũng có khi phải
dùng roi để dạy con cái với châm
ngôn “yêu
con cho roi cho vọt”.
Cũng vậy, bề trên có thể sửa
dạy bề dưới một cách âm
thầm hay công khai tùy vào sự khôn
ngoan và tùy vào từng trường
hợp cụ thể. Nhưng không phải người
nào cũng biết sửa dạy kẻ khác
một cách khôn khéo. Với danh nghĩa
sửa dạy, người ta có thể tố
cáo nhau, phơi bày tội lỗi của
nhau nhằm mục đích bêu xấu, trù
dập, hạ uy tín…
Đối
với chúng ta là những người kitô
hữu, là môn đệ của Đức
Giêsu thì sao? Chúng ta phải sửa dạy
nhau theo phương cách mà Đức Giêsu
đưa ra qua bài Tin mừng hôm nay. Phương
cách đó mang tính tiệm tiến, đi
từ kín đáo đến công khai.
Cụ thể có ba bước sau: Bước
thứ nhất, giữa ta với người sai
lỗi (x. Mt 18,15). Bước này phải hết
sức kín đáo và tế nhị.
Phải lựa lời mà nói: “lời
nói không mất tiền mua, lựa lời
mà nói cho vừa lòng nhau.”
Phải khôn khéo giúp người anh em
nhận ra sai lỗi của mình. Bước
thứ nhất này hết sức quan trọng,
nếu thành công thì quá tốt, ta
được lợi người anh em. Nếu
người anh em không nghe, lúc đó
chúng ta mới dùng bước thứ hai:
“Đem theo
một hoặc hai người nữa, để
mọi việc được giải quyết nhờ
lời hai hoặc ba nhân chứng”
(x. Mt 18,16). Thông thường để dễ
thuyết phục, một hoặc hai nhân chứng
này cần phải là người có
uy tín trong cộng đoàn. Bởi vì,
khi họ có uy tín thì tiếng nói,
lời khuyên của họ mới dễ thuyết
phục. Hy vọng bước thứ hai này,
người sai lỗi sẽ chấp nhận sửa
sai. Nhưng nếu người anh em không nghe
thì chúng ta dùng bước thứ ba,
tức là đưa ra cộng đoàn,
nhằm mục đích gây áp lực
cho người sai lỗi, để mong muốn
người anh em chấp nhận sửa lỗi.
Cuối cùng, nếu người anh em vẫn
ngoan cố không chịu nghe thì hãy “kể
nó như người ngoại giáo và
như người thu thuế”
(x. Mt 18, 17). Khi kể nó như người
ngoại giáo hay như người thu thuế
không có nghĩa là cắt đứt
hay loại trừ nó một cách hoàn
toàn. Nhưng còn một cách thế
khác để chúng ta liên hệ và
hy vọng nó sẽ thay đổi, đó
chính là cầu nguyện. Chúng ta tiếp
tục cầu nguyện cho người anh em đó,
nhất là cầu nguyện chung trong cộng
đoàn. Bởi vì, lời cầu nguyện
chung của cộng đoàn dễ dàng được
Chúa chấp nhận. Chính Đức Giêsu
đã khẳng định: “Thầy
lại bảo các con, nếu hai người
trong các con, ở dưới đất, mà
hiệp lời cầu xin bất cứ điều
gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên
trời, sẽ ban cho họ điều đó.
Vì ở đâu có hai hoặc ba người
tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy
ở giữa những người ấy”
(Mt 18, 19-20).
Trong
thực tế chúng ta thường mắc phải
hai sai lầm này: Sai lầm thứ nhất,
chúng ta “công khai hóa” lỗi
lầm của anh em với cộng đoàn, bỏ
qua bước thứ nhất và bước
thứ hai. Vì thế, người sai lỗi
cảm thấy bẽ mặt, hậu quả là
có nhiều người con phải bỏ nhà
ra đi, nhiều thành viên phải bỏ
cộng đoàn, nhiều giáo dân không
dám đến nhà thờ nữa. Sai lầm
thứ hai, sau khi xong bước thứ ba, chúng
ta thường không còn quan tâm gì
đến người sai lỗi nữa: Có
những bậc cha mẹ loại trừ con cái
một cách dứt điểm; Có nhiều
bề trên không còn liên lạc gì
với người bề dưới. Vì thế,
người sai lỗi không còn có cơ
hội để làm lại cuộc đời.
Tóm
lại, sửa lỗi cho nhau đó là bổn
phận của mỗi người chúng ta, và
khi sửa lỗi cần theo sự chỉ dẫn
của Đức Giêsu. Mặt khác, trong
tất cả những bước sửa lỗi
trên đây phải thực hiện trong tinh
thần yêu thương và kính trọng.
Nghĩa là mong muốn cho người có
lỗi sửa sai, thay đổi đời sống
để trở thành con người tốt
hơn. Người sửa lỗi không bao giờ
được phép có những hình
thức nào đó mang tính trù dập
hay loại trừ người anh em sai lỗi.
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng
con luôn có trách nhiệm sửa lỗi
cho anh em theo phương cách của Chúa
chỉ dạy. Đồng thời, xin cho chúng
con luôn biết nhận ra sự sai lỗi của
mình, nhờ đó mỗi người
chúng con ngày càng trở nên tốt
hơn. Amen.
|