Suy Niệm Chúa Nhật XVII Thường Niên –
Năm A
Chủ đề chính
của Lời Chúa hôm nay đề cập tới sự
khôn ngoan: Khôn ngoan của vua Sa-lô-mon, khôn ngoan của
người đi tìm kho báu và khôn ngoan của người đi
tìm viên ngọc quí. Qua đó, Đức Giêsu muốn chúng ta
dùng sự khôn ngoan Chúa ban để tìm kiếm Nước
Thiên Chúa.
Bài đọc 1,
kể lại câu chuyện của vua Sa-lô-môn. Ông
được lên kế vị vua cha khi tuổi còn non
trẻ. Ông đã cầu nguyện xin Thiên Chúa trợ giúp.
Ông không xin cho được sống lâu, giàu có của
cải, mạng sống quân thù, nhưng ông đã xin Thiên
Chúa ban cho ông sự khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và
để phân biệt lành dữ. Thiên Chúa đã nhận
lời và ban cho ông sự khôn ngoan như lời ông xin,
đến nỗi trước ông không có ai giống ông, và
sau ông không có ai bằng ông. Sách các vua khẳng định: “Sự khôn ngoan của vua Sa-lô-môn
trổi vượt hơn sự khôn ngoan của tất
cả mọi người Phương Đông và hơn
tất cả sự khôn ngoan của Ai-cập”(x. 1V 5,
10).
Bằng chứng
của sự khôn ngoan đó được thể hiện
rõ qua câu chuyện xử kiện sau đây: Có hai người
đàn bà tới tìm Sa-lô-môn nhờ giải quyết một
chuyện khó xử. Một người trong họ giải
thích: “Bà này với tôi sống
chung một nhà. Tôi sinh được một con trai, và hai
ngày sau bà này cũng sinh được một con trai.
Rồi một đêm nọ con bà chết. Nhưng khi tôi
đang ngủ bà bồng đứa con chết bỏ
xuống bên cạnh tôi và bồng con tôi đi. Khi tôi
thức dậy và nhìn đứa con chết thì thấy nó
không phải là con tôi.”
Nghe tới đây
người đàn bà kia nói: “Không
phải vậy! Đứa con sống là con tôi, và
đứa chết là con bà ấy!” Người đàn bà
thứ nhất đáp: “Không
phải vậy! Đứa con chết là con bà, đứa
sống là con tôi!” Hai người đàn bà cứ cãi nhau
như vậy. Sa-lô-môn sẽ làm gì đây?
Ông bảo đem
lại một thanh gươm, và khi người ta đem
gươm lại thì ông nói: “Hãy
xẻ đứa bé sống này ra làm hai, và giao cho mỗi bà
một nửa!”
Người mẹ
thật la lên: “Khoan, khoan! Xin
đừng giết đứa nhỏ. Hãy giao nó cho bà kia!”
Nhưng người đàn bà kia nói: “Đừng giao nó cho bà này hay tôi gì cả; cứ
việc xẻ nó ra làm hai đi.”
Cuối cùng Sa-lô-môn
nói: “Chớ giết đứa
bé! Hãy giao nó cho bà thứ nhất. Bà ấy mới là mẹ
thật của nó.” Sa-lô-môn biết được
điều này vì người mẹ thật yêu đứa
bé đến nỗi sẵn sàng nhường nó lại cho
người đàn bà kia miễn là nó được
sống. Khi dân chúng nghe thấy cách Sa-lô-môn phân giải
vụ khó xử này, họ rất vui mừng vì có
được một vị vua khôn ngoan như thế. (x.
1V 3, 16-28).
Câu chuyện xử
kiện trên đây cũng như cách xử sự khôn ngoan
của vua Sa-lô-môn được đồn đi rất
xa, nên từ mọi dân tộc, thiên hạ kéo tới học
hỏi sự khôn ngoan của vua Sa-lô-môn (x. 1V 5,14), trong
đó có nữ hoàng Sơ-va (x.1V10,1-13). Nhưng sự khôn
ngoan của vua Sa-lô-môn cũng chỉ được
một thời. Cuối đời, ông đã sống
thiếu khôn ngoan. Ông theo các bà vợ ngoại giáo, ngã theo các
thần dân ngoại, không còn chung thủy với Thiên Chúa như phụ vương
Đa-vít nữa (x. 1V 11,1-8).
Bài Tin mừng hôm nay
kể lại ba dụ ngôn: dụ ngôn chiếc lưới
có nội dung tương tự như dụ ngôn cỏ lùng
mà chúng ta đã tìm hiểu Chúa nhật tuần trước.
Hai dụ ngôn kho báu và
ngọc quý có nội dung tương tự như nhau: Khi
tìm được, cả hai về bán tất cả
những gì mình có để mua cho được kho báu hay
viên ngọc quý đó. Đây là thái độ bình
thường của người khôn ngoan theo lẽ tự
nhiên. Vì xác định được rằng: có
được kho báu hay viên ngọc quý sẽ có niềm vui
và hạnh phúc, cho nên cả hai người đều
quyết định bán hết tất cả những gì
mình có để mua cho được kho báu hay viên ngọc
quý đó.
Thế nhưng cho dù
có chiếm được kho báu và viên ngọc quý thì chúng
cũng chỉ là phương tiện để phục
vụ con người, làm cho con người vui
hưởng hạnh phúc trong một thời gian nào đó mà
thôi. Vì thế, điều mà Đức Giêsu muốn chúng ta
nhắm tới không phải là sự khôn ngoan tự nhiên,
cũng không phải là ở nơi kho báu hay viên ngọc quý
nhưng là một cái gì đó cao cả và bền vững
hơn. Đó chính là Nước Trời. Bởi vì, chỉ
có Nước Trời mới thỏa mãn mọi khát
vọng của con người. Chỉ có Nước
Trời mới đem lại cho chúng ta hạnh phúc
trường cửu. Như vậy, Nước Trời
chính là thứ quý giá nhất không có gì có thể đổi
chác được. Cho dù chúng ta có tất cả mọi
thứ trên đời này thì cũng không thể đổi
được Nước Trời. Và nếu có
được mọi sự ở đời này mà không có
Nước Trời thì cũng bằng không. Đức Giêsu
đã từng nói: “Được
lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn
nào có ích gì”(Mt 16,26). Chính vì thế, khi biết
được Đức Giêsu, biết được
Nước Trời, Thánh Phaolô đã chấp nhận
mất tất cả mọi thứ ở đời này
để giữ lấy cho được Đức
Giêsu, giữ lấy cho được Nước Trời.
Trong thư Philiphê, Ngài nói: “Tôi
coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với
mối lợi tuyệt vời, là được biết
Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất
hết, và tôi coi tất cả như rác, để
được Đức Kitô và được kết
hợp với Ngài” (x. Pl 3,8-9).
Vì Nước Trời
quan trọng như vậy, nên Đức Giêsu mời
gọi chúng ta: “Trước
tiên hãy lo tìm nước trời rồi mọi sự Ngài
sẽ lo cho sau” (Mt 6,33). Cho nên, bổn phận trước
tiên của mỗi người kitô hữu chúng ta là phải
lo tìm kiếm Nước Trời, phải chiếm cho
được Nước Trời. Nhưng làm thế nào
để chiếm được Nước Trời?
Chính Đức Giêsu đã nói: “Không
phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy
Chúa! lạy Chúa!’ là
được vào Nước Trời cả đâu!
Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là
Đấng ngự trên trời, mới được vào
mà thôi” (Mt 7,21). “Ý muốn
của Cha Thầy” ở đây chính là “Lời của Ngài”. Lời của Chúa chứa
đựng trong cuốn Kinh Thánh, nhất là những Giáo
huấn của Đức Giêsu được thể
hiện qua Tin mừng, qua Mười điều răn,
qua giáo huấn của Hội Thánh. Ngoài ra, chúng ta cũng có
thể thực hiện ý muốn của Chúa qua tiếng nói
lương tâm.
Đức Giêsu còn nói:
“Nước Trời phải
đương đầu với sức mạnh, ai mạnh
sức thì chiếm được.”(x. Mt 11,12). Đó là
sức mạnh của Tình yêu: Yêu Chúa – yêu người. Yêu
Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự. Yêu
người như chính mình ta vậy. Đó là sức
mạnh của sự từ bỏ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình vác thập giá
mình mà theo Ta” (Mt 16,24): Từ bỏ tội lỗi và
những đam mê xác thịt; Từ bỏ những khuynh
hướng xấu; Từ bỏ những tham, sân, si; Có khi
phải từ bỏ cả danh vọng, người thân và
của cải mình có… nếu như Nước Trời
đòi buộc. Đức Giêsu mời gọi chàng thanh niên
đến xin Ngài “phải làm
gì để được sự sống đời đời” rằng: “Hãy đi bán tài sản của anh
và đem cho người nghèo, anh sẽ được
một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”
(Mt 19,21 ; Mc 10,21 ; Lc 18,22). Nhưng chàng thanh niên đã
không chấp nhận lời mời gọi của
Đức Giêsu, anh ta đã “buồn
rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc
10,22). Như vậy, của cải đã cản lối
chàng thanh niên đến với Đức Giêsu.
Thái độ của
chúng ta thì sao? Chúng ta có “dùng sức mạnh” để
chiếm cho được Nước Trời không? Chúng ta
có từ bỏ mọi sự để mua lấy Nước
Trời không? Hay chúng ta vẫn để cho chức
quyền, danh vọng, của cải và những thứ
ở đời này níu kéo, giam hãm và cản bước chúng
ta đến với Chúa, đến với Nước Trời
?
Lạy Chúa, xin ban cho
chúng con ơn khôn ngoan: không phải là thứ khôn ngoan theo
tính xác thịt, cũng không phải sự khôn ngoan theo tính
tự nhiên, mà là sự khôn ngoan siêu nhiên, sự khôn ngoan
đến từ Thiên Chúa. Bởi vì, khi có sự khôn ngoan
của Chúa, chúng con mới có thể chọn lựa
những điều tốt, loại bỏ những
những điều xấu, và khi có sự khôn ngoan của
Chúa chúng con sẽ biết qui hướng tất cả
mọi sự về cùng đích của cuộc đời
là chính Chúa. Khi có sự khôn ngoan của Chúa, chúng con sẽ biết
từ bỏ mọi sự để dành cho
được Nước Trời. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
|