MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: tác giả nguyễn duy an và phạm tín an ninh
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Một Lần Về “quê”
Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 3-2009

Một Lần Về “QUÊ”

 

Viết tặng bà con Bình Giả ở New Orleans, Lousiana

 

Nhân chuyến đi công tác ở Lousiana, tôi sắp xếp thời giờ ghé thăm vùng Versailles ở New Orleans, tìm gặp một số bà con Bình Giả định cư tại đó, và cũng muốn đi xem “Chợ Chổm Hổm” cho biết vì nghe nói cái chợ này giống như chợ Bình Thuận ở Làng Ba, Bình Giả: Hàng quán bày bán la liệt hai bên lề đường...

 

Từ khách sạn, tôi lái xe thẳng xuống nhà thờ Giáo Xứ Maria, Nữ Vương Việt Nam vì cứ nghĩ ở đây chắc cũng giống như ở Houston, bà con ta sẽ bày bán chung quanh khu vực nhà thờ. Lúc tôi tới nơi, thấy nhà thờ vắng hoe vì lễ sáng đã tan từ lâu. Tôi đành theo bản đồ lái xe đến nhà ông Tài (Yên Đại) để nhờ ông dẫn đi thăm bà con Bình Giả. Tôi đậu xe trước nhà rồi mới gọi điện thoại báo tin mình đã tới. Bà Tài bắt điện thoại:

 

- Anh mi đang ở mô rứa? Ông nhà tui đang ở sau vườn, để tui kêu ông ấy vô chỉ đường cho anh...

 

- Con tới rồi, đang ở trước nhà.

 

- Oa trời ơi... Giỏi rứa à? Ông ấy đang cằn nhằn tui là bữa qua không chịu hỏi số điện thoại và địa chỉ của anh rồi ông lên đón về chớ lạ nước, lạ cái biết đàng mô mà đi.

 

Nói rồi bà Tài cúp điện thoại, ra mở cửa cùng với một bà cụ tóc bạc trắng, tôi nhận ra nên lên tiếng chào:

 

- Chào bà Khai. Bà khỏe không?

 

- Răng mà hay rứa, nhận ra được tui à?

 

- Bà vẫn như hồi xưa thôi. Bà có nhận ra con không?

 

- Nếu như Mự hắn mà không nói trước là bữa ni anh đến thì mần răng mà nhận ra được. Hơn 20 năm rồi, dừ to tợn, mập mạp ra ri... Nhưng mà nhìn cũng giống bà Minh, hầy!

 

Vừa bước vô nhà, tôi nói với bà Tài:

 

- Để con ra vườn sau chào ông.

 

Vừa thấy tôi mở cửa sau bước ra, ông Tài nói oang oang:

 

- Vơ làng ơi... Ông đang sợ con đi lạc.

 

- Con tới lúc nãy rồi, ghé qua sân nhà thờ tìm cái “Chợ Chổm Hổm” mà không thấy nên con mới ghé đây nhờ ông dẫn đường.

 

- Giờ ni thì còn chi nữa. May ra còn vài người đang dọn đồ về. Rứa ta đi luôn, với lại bà Phương-Khải cũng có hàng bán bánh mướt ngoài nớ, chắc chưa về.

 

Bà Phương (Nghi Lộc) lấy ông Khải (người Bắc) là người bà con bên nội của tôi. Tôi phải gọi bằng “bà”. Tôi đã nhờ ông Tài trước để tìm thăm nhân dịp xuống New Orleans vì tôi không có điện thoại và địa chỉ của ông bà... Chúng tôi lên xe đi ngay vì lúc đó đã hơn 8 giờ rưỡi rồi, mà “Chợ Chổm Hổm” người ta họp từ tờ mờ sáng, tới khoảng 7 giờ hơn là “dẹp tiệm”. Thật may cho tôi, bà Phương đang dọn dẹp chuẩn bị về thì tôi xuất hiện. Vì tôi không ở Bình Giả nhiều nên cũng không nhận ra bà, và đương nhiên bà cũng chẳng biết tôi là ai. Ông Tài lên tiếng:

 

- Tui đưa anh An con ông Minh đến nhận bà con đây bà Phương nầy.

 

- Trời ơi. Cháu mất tích, mất tang ở mô rứa? Cha chết cũng không cho ông bà biết. Ông đây nầy... Ông đưa cháu về nhà trước đi, tui dọn dẹp xong về liền.

 

Chúng tôi đi bộ về nhà ông Khải, trên đường đi lại gặp ông Yên (Xuân Mỹ) nên mời ông đi luôn cho vui, vừa đi vừa nói chuyện. Tất cả khu vực chung quanh “Chợ Chổm Hổm” toàn là người Việt Nam. Tôi có cảm tưởng như đang đi bộ ở quê nhà, và đó là lý do tại sao tôi chọn tựa đề cho bài viết này là “Một Lần Về QUÊ”. Ở đây cũng có bụi chuối, cây trầu, cây ổi... và nhất là cái “mùi quê hương” chỗ nào cũng ngửi thấy vì bà con ta chiên chả giò, kho cá kho tôm với nước mắm, ruốc (mắm tôm), và phi hành tỏi nực mùi khắp xóm. Ông bà bắt tôi phải ở lại ăn “bữa trưa” lúc mới hơn 10 giờ sáng để thưởng thức món bánh mướt (bánh cuốn) và giò lụa do o Tuyết (con gái ông bà Khải-Phương) sản xuất cho bà đi bán ngoài “Chợ Chổm Hổm” mỗi sáng Thứ Bảy. Ông Yên cũng mời tôi ghé nhà chơi, nhưng tôi hẹn hôm khác sẽ trở lại vì tôi lỡ hứa với một vài người khác; và cũng muốn dành ngày cuối tuần để gặp gỡ các bạn trẻ vì ngày thường họ bận đi làm. Tôi còn ở vùng này mấy ngày nữa, lo gì.

 

Trở lại nhà ông Tài, tôi đi bộ qua đường chào thăm bà Mược (La Nham) là người đi chung ghe với tôi. Bà đã già lắm (96 tuổi) nhưng vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Bà không nhận ra tôi là ai, nhưng sau mấy phút nói chuyện, bà nhớ lại nên hỏi tôi:

 

- Răng thầy không làm cha? Cha là mệ ôi, nhìn cứ như ông Tây, ông Mỹ tê nạ... Đẹp trai ra ri nỏ trách chi mà không tu được! Anh gặp vợ chồng Thanh chưa?

 

- Con mà đẹp chi bà. Bây giờ tóc thì bạc, lại phải đeo kính hai tròng mới thấy đường đó... Con mới xuống đây lúc nãy. Con đã gọi điện thoại cho anh Thanh hồi tối, nhưng vợ chồng anh ấy bận đi làm, chỉ nghỉ Chúa Nhật thôi. Mai đi lễ xong con mới ghé thăm được.

 

Tôi trở về chở ông Tài đi thăm ông bà Trung (Gia Hòa) và ông bà Nho (Quan Lãng). Tôi định gọi điện thoại trước khi đi cho chắc ăn, nhưng ông Tài nói “nỏ cần mô, ta cứ đi, không vô nhà ni thì vô nhà tê, gọi mần chi cho rắc rối.” Chúng tôi chưa ra xe thì ông Diền (Xuân Mỹ) lái xe đến. Tôi nói với ông bà Tài để tôi ra chào trước xem ông có nhận ra là ai không:

 

- Chào ông Diền. Mọi bữa con nghe tin ông đi mổ... Bây giờ khỏe hẳn chưa?

 

- Ai ri hầy? Tui chết đi sống lại nên cũng lú lấp nhiều rồi, nỏ nhận ra ai cả. Ai đây bà Tài? Ồ, ông thầy phải không? Mới lên nhà tui sửa xe đạp đó mà cũng 25 năm rồi hầy?

 

- Dạ. Con “nỏ” làm thầy nữa mô, làm cha lâu rồi; cha của 3 đứa nhỏ lận.

 

- Kệ hấn chi... “Nhứt tự vi sư, bán tự vi sư” chơ lậy. Không làm thầy tu nữa thì cũng vẫn là thầy dạy mấy đứa con tui. Ai muốn kêu chi thì kêu, tui là cứ thầy tê.

 

Nói chuyện với ông Diền một lúc, chúng tôi lái xe tới nhà ông bà Trung. Ông Trung vừa mở cửa, tôi vội vàng lên tiếng:

 

- Chào ông. Con chưa bao giờ gặp ông cả, chỉ nghe nói thôi. Con chỉ quen với cô khi ở Bình Giả.

 

- Đúng vậy. Khi tôi về thì anh đã đi rồi. Nhà tôi ra dừ đó, đang coi mấy đứa cháu.

 

Bà Trung vừa bước ra tôi đã nhận được liền:

 

- Chào cô Hoàn. Trông cô vẫn trẻ đẹp như ngày xưa vậy.

 

- Thầy nói rứa chớ già rồi, bà nội bà ngoại rồi... Coi thầy còn trẻ lắm, có nhớ hồi đi xe than ra Bà Rịa nữa không hầy?

 

- Có chớ cô. Hồi đó con chuyên môn được các bà gởi hàng khi đi qua trạm thuế, quên chi được.

 

- Nhớ dai thật đó hầy. Dừ mần chi, được mấy cháu rồi?

 

Chúng tôi ngồi ôn lại những chuyện trên trời dưới đất từ 25 năm về trước; rồi ông Trung lại kể thêm nhiều chuyện của 50 năm về trước, từ lúc mới di cư. Ông đang viết lại những diễn tiến từ khi thành lập làng Bình Giả vào năm 1955... Hy vọng bà con ta sẽ được thưởng thức những câu chuyện lịch sử vô giá do ông Trung viết lại cho cuốn Kỷ Yếu 50 Năm Bình Giả. Nhân dịp hôm sau (Chúa Nhật) là lễ rửa tội cho cháu đích tôn của ông bà Trung (con trai đầu lòng của anh Lương), ông bà mời tôi trở lại tham dự và chung vui... chắc chắn sẽ gặp được nhiều người Bình Giả. Tôi vẫn mang tiếng “thấy đông vui là tới, nỏ biết lạ biết quen chi cả” nên tôi đã nhận lời để có dịp gặp người đồng hương.

 

Chúng tôi ra xe lái thêm một quãng ngắn nữa để tới thăm ông bà Nho (Quan Lãng). Vừa gặp mặt, ông Nho đã phàn nàn:

 

- Đã nói chú mi là cứ xuống túi Thứ Sáu, ngủ đây cũng được mà răng không xuống? Làm ông bà nhà tui vừa ăn cơm túi vừa ngóng dài cổ ra mà cũng không có số điện thoại để gọi.

 

- Dạ... tại con thấy đường số 10 kẹt xe quá. Hơn nữa, con bây giờ mắt cũng kèm nhèm rồi, phải đeo kính hai tròng nên không dám lái xe đi tìm nhà vào buổi tối.

 

- Rứa túi ni ở đây ăn cơm hây?

 

- Ông bà cho con kiếu hôm nay vì đã nhận lời với vợ chồng anh Thi rồi. Bữa khác con trở lại, con còn ở đây mấy ngày nữa mà.

 

Bà Nho vừa dỗ cháu ngủ, từ trong nhà đi ra, vừa ăn trầu vừa nói:

 

- Nhìn là biết ngay con bà Minh hây. Tui mới đi Việt Nam về đây. Ngày mô cũng gặp bà cả.

 

Chúng tôi ngồi nghe ông bà Nho kể chuyện Bình Giả khá lâu vì ông bà về Việt Nam ăn tết mới sang. Từ nhà ông bà Nho, ông Tài chỉ đường cho tôi chạy tới nhà dòng để chào cha Sơn (gốc Bình Giả) và tôi cũng hân hạnh nhận họ hàng với cha Cao Thế Bình là cháu của cha Trần Đình Trọng. Mấy cha con hẹn nhau trưa Thứ Ba đi ăn trưa để tâm tình nhiều hơn, vì cuối tuần các cha rất bận.

 

Trong khi chúng tôi lái xe đi lòng vòng hết nhà này sang nhà khác thì anh Thi lại lái xe đến nhà ông Tài kiếm tôi. Tôi không hiểu tại sao bà con ta ở vùng New Orleans không gọi điện thoại trước mà cứ lái xe tới nhà, không gặp thì về, y như ngày xưa ở Bình Giả vậy. Chắc tại ở gần nhau quá. Tôi và anh Thi chở ông Tài về nhà để ông đi sinh hoạt chi đó vào buổi chiều, rồi hai anh em dẫn nhau “đi dạo chợ”, vừa đi vừa tâm sự. Ngày xưa ở Bình Giả tôi là bạn cùng tuổi với Phương (Bình Thuận) và đi làm chung với anh Thi mấy năm trước khi đi vượt biên nên chúng tôi thân nhau. Phương gọi điện thoại về cho chồng, nhắc là phải giữ tôi ở lại vì lúc đầu tôi dự tính ăn tối xong sẽ về khách sạn. Anh Thi trao điện thoại cho tôi:

 

- Hello người đẹp. Mấy giờ về?

 

- Ông mi vẫn lẻo mép như ngày xưa hầy. Bây giờ già như “bà cố” rồi chớ đẹp chi nữa.

 

- Thì đẹp theo kiểu “già” chơ lậy.

 

- Ông mi nói tiếng Trung giọng Bắc nghe nỏ ra răng cả.

 

- Thì đang học mà. Răng mà người đẹp khó tính “rứa”?

 

- Ông mi có nhớ Điệp và Chi con ông bà Nho nữa không?

 

- Hai bà chị lớn thì nhớ rõ vì mới gặp vài năm trước ở Việt Nam, còn mấy đứa “con nít” chỉ nhớ sơ sơ thôi...

 

Phương làm chung tiệm Nail với Chi nên quay sang nói với Chi nhưng tôi cũng nghe vọng vào trong điện thoại:

 

- Ông ấy nói chỉ nhớ sơ sơ thôi. Được chưa?

 

- Đưa em nói chút... Chào thầy. Thầy quên nhà em hết rồi à? Buồn thật đó hầy!

 

- Mi mà cứ kêu tau bằng thầy rứa, tau quên luôn đó.

 

- Rứa kêu bằng chú hây?

 

- Chi mà rắc rối rứa? Kêu bằng anh như anh Sáng nhà bây đó.

 

- Dạ, chào anh. Rứa được chưa? Mai anh đến nhà em chơi đi.

 

- Vừa tới chào ông bà rồi. Thấy ông bà khoe cái nhà to hơn bên cạnh là của “cháu Chi” đó. Quân ni giàu thật...

 

- Mai gặp thầy, à quên, anh nha. Giờ ni đang đông khách lắm.

 

Tôi đã ở lại nhà anh chị Thi - Phương tối Thứ Bảy, và khám phá ra "thiên tài" Bình Giả... Cháu Nguyễn Đình Luyện, con trai út của anh chị Thi - Phương bây giờ là ca sĩ được trung tâm Asia tuyển chọn, và vẫn thường đi trình diễn tại các chương trình Đại Nhạc Hội. Bà con ta khỏi phải lo lắng về vấn đề mướn ca sĩ nữa nhé. Đã có ca sĩ thứ thiệt của phe ta rồi. Một điều tôi còn ngạc nhiên hơn nữa là trong thánh lễ Chúa Nhật hôm đó, bài Ca Hiệp Lễ là một sáng tác của cháu Nguyễn Đình Khôi, con trai trưởng của anh chị Thi - Phương. Một bài hát về tâm tình sám hối rất cảm động. Thật đáng hãnh diện với tài năng của các cháu.

 

Sau thánh lễ, tôi đi ăn sáng với hai gia đình Phương - Thi và Bảo - Chi tại quán Ba Miền, cũng do người Bình Giả làm chủ. Tôi nghe lời quảng cáo của Phương nên làm một tô bún riêu (có ruốc đàng hoàng đó nha) rất nặng tình quê hương mặc dầu đã lâu rồi tôi không ăn mắm tôm! Chúng tôi cà kê dê ngỗng đủ thứ chuyện nên vừa về tới nhà anh Thi, tôi phải vội vàng lấy xe đến nhà ông bà Trung cho kịp giờ tham dự Lễ Rửa Tội cho con anh Lương. Vội vàng thế mà cũng không kịp, vì tới nơi chẳng còn ai ở nhà. Tôi vòng xe sang bên kia đường, đậu trước căn nhà đang xây dở dang của vợ chồng Hưng - Linh, sát cạnh nhà An - Loan (cả hai cặp là rể và con gái của ông bà Trung), đối diện nhà ông bà Diền (Xuân Mỹ). Một người hàng xóm đã gọi cho Hưng về đón tôi lên nhà thờ (tuy có hơi trễ một tý) để tham dự lễ Rửa Tội cho cháu đích tôn của ông bà Trung.

 

Tại nhà hàng, sau khi đi một vòng chào hỏi các cha và những bậc vị vọng, tôi đến ngồi chung bàn với các bạn trẻ Bình Giả. Tôi chẳng biết phải viết gì về buổi tiệc này, ngoài một chữ VUI. Tôi chia sẻ niềm vui với ông bà Trung và anh chị Lương. Tôi vui vì được gặp nhiều bà con Bình Giả, đặc biệt là các bạn trẻ. Thôi thì “tiếng choa, choa nói” nhặng cả lên. Thú thật với mọi người là cũng có vài câu tôi không hiểu bà con ta nói gì, nhất là chung quanh chỗ bà Trung, bà Tài, bà Khai, bà Phương, rồi ông Điểm, ông Tài, cha Sơn... Tôi đã định phải về ngay khách sạn để sắp xếp công việc cho ngày hôm sau, nhưng không làm sao đi được. Trước lúc ra về, ba anh em Quốc, con ông bà Điểm (Văn Yên) lại mời tôi về nhà chơi cho biết. Vào nhà ông bà Điểm lại gặp cha Sơn đang ngồi đó nên tôi đành ngồi thêm gần một tiếng đồng hồ nữa. Tôi hẹn với vợ chồng An - Loan và một nhóm "sồn sồn" là tối Thứ Hai sẽ xuống chơi.

 

Ngày thường đa số dân ta ở đây đi làm tới hơn 8 giờ tối mới về nên tôi xuống sớm, ghé nhà ông bà Nho ăn một chén cơm “dưa cà” cho thỏa lòng mong ước, rồi chạy vội đến thăm ông Yên (Xuân Mỹ) như đã hứa hôm trước. Tôi đã gọi trước và có ý định đến thăm anh chị Thanh - Mỹ sau lễ hôm Chúa Nhật, nhưng lúc chạy qua nhà thì anh Thanh lại vừa lái xe đi đâu đó nên không gặp được. Chiều nay tôi trở lại cũng không có ai ở nhà vì anh Thanh đi làm có khi tới nửa đêm mới về. Thôi thì hẹn lại lần sau nhé.

 

Tối hôm đó chúng tôi tụ tập tại nhà anh chị An – Loan để hàn huyên tâm sự. Không biết tôi có nhớ đúng tên mọi người hay không, nhưng cứ viết (ai thiếu thì nhớ gởi email “khiếu nại” để thêm vào nhé): Anh Cao An và vợ là Loan, anh Hưng và bà xã tên Linh, anh Lương, anh Phượng, anh Quốc, anh Ái, và một số các em nhỏ không được ngồi bàn chạy lung tung khắp nhà. Cũng cụng ly, cụng chai, nói năng ầm ỹ kể lại những chuyện cũ và những buồn vui trong cuộc sống hiện tại... Đặc biệt nhất là anh Ái ngày hôm sau lên đường về Việt Nam, mặc dầu chưa đóng xong mấy thùng đồ, nhưng cũng đến chơi với anh em; và cũng ngủ lại để sáng hôm sau phải làm chứng là tôi ngủ mê và tiếng ngáy rất to; vì lúc đầu hôm anh ấy không tin. Hình như không một ai có mặt hôm đó biết tôi từ trước, chỉ nghe nói ông thầy Tuyết ở Làng Ba thôi. Gặp nhau rồi tôi mới biết anh An Cao (nhưng hình như thấp hơn tôi thì phải) đã từng làm nghề quay phim chụp hình nổi tiếng; còn tôi mang tiếng làm ở National Geographic nhưng chụp hình tấm có tấm không. Được cái may là bà con ở New Orleans nghĩ anh An Cao là người viết mấy truyện lăng nhăng trong trang web Bình Giả nên chỉ khiếu nại với chị Loan “về cuộc đời tình ái của An Cao”! Nhiều khi trùng tên cũng đỡ khổ. Lại có người nghĩ rằng tôi ở Atlanta, Georgia vị họ biết ở đó có anh An là con rể ông bà Hân, và còn một anh mô đó hay viết là An – GA nên người ta tặng cho cái biệt hiệu là “An Gà”. Sau khi khám phá ra cả ba người tên An đó đều không phải là tôi, một cô “xồn xồn” đã nói: “Răng anh không giữ cái tên Tuyết lại cho dễ nhớ, An làm chi cho trùng lặp lộn xộn rứa? Nhà em chỉ thích kêu bằng thầy Tuyết thôi!”

 

* * *

 

Tôi trở về Virginia... Lúc ngồi trên máy bay viết lại những dòng này, tự nhiên tôi cảm thấy nhớ Bình Giả thật nhiều. Nơi đó tôi còn có mẹ già và các em, các cháu. Mỗi lần tôi gặp bà con Bình Giả, hầu hết những người lớn tuổi không biết tôi là ai, nhưng ai ai cũng biết cha mẹ tôi; và bà con thương mến tôi vì công đức của cha mẹ... Tôi mỉm cười với chính mình và tự nhủ: “Khi mô nhớ nhà quá nhưng không có điều kiện về thăm quê hương, ta lấy mấy ngày nghỉ xuống New Orleans thả bộ dọc đường, gặp gỡ những bà con thân thương ở đó, nói dăm ba câu chuyện... thì cũng như Một Lần Về Thăm Quê Hương Bình Giả…”

 

Nguyễn Duy-An

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Nước Mắt Mợ Tôi (3/29/2009)
Nhớ Về Trại Tỵ Nạn Galang (3/29/2009)
Người Đi Qua Đời Tôi Ở Ocean City (3/26/2009)
Nên Thận Trọng Khi Sử Dụng Email & Internet (3/25/2009)
Muộn Màng (3/25/2009)
Tin/Bài khác
Một Lần Nữa (3/19/2009)
Mẹ Và Tình Yêu (3/18/2009)
Mẹ Và Bà Nội (3/18/2009)
Mái Tóc Thề (3/17/2009)
Lạy Mẹ… Con Không Đi Mỹ (3/16/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768