MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: tác giả lm. nguyễn hữu thy
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Thuyết Nhân Bản Kitô Giáo
Thứ Năm, Ngày 14 tháng 5-2009

Thuyết nhân bản Kitô giáo

 Hơn bao giờ hết, ngày nay chủ nghĩa vô thần đang vùng lên và xuất hiện dưới nhiều bộ mặt khác nhau với mục đích duy nhất là chối bỏ hay ít nhất là làm lu mờ sự hiện hữu của Thiên Chúa cũng như sự hiện diện của Người trong vũ trụ, như: Thuyết tiến hóa; việc quảng cáo vô thần trên các thành xe buýt công cộng (đặc biệt ở các nước Tây phương, như Anh và Tây Ban Nha); các tổ chức liên minh tự gọi là tổ chức nhân bản, hay như hiện nay chính quyền thành phố Berlin, thủ đô CHLB Đức(1), đã cho thay thế môn giáo lý (Religionsunterricht) ở nhà trường bằng môn đạo đức học chung chung (Ethikunterricht); việc quốc hội và chính phủ của Liên Hiệp Âu Châu tẩy chay hay ngăn chận các ứng cử viên Kitô hữu có ý thức tôn giáo sâu xa; việc một số nhà nước trên thế giới lấn chiếm đất đai, các tài sản và cơ sở hay tìm mọi cách chèn ép và đàn áp các Giáo Hội Kitô giao nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng, với chủ ý là làm suy giảm tối đa có thể các khả năng sinh hoạt của Giáo Hội, hầu qua đó các ảnh hưởng luân lý Kitô giáo sẽ bị phôi pha lu mờ, v.v... Và như thế chủ nghĩa vô thần sẽ dễ dàng bành trướng mau lẹ giữa một xã hội vô định hướng và vô luân. Sau cùng, với hành động lộ liễu như thế, họ cũng nhằm mục đích là tạo ra cho người ta có cảm tưởng là thuyết nhân bản (Humanismus) chỉ do những người vô thần và những người nhân bản thuần túy xây dựng lên. Nhưng đó là một sự lầm lẫn hồ đồ. Bởi vì, luôn hiện hữu một thuyết nhân bản Kitô giáo chân chính (Christlicher Humanismus).

 1. Chủ thuyết nhân bản vô thần

 Chủ thuyết nhân bản tự nhiên, duy vật và vô thần khẳng định rằng con người là trung tâm vũ trụ. Tất cả mọi sự đều xuất phát từ con người và chỉ để phục vụ cho những lợi ích của con người mà thôi. Các hệ thống quy phạm, các luật lệ luân lý đều tùy thuộc vào một mình con người và chính con người cũng có thể thay đổi được cả bản tính tự nhiên của mình. Và sự diễn tiến này đều chấm tận trong chủ thuyết nhân bản thuần túy, một chủ thuyết lợi dụng được ngoài sự hiểu biết về sinh hóa học và di truyền, còn lợi dụng được cả thuyết tiến hóa của Charles Darwin nữa.

 Nhưng người ta tự hỏi: Phải chăng điều mà chủ thyết nhân bản thuần túy tân thời hứa thực hiện được – tức một sự sáng tạo mới ra con người qua chính bàn tay con người – thực sự là một điều khả dĩ hay chỉ là một tham vọng đầy cao ngạo, hoàn toàn vượt khỏi tầm khả năng hạn hẹp của con người? Và nếu câu trả lời là tích cực, thì tất nhiên nó sẽ hoàn toàn thiếu hẳn khách quan tính và khả năng thuyết phục, trái lại, đó chỉ là một khẳng định thuần túy chủ quan và chứa đựng đầy nghi ngờ và mâu thuẫn!

 Ở đây chúng ta có thể trích dẫn hai luận cứ chính yếu ngược lại như sau:

 1) Tự trong bản chất của nó, con người không phải là một hệ thống đã hoàn chỉnh hay một cơ cấu đã được kiện toàn, nhưng là một thực thể luôn cần phải cải tiến và thay đổi để hoàn thiện thêm, tùy điều kiện thời gian, địa lý, khí hậu, v.v..., nghĩa là tùy môi trường sống. Sự hiện hữu của con người được khởi đầu một cách đặc biệt bởi một quyền lực tuyệt đối ngoại tại, chứ không phải tự chính con người tạo ra.

 2) Bởi vậy, ngoài thuyết nhân bản tự nhiên, còn có một thuyết nhân bản Kitô giáo. Điều nó muốn nói lên rằng thuyết nhân bản chân chính và Kitô giáo không nhất thiết mâu thuẫn nhau.

 Thuyết nhân bản Kitô giáo trình bày một con đường trung dung hợp lý. Đó là con đường chạy giữa hai thái cực hoàn toàn đối kháng nhau, đó là:

 a) Thuyết nhân bản duy vật, có tính cách nhất nguyên (monistisch), tức chủ trương chỉ có một bản thể duy nhất mà thôi.

 b) Thuyết thần bí cảm nghiệm (Mystizismus) nhân bản thuần tuý, phi lý trí.

 Đúng vậy, thuyết nhân bản Kitô giáo tuy đề cao con người, nhưng lại nhìn nhận quyền ưu việt tuyệt đối của những chân lý mà Thiên Chúa đã mặc khải cho nhân loại.

 2. Giáo Hội Công Giáo không bao giờ kết án Charles Darwin và lý thuyết tiến hóa của ông

 Trước tiên, chúng ta cũng cần có một sự phân biệt rõ ràng về thuyết tiến hóa của Darwin, một lý thuyết mà tác giả của nó đã trình bày một cách đầy đủ trong các tác phẩm của ông: «On the Origin of Spies» - Về nguồn gốc của các giống loại (1859) và «The Descent of Man» - Dòng dõi con người (1871). Thực ra lý thuyết tiến hóa chỉ giải thích sự phát triển trong phạm vi những giống loại, một sự phát triển có thể làm nảy sinh những giống loại mới, chứ không có tham vọng giải thích tất cả những gì có liên quan đến hữu thể và sự sống. Để khám phá ra được manh mối sự khác nhau của các giống loại thì cần phải đi lùi lại dần về sự ngẫu biến (Mutation) của chất thể thuộc di truyền và về sự đào thải tự nhiên (Selektion), một sự đào thải đưa đến cho những kiểu mẫu phù hợp với môi trường một lợi điểm. Theo Darwin, sự ngẫu biến là một biến cố xảy ra cách «mù quáng», một  biến cố hoàn toàn dựa trên sự tình cờ ngẫu nhiên một mình. Dựa theo chất thể thừa kế của nó, một kiểu mẫu phù hợp với môi trường nhất luôn luôn có được sự lợi điểm. Kiểu mẫu đó vượt thắng được những loại kém phù hợp cùng giống với nó và tiếp đến nó lại tiếp tục di truyền sự ngẫu biến của nó cho các thế hệ kế tiếp.

 Trước hết, đứng vế phương diện nhận thức một cách lý thuyết thì người ta được phép đưa ra một vài ghi nhận về lý thuyết của Darwin  như sau:

 Thứ nhất, không thể có sự phát triển các giống loại theo đường thẳng, và người ta cũng không phỏng đoán trước được về biến cố sự phát triển của các giống loại sẽ kết quả ra sao. Ví dụ: một con mèo chỉ có thể sản sinh một con mèo, và con mèo được sảnh sinh ra đó có thể là một con mèo bạch hay một con mèo mun, chứ không thể sản sinh ra một con chó hay con heo được

 Thứ hai, nếu thuyết tiến hóa là đúng thì không thể có một cứu cánh học, hay chung quả luận tự nhiên như Aristote chấp nhận(2), bởi vì sự ngẫu biến và sự đào thải tự nhiên xảy ra một cách tự động.

 Thứ ba, thuyết tiến hóa khó có thể công nhận được niệm giới hay hệ biến hóa (Paradigma), ví dụ: chẳng hạn trong vật lý học.

 Thứ bốn, nguyên nhân tính nắm phần ưu thế trong những biến cố tự nhiên trong thuyết tiến hóa cũng ít được chú ý tới như trong chung quả luận tự nhiên vậy. Bởi thế, những lúng túng và những giải thích bất cập trong thuyết tiến hóa của Darwin là một điều không thể tránh được.

  Thứ năm, xét trong tổng thể của nó thì thuyết tiến hóa bất khả khảo sát một cách thực nghiệm. Vì thế, những chấp nhận siêu hình học, ví dụ về nguyên ủy hữu thể và vũ trụ, là một điều cần thiết, nhưng thuyết tiến hóa của Darwin lại bỏ qua, chứ không quan tâm tới. Bởi vậy, triết gia Karl Raimund Popper (1902-1994) đã chí lý khi ghi nhận thuyết tiến hóa là thuyết siêu hình học.

 Thứ sáu, một vấn đề lý thuyết nhận thức cuối cùng hệ ở chỗ là: đứng về lãnh vực phương pháp học thì xem ra là điều khó khăn khi phải lựa chọn sự ngẫu nhiên như là nguyên tắc trọng tâm của lý thuyết như trường hợp nơi thuyết tiến hóa. Qua đó, sự tình cờ ngẫu nhiên trở nên hầu như là siêu nghiệm và gây khó khăn cho việc tìm ra câu trả lời tương xứng cho câu hỏi về sự khởi đầu và chấm tận của hữu thể, về sự sống và sự phát triển của nó.

 Một câu hỏi quan trọng khác mà thuyết tiến hóa không thể trả lời được, đó là câu hỏi về sự khác biệt giữa loài vật và con người. Nhiều nhà theo thuyết tiến hóa đã tìm cách giải thích con người được coi như là một giống loại trong bao giống loại của loài vật. Trên thực tế, con người và loài vật đều là một phần của thiên nhiên; nhưng con người tự biểu lộ mình là một thực thể có tâm thức tôn giáo và văn hóa. Tiếp đến, con người biết ý thức về trách nhiệm của mình đối với môi trường thiên nhiên, đối với công trình sáng tạo. Thêm vào đó, một sự khác biệt hoàn toàn giữa con người và loài vật là hệ ở chỗ khả năng ngôn ngữ và khả năng suy tư một cách có hệ thống về hành động cụ thể. Trong khi đó, loài vật phần lớn chỉ có thể bày tỏ sự vui mừng hay sự đau đớn hay sự đe dọa của mình bằng những tiếng kêu trống rỗng vô nghĩa, chứ không có khả năng ngôn ngữ hay khả năng suy luận, nghĩa là chúng không thể diễn tả rõ ràng bằng lời nói chứa đựng đầy các ý nghĩa khác nhau như nơi con người. Chúng không thể bàn cãi trong những vấn đề thiếu đồng nhất giữa chúng và không thể suy tư về các vấn đề đó được. Vì thế, trong phần mở đầu tác phẩm «Politik» (Chính trị) của ông(3), triết gia Aristote đã định nghĩa con người là một sinh vật có khả năng ngôn ngữ và khả năng suy luận, và tự bản chất tự nhiên, con người là một sinh vật có xã hội tính (Polis). Chỉ trong xã hội hợp quần của mình, con người mới có thể phát huy được bản chất và mới sử dụng được các khả năng tinh thần của mình một cách thích đáng được. Còn loài vật tuy cũng có thể cấu thành được những liên hợp đơn giản, nhưng hoàn toàn do những nguyên nhân mang tính cách cơ cấu hay bản năng tự nhiên mà thôi và không có nhu cầu hay sự đòi hỏi văn hóa. So sánh với sự nhận thức của con người, thì loài vật thiếu hẳn cảm nhận về thẩm mỹ, sự «thỏa mãn không có ích lợi» (Kant)(4).

 Trở lại với vấn đề Darwin, đối với ông tổ thuyết tiến hóa thì vấn đề không có liên hệ gì tới sự tương quan toàn diện giữa hữu thể và cuộc sống. Điều ông muốn chứng minh là có những sự phát triển tự nhiên của các giống loại thuộc về sinh vật học, và tất nhiên con người cũng trực tiếp nằm trong dòng chảy phát triển tự nhiên ấy. Nhưng Darwin lại không thể chứng minh được là đã có một sự phát triển liên tục từ một con vật thành một người. Tuy nhiên, một điều mà Darwin có thể chứng minh được là con người và loài vật có cùng nguồn gốc chung. Tuy nhiên, vị trí mà những hình thức phát triển của con người và của loài vật tách biệt nhau, thì hoàn toàn thiếu hẳn sự giải thích cần thiết. Thực ra, có một sự tiến hóa được coi như là một diễn tiến tự nhiên, nhưng các giống loại lại không thể khẳng định được tính cách đầy đủ độc lập chắc chắn của mình; trái lại, chúng cùng được cuốn theo một dòng chảy của sự diễn tiến tự nhiên.

 Một điều người ta cũng không được quên là Giáo Hội Công Giáo không bao giờ kết án Darwin và lý thuyết của ông. Trong Thông điệp «Humani generis» (Về dòng giống con người)(5) của ngài ban hành năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh rằng thực ra trong thuyết tiến hóa của ông, Darwin đã nêu lên một giả thuyết đáng trân trọng có tương quan tới sự diễn tiến thuộc về thiên nhiên. Tuy nhiên Darwin lại không đưa ra được một sự giải thích đầy đủ về một sự phát triển liên tục của con người. Công trình khảo cứu của Darwin là một lý thuyết khoa học, nên nhất thiết cũng cần phải nhìn nhận nó như một lý thuyết khoa học mà thôi. Dưới bất cứ hoàn cảnh nào, công trình nghiên cứu này của Darwin không được phép lạm dụng để biến thành một ý thức hệ với những khuynh hướng nhất nguyên hay phiếm thần, như một chủ nghĩa tiến hóa.

 3. Thuyết nhân bản Kitô giáo còn có nhiều ảnh hưởng trên sự thực hành của con người hơn cả thuyết hiện sinh Kitô giáo

 Trước sau vẫn tồn đọng những điều bất khả giải thích được về sự phát triển của con người và về căn nguyên của nhân loại. Những điều bất khả giải thích này rất có thể giúp tìm ra được bằng chứng để lý giải sự khởi thủy hay sự mở đầu của bản tính con người. Vì chính con người biết được mình là tạo vật, nên sự khởi thủy ấy được quy hướng về một vị Thiên Chúa Chúa siêu việt là Đấng Tạo Hóa toàn năng của tất cả toàn diện vũ trụ và mọi tạo vật ở trong đó, kể cả con người. Trong tác phẩm «Die Stellung des Menschen im Kosmos» - Vị trí con người trong vũ trụ (1928) của ông, triết gia Max Scheler đã gọi sự khởi thủy hay sự mở đầu này là «tình trạng thuộc về sự sáng tạo» - (die Kreatürlichkeit).

 Nhưng nếu con người là một tạo vật, thì không có nghĩa là con người trở nên lệ thuộc, chứ không được tự do. Không, con người là một tạo vật thực sự, nhưng con người hoàn toàn được tự do. Thiên Chúa mong muốn cho con người có sự tự do đích thực và không một ai được phép chiếm đoạt hay hủy bỏ được sự tự do đó của con người, kể cả Thiên Chúa cũng không. Đúng vậy, con người có thể hành động hay quyết định theo ý chí tự do của mình, một ý chí được dựa trên thiện ý, hoàn toàn đúng với suy tư của triết gia Immanuel Kant(6). Cũng như việc lựa chọn một sự vật thì hoàn toàn không có liên quan gì tới việc xác định sự vật đó. Cũng thế, con người không đánh mất đi sự tự do hay phải lệ thuộc, nếu con người nhận ra mình là tạo vật của Thiên Chúa.

 Ở đây, chúng ta cũng cần phải nhìn lại các trào lưu triết học vào các thế kỷ XIX và XX, những trào lưu triết học đã đồng hành với Charles Darwin hay nối gót ông. Đó là triết học hiện sinh và chủ nghĩa hiện sinh. Chủ nghĩa hiện sinh qui định cho con người là chính con người cần phải tự mang đến cho mình và cuộc sống của mình ý nghĩa.

 Theo Jean-Paul Sartre thì con người tự cảm nhận được mình hiện hữu, trước cả khi con người có thể tự mang lại cho mình ý nghĩa. Nói cách khác, sự hiện sinh có trước yếu tính. Bởi vậy, con người bị bó buộc phải tự mang lại cho mình ý nghĩa. Hữu thể con người chỉ đối mặt với sự hư vô tuyệt đối. Sự hư vô tuyệt đối này có thể chứa đựng một sự siêu nghiệm thầm kín hay một cách cụ thể là một sự hư vô tuyệt đối như triết gia Friedrich Nietzsche suy tư, khi ông đề cập đến «Nihilismus» - Thuyết hư vô! Nhưng Nihilismus này cần phải được vượt qua. Theo quan niệm Nietzsche thì «những siêu nhân» cần phải lấp đầy không gian siêu hình học bị bỏ trống, mà cái chết của Thiên Chúa đã để lại, chỉ bằng sự hữu của mình và bằng những giá trị do chính mình tạo ra.

 Về sau cả Martin Heidegger cũng chú trọng đặc biệt vào sự khác biệt hoàn toàn giữa hữu thể và hư vô. Con người được giữ lại trong sự hư vô qua sự hiện hữu của mình.

 Trước Nietzsche và Heidegger, nhà triết học người Đan Mạch Sören Kierkegaard đã tìm được một lối thoát ra khỏi sự hư vô tuyệt đối bằng sự quay về cùng Thiên Chúa như là hiệu quả của sự ăn năn hối cải về một cuộc sống dư dật thừa thải và thiếu luân lý. Sự nhận ra được sự hư vô tuyệt đối là nguyên nhân đưa tới sự hoài nghi thất vọng. Đối với Kierkegaard, sự hoài nghi thất vọng là một thứ «Bệnh làm chết người»(7). Và Kierkegaard cũng khám phá được rằng sự hoài nghi thất vọng và đức tin tôn giáo là hai thái cực đối kháng nhau. Đức tin có thể vượt lên trên sự hoài nghi thất vọng, nếu con người thực sự ý thức được một cách đầy đủ rằng mình hiện hữu trước mặt Thiên Chúa và không để mình sa lầy trong tội lỗi. Như thế, Sören Kierkegaard thực sự đã bước đi trên con đường dẫn tới thuyết hiện sinh Kitô giáo, tiền thân của thuyết nhân bản Kitô giáo vậy.

 Các tác phẩm «L’Action» (1893) – Hành động, của triết gia Maurice Blondel; «Journal métaphysique» (1927 – Nhật ký siêu hình học và «Homo viator» (1945) – Người du khách, của triết gia Gabriel Marcel, đã cho thấy một cách rõ ràng là có một dị điểm Kitô giáo trong thuyết hiện sinh, đó là: Quả thực, con người nhất thiết phải tìm cho cuộc sống của mình một ý nghĩa, nhưng tất nhiên ý nghĩa của cuộc sống con người phải được định hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa là mục đích tối hậu của con người, vì Người là Tạo Hóa của tất cả mọi tạo vật và của từng tạo vật. Tuy nhiên thuyết hiện sinh Kitô giáo còn phải đối mặt với một nguy hiểm là nó có thể rơi vào một chủ thuyết nhân vị thuần túy (der reine Personalismus), nếu như người ta chỉ lấy một mình ý niệm «ngôi vị» hay «nhân thân» làm trọng tâm duy nhất.

 Sau cùng, triết gia Jacques Maritain, người đã mang lại cho tân học thuyết Thánh Thomas những suy tự quan trọng mang tích cách quyết định, đã viết ra tác phẩm «Humanisme intégral» (1936) – Thuyết nhân bản trọn vẹn, một tác phẩm đã được dịch sang tiếng Đức vào năm 1950 với tựa đề «Christlicher Humanismus» - Thuyết nhân bản Kitô giáo. Với các dẫn chứng cụ thể, Maritain đã chứng minh rằng một học thuyết nhân bản mang tính cách Kitô giáo là một điều hoàn toàn khả dĩ. Đối với Maritain, chiếu theo yếu tính của nó, con người phản ảnh Đấng Siêu Việt, phản ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi của Kitô giáo, Đấng chính là tình yêu (x. 1Ga 4,8+16).

 Thuyết nhân bản Kitô giáo có nhiều ảnh hưởng trên cuộc sống và sự thực hành của con người hơn cả thuyết hiện sinh Kitô giáo. Tương tự như Blondel, Maritain đã dành cho tác động con người một vị trí trọng yếu trong quan niệm triết học của ông. Cả phong trào dân chủ Kitô giáo tại Âu Châu cũng đã khám phá ở đây khởi điểm của mình. Nền tảng của thuyết nhân bản Kitô giáo được xây dựng trên khái niệm về ngôi vị dựa theo sự mặc khải của Thiên Chúa và theo luật tự nhiên cũng như theo đạo đức học Kitô giáo. Ở đây, một biểu tượng rõ ràng nhất của thuyết nhân bản Kitô giáo là cuộc sống hôn nhân Kitô giáo giữa người nam và người nữ. Trong đời sống hôn nhân Kitô giáo, cả hai người – vợ và chồng – cùng công nhận lẫn nhau như những cá thể khác biệt, trong đó mỗi người đều có trách nhiệm và quyền lợi riêng của mình, nhưng cả hai lại thực sự chấp nhận lẫn nhau, chấp nhận con cái và chấp nhận Thiên Chúa. Qua đó, cả hai người đã lựa chọn sự chấp nhận thực tiễn này trước mặt Thiên Chúa như là giao ước hôn nhân và cả hai cùng thề hứa với nhau một cách chắc chắn và bền vững. 

 Ngoài Jaques Maritain, còn có các văn sĩ người Anh: Gilbert K. Chesterton, một người trở lại Công Giáo, với các tác phẩm «Eugenics and other Evils» (1917) – Nhân chủng cải lương học và những điều xấu xa khác, và «The Everlasting Man» (1925) – Người trường sinh; cũng như văn sĩ Clive S. Lewis với tác phẩm «The Abolition of Man» (1943) – Sự hủy diệt con người, đã củng cố thêm quan niệm ngôi vị Kitô giáo. Trong tác phẩm lược khảo «Die Annahme seiner selbst» (1959) – Sự chấp nhận chính mình, cả nhà thần học và triết gia Romano Guardini cũng định hướng theo quan niệm về ngôi vị Kitô giáo.

 Ở đây người ta có thể nêu lên những vấn nạn là: Phải chăng bây giờ con người được coi là thực thể phát xuất từ một khởi đầu đang trên đường tiến về siêu nghiệm? Thuyết nhân bản Kitô giáo có thể vượt thắng được thuyết tiến hóa của Darwin hay không?

 Trên thực tế, câu trả lời được đặt nền tảng trên quan niệm về ngôi vị, một quan niệm đã được bắt nguồn từ tư tưởng của các triết gia Anicius Boethius (480-524) và thánh Thomas Aquinô (1225-1274). Nếu đi từ cứu cánh học hay chung quả luận tự nhiên, thì mục đích tối hậu của con người là Đấng Tạo hóa, tức là Thiên Chúa. Người là đệ nhất nguyên lý, đúng như triết gia Aristote đã trình bày trong cuốn XII của tác phẩm «Métaphysique» của ông. Nếu con người muốn hành động và sống một cuộc sống hạnh phúc và có luân lý phù hợp với yếu tính của mình, thì con người với tư cách là «Imago Dei», hình ảnh của Thiên Chúa, phải định hướng theo nguyên lý tối thượng đó, một nguyên lý đã được mặc khải trong Đức Kitô.

 Trong tác phẩm «Natürliche Ziele» (2005) – Những mục đích tự nhiên, triết gia Robert Spaemann đã làm nổi bật ý nghĩa của cứu cánh học tự nhiên và ông đã nhấn mạnh sự quan trọng của nó đối với ý niệm Kitô giáo về ngôi vị. Còn trong tác phẩm khác của ông «Personen. Versuche über den Unterschied zwischen ‘etwas’ und ‘jemand’»  (1996) – Các ngôi vị. Khảo lược về sự khác biệt giữa ’một cái gì đó’ và ’một ai đó’, Spaemann đã khai triển một ý niệm về ngôi vị, một ý niệm được dựa trên sự công nhận lẫn nhau của con người như là những ngôi vị với nhau. Tuy nhiên, để có được một định nghĩa trọn vẹn sau cùng về „ngôi vị“ thì hoàn toàn là một điều bất khả.

 4. Bản tính con người bị tổn thương do tội nguyên tổ gây nên. Bản tính ấy chỉ có thể được cứu chữa nhờ hy lễ thập giá của Đức Kitô, nếu nó biết tin nhận Người

 Vậy, thuyết nhân bản Kitô giáo tìm ra được lý do hợp lý của nó trong chính bản tính của con người như ngôi vị. Nhưng bản tính nhân loại đã bị tổn thương do tội nguyên tổ gây ra. Bản tính ấy chỉ được cứu chữa nhờ vào hy lễ thập giá của Đức Kitô, nếu nó biết tin nhận Người và bước theo Người. Điều đó muốn nói lên rằng con đường ranh giới phân biệt giữa thuyết nhân bản Kitô giáo và thuyết tiến hóa của Darwin chạy dài theo ý niệm về cứu cánh học hay chung quả luận. Trong khi đó, Darwin đã có một ý niệm sai lạc về cứu cánh tính: Ông cho rằng một cứu cánh tính, hay nói đúng hơn một tương tự cứu cánh tính (Quasi-Teleologie), „mù quáng“, một cứu cánh tính tự biểu hiện trong sự diễn tiến tự nhiên của sự biến hóa như là sự ngẫu biến và sự đào thải tự nhiên, chứ không luôn luôn có cùng một mục đích chắc chắn trước mắt. Điều này nói lên rằng cứu cánh tính được nói đến ở đây không thể mang tính cách nghiêm chỉnh, ví dụ như khi nó được xác định ở sự phát triển một cây cối chẳng hạn.

 Thuyết nhân bản Kitô giáo nhìn nhận một mục đích rõ ràng và cố định của sự diễn tiến mang tính cách cứu cánh học trong chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Nếu người ta quan niệm sự tiến hóa như sự diễn tiến thực sự mang tính cách cứu cánh học, tức nhằm đạt tới một mục đích, thì sẽ đưa tới kết quả là một khả năng có thể nhìn nhận sự diễn tiến ấy như là sự tác động của công trình sáng tạo của Thiên Chúa, hoàn toàn là một điều khả dĩ.

 Nói tóm lại, những người Kitô hữu và những người theo thuyết nhân bản vô thần cùng phản ứng trên cùng một thực tại, tuy nhiên theo các cách thế hoàn toàn khác nhau. Đúng vậy, những người Kitô hữu nhìn tất cả mọi thực tại và mọi diễn biến trong vũ trụ dưới ánh sáng đức tin và trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Thuyết nhân bản Kitô giáo tự coi mình như là thuyết nhân bản với khuôn mặt con người luôn được hướng nhìn về Thiên Chúa Ba Ngôi.

_________________

 1.     Chính quyền hiện tại của thành phố Berlin, thủ đô nước CHLB Đức thống nhất, do hai đảng Xã Hội (SPD) và đảng Phái tả (Linke) hậu thân của đảng cộng sản Đông Đức, liên hiệp lãnh đạo. Hầu như tất cả các thành phần của chính phủ này đều là những người vô thần, ác cảm với tôn giáo hay có thái độ xa lạ với các tôn giáo. Chúng ta cũng biết rằng CHLB Đức là một quốc gia pháp trị, tự do, dân chủ thực sự. Vì thế, sau khi thống nhất đất nước giữa hai miền Tây và Đông Đức vào năm 1990, Đảng cộng sản vẫn không bị cấm đoán hay hạn chế, trái lại hoàn toàn được tự do hoạt động như mọi Đảng phái chính trị khác, mặc dầu trong hơn 40 năm nắm chính quyền ở Đông Đức (do sự áp đặt của Liên Sô) Đảng cộng sản đã gây nên bao tội ác cho trên 17 triệu dân Đông Đức. Tuy nhiên, những kẻ gây nên tội ác thì bị xử đúng theo chính luật pháp của Đông Đức, còn chính Đảng cộng sản thì không bị cấm đoán, vì sự tự do ngôn luận và tư tưởng là một quyền căn bản của con người.

2.     Aristote: Politik, cuốn I, 1252b27-35.

3.     như trên, cuốn I, 1253a 1-29

4.     Immnuel Kant: Kritik der Urteilskraft, 1790, §§ 5 và 6.

5.     Pius XII, Thông điệp «Humani generis» 1950, 5f và 35-37

6.     Immanuel Kant: Grundlegung zur Metaphysik der Sitten, 1795, 3. Abschnitt.

7.     Sören Kierkegaard: The Sickness Unto Death (Bệnh làm chết người), 1849, 231 trang. Princeton University Press tái bản, 1946.

 Lm Nguyễn Hữu Thy

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Chúa Nhật Iii Mùa Thường Niên (c):từ Lúc Đó, Ðức Giêsu Bắt Đầu Đi Rao Giảng! (1/23/2010)
Đời Sống Thánh Thiện Là Sự Lựa Chọn Và Lối Thoát Duy Nhất! : Phan #3 (12/19/2009)
Đời Sống Thánh Thiện Là Sự Lựa Chọn Và Lối Thoát Duy Nhất! : Phan #2 (12/19/2009)
Đời Sống Thánh Thiện Là Sự Lựa Chọn Và Lối Thoát Duy Nhất!: Phan#1 (12/19/2009)
Ngày Cầu Nguyện Cho Giáo Hội Thầm Lặng! (5/15/2009)
Tin/Bài khác
Lễ Hiến Dâng Thế Giới Cho Mẹ Thiên Chúa – Khúc Quanh Lịch Sử Nhân Loại (1/1/2016)
Fatima: Phải Chăng Tất Cả Chỉ Là Chuyện Trùng Hợp Ngẫu Nhiên? (5/12/2009)
Sự Phát Triển Của Giáo Hội! (5/8/2009)
Đức Mẹ Fatima Và Vụ Ám Sát Đức Gioan Phaolô Ii (5/7/2009)
Lễ Hiến Dâng Thế Giới Cho Mẹ Thiên Chúa – Khúc Quanh Lịch Sử Nhân Loại (5/7/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768