MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm :: mỗi ngày một vị thánh
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Thứ Năm: Sự Sống Chuyên Nghiệp (3/9/2015, Tuan Cn-22b-tn)
Thứ Năm, Ngày 3 tháng 9-2015
Thứ Năm


sự sống chuyên nghiệp


Bài Đọc I: (Năm I) Cl 1, 9-14

Đáp Ca: Tv 97, 2-3ab. 3cd-4. 5-6

Phúc Âm: Lc 5, 1-11



Nếu thành Carphanaum là phố hội Chúa Giêsu thường lui tới gặp gỡ dân chúng thì Biển Hồ Galilêa cũng gọi là Gennesaret hay Tiberias cũng là khu vực tỏ mình ra của Chúa Giêsu, cách riêng cho thành phần môn đệ của Người, kể cả sau khi Người sống lại từ trong cõi chết như Phúc Âm của Thánh Gioan thuật lại ở đoạn 21 cuối cùng.  


Biển Hồ này rộng nhất ở nước Do Thái, với diện tích là 53 kilo mét vuông, bao gồm 21 km chiều dài và 13 km chiều ngang. Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy Chúa Giêsu lần đầu tiên tỏ mình ra cho một thiểu số người trẻ mà Người đã có ý tuyển chọn họ. Tiến trình tỏ mình để tuyển chọn các môn đệ đầu tiên này của Người được Phúc Âm thuật lại như sau:


"Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Gennesaret. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng".


Hình như Chúa Giêsu cứ muốn làm quen với chàng Simon sao ấy. Trong bài Phúc Âm hôm qua, Người đã cố ý vào nhà của chàng, chứ không vào nhà của một ai khác trong một thành phố đông người ở, và trong bài Phúc Âm hôm nay, Người lại cố ý xuống thuyền của chàng, cho dù bấy giờ có "hai chiếc thuyền đậu gần bờ", có thể là hai chiếc thuyền của 2 cặp anh em được Thánh ký Mathêu thuật lại: "Simon được gọi là Phêrô và anh mình là Anrê" và "Giacôbê con của Zêbêđê và em mình là Gioan" (4:18,21). 


Chưa hết, việc nhờ chiếc thuyền của chàng Simon để "giảng dạy dân chúng" mới là bước thứ hai trước khi Người tiến sang bước thứ ba cũng là bước quyết liệt, bước Người muốn lợi dụng để tỏ mình ra trước khi kêu gọi và tuyển chọn mấy môn đệ đầu tiên này. Và bước thứ ba được Phúc Âm hôm nay thuật lại đó là: "Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: 'Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá'".


Đây không phải là một lệnh truyền của Thày đối với các môn đệ của mình, mà chỉ là một lời mời gọi, một thách đố, và là một thách đố đã được chàng Simon thành thực thưa lại và sẵn sàng tuân theo vì lòng cảm phục tự nhiên của mình đối với một Đấng mà chàng không biết làm sao cứ theo đuổi từ thành phố kia ra đến biển hồ này: "Ông Simon thưa Người rằng: 'Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới'".


Qua câu đối đáp đầu tiên vô cùng dễ thương này của chàng Simon chân thành trực tính thuộc dân chài lưới chuyên nghiệp thân thưa cùng Chúa Giêsu, chúng ta thấy ngài quả thực xứng đáng được Chúa Giêsu sau này tuyển chọn lãnh đạo tông đồ đoàn và thay Người chăn dắt đàn chiên thuộc Giáo Hội được Người thiết lập trên ngài là tảng đá (xem Gioan 21:15-17; Mathêu 16:18-19). Tại sao? 


Tại vì "đức tin tuân phục" (Roma 1:5) của chàng. Ở chỗ, cho dù chàng là một tay chuyên nghiệp đánh cá, đánh cá thâu đêm suốt sáng mà chẳng được gì, thế mà sẵn sàng tin tưởng nghe theo một Giêsu nào đó mới quen, một nhân vật dù sao quá khứ cũng chỉ là con của một bác thợ mộc quèn (xem Marco 6:3) và thậm chí còn hành nghề thợ mộc nữa (xem Mathêu 13:55). 


Thế nhưng, cũng chính nhờ "đức tin tuân phục" của chàng, tức nhờ quyền năng của Đấng mà chàng tin tưởng tuân phục, mà việc chàng làm đã đạt được thành quả ngoài sức tượng tượng của chàng, vượt sức tự nhiên của chàng, như Phúc Âm hôm nay thuật lại: "Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm".


Cho đến lúc ấy, đến lúc thấy được mẻ cá vô cùng lạ lùng như vậy, nghĩa là sau khi cả đêm thất bại theo sức tự nhiên chuyên nghiệp của mình và sau khi chỉ cần nghe lời của một tay chuyên nghề thợ mộc, tất cả mọi người trong cuộc, đặc biệt nhất là chàng Simon, mới bàng hoàng trước Đấng Tối Cao, đến độ chàng cảm thấy mình vô cùng bất xứng mới thành thực thưa với Người rằng


"Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: 'Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi'. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế".


Đạt được mục đích của mình là làm cho đối tượng kinh ngạc và vô cùng cảm phục, Chúa Giêsu mới chính thức công khai tuyển chọn họ để họ có thể làm một cái nghề còn cao cả hơn nghề đánh cá bấy giờ của họ nữa, còn quan trọng hơn nữa, còn khẩn thiết hơn nữa: "Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: 'Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta'. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người".


Hôm nay, Bài Đọc 1 cho năm lẻ không còn được trích từ Thư 1 gửi Giáo đoàn Thessalonica nữa mà là Thư gửi Giáo đoàn Côlôsê, trong đó Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô bày tỏ lời nguyện cầu cho Kitô hữu ở địa phương này "được đầy sự hiểu biết thánh ý Chúa, với tất cả sự khôn ngoan và sự thông hiểu thiêng liêng, để anh em ăn ở xứng đáng đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi sự, và sinh hoa kết quả trong mọi việc lành, cùng phát triển trong sự nhận biết Thiên Chúa. Được củng cố bằng một sức mạnh dồi dào, chiếu theo quyền năng cả sáng của Người, anh em nhẫn nại và vui mừng khoan dung trong mọi sự. Anh em cảm tạ Chúa Cha, Đấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Người đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Người, trong Ngài chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Ngài, và được ơn tha tội"


Những gì Thánh Phaolô nói với Kitô hữu Côlôsê ở đây hoàn toàn phản ảnh nơi trường hợp của chàng Simon trong bài Phúc Âm hôm nay: "đầy sự hiểu biết thánh ý Chúa" (bằng việc dễ dạy), "ăn ở xứng đáng đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi sự" (bằng việc tuân phục), "sinh hoa kết quả trong mọi việc lành" (nơi mẻ cá lạ), "cùng phát triển trong sự nhận biết Thiên Chúa" ("xin xa con ra vì con là kẻ tội lỗi"), "trong Ngài chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Ngài, và được ơn tha tội" ("Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta").


Bài Đáp Ca hôm nay bày tỏ một nhận thức thần linh về ơn cứu độ của Thiên Chúa cho muôn dân bằng đức công chính của Ngài (câu 1), nhờ đó làm cho khắp mọi trên trái đất nơi hân hoan vui sướng (câu 2), nhất là loài người lại càng phải chúc tụng ngợi khen Ngài (câu 3). 


1) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.


2) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. 


3) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. 

 


Ngày 03: Thánh Grêgôriô cả, Giáo Hoàng Tiến Sĩ Hội Thánh


Thánh Grêgoriô xuất thân từ một gia đình danh giá và đạo đức ở La Mã. Thuở thiếu thời, Ngài đã tỏ ra là một đứa trẻ rất đặc biệt về trí thông minh và lòng đạo đức. Ðến tuổi trưởng thành, Ngài đã lần lượt bước lên những bậc thang cao nhất của danh vọng trần tục, dù vậy tâm hồn Ngài vẫn chưa thỏa mãn và luôn xao xuyến như chưa làm được điều gì lợi ích cho Giáo Hội Chúa. Vì thế, một ngày kia, Ngài đã quyết định từ bỏ mọi vinh hoa trần thế, bán hết gia sản phân phát cho người nghèo rồi vào ẩn mình trong một tu viện (575). Sau đó, Ngài lãnh chức phó tế và được gửi đi thi hành sứ vụ tại Constantinople (580-585). Rồi Ngài được triệu hồi về Rôma để kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, và cuối cùng, vào năm 590, Thiên Chúa lại cất nhắc Ngài lên làm đấng chăn chiên kế vị Thánh Phêrô.

Trong suốt 14 năm lèo lái con thuyền Giáo Hội, Ðức Grêgoriô đã nỗ lực xây dựng Hội Thánh trong nhiều lãnh vực: Chú giải thánh kinh, phục hưng bình ca và phụng vụ, Ngài cũng đặc biệt lưu tâm đến những vấn đề xã hội và những tiến bộ khoa học. Thực vậy, khi nghiên cứu về đời sống và hoàn cảnh xã hội dưới thời Ðức Grêgoriô cả, nhiều sử gia đã không ngần ngại hạ bút kết luận bằng 4 chữ: "hoàng kim thời đại".

Trong cuộc sống thường nhật, Ngài cũng tỏ ra một lòng ưu ái đặc biệt đối với những người nghèo và một tinh thần khiêm tốn. Ngài vẫn tự xưng mình là đầy tớ của các đầy tớ Chúa.

Ngài qua đời năm 604. Năm 1298 Ðức Giáo Hoàng Bonifaciô VIII đã tôn phong Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Lễ Kính Các Tổng Lãnh Thiên Thần Micael, Gabriel, Và Raphae (9/29/2016)
"người Đàn Bà Tội Lỗi Trong Thành" - Một Người Nữ Đủ Mọi Thứ Quỉ? (9/16/2016)
Ba Cụm Từ Mà Mỗi Cặp Vợ Chồng Nên Biết (7/30/2016)
Thứ Bảy - Cn23b-tn: Sự Sống Chân Móng (9/12/2015)
Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần Xxiii Thường Niên 6-12/9/2015 (9/6/2015)
Tin/Bài khác
Thứ Tư: Sự Sống Đại Đồng (2/9/2015) (9/2/2015)
Thứ Ba: Sự Sống Thoát Thân (1/9/2015) (9/1/2015)
Thứ Hai --- Sự Sống Hướng Ngoại (8/31/2015)
Chúa Nhật: Sự Sống Tập Tục --- Cn22b-tn (8/30/2015)
Thứ Bảy: Sự Sống Làm Tôi --- Ngày 29/8 Lễ Nhớ Tiền Hô Gioan Tẩy Giả Bị Cắt Đầu (8/29/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768