MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: lm anton nguyễn văn độ
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Hồng Ân Của Mẹ - Một Phép Lạ
Chủ Nhật, Ngày 8 tháng 4-2012

Một Phép Lạ

Tác giả: Bửu Uyển

 

Ngày thứ Bảy, 26 tháng 1 năm 2008, từ San Diego, tôi và nhà tôi đến thành phố Santa Ana để dự đám cưới của con gái người bạn thân của tôi. Vì tiệc cưới chấm dứt qúa trễ, nên chúng tôi phải ở lại Santa Ana. Hôm sau, Chúa Nhật, chúng tôi đi dự thánh lễ 4 giờ chiều dành cho giáo dân ViệtNam ở giáo xứ Santa Barbara.

Khi thánh lễ chấm dứt, chúng tôi ra viếng Đức Mẹ ở hang đá ngoài nhà thờ. Trước hang đá, không biết bao nhiêu hoa, đủ màu sắc do giáo dân mang đến dâng kính Đức Mẹ. Chúng tôi đứng trước thánh tượng Mẹ để chiêm ngắm và cầu nguyện với Mẹ. Bỗng có một người ngồi trên xe lăn, đến gần chúng tôi, phản ứng tự nhiên, tôi quay nhìn người ấy: đó là một người đàn ông đứng tuổi, mặc quân phục rằn ri, bên cánh tay trái có gắn phù hiệu của binh chủng Nhảy Dù, trước ngực có bảng tên Hiếu. Tự nhiên tôi có cảm tình với người khách lạ mà tôi mới được gặp lần đầu.

Khi ông ấy quay xe để ra về, tôi đến trước mặt ông: “Chào ông, có lẽ trước đây ông phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù?” Ông ấy ngạc nhiên nhìn tôi, rồi trả lời: “Dạ vâng, tôi thuộc binh chủng Nhảy Dù.”

-          Ông qua Mỹ lâu chưa ạ?

Ông ta nhẩm tính rồi nói. Dạ được 16 năm rồi.

-          Gia đình tôi cũng qua Mỹ được 16 năm, chúng tôi đi theo diện H.O.

Người khách lạ cởi mở hỏi tôi: “Ông thuộc binh chủng nào vậy?”

-          Thưa ông tôi phục vụ bên ngành Hành Chánh, vì vậy tôi luôn ao ước được biết về những cuộc chiến đấu hào hùng của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, nhất là của binh chủng Nhảy Dù.

Ông khách mỉm cười nói:”Nếu tôi kể cho ông nghe về những trận đánh khốc liệt mà tôi đã tham dự, có lẽ một tháng cũng chưa hết, vậy nếu thuận tiện, mời ông đến nhà tôi, cũng gần đây thôi, tôi sẽ hầu chuyện với ông.”

Ông ta cho tôi điạ chỉ và số điện thoại của ông. Tên của ông là Lê Trung Hiếu.

Khoảng hơn 7 giờ tối, chúng tôi đến nhà ông Hiếu. Ông ở trong khu mobile home trên đường First của thành phố Santa Ana.

Ông Hiếu vui vẻ đón tiếp chúng tôi. Ông nói ”Các con của chúng tôi đã lớn hết cả, chúng ra riêng hết rồi, chỉ còn hai vợ chồng già chúng tôi ở với nhau.”

Sau khi chào hỏi, ông Hiếu mời chúng tôi vào nhà. Ngay phòng khách của ông là bàn thờ Đức Mẹ dịu dàng dang hai tay như chờ đón con cái đến với Mẹ; chung quanh Mẹ, hoa và đèn rực rỡ uy nghiêm.

Tôi gợi chuyện với ông Hiếu: Thưa ông trước năm 1975, tôi phục vụ trong ngành Hành Chánh, nên ít có dịp biết về những trận chiến đấu oai hùng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là binh chủng Nhảy Dù tinh nhuệ của ông, xin ông vui lòng kể cho chúng tôi nghe một vài trận đánh, mà theo ông, là ác liệt nhất, trong những năm ông phục vụ trong quân đội.

Ông Hiếu trầm ngâm một lúc, rồi nói: Thưa ông, Liên Đoàn I của Sư Đoàn Dù chúng tôi, hễ tham dự vào trận đánh nào, thì đó là trận khốc liệt và qui mô nhất. Nhiều lắm, nhiều lắm, nhưng tôi xin kể trận đánh cuối cùng của đời binh nghiệp của tôi: “Thưa ông, khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi đã dạy tôi đọc kinh Kính Mừng. Hằng ngày, cuộc sống gương mẫu và đạo đức của mẹ tôi là bài học sống động, dạy tôi yêu mến Đức Mẹ. Không có một việc vui, buồn nào trong đời của mẹ tôi mà bà không tạ ơn Đức Mẹ. Lòng sùng kính Đức Mẹ như bao trùm cuộc sông của mẹ tôi. Khi tôi bắt đầu có trí khôn, một hôm tôi hỏi mẹ tôi: “Sao mẹ đặt tên cho con là Hiếu vậy? Mẹ tôi trả lời: “Con sinh thiếu tháng, lại sinh ra trong mùa Đông gió rét ở Huế, con bị sưng phổi và ho gà nữa. Bác sĩ lắc đầu bảo: e cháu không sống nổi. Mẹ đem con đến nhà thờ Phường Đúc – Huế và dâng con cho Đức Mẹ, thế rồi con lành mạnh và lớn lên bình thường như những trẻ em khác. Mẹ đặt tên con là Hiếu, để luôn nhắc nhở con nhớ ơn Đức Mẹ, vì Mẹ là ân nhân đầu đời của con.”

Lòng sùng kính Đức Mẹ lớn dần theo tuổi đời của tôi. Ngày tôi lên đường nhập ngũ, mẹ tôi trao cho tôi một tràng hạt Mân Côi, rồi bà đeo vào cổ tôi một tượng Đức Mẹ; bà ân cần dặn dò tôi: “Con nhớ cầu nguyện với Đức Mẹ mỗi ngày; Đức Mẹ sẽ phù hộ, cứu giúp con.”  Tôi lên đường tòng quân với niềm tin vững vàng rằng: Đức Mẹ luôn ở bên tôi và sẵn sàng nâng đỡ tôi.”

Phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù, nên nơi nào chiến trường sôi động là nơi đó có mặt lính Nhảy Dù. Vì vậy, tôi đã tham chiến hàng trăm trận đánh ác liệt. Biết bao lần lâm vào hoàn cảnh vô cùng tuyệt vọng, tôi cứ nghĩ là không thể nào thoát chết được. Nhưng nhờ Đức Mẹ che chở, tôi đều bình yên vô sự một cách kỳ lạ. Năm 1972 khi mặt trận An Lộc bùng nổ, Lữ Đoàn I của chúng tôi được không vận đến tham chiến. Nhưng lực lượng của địch qúa mạnh, đơn vị của chúng tôi thiệt hại nặng nề. Bộ chỉ huy tiểu đoàn 2 của chúng tôi bị tràn ngập. Tôi và hai chiến sĩ nhảy dù khác cố thủ trong một căn hầm, nằm ở phiá Tây của Bộ Chỉ Huy. Sau nhiều giờ anh dũng đẩy lui các đợt tấn công của địch, thình lình một qủa bộc phá, không biết từ hướng nào, lọt vào căn hầm của chúng tôi. Một tiếng nổ long trời, lở đất bùng lên, và tôi không còn biết gì nữa.

 Không biết tôi đã bất tỉnh trong bao lâu, khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên giường bệnh, trên người tôi dây nhợ chằng chịt, và tôi đang được truyền máu. Thấy tôi mở mắt, các y tá và bác sĩ đứng chung quanh tôi đều tỏ vẻ vui mừng. Một cô y tá cho tôi uống mấy giọt nước. Tôi dần nhớ lại những sự kiện trước lúc tôi bị bất tỉnh trong căn hầm An Lộc. Tôi hỏi một người đàn ông đứng cạnh giường, có lẽ ông ấy là bác sĩ phụ trách phòng này, “Tại sao tôi nằm ở đây?” Ông ấy kể cho tôi nghe câu chuyện như sau:

Thưa ông, khi mặt trận An Lộc kết thúc, địch quân đã rút lui hoàn toàn, binh sĩ của chúng ta đi thu nhặt các tử thi để chuyển về hậu cứ. Khi đến căn hầm đổ nát của ông, họ nhặt xác hai chiến hữu của ông đã tử trận, không toàn thây. Thấy ông nằm trong góc hầm, họ yên chí là ông cũng đã chết như hai người kia. Họ lôi xác ông ra khỏi hầm, chuẩn bị gói vào bao nylon. Bỗng, một binh sĩ thấy trên ngực của ông có một tượng Đức Mẹ, anh ta hiếu kỳ đưa tay nhặt lấy tượng Đức Mẹ. Nhưng anh ta vội rụt tay lại, vì anh có cảm giác là ngực của ông còn phập phồng. Anh ấy áp tai sát vào ngực ông, và xác nhận là ông còn sống. Trực thăng đã cấp tốc đưa ông vào Tổng Y Viện Cộng Hoà và ông được cứu sống.

Ngừng lại một lát, vị bác sĩ nói tiếp: “Khi ông được đưa vào phòng cấp cứu, chúng tôi băng bó các vết thương, mổ lấy các mảnh đạn trong người ông, và khẩn cấp chuyển máu. Thật lạ lùng, ông bị thương nặng như vậy, mà chỉ vài giờ sau, nhịp thở của ông đã đều đặn. Sau đó, chúng tôi đã trang trọng đeo lại bức tượng Đức Mẹ vào cổ của ông. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu không có tượng Đức Mẹ nằm trên ngực của ông thì ông đã bị các binh sĩ cho vào bao nylon và đưa vào nhà xác rồi. Tôi không phải là người Công Giáo, nhưng trường hợp thoát chết của ông qủa thật là một phép lạ. Vì 3 người ở trong một căn hầm nhỏ hẹp khi qủa bộc phát nổ, 2 người kia tan xác, còn ông chỉ bị mất một chân và thương tích chút đỉnh mà thôi. Rồi vị bác sĩ mỉm cười nói tiếp, Đức Mẹ đã cứu ông đấy.”

Nghe lời kể của vị bác sĩ, tôi cảm động qúa, nước mắt của tôi chảy dài xuống má. Tôi hướng lòng lên Đức Mẹ, tôi thì thầm cầu nguyện với Đức Mẹ: “Lạy Mẹ từ bi, Mẹ quyền phép và nhân ái biết dường nào. Một lần nữa, Mẹ đã cứu con, con muôn vàn tạ ơn Mẹ.”

Nãy giờ bà Hiếu ngồi im lặng nghe chồng kể câu chuyện năm xưa, ông đã được Đức Mẹ cứu sống như thế nào. Bà vui vẻ góp chuyện:

Thưa ông, khi mẹ chồng của tôi và tôi, nghe tin mặt trận An Lộc đánh lớn, và anh ấy lại đang chiến đấu ở đó, mẹ con chúng tôi vô cùng lo lắng. Hằng ngày tin chiến sự từ An Lộc dồn dập gởi về hậu phương. Nhiều gia đình các chiến hữu của anh ấy đã nhận được tin của chồng, của con, hoặc đã tử trận, hoặc đã bị thương. Nhưng cho đến khi mặt trận An Lộc lắng dịu, tôi vẫn không nhận được tin tức gì của chồng tôi. Gia đình qúa bối rối, không biết anh ấy còn sống hay đã chết? Thời gian đó, chúng tôi cư ngụ tại Cư Xá Thanh Đa; mỗi ngày mẹ con chúng tôi đem nhau đến nhà thờ Bình Triệu để cầu xin Đức Mẹ phù hộ cứu giúp chồng tôi. Ngồi dưới chân Đức Mẹ, tôi khóc, mẹ tôi cũng khóc, các con tôi thẫn thờ buồn bã. Cho đến một hôm, một điều lạ lùng mà tôi không thể nào hiểu được, lúc tôi đang ngồi trong nhà thờ, đọc kinh, cầu nguyện, chung quanh tôi các tín hữu sốt sáng lần hạt...tôi lại đang sống trong tình trạng lo âu, thế mà tôi ngủ lúc nào không biết – không phải ngủ gật, mà ngủ say. Trong giấc ngủ, tôi mơ màng nghe một tiếng nói dịu dàng từ xa xôi vảng lại: “Chồng con không chết đâu, con sẽ nhận được tin của chồng con nay mai.”

Tôi giật mình tỉnh dậy, ngơ ngác và xấu hổ với những người chung quanh. Nhưng nhớ lại lời nói thân thiết và rõ ràng trong giấc ngủ, tôi vui mừng và hy vọng biết bao. Nhìn lên tượng Đức Mẹ, tôi chân thành tạ ơn Đức Mẹ, vì tôi tin, đó là sự thật, Đức Mẹ báo cho tôi biết.

Ngồi bên cạnh tôi, mẹ tôi đang lâm râm lần hạt. Tôi kéo tay mẹ tôi và bảo “Đi về mẹ.” Ra khỏi nhà thờ, tôi kể cho mẹ tôi nghe về giấc ngủ kỳ lạ của tôi trong nhà thờ, và tiếng nói dịu hiền mà tôi nghe trong giấc ngủ. Mẹ tôi nói: “Mẹ tin như thế, chồng con không chết đâu, dù nguy hiểm thế nào đi nữa, nhưng Đức Mẹ luôn luôn ở bên cạnh để phù hộ, che chở cho chồng con.”

Ngày hôm sau, người đưa thư đến trao cho chúng tôi bức điện tín của Tổng Y Viện Cộng Hòa: “Kính mời gia đình Thiếu Tá Lê Trung Hiếu, đến Tổng Y Viện Cộng Hòa để thăm Thiếu Tá, ông đang nằm điều trị ở đây.”

Tôi mừng rỡ và cảm động. Tôi chạy đến ôm lấy chân Đức Mẹ trên bàn thờ, tôi như sống trong mơ, tôi khóc dưới chân Mẹ từ bi. Kể đến đây, bà Hiếu qúa xúc động, bà nhìn về phía bàn thờ Đức Mẹ, và lấy khăn lau nước mắt.

Ông Hiếu vỗ vai vợ, rồi chậm rãi nói: ‘Thưa ông, suốt 12 năm phục vụ trong quân đội, sau mỗi trận chiến đấu, khi tôi được trở về bình yên, là y như có bàn tay của Đức Mẹ che chở. Nhưng đặc biệt ở trận An Lộc năm 1972, sự phù hộ, cứu giúp của Đức Mẹ dành cho tôi qúa hiển nhiên và rõ ràng như một phép lạ. Điều này, một lần nữa đã minh chứng cho chân lý: “Chưa hề có ai chạy đến cùng Đức Mẹ mà Mẹ để về tay không.”

(còn tiếp....)

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Chúa Giêsu Là Ánh Sáng, Suy Niệm Lễ Nến, Lm Antôn Nguyễn Văn Độ (1/29/2017)
Hãy Hối Cải, Vì Nước Trời Đã Gần Đến (suy Niệm Của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ) (1/22/2017)
Chính Ngài Là Con Thiên Chúa (suy Niệm Của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ) (1/14/2017)
Suy Niệm Lễ Kính Thánh Gia, Lm Antôn Nguyễn Văn Độ (12/27/2016)
Suy Niệm Lễ Vọng Giáng Sinh, Lm Antôn Nguyễn Văn Độ (12/20/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768