MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: giáo hội hoàn vũ :: chuyến tông du đại hàn của đtc 15-21/8/2014
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Du Nam Hàn (3) 14-18/8/2014 --- Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, Bvl, Tuyển Hợp Và Chuyển Dịch
Thứ Tư, Ngày 20 tháng 8-2014
Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Du Nam Hàn 14-18/8/2014

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tuyển hợp và chuyển dịch

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/travels/2014/outside/documents/papa-francesco-repubblica-corea.html



Với Các Vị Giám Mục Á Châu
:
"K
hởi điểm cho tất cả mọi cuộc đối thoại đó là một cảm thức rõ ràng về căn tính của mình và một khả năng cảm thông"


"Nơi châu lục rộng lớn là quê hương của các đại văn hóa khác nhau, Giáo Hội được kêu gọi để thích ứng và sáng tạo nơi việc làm chứng cho Phúc Âm của mình bằng đối thoại và cởi mở với tất cả mọi các nhân và mọi nền văn hóa. Đó là một thách đố trước mắt quí huynh! Thật vậy, đối thoại là một yếu tố thiết yếu trong việc truyền giáo của Giáo Hội ở Á Châu (xem Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu - 29). Thế nhưng, để thực hiện đường lối đối thoại này với các cá nhân và các nền văn hóa thì đâu là khởi điểm cần phải có của chúng ta và đâu là điểm qui chiếu căn bản của chúng ta để dẫn chúng ta đến đích nhắm của mình? Chắc chắn đó là căn tính riêng của chúng ta, căn tính là Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta không thể nào tham dự vào một cuộc đối thoại thực sự trừ phi chúng ta ý thức được căn tính riêng của mình. Chúng ta không thể đối thoại, chúng ta không thể bắt đầu đối thoại từ không không, từ số không, từ một cảm quan mơ hồ về bản thân mình. Cũng chẳng có một cuộc đối thoại chân thực trừ phi chúng ta có khả năng cởi mở lòng trí của chúng ta ra, bằng việc chấp nhận một cách cảm thông và chân thành những ai chúng ta trao đổi. Nói cách khác, một thứ chăm chú lắng nghe theo tác động của Thánh Linh. Bởi thế nên khởi điểm cho tất cả mọi cuộc đối thoại đó là một cảm thức rõ ràng về căn tính của mình và một khả năng cảm thông. Nếu chúng ta cần phải nói với người khác một cách tự do, cởi mở và mang lại tác dụng, chúng ta cần phải minh tường về bản thân mình, về những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta, và về những gì Ngài muốn nơi chúng ta. Và nếu việc trao đổi của chúng ta không phải là một thứ độc thoại thì cần phải có được sự cởi mở tâm trí để làm sao có thể chấp nhận các cá nhân và các nền văn hóa. Một cách không sợ hãi, vì sợ hãi là kẻ thù của loại cởi mở này.

"Tuy nhiên, công việc có được căn tính của mình và thể hiện căn tính của chúng ta không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì - là tội nhân - chúng ta bao giờ cũng bị cám dỗ bởi tinh thần của thế gian nơi các đường lối khác nhau. Tôi muốn vạch ra 3 trong những đường lối này. Mộtthứ ánh sáng lừa đảo của tương đối chủ nghĩa làm lu mờ đi ánh quang rạng ngời của chân lý, và bằng việc làm rung chuyển mặt đất ở dưới chân của chúng ta, nó đu đưa chúng ta đến những vùng cát vụn đổi thay của lầm lạc và thất vọng. Nó là một chước cám dỗ hiện nay cũng ảnh hưởng cả đến các cộng đồng Kitô hữu nữa, khiến cho dân chúng quên đi rằng ở trong một thế giới thay đổi một cách mau chóng và lạc hướng "có nhiều điều vẫn không thay đổi vì nền tảng cuối cùng của những điều không thay đổi ấy là Chúa Kitô, Đấng vẫn là một cả hôm qua, hôm nay và mãi mãi" (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng - 10; Do Thái 13:8). Ở đây tôi không nói về tương đối chủ nghĩa một cách thuần túy như là một hệ tư tưởng, mà là về thứ tương đối chủ nghĩa cụ thể hằng ngày làm suy yếu cảm quan về căn tính của chúng ta một cách vô thức.  

"Đường lối thứ hai được thế gian sử dụng để đe dọa sự vững chắc của căn tính Kitô hữu chúng ta đó là tính chất nông nỗi hời hợt, một khuynh hướng chơi đùa với những thứ thời trang, với những bộ phận máy móc và với những cái phân tâm, hơn chú trọng tới những gì là chính yếu (xem Phil 1:10). Một nền văn hóa tôn vinh những gì là nhất thời, và cống hiến rất nhiều những đường lối để tránh né và đào tẩu có thể gây ra một vấn đề trầm trọng về mục vụ. Đối với các thừa tác viên của Giáo Hội thì nó có thể tỏ hiện ở những chương trình mục vụ và các lý thuyết thoải mái, gây tác hại cho việc trực tiếp gặp gỡ 
một cách tốt đẹp thành phần tín hữu của chúng ta và những người khác nữa, nhất là giới trẻ đang cần đến giáo lý vững chắc và sự hướng dẫn thiêng liêng lành mạnh. Không đâm rễ vào Chúa Kitô, những chân lý giúp chúng ta sống cuộc đời của mình có thể dần dần trở nên suy yếu, việc thực hành các nhân đức có thể trở thành những gì hình thức bề ngoài, và việc đối thoại có thể bị biến thành một hình thức thương thuyết hay một thứ thỏa thuận về những gì là bất đồng... cho yên chuyện... Thứ tính chất nông nổi này thật sự là những gì trầm trọng tác hại chúng ta.

"Thế rồi còn có một khuynh hướng thứ ba nữa, khuynh hướng về một thứ an toàn bọc vỏ ẩn nấp ở đằng sau những giải đáp dễ dãi, những công thức sẵn có, những qui luật và điều lệ. Chúa Giêsu đã đụng đến thành phần ẩn nấp ở đằng sau các thứ lề luật, các điều lệ và những giải đáp dễ dãi... Người đã gọi họ là những kẻ giả hình. Đức tin theo bản chất của mình không phải là những gì tự thẩm thấu mà là 'tỏa phát'. Nó tìm cách thông hiểu; nó cống hiến chứng từ; nó phát sinh sứ vụ. Theo chiều hướng ấy, đức tin giúp chúng ta có thể vừa dạn dĩ vừa hiền hòa nơi chứng từ hy vọng và yêu thương của chúng ta. Thánh Phêrô nói với chúng ta rằng chúng ta luôn sẵn sàng trả lời cho tất cả những ai đặt vấn đề với chúng ta về niềm hy vọng trong chúng ta (xem 1Phêrô 3:15). Căn tính là Kitô hữu của chúng ta trên hết được thấy ở nơi những nỗ lực âm thầm của chúng ta trong việc thờ phượng một mình Thiên Chúa, trong việc yêu thương nhau, và trong việc chứng tỏ bằng gương mẫu của chúng ta chẳng những cái chúng ta tin mà còn cả cái chúng ta hy vọng và Đấng chúng ta tin tưởng nữa (xem 2Timôthêu 1:12).

"Xin lập lại, chính đức tin sống động của chúng ta nơi Chúa Kitô là căn tính sâu xa nhất của chúng ta, là việc chúng ta đâm rễ trong Chúa. Nếu được thế thì mọi sự khác đều là thứ yếu. Chính từ cái căn tính sâu xa này - từ việc đâm rễ trong Chúa Kitô bằng niềm tin tưởng sống động này - chính từ thực tại sâu xa này mà việc đối thoại của chúng ta được bắt đầu, và đó là những gì chúng ta cần phải chia sẻ một cách chân thành, một cách khả tín và không giả tạo, qua việc đối thoại trong cuộc sống hằng ngày, qua cuộc đối thoại của bác ái yêu thương cũng như qua các dịp chính thức hơn nữa có thể xẩy ra. Vì Chúa Kitô là sự sống của chúng ta (xem Phil 1:21), chúng ta hãy sẵn sàng và không lưỡng lự hay sợ hãi nói năng 'từ Người và bởi người'. Tính chất đơn giản của lời Người trở nên tỏ tường nơi tính chất giản dị của đời sống chúng ta, nơi tính chất giản dị của việc chúng ta truyền đạt, nơi tính chất giản dị của các hoạt động chúng ta yêu thương phục vụ anh chị em của chúng ta.

"Giờ đây tôi muốn nói đến một khía cạnh khác nữa của căn tính Kitô giáo chúng ta. Đó là vấn đề sinh hoa kết trái. Vì căn tính này được xuất phát từ và được liên lỉ nuôi dưỡng bởi ơn huệ chúng ta được đối thoại với Chúa cũng như với những tác động của Thần Linh Ngài mà nó mang lại một mùa gặt công lý, thiện hảo và bình an. Vậy tôi xin hỏi quí huynh nhé về những hoa trái đang nẩy nở trong đời sống riêng của quí huynh cũng như nơi đời sống của các cộng đồng được ủy thác cho quí huynh chăm sóc. Căn tính Kitô giáo nơi Giáo Hội riêng của quí huynh có chiếu tỏa ra qua các chương trình giáo lý và thừa tác vụ giới trẻ của quí huynh hay chăng, qua việc quí huynh phục vụ người nghèo và những ai đang sống cùng cực bên lề của những xã hội giầu thịnh hay chăng, và qua các nỗ lực của quí huynh trong việc nuôi dưỡng các ơn gọi linh mục và đời sống tu trì hay chăng? Căn tính ấy có sinh hoa kết trái hay chăng? Đó là vấn đề tôi gợi lên cho quí huynh để mỗi quí huynh suy nghĩ về nó. 

"Sau hết, ngoài cảm quan minh tường về căn tính Kitô hữu riêng của chúng ta, việc đối thoại chân thực cũng đòi hỏi cả một khả năng cảm thông nữaĐể việc đối thoại xẩy ra cần phải có niềm cảm thông này. Chúng ta bị thách đố trong việc lắng nghe chẳng những về lời lẽ người khác nói mà còn về việc truyền đạt không lên lời ở nơi các kinh nghiệm của họ, các niềm hy vọng của họ và các ước vọng của họ, các sự đối chọi của họ và những quan tâm sâu xa nhất của họ. Niềm cảm thông ấy cần phải là hoa trái của minh thức thiêng liêng và cảm nghiệm riêng tư của chúng ta, những gì khiến chúng ta thấy người khác như là anh chị em của mình, và 'nghe thấy', cả trong và ngoài lời họ nói cùng việc họ làm, những gì tâm can của họ muốn truyền đạt. Theo chiều hướng ấy, việc đối thoại đòi chúng ta cần phải có một tinh thần chiêm niệm thực sự cởi mở và đón nhận người khác. Tôi không thể tham gia đối thoại nếu tôi không cởi mở với người khác. Cởi mở ư? Thậm chí còn hơn thế nữa kìa: chấp nhận! Xin hãy lại nhà của tôi, hãy tiến vào lòng của tôi. Tâm can của tôi nghênh đón anh chị em. Nó muốn được nghe anh chị em. Khả năng cảm thông này giúp cho một cuộc đối thoại thật nhân bản có thể nhờ đó xuất phát các lời nói, ý nghĩ và vấn nạn từ cảm nghiệm huynh đệ và đồng loại. Nếu chúng ta muốn thấy được nền tảng thần học về điều này thì chúng ta cần phải đến cùng Chúa Cha là Đấng đã tạo dựng nên tất cả chúng ta; tất cả chúng ta đều là con cái của một Người Cha duy nhất. Khả năng cảm thông này là những gì dẫn tới một cuộc gặp gỡ chân thực - chúng ta cần phải tiến đến thứ văn hóa gặp gỡ này - là thứ văn hóa đối thoại của tâm can với nhau. Chúng ta được trở nên phong phú bởi sự khôn ngoan của người khác và sẵn sàng cùng nhau tiến bước trên con đường hiểu biết nhau hơn, thân tình và liên kết hơn. 'Thế nhưng, thưa người anh Giáo Hoàng, đó là những gì chúng tôi đang làm, nhưng có lẽ chúng tôi chẳng hoán cải được ai hay rất ít thôi...' Vậy thì dầu sao quí huynh cũng đang điều ấy rồi, ở chỗ, theo căn tính của mình, quí huynh đang nghe thấy người khác. Đâu là huấn lệnh đầu tiên của Thiên Chúa là Cha của chúng ta đối với tổ phụ Abraham của chúng ta? 'Hãy bước đi trước nhan của Ta một cách vô trách cứ'. Bởi vậy, với căn tính của tôi và niềm cảm thông của tôi, sự cởi mở của tôi, tôi bước đi với người khác. Tôi không cố gắng để làm cho họ đến với tôi, tôi không dụ giáo. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã rõ ràng nói với tôi rằng: 'Giáo Hội không gia tăng bằng việc dụ giáo, mà bằng việc thu hút'. Trong lúc này đây chúng ta hãy bước đi trước nhan Chúa Cha, ở chỗ vô trách cứ; chúng ta hãy thực hành huấn lệnh đầu tiên này. Đó là nơi xẩy ra cuộc gặp gỡ, cuộc đối thoại. Với căn tính của mình, với tấm lòng cởi mở. Nó là đường lối để hiểu biết hơn, thân tình và liên kết hơn. Như Thánh Gioan Phaolô II đã nhận thức xác đáng rằng việc chúng ta dấn thân đối thoại được đặt nền tảng nơi chính lý lẽ của việc nhập thể, ở chỗ, nơi Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa trở nên một trong chúng ta, tham dự vào đời sống của chúng ta và nói với chúng ta bằng ngôn t của chúng ta (xem Giáo Hội ở Á Châu - 29). Theo tinh thần cởi mở với người khác như thế, tôi hết sức hy vọng rằng những xứ sở thuộc châu lục của quí huynh mà Tòa Thánh chưa được hoàn toàn giao hảo sẽ không ngần ngại trao đổi hơn nữa cho lợi ích của tất cả mọi người. Tôi không có ý nói đến việc đối thoại về chính trị thôi mà là đối thoại huynh đệ... 'Thế nhưng những Kitô hữu này không đến như là thành phần chiếm cứ, họ không đến để lấy mất căn tính của chúng tôi: họ mang đến cho chúng tôi căn tính của riêng họ song họ muốn bước đi với chúng tôi'. Chúa sẽ ban ơn của Ngài: đôi khi Ngài đánh động lòng người để họ xin được rửa tội, đôi khi không. Thế nhưng bao giờ chúng ta cũng cùng nhau bước đi. Đó là tâm điểm của việc đối thoại. 

Quí huynh thân mến, tôi xin cám ơn quí huynh đã nồng hậu đón tiếp tôi trong tình huynh đệ. Khi chúng ta nhìn thấy lục địa Á Châu lớn rộng, với đất đai vươn dài trải rộng của nó, với những nền văn hóa và truyền thống cổ kính của nó, chúng ta nhận thức được rằng, theo dự án của Thiên Chúa, các cộng đồng Kitô hữu của quí huynh thực sự là apusillus grex, một đàn chiên nhỏ bé nhưng lại có trách nhiệm mang ánh sáng của Phúc Âm chiếu soi đến tận cùng trái đất. Là một hạt cải thực sự! Là một hạt giống rất nhỏ nhoi... Xin Vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng biết và yêu từng con chiên của mình, hướng dẫn và kiên cường các nỗ lực của quí huynh trong việc xây dựng mối hiệp nhất của họ với Người và với tất cả mọi phần tử thuộc đàn chiên của Người khắp thế giới. Giờ đây, cùng nhau chúng ta hãy ký thác các Giáo Hội của quí huynh cùng với lục địa Á Châu cho Đức Mẹ, để với tư cách là Mẹ của chúng ta, Mẹ sẽ dạy chúng ta những gì mà chỉ có người làm mẹ mới có thể dạy cho con cái của mình: con là ai đó, tên con là gì vậy, và con có thể hòa hợp với người khác trong đời bằng cách nào đây. Chúng ta tất cả hãy nguyện cầu cùng Đức Mẹ.  
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
thế Giới Nhìn Từ Vatican 15-21/08/2014: Những Hình Ảnh Đẹp Trong Chuyến Tông Du Đại Hàn Của Đtc (9/28/2015)
Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Du Nam Hàn 14-18/8/2014 ---- Lễ Đen - Black Mass (8/22/2014)
Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Du Nam Hàn (6) 14-18/8/2014 --- Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, Bvl, Tuyển Hợp Và Chuyển Dịch (8/22/2014)
Đtc Phanxicô Trả Lời Phỏng Vấn Trên Chuyến Bay Từ Nam Hàn Về Rôma Thứ Hai 18/8/2014 (8/21/2014)
Tin/Bài cùng ngày
Đức Phanxicô: Bài Giảng Cho Giới Trẻ Đại Hàn Và Á Châu --- Vũ Văn An 8/15/2014 (8/20/2014)
Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Du Nam Hàn (4) 14-18/8/2014 --- Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, Bvl, Tuyển Hợp Và Chuyển Dịch (8/20/2014)
Tin/Bài khác
Đức Thánh Cha Phanxicô - Tông Du Nam Hàn 14-18/8/2014 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, Bvl, Tuyển Hợp Và Chuyển Dịch (8/19/2014)
Ngày Thứ Hai Chuyến Tông Du Hàn Quốc Của Đức Thánh Cha Phanxicô T7, 16/08/2014 (8/18/2014)
Đức Phanxicô Nói Với Giáo Dân Và Tu Sĩ Đại Hàn 8/17/2014 (8/18/2014)
Đức Phanxicô: Bài Giảng Cho Giới Trẻ Đại Hàn Và Á Châu --- Vũ Văn An 8/15/2014 (8/17/2014)
Ngày Thứ Nhất Chuyến Tông Du Hàn Quốc Của Đức Thánh Cha Phanxicô Vũ Bình T6, 15/08/2014 - 17:18 (8/17/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768