MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: tác giả lm. nguyễn hữu thy
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đời Sống Thánh Thiện Là Sự Lựa Chọn Và Lối Thoát Duy Nhất!: Phan#1
Thứ Bảy, Ngày 19 tháng 12-2009
Đời sống thánh thiện là sự lựa chọn và lối thoát duy nhất!

 

Trong Nguyệt san quan trọng nhất về Mục Vụ của Giáo Hội Công Giáo tại Đức „Der Anzeiger für Pastoral- und Gemeindepraxis“, số tháng 12/2006, tác giả tiến sĩ Peter Müller-Goldkuhle đã viết là ông thường gặp một số Linh Mục tỏ ra mệt mỏi và chán nản trước tình trạng tiêu cực trong Giáo Hội. Nhưng nhất là các ngài tỏ ra thất vọng, đau khổ và mất tin tưởng trước „tình trạng suy thoái rõ rệt của ơn gọi Linh Mục.“ Và đây chính là vấn đề bức xúc và khó khăn nhức nhối nhất hiện nay của Giao Hội, đòi hỏi phải tìm ra được một giải đáp thích hợp hay một lối thoát hợp lý.

 

Điểm trọng yếu của vấn đề là chính thực tế đáng lo ngại của hoàn cảnh sinh hoạt mục vụ „quá tải“ hằng ngày cũng như sự thiếu xác tín của chính một số không ít các Linh Mục về lý tưởng Linh Mục của mình. Nhưng trước hết, một sự kiện cụ thể và minh nhiên mà người ta không nên bỏ qua, đó là khi phải sống trong một xã hội đa nguyên, bị phân hóa và bị tục hóa trầm trọng như xã hội chúng ta ngày nay, hình ảnh người Linh Mục thường bị xuyên tạc, bị đánh giá sai hay bị làm méo mó lệch lạc đi rất nhiều, một hình ảnh mà tự bản chất vẫn luôn chứa đựng đầy đủ các phẩm chất thánh thiêng và cao quý cố hữu cũng như vẻ thu hút và quyếm rủ nội tại của nó. Tuy nhiên, một sự kiện khác cũng không kém minh nhiên, đó là nếu ngày nay lý tưởng Linh Mục hay hình ảnh người Linh Mục thường bị xuyên tạc, bị đánh giá sai và bị làm méo mó lệch lạc đi như thế, thì người ta không nên vội vàng và chủ quan trút hết mọi trách nhiệm chỉ cho những kẻ thù của Giáo Hội hay cho những tín hữu „khô khan nguội lạnh“ luôn mang nặng não trạng phê bình chỉ trích Giáo Hội và bài giáo sĩ, nhiều khi quá chủ quan, cực đoan và nặng phần cảm tính  – một điều mà trong thời đại nào cũng xảy ra –, nhưng chính một số không ít các Linh Mục là nguyên nhân trực tiếp của thảm cảnh đó, như hiện tượng lạm dụng tình dục trẻ em vị thành niên. Và đây mới là điểm bi quan và đáng lo sợ nhất.

 

Nhưng ở đây người ta lại phải tự hỏi đâu là lý do đã khiến các Linh Mục phải rơi vào thực trạng đáng buồn đó?

 

 Để có thể tìm ra được câu trả lời, chúng ta thử  đưa ra một ví dụ cụ thể trong cuộc sống đời thường: Khi phải ngụp lặn trong một dòng nước chảy xiết, nếu bạn không có điểm tựa vững chắc để bám víu, để nương tựa, thì chắc chắn bạn sẽ bị dòng nước cuốn trôi đi hay ít nhất bạn cũng không thể đến đúng được điểm hẹn bạn muốn đến ở bờ bên kia. Cũng tương tự như vậy, khi phải thực thi sứ vụ Linh Mục của mình giữa một xã hội đầy biến động, đầy tục hóa và đầy thách đố với đủ mọi khiêu khích cũng như mọi cám dỗ mời mọc đến từ nhiều phía, nếu người Linh Mục không có được một sự xác tín đầy đủ về ơn gọi của mình và một điểm tựa tinh thần vững chắc thì chắc chắn khó lòng đứng vững được.

 

Bởi vì, người Linh Mục cũng vẫn là một con người bình thường như bao con người bình thường khác, với đầy đủ mọi tính chất của một con người. Và Thiên chức Linh Mục là một ơn sủng của Thiên Chúa, nên thánh thiêng và cao cả, còn người Linh Mục thì vẫn luôn đang trên con đường tiến tới sự trọn lành, nghĩa là vẫn luôn mang trong mình sự yếu hèn và bất toàn, vì tự bản chất Thiên chức Linh Mục không loại bỏ những tính chất tự nhiên nơi người Linh Mục, không thánh hóa người Linh Mục, nghĩa là không làm cho người Linh Mục nên thánh thiện hơn. Để hiểu được phần nào điều đó, chúng thử đưa ra một ví dụ cụ thể, chẳng hạn một chiếc hộp sắt đựng viên ngọc quý: chiếc hộp sắt luôn luôn vẫn mang chất sắt, chứ viên ngọc quý không biến nó thành ngọc được. Nói cách khác, Thiên chức Linh Mục không miễn trừ cho người Linh Mục việc cố gắng nên trọn lành, việc cố gắng nên thánh của bản thân. Vì thế, cũng như tất cả mọi tín hữu khác, người Linh Mục cần phải nổ lực, cần phải chiến đấu không ngừng để trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày, và nhất là để trở nên xứng đáng hơn với Thiên chức Linh Mục mà Thiên Chúa đã trao phó cho để phục vụ Giáo Hội của Người một cách có hiệu quả hơn.  

 

Nhìn vào tình trạng cụ thể của Giáo Hội ngày nay nói chung và tại các nước Âu Mỹ nói riêng, thì dù muốn hay không, người ta cũng phải chấp nhận một sự thật là não trạng toàn cầu hóa đã có tác dụng mạnh mẽ không những đến các cơ cấu xã hội dân sự mà cả đến Giáo Hội nữa. Hình ảnh truyền thống của Giáo Hội:  „một đoàn chiên theo một chủ chiên“, mỗi xứ đạo dù to hay nhỏ vẫn có một vị Quản Xứ coi sóc, khép kín trong một không gian giới hạn đầy tin tưởng phó thác, tất cả mọi vui buồn cha con ngày đêm đều có nhau, an ủi vổ về nhau và ngôi nhà xứ là nơi gặp gỡ thân thương cho mọi người con của xứ dạo, v.v…, đã lùi xa vào quá khứ, đều không còn nữa.

 

Trái lại, tình trạng cụ thể của Giáo Hội ngày nay là  „việc nhiều người ít“, một vị Linh Mục thường phải quản nhiệm từ 3,4 hay 5,6 giáo xứ với số giáo dân từ 10.000 đến 20.000 giáo dân hay hơn nữa. Và tuy nhiều nơi trong Giáo Hội, một số các công tác trong giáo xứ đã được Ban Hành Giáo Xứ hay các ban ngành khác san sẻ và đảm nhận, như lãnh vực thuộc tài chánh, xây cất, v.v…, nhưng dầu sao vị Linh Mục Quản Xứ cũng vẫn luôn là „đầu tàu“, là người giữ trách nhiệm, là người điều hành chính trong bộ máy sinh hoạt của giáo xứ, hay nói đúng hơn, của các giáo xứ, đó là chưa nói đến một số công tác mục vụ mà giáo dân không thể làm thay được, như việc cử hành Thánh Lễ, việc giải tội, xức dầu bệnh nhân, v.v...  Vì biên giới của công tác „Cura animarum“ không chỉ dừng lại nơi những việc thuộc lãnh vực thiêng liêng thuần túy, nhưng còn bao trùm toàn diện mọi sinh hoạt trong các giáo xứ. Do đó, vị Linh Mục Quản Xứ ngày nay không chỉ đóng vai trò một vị Linh Hướng thuần túy, nhưng còn là một „Manager“, một giám đốc điều hành nữa. Vì thế, người Linh Mục đòi hỏi phải có những khả năng và những phẩm chất tương ứng, như:  kỹ thuật điều hành, kỹ thuật quản lý, cách thức tuyển chọn người cộng tác cũng như việc ứng xử hợp lý đối với họ, v.v… Nhưng chính ở điểm này đã làm nảy sinh những diễn biến đầy phức tạp, đầy thách đố, đòi hỏi cấp bách phải được nhận định, được phân tích và phải tìm ra được một lối thoát hợp lý và đúng đắn.

 

Thật vậy, như đã nói trên, ngày nay sứ vụ hay vai trò người Linh Mục đã thay đổi rất nhiều, đã trở nên phức tạp và khó khăn bội phần, nếu không nói là hoàn toàn khác với 50, 60 năm về trước. Vâng, người Linh Mục vừa là một vị Linh Hướng vừa là một giám đốc điều hành bộ máy các giáo xứ hay liên giáo xứ, với công việc hằng ngày „ngập đầu ngập cổ“, như lời một thư ký giáo xứ nhận định, đến nỗi người Linh Mục chỉ còn biết „Labora“, chứ không còn thời giờ để nghĩ đến „Ora“ nữa, hằng ngày chỉ lo bận rộn với đủ thứ công việc, và khi rãnh rỗi thì lại tìm một chút thư giãn nào đó, chứ không còn thời giờ hay tâm trí để cầu nguyện cũng như để chăm lo trau dồi và phong phú hóa đời sống nội tâm và kiến thức thần học bằng sự học hỏi, nghiên cứu sách vở chuyên môn về triết học, về thần học hay tham dự các khóa bồi dưỡng, các khóa tu nghiệp về tu đức cũng như về các ngành chuyên môn cần thiết khác.  

 

Để biện luận cho sự  coi nhẹ hay sao nhãng việc cầu nguyện, việc đọc „Kinh Nhật Tụng“ (Breviarium), có vị cho rằng trừ khi rãnh rỗi, chứ khi phải bận rộn các công việc mục vụ như dạy giáo lý, sinh hoạt với các đoàn thể, thăm viếng hay mang Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt, v.v… thì không cần phải đọc thêm Kinh Nhật Tụng, không cần phải  cầu nguyện hay Lần Hạt Mân Cội nữa, vì tất cả các hoạt động mục vụ ấy đều nhằm mục đích tôn vinh Chúa. Trong khi đó, sứ vụ Linh Mục không chỉ đòi hỏi người Linh Mục phải chu toàn các công tác mục vụ bên ngoài một cách đầy đủ và có hiệu quả, nhưng còn phải là nhân chứng sống động của những lời khuyên Phúc Âm nhờ vào tinh thần cầu nguyện sốt sắng trong cuộc sống cụ thể hằng ngày. Sứ vụ Linh Mục mà chỉ bằng lòng dừng lại nơi phạm vi những công việc bên ngoài mà thôi, chứ không có đời sống cầu nguyện sâu xa đi kèm theo, thì cũng giống như một người chỉ có thể xác, chứ không có linh hồn.

 

Còn việc trau dồi các kiến thức cần thiết và quan trọng về triết học, tâm lý học, sự phạm, thần học, tu đức, v.v… hầu như ít ai quan tâm coi trọng. Vì thế, số các Linh Mục đăng ký tham dự các khóa tu nghiệp về các kiến thức nền tảng trên, do các trung tâm mục vụ của Giáo phận hay Dòng tu mở ra, thường người ta có thể đếm đầu ngón tay. Ở đây, chúng ta cũng không nên quên rằng các giáo sư và các nhà chuyên môn chỉ có thể giới thiệu hay đề nghị những kiến thức chuyên môn cần thiết bằng các bài thuyết trình có nội dung sâu xa và phong phú, còn việc lắng nghe, tiếp thu hay đồng hóa các kiến thức đó, thì chính các vị Linh Mục phải tự hiện thực lấy. Trường hợp các vị Linh Mục không có thời giờ để có thể làm điều đó, thì không chỉ kiến thức của các ngài sẽ trở nên nghèo nàn và vơi cạn dần đi, nhưng chính Giáo Hội trong toàn thể cũng bị thiệt hại không nhỏ.

 

Vậy, ở đây người ta có thể tự hỏi: Phải chăng lý tưởng Linh Mục hay hình ảnh người Linh Mục vẫn còn tương lai? Nếu có, thì như thế nào?

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Mỹ Thuật Là Con Đường Dẫn Tới Thiên Chúa (4/10/2010)
Ý Thức Hệ Thế Tục Hóa, Hay Trào Lưu Khai Trừ Thánh Giá Chúa (4/1/2010)
Đức Kitô Đã Cứu Độ Chúng Ta, Điều Đó Nghĩa Là Gì? (updated) (3/31/2010)
Suy Tư Về Năm Linh Mục (3/31/2010)
Chúa Nhật Iii Mùa Thường Niên (c):từ Lúc Đó, Ðức Giêsu Bắt Đầu Đi Rao Giảng! (1/23/2010)
Tin/Bài cùng ngày
Đời Sống Thánh Thiện Là Sự Lựa Chọn Và Lối Thoát Duy Nhất! : Phan #3 (12/19/2009)
Đời Sống Thánh Thiện Là Sự Lựa Chọn Và Lối Thoát Duy Nhất! : Phan #2 (12/19/2009)
Tin/Bài khác
Lễ Hiến Dâng Thế Giới Cho Mẹ Thiên Chúa – Khúc Quanh Lịch Sử Nhân Loại (1/1/2016)
Ngày Cầu Nguyện Cho Giáo Hội Thầm Lặng! (5/15/2009)
Thuyết Nhân Bản Kitô Giáo (5/14/2009)
Fatima: Phải Chăng Tất Cả Chỉ Là Chuyện Trùng Hợp Ngẫu Nhiên? (5/12/2009)
Sự Phát Triển Của Giáo Hội! (5/8/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768