Suy Niệm Chúa Nhật XXII
Thường Niên – Năm A
Liền
sau khi Phêrô tuyên tín rằng: “Thầy
là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16),
Đức Giêsu đã loan báo cho các môn đệ biết “Người phải đi
Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ
mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị
giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”
(Mt 16,21). Nghe vậy, Phêrô kéo Người ra và can ngăn
Người rằng: “Xin Thiên
Chúa thương đừng để Thầy gặp phải
chuyện ấy!” (x. Mt 16,22). Phêrô cho rằng làm như vậy
là đúng, là cần thiết, và chắc chắn sẽ
được Thầy khen ngợi như lần trước.
Nhưng không ngờ rằng, lần này chẳng những Thầy
không khen mà còn quở mắng ông một cách thậm tệ: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy!
Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh
không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của
loài người” (Mt 16,23). Lần trước được
Thầy khen “vì không phải phàm
nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của
Thầy, Đấng ngự trên trời” (x. Mt 16,17). Còn lần
này bị Thầy quở mắng vì “tư tưởng của anh không phải là tư
tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”
(x. Mt 16,23). Qua lời răn dạy của Đức Giêsu
giúp chúng ta nhìn lại con người của mình, lắm lúc
ý nghĩ của chúng ta chưa chắc là ý nghĩ của
Chúa, thậm chí còn trái với ý nghĩ của Chúa (x. Is 55,
8). Cho nên, trong các sự việc hằng ngày chúng ta đừng
vội làm theo ý riêng của mình mà cần phải tìm kiếm
và tuân theo ý của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu cũng
đã luôn sống theo thánh ý Chúa Cha, Ngài khẳng định
rằng: “Lương thực của
Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy”
(x. Ga 4,34). Trong vườn Cây Dầu, trước cuộc
khổ nạn sắp xảy đến, Ngài đã cầu
nguyện rằng: “Lạy Cha,
nếu có thể được, xin cho con khỏi phải
uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo
ý Cha” (Mt 26,39). Ý của Chúa được thể hiện
qua Lời của Ngài, qua các Giới răn, qua các Bề
trên hợp pháp, qua cha mẹ… Ý của Chúa còn được
thể hiện một cách cụ thể qua lời mời
gọi của Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay: “Ai muốn theo Thầy, phải từ
bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Lời
mời gọi này diễn tả hai khía cạnh: khía cạnh
tiêu cực, đó là “từ bỏ mình”; khía cạnh tích cực,
đó là “vác thập giá”.
“Từ
bỏ mình” nghĩa là từ bỏ ý riêng của bản thân
để tuân theo ý Chúa. Từ bỏ mình là từ bỏ con
người cũ tội lỗi để mặc lấy
con người mới. Từ bỏ mình là từ bỏ những
thói hư, tật xấu, những tham, sân, si. Từ bỏ
mình là từ bỏ cả những cái thân thiết khi Chúa
đòi hỏi như nhà cửa, ruộng nương,
người thân. Từ bỏ mình là từ bỏ những
thứ cồng kềnh khi chúng ta chấp nhận đi con
đường hẹp. Đi con đường hẹp
đòi hỏi phải hy sinh, phải “liều mất” để
“được”. Đi con đường hẹp sẽ
nên hoàn thiện, sẽ đạt được hạnh
phúc vĩnh cửu. Đức Giêsu đã nói: “Ai muốn cứu mạng sống
mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống
mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống
ấy. Vì nếu người ta được cả thế
giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào
có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi
mạng sống mình?” (Mt 16, 25-26).
Còn
“vác Thập giá mình” là đón nhận những đau khổ
trong cuộc sống một cách vui vẻ với niềm hy
vọng sẽ được hạnh phúc đời sau, giống
như Đức Giêsu đã trải qua đau khổ rồi
mới tới vinh quang phục sinh:
Những
đau khổ đó có thể do tội lỗi gây ra. Sau khi
Adong phạm tội, Thiên Chúa đã cho ông biết : “Ngươi sẽ phải cực
nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm
được miếng ăn từ đất mà ra. Đất
đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ
ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải
đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến
khi trở về với đất, vì từ đất,
ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi
đất, và sẽ trở về với bụi đất”
(St 3,17-19);
Những
đau khổ đó có thể tự mình gây nên cho mình: Một
sự thiếu tiết độ, một thói quen xấu có
thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, dẫn
đến cái chết. Lái xe không cẩn thận, không giữ
luật giao thông nên gây ra tai nạn. Nghiện thuốc lá,
nghiện rượu gây ra các chứng bệnh phổi, tim
v.v.;
Những
đau khổ đó có thể do chính con người gây nên
cho nhau: Hằng ngày có biết bao nhiêu vụ bắt cóc trẻ
em, cướp bóc, hận thù, kỳ thị, ghen ghét, giết
chóc, đàn áp, cáo gian, đánh đập, làm thực phẩm
độc vv…Những đau khổ đó là do người
thân, bạn bè, những người trong xã hội, những
người ghét chúng ta gây ra;
Những
đau khổ đó có thể do chính vũ trụ bất
toàn: Động đất, bão lụt, hạn hán, ôn dịch…gây
ra biết bao đau khổ cho con người;
Những
đau khổ đó có thể do chúng ta mang danh là kitô hữu:
Các cuộc bắt bớ các kitô hữu qua các thời kỳ
lịch sử cho chúng ta thấy điều đó. Chính
Đức Giêsu cũng đã từng nói : “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người
ghen ghét…” (x. Mt 10,22). Vì thế, để trung thành với
luật Chúa và Giáo hội, người kitô hữu phải
chấp nhận đau khổ.
Nhìn
lại đời sống đức tin, để từ
bỏ mình và vác thập giá mình đi theo Chúa một cách trọn
vẹn không phải là chuyện dễ dàng. Có khi chúng ta
cũng giống như Phêrô không sẵn sàng đón nhận
những đau khổ xảy đến với mình, không
đón nhận đau khổ trong niềm vui và hy vọng
nhưng còn có thái độ gượng ép, thậm chí nhiều
khi còn phàn nàn kêu trách Chúa. Người đàn ông trong câu chuyện
ngụ ngôn sau đây có lẽ cũng là hình ảnh của mỗi
người chúng ta: Có một người đàn ông luôn than
van về những nỗi khổ cực của mình gặp
phải. Một hôm, thiên thần hiện đến nói với
ông : “Con hãy theo ta ra nghĩa địa, vì nơi đó
người ta để lại thánh giá của cuộc
đời mình. Con hãy mang thánh giá của con ra đó, và hãy lựa
thánh giá vừa sức với con.”
Ông
ta mang thánh giá của mình ra quăng nơi nghĩa địa,
ông bắt đầu chọn một cái khác nhẹ hơn,
nhưng ông tìm kiếm mãi mà không được: vì có cây quá
dài, nhưng có cây lại quá ngắn, có cây thì nhẹ
nhưng sù sì, khó vác, có cây thì trơn tru nhưng lại quá nặng,
và sau cùng ông nói với thiên thần : “Thưa thiên thần, cây nào cũng khó vác quá, chỉ
có cây con định vứt đi là vừa với sức của
con thôi.”
Thiên
thần trả lời: “Phải,
Chúa đã trao cho con một cây thánh giá vừa với sức
của con, con hãy vui lòng đón nhận mà vác đi trọn
cuộc đời của mình, đừng than van gì nữa.”
Ước
gì mỗi người chúng ta biết “từ bỏ mình và
vác thập giá mình” trong niềm vui và hy vọng. Nhờ
đó, khi Con Người ngự đến trong vinh quang,
chúng ta được lãnh nhận phần thưởng xứng
với sự cố gắng của chúng ta. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
|