MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: tác giả lm. nguyễn hữu thy
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Ý Thức Hệ Thế Tục Hóa, Hay Trào Lưu Khai Trừ Thánh Giá Chúa
Thứ Năm, Ngày 1 tháng 4-2010

Ý thức hệ thế tục hóa, hay trào lưu khai trừ Thánh Giá Chúa

1)     Sự phán quyết của Tòa án Liên Hiệp Âu Châu về Thánh Giá nhân danh các quyền con người, đã xúc phạm trắng trợn đến chính các quyền con người.

Đúng vậy, sự phán quyết vào tháng 11 năm 2009 vừa qua của Tòa án Liên hiệp Âu Châu: Nhân danh quyền con người, cấm các trường công lập tại Ý không được treo tượng Thánh Giá trong các phòng học như từ trước cho tới lúc bấy giờ, đã bị đa số mọi thành phần dân chúng trong Liên Hiệp Âu Châu cũng như nhiều nơi khác trên thế giới chống đối và kết án.

Nhìn một cách tổng quát, ở Âu Châu ngoài các Nhà Thờ, các Tu Viện và các cơ sở thuần túy tôn giáo ra ra, thì  sự hiện diện của tượng Thánh Giá ở các nơi công cộng như trường học, bệnh viện, tòa án, công trường, đường sá, v.v… là một biểu tượng văn hóa và truyền thống thánh thiêng từ hàng ngàn năm nay của lục địa này, một lục địa đã đặc biệt được gầy dựng nên, được phát triển và được tồn tại nhờ vào nền tảng các học thuyết xã hội hợp lý và các giáo lý chân chính của Kitô giáo.

Nhưng vấn nạn đã được đặt ra ở đây là liệu sự phán quyết kia của Tòa án LH Âu Châu, một cơ quan có bổn phận bảo vệ các quyền con người, có thực sự phù hợp với các quyền con người hay không?

Để trả lời vấn nạn đó, một cuộc nghiên cứu và tìm hiểu đầy đủ và khách quan đã chứng minh cho thấy rằng phán quyết của Tòa án LH Âu Châu phụ trách vấn đề các quyền con người là không đúng và là một xúc phạm trắng trợn đến chính các quyền nền tảng ấy, và mỉa mai thay là sự xúc phạm trắng trợn này còn được khen thưởng bằng tiền bạc nữa, đó là khi những phụ huynh của những học sinh liên hệ, những kẻ chống đối sự hiện diện của tượng Thánh Giá tại các phòng học, còn nhận được tiền đền bù các tổn phí và thiệt hại của việc họ đâm đơn kiện.

2)     Thái độ khoan dung đối với sự thực hành đạo của các tôn giáo là một điều  đương nhiên

Quyền con người về tự do tôn giáo được công khai ghi rõ ràng trong Hiệp ước Âu Châu để nhằm bảo vệ các quyền con người như sau:

„Điều 9 về sự tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo:

§1: Mỗi người có quyền được tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Quyền tự do này bao gồm sự tự do thay đổi tôn giáo hay vũ trụ quan (hay ý thức hệ) của mình và sự tự do tin theo tôn giáo hay vũ trụ quan của mình, từng cá nhân hay cùng với những người khác, một cách công khai hay riêng tư qua việc cử hành tế tự, dạy giáo lý hay thực hành các thói quen và các lễ nghi. 

§2: Quyền tự do tin theo tôn giáo hay vũ trụ quan (hay ý thức hệ) của mỗi người chỉ bị hạn chế như pháp luật đã dự liệu và trong một xã hội dân chủ vì sự an ninh công cộng, vì để bảo vệ trật tự chung, sức khỏe hay đạo đức luân lý hay để bảo vệ những quyền lợi và sự tự do của những người khác.“

Nếu không có sự sống chung hài hòa giữa các tôn giáo với nhau, thì ý nghĩa và mục đích của quyền tự do tôn giáo, tức sự khoan dung và sự tôn trọng chân thành đối với các niềm tin tôn giáo, sẽ là một điều hoàn toàn bất khả. Thực ra, từ đầu, vấn đề trước hết chỉ liên quan tới sự sống chung huynh đệ đồng tín ngưỡng giữa các Giáo Hội khác nhau thuộc Kitô giáo, và những nền tảng chung của Kitô giáo được coi là giá trị và sự ràng buộc thiêng liêng một cách tổng quát giữa các Giáo Hội ấy. Bởi vì, sự khoan dung luôn luôn chỉ khả dĩ, nếu nó được đặt trên nền tảng một sự xác tín chung về quyền tối thượng của Thiên Chúa. Nhưng từ kỷ nguyên ánh sáng hay kỷ nguyên triết học (thế kỷ XVIII) trở đi, người ta lại quan niệm sự xác tín chung này phải được xây dựng trên nền tảng lý trí, vì họ cho rằng nhờ thế nó mới thực sự là một điều khả dĩ đối với sự sống chung hài hòa của tất cả các vũ trụ quan hay các ý thức hệ khác nhau.

Qua tiết §1 của Điều 9 trong Hiệp ước Âu Châu về các quyền con người, sự bảo vệ quyền tự do tin theo một tôn giáo hay một vũ trụ quan và sự thực hành các xác tín ấy là một quyền lợi xác thực và đồng thời điều đó có nghĩa là mỗi người phải cư xử khoan dung và cảm thông đối với sự tin theo cũng như sự thực hành các tôn giáo và các vũ trụ quan khác với tôn giáo và vũ trụ quan của mình. Chiếu theo tiết §2 của Điều 9, thì quyền lợi ấy chỉ có thể bị giới hạn, khi bó buộc phải bảo vệ sự an ninh trật tự công cộng, sức khỏe, luân lý đạo đức hay quyền lợi và sự tự do của những người khác. Dĩ nhiên, tiết §2 này chỉ đưa ra một sự giới hạn, chứ không vô hiệu hóa tiết §1. Sự giới hạn này nhất thiết phải được luật pháp dự liệu. Vì thế, nếu người ta giải thích điều này một cách thật chặt chẽ đúng theo luật, thì Tòa án Âu Châu không được quyền phê chuẩn một sự hạn chế như thế được, nghĩa là sự treo tượng Thánh Giá trong các phòng học, vì một sự hạn chế như thế không được dự liệu rõ ràng trong luật pháp. Chỉ trừ khi người ta tiếp tục giải thích tiết luật trên một cách mập mờ và tổng quát, thì sự khẩn thiết của việc bảo vệ các quyền lợi và các quyền tự do của những kẻ khác mới được coi là đủ lý do để áp dụng một sự hạn chế như thế. Và chỉ với cách giải thích mập mờ như thế, thì sự phán quyết của Tòa án Âu Châu mới có thể được coi là hợp lý.

Nhưng trong trường hợp đang được bàn đến ở đây, người ta lại nhìn thấy được một cách quá rõ ràng là không hề có vấn đề các quyền lợi và các quyền tự do của con người trực tiếp đi ngược lại tiết §1 của Điều 9. Trong trường hợp này, tiết §2 rất có thể vô hiệu hóa hoàn toàn tiết §1, nếu như tôi có thể khẳng định được rằng tôi phải tin theo và thực hành một tôn giáo không phù hợp với tôi, chỉ do những người khác áp đặt cho tôi mà thôi, và vì thế  đi ngược lại những quyền lợi và sự tự do của tôi. Nói tắt, từ tiết §1 người ta có thể đi tới kết luận là không ai có thể có quyền cấm đoán một người nào đó không được tin theo và thực hành tôn giáo của anh ta, bởi lý do là tôi không muốn chấp nhận tôn giáo ấy. Nếu không, chắc chắn vấn đề sẽ dẫn tới những hậu quả hoàn toàn phi lý và buồn cười không thể tránh được. Vâng, chẳng hạn bấy giờ, con đường dẫn đứa bé liên hệ hằng ngày đến trường học sẽ không còn được phép chạy qua bất cứ ngôi nhà thờ Kitô giáo, đền thờ Hồi giáo hay hội đường Do-thái nào nữa, tức những nơi được coi là biểu tượng đặc trưng của một tôn giáo, nhưng đòi buộc phải chạy qua những nơi trung lập mà thôi. Tiếp đến, các viện bảo tàng công cộng cũng không còn được phép trưng bày những tranh ảnh hay những hình tượng cổ về tôn giáo, v.v… Thật là một điều không thể hiểu được! Chính những người chủ trương thế tục hóa một cách cực đoan cũng không dám đòi hỏi một điều phi lý như thế.

Bởi vậy, chính Hội đồng Trung ương người Do-thái đã hoàn toàn có lý khi lên tiếng kết án phán quyết của Toà án LH Âu Châu về việc cấm treo tượng Thánh Giá trong các phòng học ở Ý, mặc dù „Thánh Giá đối với Do-thái là một điều ô nhục không thể chấp nhận được“ (1Cr 1,23). Bởi vì, ngoài sự phi lý không thể chấp nhận được của nó như đã nói trên, phán quyết của Tòa án LH Âu Châu còn là một sự đe dọa trực tiếp đầy nguy hiểm đối với các cộng đồng người Do-thái ở khắp nơi trên thế giới nói chung và ở Âu Châu nói riêng. Đúng thế, lời phán quyết ấy có thể gây nên làn sóng bài trừ các tín đồ Do-thái và sự hận thù chống lại nhà nước Ít-ra-en và có thể tạo nên phong trào đòi buộc nghiêm cấm các biểu tượng của Do-thái cũng như của Hồi giáo. Nhưng việc các quan tòa, những người đã đưa ra phán quyết ấy, cũng như một số người ủng hộ phán quyết của họ xem ra đã không phải đối mặt những hiện tượng tiêu cực trên, cũng chẳng thay đổi được gì tốt hơn cho hoàn cảnh những người có liên quan đến vụ kết án.

    3)  Nhân danh sự tư do tôn giáo để khen thưởng sự hận thù tôn giáo

Người ta có thể nói được rằng phán quyết của Tòa án LH Âu Châu đã không bắt nguồn từ quyền con người về tự do tôn giáo, nhưng bắt nguồn từ một ý thức hệ thế tục hóa, một ý thức hệ đã bùng nổ, đang lan tràn ra khắp nơi trên thế giới và đặc biệt đang vô thần hóa Âu Châu, đã được đặt thay thế vào chỗ quyền con người chân chính. Dĩ nhiên, ở đây khi đề cập tới quyền con người về tự do tôn giáo thì hoàn toàn không hề có liên quan gì tới sự phân biệt giới hạn giữa nhà nước và các tôn giáo. Sự tương quan giữa nhà nước và tôn giáo được qui định bởi các hoàn cảnh của các nhà nước khác nhau, nhưng không qua thỏa hiệp về quyền con người. Ngoài ra, người ta cũng cần phải  nắm rõ được điều này là khi đề cập tới sự phân biệt giới hạn giữa nhà nước và các tôn giáo, thì không hề có nghĩa là các nhà nước Âu Châu phải hoàn toàn tách biệt ra khỏi Kitô giáo. Phân biệt, chứ không tách biệt. Bởi vì, nhà nước đương nhiên có thể tự chọn cho mình những quan điểm thuộc tôn giáo hay vũ trụ quan nhất định làm của riêng mình, bao lâu nhà nước không bó buộc hay áp đặt tất cả người dân phải thực thi những quan điểm ấy của mình. Trong một nước thực sự dân chủ và tiến bộ, nhà nước và tôn giáo – nhờ vào các khả năng, các điều kiện và các phạm vi chuyên biệt của mình – cùng cộng tác và hỗ trợ lẫn nhau trong việc phục vụ phúc lợi chung và thăng tiến xã hội. Trong đó, tôn giáo sẽ đặc biệt trợ giúp và hướng dẫn nhà nước trong lãnh vực tinh thần và đạo đức luân lý, hầu cho các chính sách và các đường lối phục vụ các phúc lợi chung của nhà nước được đúng đắn và có hiệu quả thiết thực. Một ví dụ quen thuộc nhất về điều này là sự xác nhận mang tính cách tôn giáo trong phần kết thúc lời tuyên thệ nhận chức của một vị tân Tổng Thống, của các tân Bộ trưởng hay của các vị nắm giữ các trách nhiệm quan trọng khác tại các quốc gia dân chủ và tân tiến, như ở Hoa Kỳ hay ở một số nước Âu Châu, chẳng hạn ở Hoa Kỳ: „… So help me God!“ (… Xin Chúa trợ giúp con); và ở CHLB Đức cũng tương tự như thế: „… So wahr mir Gott helfe“ (… Xin Chúa trợ giúp con thực hiện được như vậy!).

Nói tóm lại, khi ra phán quyết cấm treo tượng Thánh Giá trong các lớp học tại các trường công lập ở Ý, Tòa án LH Âu Châu phụ trách về các quyền con người đã tạo dịp thuận lợi cho sự bất khoan dung tôn giáo và qua đó họ đã xúc phạm và phản bội lại chính các quyền con người. Đây quả là một Xì-căng-đan, một sự ô nhục thế kỷ của Âu Châu, một lục địa đã được xây dựng, được phát triển và được tồn tại cho tới ngày nay nhờ được nấp bóng Thánh Giá Đức Kitô, vâng, nhờ được ấp ủ và chở che dưới bóng Thánh Giá Đức Kitô. Bởi vì, những phán quyết tiêu cực tương tự như phán quyết về Thánh Giá của Tòa án Âu Châu không hề cổ xúy hay thăng tiến sự tự do tôn giáo cũng như sự tự do nói chung, nhưng trái lại, nó đã cung cấp cho những kẻ vô thần và những kẻ thù ghét tôn giáo có được một dịp may hiếm có để đào hố sâu chôn vùi những nền tảng sự tự do chân chính của con người. Tiếp đến, điều đó còn được minh chứng rõ ràng và cụ thể khi những kẻ chủ trương thái độ bất khoan dung tôn giáo đã được đền bù những tổn phí và vất vả của họ. Nói cách khác, nhân danh quyền tự do tôn giáo người ta đã thưởng công cho chính sự thù hận tôn giáo. Đây hẳn là một dấu hiệu tiêu cực và vô trách nhiệm, tố cáo một tình trạng tinh thần hỗn loạn, vô thần, bị thế tục hóa và sa đọa trầm trọng của một số người đang nắm giữ vai trò „cầm cân nảy mực“, đang nắm giữ vai trò lãnh đạo của lục địa Âu Châu, một lục địa được mệnh danh là cái nôi của Kitô giáo và của nên văn minh nhân loại.

Hy vọng rằng sự sai lạc vô cùng nguy hại này chóng được điều chỉnh, chóng được sửa sai và không bao giờ có dịp tái diễn lại, nhưng hoàn toàn bị loại trừ ra khỏi tư duy con người, nhất là ra khỏi tư duy của những người nắm giữ vai trò lãnh đạo và có trách nhiệm quyết định trong các xã hội.

(Suy tư Mùa Chay 2010)

Lm Nguyễn Hữu Thy

 
 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Hiểu Và Sống Mười Điều Răn Thiên Chúa (2) (8/2/2010)
Sự Hiện Hữu Của Thiên Chúa Là Một Điều Minh Nhiên (4/17/2010)
Kià! Đó Chính Là Chúa! (cn 3 Phục Sinh: Ga 21,1-14) (4/17/2010)
Vụ Việc Lạm Dụng Tính Dục Hằn Sâu Trên Nỗi Đau Của Giáo Hội Tại Âu Châu (4/11/2010)
Mỹ Thuật Là Con Đường Dẫn Tới Thiên Chúa (4/10/2010)
Tin/Bài khác
Đức Kitô Đã Cứu Độ Chúng Ta, Điều Đó Nghĩa Là Gì? (updated) (3/31/2010)
Suy Tư Về Năm Linh Mục (3/31/2010)
Chúa Nhật Iii Mùa Thường Niên (c):từ Lúc Đó, Ðức Giêsu Bắt Đầu Đi Rao Giảng! (1/23/2010)
Đời Sống Thánh Thiện Là Sự Lựa Chọn Và Lối Thoát Duy Nhất! : Phan #3 (12/19/2009)
Đời Sống Thánh Thiện Là Sự Lựa Chọn Và Lối Thoát Duy Nhất! : Phan #2 (12/19/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768