MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: năm đức tin 2012
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Năm Đức Tin : Học Hỏi Tài Liệu Của Công Đồng Vatcanô Ii
Thứ Tư, Ngày 2 tháng 1-2013
NĂM ĐỨC TIN : HỌC HỎI TÀI LIỆU CỦA CÔNG ĐỒNG VATCANÔ II
 

Năm đức tin được mở ra trong Giáo Hội vào đúng ngày kỷ niệm lễ khai mạc Thánh Công Đông Vaticanô II cách nay 50 năm.

 

Ngày 11 tháng 10 năm 1962 Đức cố Giáo Hoàng Gioan XXIII đã long trọng khai mạc Đại Công Đồng Vaticanô II (tức Công Đồng Đại Kết = Ecumenical Council) tại Đền Thánh Phêrô , La Mã với sự có mặt, tham dự của 2300 giám mục và đại diện các giáo hội đang hiệp thông hay muốn tiến đến hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ.

 

Đây là sự kiện lịch sử lớn lao nhất của Giáo Hội trong thế kỷ 20 và cũng là Đại Công Đồng thứ hai sau cuộc Cải Cách (Reformation) của nhóm Tin lành trong thế kỷ 16. Đức cố Giáo Hoàng Gioan 23 (nay là Chân Phước = Blessed) đã loan báo quyết định mở Công Đồng này ngày 25 tháng 1 năm 1959, với hy vọng thổi một luồng gió mới vào buồng phổi của Giáo Hội

 

Như vậy, công cuộc chuẩn bị cho Công Đồng đã kéo dài trong suốt 3 năm (1959-1962) để các vị phụ trách có đủ thì giờ chuẩn bị kỹ càng cho biến cố trọng đại này trong đời sống của Giáo Hội.

 

Cũng cần nói thêm là Công Đồng Đại kết (Ecumenical Council) là dịp cho Giáo Hội , dưới quyền lãnh đạo tối cao của Đức Thánh Cha, tức Giám Mục Roma, họp với các giám mục hiệp thông trong toàn Giáo Hội, cùng với các nhà chuyên môn về thần học, giáo luật, phụng vụ.. để bàn thảo về những việc trọng đại liên quan đến đời sống đức tin, bí tích , phụng vụ và sứ mệnh rao truyền đức tin Kitô Giáo của Giáo Hội trong hoàn cảnh thế giới thế giới xưa và nay.

 

Từ trước cho đến nay, mới chỉ có 21 Công Đồng Đại Kết hay còn gọi là Công Đồng Chung (General Council) đã được triệu tập trong Giáo Hội.Công Đồng Vaticanô II là Công Đồng Đại Kết thứ nhất được triệu tập trong thế kỷ 20, và là Công Đồng Đại kết thứ hai được triệu tập sau Phong Trào Cải Cách của nhóm Tin Lành như đã nói ở trên.

 

Trong giới hạn của bài biên khảo này, tôi chỉ xin lượt qua một vài kết quả cụ thể của Công Đồng Vaticanô II để mong giúp quý tín hữu khắp nơi thêm hiểu rõ về những thành quả lớn lao của Công Đồng Đại Kết này hầu thêm yêu mến và vâng phục Giáo Hội là Thân Thể Nhiệm Mầu (Mystical Body) của Chúa Kitô trong sứ mệnh bảo vệ và loan truyền Đức tin Kitô Giáo dựa trên Chính Chúa Kitô và Tin Mừng Cứu Độ của Người cho mọi dân tộc trên toàn thế giới cho đến ngày mãn thời gian.

 

Thành quả của Công Đồng Vaticanô II.

 

Sau 3 năm làm việc dưới sự nâng đỡ và soi sáng cách riêng của Chúa Thánh Thần, Công Đồng đã đạt được những thành quả phi thường khiến cho bộ mặt của Giáo Hội đã thay đổi về mọi phương diện như chúng ta đã chứng kiến từ sau Công Đồng (1962-65) đến nay.

 

Liên quan đến Phụng Vụ Thánh (Sacred Liturgy) và trực tiếp liên hệ đến việc sống đạo của các tin hữu, Công Đồng đã chấp thuận và đươc Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành năm 1970 Nghi thức mới (Novus Ordo) về cử hành Thánh lễ Misa- tức Thánh lễ tạ Ơn (The Eucharist) hoàn toàn bằng các ngôn ngữ địa phương thay vì thống nhất bằng tiếng LaTinh như Nghi Thức cũ được Đức Thánh Cha Piô V ký ban hành ngày 4 tháng 7 năm 1570 cho áp dụng trong toàn Giáo Hôi cho đến ngày ban hành Nghi thức mới nói trên..

 

Nghi thức mới này (Novus Ordo) được gọi là hình thức thông thường (Ordinay Form) trong khi Nghi thức cũ (dùng tiếng LaTinh) trở thành hình thức bất thường (Extraordinay Form) trong Phụng Vụ Thánh, cụ thể là cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn theo Sách Lễ Rôma (Roman Missal).

 

Nhưng đến ngày 7 tháng 7 năm 2011 vừa qua, Đức Thánh Cha Bê-nê-đich-tô 16 đã ban hành Tông Thư Summorum Pontificum cho phép sử dụng rộng rãi Nghi thức cũ (bằng tiếng Latinh ) song song với Nghi thức mới (bằng các ngôn ngữ địa phương) ban hành năm 1970. Nghĩa là từ nay, nơi nào có nhu cầu thực sự muốn cử hành Thánh lễ bằng tiếng Latinh thì không còn phải xin phép trước Đấng Bản Quyền (Ỏrdinary = Giám mục giáo Phận) hay Tòa Thánh như trước nữa, nếu có nhu cầu chính đáng và có linh mục sử dụng được tiếng Latinh.

 

Có người đã vội cho rằng Đức đương kim Giáo Hoàng đã làm một cuộc cách mạng về Phụng vụ thánh với quyết định trên. Thật ra không phải vậy, vì Thánh Lễ cử hành theo Nghi thức cũ dùng tiếng Latinh hay Nghi thức mới dùng các ngôn ngữ địa phương thì cũng cử hành đúng theo Sách lễ Rôma, thể hiện đúng Luật cầu nguyện ( lex orandi=law of prayer) của Giáo Hội mà thôi. Tuy nhiên, với quyết định cho phép nói trên của Đức Thánh Cha, người ta có thể coi đây là cố gắng hòa giải của Tòa Thánh đối với một số người vẫn còn âm ỷ bất mãn về những thay đổi của Công Đồng Vaticanô II. Cụ thể là nhóm theo Tổng Giáo Mục Lefebre (người Pháp đã qua đời) vẫn bất tuân những thay đổi của Công Đồng và tiếp tục cử hành Thánh lễ bằng tiếng Latinh cho đến nay. Hy vọng với quyết định trên của Đức Thánh Cha sẽ giúp lôi kéo nhóm ly khai này trở lại hiệp thông với Giáo Hội

 

Ngoài Thánh lễ ra, các bí tích khác của Giáo Hội cũng được cử hành bằng các ngôn ngữ địa phương, giúp tín hữu hiểu rõ hơn về các nghi thức này.

 

Một điều rất quan trọng nữa là Kinh Thánh (Bible) được dịch ra các ngôn ngữ của các dân nói các ngôn ngữ khác nhau , như Anh , Pháp, Đức, Việt Nam …nên Lời Chúa được quảng bá sâu rộng hơn trong cộng đồng tín hữu ở khắp nơi trên thế giới. Từ đó, việc đọc và học hỏi Thánh Kinh đã trở thành một nhu cầu lớn ở khắp nơi trong Giáo Hội, giúp nâng cao trình độ hiểu biết và sống Lời Chúa của giáo dân.

 

Cũng liên quan đến giáo dân, kể từ sau Công Đồng , gíáo dân được phép đọc Sách Thánh (Lector) và làm thừa tác viên trao mình Thánh Chúa trong Thánh lễ, (Extraordinary Minister of the Holy Communion) một điều mà trước Công Đồng giáo dân không được phép làm.

 

Đây là một vinh dự lớn cho Giáo dân được tham dự vào những hoạt động phụng vụ, một lãnh vục mà trước Công Đồng Vaticanô II, chỉ dành cho hàng giáo sĩ (phụ phó tế, phó tế linh mục, và giám mục) mà thôi.

 

Trong phạm vi bài này, tôi xin được nói rõ hơn về một vài tài liệu rất quan trọng của Công Đồng mà các tín hữu cần biết và học hỏi trong năm Đức Tin này.

 

Trước hết là Hiến Chế tin lý Lumen Gentium (Dogmatic Contitution Lumen Gentium= Ánh Sáng muôn dân).

 

I- Hiến Chế Lumen Gentium ( LG)

 

Có thể nói đây là Hiến Chế quan trọng nhất của Công Đồng Vaticanô II về Mầu nhiệm, và Sứ mệnh của Giáo Hội trong trần thế, theo đó Giáo Hội nhận biết rõ mình là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô trên trần gian với sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao cho các Thánh Tông Đồ trước khi Người về Trời : “ Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” ( Mt 28: 19-20). Nghĩa là Giáo Hội được trao phó trọng trách tiếp tục rao giảng Tin Mừng và ban phát ơn cứu độ của Chúa Kitô cho mọi dân tộc thuộc mọi ngôn ngữ và văn hóa cho đến ngày mãn thời gian.Do đó, ai nghe Giáo Hội là nghe chính Chúa Kitô như Người đã nói với các môn đệ xưa :

 

Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy

Mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.” ( Lc 10: 16)

 

Hiến Chế Lumen Gentium đã dành trọn hai Chương Một và Hai, để nói về Mầu nhiệm Giáo Hội ở hai chiều kích siêu nhiên và nhân bản theo dòng thời gian của lịch sử cứu độ, qua đó Thiên Chúa tỏ mình trước hết cho dân Do Thái.Rồi qua các ngôn sứ trong thời Cựu Ước và cuối cùng qua chính Con Một Người là Chúa Kitô, Thiên Chúa đã mặc khải trọn vẹn ý muốn cứu độ con người qui tụ thành một cộng đoàn đức tin là Giáo Hội với sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và cử hành các bí tích mang ơn cứu độ như Phép Rửa, Thêm Sức , Thánh Thể và Hòa Giải.

 

Tiếp theo các chương Ba và Bốn nói về cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, đặc biệt là chức Giám Mục với ba nhiệm vụ rất quan trọng là giáo huấn, thánh hóa và cai quản. Giám Mục là “ những người kế vị các Tồng Đồ với sứ mệnh dạy dỗ muôn dân và rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật , hầu cho mọi người được cứu rỗi nhờ lãnh nhận đức tin, phép rửa và chu toàn giới răn của Chúa.” ( LG. số 24). Liên quan đế vai trò và địa vị của Giáo Dân, Công Đồng cũng đặc biết nhận mạnh đến sứ mệnh của người giáo dân, một thành phần rất quan trọng được “ kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian.” ( LG số 33).

 

Chương Năm của Hiến chế dành kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội phải cố gắng trở nên thánh thiện vì Chúa Kitô , là “ Đấng thánh duy nhất” đã yêu thương Giáo Hội như hiền thê của mình. ( LG, số 39). Chương Sáu dành riêng để nói về ơn gọi của hàng tu sĩ, tức những người có ơn gọi sống ba lời khuyên của Phức Âm là khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh ( chastity). Chương Bẩy nói về đặc tinh lữ hành của Giáo Hội trong trần thế nhưng hiệp nhất với Giáo Hội vinh quang chiến thắng trên Trời. Sau cùng là Chương dành riêng nói về vai trò của Đức Trinh Nữ Maria trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội.

 

Sau đây là những điểm căn bản trong tám chương nói trên của Hiến Chế Lumen Gentium:


 

a. Mầu Nhiệm và Sứ mệnh của Giáo Hội

 

Giáo Hội là Nhiệm Tích ( Sacrament) của Chúa Giêsu trong trần thế.với sự mệnh tiếp tục công trình cứu độ của Chúa qua nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng Cứu độ, và cử hành các bí tích nhất là Bí Tích Thánh Thể để “ mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó Chúa Kitô chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế ( 1 Cor 5, 7) thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiên.” ( x.LG , số 3)

 

Nghĩa là, Chúa Kitô đã một lần dâng Hy tế trên thập giá để đền tội cho nhân loại. Người đã hoàn tất công trình cứu độ của Người qua khổ hình thập giá, chết, sống lại và lên trời.Nhưng công trình cứu chuộc này còn được tiếp tục ban phát cho nhân loại cho đến ngày mãn thời gian, vì Thiên Chúa “ Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.”( 1 Tm 2 : 4)

 

Vì Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ nhờ Chúa Kitô, nên bao lâu còn có con người sinh ra trên trần thế này, thì bấy lâu Tin Mừng Cứu Độ và Hy Tế thập giá của Chúa Kitô còn tiếp tục được rao giảng và cử hành để mang lợi ích thiêng liêng cho mọi người sinh ra sau này mà chưa được biết Chúa Kitô và Tin Mừng cứu độ của Người.

 

Đây chính là sự mệnh mà Chúa Kitô đã trao phó trước tiên cho Giáo Hội sơ khai với 12 Tông Đồ rường cột . Các Tông Đồ đã trao lại cho các vị kế tục, tức là cho Tông Đồ Trưởng là Đức Thánh Cha và các giám mục hiệp thông và vâng phục Ngài trong Giáo hội theo Truyền thống Tông Đồ (Apostolic succession) cho đến nay và còn mãi về sau cho đến ngày cánh chung, tức là mãn thời gian. Trung thành với sứ mệnh này, Giáo Hội đã hăng say rao giảng Tin Mừng của Chúa Kitô cho mọi dân tộc trên thế giới và làm nhân chứng cho Chúa, mặc dù gặp phải nhiều gian nan khốn khó như Chúa đã báo trước cho các môn đệ :

 

“ Trong thế gian

Anh em sẽ phải gian nan khốn khó

Nhưng can đảm lên !

Thầy đã thắng thế gian. ( Ga 16 : 33)

 

Chúa đã thắng thế gian và tội tỗi qua sự chết và sống lại của Người để cho chúng ta hy vọng cũng sẽ được sống lại như Chúa sau khi kết thúc hành trình nhân thế qua cái chết trong thân xác của mọi người chúng ta.

 

Như thể, khi tham dự Thánh lễ Tạ ơn , chúng ta không những hiệp cùng Giáo Hội dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và dâng mọi vui buồn, đau khổ của chúng ta hiệp với sự đau khổ của Chúa Kitô làm của lễ dâng lên Chúa Cha để xin ơn tha thứ cho chúng ta ngày nay cùng thể thức mà Hy Tế của Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha lần đầu tiên trên thập giá để xin ơn tha thứ cho toàn thể nhân loại. Đó là tất cả ý nghĩa “công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện khi Chúa Kitô chịu hiến tế” cách bí nhiệm mỗi khi Thánh lễ Tạ Ơn được cử hành trên bàn thờ, như Giáo Hội dạy ( LG số 3)

 

Do đó, Thánh lễ Tạ Ơn là đỉnh cao của đời sống Giáo Hội và của mọi tín hữu Chúa Kitô, vì mỗi khi Thánh lễ được cử hành, Chúa Kitô lại hiện diện cách bí tích qua các thừa tác viên con người là linh mục hay giám mục để nhắc lại Giao Ước mới đã được đóng ấn bằng chính máu Chúa đã đổ ra thực sự trên thập giá làm Hy Tế đền tội cho cả loài người đáng bị phạt vì tội lỗi. Chính nhờ Hy Tế này mà con người được giao hòa lại với Thiên Chúa và có hy vọng được cứu rỗi để vui hưởng hạnh phúc Nước Trời mai sau.

 

Phải nói có hy vọng thôi chứ chưa chắc chắn bảo đảm như vậy vì con người còn có tự do để cộng tác với ơn cứu đô của Chúa để sống theo đường lối của Người hay khước từ Chúa để sống theo ý muốn cá nhân và lãnh nhận hậu quả của tự do chọn lựa này.

 

Chính trong chiều hướng muốn được cứu độ, mà Hiến Chế Tín lý- trong Chương thứ Năm, đã kêu gọi mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội- từ Hàng Giáo Phẩm, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân phải cố gắng nên thánh, vi: “ Cha của anh em trên Trời là Đấng Thánh” ( Mt 5 : 48). Đây là ơn gọi chung của mọi tín hữu trong Giáo Hội, phải sống để trở nên giống Chúa Kitô, Đấng đã vui lòng hiến mạng sống mình “ làm giá chuộc cho muôn người”.( Mt 20: 28)

 

Mặt khác, cũng trong khát vọng được cứu rỗi nhờ Chúa Kitô trong Giáo Hội của Người mà mọi tín hữu được mong đợi sống đời nhân chứng cho Chúa Kitô trước mặt người đời chưa biết và tin yêu Chúa như chúng ta. Nói khác đi, là những tín hữu Chúa Kitô , chúng ta được mời gọi mang Chúa đến cho người khác qua lời nói và việc làm của chính mình nhằm nêu cao những giá trị của Tin Mừng Cứu độ như công bình, bác ái, yêu thương , tha thứ và trong sạch để đương đầu với “văn hóa của sự chết” tôn thờ vật chất và mọi vui thú vô luân, vô đạo, như thực trạng sống của con người ở khắp nơi trên thế giới ngày nay.

 

(còn tiếp kỳ sau)

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Năm Đức Tin : Nguy Cơ Của Tiền Bạc Cho Đời Sống Đức Tin (1/23/2013)
Chứng Từ Thoát Khỏi Tự Tử Nhờ Đức Tin (1/22/2013)
Đời Sống Tâm Linh: Lòng Tin Của Các Môn Đệ (1/21/2013)
Chuyên Mục Đời Sống Tâm Linh: Lòng Tin Và Phép Lành (1/13/2013)
Năm Đức Tin : Tầm Quan Trọng Của Bí Tích Hòa Giải --- Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn (1/9/2013)
Tin/Bài cùng ngày
Đối Thọai Năm Đức Tin (1/2/2013)
Năm Đức Tin : Thế Nào Là Người Thực Sự Có Đức Tin ? (1/2/2013)
Năm Đức Tin : Học Hỏi Tài Liệu Của Công Đồng Vaticanô Ii : Giáo Dân Có Bổn Phận & Trách Nhiệm Gì Trong Giáo Hội ? (bài Tiếp Phần Ii) (1/2/2013)
1-lời Giới Thiệu Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Của Thiên Chúa (dei Verbum) (bản Dịch Của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Hđgmvn) (1/2/2013)
Tin/Bài khác
Canh Tân Giờ Kinh Gia Đình Năm Đức Tin (12/20/2012)
Những Vấn Đề Khoa Học Và Đức Tin (12/5/2012)
Phỏng Vấn: Khoa Học Và Đức Tin (11/30/2012)
Lịch Sử Thần Học Chúa Ba Ngôi (11/29/2012)
Kinh Năm Đức Tin (đã Được Hđgmvn Chuẩn Nhận) (11/24/2012)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768