Hỏi: xin Cha giải thích lại những tội
nghịch điều răn thứ bảy và thứ mười.
Trả lời:
Trong một bài trước, tôi đã có
dịp nói về hai điều răn này. Nay xin được nói rõ thêm những tội phạm lỗi hai
điều răn này như sau:
Trong Mười Điều Răn Của Chúa
thì, hai điều răn thứ bảy và mười có liên hệ với nhau vì cùng cấm con người
không được lấy hay ước muốn lấy của người khác những gì không thuộc sở hữu của
mình.
Riêng giới răn thứ mười có
liên hệ đến hai giới răn thứ bảy và thứ chín cấm lấy của người và cầm thèm
muốn vợ hay chồng của người khác (giới răn thứ chín).
Trong thực tế thì tội lỗi điều
răn thứ bảy và thứ mười là những tội con người ở khắp mọi nơi đã và đang phạm
ở mức độ qui mô và không kém nghiêm trọng so với các tội
khác.
Cái lầm lớn lao của rất nhiều
người là cho rằng lấy của chánh phủ hay của các công ty lo dịch vụ xã hội như
hãng bảo hiểm, xe , nhà v.v là không có tội! Vì thế người ta cứ an tâm
khai gian, chứng dối để trốn thuế, và lấy tiền của người khác cách sai trái
với lương tâm và luật công bằng của Chúa..
Thực ra, phải hiểu rằng Thiên
Chúa là Đấng đầy lòng yêu thương, nhưng cũng rất công bằng khi phán đoán con
người.Vì thể tôn trọng công bằng là điều đẹp lòng Chúa, cũng như thi hành bác
ái để cụ thể nói lên lòng yêu mến Chúa, là Đấng yêu thương mọi người và muốn
con người phải yêu thương, giúp đỡ và an ủi nhau trong cuộc sống. Vì
thế, thực thi bác ái là rất điều đẹp lòng Chúa vì như thế, chứng tỏ cách hùng
hồn con người biết cảm thông sự đau khổ và thiếu thốn tinh thần và vật
chất của anh chị em mình, không phân biệt mầu da, ngôn ngữ ở khắp
nơi.
Luật công bằng của Chúa đòi
buộc ta phải tôn trọng tài sản, tiền bạc và danh dự của người khác như chính
của riêng mình. Đó là lệnh truyền của Chúa trong Bản Thập Giới, tức Mười điều
răn, mà giáo lý của Giáo Hội nhắc lại như sau:
“Cấm lấy hoặc giữ của cải của tha nhân
cách bất công hoặc làm hại tài sản của tha nhân bất cứ cách nào.”
(SGLGHCG, số
2401).
Luật này dựa trên chính lời
Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái xưa kia sau khi họ được giải thoát
khỏi Ai Cập: “Ngươi không được
trộm cắp.” (Xh
20:15)
Liên quan đến giới răn
này,Thiên Chúa cũng cấm con người "không được ham muốn nhà người ta,
ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò, con lừa, hay bất
cứ vật gì của người ta”(x. Xh 20:17; Đnl
5:21).
Như thế, điều răn thứ mười
không những có liên hệ đến điều răn thứ bảy vì cùng cấm con người không được
lấy hay thèm muốn, ước ao muốn lấy bất cái gì thuộc sở hữu của người
khác như vợ, chồng của người khác và mọi vật không thuộc quyền sở hữu
của mình. Về một khía cạnh, điểu răn thứ mười có liên hệ đến giới răn
thứ chín cấm "thèm muốn vợ (hay
chồng) của người khác", vì thèm muốn như vậy sẽ dẫn đến thông dâm (fornification) ngoại tình (adultery) và hiếp dâm (rape) là những tội nặng thuộc
giới răn thứ sáu phải tránh. Lại nữa, thèm muốn của cải của người khác cũng
dẫn đến trộm cắp và lừa đảo để chiếm hữu tài sản hay tiền bạc của
người khác cách trái phép.
Tuy nhiên, nếu thấy người khác
giầu có, khỏe mạnh và thành công trong xã hội mà mình cũng ước muốn được như
họ bằng phương tiện chính đáng như cố gắng học hành, săn sóc sức khỏe và làm
ăn lương thiện để có tiền, thì không những không có tội gì, mà còn được
khuyến khích trong ước muốn tốt đẹp này nữa. Chỉ khi nào ước muốn lấy cái gì
của ai, rồi sinh lòng ghen ghét người khác hơn mình về danh vọng, địa vị xã
hội và tiền bạc, thì đó mới là điều phải tránh vì lỗi đức bác ái và công
bằng.
Giáo lý của Giáo Hội nói
rõ về nội dung giới răn thứ mười như sau:
"Điều răn thứ mười cấm chỉ sự thèm
muốn, tức ước ao của cải trần gian cách vô độ; nó cũng cấm tính tham lam thái
quá, sinh ra từ sự đam mê vô độ, sự giầu có và quyền lực do sự giầu sang mang
lại. Điều răn này cũng cấm để lòng phạm những điều bất công, làm thiệt hại tài
sản của tha nhân." (x.
SGLGHCG số 2536) Nghĩa là không ai được phép lấy hay ước muốn lấy bất
cứ của gì, vật gì kể cả vợ hay chồng của người khác.
Sau này, khi trả lời cho người
thanh niên giầu có đến hỏi Chúa Giêsu, xem anh ta phải làm gì để được sống đời
đời, Chúa cũng đã nhắc lại lệnh cấm trên “Ngươi không được trộm cắp...”.
(Mt 19:18). Trộm cắp
Chúa nói ở đây, bao gồm mọi hình thức lấy của người khác những gì thuộc sở hữu
của họ như tiền bạc, đồ vật, đất đai, nhà cửa, xe cộ, máy móc... Như
thế, đủ cho thấy giới răn thứ bảy và thứ mười quan trọng thế nào trong
đời sống đức tin của người tín hữu Chúa Kitô. Nếu không quyết tâm đi tìm Chúa
và hạnh phúc Nước Trời, mà chỉ ham mê tìm kiếm những sự đời này như tiền bạc,
danh vọng và mọi thú vui vô luân, vô đạo, thì hãy suy gẫm lời Chúa sau
đây:
" ...Người nào được lợi lãi cả thế gian mà
phải đánh mất chính mình hay thiệt thân, thì nào được ích lợi gì ?
(Lc
9:25)
Thử hỏi: có mấy ai được lợi
lãi cả và thế gian này đâu. Nhưng cho dù có người chiếm được mọi của cải và
danh vọng trên trần gian này, mà cuối cùng mất sự sống, mất linh hồn vì không
được cứu rỗi thì những lợi lãi to lớn kia có bù đắp được không, hỡi những ai
khờ dại, chỉ ham mê tìm kiếm lợi lãi hư vô ở đời này mà quên lãng tìm kiếm sự
sang giầu vĩnh cửu của Nước Trời?
Do đó, phải tuân
giữ các giới răn thứ bảy và thứ mười vì những lý do sau đây:
1. Tôn trọng đức công bình
(justice): Thiên Chúa là Đấng công chính và giầu tình thương
(a just and merciful God).
Ngài giầu lòng xót thương, nhưng không thể chấp nhận bất cứ điều gì là bất
công và gian dối. Ngài phán đoán con người dựa trên hai tiêu chuẩn công bình
và bác ái. Do đó, ai không yêu thương và thực thi công bình, thì chắc chắn
không thể đẹp lòng Chúa và thuộc về Người là tình thương và là chính sự
công bình. Đức công bình đòi buộc mọi người phải tôn trọng đúng mức tài
sản, danh dự và tính mạng của người khác như chính mạng sống, danh dự và tài
sản của mình.
2. Quyền tư hữu chính đáng mà mọi
người được hưởng trong tình thương và công bình của Chúa, là Đấng đã ban phát
nhưng không mọi của cải, tài nguyên thiên nhiên cho con người hưởng thụ miễn
phí (gratuitous). Về quyền
này, giáo lý của Giáo Hội dạy như sau:
“Tài sản trong vũ trụ là để dành cho
tất cả loài người. Tuy nhiên, trái đất được phân chia giữa con người với nhau,
để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của mọi người khỏi nguy cơ đói khổ và bạo
động. Sự tư hữu tài sản là điều chính đáng, nhằm bảo đảm tự do và phẩm giá của
mọi người và cũng để giúp nhau đáp ứng, những nhu cầu căn bản của riêng mình
và lo cho nhu cầu của những người thuộc trách nhiệm coi sóc của mình….. .
Quyền tư hữu, thủ đắc cách chính đáng, không ảnh hưởng gì đến quyền sử dụng
quà tặng chung, là trái đất mà Chúa ban cho toàn thể nhân loại. Mặc dù mục
đích sử dụng của cải chung vẫn giữ ưu thế, nhưng lợi ích chung vẫn đòi hỏi tôn
trọng tư hữu và quyền có tư hữu ” (Sđd, số 2402-03)
Như thế, Giáo Hội nhìn nhận
quyền tư hữu tài sản của con người và mọi vi phạm đến quyền này đều trái với
đức công bình đòi buộc mọi người phải tôn trọng tài sản, danh dự và mạng sống
của người khác. Chế độ cai trị nào không tôn trọng quyền tư hữu của người dân
để cưỡng chiếm đất đai, nhà của của dân hay của các giáo hội và cơ quan từ
thiện - đều vi phạm quyền căn bản này của Thiên Chúa ban tặng mà mọi xã hội
loài người văn minh phải tôn trọng vì phúc lợi chân chính của con người như
Giáo Hội có bổn phận nhắc nhở trên đây
Trong tinh thần đó, những hành
vi sau đây được coi là vi phạm điều răn thứ bảy cấm lấy của người:
a. Ăn cắp tiền bạc, và
chiếm đoạt những gì thuộc quyền sở hữu của người khác như đất đai, nhà cửa, xe
tầu, ruộng vườn, quần áo, đồ vật gia dụng v.v Như vậy ai chiếm giữ đất đai,
nhà cửa, của người dân, nơi thờ phượng của các giáo hội là vi phạm quyền tư
hữu chính đáng được pháp luật của xã hội văn minh ở khắp nơi nhìn nhận và đòi
hỏi phải tôn trọng. Không thể viện bất cứ lý do nào để bênh vực cho sự chiếm
hữu bất hợp pháp này. Ai a dua bênh vực cho sự cưỡng chiếm này là cộng tác vào
sự bất công, và luật pháp rừng rú.
b. Bóc lột sức lao động
của người dân mà không đền bù xứng đáng. Chủ nhân các công ty hay hãng xưởng
mướn công nhân mà trả lương không đúng luật lao động và tiêu chuẩn chuyên môn
của người làm công cho mình, là lỗi luật công bình. Thí dụ, bóc lột người lao
động không có giấy tờ cư trú hợp pháp (undocumented workers), để trả
lương họ dưới mức qui định của luật lao động. Hoặc bắt họ làm thêm giờ mà
không trả tiền tiền phụ trội cho họ. Cũng lỗi điều răn thứ bảy, những người
làm cân đo không chính xác để đong bán hàng hóa sai cân lượng với mục đích
kiếm thêm nhiều tiền lời.
Giáo lý Giáo Hội cũng liệt kê
những việc làm trái với điều răn thứ bảy như sau: “Cũng kể là bất chính về mặt luân lý,
những việc làm như đầu cơ tích trữ để thay đổi giá cả cách giả tạo để thủ lợi
và làm thiệt hại người khác, hối lộ để làm sai lệch những quyết đoán của người
thi hành luật pháp; lấy làm của riêng hoặc sử dụng cho riêng mình những tài
sản của xã hội hoặc của xí nghiệp; hoặc làm ăn cẩu thả gây thiệt hại cho người
thuê mình; gian lận thuế, giả mạo các hóa đơn hoặc các chi phiếu, chi tiêu
lãng phí; cố ý gây thiệt hại cho tài sản tư hoặc công đều trái với luật luân
lý và buộc phải bồi thường.” (SGLGHC số
2409).
Cũng kể là trái
nghịch điều răn thứ bảy, mọi hành vi lừa đảo, làm hàng giả, lừa dối người tiêu
thụ để kiếm nhiều tiền hoặc khai gian số giờ lao động để lãnh lương đầy
đủ.
Cụ thể áp dụng như
sau:
a. Ở Mỹ, chế độ trợ giúp welfare, food stamps, housing...
được đặt ra nhằm trợ giúp cho những người có nhu cầu thiếu thốn thực sự
về các quyền lợi nêu trên. Do đó, khai gian để hưởng những trợ cấp này, là làm
thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của những người có nhu cầu thực sự đáng
được hưởng. Như thế, chắc chắn đây là tội gian lận, lấy của công, nghịch điều
răn thứ bảy cấm lấy của người khác. Ngoài ra, những người giả ly dị để xin trợ
cấp single parent, kể cả
những người làm hôn thú giả để lấy tiền của những người muốn ra nước ngoài
định cư, đều mắc tội nghịch hai giới răn thứ bảy và thứ tám (cấm làm chứng
dối, gian trá)
b. Cũng kể là lỗi điều răn thứ
bảy, mọi hình thức cờ bạc, cá độ đưa đến ăn thua tiền bạc, làm thiệt hại
cho kinh tế và hạnh phúc gia đình, vì những số tiền thu được ở đây đều trái
với đức công bằng. Không thể dùng tiền cờ bạc để giúp xây nhà thờ, trường học,
cô nhi viện... vì mục đích tốt không thể biện minh cho phương tiện xấu.
c. Sau hết, những việc làm như
lỗi lời hứa, không thi hành những khế ước (contract) về kinh tế, thương
mại, lao động… mà đôi bên đã ký kết, khiến gây thiệt hại công bằng cho người
khác. Thêm vào đó, đặc biệt phải kể thêm những kẻ buôn bán người, dưới chiêu
bài hôn nhân hay hứa cho công ăn việc làm có lương cao, nhưng thực chất chỉ là
để buôn bán họ cho những nhu cầu bất chính của kẻ vô luân, vô đạo, đều là
những việc làm bất chính lỗi điều răn thứ bảy vì đã xúc phạm nặng nề nhân phẩm
và sức lao động của người khác để kiếm lợi cho riêng mình.
Tất cả những tội phạm điều răn
thứ bảy đều phải được đền bù, hay hoàn trả theo công bằng giao hoán (commutative justice) đòi buộc
nghiêm ngặt “phải bảo toàn mọi
quyền tư hữu, phải trả các món nợ cũng như phải chu toàn các nghĩa vụ đã tự do
cam kết với nhau. Thiếu đức công bằng giao hoán, sẽ không thể có bất cứ hình
thức công bằng nào khác.” (Sđd, số 2411)
Nói khác đi, không thể lấy hay
làm thiệt hai tài sản, danh giá của ai rồi đi xưng tội là xong được. Dĩ nhiên
phải xưng tội, nhưng phải đền bù thiệt hại gây ra cho người khác cách
cân xứng và trả lại cho người ta số tiền hay đồ vật đã lấy cách sai trái thì
mới được tha tội. Cụ thể: công khai nói xấu, làm mất thanh danh của ai thì
phải công khai xin lỗi người đó. Lấy trộm tiền, đồ vật, cưỡng chiếm đất đai,
nhà cửa của ai thì phải trả lại cho người ta theo công bằng giao hoán nói
trên. Nghĩa là không thể đọc năm ba kinh hay lần chuỗi 50 mà đền bù được những
gì đã lấy của người khác. Các cha giải tội đều có bổn phận nói cho hối nhân
biết luật công bằng đòi buộc phải trả lại cho người khác cách nào thuận tiện,
kín đáo những gì mình đã lấy của người ta để được tha tội này như giáo lý của
Giáo Hội dạy trên đây.
Tóm lại, hai giới răn thứ bảy
và thứ mười cấm lấy hoặc ước muốn lấy bất của vật gì thuộc quyền sở hữu của
người khác như đã giải thích trên đây. Người tín hữu Chúa Kitô cần thiết phải
làm nhân chứng cho Chúa trong một thế giới quá gian tà, trộm cắp, và bất lương
này bằng cách tuân giữ nghiêm ngặt hai giới răn trên để làm gương cho người
khác và giúp ích cho phần rỗi của mình.
Linh mục Phanxicô Xaviê Ngô
Tôn Huấn