MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: sách online :: __sách về các thánh (more ...)
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Quyển Ii: Các Phép Lạ Thánh Clara Làm Sau Khi Từ Giã Cõi Đời
Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 8-2012

Quyển II: CÁC  PHÉP  LẠ  THÁNH  CLARA  LÀM SAU  KHI  TỪ  GIÃ CÕI ĐỜI

Những phép lạ của Thánh Clara

49. Những dấu phi thường, những bằng chứng khả kính về những phép lạ của chư thánh, tất cả những cái đó tiềm ẩn trong nếp sống thánh thiện và trong việc làm hoàn hảo của các thánh nhân.

Thực vậy, thánh Yoan chẳng làm phép lạ nào cả (Yn 10: 41), nhưng những người đã làm được phép lạ cũng không vì thế mà thánh thiện hơn Người. Do đó tôi có thể thỏa mãn, sau khi đã tán dương đời sống hoàn hảo thánh nữ, nhưng thiết tưởng cũng cần phải đáp ứng lòng sùng mộ của dân chúng và lay động sự nguội lạnh của họ.

Vậy Clara, lúc còn sống đã nổi danh nhờ công nghiệp của Người, bây giờ chìm ngập trong ánh sáng muôn đời cũng không kém vang danh lạ thường trên dương gian nhờ các phép lạ chói lọi của Người. Sự thật chân thành và được tuyên thệ khiến phải ghi lại nhiều điều nhưng vì số tài liệu quá phong phú, nên đành phải lướt qua một số lớn.

Trừ quỉ ám.

50. Ở Pêrusiô có một em bé tên là Giacôbê. Nó có vẻ bị quỉ dữ ám hơn là ốm yếu. Lúc thì nó nhảy bổ vào lửa như người thất vọng, khi thì lăn kềnh ra đất. Đôi khi hắn cắn gạch đá đến gãy răng, hoặc cào đầu, cào mình cho chảy máu. Miệng méo mó, lưỡi thè ra, hắn có thể cuộn tròn mình lại một cách dễ dàng, đến nỗi hắn thường đưa cặp đùi lên kẹp được gáy. Mỗi ngày hai lần cơn điên hành hạ nó, đến sức lực của hai người hợp lại cũng không thể kiềm giữ cho nó khỏi bỏ quần áo. Người ta đã chạy tìm nhiều lương y kinh nghiệm mà không tìm được vị nào biết chỉ dẫn thích đáng. Ông Guiđôlôtô, cha đứa bé, vì không tìm ra thuốc nơi người đời để chữa một căn bệnh không may như thế, nên đã chạy đến cậy nhờ công nghiệp thánh Clara : “Lạy thánh nữ đồng trinh chí thánh đã được thiên hạ tôn kính, con xin giao phó đứa con đáng thương này cho Ngài. Con hết lòng khẩn nài, xin Ngài cho nó được khỏi bệnh.”  Lòng đầy tin tưởng, ông vội chạy đến mộ thánh Clara và đặt đứa con trên mộ Thánh nữ. Ngay khi còn đang cầu nguyện, ông đã được nhận lời. Đứa nhỏ tức khắc hết tật và sau này em không còn một tật bịnh nào như thế hành hạ nữa.

Một phép lạ khác.

51. Bà Alexandrina, quê tại Fratta, thuộc giáo phận Pêrusiô, phải cực khổ vì một tên quỉ rất dữ ám hại. Hắn bắt bà ta phục quyền hắn  đến nỗi nó có thể khiến bà ta bay như một con chim qua một mỏm đá sừng sững đứng trên bờ sông rồi cho đậu trên một cành mềm đu đưa trên giòng sông Tibêri. Tên quỉ dữ bắt bà ta làm như thế, như để đùa giỡn. Và cũng vì tội lỗi của bà, nên bán thân bên trái bà bị tê liệt, cánh tay bị co quắp; bà đã chạy đủ thứ thuốc mà không có kết quả gì cả.

Lòng ăn năn hối hận, bà tiến tới mộ Clara hiển thánh, xin Thánh nữ cầu bầu và được lành cả ba thứ tật bệnh, nhờ một vị thuốc duy nhất. Thực vậy, tay co quắp trở nên bình thường, bán thân tê liệt được lành và tên quỉ dữ bị đuổi ra khỏi bà.

Một bà khác cùng một địa phương bị quỉ ám và mắc nhiều chứng bịnh, đã được ơn giải thoát cùng một lúc trước mộ của Thánh nữ.

Chữa bệnh điên cuồng.

52. Một em bé Pháp, thuộc đoàn tùy tùng giáo triều, bị cơn điên hành hạ khiến nó hóa ra câm và thân thể nó quay cuồng dễ sợ. Không ai kiềm hãm được nó trái lại nó dãy dụa kinh khủng trong tay người cầm giữ. Người ta lấy dây trói nó lên một chiếc cáng rồi các người đồng hương của nó khiêng tới nhà thờ thánh Clara, dầu ý nó không muốn như vậy(56). Họ đặt nó xuống nơi mộ Thánh nữ và nhờ đức tin của những người khiêng tới, tức khắc nó được hoàn toàn khỏi bệnh.

Chữa bệnh kinh phong.

Ông Valentinô,  người ở  thị trấn Spello (57), mắc bệnh kinh phong nặng đến nỗi mỗi ngày, bất kỳ ở đâu, ông cũng lăn đùng ra đất những sáu lần. Ngoài ra ông không thể đi đứng dễ dàng, vì một ống chân bị rút ngắn. Người ta đặt ông lên lưng lừa và đưa ông tới mộ thánh Clara, để ông nằm đó hai ngày ba đêm. Sang ngày thứ ba, có một tiếng rắc phát ra từ nơi chân ông mặc dầu không ai sờ mó tới. Tức thời, ông được khỏi cả hai bệnh.

Người mù được sáng.

Em Giacôbê, con của một phụ nữ ở thành Spôlêtô, bị mù từ 12 năm nay. Em luôn luôn phải có một người dẫn đường, nếu không, thế nào em cũng rơi xuống hố. Quả vậy, một ngày kia, đứa bé dẫn đường bỏ em một mình, em rơi ngay xuống hố, gãy tay và bị thương nơi đầu.

Đêm kia, em nằm ngủ nơi một cây cầu ở thành Narni (58), em mơ thấy một bà hiện ra và nói với em: “Giacôbê, sao con không tới với ta ở Assisi, để được chữa lành?”  Sớm hôm sau, em thức dậy và run run kể lại giấc mộng cho hai người mù khác nghe. Hai người này đáp lại : “Chúng tao nghe nói là trong thành Assisi có bà kia vừa qua đời, và người ta đồn rằng bàn tay Thiên Chúa đã làm vang danh ngôi mộ của bà với nhiều vụ chữa lành bệnh và nhiều việc lạ lùng.”

Vừa nghe xong lời đó, Giacôbê lòng đầy phấn khởi, vội vã lên đường. Đêm sau em trọ lại tại Spôlêtô và lại mơ thấy như trước. Thế là em nai nịt gọn gàng ra đi lập tức chỉ vì em muốn mắt được sáng.

53. Tuy nhiên, lúc tới Assisi, em thấy nhiều đám người tụ họp trước  mộ Trinh  nữ. Không có cách nào tới  ngôi mộ được, em đành lấy đá gối đầu nằm ngủ ngay trước cửa. Tuy tin tưởng mạnh mẽ, em vẫn cảm thấy xót xa vì không thể vào bên trong được. Và kìa, tiếng gọi lại vang vọng lần thứ ba : “Giacôbê! nếu con tiến vào được, Chúa sẽ ban ơn lành cho con.”

Bừng mắt dậy, em vừa khóc vừa van xin đám đông vì lòng mến Chúa mở đường cho em vào. Lối đi được mở ra, em liền cởi giầy, trút áo, quàng dây vào cổ, khiêm tốn động tới mộ Thánh nữ. Rồi em say sưa nằm ngủ. Em nghe thánh Clara bảo em : “Hãy đứng dậy đi, con đã được lành.”

Tức khắc, em chỗi dậy, hết mù loà, lớp mây nơi mắt cũng biến đi. Nhờ thánh Clara em thấy rõ ánh sáng. Em liền dùng lời ca ngợi làm rạng danh Thiên Chúa và cũng mời mọi người cùng em khen ngợi Chúa vì một việc lạ lùng như thế.

Sửa lại bàn tay bị dập nát .

54. Bona Gioan Martini, dân thành Perusio, cùng với các người đồng hương kéo quân đến đánh thành Foligno. Tại đây, ngay khi khởi chiến, một hòn đá nặng rơi xuống và làm bàn tay trái của anh dập nát. Muốn được lành lặn, anh đã tốn nhiều tiền thuốc, nhưng không thuốc nào có thể giúp anh khỏi phải mang mãi một bàn tay vô dụng và hầu như bất lực, không làm được việc gì. Vì vậy, anh buồn lòng vì bàn tay vô dụng kia không chịu đựng được vật nặng như bàn tay phải, nên đã nhiều lần anh ao ước cắt cụt tay đi.

Nhưng được nghe nói về những điều Thiên Chúa thương thực hiện qua nữ tì Người là Clara, anh liền cầu khấn và ra đi tới mộ Thánh nữ. Anh dâng lên Thánh nữ một bàn tay làm bằng sáp. Rồi anh phủ phục trên mộ Thánh nữ. Anh liền được lành tay ngay trước khi anh ra khỏi thánh đường.

Chữa lành người dị dạng.

55. Có anh kia, tên Petriolo, sinh tại thị trấn Bettora(59) bị kiệt quệ vì một chứng bệnh trong ba năm trời. Anh ta có vẻ như khô héo đi vì chứng bệnh lâu năm ấy. Chứng bệnh làm anh bị đau thắt nơi hông dữ dội đến nỗi anh phải khòm lưng và cúi gập mình xuống, khó khăn lắm anh mới chống gậy đi được.
Cha anh đã cậy tới tài năng của nhiều vị lang y, cả đến các chuyên gia về xương gẫy. Ông sẵn sàng tiêu hết gia sản để con ông hồi phục sức khoẻ. Tuy nhiên các thầy thuốc cho ông thấy là  không có thuật nào chữa nổi căn bệnh như thế,  ông  liền quay về xin lời cầu bầu của vị tân Thánh mà ông nghe kể đã làm nhiều việc lạ lùng. Người ta mang Petriolo tới nơi để di hài qúi giá Thánh nữ, đặt anh nằm ít lâu trước ngôi mộ thì anh được ơn khỏi bệnh hoàn toàn. Ngay lúc đó, anh chỗi dậy, đứng thẳng người lên và thấy anh được lành lặn. Anh “đi lại, nhảy nhót, ca ngợi Thiên Chúa”, và mời lớp người đang tuôn tới ca tụng thánh Clara.

56 Trong làng S. Quirico(60) thuộc giáo phận Assisi, có một em bé lên 10, què từ trong bụng mẹ (Cvtđ 3: 2). Chân em lỏng khỏng; bàn chân quặt chéo đi đứng xiêu vẹo, và khó khăn lắm em mới có thể chỗi dậy được khi bị té. Mẹ em đã nhiều lần phú dâng em cho thánh Phanxicô, nhưng chẳng được khá hơn.
Biết thánh Clara được tôn vinh nhờ các phép lạ tân kỳ, bà ta đưa em tới mộ Thánh nữ. Sau một vài ngày, người ta bỗng nghe tiếng răng rắc trong xương chân, rồi chân tay em trở lại ngay thẳng.  Điều mà thánh Phanxicô đã từ khước khi được cầu khẩn nhiều lần, thì Clara môn sinh Ngài, nhờ sức mạnh Thiên Chúa đã nhân nhượng ban cho.

57. Ông Giacôbê dòng họ Franco, một người dân thành Gubbio (61), có người con trai lên năm, đôi chân yếu ớt, chưa bao giờ bước đi được mà cũng không thể nào bước đi được. Ông cứ than trách, coi đứa bé như quái vật trong nhà và là sự nhục nhã của gia tộc. Em lăn ngủ trên đất, trườn bò vào chỗ bụi bậm. Đôi khi em muốn chống gậy đứng lên mà không nổi. Tạo hóa đã phú cho em ý muốn bước đi, nhưng lại từ khước không cho em năng lực. Cậy nhờ công nghiệp thánh Clara, cha mẹ em hiến dâng em cho Thánh nữ. Theo lời họ muốn cho em bé làm con Thánh nữ, nếu em được lành lặn trở lại, nhờ lời cầu bầu của Người. Lời hứa vừa dứt, người trinh nữ Đức Kitô đã chữa lành đứa nhỏ. Thánh Clara cho đứa nhỏ, đã được hứa dâng Người, khả năng đi lại như thường. Lập tức, cha mẹ em đưa em tới mộ Trinh nữ dâng hiến Chúa, trong lúc em nhảy nhót tưng bừng.

58. Một bà kia ở thị trấn Mevanio(62), tên là Pleneria đã từ lâu bị đau quặn nơi hông, phải chống gậy mới đi được. Tuy nhiên, dẫu có gậy trong tay bà cũng không thể nào rướn cho thẳng cái thân còng, và cần phải cố gắng lắm mới lảo đảo bước đi đôi chút. Vào một ngày thứ sáu, bà nhờ người dẫn tới mộ thánh Clara miệng không ngớt thành khẩn kêu xin. Điều bà tin tưởng nài xin đã được chấp thuận. Ngày hôm sau, thứ bảy, bà đã hoàn toàn bình phục và một mình đi về nhà, trong khi trước đó bà phải cậy nhờ người khác đưa tới.

Chữa khỏi bướu ở cổ.

Một em bé gái ở Perusio đã từ lâu bị bệnh bướu nơi cổ, thông thường gọi là bệnh tràng nhạc. Người ta đếm được hai mươi hạch nơi cổ, đến nỗi cổ đứa bé trông lớn hơn cả đầu. Đã nhiều lần bà mẹ dẫn em tới mộ thánh Clara, thành khẩn cầu xin Người ban ơn. Lần kia khi em nằm phủ phục trước mộ Thánh nữ suốt đêm dài, mồ hôi toát ra và tràng nhạc bắt đầu xóp xuống rồi từ từ nhăn nhíu lại. Nhờ công nghiệp của thánh Clara, tràng nhạc hoàn toàn biến mất với thời gian, đến nỗi không còn để lại dấu vết nữa.

59. Hồi sinh thời thánh nữ Clara, một nữ tu tên là Andrea cũng mắc phải chứng đau cổ họng như vậy. Lạ lùng thay, giữa những viên đá phừng phực lửa, lại lẫn lộn một tâm hồn lạnh lẽo như băng tuyết, và giữa đám trinh nữ khôn ngoan, lại thấy có một trinh nữ khờ dại (Mt 25: 4). Quả thế, một đêm kia, nữ tu ấy đã bóp cổ đến nghẹt thở vì muốn làm cho hạch nơi cổ bật ra ngoài miệng. Vậy là nữ tu ấy đã muốn tự ý vượt qua thánh ý Chúa. Trong trí Clara đã thấu suốt sự việc, Người bảo một nữ tu : “Con chạy thật nhanh xuống nhà dưới và cho chị Andrêa Ferraria nuốt một quả trứng nóng, rồi cùng chị lên đây với mẹ.” Nữ tu vội vã chạy đi, thấy chị Andrêa không còn nói được nữa và sắp chết nghẹt do tay chị gây ra. Nữ tu cố gắng nâng chị Andrêa dậy, dìu tới mẹ Bề trên. Người nữ tì Thiên Chúa liền quở : “Khốn nạn cho con, hãy thú nhận ý định của con trước mặt Chúa, mẹ đây, mẹ đã biết tỏ tường rồi. Này Chúa Kitô sẽ chữa cho con khỏi tật bệnh mà con đã muốn tự chữa lấy. Nhưng con hãy cải thiện đời sống, vì con sẽ mắc chứng bệnh khác mà không qua khỏi được. Nghe những lời đó, chị Andrêa được Chúa soi sáng ăn năn hối cải và chị đã xuất sắc cải thiện đời sống. Sau đó ít lâu, được khỏi bệnh tràng nhạc, chị qua đời vì một căn bệnh khác.

Giải thoát khỏi miệng sói dữ.

60. Quanh vùng thường bị sói dữ quấy phá. Chúng tấn công và ăn thịt cả người nữa. Một bà tên là Bôna, ở miền núi Montê Gallianô (63) thuộc giáo phận Assisi, có hai người con trai. Bà chưa ngớt khóc than đứa này bị sói tha đi, thì lại phải khóc than đứa kia cũng bị nạn sói dữ như vậy. Quả thế, lúc bà mẹ đang ở trong nhà, lo việc nội trợ, thì đứa con chạy chơi bên ngoài bị một con sói ngoạm cổ tha vào rừng. Sói chạy hết sức nhanh, mang theo con mồi. Dân chúng làm việc ở các vườn nho nghe tiếng kêu thảm thiết của đứa bé, liền gọi bà mẹ, bảo rằng : “Bà coi xem con bà ở đâu, chúng tôi vừa nghe tiếng la hét khác thường.”

Khi nhận ra là đứa nhỏ bị xói tha đi, bà kêu trời, khóc than ầm ỹ rồi bà cầu khẩn với thánh Clara : “Thánh nữ Clara hiển vinh, xin trả đứa con đáng thương lại cho tôi. Xin trả nó lại cho người mẹ bất hạnh nầy. Nếu Thánh nữ không trả, tôi sẽ nhảy xuống sông tự vẫn.”

Những người lối xóm đuổi theo con sói tìm thấy đứa nhỏ được sói bỏ lại trong rừng. Họ thấy một con chó đang liếm các vết thương. Thoạt đầu sói ngoạm cổ đứa bé tha đi, và để tha cho dễ, nó dùng mõm ngoạm ngang hông. Bởi lẽ nó ngoạm mạnh, nên đã để lại những vết thương nặng ở hai chỗ này.

Được thoả mãn quá lòng mong ước, bà vội vàng cùng với các người lối xóm chạy tới vị ân nhân. Bà chỉ các vết thương cho những ai muốn xem biết, rồi dâng lên Chúa và thánh Clara nhiều lời cảm tạ, đội ơn.

61. Một bé gái ở thị trấn Cannara(64) đang ngồi ở ruộng lúa giữa ban ngày và có bà kia gối đầu vào lòng nó. Bỗng một con sói ham ăn thịt người nhẹ nhàng bước tới con mồi. Đứa bé đã trông thấy nhưng lại tưởng là con chó, nên chẳng sợ hãi gì cả. Em cứ tiếp tục chăm chú gỡ mái tóc cho bà kia. Con vật dữ tợn liền nhảy chồm tới, há rộng miệng ngoạm lấy mặt và tha em vào rừng, như một miếng mồi. Tức thì, người đàn bà kinh hoảng nhảy dâïy và sực nhớ tới thánh Clara, bà ta la lên : “Thánh nữ Clara hãy cứu nó, hãy cứu nó, giờ đây tôi giao phó nó cho Thánh nữ.”  Thật lạ lùng thay! Đứa bé bị sói cắn tha đi liền mạ lị con vật : “Đồ trộm cướp ! ta đã được gởi gắm cho  một vị Thánh nữ cao cả như thế mà mày còn dám tha ta đi xa hả ? Quá ngượng ngùng vì lời xỉ vả, con vật liền nhẹ nhàng thả em xuống đất, và như  một tên trộm bị bắt quả tang nó lẹ làng lảng ra xa.

Clara được phong thánh.

62. Vào thời Đức Alexandrô IV nhân hậu, Đấng ưa thích thánh thiện, bảo trợ tu sĩ và là cột trụ dòng tu, ngự trên ngai toà thánh Phêrô, danh tiếng nhân đức của Trinh nữ Clara càng ngày càng lan xa. Cả thế giới nóng lòng chờ đợi một trinh nữ như thế được phong thánh. Muôn vàn phép lạ Trinh nữ đã làm khiến Đức Giáo hoàng như được thúc đẩy làm một việc khác thường. Ngài bắt đầu thảo luận cùng các vị Hồng y về việc phong thánh.  Công cuộc điều tra các phép lạ cũng như việc cứu xét thành tích thánh thiện trong đời sống Clara được giao phó cho những nhân vật quan trọng và thông thái(65). Người ta nhận thấy lúc sinh thời Clara đã anh dũng thực hành tất cả các nhân đức và khi chết rồi Clara vẫn đáng khâm phục qua các phép lạ đích xác và được thừa nhận.

Đến ngày đã ấn định, Hồng y đoàn kéo tới, Hội đồng các Tổng Giám mục và Giám mục cũng hiện diện, cùng với sự tham dự của các giáo sĩ, các tu sĩ và một số rất đông các bậc khôn ngoan, quyền thế, Đức Giáo hoàng cho trình bày nội vụ về việc phong thánh và xin hàng giáo phẩm vị vọng tỏ bày ý kiến. Tất cả mọi người đều nhất trí Clara là Đấng đã được Chúa tôn vinh trên trời thì cũng cần được tôn vinh nơi dương thế.

Hai năm trôi qua kể từ ngày thánh Clara về chầu Chúa, vài ngày sau lễ giỗ Thánh nữ, khi đã triệu tập đông đủ hàng Giáo phẩm, bậc vị vọng cùng tất cả hàng Giáo sĩ, và khi đã đọc một bài diễn văn Đức Giáo hoàng Alexăndrô diễm phúc, Đấng được Chúa dành cho vinh dự tấn phong Trinh nữ, cung kính ghi danh Clara vào sổ các thánh với một vẻ cực kỳ trang trọng. Người buộc phải mừng kính trọng thể lễ Thánh

Clara trong toàn thể Giáo hội(66). Chính Đức Giáo hoàng là người đầu tiên đã cùng với tất cả giáo triều cử hành thánh lễ kính Thánh nữ cách trọng thể.

Những sự việc trên đây diễn ra  tại Vương cung Thánh đường Anagni(67), 1255 năm sau ngày Chúa nhập thể và là đệ nhất niên triều đại Giáo hoàng Alexandrô IV, để tán dương Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Người hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần  muôn đời. Amen.

LỜI KÍNH CÁO CỦA  DỊCH GIẢ

Sử liệu căn bản liên quan tới thánh nữ Clara tương đối ít. Sở dĩ như thế một phần cũng là vì Thánh nữ chỉ sống thầm lặng trong bốn bức tường tu viện thánh Đamianô. Xét về giá trị lịch sử, cuốn “Truyện Thánh Clara” mà chúng tôi trích dịch ở đây là một tài liệu quý giá, không kém gì Bản Luật Dòng, Chúc Thư, các Thư và Lời Chúc lành của Thánh nữ. Đối với những bạn đọc muốn tìm hiểu đời sống và tinh thần của Thánh nữ và các Chị Em Nghèo Khó một cách sâu sắc, thiết tưởng còn phải đọc thêm một số văn kiện của Tòa Thánh và các văn kiện khác. Đó là văn bản về Đặc ân sống nghèo, sắc dụ và bảng công trạng để phong thánh, thư của Đức Hồng y Hugôlin và thư của thánh Agnès gởi Clara, thư Đức Thánh Cha Grêgôriô IX gởi các Chị Em Nghèo Khó và thư luân lưu vào dịp Tha1nh nữ qua đời.

Trước đây có nhiều người cho rằng thánh Bonaventura, một tu sĩ Phan sinh, tiến sĩ Giáo Hội, đã viết ra cuốn “Truyện Thánh Clara” này. Ngày nay, căn cứ trên bức thư tựa ở đầu cuốn truyện, người ta được biết một cách khá chắc chắn Tôma thành Cêlanô mới là tác giả. Tôma được Đức Alexăndrô IV ủy thác cho việc ghi lại tiểu sử Thánh nữ, cũng như trước kia, Tôma được ủy thác cho việc viết hạnh Thánh Phanxicô. Trong thư tựa, Tôma cho mình là người kém học thức, nhưng đó chỉ là kiểu nói khiêm tốn thôi. Cách kết cấu câu chuyện, lối hành văn và sự tín nhiệm của Đức Thánh Cha chứng tỏ Tôma là người tài năng, đức độ. Quả vậy, Tôma thường dùng điển tích, trích dẫn Thánh Kinh và vận dụng các luận cứ thần học cao siêu, lại khéo dùng lối văn biền ngẫu, lối đối và lối chơi chữ tuyệt vời. Ngoài ra, Tôma còn có khiếu làm thơ, khiến câu văn có những tiết tấu nhịp nhàng.

Tôma đã viết Truyện Thánh Clara sau ngày Clara được phong thánh, tức là sau ngày 15-8-1255, và đã kết thúc vào năm 1256. Đây là thời kỳ mà nhiều người đương thời Clara còn sống, nên Tôma có thể căn cứ trên chứng từ của họ, để biên soạn cuốn truyện. Tôma cũng thú nhận là đã căn cứ trên bảng công trạng và sắc dụ phong thánh, nhưng khi gặp những chỗ thiếu sót, hay những điểm còn nghi ngờ, Tôma không ngần ngại tìm tới “các bạn đồng hành thánh Phanxicô và toàn thể các trinh nữ của Chúa” ở tu viện Thánh Đamianô. Tôma nghĩ rằng chỉ nên tin tưởng vào chứng từ của những người đã được mắt thấy tai nghe. Vì thế, dầu Tôma không phải là chứng nhân trực tiếp, biết rành rẽ đời sống Thánh nữ, tác phẩm của Tôma vẫn có một giá trị lịch sử cao.

Thiết tưởng cũng cần lưu ý bạn đọc về lối viết truyện các thánh thời Trung cổ. Thời ấy người ta có thói quen nhìn ngắm cuộc đời các thánh từ đỉnh vinh quang của các ngài. Tất cả những chi tiết gì có thể làm lu mời sự thánh thiện của các ngài đều phải dè dặt và tránh né. Do đó có những điều hoàn toàn nhân loại được các tác giả siêu việt hoá một cách dễ dàng. Ngày nay khi xét về một con người, chúng ta thường chọn con đường ngược lại. Chúng ta đi từ cái nhân loại tầm thường đến sự thánh thiện siêu việt... Vấn đề là ở chỗ trong hai lối viết truyện ấy, lối nào đứng đắn và khách quan hơn ?

Truyện Thánh Clara đã được khai triển từ bảng công trạng dùng để phong thánh. Đây là một tài liệu lịch sử quí giá, nhưng chưa toàn bích. Vì quá súc tích, bản băn không khỏi để lại một vài chi tiết khó hiểu. Chúng tôi đơn cử một ví dụ. Khi họ ồ ạt tấn công, buộc Clara bỏ dòng trở về, Clara đã chạy tới bàn thờ, một tay lật khăn ra để họ hàng trông thấy mái tóc đã cạo, tay kia bám lấy khăn bàn thờ. Độc giả có thể ngạc nhiên không hiểu về hai cử chỉ trên đây của Thánh nữ có ý nghĩa gì. Tôma đã không giải thích ngay là vào thời Trung cổ, hễ đã cầm lấy khăn bàn thờ mà tuyên thệ và đã xuống tóc đi tu là thuộc về Chúa rồi, không ai được phạm tới người đó nữa. Kẻ nào bất tuân sẽ mắc vạ tuyệt thông ngay tức khắc.

Bản dịch của chúng tôi căn cứ trên bản cảo 338, tàng trữ tại thư viện thành Assisi, được F. Pennachi hiệu đính và ấn hành năm 1910 tại Assisi, và mới đây được nhà xuất bản La Editorial Catolica, S.A tái bản năm 1970 tại Madrid.

Vì ý thức được giá trị lịch sử của cuốn truyện, chúng tôi đã cố gắng dịch sát nguyên văn, không dám thêm bớt gì. Vì lý do ấy, bản dịch có nhiều chỗ không được thông suốt, đôi khi lời văn còn khó hiểu, chúng tôi xin độc giả luợng tình khoan dung.

Sau hết, để rộng đường nghiên cứu, độc giả có thể xem thêm các tác phẩm có sẵn do Lm Nguyễn hồng Giáo sáng tác chuyển ý, trích dịch: Thánh Clara thành Assisi; Bút tích Thánh Clara; Tinh thần Thánh Clara. Các tác phẩm này liên quan mật thiết tới đời sống và tinh thần thánh Clara và của các Chị em Nghèo khó.

Ước gì cố gắng bé mọn của chúng tôi trong việc trích dịch Truyện Thánh Clara đóng góp được phần nào vào việc tìm hiểu của những ai yêu mến Đấng Thánh lập Dòng, và nhất là của các Chị em Dòng Kín Thánh Clara tại Việt nam.

Các dịch giả

Phần chú thích :

(1) Đức Giáo Hoàng Alêxandrô IV cai quản Giáo Hội từ năm 1254-  1261; làm Hồng Y bảo trợ Dòng Anh Em Hèn Mọn từ năm 1227 và Dòng Nữ Đan sĩ Thánh Clara từ năm 1248.

(2) ám chỉ thánh Phanxicô, thánh Đôminicô và các tu sĩ hai dòng ấy.

(3) Bạn đồng hành, trước hết phải kể “ba người bạn” của thánh Phanxicô là anh Lêô, mất 1271, anh Angêlô, mất năm 1258, anh Rufinô, mất năm 1270. Ngoài ra còn có anh Juniphêrô, mất năm 1258, anh Mác-cô, linh mục trụ trì nguyện đường thánh Đamianô. Ba anh Lêô, Angêlô và Mác-cô là ủy viên ban điều tra phong thánh Clara.

(4)  Tôma thành Cêlanô là người đầu tiên viết tiểu sử thánh Phanxicô. Vào dòng năm 1215, là một tu sĩ hèn mọn có tài và học thức. Kể từ năm 1221, Tôma đi giảng tại Đức. Năm 1228 có mặt tại Assisi, tham dự lễ phong thánh Phanxicô. Đức Grêgôriô IX và Tu nghị 1244 đã truyền cho Tôma chép tiểu sử Cha Thánh làm thành hai bộ.  Năm 1255, Đức Alêxăndrô IV cũng truyền cho Ngài chép Truyện Thánh Clara. Tôma qua đời khoảng năm 1260.

(5) Clara có nghĩa là “trong sáng”.

(6) Clara không xuất thân từ dòng dõi bá tước Scifi, như người ta thường lầm tưởng. Gia đình quí phái, giàu sang mà không có chức bá tước. Thân phụ là Favarônê và tổ phụ là Offrêđucciô. Chủ gia đình là ông bác Monalđô. Gia đình sinh sống tại Assisi, cạnh công trường thánh Rufinô.

(7) Ortulana có nghĩa là “người làm vườn”.

(8) Tức là hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.

(9) Theo Z.Lazzeri, Clara sinh năm 1193, vào dòng năm 1211, giữ chức vụ Bề Trên năm 1214,  sống trong dòng 42 năm, 4 tháng, 14 ngày. Tuy nhiên một vài học giả nhận thấy phải sửa đổi phần nào niên biểu này. Xem L.Hardick trong Zur Chronologie im Leben der hl. Klara đăng trên Franz Stud 25 (1953) 174-210.

(10) Giếng Rửa tội này hiện nay vẫn còn tại Vương Cung Thánh Đường Rufinô. Mười hai hoặc 13 năm trước đó, thánh Phanxicô cũng chịu Phép Rửa tội tại đây.  (11) Vào thời Trung cổ, khi lần chuỗi thường chỉ đọc kinh Lạy Cha, do đó có “chuỗi Lạy Cha”.

(12) Theo lời chứng của Raniêri đi Bernarđô và Piêtrô đi Bernarđô trong hồ sơ phong thánh.

(13)  Clara thường đến đây với nữ tu Bona di Guelfucciô. Còn Phanxicô, Người thường đến đây với anh Philiphê Longô.

(14) Nhà thờ Thánh Nữ Maria Portiuncula ở cách Vương Cung Thánh Đường Thánh Phanxicô độ hai cây số về hướng tây nam. Hiện nay Vương Cung Thánh Đường Thánh Nữ Maria Các Thiên Thần bao phủ lên ngôi nhà thờ cũ.

(15) Clara chỉ lưu lại vài ngày tại thánh đường thánh Phaolô, sau đó Người sang ở tại tu viện Thiên thần Pansô,  cách Assisi lối ba cây số về hướng đông nam.

(16) Cách Assisi độ một cây số về phía nam và nằm trên sườn núi. Thánh dường nầy không thuộc quyền sở hữu của các nữ tu Biển-đức ở núi Subasiô, nhưng thuộc quyền Đức Giám mục Assisi và được Đức Giám mục ban cho Phanxicô, một phần vì Phanxicô đã có công tu bổ thánh đường.

(17) Phanxicô và Clara đã làm cho phong trào tu trì trong giới phụ nữ bành trướng mạnh mẽ. Xem thêm 1 Cel 31, 36, 37, và H.Grundmann trong Religiose Bewegungen im Mittelalter, Berlin, 1935.

(18) Chắc chắn là Celano nghĩ tới hai nàng công chúa, Á thánh Agnès thành Prag (qua đời năm 1282) và Á thánh Salomea thành Cracau (qua đời năm 1268). Ngoài ra, tác giả còn nghĩ tới Á thánh Helena Enselmini (qua đời năm 1242) và Á thánh Philippa Mareri (qua đời năm 1236); cả hai đều xuất thân từ dòng dõi  quí phái.

(19) Câu chuyện xảy ra vào khoảng đầu năm 1215. Clara từ chối danh hiệu “Đan viện mẫu” vì khiêm tốn và nhất là Người không muốn đồng hoá với Nữ tu Biển-đức. Tuy thế, Clara đã tuân theo quyết định của Công đồng Lateran IV (năm 1215) buộc các dòng tu từ nay về sau phải dựa trên những luật dòng có sẵn, không được ban hành luật mới. Do đó, cộng đoàn nữ tu ở San Damianô tuân giữ  Luật Dòng Biển-đức, và Clara đành phải nhận danh hiệu “Đan viện mẫu” (abbesse).

(20) Sở dĩ tu viện thánh Đamianô được ví như một tổ chim vì nằm ngay ở sườn núi. Tu viện này nhỏ bé, rất phù hợp với quan niệm nghèo khó của Clara.

(21) Đức Innôcentiô III lên ngôi Giáo hoàng năm 1198, tạ thế năm 1216. Người là vị Giáo hoàng danh tiếng nhất thời Trung cổ. Dưới triều đại Người, xuất hiện hai dòng hành khất quan trọng là dòng Đa-minh và Phan sinh, và dòng nữ đan sĩ thánh Clara.  (22) Đặc ân sống nghèo được ban ra gi74a khoảng thời gian nhóm họp Công đồng Lateran IV và ngày Đức Innocentiô III tạ thế. Đức Grêgôriô IX đã tái xác nhận đặc ân này ngày 17 - 9 -1228.

(23) Đức Giáo hoàng Grêgôriô IX xuất thân là một bá tước. Được đặt làm Hồng y Giám mục Giáo phận Ostia và Velletri năm 1206.  Từ năm 1218 - 1219, Người là Bề trên chính thức của các đan sĩ thánh Clara. Năm 1220 - 1221, Người trở thành vị Hồng y bảo trợ đầu tiên của Dòng Anh em Hèn mọn. Năm 1227, lên ngôi Giáo hoàng. Năm 1241, Người từ trần. Người tin tưởng mạnh mẽ vào thánh Phanxicô và thánh Clara.

(24) Tên của nữ tu này là Agnès di Oportulo.

(25) Từ 1224 trở về sau, Clara thường hay đau ốm. Thời gian đau ốm kéo dài khoảng 28 năm.

(26) Mùa Chay cả kéo dài từ Chúa nhật thứ ba trước Lễ Tro tới Lễ Phục Sinh. Mùa Chay thánh Martinô kéo dài từ lễ Các Thánh Nam Nữ đến Lễ Giáng Sinh.

(27)  Cuộc tấn công xảy ra vào một ngày thứ Sáu, tháng chín năm 1240.

(28) Nhiều bức họa thường trình bày hình ảnh của Clara cầm chén  Mình Thánh Chúa. Theo nữ tu Francesca da Col di Mezzo, người đã chứng kiến sự hiện này, thì chính vị linh mục trụ trì ở đây đã rước Mình Thánh Chúa tới cửa. Và cửa đây không phải là cửa ở phòng khách, nhưng là cửa ở gần phòng ăn. Quân Hồi giáo đã tấn công vào mặt này.

(29) Biến cố này xảy ra ngày 22.6.1241.  Để tỏ lòng biết ơn hằng năm, vào ngày này, có cuộc rước kiệu trọng thể từ Assisi đến San Damianô. Tục lệ này bị gián đoạn năm 1860; đến 1924 được tiếp tục giữ lại.

(30) Đó là thánh Agnès thành Assisi. Để biết thêm về tiểu sử thánh Agnès thành Assisi, xin đọc các số 43, 48 trong sách này; đồng thời đọc thêm các tài liệu sau đây : Thư Agnès gởi chị Clara; Thư IV gởi thánh Agnès thành Prag; Thư Hồng y Hugolin gởi Clara, và Tiểu sử thánh nữ Agnès trong Analecta Franciscana III, 173, 182.

(31)  Nhà thờ thánh Phanxicô tại Gubiô hiện còn tàng trữ một chiếc khăn thánh thế kỷ 13. Có người bảo chiếc khăn đó do Clara làm.

(32) Nhà thờ thánh Phanxicô cách xa San Đamianô chừng 2 cây số nên ở đó có thể nghe được tiếng chuông nhà thờ, nhưng không thể nào nghe được tiếng đại phong cầm.  Căn cứ trên sự kiện này, Đức Piô XII đặt thánh Clara làm Quan thầy Vô tuyến truyền hình. Acta Ordinis minorum 77 (1958), trang 244 và kế tiếp.

(33) Thời Trung cổ và sau này, người ta cung kính chẳng những Năm dấu đanh được ghi trong Thánh Kinh mà còn cung kính 13 hoặc 15 dấu đanh nữa. Nhà thuyết giáo Brugman (tạ thế năm 1473) từng ghi lại tên 13 dấu đanh ấy.

(34)   Pêrusiô là một thị trấn cách xa Assisi chừng 18 cây số về hướng tây.

(35)  Bà Ortulana vào Dòng tại San Damianô, khoảng 1226, trước cô con gái thứ ba là Béatrice. Bà đã sống thánh thiện và qua đời trước năm 1238.

(36)  Philipphê thành Adria tức là anh Philipphê Longô. Chữ Adria ở đây do chữ Atria viết lầm ra. Philipphê là người bạn đồng hành thứ 7 của thánh Phanxicô từ 1219 đến 1220, và là vị kinh lược các đan sĩ Dòng thánh Clara từ 1228 đến 1248. Archivum Franciscanum Historicum 15 (1922) 75-81. Biến cố này xảy ra vào năm 1232 hoặc 1233, tuần thứ hai sau Lễ Phục Sinh.

(37) Đức Grêgôriô IX đã ban Sắc dụ “Quo elongati” ngày 28/9/1230 cấm nhặt điều này. Vị Tổng Phục vụ hồi đó là Gioan Parenti (1227-1232).

(38)  Ở điểm này có 2 bản chép tay ghi lại 2 chương trích trong cuốn “Actus Béati Francisci et Sosiorum ejus”; chương I mang tựa đề “Thánh Phanxicô và thánh Clara đã dùng cơm chung rồi ngất trí” (Sách Tiểu kỳ hoa, chương 15); chương II tựa đề “Thánh Clara vâng lệnh Đức Giáo hoàng làm phép bánh trên bàn, khiến Thánh giá hiện hình trên mỗi chiếc bánh” (Sách Tiểu kỳ hoa, chương 33). Hai chuyện này chắc chắn mới được thêm vào sau và đã có trong sách Tiểu kỳ hoa, nên khỏi cần trích dẫn 2 chương ấy.

(39)  Đức Innôcentiô IV là một Bá tước được bầu làm Giáo hoàng ngày 25-6-1243 và qua đời ngày 7-12-1274.  Ngài là một nhà Giáo Luật xuất sắc, một nhà ngoại giao lanh lợi khó lung lạc và cương quyết. Tuy nhiên lòng đạo đức sốt mến không bằng Đức Grêgôriô IX. Ngài đối xử tận tình với Clara và Dòng của Thánh nữ.

(40)  Đức Innôcentiô IV lưu lại Lyon từ tháng 12-1244 đến tháng 4-1251, sau đó trở về nước Ý, được tiếp đón long trọng tại Pêrusiô ngày 5-11-1251. Ngài ở lại đây cho đến cuối tháng 4-1253.

(41)  Theo lời chị Francesca da Col di Mezzô, Clara lâm bệnh nặng đến nỗi chị em tưởng Ngài sẽ chết ngày 11-11-1250.

(42)  Đây là Đức Hồng y Raynald, sau này là Đức Giáo hoàng Alexander IV (1254-1261), kế vị Đức Innôcentiô IV.

(43)  Sự kiện Luật Dòng được nói ở đây có thể chứng minh rõ ràng qua Sắc dụ phê chuẩn “Solet annuere” ngày 9-8-1253, trong đó có ghi trọn văn thư chấp thuận “Quia Vos” của Hồng y Raynald. Theo Pennachi, thì Đức Hồng y đã viếng thăm San Damiano vào ngày 8-9-1252. Chắc chắn là Luật Dòng Thánh Clara và đặc ân sống nghèo được phê chuẩn lần thứ I ngày 16-9-1252 tại Pêrusiô qua văn thư “Quia Vos” của Hồng y Raynald nhân danh  Đức Giáo hoàng. Xem Wadding năm 1252 q. XIX)

(44)  Đoạn này cho thấy Đức Innôcentiô chỉ đến thăm thánh Clara một lần. Một vài học giả căn cứ trên lời chứng của anh Nicôla thành Carbiô, một tu sĩ hèn mọn, vừa là tuyên úy và tiểu sử gia của Đức Giáo hoàng vừa là Giám mục thành Assisi năm 1250, đã khẳng định là Đức Innôcentiô đến thăm Clara hai lần.  Lần đầu vào  đầu tháng 5 và lần thứ hai vào đầu tháng 8 năm 1253, trước lúc Clara qua đời (E.Grau và L.Hardick).

(45)  Theo E.Grau, Đức Innôcentiô lúc viếng thăm Clara lần chót đã vĩnh viễn phê chuẩn Luật Dòng Thánh Clara. Trên giường bệnh, Clara nhận được lời hứa phê chuẩn. Ngày 9-8-1253, Sắc Dụ được soạn thảo xong, và ngày 10-8-1253, một ngày trước khi từ trần, Clara đã nhận được Sắc Dụ như lòng mong ước (E.Grau trong bài “Die papstliche Bestatigung. “ FranzStud 35 (1953) 317-323.

(46)   Từ năm 1228-1229 về sau, Agnès không ở tại tu viện San Damianô nữa. Người giữ chức Bề trên tại tu viện Monticelli gần thành Florencia. Năm 1253, lúc Clara sắp từ trần, Agnès mới được mời về San Damianô.

(47)   Theo các nhà viết tiểu sử cận đại thì Raynaldô là vị Linh hướng của Clara.

(48)  Juniphêrô là bạn đồng hành của Phanxicô. Anh nổi danh vì  tính đơn sơ và kiên nhẫn. Xin đọc thêm tiểu sử của anh trong sách Tiểu kỳ hoa và sách Gương trọn lành (Speculum perfectionis, đoạn 85).

(49)   Angelo Tancredi vốn là 1 hiệp sĩ  lúc còn ở thế gian; anh là một trong số 11 bạn đồng hành của thánh Phanxicô.

(50)   Anh Lêô là thư ký và là linh mục giải tội của Phanxicô. Tiểu sử của anh được ghi lại trong I Cel 102; II Cel 49; 50 gương trọn lành, chương 85.

(51)  Chị Benvenuta di Diambra đã được may mắn thị kiến. Theo lời chị, thị kiến xảy ra chiều ngày 8-8-1253.

(52)  Khi đó Đức Innocentiô và quần thần có mặt tại Assisi, chuẩn bị mừng lễ thánh Ruffinô, Quan thầy của thành phố Assisi, 11 tháng 8.

(53)  Trước kia, dân thành Assisi đã khôn ngoan rước thi hài thánh Phanxicô từ Portiuncula về Assisi một ngày sau lúc Thánh nhân qua đời. Hồi đó, những vụ đánh cướp thi hài các thánh không phải là chuyện hiếm.

(54) Các nhà chức trách Assisi muốn an táng Clara tại thánh đường San Giorgio, nơi đã an táng thánh Phanxicô. Thánh đường S.Giorgio hồi đó nay là tu viện thánh Clara.

(55)  Theo Wadding, Agnès chết ngày 16 tháng 11 năm 1253; tức là 97 ngày sau khi Clara qua đời. Còn theo học giả Lazzeri, thì Agnès chết ngày 27 tháng 8 năm 1253; và như thế, đúng với điều ghi trong tiểu sử này, “vài ngày sau đó”.

(56)   Đây là ngôi mộ tạm thời của Thánh nữ. Di hài Thánh nữ sẽ được vĩnh di về Thánh đường S.Chiara ngày 3 tháng 10 năm 1260.

(57)   Một thị trấn nhỏ cách Assisi độ 8 cây số về hướng đông nam.

(58)   Thành phố bên bờ sông Nera, cách Terni độ 11 cây số về hướng nam.

(59)   Bettora nay là một ngôi làng cách Assisi độ 12 cây số về hướng nam.

(60)   Lãnh địa này nằm gần Bettora. Nay không còn vết tích gì nữa.

(61)   Thành phố cách Assisi chừng 30 cây số về hướng nam.

(62)   Mevanio là một thị trấn nhỏ cách Assisi 14 cây số về hướng nam.

(63)  Có lẽ là Monte Galgano, cách Assisi 10 cây số về hướng nam.

(64)  Thành phố Cannara cách Assisi 8 cây số về hướng nam.

(65)   Từ ngày 18/10/1253, qua Sắc dụ “Gloriosus Deus”, Đức Innocentiô đã ủy thác cho Giám mục Bartôlômêô thành Spôlêtô điều tra đời sống và các phép lạ thánh Clara. Kết quả Clara được phong thánh.

(66)   Ngày 11/8 là ngày Clara qua đời. Ngày này lại trùng vào ngày lễ Thánh Ruffinô, quan thày của Assisi, nên Đức Giáo hoàng đã quyết định mừng lễ Thánh Clara vào ngày 12/8. Nay Giáo hội lấy lại ngày cũ, tức ngày 11/8.

(67) Đức Giáo hoàng Alexander IV lúc đó lưu tại Anagni, một thành phố cách La Mã 60 cây số về hướng đông nam và là quê hương của Người. Ngày 15/8/1255 Người đã long trọng ghi tên Clara vào sổ các thánh. Lazzeri: De die canonisationis beataeClarae, trong Arch Franc Hist 11 (1918), 276-278.
 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thánh Vincent Ferre (1350 – 1419) #2 (4/5/2016)
Hè Kỳ Ngộ Với Thánh Vinh Sơn (1350 – 1419) #1 (4/5/2016)
Chương X: Các Phép Lạ Sau Ngày Thánh Antôn Qua Đời (10 Và Lời Nguyện) (6/21/2014)
Thánh Antôn Pađua (6-9) (6/21/2014)
Thánh Antôn Pađua (1-5) (6/21/2014)
Tin/Bài cùng ngày
Truyện Thánh Nữ Clara, Quyển 1 (8/11/2012)
Tin/Bài khác
Truyện Thánh Nữ Rita (14) (2/24/2012)
Truyện Thánh Nữ Rita (13) (2/24/2012)
Truyện Thánh Nữ Rita (12) (2/24/2012)
Truyện Thánh Nữ Rita (11) (2/16/2012)
Truyện Thánh Nữ Rita (10) (2/16/2012)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768