Trẻ Không Tha Già Không Chê
Chuyện xảy ra từ cái thời một ngàn chín trăm... lâu lắm rồi, nhưng bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy xấu hổ vì cái tính “ba trợn” của mình! Hồi đó tôi mới đi chủng viện được hai năm, vừa học xong lớp 7, về nghỉ hè phải ở trong nhà xứ Vinh Trung với cha Trọng. Những năm ở tiểu chủng viện, chúng tôi được nghỉ hè từ tháng năm cho tới hết tháng bảy, còn mấy ông thầy đi giúp xứ thì thường phải ở lại cho tới cuối tháng sáu hay đầu tháng bảy mới được về quê nghỉ khoảng một tháng trước khi đi giúp xứ khác hoặc trở về đại chủng viện.
Năm đó giáo xứ Vinh Trung chúng tôi có ông thầy giúp xứ rất đẹp trai, học giỏi và cũng là con nhà giàu nên rất nhiều chị em “Con Đức Mẹ” thầm thương trộm nhớ... Vừa về tới nơi, tôi đã nghe mấy đứa giúp lễ kể rằng có nhiều “o” viết thư tình cho thầy nhưng thầy nộp hết cho cha, “nỏ đọc!” Tôi phục ông thầy sát đất nhưng cũng tò mò nên hỏi thầy:
- Em nghe nói thầy nhận được nhiều thư tình và chắc cũng lắm quà cáp lắm, phải không thầy?
- Không nhiều đâu em, nhưng cũng “hơi bị giao động” nên phải nhờ cha xứ giúp đỡ. Sáu bảy năm nữa tới phiên em đi giúp xứ rồi biết, cứ như “trên đe dưới búa” ấy chứ!
- Làm thầy sướng thật... chứ tụi em có ai biếu xén gì đâu!
- Thôi đi ông tướng! Ở đây cả năm thầy cũng biết một vài thành tích của em rồi. Mà này, thầy còn ở đây hơn một tháng nữa và em thì đang nghỉ hè rảnh rỗi nên thầy nhờ em lúc nào thầy đi đâu thì đi chung với thầy, còn lúc nào cần học thêm thì vào phòng thầy mà học cho yên tĩnh, chỗ nào không hiểu thầy giúp cho.
- Cha nhờ thầy kềm kẹp em hả? Thế thì chán chết! Để em đi chơi với mấy đứa giúp lễ thích hơn.
- Không phải đâu! Thầy nhờ em mà. Thầy sẽ “trả công” cho em.
- Nếu thế thì em chịu liền.
Tôi nghĩ trong đầu có lẽ thầy sợ mấy “o” tấn công hay sợ cha xứ nghi ngờ, viết tờ trình không tốt gởi cho Đức Cha thì rắc rối nên mới nhờ tôi. Thêm vào đó, ông thầy là con nhà giàu chắc sẽ “trả công bội hậu” nên tôi vui vẻ nhận lời... nhưng cũng phải lựa lời để xin phép cha Trọng. May quá, tôi chưa kịp xin thì ngay sau trong bữa ăn tối, cha Trọng kêu tôi vào phòng dặn nhỏ:
- Cha thấy phiếu điểm và hạnh kiểm chủng viện gởi về rất tốt nhưng không phải vì thế mà lêu lổng cả 3 tháng hè nghe chưa. Thầy... còn ở đây hơn một tháng nữa, cha sẽ nói với thầy giúp con học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp, và nhất là học theo nhân cách của thầy. Với lại cũng phải canh chừng đám “con gấy” để thầy an tâm trở về học Thần Học nghe chưa?
Tôi sướng quá, “dạ” một tiếng thật to rồi chạy sang phòng thầy.
Từ đó cho tới ngày thầy từ giã giáo xứ vào giữa tháng sáu, tôi được hưởng nhiều “bổng lộc” vì đã canh chừng thầy rất kỹ; tuy nhiên, như tôi đã nói từ đầu là chuyện xảy ra “từ thuở còn thơ” nên tôi không nhớ hết, chỉ xin viết ra đây một vài chuyện nho nhỏ, vui vui...
Một buổi tối, tôi đang ngồi một mình mơ mơ màng màng trong phòng thầy thì nghe tiếng “xuỵt xuỵt” ngoài cửa sổ. Tôi đứng lên đi ra cửa sổ hỏi lớn:
- Ai rứa?
Lại một tiếng “xuỵt” rồi chị Liên ngóc đầu lên hỏi nhỏ:
- Thầy mô rồi Duy?
- Thầy với cha đang đọc “Sách Nguyện”. Chị đứng ngoài nớ mần chi rứa? Coi chừng kiến cắn đó.
- Có mô! Chị định biếu thầy trấy ổi “xa lị” vừa chín tới. Duy đưa cho thầy giúp chị nha?
- Nỏ có phần em à? Rứa em nỏ đưa mô. Chị vô phòng khách ngồi chờ thầy với cha đọc kinh xong rồi đưa cho thầy.
- Giúp chị đi mà... Mai chị cho em trấy khác.
- Thật nha? Chị mà quên là em mách cha đó.
- Thật mà. Ngoan rồi chị thương.
Đúng là “được cả chì lẫn chài” vì không những hôm sau chị Liên đã giữ lời hứa cho tôi hai quả ổi rất lớn, và thầy cũng cho tôi luôn quả ổi chị biếu thầy. Sướng thì thôi!
Cái thời trước năm 1975, hầu hết các anh lớn lên đều phải đi lính hoặc đi học xa nhà nên ca đoàn xứ chỉ có “bè nữ”, thường là mấy “o” trẻ đẹp trong xứ và chỉ tập hát mỗi tuần một lần, ngoại trừ những dịp lễ trọng. Tôi chẳng thích thú gì với cái việc ngồi gảy đàn từng nốt cho thầy tập hát, nhưng cái mục “ăn vặt” của mấy “o” thì tôi tận tình thưởng thức. Không biết mấy “o” bàn nhau sao đó mà hôm nào đi tập hát cũng có người mang theo trái cây hoặc kẹo bánh để ăn trong giờ nghỉ giải lao hoặc trước khi ra về. Tôi để ý thấy mấy “chị” ca đoàn chỉ ăn cho có lệ và uống nước nói chuyện nên hôm nào cũng có “phần dư để dành cho thầy” vì thường thường thầy trở về phòng, tránh mặt cho các “chị” được tự nhiên. Hôm đầu tiên tôi đến, sau khi tập hát chừng một giờ, thầy cho nghỉ giải lao 15 phút. Thầy vừa ra khỏi cửa, chị Nga bày lên bàn một đống chôm chôm rồi đưa cho tôi một bao:
- Em cất cấy bao ni hồi nữa đưa về phòng cho thầy, nghe chưa?
- Cất đi mô được? Để em đưa sang phòng thầy luôn cho rồi. Mấy chị nhớ để phần cho em với nha, đừng ăn hết đó.
- Không... Để tập hát xong rồi đưa không có thầy nỏ lấy mô.
- Răng rứa?
- Thì thầy cứ để ra bàn cho mọi người ăn, nỏ khi mô đưa về phòng riêng cả.
- Rứa thì để ra bàn ăn luôn chớ để phần cho thầy mần chi?
- Thì em cứ cất đi. Khi mô nhà chị về hết rồi mới đưa thì thầy phải lấy thôi.
- Chị định hối lộ em phải không? Cũng được, nhưng mà nếu thầy không lấy là phần em nha.
- Cấy thằng...!
Và từ đó hôm nào tập hát tôi cũng có “quà” vì thầy chẳng bao giờ nhận. Đúng là “canh chừng” thầy lời thật. Có điều, với cái đám thiếu nhi thì hơi rắc rối vì quân nớ còn nhỏ nên không phải canh, đã thế đa số là bạn học chung lớp tiểu học, bạn đi bò, nhảy cò cò, bắn bi... của tôi nên cũng khó mà bắt nạt được chúng nó. Thêm vào đó, thầy lại thương chúng nó nữa chứ. Thầy hay cho mấy đứa giỏi giáo lý hoặc siêng năng đi nhà thờ và sinh hoạt đủ thứ quà bánh, tượng ảnh... May cho tôi là thỉnh thoảng thầy nhờ tôi “phân phối” quà cáp nên tôi được dịp “trả thù” bằng cách “bớt” phần của mấy đứa tôi không ưa. Tôi không dám lấy làm của riêng nhưng cho thêm mấy em “xinh xinh” để chiếm cảm tình nên cũng lời chán.
Khổ một nỗi không biết có đứa nào mách với thầy là phần của nó bị “ăn bớt” nên một hôm thầy bảo tôi:
- Em cho thêm một vài đứa em thích thì không sao nhưng đừng “bớt” phần của đứa nào hết, tội nghiệp chúng nó. Thầy biết em chỉ “nghịch” thôi... Từ nay em muốn cho thêm thì được nhưng không được bớt xén nghe chưa?
- Dạ.
Phải nói là tôi “rầy” lắm nhưng vẫn chứng nào tật nấy!
Một buổi chiều tôi mang quần áo định ra bể nước bên cạnh nhà xứ để tắm thì bà Thông tới. Bà khoảy khoảy tay kêu tôi đến gần:
- Chú Duy cất hai bao nhãn ni cho bà cấy. Bà vô cha xin lễ xong ra bà lấy sang biếu thầy, còn cái bao nhỏ thưởng công cho chú mấy “bựa” cứ phải chạy lên chạy xuống đưa thuốc cho ông nhà tui.
- Bà nỏ công bằng chi cả... Thầy xuống nhà bà có một bựa, còn ngày mô con cũng phải đưa thuốc cho ông răng bà cho con ít ri?
- Thì chú còn nhỏ ăn rứa được rồi. Khi mô “độ cụ” rồi tha hồ mà ăn. Cất cho bà cấy nha. Cầm vô cha thấy rầy lắm.
- Rầy chi? Bà cũng đưa biếu cha một bao to đó chi.
- Cấy chú ni rầy rà thật... Cất đi rồi “gọ cựa” cho bà cấy.
Xui cho tôi là lúc đó cha Trọng đang đứng trong phòng nhìn ra, nhưng vì cái cửa sổ “lá sách” nên ở ngoài không nhìn thấy. Sau khi “a hèm” một tiếng, cha mở cửa sổ ra. Bà Thông lật đật chào cha, còn tôi thì đứng sững người vì không biết trốn đi đâu. Cha nói lớn:
- Ông khỏe rồi à bà? Vô đây, vô đây. Thằng Duy xách mấy cấy bao cho bà...
Vào tới phòng khách, sau khi hỏi thăm qua loa, cha Trọng nói:
- Bà đưa hai bao ni về cho ông tẩm bổ. Tôi chỉ nhận một phần cho mấy cha con trong nhà xứ ăn chung được rồi.
Theo phản xạ tự nhiên, tôi “phản đối”:
- Cấy bao nhỏ ni bà cho con rồi mà!
- Cái thằng... Vô phép vô tắc!
Bà Thông nói đỡ cho tôi:
- Đúng đó cha. Cả tuần ni chú Duy cứ phải chạy đi chạy về đưa thuốc thang cho ông nhà con. Cho chú ăn với mấy chú giúp lễ cho vui.
- Bà đừng làm nó hư... Cấy thằng ni không “nắn” là không được mô! Định đi tắm thì đi đi...
Tôi đành lủi thủi đi xuống nhà bếp, định vòng ra sau giếng “quay nước” lên tắm nhưng thấy thầy đang lấy quần áo ngoài dây phơi nên tôi rón rén đến gần kể cho thầy nghe. Thầy vừa cười vừa nói:
- Cha làm vậy là đúng rồi. Mà em cũng thật tình, đúng là “trẻ không tha già không chê!” Thôi đừng buồn nữa, tắm nhanh lên rồi mình lái xe đi dạo và chụp hình phong cảnh.
Nghe nói đi chụp hình với thầy là tôi quên ngay chuyện không được giữ lại túi nhãn của bà Thông. Tuy nhiên, có một điều tôi không ngờ là có một anh lớn trong ban giúp lễ nghe được nên nói lại với cả đám rồi hùa nhau trêu tôi là cái thằng “trẻ không tha già không chê!”
Nguyễn Duy-An
|