MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: đhy px thuận
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Vài Kỷ Niệm Với Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận
Thứ Sáu, Ngày 14 tháng 9-2012

Vài Kỷ Niệm Với Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận

Vietcatholic.net

Khoảng đầu mùa Thu năm 1967, khi tôi bắt đầu năm học đệ nhị (lớp 11) chuẩn bị cho kỳ thi “quyết định” tú tài I; trong một cuộc họp của Thanh Sinh Công ở thị xã Long Xuyên, các bạn tôi đã nhắc đến một vị linh mục còn rất trẻ, mới 39 tuổi, nhưng đã được Tòa Thánh phong làm giám mục: Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận của giáo phận Nha Trang.

Thoạt tiên tôi không quan tâm nhiều lắm, điều tôi đang lo nhất lúc ấy là làm sao để thi đậu kỳ thi tú tài bán phần, tổ chức cùng một lượt trên toàn quốc vào mùa Hè sắp tới. Nếu thi đậu và nếu năm sau có “lỡ” rớt tú tài toàn phần, tôi vẫn được vào quân trường Võ Bị Thủ Đức để trở thành sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Nếu rớt ngay trong kỳ thi này, vào thời buổi chiến tranh đó, dĩ nhiên là tôi sẽ bị động viên và may lắm thì có thể trở thành một hạ sĩ quan (trung sĩ) sau khi tốt nghiệp quân trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Tuy nhiên, khi được biết ngài là cháu ruột Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì thái độ của tôi thay đổi hẳn, tôi đã tìm hiểu về ngài nhiều hơn và ước mong có dịp gặp con người thánh thiện, tài hoa và liên hệ mật thiết với “thần tượng” của tôi (TT Diệm) đến thế!

(Giấc ngủ trưa “dân dã” của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong một lần đi thăm đồng bào, khoảng 1956.) Cơ hội đó không xảy ra cho mãi đến mùa Thu năm 1970, khi đó tôi đã xong tú tài toàn phần, được ơn Chúa mời gọi theo Ngài, đang là một tu sinh và giúp xứ năm thứ hai ở Thanh Hải, Phan Thiết, thuộc giáo phận Nha Trang (lúc đó chưa có địa phận Phan Thiết.) Thời gian này, giáo phận đang tổ chức các khóa Cursillos và tuy chưa đủ tuổi (người trẻ nhất phải 28 tuổi,) nhưng cha xứ đã xin “chuẩn” để cho tôi được tham dự “Khóa 4, Nha Trang.” Quả đúng như lời “đồn,” sự thánh thiện, thân mật, ân cần chăm sóc và “phục vụ” (như một Trợ Tá) cho từng khóa sinh nơi Đức Cha hiển nhiên đến độ, chỉ hôm sau là mọi người đã cảm thấy đó là những điều… bình thường! 

Một lần, khi không còn ai đứng cạnh Đức Cha nữa, tôi đã đến và tâm sự với ngài mấy câu: “Thưa Đức Cha, từ lâu con vẫn mong có dịp gặp Đức Cha và nhất là để thố lộ những điều con còn ôm ấp trong lòng từ nhiều năm nay. Con đã được sinh ra trên đất Bắc, nhưng lớn lên và trưởng thành ở trong Nam; khi đủ trí khôn, con đã nhận biết vị lãnh tụ đất nước đầu tiên trong đời mình là Cố Tổng Thống (tôi không nhắc đến tên “Người” để tỏ sự kính trọng.) Ngài còn là Đại Ân Nhân của tất cả những đồng bào người Bắc di cư (1954), trong đó có gia đình con; sự “ra đi” của ngài không phải chỉ là mất mát riêng của gia đình Đức Cha, nhưng còn là nỗi đau của hàng triệu người dân Việt, trong đó có gia đình con, có con. Nhân đây, con muốn nói tiếng phân ưu với Đức Cha…” Thấy gương mặt Đức Cha biến đổi rất nhanh, tôi chợt nhận ra rằng đã lỡ chạm đến nỗi thống khổ của ngài và chỉ còn biết lặng thinh. Ngài choàng tay trên vai tôi và cha con đã đứng im như thế một hồi lâu…

Trở lại Phan Thiết, tôi vẫn tiếp tục dạy ở trường trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở hay cấp hai) của giáo xứ Thanh Hải. Sau tết, một hôm cha xứ báo cho tôi biết là Đức Cha sẽ ghé thăm và nhân dịp này, Ngài sẽ chính thức “công bố” cho tôi trở thành “thừa tác viên thánh thể” (đúng ra là “thừa tác viên cho rước lễ,” – tiếng Anh là Extraordinary Minister of the Holy Communion hay EMHC - còn ‘tác viên thánh thể’ - Minister of the Holy Eucharist - là chính vị linh mục chủ tế.) Đây là một vinh dự rất lớn thuở bấy giờ vì rất ít người đã được trao “năng quyền” này, kể cả các tu sĩ, chủng sinh.

Sau bài giảng và được Đức Cha gọi lên cung thánh, tôi đã quì xuống, cung kính cúi đầu nhận tác vụ; nghĩ đến việc được cầm Mình Thánh Chúa trong tay, tôi đã xúc động đến run người. Hơn tám năm sau, 1979, khi được thụ phong linh mục ở Hoa Kỳ, sự xúc động trong tôi cũng có nhưng không đến mức độ đó. Hôm ấy, quả là một ngày hồng ân không bao giờ phai nhạt trong tâm thức của tôi.

Thế rồi vận nước nổi trôi, tôi sống tha hương ở ngoại quốc nhưng vẫn theo dõi cơn khổ ải của ngài và luôn cầu mong cho ngài được “chân cứng đá mềm” trước cơn cuồng phong thật dài và còn đang đe dọa cuốn đi cả tiền đồ của Tổ Quốc.

Mãi đến tháng 8 năm 2000, tôi mới có dịp gặp lại ngài trong đại hội Thánh Mẫu do dòng Đồng Công tổ chức ở Carthage, Missouri; đồng thời còn có cuộc họp của các linh mục, tu sĩ gốc Việt, đã chọn dịp này để gặp nhau. Trước đó mấy tháng (3/2000,) Đức Tổng Giám Mục Thuận, lúc đó đang là chủ tịch hội đồng giáo hoàng về Công Lý và Hòa Bình, đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đích thân mời giảng phòng mùa chay cho Ngài và cả giáo triều của Vatican. Đức Tổng đã tóm tắt cuộc “giảng phòng” đó cho anh em chúng tôi trong lối nói chuyện vẫn lôi cuốn, vẫn khôi hài ý nhị và xuôi chảy khiến người nghe còn tiếc nuối khi ngài đã giảng xong.

Uy vũ bất năng khuất
Thỉnh thoảng, Đức Tổng đã ra đứng ở sân nhà dòng để thân mật nói chuyện với các khách hành hương. Tôi cũng đến chào và ngài đã nhận ra tôi, không phải vì những kỷ niệm xưa, nhưng vì những bài viết đã được đăng trên báo Dân Chúa và trang mạng Vietcatholic. Đức Tổng đã khuyên nhủ tôi nhiều điều, trong đó đáng nhớ nhất là câu mà những ai hay chơi volleyball đều biết: “Bên tung, bên hứng,” về những “tương quan” giữa các anh em đang định cư ở nước ngoài cũng như những người còn phục vụ giáo hội bên nhà.

Thình lình, tôi nói: “Đức Tổng còn ‘nợ’ giáo hội 13 năm.” Một thoáng ngạc nhiên, nhưng ngài đã mỉm cười, hiểu ngay “thâm ý” của thằng… “Bắc Kỳ.” Đúng vậy, tôi đã kín đáo chúc ngài được mạnh khỏe để tiếp tục phục vụ giáo hội thêm 13 năm nữa; những năm tháng ngài đã đi… “nghỉ hè” cách “bất đắc dĩ” trước đây, thì tạm coi như… không kể! Cha con lại hàn huyên trong một tình thân, thắm thiết thật khó tả, nhưng có thể tóm tắt trong hai chữ: “Hạnh Phúc.”

Cha,

Chúa đã có chương trình riêng của Ngài, ngoài dự tưởng của bao người và Cha đã vâng phục trong khiêm cung, thanh thản, bình yên tiến về vương quốc của Ngài. Hôm nay và trong những ngày này, Kitô hữu của giáo hội hòan vũ, nói chung, và những giáo hữu Việt Nam vẫn hằng thương mến Cha, nói riêng, đang tổ chức các lễ kỷ niệm mười năm ngày Cha về “Quê Thật là Nước Thiên Đàng.” Tòa Thánh cũng đã cho phép “Cáo Thỉnh Viên” thu thập các tài liệu để phong thánh cho Cha. Con biết, với sự khiêm nhường muôn thuở và nếu được “có ý kiến” chắc Cha đã không muốn điều này xảy ra, cho dù đây là thánh vụ của Giáo Hội, hiền thê của chính Chúa Giêsu.

Nhưng, thưa Cha, điều này lại rất cần cho chúng con, chẳng phải vì “bản tính loài người” nhưng vì tiền đồ của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, vì tương lai của các thế hệ Kitô hữu dân Việt sau này, nếu không muốn nói cả giáo hội hoàn vũ nữa. Trước cảnh các “thần tượng” Việt Nam, từ đạo đến đời, đã và đang thi nhau sụp đổ một cách thảm hại, thì hình ảnh của Cha đã tách riêng, đứng hẳn trên một góc trời như một ánh quang hướng dẫn những người bước sau.

Những cảm nghiệm, những giảng dạy của Cha cần được tỏa sáng cho các thế hệ tương lai. Vị Giáo Chủ của Giáo Hội Hoàn Vũ, lúc Cha về Trời, Đức Thánh Cha, Chân Phước Gioan Phaolô II đã giảng trong thánh lễ an táng rằng: 

“Trong 13 năm ngục tù, ngài (ĐHY Thuận) đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là ‘chọn một mình Chúa mà thôi’ như các vị Tử Đạo Việt Nam đã làm trong những thế kỷ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người ‘Tin Mừng Hy Vọng,’ và ĐHY đã giải thích rằng chúng ta chỉ có thể chu toàn ơn gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất. ĐHY nói: ‘Hãy nêu cao giá trị của sự đau khổ như một trong muôn vàn khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, và hiệp nhất đau khổ của mình với đau khổ của Chúa; có nghĩa là đi vào chính năng động khổ đau, yêu thương có nghĩa là tham dự vào ánh sáng, sức mạnh, an bình của Chúa; có nghĩa là tìm lại được nơi chính mình một sự hiện diện mới mẻ, sung mãn của Thiên Chúa.’

Đây không phải là sự anh hùng, nhưng là sự trung thành chín chắn hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo. Một gia sản cần được đón nhận mọi ngày trong một cuộc sống đầy yêu thương và dịu hiền.” (1)

Chính vị Giáo Chủ đương nhiệm, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, ngày 17 tháng 9 năm 2007, cũng đã nói:

“Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để một lần nữa, nêu lên chứng tá Đức Tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này (ĐHY Thuận) đã để lại cho chúng ta. ĐHY Phanxicô Xaviê đã được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình, ngài đã soạn thảo bản toát yếu Giáo Huấn Xã Hội của Hội Thánh. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện của ngài.

“Chúng ta tưởng nhớ ngài với sự thán phục lớn lao, trong khi chúng ta hồi tưởng lại trong tâm trí chúng ta những dự phóng lớn lao và tràn đầy hy vọng, đã làm cho ngài luôn sống động và ngài tìm cách thế để dễ dàng loan truyền ra và thuyết phục nhiều người.

“Đức Hồng Y Văn Thuận là một con người của Hy Vọng. Ngài sống bằng Hy Vọng, ngài phổ biến niềm Hy Vọng cho tất cả những ai ngài gặp gỡ (…) Đức Cố Hồng Y Phanxicô thường nhắc lại rằng Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Chúa Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiện tại này, đã chiếu tỏa điều sâu thẳm của việc phó thác trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ theo tinh thần Phúc Âm (…)

Và Đức Bênêdictô XVI đã kết thúc:

“Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự án phong Chân Phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt về niềm hy vọng Kitô này và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của ngài, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương của Đức Cố Hồng Y là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em.” (2) 

Còn nữa, thật nhiều những dạy dỗ của Cha, hàng chục truyển tập đã được Cha chắt chiu từ chính con tim, từ từng dòng máu của mình để viết ra như “Đường Hy Vọng” đến “Năm chiếc bánh và hai con cá” đến “Sứ điệp Đức Mẹ La Vang”v.v… cần được quảng bá đến khắp Năm Châu, từ những thôn xóm nghèo cho đến từng thành phố cao sang trên khắp mặt đất. Một cách hết sức “nhân tính”: Nếu Cha không… làm thánh, thì những thông điệp sâu thẳm tin yêu và hy vọng đó chỉ là tuyển tập của một vị Hồng Y đã qua đời. Nhưng nếu Cha “để” cho giáo hội tuyên xưng là một vị thánh, thì những giáo huấn tràn sức sống đó sẽ được đón nhận như từ một vị được kể tên ngang hàng với Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Chân Phước Mẹ Têrêsa thành Calcutta, những “đại thánh” của thế kỷ XX.

Con xin Cha “hợp tác” với Giáo Hội để tiến trình phong chân phước và hiển thánh cho Cha được hoàn tất trọn vẹn và để vạn đời sau còn được hưởng Ơn Phúc của Chúa Trời qua những giáo huấn của Cha.

Con,

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng

(1) Tập biên soạn “Nhân dịp lễ giỗ 10 năm, Tôi Tớ Chúa: Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.” Của Anrê Lê Thiện Sĩ, cựu chủng sinh Huế, Anh Ninh 1947; trang 41.

(2) Cùng nguồn, trang 43.
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Bệnh Bè Phái Chia Rẽ #10 (ghi Lại Bài Nói Chuyện Của Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận Với Giới Trẻ Việt Nam Tại Strasbourg, Pháp, Chiều Ngày 12.9.1998) (3/13/2013)
Tại Sao Tôi Chọn Chúa? (11/15/2012)
Một Nhân Chứng Sống (9/23/2012)
Đức Mẹ Maria Trong Cuộc Đời Đhy Fx. Nguyễn Văn Thuận (9/20/2012)
Vị Mục Tử Của Niềm Hy Vọng (9/15/2012)
Tin/Bài cùng ngày
Đức Cha Mario Toso Cử Hành Lễ Giỗ 10 Năm Đhy Nguyễn Văn Thuận (9/14/2012)
Tin/Bài khác
Con Cá Thứ Nhất: Mẹ Maria, Mối Tình Đầu Của Tôi (2/2/2019)
Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: (7/21/2012)
Lễ Cải Táng Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận (6/8/2012)
Thư Luân Lưu: Công Lý Và Hòa Bình (3/5/2012)
Tgm Nguyễn Văn Thuận, Nguyên Nhân 13 Năm Lưu Đầy Khổ Nhục (2/6/2012)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768