Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đức Thánh Cha Phanxicô Tông Du Sri Lanka Và Phi Luật Tân : Giảng Lễ Ở Vương Cung Thánh Đường Mẹ Vô Nhiễm Manila Cho Các Vị Giám Mục, Giáo Sĩ Và Tu Sĩ - Thứ Sáu 16/1/2015
Thứ Bảy, Ngày 17 tháng 1-2015
 
Giảng Lễ ở Vương Cung Thánh Đường Mẹ Vô Nhiễm Manila cho các vị Giám Mục, giáo sĩ và tu sĩ - Thứ Sáu 16/1/2015

"Chúng ta làm thế nào để có thể loan báo cái quyền lực mới mẻ và giải thoát của Thánh Giá cho người khác, nếu chính chúng ta không chịu cho lời Chúa làm rung chuyển lòng tự mãn của chúng ta, nỗi sợ hải thay đổi của chúng ta, những thỏa hiệp nho nhỏ của chúng ta với đường lối thế gian, 'cái trần tục thiêng liêng' của chúng ta"

                                                                                                               (Video)


"Con có yêu Thày không?" [cộng đồng tưởng ngài hỏi có yêu mến ngài không nên đã đồng thanh thưa: "Dạ có"]. Cám ơn anh chị em, nhưng đây tôi đang đọc lời của Chúa Giêsu! Chúa hỏi: "Con có yêu Thày không?... Hãy chăn dắt chiên của Thày" (Gioan 21:15-17). Những lời của Chúa Giêsu ngỏ cùng Thánh Phêrô trong Phúc Âm hôm nay là những lời đầu tiên tôi muốn ngỏ cùng anh chị em, hỡi chư huynh giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và các chủng sinh trẻ trung. Những lời này nhắc nhở chúng ta về một điều thiết yếu. Tất cả mọi thừa tác mục vụ đều được xuất phát từ tình yêuTất cả mọi thừa tác mục vụ đều được xuất phát từ tình yêu! Tất cả đời thánh hiến là dấu hiệu cho tình yêu hòa giải của Chúa Kitô. Như Thánh Thérèse, giữa tính chất khác nhau của các ơn gọi, mỗi người chúng ta đều được kêu gọi, một cách nào đó, trở thành tình yêu trong lòng của Giáo Hội

Tôi xin chào anh chị em bằng lòng cảm mến sâu xa. Tôi xin anh chị em mang lòng cảm mến của tôi đến cho tất cả mọi anh chị em già nua tuổi tác và yếu đau bệnh nạn của anh chị em, cũng như tất cả những ai không thể tham dự với chúng ta hôm nay đây. Vào lúc Giáo Hội ở Phi Luật Tân hướng đến cuộc mừng kỷ niệm 500 năm được truyền bá phúc âm hóa của mình, chúng ta cảm thấy biết ơn về di sản được truyền lại bởi rất nhiều vị giám mục, linh mục, tu sĩ của các thế hệ quá khứ. Họ tận tụy chuyên cần chẳng những rao giảng Phúc Âm và xây dựng Giáo Hội ở xứ sở này, mà còn hình thành một xã hội được tác động bởi sứ điệp của Phúc Âm về bác ái, thứ tha và đoàn kết trong việc phục vụ công ích. Hôm nay đây anh chị em tiếp tục công cuộc yêu thương này. Như họ, anh chị em được kêu gọi để dựng lên những chiếc cầu nối, để chăm nuôi đàn chiên của Chúa Kitô, và để dọn những con đường xinh tươi cho Phúc Âm ở Á Châu vào lúc rạng đông của một thời đại mới.

"Tình yêu của Chúa Kitô thúc đẩy tôi" (2Corinto 5:14). Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng tình yêu mà chúng ta được kêu gọi để loan truyền đó là một tình yêu hòa giải, tuôn chảy từ con tim của Đấng Cứu Thể tử giá. Chúng ta được kêu gọi làm "các vị khâm sai của Chúa Kitô" (2Corinto 5:20). Thừa tác vụ của chúng ta là thừa tác vụ hòa giải. Chúng ta loan báo Tin Mừng về tình yêu, tình thương và lòng cảm thương vô cùng của Thiên Chúa. Chúng ta loan báo niềm vui Phúc Âm. Vì Phúc Âm là lời hứa về ân sủng của Thiên Chúa, điều duy nhất có thể mang lại cho thế giới đổ vỡ của chúng ta những gì là toàn vẹn và chữa lành. Nó có thể tác động việc xây dựng một trật tự xã hội thực sự công chính và được cứu độ. 

Là khâm sai cho Chúa Kitô trước hết nghĩa là mời gọi hết mọi người đến với cuộc hội ngộ riêng tư mới mẻ với Chúa Giêsu (Tông Huấn Niềm vui Phúc Âm, 3). Cuộc hội ngộ riêng tư của chúng ta với Người. Lời mời gọi này cần phải là cốt lõi của việc anh chị em tưởng niệm nước Phi Luật Tân được truyền bá phúc âm hóa. Thế nhưng Phúc Âm cũng là một lời hiệu triệu hoán cải, lời hiệu triệu khảo sát lương tâm của chúng ta, với tư cách cá nhân cũng như với tư cách dân tộc. Như các vị Giám Mục Phi Luật Tân đã có lý dạy rằng Giáo Hội ở Phi Luật Tân được kêu gọi để nhìn nhận và chiến đấu với các căn nguyên gây ra tình trạng bất quân bình và bất công đâm rễ sâu xa làm hư hỏng bộ mặt của xã hội Phi Luật Tân, tức là phản lại với giáo huấn của Chúa Kitô. Phúc Âm kêu gọi các cá nhân Kitô hữu hãy sống đời sống chân thành, thanh liêm và quan tâm đến công ích. Thế nhưng nó cũng kêu gọi các cộng đồng Kitô hữu hãy kiến tạo "quần tụ liêm chính", những cơ cấu đoàn kết có thể vươn dài mở rộng để bao bọc và biến đổi xã hội bằng chứng từ ngôn sứ của họ. 

Người nghèo. Người nghèo là trọng tâm của Phúc Âm, là cốt lõi của Phúc Âm, nếu chúng ta loại người nghèo khỏi Phúc Âm chúng ta không thể nào hiểu được tất cả sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô. Là khâm sai của Chúa Kitô, chúng ta, thành phần giám mục, linh mục, tu sĩ, cần phải là những người đầu tiên đón nhận ơn hòa giải của Người trong lòng của chúng ta. Thánh Phaolô đã làm sáng tỏ ý nghĩa của ân sủng này. Nghĩa là từ bỏ các quan điểm trần tục và thấy mọi sự mới mẻ trong ánh sáng của Chúa Kitô. Nghĩa là trở thành những người đầu tiên trong việc khảo sát lương tâm của chúng ta, nhìn nhận những thiếu sót và tội lỗi của chúng ta, và theo đuổi con đường liên lỉ hoán cải, hằng ngày hoán cải. Chúng ta làm thế nào để có thể loan báo cái quyền lực mới mẻ và giải thoát của Thánh Giá cho người khác, nếu chính chúng ta không chịu cho lời Chúa làm rung chuyển lòng tự mãn của chúng ta, nỗi sợ hải thay đổi của chúng ta, những thỏa hiệp nho nhỏ của chúng ta với đường lối thế gian, "cái trần tục thiêng liêng" của chúng ta (xem Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 93)?

Đối với chúng ta là thành phần linh mục và tận hiến, việc hoán cải theo tính chất mới mẻ của Phúc Âm bao gồm việc hằng ngày gặp gỡ Chúa trong nguyện cầu. Các thánh dạy chúng ta rằng đó là nguồn mạch của tất cả nhiệt tình tông đồ! Đối với thành phần tu sĩ, sống tính chất mới mẻ của Phúc Âm còn có nghĩa là hằng tìm kiếm trong đời sống cộng đồng và tông đồ cộng đồng niềm phấn chấn cho mối hiệp nhất thân mật hơn với Chúa trong đức ái trọn hảo. Đối với tất cả chúng ta, có nghĩa là sống đời phản ảnh đức khó nghèo của Chúa Kitô, Đấng cả đời chỉ chuyên chú làm theo ý của Cha và phục vụ người khác. Dĩ nhiên, cái nguy hiểm to lớn ở đây đó là một thứ chủ nghĩa vật chất có thể thâm nhập vào đời sống của chúng ta và gây hại cho chứng từ của chúng ta. Chỉ khi nào chính chúng ta trở nên nghèo khó, chính chúng ta trở nên nghèo khó, bằng việc tước lột lòng tự mãn, chúng ta mới có thể đồng hóa với những người anh chị em hèn mọn nhất của chúng ta. Chúng ta sẽ thấy các sự vật bằng một ánh sáng mới, nhờ đó đáp ứng một cách chân thành và trọn vẹn với thách đố loan truyền tính chất sâu đậm của Phúc Âm trong một xã hội càng ngày càng thoải mái với việc loại trừ xã hội, với việc phân cực hóa và với tình trạng bất quân bình tệ hại. 

Đến đây tôi muốn nói ngỏ lời đặc biệt với các linh mục, tu sĩ và chủng sinh trẻ giữa chúng ta đây. Tôi xin các bạn hãy chia sẻ niềm vui và nhiệt tình của tình các bạn yêu Chúa Kitô và Giáo Hội cho hết mọi người, nhất là cho bạn bè của các bạn. Hãy có mặt với giới trẻ là thành phần có thể bị lầm lẫn và chán nản, tuy nhiên hãy tiếp tục coi Giáo Hội như bạn của mình trong cuộc hành trình và như là nguồn hy vọng. Hãy có mặt với những ai, sống giữa một xã hội đầy những nghèo khổ và băng hoại, bị tan nát tâm hồn, có khuynh hướng thoái lui, bỏ học đường và sống đời hè phố. Hãy loan báo vẻ đẹp và sự thật của sứ điệp Kitô giáo cho một xã hội đang có xu hướng bị lầm lẫn về việc trình bày tính dục, hôn nhân và gia đình. Như các bạn biết, những thực tại này đang gia tăng trước cuộc tấn công của các quyền lực dũng mãnh đe dọa làm méo mó dự án tạo dựng của Thiên Chúa và phản lại chính các giá trị đã từng tác động và hình thành tất cả những gì là tốt đẹp nhất nơi văn hóa của các bạn. 

Thật vậy, nền văn hóa Phi Luật Tân đã được khuôn đúc bởi khả năng sáng tạo của đức tin. Dân chúng Phi Luật Tân khắp nơi được biết đến ở tình yêu của họ đối với Thiên Chúa, lòng đạo đức sốt sắng của họ và lòng tha thiết tôn sùng Đức Mẹ cùng kinh mân côi của mẹ; tình họ mến yêu Thiên Chúa, lòng đạo đức sốt sắng của họ và lòng thiết tha tôn sùng Đức Mẹ cùng kinh mân côi của Mẹ! Cái gia sản lớn lao này chất chứa một khả năng truyền giáo tiềm tàng. Nó là đường lối nhờ đó nhân dân của các bạn đã hội nhập hóa Phúc Âm và tiếp tục gắn bó với sứ điệp Phúc Âm (xem Tông Huấn Niền Vui Phúc Âm, 122). Trong nỗ lực của các bạn trong việc sửa soạn cho trăm năm thứ năm này, hãy xây dựng trên nền tảng vững chắc ấy. 

Chúa Kitô đã chết cho tất cả mọi người để, chết trong Người, chúng ta không còn sống cho bản thân mình nữa mà là cho Người (xem 2Corinto 5:15). Quí huynh giám mục, linh mục và tu sĩ thân mến: Tôi xin Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, chuyển cầu cho tất cả anh chị em một trào đổ nhiệt tình, nhờ đó anh chị em có thể dấn thân phục vụ một cách vô vị kỷ những người anh chị em của chúng ta. Nhờ đó, tình yêu hòa giải của Chúa Kitô có thể thấm nhập trọn vẹn hơn nữa vào cơ cấu xã hội Phi Luật Tân, và qua anh chị em, vươn tới những nơi xa xôi nhất trên thế giới này. Amen. 


Phụ chú:

Khi đến vương cung thánh đường Mẹ Vô Nhiễm để dâng lễ thì Đức Thánh Cha Phanxicô được đón chào bởi một nhóm trẻ em mặc đồng phục vệ binh Thụy Sĩ ở Rôma.


Đức Thánh Cha đã rời vương cung thánh đường bằng một chiếc xe mầu đen nho nhỏ đơn sơ. Ở bên ngoài, ngay trước khi ngài rời đó, ngài đã gặp một nhóm 300 trẻ em nghèo được đưa từ các hè phố về trung tâm Anak-Tnk được thành lập vào năm 1988 bởi 1 vị linh mục Dòng Tên, nhờ đó các em được thoát khỏi bị hiếp dâm và nghiện hút. Vào tháng 9/2014, Đức Hồng Y TGM Manila là Luis Antonio Tagle đã gửi cho Đức Giáo Hoàng hằng ngàn bức thư của trẻ em bụi đời, kèm theo cả video, để xin ngài ghé thăm các em. Ngài đã chấp nhận, cho dù việc ghé thăm này không chính thức có trong chương trình tông du của ngài. Trong cuộc gặp gỡ bất ngờ xẩy ra ở trên một cái sân này nhiều em đã ôm lấy Đức Thánh Cha và tặng cho ngài những món quà nho nhỏ. Trong cuộc gặp gỡ với các gia đình ở Mall of Asia Arena sau đó, ngài đã cho biết rằng ngài "rất cảm động" khi gặp gỡ các em và ca ngợi công việc của trung tâm chăm sóc các trẻ em bụi đời Anak-Tnk.

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về