MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: tác giả lm. nguyễn hữu thy
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Tử Quy Hay Trên Đường Trở Về Nhà Cha (2)
Thứ Năm, Ngày 11 tháng 11-2010
VietCatholic News (02 Nov 2010) 
Chương ba: Ngày phán xét chung

Trong hai chương trên đây chúng ta đã đề cập tới Thiên đàng, Luyện ngục và Hỏa ngục, người lành và kẻ dữ, tình yêu, sự công bằng và sự bất công, sự ban thưởng và sự luận phạt, sự vui hưởng hạnh phúc Thiên đàng và sự trầm luân muôn kiếp trong Hỏa ngục đầy đau khổ và tuyệt vọng, v.v…, tất cả những thực tại ấy đã đương nhiên khẳng định sự hiện hữu một biến cố khách quan không thể phủ nhận, đó là: Sự phán xét!

I. Nguồn gốc

Nhưng trước hết, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc sự hiện hữu đích thực của sự phán xét con người sau khi chết. Ở đây, chúng tôi chỉ xin trình bày một cách ngắn gọn và cô đọng trong hai dẫn chứng.

1. Dấu vết trong lịch sử các tôn giáo ngoài Kitô giáo

Người ta có thể nói được rằng nguồn gốc ý tưởng về sự phán xét của Thiên Chúa đã được xuất phát từ đạo Bái Hỏa giáo, tức đạo Thờ Thần Lửa (Parsisme hay Zoroastrisme); từ quan niệm về Nước các Thần linh của dân Ba-by-lon thời cổ đại và từ những ý tưởng về thế giới bên kia của người Ai-cập thời thượng cổ.

Thật vậy, trong vai trò tiền phong về chủ trương biến cố cánh chung hay thế mạt, tức ngày tận thế, đạo Bái Hỏa giáo khẳng định rằng các kẻ chết phải bị xét xử và có một cuộc chiến mang tính cách quyết định trong ngày tận thế giữa thiện và ác, tức ngày phát xét chung. Trong ngày đó vua thần Ba-by-lon sẽ nắm giữ vai trò làm quan tòa tối cao và sẽ bảo toàn trật tự của vũ trụ. Còn tại Ai-cập qua các bản văn người ta tìm thấy trong các kim tự tháp, trong các sách viết về thế giới bên kia và trong sách viết về các kẻ chết, người ta biết được rằng người Ai-cập thời cổ đại quan niệm rằng bên kia thế giới có một cuộc xét xử cá nhân từng người.

Còn niềm xác tín Do-thái giáo tổng hợp ý niệm về vũ trụ và ý niệm về thời gian lại trong tư tưởng về một cuộc phán xét chung trong ngày cuối cùng của vũ trụ và tiếp đến là sự hiển trị của vương quyền Đấng Thiên Sai. Sau này phần Kinh Thánh Tân Ước cũng tiếp nhận tư tưởng này và còn coi đó như một lời cảnh báo về sự phán xét gần kề trên tất cả những người sống và kẻ chết. Sự phán xét ấy sẽ quyết định số phận của mỗi người, hoặc được vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên Nước Trời hoặc bị luận phạt muôn đời trong Hỏa ngục, và đồng thời cũng là thời giờ quan trọng để thiết lập Nước Thiên Chúa một cách trọn vẹn cuối cùng. Đây là hình ảnh sống động đã được thánh Gio-an Tông Đồ trình bày một cách rõ ràng đặc biệt trong Sách Khải Huyền, khi ngài nói về „Trời mới>“, „Đất mới“ và „Thành thánh Giê-ru-sa-lem mới“ (Kh 21,1), và tất cả những điều ấy được coi như là sự hoàn tất trọn vẹn những lời hứa về Nước Thiên Chúa.

Sau cùng, trong Hồi Giáo, niềm xác tín coi ngày phán xét chung như là ngày tận thế và là sự quay trở về với Chúa Allah, vốn bắt nguồn từ quan niệm của Kinh Thánh Kitô giáo, là chủ đề chính của Sách Cô-ran (Kinh Thánh Hồi giáo), một cuốn sách được viết vào thế kỷ VII sau công nguyên, và là nền tảng của đức tin Hồi Giáo. Do đó, đối với các tín đồ Hồi Giáo, kẻ nào khi còn sống mà phủ nhận sự phán xét của Thiên Chúa, sẽ bị coi là kẻ vô đạo và khi chết sẽ bị „Đức Chúa trong ngày phán xét“ ra án phạt trầm luân muôn kiếp trong Hỏa ngục.

2. Qua giáo huấn của Chúa Giê-su

Nhưng quan trọng nhất là chính các giáo huấn của Chúa Giê-su về ngày phán xét. Người đã trực tiếp đề cập đến quang cảnh „Ngày Phán Xét Chung“ mà thánh sử Mát-thêu đã ghi lại. Đây là một bản văn vô cùng quan trọng, nên chúng tôi xin trích dẫn ra đây toàn bản văn đó một lần nữa, để các bạn đọc có thê dễ dàng tham khảo hơn. Người phán:

„Khi Con Người ngự đến trong vinh quang của Người, có tất cả các Thiên thần theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng về phía bên phải Người, còn dê ở phía bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: „Nào những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các người đã cho ăn; Ta khát, các người đã cho uống; Ta là khách lạ, các người đã tiếp rước; Ta trần truồng, các người đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến hỏi han. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: „Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, thấy khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?“ Đức Vua sẽ đáp lại rằng: „Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.“ Rồi Đức Vua sẽ phán với những người bên trái rằng: „Quân bị nguyền rủa kia, hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các đồ đệ của y. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.“ Bấy giờ những người ấy sẽ thưa rằng: „Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu? Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: „Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.“ Thế là họ ra đi để chịu hình phạt muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.“ (Mt 25,31-46)

Những lời giáo huấn của Chúa Giê-su quả thực đã quá minh bạch rõ ràng. Và qua những lời giáo huấn ấy, chúng ta đã nhận chân được rằng trong cuộc sống đời này, đức ái nhân hay tình yêu thương chân thành đối với tất cả mọi anh chị em đồng loại, nhất là những người đang cần đến sự giúp đỡ của ta, dù họ là ai đi nữa, là cơ sở căn bản để Thiên Chúa phán xét công hay tội nơi mỗi người trong chúng ta. Vì Người không chỉ yêu thương, che chở và bênh vực những người nghèo hèn, đói khổ và bất hạnh, nhưng Người còn tự đồng hóa mình với những người ấy nữa. Do đó, những ai khi sống trên đời này mà thiếu bác ái và thiếu quan tâm tới người đồng loại, nhất là tới những người đồng loại nghèo khổ và bất hạnh, thì sẽ khó tránh khỏi án phạt nặng nề của Thiên Chúa chí công.

2.1. Thiếu quan tâm tới các đồng loại bất hạnh là trọng tội

Để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình bác ái, của tinh thần tương thân tương ái, và của sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người trong đời sống xã hội, Chúa Giê-su còn kể dụ ngôn “Ông nhà giàu và La-da-rô nghèo khổ” sau đây:

“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa và gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khổ tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ lở trên mình anh ta. Thế rồi người nghèo này chết và được Thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem đi chôn.

Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy Tổ phụ Áp-ra-ham ở đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng Tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: Lạy Tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ lên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm! Ông Áp-ra-ham trả lời: Con ơi, con hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi ở đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

Ông nhà giàu nói: Lạy Tổ phụ, vậy con xin Tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì hiện con còn năm người anh em nữa. Xin sai anh ấy đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này! Ông Áp-ra-ham trả lời: Chúng đã có Mô-sê và các vị Tiên Tri, thì chúng cứ nghe lời các vị đó dạy. Ông nhà giàu nói: Thưa Tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn hối cải. Ông Áp-ra-ham bèn nói: Mô-sê và các vị Tiên Tri mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu.” (Lc 16,19-31)

Qua dụ ngôn «Ông nhà giàu và La-da-rô nghèo khổ», Chúa Giê-su muốn cảnh cáo những người sử dụng của cải một cải một cách ích kỷ, nghĩa là những người chỉ biết làm thỏa mãn những đòi hỏi tự nhiên của bản thân, mà quên quan tâm đến nhu cầu của anh em đồng loại, nhất là những người đang phải sống trong cảnh đói khổ, bệnh tật, cô thế cô thân, và đang cấp bách cần sự giúp đỡ của các đồng loại.

Dĩ nhiên, qua câu truyện này chúng ta nhận thấy rằng Thiên Chúa không hề cấm ta có nhiều tiền bạc của cải. Người không hề cho cuộc sống giàu có là tội lỗi, đáng lên án, và đồng thời Người cũng không cho rằng tất cả những người nghèo đều được cứu rỗi, đều nên thánh cả. Trái lại, Người chỉ muốn nói đến cái nguy hiểm nghiêm trọng của việc sử dụng tiền bạc của cải đời này một cách sai lạc, một cách cách ích kỷ, chỉ lo ấm thân mà quên nỗi khổ của kẻ khác.

Đúng vậy, tội của ông nhà giàu trong dụ ngôn không phải vì ông là một người giàu có, một người có nhiều tiền lắm của, cũng chẳng phải do ông ăn sung mặc sướng hay có kẻ hầu người hạ đầy nhà, nhưng là vì ông ta sống ích kỷ, chỉ biết tìm cách làm thỏa mãn mọi nhu cầu bản thân, chứ không thèm quan tâm để ý đến các nhu cầu cấp bách, đến sự khốn cùng của đồng loại đang sống bên cạnh ông. Trong khi ông ăn mặc xa hoa sung sướng, thì La-da-rô, một người quá thiếu thốn nghèo khổ, đang nằm chờ chực ngay trước cửa nhà ông mà không hề được ông quan tâm giúp đỡ.

Qua dụ ngôn này, chúng ta có thể rút tỉa cho mình một số bài học thực tiễn.

Thứ nhất: Điều đầu tiên dụ ngôn muốn khẳng định là tất cả mọi người đều phải chết, và chết chưa phải là hết, vì sau khi chết phần thể xác, linh hồn con người vẫn tiếp tục sống một cuộc sống bất tử, cuộc sống vĩnh cửu, và cuộc sống ấy phải gánh chịu tất cả mọi hậu quả tốt hay xấu, phúc hay tội của cuộc sống trong thể xác ở đời này.

Ở điểm này, nếu nói theo ngôn ngữ bình dân, phổ thông và mang tính cách gợi hình, thì ngay sau khi chết con người phải ra đứng hầu trước tòa Thiên Chúa và bị xét xử về tất cả mọi tư tưởng, mọi lời nói cũng như mọi hành động mà người ấy đã làm trong cuộc sống trên trần thế trước kia của mình, để hoặc đáng được thưởng công trên Thiên đàng hay bị luận phạt trong Hỏa ngục. Nhưng nếu dựa trên nền tảng các giáo huấn của đức tin mà suy luận, thì người ta sẽ nhận chân được rằng nếu sau khi chết con người trút bỏ lại thể xác với tất cả tính chất nặng nề, chậm chạp của nó và trở nên thiêng liêng nhẹ nhàng giống như các Thiên thần (x. Mt 22,30b), còn Thiên Chúa là Đấng vô hình và hiện hữu ở khắp mọi nơi, thì linh hồn con người không cần phải đi đâu cả để được phán xét, nhưng ngay tại chỗ, liền sau khi lìa khỏi thân xác, linh hồn thiêng liêng của con người sẽ tự nhìn thấy được rõ ràng toàn bộ sự thật về cuộc đời trần thế quá khứ của mình và đồng thời cũng biết ngay được các hậu quả nhất định của nó: được thưởng hay bị phạt, Thiên đàng hay Hỏa ngục! Và hậu quả đó là đời đời, chứ không còn thay đổi, xê dịch được nữa!

Những điều vừa được đề cập tới cũng muốn nói lên sự thật này là tất cả mọi của cải vật chất cũng như các đau khổ trong cuộc sống trần thế, đều là tạm bợ và sẽ qua đi mau chóng như chính sự sống của con người vậy. Và qua đó, một sự thật quan trọng khác cũng được nói tới, đó là tất cả mọi của cải vật chất đời này hoàn toàn là ơn huệ Thiên Chúa ban cho ta sử dụng để thăng tiến bản thân và các anh em đồng loại của mình một cách hợp lý. Nói cách khác, con người chỉ là những người quản lý, chứ không phải sở hữu chủ các của cải mà họ đang chiếm giữ. Chính Thiên Chúa Tạo Hóa mới là sở hữu chủ đích thực của toàn thể vũ trụ và mọi tạo vật trong đó. Vì thế, khi giờ chết điểm, mỗi người chúng ta dù muốn hay không cũng đều phải trả lại tất cả những của cải ấy cho Thiên Chúa.

Nhưng các của cải ấy lại đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống mai hậu của của con người, tùy vào thái độ và cách sử dụng của con người đối với chúng trong cuộc sống đời này. Đàng khác, đối với con người, chết có nghĩa là chấm dứt thời gian thử thách và khả năng làm lành hay làm ác, và đồng thời con người sẽ được thưởng công hay bị luận phạt, tùy theo phúc hay tội mà mỗi người đã làm trong cuộc sống trên trần thế của mình. Đây là lúc mỗi người sẽ gặt được hoa quả những gì mình đã gieo. Ai gieo các việc thiện hảo, thì sẽ gặt được hoa quả của việc thiện hảo là sự cứu rỗi vĩnh cửu; còn ai gieo các việc ác đức, thì sẽ gặt được hoa quả của việc ác đức là sự tiêu diệt đời đời (x Gl 6,7b-8; Gl 5,19-24).

Giáo lý của Giáo Hội đã dạy rằng linh hồn của những người chết trong ơn nghĩa Chúa sẽ được lên Thiên đàng ngay hay nếu còn vướng mắc những lỗi lầm nhẹ thì sau một thời gian được thanh lọc trong Luyện ngục cũng sẽ được đưa về Thiên đàng: “Chúng tôi tin có sự sống đời đời. Chúng tôi tin rằng tất cả những người chết trong ơn nghĩa Chúa Kitô, hoặc còn phải thanh luyện trong luyện ngục, hoặc ngay sau khi rời bỏ thân xác, được Chúa Giê-su đem về Thiên đàng như người trộm lành, đều là dân Thiên Chúa bên kia ngưỡng cửa sự chết, tử thần sẽ bị vĩnh viễn chiến bại trong ngày phục sinh khi các linh hồn con người được kết hợp lại với thể xác”.

Thứ hai: Bài học tiếp theo của dụ ngôn này là Chúa Giê-su cảnh cáo ta trước vấn đề sử dụng một cách ích kỷ các của cải trần gian.

Hình ảnh hai nhân vật chính trong câu truyện là người phú hộ và La-da-rô nghèo khổ đã làm nổi bật những đặc điểm của nội dung câu truyện.

Trước hết là người giàu, một người may mắn được sống trong sự xa hoa sang trọng. Ông thường mặc áo quần may bằng vải lụa và gấm vóc quý giá, đó là hai loại vải quý mà người ta thường dùng để may áo quần cho các bậc vua chúa quan quyền, với giá từ bảy mươi đến tám mươi Mỹ kim một mét, một số tiền khổng lồ, trong khi lương công nhật một người chỉ được vài ba Mỹ kim mà thôi, còn trên bàn ăn hằng ngày của ông ta chỉ toàn các thứ cao lương mỹ vị, những thức ăn mà chỉ những tay trọc phú sành điệu, chuộng những món ăn đắt tiền và hiếm có, mới đủ điều kiện thưởng thức được. Còn La-da-rô, một người nghèo khổ, chỉ mong có được các mẩu bánh vụn rớt xuống từ bàn ăn của người nhà giàu này, là đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Chúng ta biết rằng ở Do-thái vào thời Chúa Giê-su, khi ăn người ta không dùng dao, nỉa và khăn, nhưng dùng tay bẻ bánh và cầm các thức ăn mà ăn, và như thế sẽ có những vụn bánh nhỏ rơi xuống đất; hơn nữa, trong các nhà giàu có, trước khi ăn người ta còn dùng những mẩu bánh mì nhỏ lau tay cho sạch rồi ném bánh đó xuống đất. Đây chính là những mẩu bánh mà những người ăn mày nghèo đói như La-da-rô mới dám mong đợi.

Tiếp đến, nhân vật thứ hai là La-da-rô, một nghèo đói, bệnh tật, phải sống trong sự khốn cùng. Điểm đáng nghi nhận ở đây là La-da-rô, một nhân vật duy nhất trong truyện ngụ ngôn được nêu tên riêng. Tên đó có nghĩa là “Chúa là sự giúp đỡ của tôi”. Ông là người ăn mày, mình đầy ung nhọt đau đớn. Ông bệnh tật và hèn yếu, đến nỗi không còn đủ sức để đuổi lũ chó hoang trong các phố chợ, đang đem những cái mõm dơ bẩn của chúng đến liếm các vết thương trên người ông.

Cảnh sống trần gian hoàn toàn khác biệt của hai nhân vật trong câu truyện đã quá rõ ràng. Nhưng rồi sự thể bỗng nhiên biển đổi ngược lại. Cả hai người đều bước vào một cảnh sống khác, khi cả hai cùng đều chết đi như bao nhiêu người khác: Trong khi La-da-rô được vinh hiển, được bù trừ lại những thiệt thòi trước kia, thì người giàu có lại bị mất hết tất cả và phải chịu luận phạt.

Nhưng người ta tự hỏi người giàu có kia đã phạm phải những tội ác nào chống lại Thiên Chúa và đồng loại, để đến nỗi nay phải chịu mọi hình phạt khốn khổ như thế? Ông ta đâu có xua đuổi La-da-rô ra khỏi cổng nhà mình, ông ta vẫn để cho La-da-rô nhận lấy những miếng bánh từ trên bàn của ông ta vất xuống đất kia mà? Ông ta cũng đâu giơ chân đá hay đạp lên người La-da-rô mỗi khi đi qua, và ông ta cũng đâu làm hành động độc ác nào đối với La-da-rô?

Thực ra, tội của ông nhà giàu không phải là đã làm hành động độc ác nào đối với người nghèo khổ La-da-rô, nhưng là do ông đã không quan tâm đến La-da-rô, đã không làm gì cả để giúp đỡ người anh em đồng loại đau khổ đang sống bên cạnh ông ta. Thái độ của ông nhà giàu là thái độ ích kỷ, thái độ “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”. Vâng, tội của người giàu có trong cậu truyện là ông ta đã quan niệm sai và cho rằng số phận La-da-rô phải sống trong đau khổ, nghèo đói và bệnh hoạn, còn ông ta lại sống chìm ngập trong xa hoa sung sướng là một việc tự nhiên, là định mệnh đã do trời đất an bài dàn xếp như vậy, không thể làm khác hay tránh khỏi được. Vì thế, ông cũng đã tự miễn cho mình khỏi trách nhiệm phải quan tâm tới việc giúp đỡ, tới việc chia xẻ cơm bánh với La-da-rô.

Thật vậy, tội của người giàu có trong câu truyện dụ ngôn là ông ta đã nhìn thấy được những đau khổ cơ cực của người đồng loại mà vẫn thờ ơ vô cảm, vẫn không chút chạnh lòng thương xót, ông ta đã nhìn thấy một người anh em đồng loại đói khổ đang nằm ngay trước cửa nhà mình, mà vẫn không hề ra tay cứu giúp nâng đỡ. Hình phạt ông ta phải đền trả là hình phạt của một người hoàn toàn sống ích kỷ, không hề chú ý, quan tâm đến kẻ khác và những nỗi cơ cực của họ. Vậy, tội của người giàu ở đây không phải là ông đã làm điều gì xấu xa, nhưng là đã không làm gì cả trước những đau khổ của kẻ khác.

2.2. Tiêu chuẩn để đánh giá phúc hay tội trước tòa Thiên Chúa

Qua những trình bày trên đây chúng ta đã nhận chân được tiêu chuẩn nào được sử dụng để đánh giá tội/phúc của con người trước tòa Thiên Chúa. Đó chính là đức ái nhân, là lòng vị tha, là tình liên đới nhân bản giữa con người với nhau.

Do đó, những ai khi còn sống trên đời này đã hưởng thụ sự giàu có và sang trọng một cách ích kỷ, chứ không biết thương nghĩ đến những đồng loại nghèo đói bất hạnh khác và chia sẻ với họ sự giàu có của mình, thì tự kết án chính mình và qua đó tự đánh mất đi sự hạnh phúc vui sướng bất diệt trong cuộc sống vĩnh cửu. Bởi vì, người ấy đã quên rằng tất cả những gì y chiếm giữ, hoàn toàn không phải của riêng y, nhưng là của chung mà Thiên Chúa đã giao phó cho y quản trị mà thôi. Vâng, kẻ giàu có ở đời này chỉ là người quản lý trên các của cải y có mà thôi, chứ không phải là sở hữu chủ đích thực của các của cải ấy, vì một khi nhắm mắt xuôi hai tay nằm xuống, người ấy có mang theo mình được gì đâu, dù tiền bạc hay danh vọng! Do đó, Kinh Thánh đã cảnh báo: “Dù sống trong danh vọng, nhưng nếu con người thiếu khôn ngoan hiểu biết, thì chẳng khác gì con vật một ngày kia sẽ chết!”(Tv 49, 21) Trái lại, những người sống một cuộc sống công chính, luôn biết kính Chúa yêu người, nhưng lại luôn thiếu máy mắn và phải sống trong cảnh nghèo khổ cơ cực trăm bề, thì khi chết đi chắc chắn Thiên Chúa công minh sẽ bù đắp lại cho họ một cách tương xứng.

Đó là luật công bằng tự nhiên, một điều mà chính Chúa Giê-su đã khẳng định rõ ràng trong dụ ngôn «Ông nhà giàu và La-da-rô nghèo khổ»(Lc 16,19-31) như chúng ta vừa trình bày ở trên. Cuối câu truyện dụ ngôn ấy, Người nói: «Ông Áp-ra-ham nói: Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phúc của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những điều bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.» (Lc 16, 23-26).

Tất cả những điều đó muốn nói lên rằng tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá phúc/tội một người là đức ái nhân, là tình bác ái, là sự cảm thông và tha thứ, mà người ấy đã có hay không có đối với các người anh chị em đồng loại của mình. Vì đức bác ái, lòng cảm thông và sự tha thứ đối với nhau trong cuộc sống là một điều mà mỗi người đòi buộc phải hết lòng thực thi, bởi lẽ tất cả chúng ta đều đã được Thiên Chúa yêu thương, thông cảm và tha thứ một cách vô cùng quảng đại trước (x. Cl 3,13). Vì thế, thánh Phaolô đã gọi đức bác ái là sợi dây ràng buộc tất cả mọi sự (x. Cl 3,14).

Bởi vậy, kẻ nào sống ích kỷ, không hết lòng thông cảm, thương giúp và tha thứ cho người khác, thì cũng không còn đáng được hưởng sự thông cảm và tha thứ của Thiên Chúa trong ngày phán xét. Đây cũng là một điều mà chính Chúa Giê-su cũng đã đích thân cảnh cáo trong dụ ngôn về «Người đầy tớ độc ác», một người đã được ông chủ thương tha cho toàn số nợ khổng lồ, vì gia cảnh anh ta quá nghèo không thể trả nợ cho ông chủ được, nhưng đến lượt mình, anh ta lại không biết thông cảm với người bạn đang mắc nợ anh ta chút ít tiền, anh ta đã túm cổ và hành hạ người kia cho tới khi lấy hết số tiền mới thôi. Thấy thế ông chủ đã nổi giận truyền lệnh tống ngục và xử tội anh ta cho tới lúc anh ta trả hết số nợ. Và ở cuối dụ ngôn, Người đã nói: «Cũng vậy, Cha Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như vậy, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.» (x. Mt 18, 23-35).

Nói tóm lại, qua câu truyện dụ ngôn «Ông nhà giàu và La-da-rô» trên đây, chúng ta cũng nhận thức được một cách rõ ràng điều quan trọng này là nếu người ta bị sa xuống Hỏa ngục và muôn đời phải ngụp lặn trong biển lửa chẳng bao giờ tắt, thì không nhất thiết là đã làm điều gì quái gở vô nhân đạo hay đã phạm phải những tội ác nào, nhưng là vì người ta đã không quan tâm đến sự thực thi các việc lành phúc đức, các việc bác ái để giúp đỡ các người anh em đồng loại, nhất là những người đang cần đến sự giúp đỡ của mình. Vì xã hội nhân loại cũng tương tự như một sợi dây xích khổng lồ, do hàng triệu triệu cái khâu nhỏ được ngoắc vào nhau hợp thành. Như vậy, mỗi cái khâu dù to hay nhỏ đều có vị trí quan trọng nhất định của nó trong liên hoàn sợi dây xích, đó là nó bắt buộc phải móc dính vào những cái khâu khác; hay nói cách khác, nó bắt buộc phải có trách nhiệm và bổn phận đối với các khâu lân cận nói riêng và đối với toàn sợi dây xích nói chung. Nếu không, sự tác hại sẽ ảnh hưởng trực tiếp trên tất cả các cái khâu khác và rồi công dụng của toàn sợi dây xích sẽ bị vô hiệu hóa.

Ngoài ra, Chúa Giê-su còn đề cập đến cuộc phán xét chung trong nhiều đoạn khác của các bản Tin Mừng. Dưới đây chúng tôi xin trích dẫn một hai đoạn như sau:

• Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Người còn nói: „Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Gio-na rao giảng; mà ở đây còn có Đấng cao trọng hơn hơn ông Gio-na nữa. Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa kia bà đã từ tận cùng trái đất đến để nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn, mà ở đây còn có Đấng cao trọng hơn vua Sa-lô-môn nữa.“ (Mt 12,41-42)

• Còn trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, Đức Kitô đã thẳng thắn khẳng định là chính Người sẽ xét xử muôn dân: „Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con có được sự sống nơi mình như vậy; lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người. Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ mả sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; còn ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án. Tôi không thể tự ý mình làm điều gì. Tôi xét xử như tôi đã được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng mình, nhưng làm theo ý Đấng đã sai tôi.“ (Ga 5, 26-30)

(Còn tiếp)
Lm Nguyễn Hữu Thy
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Mẹ Maria, Đấng Duy Nhất Được Lãnh Nhận Ơn Tiền Cứu Độ (2) (9/8/2019)
Mẹ Maria, Đấng Duy Nhất Được Lãnh Nhận Ơn Tiền Cứu Rỗi (1) (9/8/2019)
Ai Vác Thánh Giá Mới Cảm Nhận Được Sức Mạnh Của Thánh Giá, Lm Nguyễn Hữu Thy (3/14/2017)
Đgh Gioan Phaolo Ii Và Bức Ảnh Mới Được Công Bố, Lm Nguyễn Hữu Thy (10/22/2016)
Fatima Năm 1917, Lm Nguyễn Hữu Thy (10/10/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Tử Quy Hay Trên Đường Trở Về Nhà Cha (1) (11/11/2010)
Tin/Bài khác
Sứ Điệp Fatima Đã Tự Vượt Qua Được Mọi Thách Đố (10/21/2010)
Vai Trò Tâm Lý Học Trong Việc Xưng Tội (10/12/2010)
Fatima: Máu Tử Đạo Vẫn Còn Tiếp Tục Chảy (9/17/2010)
Hiểu Và Sống Mười Điều Răn Thiên Chúa (11) (9/5/2010)
Hiểu Và Sống Mười Điều Răn Thiên Chúa (10) (9/5/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768