Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
[ Sưu Tập Những Bài Suy Niệm Kinh Thánh] -- 21. Đức Tin Trọng Hơn Việc Làm
Thứ Sáu, Ngày 15 tháng 9-2023
21. ĐỨC TIN TRỌNG HƠN VIỆC LÀM

 

Kể từ khi các cố đạo ngoại quốc sang truyền đạo ở nước ta cách đây mấy trăm năm, các vị ấy đã đem lối sống đạo đang thực hành bên tổ quốc họ truyền sang cho giáo hữu Việt Nam, một lối sống đạo trước Công đồng Vaticăng II, tập trung vào việc tu thân tích đức, lập công nghiệp v.v…Lối sống đạo ấy tốt lành đáng ngợi khen, đã nuôi dưỡng và trổ sinh 117 thánh Tử đạo được chính thức tuyên thánh và ngàn vạn thánh tử đạo vô danh khác… cho nên luôn mãi có giá trị, không bao giờ bị rẫy bỏ, nhưng dầu vậy vẫn còn chưa hoàn hảo.

Từ sau Công Đồng Vaticăng II (1962-65) Giáo Hội đã có nhiều tiến bộ cách riêng trong lãnh vực nghiên cứu Thánh Kinh, nghiền ngẫm và lãnh hội những giáo huấn của các ngôn sứ và tất nhiên việc ấy sẽ giúp đời sống đạo thêm sâu sắc… Nhiều chuyện được thay đổi, nhiều chuyện khác bị bãi bỏ, nhiều chuyện khác được đổi mới…

Ở đây xin đề cập đến một chuyện :

Đức tin trọng hơn việc làm!

Điều nói đây được chính Đức Giêsu phán dạy.

Một hôm: “Người Do Thái hỏi Đức Giêsu: “Chúng tôi phải lao công vào việc nào của Thiên Chúa? Đức Giêsu trả lời: “Việc của Thiên Chúa (muốn các ông làm) là tin vào Đấng Người đã sai đến!”(Ga 6.28-29)

Họ hỏi phải làm việc nào là những việc đạo đức dân chúng Do Thái quen làm như giữ luật ngày Sabat, ăn chay, bố thí, v.v… Đáp lại, Ngài không bảo họ làm việc gì nhưng là tin, tin vào Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến thi hành việc cứu chuộc.

Câu trả lời của Đức Giêsu quả là một việc cách mạng đối với người Do Thái. Từ cả hai ngàn năm, suốt thời kỳ Cựu Ước, dân Thiên Chúa luôn được ông Môsê – người được Thiên Chúa ban Lề Luật để truyền lại cho dân chúng – ông dạy phải làm, phải thi hành những điều Luật Thiên Chúa. Đây là mệnh lệnh tuyệt đối đến nỗi không làm, không thi hành những việc ấy thì bị Thiên Chúa trừng phạt có khi hết sức nặng nề. (Mời đọc cách riêng sách Đệ Nhị luật, đặc biệt mấy diễn từ của ông Môsê).

Luật Môsê - mà người Do Thái tin là luật của Thiên Chúa truyền cho ông ấy - gồm Mười Điều Răn và nhiều điều luật khác nữa. Thời xa xưa ấy dân tình còn bán khai u mê thô lậu - thì luật rất cần thiết để loài người có thể nhận ra điều hay lẽ phải, điều đúng điều sai, điều phải làm, điều không được làm…

Về sau này khi loài người đã trưởng thành hơn, thời mà Kinh Thánh gọi là “thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới” (Gal 4.4), đó là lúc Đức Giêsu đã đến trong trần gian để mặc khải sự thật của Thiên Chúa, thì cách sống Đạo đã được canh tân. Trước đây, giữ Luật lệ Thiên Chúa truyền là được cứu rỗi, nay chỉ cần TIN là được nên công chính tức là được cứu rỗi, được sự sống đời đời, chứ không phải do công giữ Lề luật của mình …

Nền tảng của việc canh tân do Chúa Giêsu đã đem lại này đặt trên việc hy sinh chịu chết đóng đinh thập giá của Chúa để đền tội chúng ta, và Máu Chúa đổ ra rửa sạch mọi tội lỗi cho chúng ta để chúng ta được Ơn tha thứ mà nên người công chính. Công trình cứu chuộc như thế là hoàn thành, đầy đủ.

 Muốn được hưởng công việc cứu chuộc ấy, Chúa chỉ đòi chúng ta tin. Vì trong công việc này, từ đầu chí cuối, chúng ta chẳng có công trạng gì, chẳng làm được gì, tất cả đều do lòng thương xót Thiên Chúa làm. Vậy chỉ còn một việc chúng ta có thể làm là “tin!”

Thánh Phaolô, môn đệ được Đức Giêsu mặc khải đặc biệt, là tông đồ vô địch trong vấn đề này - (mời xem hai thư Galát và Rôma) - nên ông đã khẳng định rõ ràng như sau:

“Ngày nay, (ân) đức công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện (= được ban xuống cho loài người) mà không cần đến luật MôsêQuả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô.

“Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai.

23 Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị khuyết mất vinh quang (= sự sống) Thiên Chúa, 24 nhưng họ được trở nên công chính (= được ân nghĩa lại với Thiên Chúa) do ân huệ Thiên Chúa ban dưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su: (công trình ấy là thế này) 25 Thiên Chúa đã đặt Ngài làm lễ vật đền tội nhờ máu của Ngài (đổ ra trên thập giá) cho những ai có lòng tin.”(Rm 3.21-25)

Trước những lời xác quyết đanh thép này, Kitô hữu chúng ta ngày nay có thái độ nào?

Hình như có nhiều người vẫn chưa hiểu, chưa lưu tâm. bằng chứng là thấy giáo dân đến nhà thờ, vẫn thường mong đợi các linh mục giảng dạy những điều gì cụ thể để thi hành, để làm, để có thể áp dụng vào trong cuộc sống..., để tu thân, tích đức, lập công để được Thiên Chúa cho lên Thiên đàng… Đó là điều tốt, chính đáng song chưa hoàn hảo! Đáng lẽ họ phải chú tâm đào sâu đúc tin nhờ đọc Lời Chúa, nghiền gẫm Kinh Thánh để hiểu biết Chúa hơn, nhờ đó tin yêu gắn bó với Chúa, đang khi cũng không bỏ làm những việc đạo đức tốt lành.

Hình như họ cho rằng mình là người có đạo thì có lòng tin rồi, lòng tin lúc học giáo lý vỡ lòng hồi nhỏ! một lòng tin ấu trĩ, non nớt, từ đó do cuộc đời xô đẩy không mấy khi có cơ hội học hỏi thêm đức tin. Thế rồi cứ theo tục lệ, đọc kinh, đi lễ, giữ những luật lệ và thủ tục tôn giáo…và cho rằng thế là mình đã giữ đạo tốt rồi. Đang khi đó đức tin rất èo uột … không đủ sức chống trả những cám dỗ, những lôi cuốn của thế gian…

Có một số người khác, giữ đạo cha truyền con nối, cắm cúi giữ những luật lệ nhà đạo, đọc kinh, đi lễ, xưng tội, rước lễ;  chăm lo tích đức lập công, cậy vào công nghiệp của những việc đạo mình làm được …, nhưng không học hỏi nên không biết lối sống đạo đã được Đức Giêsu canh tân: “Việc của Thiên Chúa muốn chúng ta làm là tin vào Đấng Thiên Chúa sai, và được Thánh Phaolô khẳng định trên đây (Rm 3.21-25), chú tâm vào lòng tin vào Chúa Giêsu chứ không chú trọng vào lập công cho bản thân mình.

Họ ngạc nhiên và hỏi: chúng tôi sai lệch ở chỗ nào?

- Ở chỗ không lo tin mà chỉ lo làm.

Một ví dụ đời thường có thể giúp họ hiểu ra:

Người ta không thể cứ ra công làm: nào cày cuốc, nào tưới nước bón phân v.v… mà làm nảy ra một cây xoài ngon ngọt được. Cây xoài ấy là phải mua, hay là có ai tặng cho mình. Sau đó đem về trồng, lúc này mới ra công làm: tưới nước, bón phân v.v… cho cây sống mạnh và sinh hoa trái.

Áp dụng vào câu chuyện ở đây : Người ta không thể cứ ra công giữ luật, làm các việc đạo đức mà làm nảy ra sự công chính, sự công chính này chỉ có thể là do Thiên Chúa ban cho ta nhờ ta tin mà được. Sau đó ta mới ra công làm những việc đạo đức, giữ luật v.v…, để bồi đắp cho sự công chính Chúa ban cho ta được tăng trưởng mạnh mẽ.

Dụ ngôn Đức Giêsu nói về hai người lên đền thờ cầu nguyện là một minh họa cụ thể:

10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14 Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không…” (Lc 18.10-14)

Ta thấy người Pharisêu cậy mình làm được rất nhiều việc của Luật dạy, nhưng tự chúng không làm nảy sinh sự công chính! Còn người thu thuế không kể ra được việc làm nào, chỉ thú nhận mình tội lỗi và “tin” vào lòng thương xót của Thiên Chúa thì được ơn công chính! Tại sao vậy? Thánh Phaolô phán một câu xanh rờn:

28 Chúng tôi nghĩ rằng : người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy.”(Rm 3.28

Tổ phụ Abraham là người đầu tiên đã biết tin vào Thiên Chúa, “và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính” (Gal 3.6) và được đặt làm gương mẫu, làm “cha các kẻ tin.” (Rm 4.11)

Thực ra khi chuyên chú lo giữ luật Chúa truyền dạy và ra sức làm các việc đạo đức là điều tốt và cần, không được phép khinh chê, chính Đức Giêsu cũng chấp nhận: Có người hỏi Ngài phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ?” 17 Ngài đáp : “Hãy giữ các điều răn.” Thế nhưng Ngài cho là không đủ, phải tin và theo Ngài, vì thế Ngài thêm:  Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo... Rồi hãy đến theo tôi.” (Mt 19.16-21)

Đạo Công giáo không chỉ chuyên lo giữ luật, sống theo luân lý mà thôi. Nhưng điều cốt cán là phải có tương quan tin yêu với Thiên Chúa.

Nhưng hình như ngày xưa, dân Do Thái chưa quan trọng hóa điều cốt cán ấy. Có lẽ một phần là do dân trí và phong tục tập quán họ còn thô lậu[1] nặng nề vật chất; phần khác là do Thiên Chúa và dân chúng xa cách nhau nhiều quá, Thiên Chúa quá uy nghi cao cả, con người nhỏ nhoi thấp hèn…nên người ta sợ Thiên Chúa chứ chưa biết tin hay chưa dám yêu mến. Với tâm trạng ấy nên người ta cứ lấy những việc tế lễ, rước sách linh đình là họ nghĩ đã làm cho Thiên Chúa vui lòng, còn đời sống họ sao, tâm tình họ đối với Thiên Chúa thế nào thì không quan tâm.

Các ngôn sứ ngày xưa đã cảnh cáo rất nhiều lần và rất mạnh mẽ lối sống đạo hình thức ấy. Nhờ giáo huấn kiên trì hàng ngàn năm của các ngôn sứ, đã thấy có sự thay đổi. Lòng đạo của một bộ phận dân chúng đã thấy đi sâu xuống tâm hồn, không cậy dựa vào các việc làm:

18 Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,
con có thượng tiến lễ toàn thiêu,
Ngài cũng không chấp nhận.
19 Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,
một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.”

(Tv 51.18)

“Lễ toàn thiêu, lễ hy sinh đã hết,
lễ tiến, lễ hương cũng chẳng còn,….
39 Nhưng xin nhận tâm hồn thống hối
và tinh thần khiêm nhượng của chúng con,
thay của lễ toàn thiêu chiên bò, và ngàn vạn cừu non béo tốt.
40 Ước gì hy lễ chúng con thượng tiến Ngài hôm nay
cũng làm đẹp ý Ngài như vậy.
” (Đn 3.38-40)

Đạo chúng ta là đạo từ trời ban xuống. Chúng ta học hỏi những điều mầu nhiệm của trời, mà Con Một Thiên Chúa từ nơi thiên giới xuống tỏ bày cho chúng ta (Ga 1,18). Vậy Ngài đã tỏ cho ta biết sự gì? “Việc của Thiên Chúa muốn các ông làm là tin vào Đấng Người đã sai đến.” (Ga 6.28-29) Vì thế lòng tin là điều rất quan trọng, là chuyện sống hay là chết:

16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3.16).

Tất cả những điều ấy, Thánh Phaolô bảo cho biết đó là chương trình, là kế hoạch của Thiên Chúa dẫn đưa loài người từ chỗ bất toàn đến chỗ hoàn hào, từ các việc làm theo luật lệ đến đức tin :

23 “Trước khi đức tin đến, ta phải làm các việc Lề Luật dạy cho tới khi đức tin được mặc khải. 24 Như thế Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin.” (Gal  3.23-24)

Đừng sợ rằng nếu ta chỉ tin mà không có việc làm thì là đức tin chết (Gc 2.17). Chúng ta đâu có chủ trương bãi bỏ các việc giữ luật và các việc đạo đức, chúng ta chỉ không cậy vào chúng để nảy sinh ra ơn công chính. Ơn công chính chỉ có được là do lòng tin vào Chúa Giêsu và công cuộc cứu chuộc của Ngài, sau đó sẽ dùng các việc ấy mà củng cố cho lòng tin thêm mạnh mẽ, sung mãn…

Xin phép nói lời cuối cùng: Bởi vì lòng tin là một ơn huệ nên chúng ta cần cầu nguyện để xin Chúa thông ban ơn đức tin cho chúng ta. “Nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn  và được nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa.” (Ep 3.17-19)

 Kìa có những vị đại thánh đã đạt được những cảm nghiệm sâu xa nhờ đức tin, hiểu những điều thuộc cõi thiên giới siêu nhiên, nên sống tin yêu tha thiết với Thiên Chúa… dù các ngài ít học thức.

Rí'íR




[1]  Lời Đức Giêsu: “vì lòng dạ lì lợm của các ngươi” / hay “vì lòng chai dạ đá của các ông” (Mt 19.8)

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về