MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đức mẹ việt nam :: đức mẹ họ la-mã
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Tại La Mã, Bến Tre, Việt Nam
Chủ Nhật, Ngày 20 tháng 7-2008
www.conggiaovietnam.net         conggiaovietnam@gmail.com

“MẸ ƠI, CHÚNG CON LẠI SẮP HẾT MẤT RƯỢU RỒI...”

Quý độc giả thân mến,

Năm nay, cha Thành Tâm trong cộng đoàn chúng tôi có sáng kiến bất ngờ: đó là để mừng Bổn Mạng Mẹ Hằng Cứu Giúp của Tu Viện DCCT Sài-gòn, cũng là Bổn Mạng của Giáo Xứ, chúng tôi sẽ xin phép Đức Cha Giáo Phận Vĩnh Long cho chúng tôi được rước Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp của Họ Đạo La Mã, thuộc tỉnh Bến Tre, đi một chặng đường dài về đến Sài-gòn. Công việc ngoại giao thật thuận lợi bởi cha quản Xứ La Mã hiện tại, cha Trần Quốc Hùng, cũng là một cha DCCT.

Vậy là ngày thứ hai 16. 6 vừa qua, một phái đoàn từ Sài-gòn đi xe về Bến Tre cung nghinh Mẹ. Thánh Lễ đồng tế sau đó tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn đã long trọng khai mạc Tuần Cửu Nhật kính Đức Mẹ La Mã, Bến Tre.

Thật ra Mẹ đâu thì cũng vẫn là Mẹ. Mẹ Bến Tre, Mẹ Trà Kiệu, Mẹ Tà Pao, Mẹ La Vang thì cũng vẫn là Mẹ ở Fatima nước Bồ Đào Nha, Mẹ ở Lourdes nước Pháp, Mẹ ở Banneux nước Bỉ, Mẹ ở Medugorje nước Bosnia, chứ Mẹ đâu có phân biệt quốc tịch và chủng tộc làm gì ! Thậm chí Mẹ Hằng Cứu Giúp của DCCT thì cũng chính là Mẹ Mai Khôi của Dòng Đa Minh, Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu của Dòng Salesian, hay Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành của Dòng Tên. Mẹ đông con, Mẹ lại giàu những phẩm tính tuyệt vời, nên các con cứ việc chia nhau mà tổ chức các hình thức sùng kính tri ân Mẹ.

Thế nhưng, sự kiện Đền Đức Mẹ Sài-gòn rước ảnh Mẹ từ Đền Đức Mẹ Bến Tre về đã là một chấn động tâm linh và xã hội. Người nông dân Bến Tre hiền hòa chất phác, lúc tiễn đưa Mẹ đi xa đã khóc mếu máo, sợ Mẹ đi rồi bị người ta giữ lại luôn thì sao ?!? Còn thị dân Sài-gòn ăn trắng mặc trơn thì lại lo rằng hết 9 ngày thiêng liêng này rồi, phải trả Mẹ về lại cố hương Bến Tre, biết ở đây mà cầu nguyện vọng xuống miền Tây, xa tới hơn trăm cây số thì Mẹ có nghe thấu nỗi niềm của mình chăng ?!?

Bản thân chúng tôi được Nhà Dòng giao cho chủ sự một trong các Thánh Lễ trong Tuần Cửu Nhật, chúng tôi đã chọn bài Tin Mừng tiệc cưới ở Cana để cùng cộng đoàn hàng ngàn người suy niệm ( Ga 2, 1 – 12 ).

Hồi đó, hai họ nhà trai nhà gái và bạn bè khách khứa đang mải vui say tiệc tùng, có ai ngờ được trục trặc sắp xảy ra. Thế mà Mẹ thấy hết, thấy trước tất cả. Mẹ có thể thản nhiên như không cũng chẳng sao, không ai trách Mẹ. Mà nếu thật sự có thiếu rượu trầm trọng đi nữa thì chủ tiệc cũng chỉ phải cáo lỗi mọi người, rồi tất cả sẽ được xí xóa, không có ảnh hưởng chi đến... hòa bình thế giới ! Chỉ là vấn đề sĩ diện mà thôi ! Thế mà Mẹ vẫn động lòng, vẫn chạnh thương. Mẹ nhẹ nhàng can thiệp để cứu giúp người ta ngay khi người ta chưa biết để mà cậy nhờ năn nỉ Mẹ cứu giúp!

Và chúng ta có thể nghiệm thêm rằng: Mẹ không dừng lại ở chuyện thiếu cái thứ rượu để uống cho say, cho sướng miệng đâu, Mẹ muốn đẩy vấn đề đến chiều sâu của thứ rượu để sống, thứ rượu của Tình Yêu, thứ rượu của Tin Mừng phát xuất từ Giêsu, Con Một của Thiên Chúa tối cao mà cũng là Con yêu dấu Mẹ đã được phúc cưu mang và sinh hạ. Chi tiết đắt giá Thánh Gioan cho biết: đây là dấu lạ đầu tiên Chúa Giêsu đã làm ở Galilê để tỏ lộ quyền năng thần linh, các Môn Đệ đã chứng kiến và đã tin vào Người.

Vậy là ít nhất cũng có Nhóm Mười Hai Môn Đệ nhờ dấu lạ nước lã hóa rượu ngon mà tin vào Chúa Giêsu. Rõ ràng Chúa Giêsu không phải là một ảo thuật gia đại tài muốn biểu diễn để hớp hồn đám đông quần chúng nhằm mưu lợi cá nhân về chính trị và tôn giáo. Thứ rượu ngon đột ngột xuất hiện ở tiệc cưới hôm ấy phải báo hiệu, phải là dấu lạ để chỉ cho người ta khám phá dần dần về Chúa Giêsu, Đấng đang muốn ban cho họ thứ Rượu Quý của Nước Trời, thứ Rượu được làm bởi Men Yêu Thương.
Con người thời đại chúng ta hôm nay có ngộ được điều gì chăng qua dấu lạ này ?

Chuyện rượu bia ở Việt Nam mình bây giờ quá ê hề, tràn trề, lênh láng, chẳng sợ thiếu bao giờ, mà có thiếu thì chỉ cần một cú phone, tức khắc có hàng giao ngay tại chỗ. Ấy thế nhưng, chính thứ rượu bia ấy ở các bàn nhậu đang khiến cho người ta say mèm, say đến nỗi đánh mất tư cách và xói mòn lương tri, tiêu hao sức khỏe, phá vỡ gia đình, và băng hoại xã hội, cứ từ từ thôi nhưng thật bi đát thảm thương !

Cùng lúc, con người chúng ta, đặc biệt là dân có Đạo, nếu tự vấn và ý thức cho đàng hoàng, chúng ta sẽ giật mình thấy ra đang thiếu trầm trọng thứ rượu của Tin Mừng ! Chuyện bao dung, tha thứ, nhường nhịn, chia sẻ, hiếu thảo, tiết hạnh, thủy chung, thật thà, thẳng thắn bây giờ đang là... của hiếm !

Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta có đủ khiêm tốn để chạy đến với Mẹ Hằng Cứu Giúp để than thở vật nài: “Mẹ ơi, chúng con hết mất rượu rồi !” Hay chúng ta vẫn chủ quan, bình chân như vại, thậm chí, nhiễm cái bệnh thành tích như người CS vô thần, mà tự hãnh với những con số thống kê, với những công trình xây dựng hoành tráng, với những cuộc đại hội tưng bừng ở chỗ này chỗ kia, tưởng thế là phát triển tôn giáo rực rỡ, biểu dương Đức Tin huy hoàng ?!?

Thôi thì, dẫu thế nào chăng nữa, chẳng đợi đến chúng ta “giác ngộ” mà kêu van, chắc chắn Mẹ đã và vẫn đang thì thầm với Chúa Giêsu, Con của Mẹ: “Con ơi, chúng nó lại sắp hết rượu rồi đấy !”
Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp cơ mà !

Lm. QUANG UY, DCCT, Chúa Nhật 22.6.2008

---------------------------

LỊCH SỬ HỌ ĐẠO LA MÃ, BẾN TRE, VIỆT NAM.

Bầu Dơi là một cánh đồng rộng mênh mông đã được khai phá, chằng chịt sông rạch, với những chòm cây lưa thưa, với ít xóm nhà lá của nông dân. Bầu Dơi là ấp của làng Hiệp Hưng, tổng Bàu Phước, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre nằm phía sau một ngôi chợ nhỏ gọi là chợ Sơn Đốc, cách tỉnh lỵ Bến Tre 24km.

Phần đông dân chúng theo Phật Giáo hoặc Đạo Ông Bà. Năm 1925, Đạo Cao Đài đã lập Thánh Thất. Năm 1930 hạt giống Phúc Âm mới được gieo vào vùng xa xôi này. Một người trong đó có ông Hạt và gia đình đã đến Cái Bông gặp cha Luca Sách xin tòng giáo. Cái Bông là Họ Đạo có từ thời Nguyễn Ánh, nằm cách Sơn Đốc 7km.

Cha Luca Sách với sự hợp tác của thầy Phêrô Niềm đến Sơn Đốc cất một nhà dạy Giáo Lý. Ba tháng sau 10 gia đình gồm 50 người lớn bé được chịu phép Rửa Tội. Đó là mùa gặt thiêng liêng đầu tiên trên cánh đồng Bầu Dơi. Điều tất yếu của một Họ Đạo là ngôi Nhà Nguyện, để Giáo Dân hôm sớm họp nhau đọc kinh và tham dự Thánh Lễ một đôi lần. Giáo Dân góp công, góp của xây dựng một ngôi Nhà Nguyện nhỏ, mái lá vách phên, trên khu đất của ông từ Thôn. Cha sở Cái Bông tặng một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lồng trong khung kính đặt trong Nhà Nguyện.

Năm 1946, quân kháng chiến ta hô hào khẩu hiệu ( tiêu thổ kháng chiến ) và rút vào bưng hoặc nằm vùng giữa dân chúng. Người dân lâm cảnh khổ cực giữa 2 luồng đạn, ở cũng khổ mà đi không yên. Tỉnh Bến Tre mất, những cụ ruồng bố có đủ thủy lực không quân của quân đội diễn chinh Pháp bắt đầu diễn ra. Người dân quá sợ tìm nơi xa đồn bót để lánh nạn.

Bổn đạo Sơn Đốc cũng như những người khác đùm túm áo quần gạo muối, dắt vợ cõng con tản cư về miền Bầu Dơi, ở phía sau cách chợ Sơn Đốc 2km. Ở đó cũng chưa gọi là yên, mỗi khi nghe có tiếng động cơ máy bay hay tàu thì không ai bảo ai, mọi người nhào xuống hầm núp… Ngày nào cũng như ngày nấy. Tình trạng kéo dài. Hết công làm ăn gì được. Kẻ bỏ đi muốn về thăm lại tổ ấm phải về ban đêm.
Giáo Dân di tản vẫn không quên di ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp còn ở lại trong Nhà Nguyện mái lá vách phên hiu quạnh giữa hoang vu. Và một đêm mờ mịt, ông biện Hạt đánh bạo lén về viếng Nhà Thờ và đem tượng ảnh giấy Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp về Bầu Dơi. Ông Hạt ôm ảnh về nhà con mình tên là Thành để ngày đêm khấn xin Đức Mẹ thương cứu giúp. Cũng như các Giáo Hữu trên thế giới, Giáo Dân Việt Nam đặt tất cả lòng cậy trông tin tưởng vào Đức Mẹ.

Ngày tháng trôi qua Giáo Dân không còn mong được trở về hội họp đọc Kinh Sách trong Nhà Thờ Sơn Đốc nữa. Họ liền tiếp tay với cai tổng Sự, một người mới tòng giáo cất một Nhà Thờ bằng lá nhỏ, để hôm sớm có nơi kinh nguyện.

Năm 1948, Bầu Dơi lại bị một trận ruồng bố. Giáo Dân lại bỏ chòi chạy nữa. Lần này chạy xa hơn, chạy thẳng lên họ Cái Sơn lánh nạn quan cơn ruồng bố. Cha sở Cái Sơn là cha Phêrô Dư.

Tình hình tạm lắng dịu Giáo Dân kéo về và khẩn khoản xin cha Dư nhận lãnh lo cho họ Bầu Dơi, thỉnh thoảng đến cho họ được các Bí Tích.

Ngày 11. 11. 1949, Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục từ Vĩnh Long đến ban Phép Thêm Sức cho Họ đạo Cái Sơn, nghe biết tình cảnh Giáo Dân họ Bầu Dơi, ngài vượt khó đến thăm viếng và chúc lành họ đạo. Ngài bổ nhiệm cha Phêrô Dư cha sở Cái Sơn kiêm luôn họ Bầu Dơi. Đồng thời thấy tận mắt cảnh khổ của Giáo Dân và lòng nhiệt thành cao độ của Họ Đạo, Đức cha truyền đổi họ Bầu Dơi thành Họ Đạo La Mã, một danh xưng đầy ý nghĩa, hướng về dĩ vãng huy hoàng của Giáo Hội mà cũng hàm ý hy vọng về tương lai.
La Mã danh xưng mới đi dần vào thói quen dân chúng; họ đạo Bầu Dơi trở thành Họ Đạo La Mã.

------------------

Sự lạ La Mã.

Ngày 2. 2. 1950 xảy ra một vụ đụng độ lớn trong vùng. Giáo Dân bỏ chạy tán loạn. Sau trận ruồng bố họ trở về thấy cảnh nhà cửa tan hoang. Nơi Nhà Nguyện trưng bày ảnh Đức Mẹ cùng chung số phận và ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp biến đâu mất. Theo tài liệu nghe được thì chính ông Thành từng giữ Nhà Thờ hay một Giáo Dân nào đó đã mang ảnh Đức Mẹ theo. Giữa đường gặp trận chiến ác liệt quá, vội quăng tượng Đức Mẹ xuống rạch để thoát cho nhanh. ( tài liệu này có người không đồng ý, nhưng chưa gặp được tài liệu chính xác hơn ).

Ngày 5. 5. 1950 một bà già theo đạo Cao Đài tên là Võ thị Liễng hay Sáu Liễng, bì bõm theo con rạch để xúc cá, đụng phải khung ảnh nằm dưới bùn. Khung ảnh được vớt lên. Khung kiếng vẫn còn nguyên nhưng tượng ảnh đã phai màu hết, chỉ thấy sắc xám lem lét bùn và có nhiều lỗ rách. Bà già tri hô, nhiều người chạy ra xem. Ông Thành cũng đến, xin lại khung ảnh, đem về… treo ngay đầu hè để che nắng đỡ mưa. Nhà ông đã tan nát, còn ảnh tượng thì đen thui thủi… đầy bùn dơ, còn gì nữa mà kính thờ !

Ông biện Hạt cha ruột của anh Thành đến nhà thăm con, mắng con một mẻ vì bất kính. Vốn sợ tội, ông đem bức ảnh về nhà, đặt trên tủ thờ trước tấm vách lá giữa nhà.

Ngày 7. 10. 1950, lại một cuộc lùng rát diễn ra bất ngờ. Theo con rạch một chiếc tàu nhỏ của Pháp tiến vào bắn phá lung tung. Ông Hạt và người con trai Út tên là Trọng chạy không kịp, vội ẩn núp dưới tấm vách lá sau bàn thờ. Tiếng súng vừa êm, ông chạy ra trước tủ thờ để cám ơn Chúa và Đức Mẹ cho tai qua vạ khỏi. Ông khựng lại, nhà ông cũng nhưng bao nhà khác bị đạn xuyên qua tơi bời, duy chỉ có bàn thờ và tấm vách lá sau bàn thờ còn nguyên vẹn. Ông nhìn lên bàn thờ và sửng sốt: Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở dưới bùn hơn 3 tháng, phai nhạt hết hình, nay bỗng dưng nổi hình lên rõ ràng xinh đẹp lạ thường.

Hai cha con vừa chứng kiến một phép lạ. Ông la lên: Phép lạ ! Phép lạ ! cả xóm vừa hồi cư, mình mẩy còn ướt mèm chạy đến nhà ông Hạt. Tất cả đều nhìn thấy: Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mấy tháng trước mất hẳn hình, nay lộ rõ lại, duy 2 mũ triều thiên trên đầu Đức Mẹ và Chúa còn lu mờ. Hai mũ triều này đến ngày 15. 8. 1951, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời mới lộ rõ.

Hai Dì Phước cũng được chứng kiến và nói với ông Hạt:

"Đây là một phép lạ, khi vớt Ảnh lên mục nát mờ phai, bây giờ nổi lên rõ ràng tốt đẹp thế này, thật là Đức Mẹ thương ông lắm". 

( Ảnh kèm theo chụp gia đình ông Hạt là tín hữu đầu tiên của Họ Đạo Bàu Dơi, xã Hiệp Hưng. Nhà Thờ Sơn Đốc được xây dựng tại đây ).

Sự lạ đồn ra mau chóng, Giáo Dân cũng như mọi người rất hồ hởi. Cha Luca Sách, cha sở Cái Bông, người trước đây đã dâng tặng mẫu Ảnh Đức Mẹ cho Nhà Thờ Sơn Đốc, với sự dè dặt thường lệ, đã rước Ảnh Mẹ về đặt tại Nhà Thờ Cái Bông cho đến ngày 20. 6. 1951. Trong thời gian đó, cha Phêrô Dư sửa chữa trang hoàng lại Nhà Thờ La Mã để rước Ảnh Mẹ về lại. Người nới rộng Nhà Nguyện, xây thêm nhà cha sở nhưng tất cả cơ sở đều lợp lá nghèo nàn.

Cha Phêrô Dư là cha sở Cái Sơn kiêm La Mã, quyết định với phép Giám Mục, tổ chức cuộc rước Ảnh Đức Mẹ từ Cái Bông trở về La Mã, với sự tham dự của Giáo Dân trong vùng ( Ba Tri, Cái Bông, Cái Sơn ). Để dọn lòng Giáo Dân nghênh đón Ảnh lạ, cha Fx. Trần Tử Nhãn, DCCT Sài-gòn, được mời về giảng tam nhật và ngày kiệu Linh Ảnh về La Mã 20. 6. 1951. Cuộc rước được tổ chức rất trọng thể, có các tôn giáo khác trong vùng tham dự.

Ngày 20. 6. 1951, lúc 12 giờ trưa, mây đen nghịt trời, mưa đổ nặng hạt. Cuộc rước dự định khởi hành lúc 3 giờ. Trời vẫn mưa, nếu dời nữa thì khi đến La Mã trời sẽ tối, khách hành hương lại không thể qua đêm ở La Mã… 3 giờ, bỗng trời quang đãng. Ảnh Mẹ được đặt trên một chiếc xe, có hàng trăm xe đạp gắn cờ xanh trắng tháp tùng hướng về Sơn Đốc. Đến chợ, một đoàn ghe xuồng chờ sẵn, đón bàn kiệu đặt trên một chiếc xuồng máy. Theo sau là ghe xuồng chở khách hành hương từ từ xuôi theo con rạch, hướng về Nhà Thờ La Mã. Phần lớn Giáo Dân đi bộ đến trước, ứng trực đón bàn kiệu Đức Mẹ.

Từ ngày đó khách hành hương đổ về La Mã ngày càng đông. Với phép Đức Giám Mục Ảnh Đức Mẹ được cung nghênh đi một vài nơi để Giáo Dân tôn vinh và kính viếng.

Ngày 15. 8. 1951 lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, cha Phêrô Dư cung nghênh Ảnh Mẹ về họ Cái Sơn. Một tuần chính ngày được tổ chức để dọn tâm hồn, một cuộc rước kiệu xung quanh Nhà Thờ và bế mạc bởi một Thánh Lễ.

Trong dịp này hàng ngàn người có mặt được chứng kiến Mũ Triều Thiên lộ hiện ra trên đầu Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng. Một điều lạ nữa: Khi bức Ảnh vớt lên, ảnh gắn chặt vào kiếng, có nhiều lỗ thủng. Bây giờ, chân dung Mẹ hiện ra rất xinh đẹp và các lỗ thủng cũng biến mất.

Người ta chú ý đến một bậc vị vọng đã âm thầm đến hành hương. Đó là Đức cha Ngô đình Thục, Giám Mục Vĩnh Long. Ngài đi với hai linh mục ngày 12. 1. 1952 đến La Mã. Khi ở Nhà Thờ ra, ngài hỏi cha Phêrô Dư: "Trên đầu Đức Mẹ có Mũ Triều thiên từ bao giờ ? Lần trước tôi có thấy đâu ?" Cha Phêrô Dư thuật lại câu chuyện xảy ra hôm 15. 8. 1951 tại Cái Sơn. Và, phải chăng trong dịp đó, Đức Cha quyết định lập Ủy Ban để cứu xét về "sự lạ La Mã". Ủy ban gồm một số linh mục triều và Dòng.

Ngày 20. 10. 1952, Bức Ảnh Mẹ được đưa về Cái Bông và khai mạc cuộc điều tra. Những người có liên hệ được mời làm nhân chứng, những người được ơn Đức Mẹ cũng được mời bày tỏ. Hồ sơ điều tra được phúc trình về Tòa Thánh. Đức Giám Mục Vĩnh Long ban huấn dụ cho phép kính viếng Ảnh Đức Mẹ hiện hình tại Nhà Thờ họ La Mã ( Bến Tre ) và tổ chức các cuộc hành hương. Đức Giám Mục cũng chỉ định cha Phêrô Dư làm chánh sở ở luôn tại La Mã. Như vậy là giáo quyền đã mặc nhiên nhìn nhận sự kiện La Mã.

Giáo Dân từ nhiều nơi, nhất là từ Sài Gòn "lặn lội" tìm về chiêm ngưỡng và cầu xin với Đức Mẹ, mà từ đây được mệnh danh là "Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã". ( Ảnh chụp ông Hạt, cha Phêrô Dư và hai Dì Phước. )

Ngay từ buổi đầu khi sự kiện được đồn ra, cha Hồng Phúc, DCCT đã tổ chức đoàn hành hương đầu tiên đến La Mã Bến Tre, Hiệp Hội Thánh Mẫu của trường Taberd Sài Gòn cũng tổ chức một cuộc hành hương đến kính viếng và chiêm ngưỡng sự lạ Đức Mẹ lộ hình. Một sinh viên của Hiệp Hội thời ấy và ngày nay là một bác sĩ đang hành nghề ở Los Angeles, là người có lòng sùng kính Đức Mẹ. Vừa rồi, ông đã trở về Việt Nam, viếng thăm La Mã và mang lại nhiều tài liệu và hình ảnh độc đáo mà chúng tôi sử dụng trong bài viết này.

Riêng chúng tôi đã đến La Mã ba lần để kính viếng Đức Mẹ. Lần đầu vào năm 1952, hình ảnh mới lộ hiện, khuôn mặt Mẹ và Chúa Hài Đồng rất xinh đẹp, sắc sảo. Lần thứ hai, một năm sau, hai thiên thần và nếp áo buông rũ lộ hiện rõ rệt với màu sắc sống động. Lần thứ ba, trong cuộc hành hương lớn của họ Chợ Quán như sẽ nói sau.

Ông Nguyễn văn Hạt, người được chứng kiến đầu tiên là một Giáo Dân chất phác, “một người Israel không có gì gian dối” ( Ga 1, 47 ) có sao nói vậy. Ông thuộc nhóm người Bầu Dơi đầu tiên được biết Chúa với một Đức Tin mạnh mẽ, một lòng nhiệt thành Tông Đồ. Ông cũng đã xây dựng Nhà Thờ đầu tiên Sơn Đốc nơi đặt Mẫu Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, và Nhà Thờ mái lá vách phên Bầu Dơi, nay là La Mã, nơi ảnh Đức Mẹ được an vị, sau khi phép lạ lộ hình xảy ra năm 1950.

Một tờ báo Công Giáo ở Sài-gòn đã phỏng vấn ông hai lần xa nhau về sự lạ La Mã. Cả hai lần ông đều kể lại mọi chi tiết giống hệt nhau, không thêm bớt với lời văn thô sơ bình dân của ông.

La Mã trở thành một trung tâm thành kính của giáo hữu khắp nơi. Bức Ảnh Đức Mẹ được cung nghênh về an vị trong cung Nhà Thờ mái lá vách phên. Tuy nhiên nhiều phái đoàn từ khắp nơi luân phiên đến kính viếng. Đức Mẹ đã ban nhiều ơn hồn xác. Theo lời nhiều người thuật lại, đồng bào bên lương được Đức Mẹ ban nhiều ơn hơn bên Giáo. Họ La Mã trước đây chỉ có hơn 50 nhân danh nay đã lên quá 500. Nhiều người thuộc ấp Hương Lễ đã mời cha sở La Mã đến viếng thăm và xin tòng giáo. Ông Khá là người lái đò ai cũng biết, bị hư mắt được Đức Mẹ chữa lành, đã trở lại đạo và tiếp tục là “người lái đò đưa người sang sông của Đức Mẹ”.

Tại nơi bà Sáu Liễng người Cao Đài tìm thấy khung ảnh, một đài kỷ niệm được xây lên giữa dòng nước với hàng chữ: "Nơi gặp ảnh Mẹ". Làn sóng hành hương tấp nập đổ về, cha sở La Mã Phêrô Dư, nhờ đó đã có phương tiện xây được ngôi Thánh Đường xinh xinh, dài 35m, rộng 16m với tháp cao 19m vươn lên giữa mây trời. Lễ khánh thành Thánh Đường La Mã cử hành trong 3 ngày 12, 13, 14 tháng 1 năm 1957 có sự tham dự của 5 Giám Mục, hàng trăm Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ và hàng vạn người lương giáo.

-------------------------

La Mã trở thành trung tâm hành hương thứ ba của Việt Nam.

La Mã ngày nay.

Tuy là một trong ba trung tâm hành hương của Giáo Phận Vĩnh Long nhưng chưa có chương trình tổ chức định kỳ. Nay Họ Đạo La Mã Bến Tre đang được một cha DCCT trông coi. Hàng tuần có Thánh Lễ. Các đoàn hành hương nếu được thông báo trước cha sẽ lo liệu cho có Thánh Lễ. Thỉnh thoảng vào những dịp quan trọng các cha trong Giáo Hạt Bến Tre về đây đồng tế.

La Mã có bề dày lịch sử nửa thế kỷ nên có nhiều người đã biết, nay nhớ lại đã về kính viếng khá đông. Tòa Giám Mục rất quan tâm đến trung tâm này ( Ảnh chụp Nhà Thờ La Mã do cha Phêrô xây dựng, khánh thành năm 1957 ).

Đường về La Mã nay rất dễ dàng, chỉ còn 2km đường hẹp xe ôtô chưa vào được. Ngôi Nhà Thờ quý vị thấy trên đây không còn được như xưa nhưng có nhiều phần đã xuống cấp, tuy được sửa chữa nhiều lần với kinh phí hẹp. Các cơ sở khác cũng đã được tạm sửa chữa để khách hành hương có thể yên tâm đến.
Viết theo tài liệu của Lm. HỒNG PHÚC, DCCT, www. caimon. org,
và Lm. TRẦN QUỐC HÙNG, DCCT đặc trách La Mã Bến Tre

-------------------------

ĐỨC MẸ HIỆN HÌNH TẠI HỌ LA MÃ, BẾN TRE, VIỆT NAM.

Tại làng Hiệp Hưng, Tỉnh Bến Tre, thuộc Giáo Phận Vĩnh Long có một nơi gọi là Bầu Dơi. Nơi đây là một cánh đồng trũng bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, là nơi dành cho chim cò dơi cú đến tụ họp. Dân chúng vùng này phần đông quây quần tụ họp chung quanh chợ Sơn Đốc, cách Bầu Dơi chừng hai cây số.

Khoảng năm 1930, cha sở Cái Bông là cha Luca Sách ở gần đấy, sai một thầy đến giảng đạo và cất một ngôi Nhà Thờ nhỏ ở gần khu chợ để làm nơi phượng tự và giảng dạy những người tân tòng. Từ năm 1945, chiến tranh làm cho họ Cái Bông và Sơn Đốc không giao thông được với nhau. Mãi tới năm 1947, chiến tranh lan rộng, dân chúng Sơn Đốc phải tản cư hết, trong số đó có 11 gia đình tản cư lên Bầu Dơi.

Thế là nhóm Công Giáo này không có Linh Mục chăm sóc. Mấy năm sau họ mới tiếp xúc được với xứ Cái Sơn do cha Phêrô Dư cai quản, cách xa tới 20 cây số. Sau đó một năm, dân làng Bầu Dơi cất được một ngôi Nhà Thờ làm nơi thờ phượng. Ngày 11 tháng 11 năm 1949, Đức Cha Vĩnh Long về làm phép Thêm Sức tại Cái Sơn, ngài đã thân hành đến thăm Bầu Dơi và đổi tên là họ La Mã, Bến Tre. Từ đó La Mã xuất hiện tại Việt Nam.

Nguyên khi lập Nhà Thờ Sơn Đốc năm 1930, cha Luca Sách, Bổn Sở Cái Bông có tặng Nhà Thờ này một bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có lộng khám kiếng. Nhưng năm 1957, khi bổn đạo bỏ nhà cửa, đền thờ, chợ búa đi tản cư khắp nơi, ông già Nguyễn văn Hạt là trùm trong họ phải rước ảnh Đức Mẹ về nhà mình. Sau ông cho con trai là Nguyễn văn Thành mượn đem về nhà riêng.

Ngày mùng 2 tháng 2 năm 1957, có cuộc khủng bố đạo ở vùng này, gia đình anh Thành cũng như bao gia đình khác phải nhiều sự khốn khó, đến bức ảnh cũng bị mất tích, ông trùm Hạt rất là buồn bã.

Một hôm vào thượng tuần tháng năm, người láng giềng của nhà anh Thành tên là Võ thị Liễng ( đạo Cao Đài ) đi xúc cá ngoài ven sông, vớt được một cái khung ảnh. Anh Thành nhận ra là cái khung ảnh Đức Mẹ của gia đình đã bị mất từ mấy tháng trước. Chị Hiền cho lại anh Thành. Anh đem khám đi rửa nhưng ảnh không còn nét chi nữa, ngoài mấy nét mờ mờ như nét viết chì. Nhân ngày ấy các bà phước đang tô điểm bàn thờ, chị vợ đã đến xin thuốc về cho chồng tô lại bức ảnh, nhưng các bà đã hết thuốc, lại bảo về nhà mua ảnh khác mà dùng chứ vẽ lại sao được.

Ảnh thật sự hư rồi, ảnh không còn để tôn kính được mà đem ra che mưa đỡ nắng ở nơi mái hiên nhà bị dột. Đến tháng tám dương lịch, vì tình thế chiến tranh, anh Thành là thanh niên nên cũng không thể ở nhà được, phải dọn sang Tam Bình là quê vợ sinh lánh nạn. Ông Hạt đến nhà dọn đồ cho con thấy bức ảnh vứt trong kẹt vách, lấy về đặt trên bàn thờ sáng tối cầu nguyện.

Hai tháng sau, ngày mùng 7 tháng 10 năm 1950, chiến sự lại diễn ra ngay trong khu vực Bầu Dơi, lửa đạn bắn ra tơi bời khiến dân làng phải chạy trốn. Ông Trùm Hạt cùng người con út không kịp chạy phải núp dưới tủ thờ cho qua cơn sóng gió. Lúc im tiếng súng, căn nhà ông đã bị tan nát vì súng đạn, chỉ trừ nơi tủ thờ ông núp là còn nguyên vẹn, nhìn lên ảnh Đức Mẹ để tạ ơn thì ôi lạ lùng xiết bao ! Bức ảnh mờ phai mục nát trước kia, sao đã sáng rõ mọi nét, tốt tươi mọi màu sắc từ lúc nào ? Ông Trùm cảm động vô cùng. Với tâm hồn đơn sơ và thành tín của một ông già đạo đức nơi thôn dã, ông tin ngay là một phép lạ của Đức Mẹ: Đức Mẹ chẳng những đã cứu thoát hai cha con ông trong lúc nguy khốn cực điểm, lại còn hiển linh trên bức ảnh phai mờ mà xưa nay ông vẫn tôn kính và hết niềm cậy tin.

Hai mắt rướm lệ, ông Trùm Hạt cùng con quỳ xuống tạ ơn Đức Mẹ. Ngay chiều hôm đó ông Trùm Hạt đi Nhà Thờ cầu kinh, rồi kể cho hai bà phước nghe biết sự lạ đã xẩy ra trên bức ảnh của ông. Hai bà nói: “Ngày mai Chúa Nhật, ông đem bức ảnh đến cho chúng tôi coi”. Sáng hôm sau ông đi lễ mang theo bức ảnh và hai bà nói: “Quả thiệt, hồi vớt bức ảnh lên thì mục nát phai mờ, mà bây giờ ảnh Mẹ đẹp tốt tươi thế này, ấy là Đức Mẹ thương ông lắm”.

Các bổn đạo trong họ cũng đều nhận sự lạ lùng đã xẩy ra nơi bức ảnh. Ai nấy đều như phấn khởi và hân hoan vì đã thấy sự lạ, nhất là được thấy một bức ảnh đẹp chưa từng có. Sau ông Trùm Hạt đưa ảnh tới Cái Bông cho cha sở cũ của mình là cha Sách coi. Ngài bảo: “Để bức ảnh lại đây tôi giữ giùm, đợi khi nào La Mã dựng xong Nhà Thờ sẽ cho rước về”.

Ngày 20 tháng 6 năm 1951, họ La Mã khánh thành ngôi Nhà Thờ mới, tuy cũng lợp lá sơ sài, nhưng khang trang rộng rãi hơn trước. Ngày 15 thang 8 năm 1951, nhân dịp mừng lễ Đúc Mẹ Mông Triệu lần đầu tiên, kể từ khi Đức Giáo Hoàng Piô 12 ban sắc lệnh phải tin về tín điều Mẹ Lên Trời cả hồn cả xác này, Cha Phêrô Dự xin họ La Mã cho họ chánh xứ Cái Sơn mượn bức ảnh lạ về tôn kính trong một tuần 9 ngày.

Chính ngày lễ Mẹ Mông Triệu, trước giờ hành lễ, người ta rước bức ảnh xung quanh Nhà Thờ, đến khi sắp đặt bức ảnh lên đài, cha Phêrô Dự đang sắp giảng, ngài nhìn lên bức ảnh cầu nguyện thì ôi, lạ lùng thay! ngài thấy trong bức ảnh một mũ triều thiên hiện thêm ra trên đầu Đức Mẹ. Ngài nhớ rõ bức ảnh trước đây không có triều thiên. Ngài quay ra chỉ cho bổn đạo thấy sự thay đổi lạ lùng ấy. Hàng ngàn người có mặt ở Nhà Thờ đều cảm động.

Ngày 12 tháng 1 năm 1952 Đức Cha Ngô Đình Thục đến viếng họ La Mã. Sau khi ở Nhà Thờ về, ngài hỏi cha Dự: “Ủa ! Sao trên đầu Đức Mẹ lại có cái triều thiên từ bao giờ? Lần trước tôi có thấy đâu ?” Bấy giờ cha Dự mới kể cho ngài nghe câu chuyện xẩy ra hôm 15 tháng 8 năm 1951. Hiện nay nhiều người còn giữ được hình chụp bức ảnh trước ngày 15 tháng 8 năm 1951, nghĩa là khi chưa có mũ triều thiên trên đầu Đức Mẹ. Đó là tang chứng rất rõ ràng.

Một điều khác cũng đáng để ý, là khi bức ảnh mới vớt lên, vì ảnh gắn vào với kính, nên khi gỡ ra thủng nhiều chỗ. Bây giờ chẳng những chân dung Mẹ hiện lên rất đẹp, mà những chỗ thủng trước kia cũng biến mất, chỉ còn một lỗ ở phía sau. Tuy vậy mặt sau bức ảnh và trên cái khung gỗ, vẫn còn nhiều dấu vết do sự ngâm lâu dưới bùn và nước.

Từ đó, tin Đức Mẹ hiện hình đồn ra khắp nơi và người ta tuôn đến La Mã cầu xin Đức Mẹ đông đúc vô ngần. Nhiều người đã tuyên bố mình đã được phép lạ tỏ tường.

Trước lòng cậy trông và sùng kính của dân chúng, Đức Giám Mục Vĩnh Long đã ban một tâm thư huấn dụ như sau:

"Dù Bề Trên chưa đoán định hư thật thế nào, Toà Ta không cấm bổn đạo đến viếng Nhà Thờ ấy, miễn là sẵn lòng vâng phục lý đoán Hội Thánh sẽ ra, sau khi đã truy cứu rõ ràng cẩn thận, và miễn là hằng nhớ mình đến viếng nơi thánh ấy cho được cầu nguyện và hãm mình, không phải đi du lịch, ăn chơi sung sướng. Cho nên Ta khuyên lơn ai đi đến nơi ấy – từ hàng Giáo Sĩ cho đến bổn đạo thường – như không ăn chay được thì ít ra kiêng thịt và không dùng các thứ rượu. Nếu không thức được trót đêm cầu nguyện thì it là thức một giờ làm giờ thánh hay là lần hạt Mần Côi. Nếu không thinh lặng được thì nói nhỏ tiếng, không nên ồ ạt, cợt giỡn vì là nơi thánh. Nam nữ không nên trà trộn, nhất là nhựt một chiều rồi. Người nữ phải ăn mặc nết na kín đáo, không nên lòe loẹt son phấn.

Ta khuyên ai nấy đừng lợi dụng chốn thánh mà buôn bán kiếm lời hoặc phổ khuyến xin khất gì. Muốn cho ai nấy dễ bề chịu các phép Bí Tích thì Ta ban cho các cha đã có quyền giải tội trong Địa Phận mình cũng được giải tội ở La Mã.

Sau hết Ta ước ao cho những kẻ tưởng mình đã được ơn riêng Đức Mẹ ban ở La Mã, thì trình bày việc ấy cho Cha Bổn sở, tốt hơn là xin giấy chứng minh lương y trước khi đi La Mã và sau khi nghĩ mình được ơn riêng Đức Mẹ cho thuyên giảm bệnh tật rồi, gửi giấy má ấy đến tay cha Sở La Mã.

Làm huấn lệnh này tại Vĩnh Lòng ngày 11 tháng 2 năm 1952 cũng là ngày Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Ký tên, Phêrô NGÔ ĐÌNH THỤC, Giám Mục Vĩnh Long.
Tài liệu do Đức Cha Raphael NGUYỄN VĂN DIỆP, Giáo Phận Vĩnh Long cung cấp

VIẾT VỀ NGƯỜI MẸ LA MÃ – BẾN TRE

Theo tin tức và hình ảnh đã được đăng tải trên Vietcatholic News trong những ngày qua, thì tại Nhà Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn, đã khai mạc Tuần Chín Ngày Kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, một tấm ảnh được rước từ Họ Đạo có tên gọi là La Mã, ở Bến Tre. Theo tôi được biết là đã có rất đông Giáo Dân tại Sài-gòn và nhiều nơi khác đã đến để tôn kính ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp bồng Chúa Hài Đồng trong suốt tuần Cửu Nhật ( Ảnh chụp tại Đền ĐMHCG Sài-gòn đêm thứ năm 19. 6. 2008 )

Tôi xin phép tác giả bài viết là Maria Vũ Loan để trích lại môt vài đoạn ngắn trong bài viết về “Bức Ảnh Lạ” này để bắt đầu một bài viết đóng góp cho những ai muốn suy tư thêm về Bức Ảnh Lạ mà tôi đã là một trong những người đầu tiên đã được hưởng “Ơn” từ Ảnh Lạ.

“Hai tháng sau, ngày mùng 7 tháng 10 năm 1950, chiến sự lại diễn ra ngay trong khu vực Bầu Dơi, lửa đạn bắn ra tơi bời khiến dân làng phải chạy trốn. Ông Trùm Hạt cùng người con út không kịp chạy phải núp dưới tủ thờ cho qua cơn sóng gió. Lúc im tiếng súng, căn nhà ông đã bị tan nát vì súng đạn, chỉ trừ nơi tủ thờ ông núp là còn nguyên vẹn, nhìn lên ảnh Đức Mẹ để tạ ơn thì ôi lạ lùng xiết bao! Bức ảnh mờ phai mục nát trước kia, sao đã sáng rõ mọi nét, tốt tươi mọi màu sắc từ lúc nào? Ông Trùm cảm động vô cùng. Với tâm hồn đơn sơ và thành tín của một ông già đạo đức nơi thôn dã, ông tin ngay là một phép lạ của Đức Mẹ: Đức Mẹ chẳng những đã cứu thoát hai cha con ông trong lúc nguy khốn cực điểm, lại còn hiển linh trên bức ảnh phai mờ mà xưa nay ông vẫn tôn kính và hết niềm cậy tin”.

(Vietcatholic, ngày 16. 6. 2008 của tác giả Maria Vũ Loan, http://www.vietcatholic. net/News/Html/55833. htm )

Tôi chào đời trong thời chinh chiến của thập niên 50 tại Họ Đạo Thủ Ngữ, thuộc Giáo Phận Mỹ Tho ngày nay; lúc đó chiến sự đang xảy ra tại Họ Đạo Bầu Dơi, thuộc Giáo Phận Vĩnh Long ngày nay như bài đã được viết...

Tôi không nhớ rõ cho lắm là sau năm 1950 khoảng từ 2 đến 3 năm, trong toàn vùng hay làng của chúng tôi bị một chứng bệnh truyền nhiễm là Đậu Mùa đã cướp đi rất nhiều mạng sống của nhiều người, nhất là đối với trẻ em vì kháng thể yếu. Vi trùng của chứng bệnh này lây rất nhanh. Nếu gia đình nào có ai bi bệnh này mà qua đời là phải tìm cách chôn thật nhanh, nếu không, vi trùng sẽ lan nhanh đến người khác. Bệnh Đậu Mùa này đã cướp đi 5 người anh và em trai của tôi.

Số phận của tôi cũng không tránh khỏi ‘Virus’ của bênh đậu mùa này đã lây từ những người trong gia đình… Cha mẹ của tôi cũng nghĩ là số phận của tôi cũng sẽ giống như là các anh em của tôi, cho nên vấn đề chuẩn bị cho tôi một cái hòm nhỏ mà người miền Nam chúng tôi thường gọi đó là cái quách để chôn những em bé… Cha của tôi và các cậu trong gia đình bèn cưa một tấm ván nhỏ trong nhà và đóng cho tôi một cái quách, sẵn sàng đưa tiễn tôi lên đường bất cứ lúc nào mà Chúa gọi qua Virus cực mạnh của thời đó, phương tiện y khoa thì chưa được tiến bộ, thuốc men lại đâu có như ngày nay.

Trong lúc đó, một người mợ dâu của tôi ở Họ Đạo Kinh Điều, Quới Sơn, mách bảo cho cha mẹ của tôi là… “Bên Họ Đạo La Mã Bến Tre có Ảnh Đức Mẹ linh lắm, anh chị thử đưa thằng nhỏ sang đó khẩn cầu Đức Mẹ coi thế nào” Các cậu và cha của tôi bàn ra: “Thôi đừng có đưa nó đi đâu cả, chắc nó cũng theo số phận của mấy đứa kia. . .”

Riêng mẹ của tôi thì nghĩ rằng… còn nước còn tát ! Bà nói với cha của tôi là nên đưa tôi sang Nhà Thờ La Mã để dâng cho Đức Mẹ bên đó và cha tôi đã chìu ý mẹ tôi. Với chiếc xuồng ba lá, cha mẹ của tôi đã bơi xuồng đưa tôi từ Nhà Thờ Thủ Ngữ xuôi theo con nước ròng của Vàm Kỳ Hôn qua Cửu Long Giang – Bến Tre, và không biết bao lâu hai ông bà đã bơi xuồng đến được Nhà Thờ Đức Mẹ La Mã…?

Lúc đó cả thân hình của tôi được quấn chặt như đòn bánh tét bằng vải mùng hay băng vải của thời bấy giờ. Ngay cả hai tay của tôi cũng được bó chặt luôn xuôi theo thân mình. Lý do là chứng bệnh này gây ngứa ngáy rất là khó chịu trên thân mình, người bệnh cứ phải gãi những nơi bị ngứa, có thể bị nhiều sẹo trên mặt hay bất cứ nơi nào… Chỉ trừ có lỗ mũi thì không thể quấn mà được chừa ra để cho tôi thở. Một miếng lá chuối non thật mỏng để trên lỗ mũi. Nếu tờ lá chuối còn nhấp nhô là biết tôi còn thở nghĩa là tôi chưa chết.

Mẹ của tôi đã đặt tôi trên bàn thờ thô sơ trong ngôi Nhà Thờ đầu tiên ( nhưng chắc chắn là sau ngày 20. 6. 1951 như bài viết của Maria Vũ Loan: ”Ngày 20 tháng 6 năm 1951, họ La Mã khánh thành ngôi Nhà Thờ mới, tuy cũng lợp lá sơ sài, nhưng khang trang rộng rãi hơn trước. Ngày 15 thang 8 năm 1951, nhân dịp mừng lễ Đúc Mẹ Mông Triệu lần đầu tiên, kể từ khi Đức Giáo Hoàng Piô 12 ban sắc lệnh phải tin về tín điều Mẹ Lên Trời cả hồn cả xác…” ) Mẹ tôi đã khấn nguyện như sau: “Đây là đứa con độc nhất còn sót lại trong 6 đứa con trai của con. Nếu Mẹ cứu nó thì con sẽ dâng nó cho Mẹ. Nó sẽ không thuộc về con nữa… mà sẽ thuộc về Mẹ…”

Sau khi khấn nguyện cùng Đức Mẹ La Mã, Bến Tre xong, ông bà lại xuôi dòng Cửu Long Giang về lại Họ Đạo Thủ Ngữ. Mẹ tôi đã không quên “chuộc” một Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Họ Đạo La Mã Bến Tre đem về như là Đấng Hộ Phù – Bổn Mạng của tôi. Về đến nhà, các cậu tôi đến xem tình hình sức khoẻ của tôi như thế nào… Tôi vẫn bị cột chặt như đòn bánh tét và tờ lá chuối non vẫn nhịp nhàng theo hơi thở… Rồi thời gian dần trôi qua, chiếc quách đóng sẵn cho tôi đã được bửa ra dùng làm củi chụm…

Thời gian thấm thoát trôi qua. Mẹ tôi luôn sợ tôi sẽ chết yểu như những anh em của tôi, vì bà cũng tin rằng bà “không có số nuôi con trai”, cho nên lúc còn nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình nghèo cũng một phần, tôi được gửi đi xa để ăn nhờ ở đậu và học nữa… Mẹ tôi đã không ngừng nhắc nhở tôi là “con khẩn – con cầu”. Bốn chữ này nó đã không ngừng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong quãng đời thơ ấu và cho đến một lúc nào đó tôi đã thực hiện ước muốn của người Mẹ này…

Bức Ảnh mà tôi cho đăng kèm trong bài viết này chính là Bức Ảnh mà mẹ tôi đã “chuộc” cách nay phải trên 50 năm theo như lịch sử của Bức Ảnh Nguyên Thủy như chúng ta đã được đọc trong lịch sử của Bức Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Bức Ảnh mà mẹ tôi chuộc đem về thì hình mầu đen có ghi hàng chữ tắt là Đ. M. H. C. G. – Họ La Mã Bến Tre.

Bức Ảnh Mẹ Maria mầu đen này, nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy trên đầu của Mẹ có đội mũ triều thiên. Như vậy thì Bức Ảnh mà mẹ tôi đã chuộc chứng minh là biến cố tôi được mẹ kể lại là…” Tôi được quấn tròn như đòn bánh tét để nằm trên bàn thờ Đức Mẹ…” Sự kiện này đã diễn ra SAU biến cố đã được thuật lại như bài đã trích đăng:

“…Cha Phêrô Dự đang sắp giảng, ngài nhìn lên bức ảnh cầu nguyện thì ôi ! Lạ lùng thay ! Ngài thấy trong bức ảnh một mũ triều thiên hiện thêm ra trên đầu Đức Mẹ. Ngài nhớ rõ bức ảnh trước đây không có triều thiên. Ngài quay ra chỉ cho bổn đạo thấy sự thay đổi lạ lùng ấy. Hàng ngàn người có mặt ở Nhà Thờ đều cảm động. Ngày 12. 1. 1952, Đức Cha Ngô Đình Thục đến viếng họ La Mã. Sau khi ở Nhà Thờ về, ngài hỏi cha Dự:

- Ủa ! Sao trên đầu Đức Mẹ lại có cái triều thiên từ bao giờ ? Lần trước tôi có thấy đâu ?

Bấy giờ cha Dự mới kể cho ngài nghe câu chuyện xẩy ra hôm 15 tháng 8 năm 1951. Hiên nay nhiều người còn giữ được hình chụp bức ảnh trước ngày 15 tháng 8 năm 1951, nghĩa là khi chưa có mũ triều thiên trên đầu Đức Mẹ. Đó là tang chứng rất rõ ràng. . .”

Vậy Bức Ảnh mà quý vị đã nhìn thấy trong hình mà mẹ tôi đã chuộc chắc chắn là phải sau biến cố ngày 15. 8. 1951.

Tôi muốn kết thúc bài viết này với một câu chuyện đã xảy ra trong gia đình mà theo tôi nghĩ chính Người Mẹ La Mã, Bến Tre này đã cứu cha mẹ và gia đình chúng tôi trong một đêm khói lửa của thời chiến tranh.

Vào khoảng năm 1966 – 1968 lúc đó tôi đang học Tiểu Chủng Viện Gioan 23, Mỹ Tho. Tháng hè, các Chủng Sinh về nghỉ hè ở gia đình. Tôi và các bạn Chủng Sinh cùng Họ Đạo về quê của mình… Bức Ảnh M. H. C. G Họ La Mã, Bến Tre được gia đình chúng tôi trân quý trên 50 năm nay. Bức Ảnh này được treo trên cây cột ở gian nhà giữa gần bàn thờ chính tượng Thánh Gia…
Một đêm nọ, quân đội Quốc Gia và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam giao tranh dữ dội ở phía bên kia con rạch và bên này con rạch trước cửa nhà chúng tôi… Súng bắn xối xả. Lúc đó tôi còn bé bỏng ngây thơ nghe súng nổ giòn như bắp, tôi lấy cái gối bịt tai ngủ tiếp. Lúc đó tôi đang nằm chung giường với cha của tôi. Mẹ tôi ngủ với đứa cháu ngoại khoảng 2, 3 tuổi gì đó… Mẹ tôi gọi cha tôi kéo tôi xuống đất để tránh đạn. Tôi bị cha tôi kéo tuột xuống đất trong lúc đạn bay ào ào trên mái nhà và trong nhà…

Tôi ôm cây cột có Ảnh Đ. M. H. C. G để né đạn, bên cạnh đó có cha tôi và phia buồng trong, mẹ tôi và đứa cháu ngoại. Chúng tôi nghe tiếng rên của cha tôi và tiếng ầm lớn của cái “mái đầm” chứa 100 lít nước mưa bị đạn xuyên bể, nước chảy vào nhà xối xả… Lúc êm tiếng súng giữa hai bên giao chiến, chúng tôi khám phá ra có hai viên đạn đã ghim vào cây cột vuông nhỏ có treo Ảnh Đ. M. H. C. G này: một viên ở giữa cột dưới Ảnh Mẹ, còn một viên gần sát chỗ tôi nằm – Vết tích cây cột này vẫn còn tồn tại trong căn nhà truyền thống của gia đình chúng tôi.

Bên cạnh đó xác một con chuột nhắt bị đạn xuyên qua bể đầu văng óc, chết kế bên chỗ tôi đang nằm. Riêng cha của tôi thì bị một vài miếng miểng đạn nhỏ xuyên qua ống quyển của ông, ông được xuồng chở ra bệnh viện xã để chích thuốc và lấy miểng đạn ra. Ở trong mái đầm chứa nước mưa, hai viên đạn đã được tìm thấy trong đó. Mẹ của tôi và đứa cháu nằm không xa cái mái đầm này được bình an vô sự.

Chuyện thật sự xảy ra cho gia đình của chúng tôi đã trải qua hơn bốn thập niên rồi, hôm nay nhân dịp Tuần Cửu Nhật Kính Ảnh Đ. M. H. C. G. La Mã, Bến Tre, tôi xin được viết lại “Ơn Lạ” mà chính gia đình chúng tôi đã nhận lãnh qua sự che chở của Mẹ Maria, và cách riêng cá nhân tôi đã cảm nghiệm được ơn Mẹ đã cứu tử bệnh nan y mà thời đó các thầy thuốc Đông Y đã bó tay.”Thập Tử Nhất Sinh !” Họ cũng đã khuyên cha mẹ tôi là đem tôi về nhà đi… chỉ có “Trời cứu thôi !”

Cách nay gần 13 năm, mẹ tôi với tuổi gần 80 đã lên đường sang Úc đoàn tụ với gia đình của các chị và các cháu của tôi. Ước ao của tôi là được lo cho bà trong giây phút cuối đời qua thiên chức Linh Mục của đứa con mà bà đã dâng cho Mẹ La Mã, Bến Tre. Trên chiếc xe lăn được đẩy ra từ trong phi trường, hành lý xách tay của bà không thấy có gì đáng kể, nhưng có một điều mà tôi cảm thấy xúc động nhất là Bức Ảnh Bổn Mạng của tôi – Đ. M. H. C. G. Họ La Mã, Bến Tre, đang được mẹ tôi cuộn tròn cầm trong đôi tay xương xẩu của bà thật chặt như không muốn bị thất lạc.

Trước khi rời Việt Nam, mẹ tôi có hỏi là tôi cần bà sẽ đem món đồ gì sang cho tôi. Tôi xin mẹ là lấy bức ảnh này… Bức Ảnh đã được đóng khung lại và từ đó, mỗi lần tôi thuyên chuyển Nhà Xứ, Giáo Xứ hay cơ sở làm việc nào thì Ảnh Người Mẹ này luôn đồng hành với tôi trên mọi nẻo đường của cuộc đời Linh Mục dù có thăng trầm, Đ. M. H. C. G. Họ Đạo La Mã, Bến Tre, vẫn hiện diện bên tôi mãi mãi.

Vào Mùa Xuân Dân Tộc 2008, với sự hướng dẫn và giúp đỡ của hai học trò cũ đang sinh sống trong tỉnh Bến Tre, tôi đã đi Honda ôm đến được ngôi Nhà Thờ này theo ước nguyện mà trước đây hơn 50 năm mẹ và cha tôi đã ẵm tôi đặt trên bàn thờ của Mẹ. Hôm ấy, tôi đứng lặng yên nhìn ảnh Mẹ Hiền – Bổn Mạng – Vị Cứu Tinh của tôi hơn 50 năm của cuộc đời đã qua, và cho đến hôm nay Mẹ vẫn tiếp tục ban hơi thở. Xung quanh ngôi Nhà Thờ còn đang được sửa chữa trùng tu ngổn ngang gạch đá, xi-măng và công nhân đang thi công. Trong chính cái ồn ào đó, tôi đã cảm tạ Mẹ và xin “nhõng nhẽo” với Mẹ thật nhiều, vì biết rằng những điều tôi khẩn xin Mẹ, đều nằm trong bàn tay của Từ Mẫu Hằng Cứu Giúp, Bến Tre.

Hôm nay, ngồi viết lại chứng tích của cá nhân và gia đình để phần nào đóng góp cho những ai biết về Ảnh Mẹ và Họ Đạo La Mã, Bến Tre. Cùng đồng hành với những Linh Mục DCCT đang coi sóc Họ Đạo lịch sử này, các ngài đang tiếp tay với những Linh Mục tiền nhiệm trùng tu lại Họ Đạo La Mã này. Chúng ta hãy cùng tiếp tay nhau để trùng tu lại địa danh này được nên xứng đáng hơn để cho những ai chưa biết được về lịch sử của địa danh và Ảnh Lạ này được đến đây hành hương và cầu nguyện với Mẹ La Mã, Bến Tre. Đặc biệt là đối với những ai đã nhận được “Ơn Lạ” từ Mẹ.

Kỷ Niệm Tuần Cửu Nhật Kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Họ La Mã, Bến Tre, 18. 6. 2008, Giáo Xứ Thánh Gia, Maddington, Perth, Úc Châu,

Lm. Francis LÝ VĂN CA, hình ảnh của Vũ Loan

Ghi Chú: Trong bài viết, có một vài danh từ được dùng theo cách nói hay viết của người miền Nam sống ở vùng ‘Đồng Bằng Sông Củu Long’ với cái mộc mạc của ngôn từ. Xin quý độc giả cảm thông.

BỨC ẢNH ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP VÀ NGƯỜI GIỮ ĐỀN LA MÃ : “HAI LÚA”     

Có thể nói là may mắn đến với tôi vào giờ chót khi được tin anh “Hai Lúa” : người giữ Đền La Mã mời xuống giúp Tam Nhật Thánh ở xứ của anh. Có thể nói may mắn vì cũng nhiều lần tôi đã hứa với anh Hai là tôi sẽ xuống nhưng chưa có dịp xuống, nay thì lời hứa đã thành hiện thực. Sau một chặng đường khá dài cũng như qua được chuyến phà Rạch Miễu tôi được về đến vùng đất Mẹ La Mã.

Đền La Mã là một trong ba trung tâm hành hương kính Đức Mẹ của Việt Nam, nhưng có lẽ do hoàn cảnh đưa đẩy làm sao đó nên cũng ít người biết đến.
La Mã là tên Đức Cha Ngô Đình Thục đặt cho một họ đạo mới thành lập năm 1949, trước kia gọi là Bầu Dơi, thuộc làng Hiệp Hưng, tỉnh Bến Tre. Bầu Dơi là một cánh đồng u minh đầy sông rạch, quanh năm ngập lụt, chỉ lưa thưa mấy xóm nhà lá nông phu nghèo nàn.

Vì chiến cuộc, nên bổn đạo Sơn Đốc kéo xuống Bầu Dơi lánh nạn. Một đêm trời tối, ông Biện Nguyễn Văn Hạt lẻn vào nhà thờ Sơn Đốc đem bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lồng kiếng  về gửi tại nhà con trai là anh Nguyễn Văn Thành.

Ngày 2 tháng 2 năm 1959, quân Pháp bố ráp vùng Bầu Dơi, nhà anh Nguyễn Văn Thành bị phá và bức ảnh Đức Mẹ bị mất.

Ba tháng sau, một bà lão theo đạo Cao Đài tên là Võ Thị Liềng đi xúc cá, tình cờ gặp được bức ảnh dưới một con rạch. Bức ảnh còn đủ kiếng nhưng đã phai hết màu, không còn hình dáng gì hết, chỉ toàn màu bùn lầy lấm đen. Bà lão tri hô lên và nhiều người xúm lại. Họ biết đó là bức ảnh gửi nhà anh Thành. Anh Thành nhận bức ảnh đem về nhưng vì lem luốc nên dùng để che sương nắng nơi vách nhà bị thủng. Ông Biệt Hạt thấy vậy, sợ bất kính nên đem bức ảnh về nhà mình đặt trên tủ bản thờ dưới tượng Thánh Tâm.

Lễ Đức Mẹ Mân Côi, ngày 7 tháng 10 năm 1950, Bầu Dơi lại một lần nữa chìm trong khói lửa, dân làng chạy trốn hết. Nhà ông Biện Hạt cũng bị bắn phá tan nát, nhưng ông và người con út tên Trọng, mười bốn tuổi, không chạy kịp nên đành nằm núp dưới vách lá sau tủ thờ. Hai Cha con kêu cầu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp luôn miệng. Sau trận bố ráp, ông Hạt và con trai chạy ra thấy cột kèo xiêu đổ, nhà bị đạn xuyên tứ phía, duy chỉ có bàn thờ là không sao. Hai cha con thoát chết đến trước bàn thờ cám ơn Đức Mẹ. Ôi lạ quá ! Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở dưới bùn hơn 3 tháng đã nhạt phai hết, nay phút chốc lộ hình ra tốt đẹp và xinh tươi lạ lùng, ngoại trừ 2 mũ triều thiên thì đến ngày 15 tháng 8 năm 1951 lễ Đức Mẹ Mông Triệu mới lộ rõ. Dân làng tuốn đến xem sự lạ đều sửng sốt.

Các tín hữu bàn tán rất sôi nổi về bức ảnh lạ. Nhiều người đem lòng tin. Cha Luca Sách, cha sở họ Cái Bông dè dặt rước bức ảnh về nhà thờ họ Cái Bông. Đến ngày 20 tháng 6 năm 1951, sau khi đã trang hoàng lại nhà thờ, bổn đạo rước Đức Mẹ về lại La Mã cách trọng thể, có cả tín đồ các giáo phái khác cùng tham dự.

Tiếng lành đồn xa, tín hữu các nơi đua nhau đến kính viếng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nhiều ơn lạ được thông ban. Một ngôi thánh đường được mọc lên giữa vùng đồng chua nước mặn. Một bầu không khí đạo hạnh bao phủ khắp miền, minh chứng hùng hồn cho sự hiện diện đầy tình mẫu tử yêu thương của Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Trải qua nhiều đời linh mục phụ trách, nay Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã được Đức Giám mục địa phận giao cho anh “Hai Lúa” (Cha Tôma Trần Quốc Hùng - Dòng Chúa Cứu Thế) thân thương phụ trách. Có lẽ Đức Giám mục địa phận biết con cái Cha Thánh Anphongsô được “cái duyên” là quảng bá Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nên Ngài đã giao cho “Hai Lúa” chăng ? Hay có lẽ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp biết “Hai Lúa” thương Đức Mẹ nên muốn Hai Lúa ở lại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chăng ? Nhớ lại ngày xưa, ngoài Thái Hà Ấp – Hà Nội - có một Giuse Nguyễn Ngọc Bích đã kiên vững giữ Đền Mẹ Hằng Cứu Giúp thì nay ở miền Tây sông nước có Hai Lúa Tôma Trần Quốc Hùng giữ Đền của Mẹ.

Vốn sinh sau đẻ muộn trong Dòng nhưng qua các bậc cha anh được biết “Hai Lúa” được sinh ra trong một gia đình cũng có tiếng chứ không phải đùa. Gọi thân thương là “Hai Lúa” chứ được chút như “Hai Lúa” thì cũng đỡ cho Nhà Dòng, cho Giáo Hội biết mấy. “Hai Lúa” thuộc lớp đàn anh có học vấn nghiêm chỉnh chứ không phải thuộc dạng chỉ biết cày biết cấy thôi. Được biết “Hai Lúa” ngày xưa có bằng cấp Triết Học cũng như nằm trong nhóm dịch thuật Thánh Kinh của Cha Nguyễn Thế Thuấn chứ không phải thuộc hạng xoàng.

Có lẽ do hoàn cảnh đẩy đưa và cuộc đời đưa đẩy để rồi “Hai Lúa” “ở rể” miền Tây sông nước. Chút tình riêng, “Hai Lúa” kể lại những ngày tháng xa xưa của mình. Do tiên đoán được biến cố lịch sử của miền Nam nên “Hai Lúa” và 3 anh em nữa về miền Tây. Từ ngày đấy, chẳng hiểu sao miền Tây sông nước nó “bén duyên” với “Hai Lúa” cùng 3 anh em nữa và rồi bốn anh em cũng đã dành ra nửa đời người giúp các họ đạo của địa phận Vĩnh Long.

Ngày tháng dần trôi, anh em người ở lại kẻ ra đi. Cũng đôi ba lần “Hai Lúa” được gợi ý về lại đất Sài Thành nhưng “Hai Lúa” lại cứ mãi nặng lòng với vùng đất nghèo.
Mới đây, khi nghe tin Đức Giám mục giáo phận giao cho phụ trách Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã thì “Hai Lúa” lo lắm. “Hai Lúa” lo vì mình cũng đã “có tí tuổi” rồi nên không biết có “kham” nổi không ? Nhưng rồi với lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa cũng như sự trợ giúp của Mẹ và rồi “Hai Lúa” đã nhận lời. Sau khi suy nghĩ, cầu nguyện “Hai Lúa” trộm nghĩ rằng có lẽ Mẹ muốn phần cuối cuộc đời mục tử của mình là phục vụ ở Đền Mẹ.

Giờ đây khách hành hương đến với Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thấy khang trang hơn, đẹp hơn chút vì sau khi nhận Đền, “Hai Lúa” đã nâng nền của Đền, sơn phết cửa nẻo lại cho tươm tất. Thế nhưng những việc đấy chỉ là những dự tính nhỏ của “Hai Lúa” thôi vì lẽ cơ sở vật chất của Họ Đạo La Mã còn rất sơ xài.

Đang làm mấy gian phòng để cho các cha cũng như khách hành hương nghỉ chân thì bị chính quyền sở tại đình chỉ do chưa có “Sổ đỏ” !!! Chính quyền đình thì ta cũng chỉ làm lại khi nào được phép thôi.

Đang định thay mái ngói cho Đền Đức Mẹ nhưng vật giá vội vã leo thang trước dự định nên dự định vẫn còn định trong dự kiến để làm.

Đang trao đổi với chính quyền sở tại để làm đoạn đường từ ngoài lộ vào Đền Đức Mẹ thì được các vị hữu trách bảo là ưu tiên đường chính hơn đường vào Đền. Nhà Nước đã bảo ưu tiên đường chính thì đường vào Đền của Mẹ cũng phải chờ thôi. Giá như mà có tiền thì “Hai Lúa” tự làm một mình chú cũng chẳng nại đến sự cộng tác của chính chính quyền địa phương.

Thế đấy ! Còn nhiều việc phải làm đang chờ và đang dành cho “Hai Lúa” tại ngôi Đền Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã lắm.

Tôi được “Hai Lúa” tâm sự nhiều về những khó khăn trong đời phục vụ. Gọi là tâm sự để cho có người hiểu được công việc thôi, trên mọi tâm sự đấy “Hai Lúa” dzui dzẻ xác tín với tôi rằng “Thiên Chúa luôn dùng đường cong để vẽ đường thẳng”.
Vâng ! tin rằng Thiên Chúa vốn dĩ là Đấng làm những điều mà con người không thể làm được sẽ thực hiện những điều mà Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã, “Hai Lúa” và bà con bổn đạo La Mã hằng mong đợi. 

Nguyện xin Mẹ Hằng Cứu Giúp luôn nâng đỡ “Hai Lúa” để “Hai Lúa” hoàn thành sứ mạng mà Giáo phận cũng như Nhà Dòng trao phó. Nguyện xin Mẹ Hằng Cứu Giúp luôn ban những ơn cần thiết cho con cái Mẹ khi họ chạy đến vùng đất La Mã thân thương để kêu cầu Mẹ.

Anmai, C.Ss.R.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Bức Ảnh Phép Lạ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (8/23/2010)
Vài Dòng Về Sự Tích Đức Mẹ Hiện Hình Tại Họ La Mã, Bến Tre, Việt Nam (6/26/2010)
Bức Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Và Người Giữ Đền La Mã “hai Lúa” (6/26/2010)
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp(nhà Thờ) La Mã(tỉnh) Bến Tre (7/31/2009)
Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Và Biến Cố Đời Tôi (8/9/2008)
Tin/Bài khác
Sứ Điệp Bức Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp (7/19/2008)
Đức Mẹ Hiện Hình Tại Họ La Mã, Bến Tre, Việt Nam (7/14/2008)
Viết Về Người Mẹ La Mã - Bến Tre (7/12/2008)
Đức Mẹ Hiện Hình Tại Họ La Mã Tỉnh Bến Tre, Việt Nam (6/23/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768