Buồn Vui Khi Làm Việc Cho National Geogaphic
Mùa hè năm nay, một nhóm khá đông nhân viên trẻ, đa số mới vào làm việc tại National Geographic được một vài năm, tổ chức một buổi “picnic” và mời tôi đến chia sẻ và thảo luận với họ một số kinh nghiệm làm việc và niềm vui, nỗi buồn khi làm việc tại văn phòng trung ương của National Geographic. Tôi không thể viết lên đây những “chuyện nội bộ” nhưng buổi nói chuyện thân tình hôm ấy đã gợi ý cho tôi ngồi suy nghĩ và viết lại một số “chuyện bên lề” xảy ra “ngoài văn phòng” kể từ khi tôi về làm việc cho National Geographic.
Sao lại bỏ nhà “vô rừng vô rú” ngồi rình...
Khi biết tin tôi về làm cho National Geographic sau hơn 10 năm gắn bó với hãng TRW (bây giờ là Northrop Grumman), một bác người Việt từng giúp đỡ tôi rất nhiều từ khi mới chân ướt chân ráo ghi danh đi học đại học Cộng Đồng tại Virginia, đã gọi tôi ra phía sau bãi đậu xe ở nhà thờ Việt Nam để “hỏi cho ra lẽ”:
- Bác nghe nói cháu đã nghỉ làm ở TRW rồi hả?
- Dạ.
- Sao vậy? Công việc đang ngon lành, gia đình đang sống hạnh phúc ở đây, tự dưng lại bỏ đi rồi “vô rừng vô rú” ngồi rình mấy con sư tử săn mồi là sao?
- Dạ... Ai nói với bác như vậy?
- Thì bác coi TV thấy mấy người National Geographic cả năm cả tháng ngồi trong rừng rình mò quay phim chụp hình mấy con voi, con khỉ, rồi gấu, beo, sư tử... đầy ra đó chứ ai nói. Đi suốt như vậy có ngày mất mạng mà không thì cũng mất vợ mất con đó, nghe không?
- Ồ! Không phải như vậy đâu bác ơi. Đó là công việc đặc biệt không phải ai cũng làm được đâu. Phần cháu chỉ làm về kỹ thuật tại văn phòng ở Washington, DC thôi.
- Thế à? Vậy mà bác cứ lo!!!
Anh ấy là người kiên nhẫn lắm nhỉ?
Năm 1999, trong dịp về Việt Nam, tôi tháp tùng bà xã đến thăm thầy giáo cũ của nàng. Thầy hỏi:
- Thế chồng con làm gì bên ấy?
- Dạ... Anh ấy làm cho National Geographic.
- Thật sao? Vậy chắc anh ấy là người kiên nhẫn lắm nhỉ?
- Thầy nói sao cơ?
- Thì một người mà suốt ngày cứ phải ngồi ngoài sa mạc đào xới, lau sạch cát bụi để góp nhặt xương khủng long thì phải kiên nhẫn lắm.
- !!!
Tôi phải ghi danh đi học chụp hình
Những năm gần đây, hầu như nhà nào cũng có máy chụp hình “kỹ thuật số” (digital camera) nên thường thường trong các dịp sinh hoạt hay tiệc tùng người ta không còn thuê thợ chụp hình chuyên nghiệp như trước kia nữa. Trong một dịp sinh hoạt cộng đồng ở Virginia, trong lúc tôi đang đứng tán gẫu với bạn bè chờ giờ khai mạc, một người quen mới mua cái máy Canon loại “professional” và không biết cách sử dụng nên chạy tới gần, nói lớn:
- Cậu cầm cái máy này rồi giúp chụp một ít hình quan trọng để tụi này đưa lên báo và trang web nhé.
- Anh nhờ người khác đi chứ em đâu có biết.
- Cậu làm cho National Geographic mà nói không biết chụp hình thì quỷ nó tin à? Máy xịn mới mua đó, cậu xem qua rồi chịu khó giúp một tay... Mình phải chạy lo vài việc cho kịp giờ khai mạc.
Nói rồi anh dúi chiếc máy “chưa bóc tem” vào tay tôi và biến mất vào đám đông. Cũng may, sau một lúc mày mò và chọn dạng “tự động” tôi cũng chụp được một số hình tương đối không tệ lắm.
Từ đó, thỉnh thoảng lại có người nhờ tôi chụp hình, lúc thì tiệc sinh nhật, lúc thì lễ ra trường... vì tôi làm cho National Geograhpic nên “chụp hình số một!” Thú thật là tôi mù tịt về việc chụp hình và không phải máy chụp hình nào cũng có thể chụp được những tấm hình đẹp dưới dạng “tự động” nên tôi đành phải miễn cưỡng ghi danh đi học 2 lớp chụp hình để biết cách phối trí góc độ, biết lúc nào nên dùng đèn “flash”, lúc nào nên tăng tốc độ...
Nhiều khi ngồi ngẫm nghĩ tôi đã phải phì cười vì những “hiểu lầm” người ta gán ghép cho mình khi họ biết tôi làm ở National Geographic. Tôi đâu có vào rừng rình mò quay phim chụp hình hoa cỏ hay sư tử săn mồi, cũng chưa bao giờ đặt chân vào sa mạc chứ nói gì tới việc đào bới xương khủng long; và không phải ai làm cho National Geographic cũng là thợ chụp hình giỏi!
Tôi biết... nhưng anh không phải là Mẽo (Yankee)!
Lần đầu tiên theo phái đoàn National Geographic tham dự cuộc triển lãm về kỹ nghệ in ấn “Drupa” được tổ chức 4 năm một lần ở ngoại ô thành phố Dusseldorf (Đức), tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh người Đức chơi xỏ người Mỹ trên “sân nhà” rất ngoạn mục.
Bốn người chúng tôi tới nơi rất sớm vì sợ xe lửa bên Đức cũng hay bị trục trặc và chậm trễ như xe điện ngầm Metro ở Washington, DC. Người trưởng phái đoàn tới gặp nhân viên trực một lát rồi lắc đầu quay trở lại bảo tôi:
- Này... Cậu biết tiếng Pháp thử tới hỏi xin cho mình vào sớm được không. Nó cứ nói là “No English!”
- Cái gì? Ở bên này ngay cả một đứa học sinh trung học cũng có thể nói thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp huống gì là nhân viên làm việc ở đây.
- Ai biết! Nó cứ một mực là “No English” rồi đẩy mình quay trở lại!
Không mấy tin tưởng cái vụ “No English” của anh trưởng phái đoàn nhưng tôi cũng đành đi hỏi thử xem sao, mặc dầu khả năng tiếng Pháp của tôi sau hơn 20 năm định cư tại Mỹ cũng chẳng còn gì ngoài một ít câu chào hỏi thông thường. Thêm vào đó, theo thói quen, trước khi đi công tác ở nước nào, tôi cũng cố gắng học vài câu chào hỏi, cám ơn và xin lỗi để làm quen vì cho dẫu mình có nói sai giọng họ cũng rất thích khi nghe mình nói tiếng mẹ đẻ của họ. Tôi tới gần “bót” an ninh và lên tiếng chào bằng tiếng Đức. Ông ta vui vẻ xổ một tràng tiếng Đức thật dài, tôi nghe như “vịt nghe sấm” mà chẳng hiểu ông ta nói gì nên đành lên tiếng xin lỗi bằng tiếng Đức, rồi nhỏ nhẹ nói bằng tiếng Anh:
- Xin lỗi. Tôi chỉ mới học được vài câu tiếng Đức thôi. Tôi nói tiếng Anh hay tiếng Pháp được không?
Ông ta trả lời bằng tiếng Anh:
- Được chứ! Tôi đoán anh cũng là người trong phái đoàn đến từ Hoa Kỳ phải không?
- Vâng. Chúng tôi đại diện cho National Geographic.
- Quý hóa quá. Mời vào... Mời vào. Cái bản đồ khu vực tổ chức “Drupa” đây... Anh dẫn bạn anh theo hướng này... Trong đó đã dọn sẵn bữa sáng...
Anh ta vừa trao cho tôi tấm bản đồ, vừa lấy bút chỉ chỗ này chỗ kia rất rõ ràng mạch lạc rồi dục tôi gọi mấy người trong phái đoàn vào sớm để kiếm chỗ ngồi tốt. Tôi rất ngạc nhiên, nhỏ nhẹ lên tiếng:
- Tôi cám ơn ông nhiều lắm... Nhưng tôi muốn hỏi tại sao lúc nãy ông trả lời với trưởng phái đoàn của tôi là “No English” rồi xua ra ngoài, còn bây giờ ông lại giúp tôi và mời cả nhóm vào sớm? Ông cũng biết chúng tôi đi cùng một nhóm mà.
- À... Tôi không thích mấy người Mỹ. Tôi biết anh cũng đến từ Hoa Kỳ nhưng tôi giúp anh vì anh không phải là “Mẽo” (Yankee)! Với lại... anh biết chào tôi bằng tiếng Đức. Tôi cảm động lắm.
Sau khi ổn định ngồi ăn sáng chờ giờ khai mạc, mấy người trong phái đoàn hỏi tôi làm sao để được “ưu đãi” như vậy? Tôi đã không dám nói thật, chỉ trả lời là ông ta cảm động vì nghe tôi chào bằng tiếng Đức. Thật đúng là tiếng chào bằng tiếng mẹ đẻ của người ta còn cao hơn mâm cỗ rất nhiều!
Măng Le và Gấu Trúc (Panda):
Ngày qua Mỹ du lịch mẹ tôi mang theo 4 gói măng le loại đặc biệt đặt mua đâu trên Kontum, nấu bún măng “ngon tuyệt cú mèo”, hơn hẳn loại măng khô bình thường, và mỗi lần chỉ cần dùng một nhúm nhỏ, sau khi ngâm nước nó nở lớn ra gấp nhiều lần. Do đó, ngày tôi đưa mẹ trở về Việt Nam, bà xã tôi ghi sẵn trong tờ giấy những món tôi phải mang trở lại Mỹ: 20 ký măng le, mua ở Kontum.
Sau khi về tới Việt Nam, các em tôi nhờ người lên Kontum lùng khắp cũng chỉ gom được 18 ký rưỡi măng le. Tôi ngán ngẩm rùng mình chèn nhét mãi mới xong 37 gói măng, mỗi gói 500 gram vào 2 chiếc valise ký gởi - quá nhẹ, còn tất cả quần áo và những thứ lỉnh kỉnh khác lại phải chèn vào chiếc valise nhỏ kéo theo lên máy bay - rất nặng!
Khi về tới phi trường Washington Dulles International Airport, tôi thành thật khai báo trong hồ sơ là “dried bamboo”. Khi đi ngang chỗ thị thực giấy tờ trước khi nhận hành lý, tôi nghe mấy người nhân viên nói với nhau:
- Hình như National Geographic sắp có chương trình gì rất lớn về gấu trúc (Panda) vì hành lý của anh chàng này chỉ chứa toàn “tre khô”!
Tôi vừa cười vừa kéo valise ra ngoài. Lúc về tới nhà, mở valise ra thấy toàn là măng khô, con gái tôi cười rũ rượi:
- Sao bố mua nhiều măng khô vậy? Có lẽ ăn cả mấy năm chưa hết!
- Thì mẹ dặn mua 20 ký, ở đây chỉ có 18 ký rưỡi thôi đó!
Vợ tôi lên tiếng phân trần:
- Sao 20 ký của mẹ có 4 gói mà của anh sao nhiều thế?
- Cái gì? Mẹ mang qua có 2 ký thôi. Mỗi gói nửa ký mà.
- Vậy sao? Chắc em nghe lộn, cứ tưởng là 2 chục ký...
Cũng may măng khô không phải là hàng quốc cấm nên tôi không gặp trở ngại gì khi qua trạm hải quan, và cũng không phải đóng thuế... lại còn “được hiểu lầm” là mua măng khô về để nuôi gấu trúc “Panda” cho National Geographic.
Không nói chắc các bạn cũng biết là chúng tôi đã dùng số măng đó biếu bạn bè mỗi gia đình một gói làm quà chứ nếu để ăn có lẽ phải mấy năm sau mới hết!
Những “chuyện bên lề” liên quan tới việc tôi làm ở National Geographic còn nhiều... nhưng tôi xin phép tạm ngừng tại đây. Hy vọng khi đọc những dòng này đầu óc các bạn cũng thư giãn phần nào sau những giờ làm việc vất vả nơi “đất khách quê người!”
Nguyễn Duy-An
|