MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: sách online
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chuyện Người Hành Hương (1)
Thứ Bảy, Ngày 13 tháng 7-2013

Chuyện Người Hành Hương

Nguyên tác: Một Kitô hữu Nga

Biên dịch: Nguyễn Ước
Nxb Nguồn Sống, Paris - toronto - los angeles

Lời nói đầu

Đây là một tác phẩm lâu đời, đầy bí nhiệm, dạt dào tình yêu thương và hết sức lôi cuốn. Nội dung là lời kể chuyện khiêm tốn của một Kitô hữu Nga với cha linh hướng của mình về cầu nguyện và chiêm nghiệm. Trọng điểm là cách thế tu tập qua tâm trí, đến tâm hồn vào sâu trong tâm linh hiệp nhất với Thiên Chúa.

Ban đầu, bản thảo cuốn này tới tay một đan sĩ Núi Athos (Hilạp) rồi được một đan viện trưởng nhà dòng Thánh Micae ở Kazan, Nga, chép lại và sau đó cho in thành sách năm 1884. Từ bấy đến nay, sách được xem là một một đóng góp vô giá vào việc sống đạo, vì tình yêu thương Thiên Chúa và sự cứu rỗi linh hồn. Tại Việt nam, sách được đề cập tới trong vài tài liệu tôn giáo và giáo trình ở tu viện và chủng viện, nhưng chưa lưu hành rộng rãi bản tiếng Việt nào.

Câu chuyện bắt đầu với chỉ thị từ Tân Ước rằng Kitô hữu phải làm điều trước hết và trên hết là cầu nguyện không ngừng, mọi nơi, mọi lúc và còn phải cầu nguyện cho nhau. Nhưng lý do và ý nghĩa của việc cầu nguyện đó ra sao. Làm cách nào thực hiện việc cầu nguyện đó giữa cuộc sống lao động và hợp quần trong thời đại ngày nay. Và nếu mệnh lệnh ấy quả thật không thi hành được thì nó đã không xuất phát từ Kinh Thánh. Câu trả lời sẽ từ từ hiện ra theo từng chữ mà người giáo dân Nga này chân thành viết lại.

Cuốn sách đầy ắp những ghi chép mộc mạc, tỉ mỉ và tuần tự theo bước chân của người hành hương lang thang khắp nước Nga và Tây bá lợi á để trong khi thăm viếng các tu viện và các đền thánh, được sống ở những nơi vắng vẻ mà học tập và 'cầu nguyện không ngừng'. Xen kẽ các tường thuật về những nếm trải của bản thân, hành giả còn kể lại các chứng nghiệm và ý kiến của những kẻ từng ngã lòng trông cậy và các bậc hiền giả một đời dày công tu tập.

Xuôi dòng chuyện kể của tác giả, ta cơ hồ được nếm mùi vị cuộc sống hân hoan trong ơn sủng vô ngần của Thiên Chúa xuống cho người hiệp thông với Ngài và yêu thương người bên cạnh. Ta còn được làm quen với truyền thống chiêm nghiệm tịch lặng, người Kitô hữu Nga chân chất, những Giáo phụ thánh thiện và các đan sĩ đạo hạnh... Đặc biệt, hình ảnh nổi bật là Giáo hội Đông phương, nơi có truyền thống tâm linh phong phú, cao nhã, tuyệt vời và những gương phước đạo hạnh sâu xa... Đồng thời, ta còn có cơ hội tuân phục ý chỉ của Thánh Công Đồng Vatican II: "Mọi người đều biết rằng: thông hiểu, kính trọng, giữ gìn và phát triển di sản phụng vụ và tu đức rất phong phú của các tín hữu đông phương là việc tối quan trọng để trung thành bảo toàn truyền thống Kitô giáo và để thực hiện sự giao hòa các Kitô hữu Đông phương và Tây phương." (Sắc Lệnh Về Hiệp Nhất, số 15).

Nhan đề của cuốn 'Chuyện Người Hành Hương' này trong nguyên tác tiếng Nga có nghĩa là 'Chuyện Kể Chân Thật Của Một Người Hành Hương Cho Cha Linh Hướng Của Mình'. Các sự kiện kể trong sách xảy ra trước cuộc giải phóng nông nô tại Nga năm 1861 và trong cuộc chiến tranh Crimea năm 1853. Bản dịch tiếng Pháp là 'Les Récits d'un Pèlerin Russe' (Những Chuyện Kể Của Một Khách Hành Hương Người Nga) và nhiều bản dịch tiếng Anh, trong đó nổi tiếng là'The Way of a Pilgrim and The Pilgrim Continues His Way' (Con Đường Của Người Hành Hương và Người Hành Hương Tiếp Tục Con Đường Mình) của Helene Bacovsin và một bản cùng tên do R.M. French dịch với lời dẫn nhập của Huston Smith, một hành giả và học giả nổi tiếng về các tác phẩm tôn giáo đối chiếu. Trong bản tiếng Việt này, chúng tôi có soạn thêm phần Phụ Lục, chỉ để làm rõ nghĩa hơn một số từ vựng và cung cấp vắn tắt tiểu sử các Giáo phụ và các nhà văn có tên trong sách.

Toronto, Canada  N.Ư.
Mùa Giáng sinh

Chương một

Nhờ ơn sủng vô biên của Thiên Chúa, con được làm Kitô hữu, qua hành động của một kẻ vô cùng tội lỗi và bởi lời gọi làm người thuộc dòng dõi hèn mọn nhất, lang thang không nhà, rong ruổi nơi này nơi nọ. Của cải trần gian của con là chiếc ba lô đựng ít bánh mì khô đeo trên lưng và cuốn Kinh Thánh trong túi áo trước ngực. Và chỉ có vậy thôi.

Hôm đó, ngày Chúa nhật thứ hai mươi bốn sau lễ Hiện Xuống, con tới nhà thờ, và trong thánh lễ, con dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của mình. Thư Thứ Nhất của Thánh Tông đồ Phaolô gởi tín hữu Thêxalônica được đọc lên và trong những lời ấy con nghe có câu:

"Hãy cầu nguyện không ngừng".

Hơn bất cứ bài đọc nào khác, bài đọc Sách Thánh ấy xâm chiếm tâm trí con. Con bắt đầu ngẩm nghĩ là làm sao có thể cầu nguyện không ngừng vì con người còn phải lo toan nhiều vấn đề trong cuộc sống. Con nhìn vào cuốn Kinh Thánh và tận mắt mình thấy lời vừa nghe. Và lời ấy có ý nghĩa rằng: chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện, trong mọi lúc và khắp mọi nơi, đưa cao tay mình lên mà cầu nguyện. Con nghĩ tới nghĩ lui mãi nhưng không hiểu ra manh mối của câu ấy. Con thầm nhủ:

- Mình phải làm sao đây? Biết tìm đâu ra người giải thích cho mình câu Kinh Thánh đó? Mình sẽ đi tới bất cứ nhà thờ nào mà người ta đồn rằng ở đó có người rao giảng nổi tiếng, có lẽ mình sẽ được nghe đôi điều rọi sáng câu ấy cho mình.

Nghĩ ra sao là làm ngay như vậy. Con đã nghe một số bài giảng rất thanh cao về sự cầu nguyện - cầu nguyện là gì, chúng ta cần cầu nguyện biết bao và cầu nguyện sinh hoa kết quả ra sao - nhưng không có vị nào nói rõ cách ta nên cầu nguyện như thế nào cho có kết quả. Con đã nghe một bài giảng về cầu nguyện có tính cách tâm linh và cầu nguyện không ngừng, nhưng bài ấy vẫn không vạch ra được là ta phải cầu nguyện theo cách nào.

Như thế, việc lắng nghe các bài giảng vừa không đem lại cho con điều con muốn, vừa làm lòng con đầy ứ chúng mà không thu đạt được chút am hiểu nào về câu Kinh Thánh ấy. Con bỏ cuộc, không đi nghe các bài giảng dành cho công chúng nữa. Con lập một kế hoạch khác là: nhờ Thiên Chúa giúp đỡ, con phải tìm cho ra người có kinh nghiệm và thông thạo chịu chuyện trò với con, dạy bảo con về cầu nguyện không ngừng, là cái càng ngày càng lôi cuốn con một cách cần kíp.

Trong một thời gian dài, con lang thang nhiều nơi. Con luôn luôn đọc Kinh Thánh, và tới đâu con cũng hỏi không biết có thể tìm thấy trong vùng này một vị thầy tâm linh, một người đầy kinh nghiệm, sốt sắng hướng dẫn mình không. Vào ngày nọ, người ta nói với con rằng tại làng kia, có một nhà đạo đức bỏ ra trọn đời tìm kiếm sự cứu rỗi linh hồn mình. Trong nhà ông có một nhà nguyện. Ông không bao giờ ra khỏi nhà và dùng hết ngày giờ để cầu nguyện và đọc sách kinh. Nghe như vậy, con đi như chạy tới ngay làng đã được người ta chỉ tên đó. Con tới nơi, tìm được ông. Ông hỏi:

- Anh muốn tôi làm gì giúp anh đây?

Con nói:

- Tôi nghe người ta nói ông là người mộ đạo và khôn ngoan. Nhân danh Thiên Chúa, xin ông vui lòng giải thích cho tôi câu của Thánh Tông đồ rằng: "Hãy cầu nguyện không ngừng". Làm sao mà cầu nguyện không ngừng được? Tôi không hiểu chút gì câu đó, và tôi đang thật tình muốn hiểu cho ra.

Ông im lặng một lúc và xem xét con thật kỹ lưỡng. Rồi ông nói:

- Cầu nguyện không ngừng trong tâm hồn tức là tinh thần của mình khát khao hướng tới Thiên Chúa. Để đạt được kết quả trong việc thực hành đầy an ủi đó, chúng ta lúc nào cũng phải cầu xin Thiên Chúa dạy cho mình biết cầu nguyện không ngừng. Nhờ cầu xin như vậy, anh sẽ tự mình thấy được là làm thế nào đạt tới sự cầu nguyện không ngừng; nhưng để đạt tới thì cần một ít thời gian.

Nói như vậy rồi ông mang cho con thực phẩm, cho con tiền lộ phí tiếp tục cuộc hành trình và để con ra đi.

Ông không giải thích gì về điều con muốn biết.

Con lại lên đường. Con nghĩ hoài nghĩ mãi, con đọc hoài đọc mãi Kinh Thánh. Con để hết lòng mình vào những gì ông ấy nói với con, nhưng con không thể hiểu cặn kẽ lời đó. Tuy vậy, con muốn hiểu rõ nó hết sức, tới độ ban đêm con không ngủ được.

Con đi bộ ít ra là đã hai trăm cây số, rồi tới một thị trấn lớn, thủ phủ của một tỉnh, con thấy một tu viện. Tại quán trọ nơi con dừng chân, con nghe người ta nói rằng cha tu viện trưởng là người cực kỳ nhân ái, mộ đạo và hiếu khách. Con đến gặp ông. Bằng thái độ rất ân cần, ông đón tiếp con, yêu cầu con ngồi xuống và mời con ăn uống cho khoẻ người. Con nói:

- Thưa cha rất thánh, con chẳng cần nghỉ mệt, con chỉ xin cha ban cho con ít lời giảng dạy về tinh thần. Làm thế nào cứu rỗi được linh hồn con?

- Cái gì? Cứu rỗi linh hồn con? Được, con hãy sống theo các giới răn và đọc kinh cầu nguyện rồi con sẽ được cứu rỗi.

- Nhưng con nghe có lời nói rằng chúng ta nên cầu nguyện không ngừng, và con không biết làm thế nào cầu nguyện không ngừng. Ngay cả việc cầu nguyện không ngừng nghĩa là gì con cũng không hiểu. Thưa cha, con năn nỉ cha, xin cha giải thích việc đó cho con.

- Người anh em thân mến, ta không biết làm thế nào giải thích thêm nữa. Nhưng con hãy chờ một chút, ta có cuốn sách nhỏ trong đó có lời giải thích.

Nói xong, ông đưa cho con cuốn sách của Thánh Dimitri: 'Giáo Dục Tâm Linh Trong Lòng Con Người' và nói:

- Đây, con hãy tự mình đọc nó.

Con bắt đầu đọc thấy như sau:

- Lời của Thánh Tông đồ rằng: 'Hãy cầu nguyện không ngừng' nên hiểu như thể nó có ý nói tới sự cầu nguyện có tính chất sáng tạo của trí tuệ. Trí tuệ lúc nào cũng có thể vươn lên tới Thiên Chúa và không ngừng cầu nguyện Ngài.

Con hỏi:

- Nhưng thưa cha, bằng cách gì mà trí tuệ lúc nào cũng có thể vươn lên tới Thiên Chúa, không bao giờ bị xáo lộn và có thể cầu nguyện không ngừng?

Cha tu viện trưởng trả lời:

- Điều ấy rất khó, kể cả đối với kẻ mà chính Thiên Chúa ban cho tặng phẩm đó.

Ông không đưa ra cho con lời giải thích nào.

Đêm đó, con ở lại trong tu viện. Sáng ra, sau khi cảm tạ ông vì lòng hiếu khách đầy nhân ái của ông, con tiếp tục con đường của mình - đi đâu, chính con cũng không biết. Thất bại trong việc tìm hiểu khiến lòng con buồn bã, và như thể để làm mình khuây khoả, con đọc Kinh Thánh. Bằng cách đó, con đi dọc theo đường quốc lộ suốt năm ngày.

Sau cùng, khoảng chạng vạng tối, đi vượt qua mặt con là một ông lão trông giống như đan sĩ của một nhà dòng nào đó. Trả lời câu hỏi của con, ông cho con biết ông là linh mục ở trong một đan viện cách đường cái khoảng mười cây số. Ông yêu cầu con cùng đi với ông tới đan viện. Ông nói:

- Chúng tôi đón tiếp người hành hương, cho họ lương thực và để họ nghỉ ngơi với những người mộ đạo khác nơi nhà khách của tu viện.

Con cảm thấy mình không thích đi theo ông. Vì vậy, đáp lại lời mời ấy, con nói rằng sự bình an của tâm trí con không tùy thuộc vào việc con tìm được chỗ nghỉ ngơi hay không mà là tùy thuộc vào việc con tìm ra hay không một lời giảng dạy tinh thần. Dù cho con đã hết lương thực hoặc ba-lô con còn đầy ắp bánh mì khô.

Ông hỏi con:

- Người anh em ạ, con muốn có lời giảng tâm linh nào? Cái gì đang làm con bối rối? Hãy đi với tôi ngay! Người anh em thân mến, hãy tới nhà của chúng tôi. Chúng tôi có các starets tức là tu sĩ hướng dẫn tâm linh, chín muồi kinh nghiệm, đủ sức đưa ra cho con lời hướng dẫn tâm linh và đặt linh hồn con vào đường ngay nẻo chính dưới ánh sáng của Lời Thiên Chúa và sách vở của các Giáo Phụ thánh thiện.

- Vâng, thưa cha, chuyện như thế này. Khoảng một năm trước đây, trong khi dự thánh lễ, con có nghe đọc một đoạn Sách Thánh trong Thư Tông Đồ, trong đó có mệnh lệnh ra cho loài người phải cầu nguyện không ngừng. Hiểu không ra câu đó, con bắt đầu đọc cuốn Kinh Thánh của mình. Tại nhiều chỗ trong sách ấy, chính con cũng tìm thấy huấn lệnh thiêng liêng đó, rằng chúng ta phải cầu nguyện trong mọi lúc, ở mọi nơi, không chỉ trong lúc làm việc, không chỉ trong lúc thức giấc, mà còn cả trong khi ngủ: "Tôi ngủ nhưng lòng tôi thức." Lời ấy làm con hết sức ngạc nhiên. Con bối rối không biết xúc tiến lời ấy ra sao và bằng cách nào thực hiện nó. Trong con phát sinh ước muốn nồng cháy và lòng khát khao tìm hiểu. Suốt ngày suốt đêm, vấn đề đó bám chặt đầu óc con. Vì vậy, con bắt đầu đi tới các nhà thờ, lắng nghe các bài giảng. Tuy con đã được nghe nhiều bài giảng nhưng không có bài nào giúp con thu lượm được lời chỉ dẫn cho việc làm thế nào cầu nguyện không ngừng. Người ta thường hay nói tới việc chuẩn bị mình sẵn sàng để cầ
u nguyện hoặc về những hoa trái của cầu nguyện và đại loại như thế, nhưng không dạy cho con làm thế nào cầu nguyện không ngừng hoặc ý nghĩa của sự cầu nguyện không ngừng là gì. Con thường đọc Kinh Thánh và con chắc chắn trong đó có vấn đề mà con đã nghe đó. Có điều trái ngược là con không với tới được sự am hiểu mà con khao khát đó, nên vì thế cho tới lúc này, lòng con vẫn rối rắm và nghi nan.

Lúc đó, vị linh mục cao niên ấy làm dấu thánh giá và nói:

"Người anh em thân mến ạ, cảm tạ Thiên Chúa đã tỏ ra cho con khát vọng không nguôi về sự cầu nguyện không ngừng trong tâm hồn. Con hãy nhận ra có lời gọi của Thiên Chúa trong khát vọng đó và lắng lòng con xuống. Sự thanh thản ấy bảo đảm rằng cho tới nay, điều đang thành tựu trong con chính là sự thử thách tình trạng hoà hợp ý nguyện của chính con với tiếng nói của Thiên Chúa. Con đã được ban ơn cho hiểu rằng để tìm thấy, để đạt tới ánh sáng siêu phàm của sự cầu nguyện không ngừng mang tính cách tâm linh thì không phải bằng trí tuệ của thế gian này, cũng không phải bằng sự khát khao thuần túy kiến thức, vì kiến thức là cái ở bên ngoài bản thân ta; nhưng ngược lại, ta chỉ tìm thấy nó trong sự nghèo khó tinh thần và trong sự nếm trải sống động của một tâm hồn mộc mạc. Đó là lý do tự nhiên khiến con không thể nghe được bất cứ điều gì về cái cốt tủy của sự cầu nguyện ấy, và con không thể thu lượm được cái cốt tủy đó bằng kiến thức vì kiến thức thì bị tiêm nhiễm bởi những hoạt động không ngừng của chính nó.

"Chắc chắn là người ta đã giảng dạy nhiều, rất nhiều, về cầu nguyện, và trong những truyền đạt muôn hình muôn vẻ của các nhà văn đều có đề cập rất nhiều tới sự cầu nguyện đó. Nhưng vì hầu hết các lập luận ấy đều dựa trên suy xét và thao tác của trí tuệ tự nhiên mà không dựa trên kinh nghiệm sống động nên người ta giảng về phẩm chất của cầu nguyện hơn là về bản chất của cầu nguyện. Người ta biện luận một cách rất hay ho về nhu cầu của cầu nguyện, hoặc nói cách khác, về sức mạnh của nó và những ơn sủng liên quan tới nó, và thêm nữa, về những gì làm cho việc cầu nguyện được hoàn hảo, nghĩa là về tính chất tuyệt đối cần thiết như sự sốt sắng của tâm hồn, ân cần của tâm trí, nồng nàn của con tim, thanh khiết của ý nghĩ, hoà giải với kẻ thù của ta, khiêm tốn, sám hối và vân vân. Nhưng đối với hai câu hỏi có tính cách căn nguyên và cốt tủy rằng cầu nguyện là gì? và ta học cầu nguyện như thế nào? thì hiếm khi ta nhận được sự soi sáng rõ rệt nào từ những nhà thuyết giảng hiện nay.

"Với những biện luận của họ, như ta vừa kể ở trên, thì thật khó cho người ta hiểu rõ hai câu hỏi đó vì cả hai đều đòi hỏi một sự am hiểu có tính cách bí nhiệm chứ không chỉ đơn giản do những gì học hỏi trên ghế nhà trường. Và điều đáng thương hơn cả là trí khôn hão huyền của thế gian thúc ép họ áp dụng những định chuẩn trần tục vào tính thiêng liêng. Nhiều người lập luận về sự cầu nguyện theo lối lẩn quẩn và hoàn toàn sai lầm. Họ nghĩ rằng: các việc thiện và tất cả những loại biện pháp sơ bộ đều làm cho chúng ta có khả năng thực hiện sự cầu nguyện. Nhưng trong trường hợp này thì hoàn toàn ngược lại: chính cầu nguyện mang lại hoa trái cho việc thiện và cho hết thảy mọi đức hạnh. Những ai lập luận như trên thì lẫn lộn, vì họ xem hoa trái và kết quả của việc cầu nguyện là phương tiện thành tựu sự cầu nguyện, và như vậy, họ làm suy giảm uy lực của cầu nguyện. Và nói như họ thì hoàn toàn trái ngược với Sách Thánh vì Tông đồ Phaolô đã nói rằng: 'Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu nguyện' (1 Timôthê. 2:1).

"Điều đầu tiên được viết ra trong lời của Thánh Tông đồ ấy về cầu nguyện là việc cầu nguyện đến trước các việc khác, rằng: 'Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu nguyện...' Người Kitô hữu bị buộc làm nhiều việc thiện, nhưng việc tiên quyết, việc mà Kitô hữu buộc phải làm là cầu nguyện, vì không có việc cầu nguyện thì không thể hoàn thành được bất cứ việc thiện nào hoặc bất cứ cái gì khác. Không có việc cầu nguyện, Kitô hữu không thể tìm thấy con đường dẫn tới Chúa, không thể hiểu chân lý, không thể kềm hãm xác thịt mình với những đam mê và những thèm khát của thân xác; con tim của người ấy không thể được giác ngộ với ánh sáng của Đức Kitô, và người ấy không thể hiệp nhất một cách đầy cứu rỗi với Thiên Chúa. Trong các điều vừa kể ra đó, không điều nào có thể đạt kết quả nếu không có việc cầu nguyện 'liên tục' đi trước chúng. Ta nói 'liên tục' vì tính chất hoàn hảo của sự cầu nguyện không ở nội bên trong sức mạnh của chúng ta, như lời Tông đồ Phaolô nói rằng: 'Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho p

Chương hải' (Rôma. 8:26).

 Chương "Do đó, chính việc cầu nguyện thường xuyên, cầu nguyện không ngừng làm tuôn tràn sức mạnh trong lòng của chúng ta như những phương cách thành đạt sự thanh khiết của việc cầu nguyện, cái là mẹ của những ân sủng tinh thần. Như lời Thánh Isaác xứ Xyri đã nói: 'Hãy đoạt lấy người mẹ và bà sẽ mang các con cái của bà tới cho bạn.' Trước hết, con hãy học để đạt được sức mạnh của cầu nguyện rồi con sẽ thực hành dễ dàng những đức tính tốt khác. Những người nhờ kinh nghiệm thực hành và lời giảng dạy vô cùng sâu xa của các Giáo phụ thánh thiện mà am hiểu ít nhiều về sự cầu nguyện thì không có kiến thức rõ ràng về nó và chỉ phát biểu được đôi chút về nó thôi.

Mải mê đàm đạo, chúng con đã đi tới gần tu viện. Và như thể không để vuột mất dịp tiếp xúc với vị linh mục lão trượng khôn ngoan này cũng như để nhanh chóng có được điều mình muốn biết, con thúc giục:

- Thưa cha thánh thiện, xin cha vui lòng nói cho con biết sự cầu nguyện không ngừng nghĩa là gì và làm thế nào học được nó. Con thấy là cha hiểu hết mọi sự ấy.

Ông ân cần chấp nhận lời thỉnh cầu của con và yêu cầu con tới căn buồng nhỏ hẹp của ông. Ông bảo con:

- Vào đi con. Ta sẽ cho con biết nhiều điều của các Giáo phụ để qua đó, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, con có thể học biết rõ ràng từng chi tiết của sự cầu nguyện ấy.

Chúng con cùng nhau vào buồng của ông. Ông bắt đầu nói như sau:

- Cầu nguyện Đức Giêsu không ngừng và mang tính cách tâm linh tức là gọi liên tục và không ngớt thánh danh Giêsu bằng môi mình, trong tinh thần, trong con tim, và cùng lúc ấy, lập nên ở trong óc não mình hình ảnh sự có mặt thường xuyên của Ngài, và cầu xin ơn sủng của Ngài, trong mọi việc làm, trong mọi lúc, ở mọi nơi, kể cả trong khi ngủ. Lời cầu nguyện ấy được biểu lộ bằng câu này: "Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con." Người nào tự làm cho mình quen thuộc với lời cầu nguyện ấy thì nếm trải một thành quả an ủi rất sâu xa và một nhu cầu hết sức lớn lao là bất cứ lúc nào cũng phải thốt lên lời cầu nguyện ấy, tới độ người ấy không thể tiếp tục sống mà không có lời đó, và lời đó sẽ tiếp tục tự nó cất tiếng bên trong người ấy bằng chính cung giọng của nó. Tới đây, con đã hiểu cầu nguyện không ngừng là gì chưa?

Con kêu lên, lòng chan chứa hớn hở:

- Hiểu, hiểu thật rồi, cha ơi. Và, nhân danh Thiên Chúa, xin cha dạy cho con làm cách nào để lập thành thói quen đó.

Ông trả lời:

- Con hãy đọc cuốn sách này, nó có tên là Philôkalia. Trong sách này có đầy đủ nội dung cùng những chi tiết của phép cầu nguyện liên tục trong tâm hồn, hoặc cầu nguyện không ngừng có tính cách tâm linh, do hai mươi lăm Giáo phụ thánh thiện trình bày. Cuốn sách này ghi dấu một sự khôn ngoan tuyệt đỉnh và sử dụng nó thì ích lợi vô cùng, tới độ nó được đánh giá là cuốn thủ bản trên hết và tốt nhất cho cuộc sống tâm linh, chiêm nghiệm hay còn gọi là quán tưởng. Như đức Nicêphôrê tôn quí đã nói: "Nó đưa ta tới cứu rỗi mà không mất công sức và không đổ mồ hôi".

Con hỏi:

- Thưa cha, như vậy phải chăng cuốn sách này cao siêu và thiêng liêng hơn Kinh Thánh?

Ông trả lời:

- Không, không phải như vậy. Có điều cuốn sách này chứa đựng những điều mà Kinh Thánh giữ bí nhiệm và chúng ta không thể dễ dàng nắm bắt những điều đó bằng kiến thức thiển cận của con người. Ta nêu cho con thí dụ này để làm rõ hơn. Mặt trời thì vĩ đại nhất, chói lọi rực rỡ nhất và tuyệt diệu nhất của sự sáng trên trời, nhưng con không thể ngắm nó và xem xét nó một cách giản dị bằng con mắt của mình mà không có gì bảo vệ mắt. Muốn làm như vậy, con phải dùng miếng kính nhân tạo nhỏ hơn và tối hơn mặt trời nhiều triệu lần. Nhưng qua miếng kính nhỏ bé đó, con có thể nhìn chăm chú và xem xét vị vua tinh tú tráng lệ ấy, ham thích nó và chịu đựng nổi những tia lửa của nó. Kinh Thánh cũng giống như mặt trời chói lọi kia và cuốn Philôkalia này là miếng kính ta thường dùng để có thể nhìn ngắm mặt trời trong sự rực rỡ nguy nga của nó. Lúc này con hãy nghe, ta sắp đọc cho con một loại chỉ dẫn về việc cầu nguyện không ngừng trong tâm hồn hay còn gọi là việc cầu nguyện tâm linh và liên tục.

Ông mở sách, giở tới trang có lời chỉ dẫn của Thánh Simêon Nhà thần học mới và đọc:

"Hãy ngồi xuống một mình, trong im lặng. Cúi thấp đầu xuống, nhắm mắt lại, thở ra thật nhẹ, tưởng tượng đang nhìn vào trái tim của mình. Mang tâm trí của mình, nghĩa là mang các ý nghĩ của mình từ óc não vào trái tim mình. Khi thở ra thì hãy nói: 'Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con.' Nói câu ấy trong khi mấp máy đôi môi hoặc chỉ giản dị nói câu ấy trong tâm trí của mình. Hãy cố gắng đặt các ý nghĩ khác qua một bên. Hãy bình tĩnh, nhẫn nại, và siêng năng thường xuyên lặp đi lặp lại diễn tiến đó,"

Vị tôn sư cao niên của con vừa cắt nghĩa cặn kẽ điều ấy cho con vừa đưa ra nhiều thí dụ. Chúng con tiếp tục đọc trong cuốn Philôkalia những trích đọan của thánh Grêgôriô Núi Xinai, Thánh Callistốt và Thánh Inhaxiô.

Những điều chúng con đọc từ cuốn sách đó đều được tôn sư của con đích thân giảng giải. Con lắng nghe cẩn thận với niềm sung sướng sâu xa và giữ chặt trong trí nhớ của mình, cố gắng hết sức có thể được của mình để ghi nhớ từng chi tiết. Bằng cách đó, chúng con trải qua một đêm bên nhau và tiếp tục cho tới sáng, không ngủ chút nào.

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Tông Thư Dưới Hình Thức Tự Sắc (8/5/2014)
Chuyện Người Hành Hương (7/25/2014)
Năm Đức Tin (7/25/2014)
Biện Phân Thần Khí (7/25/2014)
Rửa Tội Âm Hồn Nhập Xác, Được Không ? (5/30/2014)
Tin/Bài khác
___những Hạt Châu Ngọc (bài #1-193) (4/7/2020)
Tác Phẩm Chữa Lành Các Thế Hệ Gia Tộc (9/30/2012)
Để Bạn Hiểu Rõ Hơn Về Mễ Du: Một Sự Kiện Có Tầm Vóc Hoàn Vũ ! (bài#1 - #26 ( Hết ) (8/15/2012)
Đau Khổ Thánh - Tập 5 (1/16/2012)
Toàn Bộ Thánh Kinh ( Cựu Ước &tân Ước) Bằng Tiếng Anh (12/16/2010)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768