MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: góc trời thương yêu
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Thư Gởi Bố Nhân Ngày Từ Phụ
Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 6-2016

Thư Gởi Bố Nhân Ngày Từ Phụ

Bố kính yêu của con,

Hôm nay là ngày Từ Phụ.  Dưới con mắt của những người con của đất nước tự do và nhân bản Hoa Kỳ này, hình ảnh người cha luôn là một "từ phụ", gần gũi, hiền lành chứ không nghiêm nghị xa cách như hình ảnh một "nghiêm phụ" theo truyền thống Nho Giáo của nước ta thời xa xưa.

Ca sĩ Paul Anka với bài hát Papa đã chinh phục được biết bao triệu trái tim của nhiều người khi ông cất lên những lời hát cảm động để vinh danh sự hy sinh khó nhọc của người cha tận tụy vì con, vất vả nuôi con đến ngày khôn lớn.  Những ngày vừa qua con cũng đã nhận được những mẩu truyện ngắn và những bài thơ hay ca ngợi tình cha.  Dường như trong trái tim của hầu hết những người cha ở thế gian này đều có cùng mẫu số chung là một tình thương bao la vô điều kiện với con cái.   Và con nhớ đến bố, nghiêm phụ kiêm hiền phụ của con.

Sáng nay con viết bài thơ nhỏ dâng lên Thiên Chúa tình yêu.  Dưới con mắt đức tin, Chúa mãi là Người Cha Giầu Lòng Thương Xót.  Có lẽ một số người sẽ thắc mắc tại sao con lại dâng Chúa bài thơ thay vì tặng bố.  Ước gì họ hiểu được rằng không có Chúa thì làm sao có bố và con.  Con cảm tạ Ngài đã cho con một người cha tài đức.   Bố mẹ đã kết hợp với nhau để nuôi dạy đàn con tám đứa nên người.  Tuy các con của bố như bàn tay có ngón ngắn ngón dài, tính tình khác biệt, chúng con hết thảy đều không thể phủ nhận đã được bố mẹ nuôi nấng và giáo dục tử tế trong truyền thống kính Chúa yêu người của các gia đình công giáo .  Ngược dòng thời gian của một quãng đời trên dưới 70 năm về trước nếu con nhớ không lầm thì bố gặp mẹ khoảng cuối  năm 1946. Chưa đầy một năm sau thì bố mẹ kết hôn với nhau qua thánh lễ hôn phối tại nhà thờ Hàm Long, một giáo xứ lớn thuộc địa phận Hà Nội, dưới sự chủ tọa của Cha Chính Trịnh Như Khuê (sau này là Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê, vị Hồng Y tiên khởi của giáo hội công giáo Việt Nam), và gia
đình đôi bên.  Cuộc hôn phối đẹp lòng Chúa này đã cho bố mẹ được tám người con. Chị cả của con ra đời ở phố Khâm Thiên, Hà Nội giữa năm 1949.  Chị thứ hai của con cũng ra đời trên đất Bắc ba năm sau đó (Phố Quán Sứ, Ngọc Hà, Hà Nội).  Thời ấy Hà Nội như một cô thiếu nữ xuân xanh, hiền hoà và duyên dáng, một thuở vàng son của dân Hà Thành vốn được tiếng là "nam thanh nữ tú", là "trai thanh gái lịch" ... Hà Nội bấy giờ thật đáng yêu của Ba Mươi Sáu phố phường như cố nhà văn tiền chiến Thạch Lam đã từng kể trong tập truyện ngắn cùng tên của ông.

Lớn lên giữa lòng Hà Nội, nhưng mảnh đất ngàn năm văn vật này lại không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của bố.   Bố vốn người ở thôn Bến, xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây thuộc ngoại thành Hà Nội.    Sau năm 1975 chính quyền cộng sản Hà Nội đã sát nhập ba thị xã Hà Đông, Sơn Tây và Hoà Bình lại thành một tỉnh lỵ, lấy tên là Hà Sơn Bình.  Sở dĩ con nhớ rất rõ như vậy vì sau khi bố ra đi, con là người thay mặt gia đình mình tháng tháng gởi tiền "mandat" ra ngoài Bắc, phụ giúp với chị Chuộng nuôi bác Cả lúc tuổi già đau yếu cho đến khi bác qua đời ở tuổi 73 vào năm 1987.   Lìa bỏ làng quê năm mới lên tám, thân tự lập thân, học vấn của bố chỉ hết lớp hai.  Nhưng vốn thông minh lại chịu học hỏi nên bố đã thành công rất nhiều ở trường đời.   Lên Hà Nội, bố được học ngoại ngữ Pháp Văn, La Văn với các Cha cố Tây thuộc dòng Thừa Sai.  Tới tuổi thanh niên bố vừa đi làm thêm vừa ghi danh theo học trường Bách Nghệ để trở thành một người thợ sửa máy lành nghề và một tài xế lái xe vận tải hạng nặng.   Xa nhà xa qu
ê từ tấm bé, những gì còn sót lại của làng quê chính là giọng nói còn chút hơi hướm của người làng họ Bến.   Ngôi làng quê ấy con chưa hề đặt chân tới, và chả biết đến cuối đời con có làm nổi một cuộc hành trình hướng về quê cha đất tổ thay cho ước nguyện không thành của bố hay không.  Những hiểu biết về "quê nhà xa lạ" nay đã được gói ghém trong những tấm hình hiếm hoi mà gia đình ta còn giữ được và qua những chia sẻ tâm tình của bác Chuộng khi bác vào nam thăm gia đình mình vào năm 1980.

Bác kể rằng nhà ông nội mình nghèo lắm. Từ nhỏ ông nội được một bà cô lấy chồng khá giả thuộc họ nhà Nguyễn nhận ông về làm con nuôi.  Cô không có con trai nên thương ông nội lắm.  Ông nội có một đời vợ trước.  Bà nội trước của con sanh được hai người con gái, cô Tỉnh và cô Thanh.   Bà qua đời sau đó ít năm.  Vài năm sau đó ông nội tục huyền với bà nội con và có thêm được bốn người con trai là bác Thuỷ (tức bác Cả) sanh năm 1914, bác Luận năm 1918, bác Ngữ 1924, và bố, 1926.  Bác Chuộng hiếm hoi chỉ sanh được một mụn con gái là chị Chuộng.  Tiếng là chị họ ruột nhưng chị chỉ kém bố chừng sáu, bẩy tuổi là cùng.   Người con trai thứ hai, bác Luận, chẳng may mất sớm qua một cơn bạo bệnh.   Hai bác ở với nhau được năm năm, có hai người con gái là chị Nghị và chị Viên.  Chị Nghị giờ cũng đã 76 tuổi, còn chị Viên đã qua đời cách nay 16 năm, khi tuổi chưa đến sáu mươi.   Bác gái goá chồng ở tuổi hăm hai, cái tuổi đương xuân và quá trẻ để được thiên hạ gọi là "bà quả phụ".   Ấy vậy mà bác thủ tiết thờ chồng nuôi
con, theo truyền thống nho học, và triết lý tam tòng tứ đức, giữ điều răn của Chúa là thảo kính cha mẹ.  Tuy không là dâu trưởng nhưng bác vẫn một lòng trung hiếu với cha mẹ chồng cho đến khi ông qua đời và cho đến ngày chia ly từ giã mẹ chồng để lên đường "đi nam" vào mùa thu năm 1954.  Sở dĩ con nhớ nhiều như vậy là vì những năm con còn nhỏ trước 1975 cho đến năm cuối cùng trước ngày lên đường sang Mỹ định cư, bác Nghị gái luôn có mặt vào những dịp giỗ ông nội (26 tháng tư ta) và bà nội (mồng một tây tháng mười một).  Năm ấy bác đã 70, đã có chắt ngoại, nhưng bác vẫn lặn lội đi xe đò, xe lam, xích lô từ Long Khánh đi Sài Gòn.  Tấm lòng hiếu đễ của bác suốt đời con không bao giờ quên.   Riêng bác Ngữ thì sau này vào hội kín và đã bị thực dân Pháp hay Việt Minh thủ tiêu.  Nghe đâu bác đẹp nhất nhà và cũng học cao nhất nhà.  Lần cuối cùng bác về thăm gia đình, bác dặn dò chớ có ai dại dột mà đi lính cho Tây.

Mẹ con thỉnh thoảng vẫn nhắc lại chuyện xưa, khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, đặt những bước chân đầu tiên nơi vùng đất mới đầy xa lạ, bố đã oà khóc và kêu lớn tiếng :"Mẹ ơi!"   Bởi lẽ bố đã linh cảm được rằng bố sẽ chẳng còn gặp lại người mẹ hiền yêu dấu của mình nữa.  Một lần ra đi là vĩnh viễn chia ly.  Mấy tháng sau ngày Việt Cộng chiếm miền Nam, bố nhận được thư của bác Chuộng báo tin bà nội qua đời ngày 1 tháng mười một năm một nghìn chín trăm sáu mươi bẩy.  Tin đến ngay giữa giờ cơm trưa.  Suốt bữa ăn bố im lặng không nói nửa lời, mắt bố đỏ hoe.  Cả nhà biết bố khóc thương bà nội.

Trở về cuộc di tản năm 1954, sau thời gian mấy tháng ở trại tản cư  bố lặn lội một mình đi đến những vùng cao nguyên để tìm đất sống.  Thay vì đưa gia đình đến Bảo Lộc, bố quyết định đi Ban Mê Thuột vào năm 1956.  Người chị thứ tư của con, chị Hiền, đã sanh ra ở thị xã cao nguyên hiền hoà này.   Đây là thời gian sống khá sung túc của gia đình ta với việc làm đầy hứa hẹn của bố ở trại cưa.  Ngôi nhà của mình rất xinh xắn với những giò lan rừng bố mang về trong những dịp đi rừng săn bắn.   Gia đình đang sống yên lành ở Ban Mê Thuột được ba năm.  Sau đó vì một lý do tế nhị mà bố đành dọn nhà, "dinh tê" về Sài Gòn, Lăng Cha Cả, và sau nữa là ngôi nhà lá ở Đắc Lộ, trước khi bố quyết định mua căn nhà lá ở Phú Nhuận, Gia Định là nơi con đã sống sau ngày mở mắt chào đời cho đến ngày rời xa quê hương vào năm 1988.

Từ nhỏ con đã thấy bố không lúc nào chịu ngồi yên.  Lúc nào bố cũng có chuyện để làm.  Khi thì đi lấy hàng cho mẹ, lúc thì sửa máy xe hoặc những đồ dùng gia dụng bị hư.  Điện nước trong nhà một tay bố sửa chữa.   Con vẫn nhớ bố đã lấy gỗ từ chiếc nạng và làm một chiếc bàn tính rất đẹp, trên có viết mấy chữ nho, dịch ra tiếng Việt là "cái bàn tính"!   Tác phẩm của bố được cô giáo chấm hạng nhất, và chị con rất hãnh diện với bạn bè về ông bố khéo tay của mình.   Bố thuận tay trái nên bố cầm búa tay trái. Mọi thứ trong nhà hư bể nhất nhất đều đến tay bố.   Vừa làm bố vừa nghêu ngao những bài hát ca dao hay những bản nhạc tiền chiến và những bản hùng ca thời toàn quốc kháng chiến.  Ngay cả dựng nhà, lợp lá ngôi nhà lá ở Củ Chi, bố cũng tự làm lấy một mình mà không cần thuê thợ phụ.     Cho tới bây giờ con vẫn rất khâm phục năng khiếu ngoại ngữ của bố.  Bố tự học tiếng Anh, lấy thêm cours Nhật Ngữ với GS Kiến Quốc để giao tiếp với doanh gia Nhật Bản.  Bố còn dạy con tiếng Nhật một thời gian.  Bố là người có trí n
hớ dai đặc biệt.   Chuyện xảy ra vào năm nào tháng nào, tên tuổi gốc gác của từng nhân vật liên hệ bố đều nhớ hết.  Và con gái út của bố cũng thừa hưởng được trí nhớ rất ư lợi hại này!   Nhớ lại ngày xưa, khi con hỏi mẹ tại sao mẹ không bằng lòng lấy ông BĐĐ để sau này con được làm con ông tướng.  Mẹ cười hiền, khẽ bảo :"Làm con ông thợ máy được rồi!"  Và bây giờ, khi đã quá nửa đời người, con mới thật sự cảm thấy con rất may mắn được có người bố tài giỏi không từ bằng cấp.  Con rất hãnh diện về bố, bố ơi!

Cuộc sống gia đình mình trước năm 1975 sung túc bao nhiêu thì sau  ngày mất nước lại khốn đốn bấy nhiêu.   Tiền bạc để ngân hàng coi như mất trắng.  Bố bán đổ bán tháo hai chiếc xe du lịch mười mấy chỗ ngồi của gia đình mình.  Mỗi chiếc xe mua vào mấy triệu, bán ra chỉ 500 ngàn.  Của trong nhà đội nón ra đi.  Hôm bán chiếc xe xanh để lấy năm trăm ngàn, bố không khóc nhưng mẹ khóc vì con thấy mắt mẹ đỏ hoe.  Của đi đã đành, đàn chó cũng chịu chung số phận.  Bố sợ giữ trong nhà nhiều chó sẽ bị liệt vào thành phần tư sản mại bản.   Mất con, chó mẹ buồn rầu sinh bệnh.  Mobie chết vào cuối tháng 10/1975.  Nó đến bên bố và chảy nước mắt trước khi ngã xuống tấm lót bao tải.  Mobie là con chó trung thành của bố.  Nhờ nó mà con biết bố sắp về tới nhà, vì Mobie có tài đánh hơi khi bố đang còn cách nhà cả nửa cây số.  Chỉ cần thấy nó chạy xồng xộc từ nhà dưới lên nhà trên, và dừng lại trước cửa vẫy đuôi liên tục là con biết bố sắp về tới.  Mobie thích đớp khói thuốc của chủ, nó chỉ ngoan ngoãn tuân phục một mình bố. 
Từ khi nhà mình nuôi chó đến nay con chưa thấy con chó nào khôn ngoan như nó.  Mobie là quân khuyển, đã được huấn luyện kỹ càng nên dù không còn phục vụ trong quân đội (!) nó vẫn giữ tinh thần quân kỷ và rất tức giận khi anh chị con chọc phá cười nhạo nó.

Bố xoay xở đủ nghề để nuôi chúng con.  Cộng sản đe dọa đẩy người dân Sài Gòn đi "kinh tế mới" để chiếm đoạt nhà cửa cho gia đình chúng.   Vì nỗi sợ này mà bố mua sẵn một miếng vườn ở Củ Chi cho mẹ con có chỗ nương thân phòng khi Việt Cộng giở quẻ.  Bố không ngại bất cứ công việc gì, miễn là có tiền nuôi chúng con.  Từ ráp xe đạp, sửa xe, cuốc đất trồng khoai sắn, chăn nuôi gà vịt.  Và sau cùng bố mở quán café trước khi ông tổ trưởng tổ 28 đi vượt biên "tìm đường cứu nước".

Tạ ơn Chúa, chuyến đi cuối cùng của bố đã đến bến bình an.  Chúng con nhận được điện tín của bố vào ngay ngày lễ truyền tin năm 1981, qua bức điện tín của bác Đắc, hàng xóm cũ của nhà mình.  Bức điện với hàng chữ ngắn ngủi :"Ba Hậu đã tới Thái-lan bình an." Chiều hôm ấy con đi lễ tạ ơn Chúa - Mẹ với lòng hân hoan trong niềm vui lời cầu nguyện đã được Chúa nhận lời.

Nhờ những thùng quà tiếp tế rất đều đặn của bố (hầu như là mỗi tháng một lần) mẹ con, bà cháu không phải lo lắng nữa về cái ăn cái mặc trong khi đa số dân chúng Sài Gòn và cả nước vẫn chưa ra khỏi tình trạng đói kém triền miên.   Con ngây thơ nào biết bố đã phải nhịn ăn nhịn mặc, hết sức tiết kiệm để có được số tiền gom góp mua hàng hoá gởi về cho mẹ bán lấy tiền nuôi cháu con.  Nếu chưa từng sống ở xứ người và trải qua từng giai đoạn khó khăn vất vả, chắc con sẽ chẳng nhận biết được sự hy sinh cao cả và tình phụ tử bao la của bố dành cho chúng con.

Số bố mẹ hầm hiu chẳng cậy nhờ được con cái là bao.  Con lớn lên, lập gia đình và lãnh nhận thiên chức làm mẹ.  Con phải lo phục tùng chồng, và nuôi dạy các con và đã nghiễm nhiên đặt vai trò đó lên hàng ưu tiên của trách nhiệm.  Con đã không làm tròn chữ hiếu với bố mẹ là lo cho bố mẹ được một nơi ở xứng đáng trong lúc tuổi già như những hứa hẹn từ thuở xa xưa.   Giọt nước mắt luôn chảy xuống và cuộc đời không thiếu những nỗi buồn.  Con mang món nợ đồng lần và cảm thấy bất lực trong ngày bác sĩ ký quyết định chuyển bố vào viện dưỡng lão hồi cuối tháng ba năm 2012.   Con biết bố không bao giờ muốn vào nơi ấy, bố chỉ muốn về nhà và sống quãng đời bình thường còn lại bên mẹ hiền của chúng con, để cuối tuần còn được con cháu đến thăm, cảm thấy tuổi già bố được sưởi ấm.  Nhưng đáng buồn thay bố đã bị liệt, hoàn cảnh không cho phép để bố sống một cuộc sống bình thường như bố hằng mong ước.  Con xin bố hiểu và tha thứ cho sự bất lực của chúng con.

Hôm nay là ngày lễ Từ Phụ, khắp nơi toàn quốc Hoa Kỳ mừng kính và vinh danh những người cha đã có công sinh thành, dưỡng dục con cái.   Con xin thay mặt các anh chị của con gửi đến bố lời cầu chúc chân thành yêu thương đến bố.  Xin Chúa là Cha Toàn Năng, hiền phụ của muôn loài, tuôn đổ muôn ơn lành hồn xác cho bố của con, để bố mạnh mẽ vượt qua những thử thách của đời này trong một tinh thần liên kết với Chúa là chân lý, là tình yêu, là sự sống đời đời.   Xin Chúa gìn giữ thể xác và linh hồn của bố con trong máu cực thánh châu báu của Ngài.  Lạy Mẹ Maria, hiền thê của Chúa Thánh Thần và cũng là Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa.  Xin Mẹ bảo vệ che chở bố con tới hơi thở cuối cùng trong chiếc áo choàng tinh khiết của Mẹ.  Mẹ hứa không bỏ rơi những ai đeo cỗ áo Đức Bà bên mình trong giờ sau hết của họ.  Bố được đeo áo Đức Bà, vẫn nhớ đọc kinh Kính Mừng mỗi ngày và bố rất thích nghe những bài hát ca tụng Đức Mẹ.

Xin Cha trên trời và Mẹ Thiên Đàng xót thương hiền phụ trần gian của chúng con, ông Giuse Nguyễn Văn Ngôn.

Như Mai
19/6/2016

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Sói (6/22/2016)
Tinh Thần Túc Cầu (6/21/2016)
Màu Chiều (6/21/2016)
Đời Người Tựa Như Một Giấc Mộng (6/21/2016)
Hạt Đời (6/20/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Ngày Của Cha (6/19/2016)
Sống Lương Thiện (6/19/2016)
Cha Tôi (6/19/2016)
Hiền Phụ Giêsu (6/19/2016)
Tin/Bài khác
Đối Tính (6/18/2016)
Nhớ Cha (6/18/2016)
Thuyền Đời (6/18/2016)
Đặt (6/17/2016)
Vác (6/17/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768