MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: mục bác ái / xin giúp đỡ vn
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Trò Chuyện Cùng Nữ Tu Maria Dominic Hào, Dòng Đức Bà Truyền Giáo
Thứ Năm, Ngày 15 tháng 9-2016

Trò Chuyện Cùng Nữ Tu Maria Dominic Hào, Dòng Đức Bà Truyền Giáo

Nhân chuyến đi thăm thân nhân của nữ tu Maria Dominic Hào mùa hè 2016, tôi có dịp gặp gỡ và chuyện trò thân mật cùng sơ, vị ân nhân năm ngoái đã đi thăm một người thân của gia đình tôi ở Việt Nam trong tình trạng hấp hối và cầu nguyện cho anh ấy ra đi bình an.   Nay anh đã qua đời trong ơn nghĩa Chúa, và tôi rất vui mừng được gặp sơ để nói lời cảm ơn.  

Qua tiếp xúc, được biết các sơ đang trông coi một ngôi trường tình thương để dạy chữ cho những trẻ em nghèo không có điều kiện cắp sách đến trường như các em học sinh khác.   Cảm phục trước nghĩa cử bác ái này, tôi xin phép sơ được ghi lại buổi trò chuyện thân mật với sơ vào ngày 17/08/2016.

NM -- Con chào sơ.  Trước hết xin sơ có một đôi lời giới thiệu về sơ và lý do về sự hiện diện của sơ trên đất nước Hoa Kỳ trong những ngày này.

Nữ tu M. Dominic Hào:-- Sơ chào cô Như Mai.  Sơ rất vui được gặp cô Như Mai, và sơ đến HK này để thăm gia đình.  Và sơ cũng xin được giới thiệu.  Sơ là nữ tu Maria Dominic Nguyễn Thị Hào thuộc dòng Đức Bà Truyền Giáo tại Việt Nam, và sơ đang làm việc cho một cộng đoàn nhỏ tại Củ Chi là đoạn giữa trên đường đi từ Sài Gòn đến Tây Ninh.

Nữ tu M. Dominic Nguyễn Thị Hào, RNDM (bên phải ngoài cùng trong tu phục áo dài xám, tay cầm cờ) tại đại hội Thánh Mẫu Missouri  08/2016

NM:-- Con có nghe nói các sơ mở trường tình thương để dạy miễn phí cho những em thuộc gia đình nghèo không có khả năng cắp sách đến trường.  Xin sơ vui lòng cho chúng con được biết lý do của việc hình thành ngôi trường này và quá trình hoạt động của trường.

Nữ tu M. Dominic Hào:-- Trường tình thương Thanh Tâm chính thức hoạt động từ năm 1996, nhưng lúc bấy giờ chỉ có khoảng 20 đến 40 em thôi.   Sang đến năm 2011 con số các em đã tăng lên 100 em.  Con số ấy cứ tăng mãi cho đến nay (niên khoá vừa rồi) là 190 em.  Đây là ngôi trường dành cho các em có hoàn cảnh nghèo, không có hộ khẩu, không có giấy khai sinh hoặc quá nghèo không thể đến trường học được.  Lý do các em không có giấy khai sinh là bởi vì cha mẹ các em nghèo.  Khi sinh con họ không có tiền trả viện phí nên họ bế con bỏ trốn thành thử các em không có giấy chứng sinh, không thể làm giấy khai sinh được.  Lại còn một số gia đình họ sống ở dưới sông, nên họ sinh con ở trên thuyền thành thử họ cũng không làm giấy khai sinh được.  Vì thế nên những đứa trẻ này khi đến tuổi đi học chúng không thể vào trường công được vì không có hộ khẩu.  Các em sống vất vưởng thật tội nghiệp.  Một số lớn các em đã 12, 13, 14 tuổi không biết chữ, phải đi bán vé số.   Nghĩ thương cho hoàn cảnh tội nghiệp của các em nên sơ gom các em lại để dậy cho các em biết đọc biết viết.  Hiện bây giờ sơ có 190 em đang học từ lớp một đến lớp năm.  Theo luật hiện hành các sơ không được phép để dạy các em tiểu học đâu.  Nhưng sơ lại nghĩ nếu không dạy cho các em biết đọc biết viết để tuân hành luật pháp của nhà nước thì các em sau này sẽ đi tù vì không hiểu luật pháp, nên đó là một cách để các sơ có thể giúp nhà nước thôi. 

Nữ tu Dominic Hào đang nói chuyện với các em học sinh trong ngày khai giảng niên học mới 2016-2017.

NM:-- Con xin cám ơn sơ.   Cho phép con được nêu lên một thắc mắc, là làm thế nào để các sơ có đủ tài chánh cho việc trang trải mọi chi phí cho bằng ấy em, khi các sơ là những nữ tu, sứ mạng của các sơ là chăm lo việc truyền giáo, đem Chúa đến cho tha nhân.  Mà khi bắt tay vào những công việc bác ái như thế này, trước mắt mình phải có một nguồn lợi tức nhất định, vì mình không thể cho đi cái mình không có.  Xin sơ giải thích cho con về mối quan tâm này.

Nữ tu M. Dominic Hào (cười) :-- Chắc cô Như Mai cũng biết là Thiên Chúa của chúng ta rất giầu lòng thương xót.  Chỉ sợ chúng ta không có tấm lòng thôi.  Một khi mà chúng ta dám làm một điều gì cho Ngài thì dù tay trắng các bạn cứ làm đi!   Các bạn đừng sợ.  Rồi Thiên Chúa sẽ gởi những bàn tay nhân ái đến giúp.  Đúng như là cô Như Mai nói đấy, các sơ đào đâu ra tiền để mà lo cho các em.   Nhưng nếu mỗi một người  bạn của cô Như Mai, hay chính bản thân cô Như Mai cũng vậy.  Nếu mình chịu bỏ ra một chút để chia sẻ cho một trong những cơ sở thiện nguyện như thế này để giúp cho các em thì mọi chuyện sẽ trở thành khả dĩ.  Quả thật từ khi khởi sự công việc cho đến nay sơ thấy chẳng có bao giờ mình thiếu.  Cũng có đôi lúc thiếu hụt không đủ tiền trả lương cho giáo viên thì mình cho họ biết là mình tạm ngưng một tháng, họ cũng hiểu và thông cảm với các sơ.  Nhưng thường thì chỉ sau nửa tháng là các sơ lại có tiền để trả cho các thầy cô rồi.  Vì thế sơ nghĩ mình cứ nên mở lòng ra và mọi người sẽ chung tay với chúng ta, đừng sợ!

NM:-- Sơ có thể cho chúng con biết thành phần tuổi tác và trình độ của các em học sinh cũng như những sinh hoạt của các em trong mái ấm tình thương Thanh Tâm.

Nữ tu M. Dominic Hào:-- Tổng số các em theo học khoá vừa rồi là 190 em.  Còn niên khoá sắp tới đây thì sơ chưa được biết.  Nhưng chắc là sẽ tăng chứ không giảm.  Các em ở độ tuổi nhỏ nhất là 6 và lớn nhất là 17.  Trình độ các em không dựa trên sự khác biệt về độ tuổi.  Có em đã 12 tuổi vẫn chưa biết chữ phải vào lớp một, có em 15 tuổi mới học lớp hai.  Đó là tuỳ trình độ khác biệt của từng em.  Mỗi buổi sáng các em có mặt ở trường từ 6g30 sáng để làm vệ sinh và ăn sáng.  Sau đó các em giúp các sơ quét dọn phòng ốc.  Đến 7g thì các em cầu nguyện, tập thể dục và sau đó các em học cho đến 11g.  Thời gian đầu sơ thấy các em cứ hay bị xỉu.  Các sơ đã xin bạn bè giúp để cho các em được ăn hai bữa và cho các em uống sữa mỗi tuần hai buổi sáng.  Sau đó một năm thấy các em khỏe mạnh không còn bị xỉu nữa.  Và sơ thấy các em rất là vui tươi, học ngoan, chịu khó vâng lời các thầy cô, không còn chửi thề và đánh lộn như xưa.  Ở trong trường các sơ quan tâm đến vấn đề nhân bản trước tiên, về sự hiếu đễ với cha mẹ, biết thương người.  Về chương trình học thì các sơ dùng chương trình của nhà nước để những em nào học đến lớp năm mà các sơ hoặc gia đình chạy được giấy khai sinh cho các em thì các em sẽ được thi vào trường tiểu học Tân Tiến (trường tiểu học địa phương).  Thường thì em nào thi cũng đậu hết, trừ những em nào lớn quá không được phép thi thì đành chịu.  Phần đông các em học đến lớp bốn thì bố mẹ bắt đi làm không cho đi học nữa.  Các sơ rất tiếc cho các em   Vừa rồi các sơ có tới 15-17 em đủ trình độ vào lớp năm tiểu học, nhưng đến khi đi thi thì chỉ có 9 em được thi vì có khai sanh.  Con số 9 em đã đậu hết.  Đến nay khi các em lên lớp sáu, các sơ vẫn giúp cho các em đóng học phí và những dụng cụ cần thiết cho việc học.   Nói chung đó là những công việc của các sơ đã làm cho các em trong mái ấm tình thương này.

NM:-- Với số lượng 190 em, các sơ sẽ cần khoảng bao nhiêu giáo viên để giúp.  Và các sơ kiếm đâu ra phòng ốc để chứa từng ấy các em học sinh?

Nữ tu M. Dominic Hào:-- Đây là những lớp học về nữ công gia chánh của thời xưa, từ trước ngày 30/04/1975 còn để lại.  Khi những người Việt Kiều hồi hương từ Campuchia sau trận "cáp-duồn" về, thấy họ không có công ăn việc làm, các sơ đã mở ra các lớp dạy thêu, may, đan, móc, và nấu ăn để cho người ta có được cái nghề kiếm sống.  Bây giờ các sơ đã xin lấy lại những phòng ốc ấy dù nó đã xuống cấp sau một thời gian dài.   Các sơ đã cho sửa sang lại đôi chút để lấy chỗ cho các em học.  Đấy cũng chính là lý do khiến nhà nước họ phàn nàn vì các sơ không có giấy phép mà dám mở trường.  Mình cũng lấy sự thật mà giải thích cho họ. Là vì mình thấy các em đang còn trong độ tuổi cắp sách đến trường mà cứ phải lang thang bán vé số hoặc đi làm công cho thiên hạ để giúp cha mẹ các em trả tiền thuê nhà.  Mục đích của các sơ là giúp cho các em biết chữ, biết đọc biết viết để các em trở thành những con người tốt, biết kính trên nhường dưới.    Còn sau này khi các em tiếp tục học lên lớp sáu, vào được trung học, các sơ sẽ vẫn giúp cho các em có tiền đóng học phí.  Hiện tại thì nhà nước họ vẫn than phiền việc các sơ đã mở trường mà không có giấy phép.  Sơ cũng trình bày sự thể cho họ, rằng các sơ hiểu rõ điều kiện để mở trường cũng như thủ tục xin giấy phép, ngoài khả năng, văn bằng và kiến thức của nhà giáo, người hiệu trưởng phải có giấy chứng nhận đảng viên, phải có thẻ đảng thì mới hòng được cấp giấy phép mở trường.  Mà điều ấy thì các sơ không thể có được.  Sơ cũng đã trả lời với họ rằng :"Nếu như quý vị không cho phép chúng tôi dạy các em học thì chúng tôi sẽ làm việc khác.  Nhưng chúng tôi yêu cầu quý vị đưa các em này ra ấp xã mà dạy.  Còn nếu quý vị không dạy các em, sau này các em sẽ không biết đọc chữ , các em sẽ vi phạm luật nhà nước vì không hiểu luật, chừng đó quý vị sẽ phải chịu trách nhiệm là đã không dạy bảo các em.  Quý vị có trách nhiệm phải xây nhà tù trong tương lai, mà đến chừng đó thì những khó khăn tốn kém không biết sẽ như thế nào ..."

NM:-- Cám ơn sơ đã có những đối đáp tới nhà cầm quyền một cách hết sức khôn ngoan và ý nhị.   Sơ có thể cho biết chi phí dự trù cho mỗi em trong một năm học là khoảng bao nhiêu.

Nữ tu M. Dominic Hào:-- À!  Nói về vấn đề này thì thực sự sơ không nắm được.   Thường thì bắt đầu niên học các sơ mua quần áo cho các em, cho mỗi em một đôi dép, chuẩn bị cho các em sách vở, sách giáo khoa.  Những khoản này các sơ hoàn toàn miễn phí cho các em, không lấy một đồng nào cả.   Và các sơ lo cho các em như vậy, từ lớp một đến lớp năm.  Em nào cũng được một bộ sách giáo khoa, tập vở, trừ những em có anh chị trong nhà đã học qua và còn giữ được sách giáo khoa trong tình trạng tốt thì các em ấy để lại cho em mình.  Ngoài ra các sơ cũng có một tiệm nhỏ bán dụng cụ học sinh như tập vở, bút chì, thước kẻ, v.v... Dù đầu năm học các sơ cũng đã phát cho các em, nhưng nếu các em cần thêm thì các em có thể mua với một giá rất rẻ.

Các thầy cô giáo đang soạn quần áo mới để phát cho các em học sinh.

NM:-- Theo như sơ đã kể thì giờ học của các em là vào buổi sáng từ sau 7g cho đến 11g.  Vậy sau giờ đó, ngoài những giờ kinh nguyện, phụng vụ, tham dự Thánh Lễ, các sơ có làm thêm một việc gì nữa để kiếm thêm nguồn tài chánh hầu cải thiện đời sống?

Nữ tu M. Dominic Hào:-- Không đâu cô Như Mai.  Các sơ không còn giờ để mà làm thêm chuyện gì nữa đâu.   Sau khi cho các em ra về thì các sơ có một giờ nghỉ trưa.  Sau đó các sơ đọc kinh chiều, chầu Chúa Giêsu Thánh Thể rồi lần hạt với nhau, rồi sau đó là chuẩn bị đi lễ chiều vì sẽ có một vài sơ bận việc ban sáng chưa đi lễ được.  Ngoài ra, các sơ cũng có một số công tác như đi thăm nom những người già cả bệnh tật neo đơn ở trong vùng.  Mấy chị em chia nhau ra làm việc.  Đến ngày Chúa Nhật các sơ có phát thuốc và phát gạo cho những người nghèo.  Gạo là do Cha cố Phaolô bên nhà thờ cung cấp.  Mỗi tuần có khoảng 150 người nghèo đến xin gạo.  Có khoảng 50 người xin thuốc mỗi tuần.  Có một bác sĩ thực tập và có một cô bán thuốc từ Sài Gòn lên để giúp các sơ khám bệnh và phát thuốc cho những người nghèo.  Riêng đối với các em thì có được đồng nào các sơ lo cho các em đồng ấy, nên nếu nói về chi tiêu thì phải có sổ sách.  Sơ không nắm rõ được vấn đề này.   Nói về hiện tại, các sơ có 6 giáo viên chính thức và ba giáo viên ngoại ngạch gồm hai giáo viên dạy vi tính và một giáo viên dạy Anh Văn.  Đó là dành cho các em lớn học buổi chiều.  Ngoài ra thì sau giờ học các em ăn trưa xong là phải đi bán vé số để kiếm tiền phụ giúp gia đình nên các em cũng không còn giờ nữa.

NM:-- Cám ơn sơ.  Như sơ đã chia sẻ ngay từ lúc đầu, là ngoài công việc dạy chữ, các sơ còn tập cho các em cầu nguyện, giúp các em có một đời sống tâm linh tốt đẹp là mến Chúa yêu người.  Đó cũng là sứ mạng truyền giáo của các sơ là đem Chúa đến cho mọi người qua những thực thi bác ái.   Thế từ trước đến nay có em nào đã được ơn và xin gia nhập đạo công giáo không ạ?

Nữ tu M. Dominic Hào:-- Đây là một vấn để rất tế nhị.  Nói về việc tự nguyện xin gia nhập đạo công giáo thì nhiều em xin lắm.  Thế nhưng các sơ thấy các em còn ở trong gia đình nên các sơ còn phải hỏi ý kiến bố mẹ các em.   Bên cạnh đó có một số em tuy chưa được rửa tội nhưng các em rất ngoan nên các sơ cho các em làm giúp lễ.  Các em này đã được cha mẹ cho phép đi học giáo lý.  Nếu tính tỷ lệ phần trăm trong tổng số các em đang theo học thì chỉ có 1% các em theo đạo công giáo mà thôi.

NM:-- Theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện nay giáo hội công giáo trên khắp thế giới có trên một trăm năm mươi hội dòng.  Những dòng tu cho nữ giới được du nhập và phát triển mạnh ở Việt Nam mà nhiều người biết đến là dòng Nữ Tử Bác Ái, dòng thánh Phao-lô (tức dòng Saint Paul), dòng Mến Thánh Giá, dòng Đa Minh, Phanxicô, dòng kín Cát Minh, v.v..., nhiều lắm không kể hết được.   Nhưng dòng của các sơ là Dòng Đức Bà Truyền Giáo thì it người biết đến.  Vậy xin sơ cho chúng con biết thêm về lịch sử của dòng, và dòng đã được du nhập vào Việt Nam từ khi nào.  Hiện nay trên toàn nước Việt Nam mình có bao nhiêu nhà tu, thưa sơ.

Nữ tu M. Dominic Hào:-- Theo như sơ được biết. Dòng Đức Bà Truyền Giáo là một hội dòng truyền giáo quốc tế do Mẹ Euphrasie Barbier, người Pháp sáng lập từ thế kỷ mười chín.   Bà sinh trưởng ở Caen, thuộc vùng Normandie, Pháp quốc.  Bà xuất thân từ một gia đình trung lưu.   Thời thơ ấu bà được nghe những câu chuyện của các vị linh mục, giám mục thừa sai đi truyền giáo ở các nước Á Châu thì bà tỏ ra rất ngưỡng mộ, và bà đã quyết chí đi tu, dâng mình cho Chúa.     Hiện nay dòng đã có mặt và hoạt động ở trên 24 quốc gia.   Dòng đã có mặt tại Việt Nam ở Phát Diệm (1924) và sau đó là Thanh Hoá (1926).   Sang đến năm 1941 lại có thêm một nhà ở ngay Hà Nội.  Riêng tỉnh dòng Việt Nam các sơ có khoảng 15 nhà, hoạt động cho mục đích chung là thăng tiến đời sống phụ nữ và trẻ em nghèo qua giáo dục và y tế và trang bị những gì cần thiết nhất cho mục đích này.

NM:-- Một câu hỏi ngoài lề, và cũng là thắc mắc của riêng con.   Trước khi nhập dòng, sơ đang là một sinh viên đại học, với một tương lai đầy hứa hẹn.  Thế nguyên do nào đã khiến sơ từ bỏ mọi sự thế gian để mà theo Chúa, sống một cuộc đời âm thầm với nhiều hy sinh vất vả, để phục vụ tha nhân thay vì sống đời sống bình thường của một giáo dân hầu có thể giúp đỡ cho cha mẹ của mình?

Nữ tu M. Dominic Hào:-- (cười) Lạy Chúa tôi!  Chuyện đã xa xưa lắm rồi!  Ngày đó trên đường đi lấy số báo danh để thi tú tài, sơ tình cờ gặp hai bà sơ trên cùng một chuyến xe.  Thấy các sơ hiền lành dễ thương quá, sơ bèn lân la làm quen và xin địa chỉ các sơ.   Sau lần ấy sơ có đến nhà dòng thăm các sơ.   Các sơ rất vui, và hỏi sơ có muốn đi tu không?   Sơ thật thà thưa lại rằng sơ cũng muốn tìm hiểu.  Sau một thời gian cầu nguyện, tìm hiểu hội dòng, và nhất là thuyết phục được ông bà cố, sơ đã chính thức gia nhập dòng Đức Bà Truyền Giáo.  Năm ấy sơ mới được mười chín tuổi rưỡi.  Cho đến nay với tuổi đời 74, sơ đã đi tu được 54 năm.  

NM:-- Tạ ơn Chúa!  Nhân tiện con có điều này muốn hỏi nhỏ sơ.  Con có nghe được từ một người quen biết của sơ.  Chị ấy rỉ tai với con rằng sơ Hào là "con cầu tự" đấy!  Câu nói ngồ ngộ nửa đùa nửa thật của chị làm con không khỏi tò mò muốn biết thực hư thế nào.  Xin sơ giải thích giùm con.

Nữ tu M. Dominic Hào:-- (mỉm cười)  Cách đây 75 năm bố mẹ sơ có đông con trai.  Bà cố có một lần song thai là hai chị gái của sơ, nhưng các chị chết từ khi còn rất nhỏ.  Sau đó mẹ sơ sinh toàn con trai.  Bố mẹ sơ rất là mong có được một đứa con gái.  Thế rồi bố mẹ sơ đã nhờ một bà ở trong làng đi bộ đến tận vùng núi ở Thanh Hoá.  Ở đấy nghe đồn có một vị linh mục rất thánh thiện tên là Cha Trưởng.  Cha sống ẩn dật ở trên núi.  Trên núi ấy có mười bốn chặng Đàng Thánh Giá.   Nghe đâu đã có rất nhiều người, lương cũng như giáo, đến xin Cha cầu nguyện và đã được ơn.  Thời bấy giờ không có xe đò đi Thanh Hoá nên chỉ có một cách duy nhất là cuốc bộ.   Bà cụ đã chuẩn bị những mo cau đựng cơm nắm muối mè, bà đi bộ ròng rã mấy ngày trời mới đến được vùng núi non Thanh Hoá để gặp vị linh mục ẩn tu.   Khi trở về bà kể lại rằng sau khi bà thưa chuyện với Cha và xin Cha cầu nguyện,  Cha đã sấp mình trước tượng Đức Mẹ và bà nghe thấy Cha chỉ đọc có một nửa kinh Kính Mừng thôi, nửa sau không nghe thấy tiếng ai đọc cả.  Cha cứ đọc như vậy cho đến khi Cha lần xong một chuỗi Mân Côi.   Sau đó Cha trở lại và bảo bà cứ về nhà và thưa lại với gia đình để gia đình yên trí vì sẽ sinh được một bé gái như ý muốn.  Cha còn dặn khi sơ được 12 tuổi thì gia đình nhớ đem sơ vào nhà thờ để dâng con cho Chúa.   Một thời gian ngắn sau đó mẹ sơ đã mang thai và sinh ra sơ.  Tạ ơn Chúa hồi nhỏ sơ rất dễ nuôi, chả bao giờ biết đau ốm bệnh tật là gì.  Đến năm sơ 13 tuổi mới lần đầu tiên biết thế nào là ấm đầu, nóng sốt.  Những năm tháng của thời thơ ấu ấy thật hồn nhiên.  Sơ cũng quên mất chuyện mình là "con cầu tự".  Cho đến khi nghe gia đình kể lại câu chuyện rằng để có được mình, bố mẹ sơ đã phải nhờ người lặn lội đi đến một nơi hẻo lánh xa xôi để cầu khẩn lòng thương xót của Chúa.  Và rồi khi lớn lên Chúa lại đoái thương đến mình  ban cho ơn gọi sống cuộc đời tu trì.  Xét ra thì tất cả những diễn biến trong cuộc đời mình từ trước đến nay đều là hồng ân mà Chúa đã thương ban cho riêng cá nhân sơ.

NM:-- Cám ơn sơ rất nhiều đã chia sẻ một câu chuyện hết sức cảm động về ơn lành Chúa ban qua lời cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.  Đây là một tin vui chẳng những cho gia đình ông bà cố, mà còn cho cả giáo hội công giáo Việt Nam vì đã được Chúa ban cho một tông đồ truyền giáo rất nhiệt thành.
Trong những lần đọc kinh chung với nhóm cầu nguyện, con và mọi người đã được nghe sơ chia sẻ những cảm nghiệm về ơn lành Chúa ban qua bàn tay can thiệp của Đức Mẹ.    Giờ đây xin sơ vui lòng kể lại một cảm nghiệm về phép lạ mà chính sơ là người trực tiếp thọ ơn.

Nữ tu M. Dominic Hào:-- Câu chuyện sơ sắp kể với con đây xảy ra đã lâu lắm rồi, lúc còn ở quê mãi ngoài miền Bắc, mấy năm trước ngày di cư vào Nam.  Năm ấy sơ mới được bẩy tuổi.  Hôm ấy sơ cùng các bạn đang đi chơi ở trên một con đê trong làng.   Lũ bạn rủ nhau xuống sông tắm.  Sơ nhớ là dòng sông ấy nước chảy xiết vô cùng.   Lúc bấy giờ sơ có hai anh trai, mẹ sơ chưa sinh thêm em.  Sơ còn đang dùng dằng nửa muốn đi, nửa muốn về nhà vì bố sơ mới đi Hà Nội về mua cho một ít đồ chơi xinh lắm.  Đồ chơi lại để ở nhà.  Ấy thế mà chúng bạn nhất mực rủ mình đi lội nước trên một dòng sông chảy xiết.   Vừa xuống nước sơ thấy mình lập tức bị trôi theo dòng nước cuốn dập dìu.  Các bạn sơ cũng thế.  Nhưng chúng may mắn bám được vào mấy bụi cỏ lau nên chúng leo lên được bờ.  Còn một mình sơ tiếp tục trôi.  Trôi mãi, nước ngập tới cổ, sơ đã mấy lần toan mở miệng lớn tiếng kêu cầu :"Cứu tôi với!" Nhưng mỗi lần mở miệng thì nước nó lại dìm mình xuống rồi,  cho đến một lúc không còn giữ được thăng bằng nữa, và sơ đã cố giữ mình để khỏi uống nước, thì sơ thấy hai chân mình chạm xuống đáy sông.  Ngay lúc ấy sơ sờ vào cổ mình, nơi có mẫu ảnh Đức Mẹ Ban Ơn mà mẹ sơ đã đeo cho.  Sơ thầm bảo với Mẹ :"Mẹ ơi, cứu con với!"  Sơ vừa nói câu ấy xong thì có một anh nhẩy xuống túm ngay được cái cẳng chân của sơ.  Cứ thế, anh ấy kéo sơ lên. Lúc bấy giờ mọi người đều nghĩ rằng sơ đã chết, hoặc nếu chưa chết thì chắc hẳn cũng đã uống nước no.  Mọi người nhao cả lên.  Có tiếng la :"Dộng đầu nó xuống để cho ọc nước ra!"  Khi anh thanh niên cõng sơ lên được đến đê thì sơ buột miệng trách móc lũ bạn sao lại đẩy mình đi ra xa thế kia.   Khi nghe thấy sơ mở miệng nói bằng một giọng rất bình thường thì mọi người biết rằng sơ đã không bị uống nước.   Qua kinh nghiệm này, sơ dám quả quyết đây là phép lạ một trăm phần trăm của Đức Mẹ đã cứu sơ, vì lúc đó nếu sơ chui cống để sang phía bên kia thì sẽ trúng mìn do Tây gai bẫy.   Thành thử đằng nào cũng sẽ chết, không chết đuối thì cũng chết vì mìn. 

NM:-- Thật là một phép lạ của Đức Mẹ đã cứu sơ qua tượng ảnh Đức  Mẹ sơ đeo bên mình.  Con tin chắc rằng sơ đã được Mẹ ra tay cứu vớt trong giờ phút nguy nan.   Được biết mấy tuần vừa qua sơ đã có dịp đi du ngoạn và thăm viếng những thành phố lớn của tiểu bang California cũng như một số tiểu bang khác của Hoa Kỳ, những nơi có người Việt Nam tập trung đông đảo.   Qua những lần tiếp xúc với tu sĩ và giáo dân sơ có nhận xét gì về những sinh hoạt sống đạo của giáo dân Việt Nam hải ngoại.   Có kẻ cho rằng người Việt Nam tại hải ngoại nói chung đều may mắn có một cuộc sống ổn định về vật chất cũng như về mức độ an sinh.   Điều đó dễ khiến người ta có thái độ tự mãn và mất dần đi thói quen cầu nguyện.  Trong khi đó rất nhiều bà con giáo dân trong nước phải chật vật trong vấn để mưu sinh.   Thế mà họ vẫn sống đạo rất tốt, vẫn giữ vững đức tin.   Riêng sơ nghĩ sao về điều này?

Nữ tu M. Dominic Hào:-- Đây là lần thứ hai sơ đến thăm Hoa Kỳ.  Lần trước khi sang đây sơ có đi thăm mộ của bố sơ ở trên San Jose.   Lần này sơ sang cũng được đi thăm gia đình các anh em của sơ ở trên ấy.  Sơ có dịp tiếp xúc với các cộng đoàn công giáo ở đây và thấy rằng họ rất là sốt sắng, họ yêu mến Thiên Chúa và họ được tự do để hành đạo.  Đó là một điều rất quý.   Sơ đã có dịp tham dự những buổi cầu nguyện với nhóm Cursillo và với nhóm cầu nguyện ở ngay tại tư gia của chị Quý - Lan.  Ở Việt Nam thì khó lòng có những buổi cầu nguyện tự do tại nhà như thế.  Sơ cũng được dịp tham dự những buổi cung nghinh Đức Mẹ tại đại hội Thánh Mẫu ở Missouri.  Phải nói là rất tuyệt vời!  Biết bao nhiêu là linh mục nữ tu từ khắp nơi trên thế giới đổ về.   Và giáo dân thì đông vô kể.  Người ta dựng lều, đóng bạt ngủ lại giữa mùa hè nắng nôi như thế.   Người ta chen chân vào để nghe những bài giảng.  Khắp hội trường đông nghẹt không còn chỗ đứng.  Họ đến để tôn vinh Thiên Chúa, không quản ngại đường xa và cái nóng gay gắt của mùa hè.   Tất cả đã tạo nên trong sơ một ấn tượng tuyệt vời về niềm tin và tinh thần sống đạo của người Kitô hữu.   Nhìn lại đất nước mình sơ thấy khó lòng mà tổ chức được những buổi đại hội long trọng và quy mô như thế, với tổng số linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân lên đến tám, chín chục ngàn người.   Những trung tâm hành hương ở Việt Nam như Núi Cúi, La Vang cũng rất đông khách hành hương, nhưng sơ nghĩ rằng ở bên này vẫn đông hơn nhiều vì bà con mình ở khắp nơi trên thế giới cũng như các tiểu bang xa xôi đổ về, và đất nước Hoa Kỳ thì rộng mênh mông, có tiểu bang lớn bằng nước Việt Nam của mình, phải đáp máy bay để tới.   Thành thử nếu nói về lòng đạo đức mà Thiên Chúa ban cho thì ở đâu cũng vẫn có chung một lòng yêu mến thờ phượng Thiên Chúa và tôn sùng Đức Mẹ như nhau.  Có khác chăng là đồng hương hải ngoại mình được tự do để làm những gì mình muốn trong các sinh hoạt tôn giáo, điều kiện để thi hành sứ vụ cũng dễ dàng hơn.  Trái lại ở Việt Nam thì phải qua thủ tục xin phép.  Và những giáo dân nghèo thì chẳng lấy đâu ra tiền để mà đi hành hương.   Nói chung khách quan nhìn vào khó mà có thể nói được rằng vẫn còn những sự khó khăn và bất toàn xảy đến cho giáo hội Việt Nam, vì người ta chỉ nhìn thấy những đoàn người lũ lượt đổ về những trung tâm hành hương lớn như Núi Cúi, Tà Pao, La Vang, Trà Kiệu, Đức Mẹ La Mã Bến Tre  v.v... Những cơ sở hành hương này đều phải xin giấy phép.  Lại nữa, sự khó khăn thay đổi theo mức độ chẳng hạn như Sài Gòn sẽ khác một số vùng hẻo lánh xa xôi ... Phải sống ngay trên đất nước thì mới thấy và hiểu được.  Ngay chính bản thân sơ cũng đã từng nghe những chuyện làm mình phải suy tư nghĩ ngợi.   Khi ở đây thế này, lúc chỗ nọ thế kia, và sơ cũng còn chưa thấy và chưa biết hết được nguyên do của những sự khác biệt về mức độ cho phép tự do tín ngưỡng hoặc sự thiếu đồng nhất của nhà nước trên mỗi địa phương.   Xin quý vị đồng hương hải ngoại hiệp ý với đồng bào trong nước để cầu nguyện cho quê hương và nhất là cầu nguyện cho giáo hội Việt Nam sớm có được tự do tôn giáo.

NM:-- Các sơ dạy học như thế này, trong khuôn viên của nhà dòng.  Vậy nếu mình treo ảnh Chúa, Mẹ thay vì ảnh chân dung lãnh tụ, các sơ có bị nhà nước làm khó dễ không ạ? 

Nữ tu M. Dominic Hào:-- Có lần các anh ở trong bộ thương binh xã hội cũng chất vấn các sơ rằng :"Sao các chị lại treo nhiều biểu tượng tôn giáo thế này?"  Sơ liền trả lời các vị ấy một câu, rằng :"Các anh này hay nhỉ, chùa không có bụt sao gọi là chùa?  Đây là phần đất của nhà dòng, trên phần đất thuộc quyền sở hữu của nhà dòng, chúng tôi đương nhiên có quyền treo biểu tượng tôn giáo.  Còn nếu các anh không muốn thì các anh hãy trả lại những cơ sở vật chất để các sơ làm trường học cho các em.  Như thế thì sẽ không có những biểu tượng tôn giáo nữa."  Nói vậy có nghĩa là họ vẫn luôn tìm cách gây khó dễ cho mình, nhưng nếu mình  biết cách trả lời thì họ cũng chẳng làm gì được mình.

NM:-- Cám ơn sơ đã chia sẻ.  Qua câu chuyện này con học được bài học về hoa quả tình yêu từ tinh thần hăng say phục vụ tha nhân của các sơ, mà cụ thể là công tác giáo dục và thăng tiến đời sống của những trẻ em nghèo bất hạnh ở Việt Nam.   Xin sơ cho chúng con địa chỉ và số điện thoại của nhà dòng để chúng con tiện việc liên lạc, để chúng con có dịp chia sẻ, tiếp tay với các sơ trong việc nuôi dạy các em học sinh của mái ấm tình thương Thanh Tâm.

Nữ tu M. Dominic Hào:-- Sơ xin lỗi.  Lần này sơ sang Mỹ với tư cách đi thăm gia đình.   Hơn nữa sơ cũng đã nghe rất nhiều chuyện kể về những ông Cha, bà Sơ sang bên này là cứ đi xin tiền.   Điều này có làm cho sơ cảm thấy xấu hổ và rất là ngại khi mở lời, vì sơ không muốn mình cũng bị mang tiếng là các Cha, các sơ ở Việt Nam hễ tới nhà ai là: "Đấy! Lại xin tiền!"   Với những người có lòng với tha nhân và sẵn sàng giúp đỡ thì khác.  Nói chung sơ rất là ngại.  Vì thế sơ chỉ cầu nguyện với Chúa :"Lạy Chúa!  Con không có dám mở miệng ra mà xin ai đâu... Ai cảm thấy giúp đỡ được thì xin Chúa gởi họ đến với chúng con."  Mong rằng các bạn là những cánh tay nối dài của các sơ.   Các bạn giúp được cái gì là quý cái đó dù chỉ là một đồng.  Không sao hết!  Đồng này nối tiếp đồng kia, tích tiểu thành đại.  Với sự giúp đỡ của những tấm lòng quảng đại qua sự quan phòng của Thiên Chúa, các sơ lại có điều kiện để giúp cho các em.  Sơ nói vậy để cô Như Mai hiểu rằng chuyện xin xỏ là một vấn đề hết sức tế nhị.  Sơ không dám đâu.

NM:-- Vâng, con hiểu.  Nhưng nếu trong một tương lai gần, cá nhân con hoặc những người bạn của con sẽ đi về Việt Nam và muốn đến thăm trường học, thăm các sơ và các em học sinh, ít ra sơ cũng vui lòng cho chúng con xin địa chỉ và số điện thoại để còn biết đường mà đến chứ!

Nữ tu M. Dominic Hào:-- (cười) Hiện giờ thì sơ đang ở xứ Tân Thông, dòng Đức Bà Truyền Giáo.  Địa chỉ số 94 Liêu Bình Hương, ấp Tân Tiến, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.  Sơ không nhớ số điện thoại nhà.  Số điện thoại cá nhân của sơ là 098 6452444.  Nếu quý vị và các bạn nào có về Việt Nam mà muốn đến thăm các cháu học sinh của trường tình thương Thanh Tâm để nâng đỡ tinh thần các cháu, các sơ rất hoan nghênh và rất vui được tiếp đón quý vị.   Hãy đến với Củ Chi để các sơ được đãi món dặc sản là củ mì ... Củ mì luộc nhé! (Cười).  Các sơ cùng với các em rất vui được tiếp đón tất cả quý vị bốn phương đến thăm mảnh đất Củ Chi tuy nghèo nàn bé nhỏ nhưng đầy ắp tình người.  Các sơ và các em học sinh luôn nhớ đến các ân nhân của mình trong những lời kinh nguyện.  Xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ đồng trinh, ban nhiều phúc lành cho quý ân nhân và gia đình.  Sơ cũng nhờ cô Như Mai chuyển lời cầu chúc bình an của sơ tới quý ông bà và các anh chị em ở trong nhóm cầu nguyện mà sơ đã có dịp gặp ở nhà chị Quý Lan, cả những người bạn của cô Như Mai mà sơ chưa có dịp gặp gỡ.  Xin Chúa chúc lành cho các bạn và gia đình của các bạn.

NM:-- Con cám ơn sơ.  Chúc sơ được nhiều sức khỏe và tâm hồn luôn bình an để sơ tiếp tục thi hành sứ mạng Chúa trao qua những việc làm bác ái yêu thương.   Thay mặt gia đình, quý ân nhân cùng các anh chị em bạn hữu xin chúc các sơ, thầy cô giáo, các thiện nguyện viên, và nhất là các em học sinh một năm học mới vui tươi với nhiều thành công tốt đẹp. 

Garden Grove, 15/9/2016
Therese Nguyễn


Địa chỉ liên lạc

Nữ tu Maria Dominic Nguyễn Thị Hào, RNDM
94 Liêu Bình Hương, ấp Tân Tiến, xã Tân Thông Hội -- Củ Chi, Việt Nam
Số điện thoại di động : 011-84-098-645-2444
Địa chỉ email: dominichao1@gmail.com

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Xin Giúp Đỡ Bà Con Nhân Dân Vùng Trũng Lũ Hương Khê - Lm Gb.nguyễn Huy Tuấn (11/30/2016)
Xin Giúp Gạo Và Chăn Ấm Cho Người Nghèo Trong Mùa Giáng Sinh (11/29/2016)
Xin Giúp Đỡ Dân Nghèo Bị Lũ Lụt Miền Trung Vn, Lm Nguyễn Văn Tâm (11/17/2016)
 thư Ngỏ Xin Xây Nhà Xứ Nước Trời (10/31/2016)
Xin Giúp Gạo Cứu Đói Cho Dân Nghèo Tại Thanh Yên, Thanh Chương, Nghệ An, Cha Nhàn (10/30/2016)
Tin/Bài khác
Giúp 4 Tỉnh Miền Trung Có Nạn Cá Chết (9/12/2016)
Tâm Tình Của Tân Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Sàigòn Việt Nam (8/27/2016)
Xây Nhà Lưu Xá, Giáo Phận Phát Diệm, Việt Nam (8/9/2016)
Giúp Nuôi Trẻ Bị Bỏ Rơi Và Bảo Vệ Sự Sống (8/7/2016)
Xin Giúp Nguời Phong Cùi Tại Gp Kontum, Việt Nam (8/16/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768