MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: góc trời thương yêu
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Thư Gửi Mẹ
Chủ Nhật, Ngày 10 tháng 5-2015

Mẹ ơi,
 
Con rước Chúa mỗi ngày, nhưng con có là ‘nhà tạm’ cho Chúa ngự đâu! Con chạy đi tìm thế gian chứ không đi tìm Chúa. Buồn thay, Chúa chỉ được “tạm trú” trong linh hồn con thoáng chốc khi rước lễ thôi, sau đó là chỗ “thường trú” của tiền tài danh vọng địa vị chức tước quyền lực.

Con nghe lời Chúa than thở với chị Faustina: “Cha khát khao được kết hợp với các linh hồn; niềm vui sướng lớn lao của Cha là được kết hợp với các linh hồn. Con hãy biết khi đến với một linh hồn lúc hiệp lễ, tay Cha đầy ắp mọi ân sủng Cha muốn trao tặng cho linh hồn ấy. Nhưng các linh hồn không màng đến Cha. Họ để Cha lủi thủi một mình vì bận rộn những chuyện khác. Ôi, Cha buồn sầu biết bao vì các linh hồn không nhận ra tình yêu! Họ xử với Cha như một vật vô hồn” (NK, 1385).

Trong khi con xử tệ với Chúa như vậy thì Faustina xác tín: “Tất cả sức mạnh của tôi đều bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể. Tôi dùng mọi giờ phút rảnh rỗi để tâm sự với Người. Người là tôn sư của tôi” (NK, 1404).
 
Phần con, trong đời mục vụ, những lúc rảnh rỗi con dùng thời giờ làm gì ? Đi câu, đi săn, đi nhậu, đi coi xe, coi đất, coi phim, ngồi lê đôi mách, xăm soi chuyện người khác rồi sinh ra bao nhiêu chuyện, vì ‘nhàn cư vi bất thiện’ ! Thậm chí có khi rảnh quá đến nỗi ‘không biết làm gì’ !

Cuộc sống dâng hiến như thế thật vô vị và vô nghĩa. Điểm dừng chân thường xuyên của con là các nhà giầu, các đại gia, biệt thự nguy nga hoành tráng với yến tiệc linh đình chứ đâu phải ‘nhà tạm’, đâu phải nhà tranh vách đất, hay những khu nhà ổ chuột. Cánh cửa đầu tiên con mở khi đi về là cửa nhà bếp, cửa tủ lạnh, chứ đâu phải cửa nhà nguyện, nhà tạm !
 
Muốn nói về Đức Mẹ Thánh Thể, kêu cầu Đức Mẹ Thánh Thể thì cuộc sống của con phải bén rễ nơi Thánh Thể. Con mong ước mình có thể nói như thánh Ignatiô: ‘Đức Giêsu trong Nhà Tạm là Thiên Chúa, và là tất cả của tôi ! Người là thiên đàng dưới thế của tôi’.

Hoặc như thánh Phanxicô Xaviê, sau một ngày làm việc cho phần rỗi các linh hồn thường dùng cả đêm cầu nguyện trước Thánh Thể. Khi không vượt qua được giấc ngủ, thánh nhân đã thả mình ở bậc bàn thờ nghỉ một chút rồi lại bắt đầu lại cuộc chuyện vãn với Chúa. Thánh Phanxicô Regis cũng như thế.

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, thánh nhân cho phép mình được nghỉ một lát trước Nhà Tạm. Nếu nhà thờ đã đóng cửa, ngài sẽ quỳ trước cửa nhà thờ. Thánh Ignatiô và thánh Stalislaô Kostka dành mọi giờ rảnh trước Nhà Tạm. Trong những lần thăm người nghèo khổ, thánh Vincent de Paul đã ghé vào mọi nhà thờ dọc đường, nhỡ khi nhà thờ đóng cửa, ngài làm các việc đạo đức ngay bên ngoài cửa. Mỗi khi về thành phố, thánh Leonard of Port Maurice và thánh Benedicy Labre trực chỉ đầu tiên tới một nhà thờ có lưu giữ Thánh Thể.
 
Con yêu quý một người bạn nào đó vì những phẩm chất và các đức tính tốt của bạn ấy, nếu người ấy càng thân thiết và quảng đại với con thì con càng yêu người ấy. Vậy tại sao Chúa thân thiết và quảng đại với con như thế, Chúa yêu thương con như thế, mà con thường chối từ tình yêu đó ?
 
Buồn vì sự bội bạc của con người đối với tình yêu Chúa, thánh Phanxicô Assisi, thánh Têrêsa Avila, thánh Mary Magdalen Pazzi và các thánh khác phải khóc lên vì đau đớn và kêu lên : ‘Ôi, Tình yêu không được yêu ! Tình yêu không được yêu !’
 
Con nghe thánh Alphonsô nói: ‘Một linh hồn dành chút thời gian hồi tâm sốt sắng trước Thánh Thể sẽ nhận được sự an ủi của Chúa lớn hơn mọi niềm vui thế gian có thể ban tặng. Đức Giêsu trong Thánh Thể là nguồn của mọi sự thiện’.
 
Còn cha thánh Vianey thì quả quyết: “Hiện nay, hỡi các con nhỏ của ta, khi ta giữ Chúa trên đôi bàn tay là lúc Người ban phúc cho ta. Hãy xin Người mở đôi mắt tâm hồn của các con và nói như người mù thành Jêrichô rằng: ‘Lạy Chúa, xin cho tôi nhìn thấy!’ Nếu kêu cầu chân thành, các con sẽ nhận được điều mình mong ước, bởi Người chỉ mong hạnh phúc cho các con. Bàn tay của Người tràn đầy ân sủng đang tìm ai đó để ban phát, nhưng than ơi chẳng  có được ai! Ôi sự dửng dưng và vô ơn ! Hỡi các con của ta, chúng ta thật vô phúc nếu không hiểu được những điều này. Chúng ta sẽ hiểu rõ vào một ngày nào đó, nhưng nếu vậy thì quá trễ mất rồi.”
 
Trong cuốn sách nhỏ có tựa đề : Quỳ gối trước Thánh Thể, tác giả Gaumes kể lại câu chuyện một người Tin Lành trở lại Công Giáo nhờ tấm gương yêu mến kính trọng Thánh Thể của một giám mục Công Giáo.
 
‘Đức giám mục Mermillod, một tông đồ thánh thiện và có tài hùng biện. Ngài kể lại khi còn là đại diện tại Geneva, ngài đã làm cho một người Tin Lành trở lại mà không hay biết do việc quỳ gối cách kính cẩn trước Thánh Thể.
 
‘Vị giám mục ấy có thói quen viếng Thánh Thể vào mỗi tối để chăm sóc đèn chầu và xem cửa nhà thờ đã gài kỹ chưa, cũng như có còn ai ẩn nấp trong nhà thờ chăng, vì ngài sợ kẻ trộm phạm thánh. Khi đã xem xét cẩn thận mọi thứ, ngài quỳ tại bậc bàn thờ một lát, sau đó cung kính bái gối và hôn đất như biểu hiện cung kính sâu thẳm trước Thánh Thể rồi ra về.
 
‘Một tối nọ, tin rằng chỉ còn một mình trong nhà thờ, ngài kết thúc việc đạo đức của mình như thường lệ. Vừa nhấc gối lên, ngài nghe thấy một tiếng động. Đột nhiên cửa tòa giải tội mở ra và một phụ nữ có cung cách đoan trang bước ra. Mermillod liền hỏi: ‘Này bà, bà làm gì ở đây vào giờ này?’
 
Bà trả lời: ‘Tôi là một người Tin Lành. Tôi đã tham dự các buổi chia sẻ của ngài nói về sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Các luận chứng của ngài đã thuyết phục tôi về chân lý của học thuyết này. Xin lỗi ngài, chỉ còn lại một nghi ngờ là không biết chính ngài có tin điều mình giảng hay không. Tôi muốn được nhìn xem khi ở một mình, ngài có cư xử trước Thánh Thể như một người tin thực sự hay không. Tôi sẽ quyết định trở lại Đạo nếu tư cách đạo đức của ngài đi đôi với lời của ngài. Tôi đã đến, đã thấy và tôi tin’.
 
‘Người phụ nữ này sau đó đã trở thành một tín hữu Công Giáo rất nhiệt thành ở Geneva.’
 
Giảng điều mình tin và sống điều mình giảng. Con có làm như vậy không ? Hay những điều con giảng chỉ là một mớ lý thuyết không hồn, những bài viết sẵn trên web được đọc lại y chang với cung điệu nhấn nhá như thử là của mình. Đọc mà không hiểu mình đọc gì thì làm sao truyền đạt cho người nghe? Giảng mà chính mình không xác tín thì làm sao thuyết phục thính giả ? Khó nhất vẫn là sống điều mình giảng. Người phụ nữ ấy trở lại Đạo vì thấy tư cách đạo đức đi đôi với lời người giảng, trong khi có nhiều người tín hữu ngày nay bỏ Đạo vì thấy tư cách đạo đức của con đi ngược lại với lời con rao giảng. Con giảng về Thánh Thể, cung nghinh Thánh Thể, Chầu Thánh Thể, cử hành Thánh Thể mà không sống Thánh Thể, không yêu thương hiệp nhất với nhau, không tha thứ đón nhận nhau, thậm chí muốn loại trừ nhau, thì còn có nghĩa gì không ? Làm như thế là con chuốc lấy án phạt cho chình mình !
 
Mẹ ơi,
 
Thánh Phêrô Giulianô Eymard, tổ phụ Dòng Thánh Thể, khuyến khích con đi theo Mẹ đến phòng Tiệc Ly để cầu nguyện với Thánh Thể. Ở đó, con có thể “suy nghĩ bằng tư tưởng của Mẹ, nói bằng những lời yêu thương của Mẹ, noi theo cách thức sống của Mẹ, thực hiện những hành động của Mẹ, chia sẻ những nỗi đau khổ của Mẹ”. Khi con làm được như thế thì toàn bộ điều này sẽ nói lên cho con về Đức Giêsu, và con sẽ đi đến chỗ nhận biết Chúa hơn, nhờ trái tim của Mẹ. Trong cuộc đời Mẹ, con tìm được gương mẫu và niềm an ủi cho cuộc đời mình. Khi cùng với Mẹ quỳ gối trước Nhà Tạm, con sẽ tiếp tục đời sống Thánh Thể của Mẹ trên trần thế. Không gì có thể làm cho Đức Giêsu hạnh phúc hơn là nhận thấy nơi chính bản thân con, hình ảnh Mẹ yêu dấu của Chúa. Và cũng không gì làm cho Mẹ hạnh phúc hơn là thấy nơi chính bản thân con, hình ảnh Con yêu dấu của Mẹ!
 
Cha thánh Eymard kêu cầu: “Ôi! Lạy Đức Maria! Xin dạy cho chúng con đời sống thờ phượng! Xin dạy chúng con nhận thấy giống như Mẹ, tất cả các mầu nhiệm và các ân huệ trong Thánh Thể; hầu chúng con sống lại những câu chuyện Tin Mừng, và đọc lại Tin Mừng dưới ánh sáng đời sống Thánh Thể của Đức Giêsu. Ôi! Lạy Đức Mẹ của Bí Tích Cực Thánh, xin hãy nhớ Mẹ là Mẹ của tất cả những người thờ phượng Thánh Thể” (Thánh Phêrô Julianô Eymard, Đức Mẹ của Bí Tích Cực Thánh).
 
“Trong đời chúng ta, tất cả phải là tôn thờ. Giờ Chầu-Cầu Nguyện phải kéo dài trong Giờ Chầu-Cuộc Sống. Lúc nào tôi cũng có thể thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Mọi hành động của tôi đều có thể là tôn thờ. Không ai có thể tách lìa tôi ra khỏi Giêsu Kitô. Không ai có thể lấy mất Giêsu Kitô của tôi” (Linh Đạo của cha Thánh Phêrô Giulianô Eymard. Rôma, 1956, tr. 380).
 
Là con cái của cha Thánh Eymard nhưng con chưa thấm nhuần được bài học này. ‘Giờ Chầu-Cầu Nguyện’ của con chỉ đóng khung trong nhà thờ, nhà nguyện mà không kéo dài trong ‘Giờ Chầu-Cuộc Sống’. Thế cho nên ‘cuộc sống trần thế’ của con chẳng mang đậm nét ‘cuộc sống Thánh Thể’. Con hay nói về ‘sứ vụ Thánh Thể’ mà thực ra con chẳng hiểu sứ vụ đó là như thế nào và thực hiện ra sao.
 
Biệt tính đặc thù của các tu sĩ Thánh Thể nằm ở điểm này: “Đời hoạt động của Tu Sĩ Dòng Thánh Thể nhằm mục đích là làm cho Chúa chúng ta trong Thánh Thể được phụng sự hết mức và vương quyền của Người được rộng mở cùng khắp: mọi người phải nhận biết, yêu mến và phục vụ Người. Bất cứ phương thức nào mà lòng nhiệt thành thuần tuý và vô vị lợi của chúng ta có thể sáng nghĩ ra, chúng ta cũng phải tận tình tận sức mà vận dụng để đạt mục đích này.” (Linh Đạo của cha thánh Phêrô Giulianô Eymard. Rôma, 1956, tr 390).
 
Theo lời dạy của cha thánh Tổ Phụ thì mọi tu sĩ Thánh Thể phải hết lòng dốc sức vận dụng ‘bất cứ phương thức nào mà lòng nhiệt thành thuần tuý và vô vị lợi của chúng ta có thể sáng nghĩ ra’ để đạt mục đích là làm cho mọi người nhận biết, yêu mến và phục vụ Chúa nơi Thánh Thể. Cha tổ phụ đâu có giới hạn hoạt động tông đồ của tu sĩ Dòng Thánh Thể trong lãnh vực nào, cũng đâu cấm sử dụng phương thức nào. Như thế việc loan truyền lòng thương xót Chúa được biểu lộ nơi Thánh Thể và dấn thân thực hành lòng thương xót quả đúng là sứ vụ Thánh Thể mà con phải thực hiện, đúng không Mẹ?
 
Người ta bảo “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”, thế nhưng cách suy nghĩ, nói năng, hành động của con chẳng giống Mẹ chút nào, cũng chẳng theo linh đạo của cha thánh Eymard nữa. Như vậy con có thực là con của Mẹ không? Con có còn là con cái của cha thánh tổ phụ Dòng Thánh Thể nữa không ?
 
Chính ĐTC Gioan Phaolô II trong thông điệp về Thánh Thể Ecclesia de Eucharistia cũng nhấn mạnh đến việc cần phải thay đổi cách thức thờ phượng:  “Cách thờ phượng của Đức Maria không theo sáo mòn. Suốt một thời gian, Mẹ thờ phượng Người trong cung lòng mình; lúc khác, Mẹ thờ phượng như một người nghèo nàn và thấp hèn tại Bêlem; lúc khác nữa, Mẹ lại thờ phượng trong khi lao động tại Nagiarét; và sau này, Mẹ thờ phượng như người truyền bá Phúc Âm trên đất nước và hoán cải các tội nhân. Cách thờ phượng của Đức Maria luôn luôn theo kịp những tình cảm nơi Người Con Thần Thánh của Mẹ, rõ ràng đã được mặc khải cho Mẹ. Tình yêu của Mẹ làm cho Mẹ hoàn toàn phù hợp với Đức Giêsu trong tư tưởng và đời sống.
 
“Đối với anh em, những người thờ phượng, chúng tôi xin nói: ‘Anh em hãy luôn luôn thờ phượng Đức Giêsu, nhưng hãy thay đổi cách thức thờ phượng, như Đức Trinh Nữ Rất Thánh đã làm. Anh em hãy ghi nhớ trong tâm trí mình tất cả các mầu nhiệm nào của đạo liên quan đến Thánh Thể, nhằm tránh được lối mòn. Nếu lòng yêu mến của anh em không được nuôi dưỡng bằng một hình thức đạo đức mới, một tư tưởng mới, thì anh em sẽ trở nên ngớ ngẩn trong việc cầu nguyện.”
 
Mẹ dấu yêu của con,
 
Con đọc thấy trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia, ĐTC Gioan Phaolô II nói về lời kinh Magnificat của Mẹ trong tương quan với Thánh Thể:
 
“Khi Mẹ thốt lên ‘Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi’, thì Mẹ đã mang Đức Giêsu trong cung lòng mình. Mẹ ngợi khen Thiên Chúa ‘thông qua’ Đức Giêsu, nhưng Mẹ cũng ngợi khen Thiên Chúa ‘trong’ Đức Giêsu và ‘cùng với’ Đức Giêsu. Tự thân việc này là ‘thái độ Thánh Thể’ đích thực. Đồng thời, Mẹ còn gợi lên những việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cứu độ, khi kiện toàn lời hứa mà Người đã từng thực hiện với cha ông (Lc 1,55), và công bố điều kỳ diệu trội vượt trên mọi điều kỳ diệu, đó là việc nhập thể cứu độ”.
 
“Lời kinh ấy còn phản ánh áp lực cánh chung của Thánh Thể. Mỗi khi Con Thiên Chúa đến với chúng con trong sự ‘nghèo nàn’ của những dấu chỉ mang tính cách bí tích của bánh và rượu, thì những hạt giống của lịch sử mới đều được bén rễ sâu, trong đó, người quyền thế bị ‘hạ bệ’, và những ‘kẻ khiêm nhường được nâng cao’ (Lc 1,52). Kinh Magnificat diễn tả linh đạo của Mẹ, và không gì cao cả hơn linh đạo này, qua việc giúp chúng con trải nghiệm được mầu nhiệm Thánh Thể. Thánh Thể đã được ban cho chúng con, để rồi giống như cuộc đời của Mẹ, cuộc đời chúng con hoàn toàn có thể trở thành một Kinh Magnificat”!
 
Cuộc sống với nhiều khó khăn thử thách làm con dễ thành người ưa càm ràm than thân trách phận thay vì ngợi khen ‘Chúa đã làm cho con những điều kỳ diệu’ như Mẹ hằng chúc tụng Chúa trong lời kinh Magnificat. Con ngại khó, sợ khổ, không dám hy sinh, không muốn cho đi, thì làm sao mà ‘sống Thánh Thể’ được. Con hay suy ngắm sự ‘thương khó’ rồi dừng lại ở đó để trở thành con người ‘khó thương’ !
 
Linh hồn càng có tình yêu Thánh Thể ngự trị thì càng sẵn sàng đón nhận hy sinh, vì biết nhìn đến góc cạnh vinh quang của nó. Con đọc trong một lá thư linh hướng đề ngày 10-10-1867 (chỉ 10 tháng trước khi qua đời), cha Thánh Phêrô Giulianô Eymard đã viết những dòng đáng trân trọng này: “Được lắm, con có thể suy niệm sự thương khó Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, nhưng đừng chiêm ngắm như mẫu mực hy sinh đền tội, mà đúng hơn, hãy chiêm niệm ở đây một bằng chứng của tình yêu Người dành cho con và cho tất cả chúng ta. Thập giá không thể tách rời cuộc sống này. Để cho cây thập giá mất đi vẻ xù xì ghê sợ của nó, tình yêu Đức Giêsu đã gắn những đoá hoa Thiên Đàng để trang điểm cho nó.” (Thư Eymard, tập IV, tr. 212).
 
Thánh thi của Byzantine, thế kỷ V mời gọi con tung hô Mẹ: “Ôi lạy Mẹ Thiên Chúa cao cả, trong khi chúng con ca ngợi Người Con Thần Thánh của Mẹ, chúng con ngợi khen Mẹ như đền thờ sống động của Người. Chúa đầy quyền năng đã đến ngự trong cung lòng Mẹ, thánh hóa, tôn vinh và dạy cho tất cả mọi người kêu lên Mẹ: Mừng vui lên, hỡi Nhà Tạm của Ngôi Lời Thiên Chúa! Mừng vui lên, hỡi người phá hủy tất cả những kẻ tấn công chúng con! Mừng vui lên, hỡi Đấng chữa lành tâm trí và cơ thể! Mừng vui lên, hỡi ơn cứu độ của các linh hồn!”
 
Những người con của Mẹ, con của Chúa Giêsu Thánh Thể phải là chứng nhân của niềm vui, bình an, phục vụ trong hân hoan, và nhất là chứng nhân của lòng thương xót trong thời đại này.
 
Quả là Thiên Chúa mong muốn con hân hoan đón nhận muôn phúc lành mà Người đã mạc khải rõ ràng và tuyệt vời cho thánh Mechtilde. Một lần, khi thắng được nỗi sợ đến trước mặt Chúa, sợ bất xứng với ân thánh, thì bà nghe thấy tiếng Cha trên trời phán: ‘Hãy tới với Mẹ của Con Thiên Chúa, xin Mẹ ban Hài Nhi có mọi kho tàng của Ta để lãnh nhận ơn cứu độ’.
 
Thánh nhân thấy Chúa Hài Nhi được cuốn khăn nằm trong máng cỏ cùng tiếng nói:
 
‘Này đây, khi Ta vào thế giới, Mẹ đã bọc tấm tã bao quanh để Ta không xê dịch được bằng tay chân. Đó cũng là cách Cha Trên Trời muốn: Hãy tới gần, hãy ôm lấy những kho tàng từ Trời mà Chúa Con ngay thuở mới sinh đem đến, đang có tay chân bị bó chặt, đâu bảo vệ được gì !
 
‘Lại nữa, trong giờ chết, Ta bỏ lại thế gian. Những kẻ bách hại dùng đinh sắt đóng chân tay Ta vào thập giá. Cha Ta dường như cũng nói: Hãy tới gần gom lấy hết những kho tàng ân sủng của Chúa Con trao ban nhờ sự sống, thương khó và sự chết của Người. Tất cả những ai bị đóng đinh chân tay vào thập giá đâu thể ngăn nổi người khác tước mất tài sản của mình !
 
‘Chính trong Thánh Thể, Ta gói trọn những ân huệ của cuộc sống tại thế, thương khó và sự chết. Đó là tất cả tài sản trên trời, dưới thế của Ta. Bởi thế, nhân loại có thể tin tưởng chạy đến lấy đi mọi sự của Ta. Ta ước muốn mọi người biết sử dụng kho tàng này cho phần rỗi của mình.’
 
Ước chi con người có thể hiểu được ngôn từ này của trời cao, Mẹ nhỉ !
 
Con xin hiệp ý với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Huấn dụ Tông đồ Giáo dân Christifidelis, ngày 30 tháng 12, 1988 kêu xin Mẹ:
 
“Ôi! Lạy Đức Trinh Nữ đầy can đảm, xin cho sức mạnh thiêng liêng và niềm tín thác của Mẹ nơi Thiên Chúa truyền cảm hứng cho chúng con, hầu chúng con biết cách khắc phục tất cả những trở ngại gặp phải trong việc thực hiện sứ mạng của chúng con! Xin dạy chúng con cách xử lý những công việc trần thế, với một ý thức thực sự về trách nhiệm Kitô hữu, và với một niềm hy vọng vui tươi về Nước Thiên Chúa đang đến và về một ‘trời mới đất mới’.
 
“Ôi lạy Mẹ Đồng Trinh, xin hướng dẫn và nâng đỡ chúng con, hầu chúng con có thể luôn luôn sống như những con cái đích thực trong Giáo Hội của Con Mẹ. Xin tạo khả năng cho chúng con thiết lập nền văn minh tình yêu và chân lý trên trái đất, như Thiên Chúa muốn, vì vinh quang của Người. Amen”
 
 
TRICH Lm TRAN D LONG DTT
 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Suốt Đêm Trường, Hồn Con Khao Khát Chúa! (5/17/2015)
“bởi Vì Tấm Vải Che Tử Thi Không Có Túi.” (5/15/2015)
Hãy Gìn Giữ Sức Khoẻ Tâm Thân (5/15/2015)
Đừng Vội Kết Án (5/14/2015)
Chớ Đợi Đến Giờ Lâm Chung Mới Ăn Ở Liêm Chính! (5/14/2015)
Tin/Bài cùng ngày
10 Tháng Năm, Bàn Tay Phải Của Chúa Giêsu (5/10/2015)
Tôi Xin Chấp Nhận (5/10/2015)
Tin/Bài khác
Màu Tháng Năm (5/8/2015)
Phép Lạ Của Tình Yêu, Lm Mark Link (5/6/2015)
Xin Dâng Cho Mẹ Các Việc Làm Và Mọi Sự Thuộc Về Con (5/6/2015)
Trầm Tư Lục Bát (5/6/2015)
Thở (5/3/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768