MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Lo Ngại Động Đất Ở Nam California Tăng Theo Thời Gian
Thứ Sáu, Ngày 6 tháng 5-2016
Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Tại Hội Nghị Quốc Gia Về Ðộng Ðất tổ chức ở Long Beach hôm Thứ Tư, một chuyên gia hàng đầu về động đất cảnh báo rằng hệ thống đường nứt San Andreas trong vùng Nam California đã bị dồn nén tối đa và sẵn sàng bùng phát, nghĩa là một trận động đất rất lớn có thể sẽ xảy ra vào bất cứ lúc nào.

Giải thích theo địa chất học, bên dưới mặt đất, vỏ trái đất không phải là một lớp lành lặn, mà nứt vỡ thành rất nhiều mảnh được gọi là mảng kiến tạo. Các mảng kiến tạo chuyển động rất chậm nhưng không lúc nào ngừng, và động đất là do sự va chạm xô đẩy lẫn nhau giữa các mảnh ấy. Vì vậy, một vụ động đất bao giờ cũng xảy ra tại đường ranh giới giữa các mảng kiến tạo, được gọi là “fault” tiếng Anh. Thuật ngữ địa chất tiếng Việt gọi là đường nứt hay “phay,” phiên âm từ “faiile,” trong tiếng Pháp.


Bản đồ bốn đường nứt ở California, (1) San Andreas, (2) San Jacinton, (3) Elsinore, và (4) Imperial. (Hình: earthquakecountry.org)

San Andreas là một đường nứt lớn nằm dưới lòng đất California, chạy dài khoảng 800 dặm từ phía Nam hồ nước mặn Salton Sea, San Diego County, qua Palm Spring, San Bernardino, Central Valley lên tới San Francisco và ra biển gần Eureka.

Ðường nứt San Andreas thuộc loại “đứt gãy chuyển dạng” (transform fault), theo địa chất học là không phá hủy hay làm biến dạng vỏ trái đất, vì đây là ranh giới giữa hai mảng kiến tạo có chuyển động trượt bên nhau. Mảng Thái Bình Dương chuyển động về hướng Tây Bắc và mảng Bắc Mỹ đi về phía Ðông Nam, nhưng chuyển động như thế có thể không trơn tru, khi hai mảng bị “mắc kẹt” vào nhau ở một chỗ nào đó, khiến cho sức xô đẩy níu kéo tăng dần, tới một lúc không chịu đựng nổi sự dồn nén nữa sẽ bùng phát thành đổ vỡ và động đất.

Cho đến nay khoa học có khả năng phát hiện tình trạng dồn nén giữa hai mảng kiến tạo, nhưng không thể biết lúc nào đổ gãy sẽ xảy ra, và vì vậy không dự đoán được thời điểm có động đất. Ðã có rất nhiều nỗ lực tìm kiếm phương cách dự đoán động đất một cách gián tiếp, chẳng hạn theo dõi những biến đổi của mặt đất và sông suối trong vùng, quan sát phản ứng thiên bẩm của các loài động vật từ chim muông cho tới sâu bọ, chưa kể bằng lý luận khoa học huyền bí. Tuy nhiên, tất cả những phương cách ấy không có cơ sở khoa học và không có giá trị đáng tin cậy.

Những chuyển động trong vỏ trái đất rất chậm và mọi hiện tượng về địa chất phải tính theo thời gian hàng ngàn hay triệu năm chứ không phải bằng tháng hay năm trong đời sống của mỗi con người. Dự đoán động đất chỉ dựa theo thống kê và không có công thức kết luận hoàn toàn chắc chắn. Vì vậy, người ta phải bằng lòng với thực tế là biết có những nguy hiểm sẽ xảy ra, nhưng không nên quá bận tâm lo lắng về chuyện khi nào xảy ra.

Tại hội nghị ở Long Beach, ông Thomas Jordan, giám đốc Trung Tâm Ðịa Chấn California, nói rằng: “Ðường nứt San Andreas đã ngủ yên từ lâu, quá lâu. Ðịa chấn cuối cùng xảy ra ở phần phía Nam của đường nứt này là năm 1857. Ðó là trận động đất 7.9 độ Richter trên một đoạn dài 185 dặm giữa Monterey County và San Gabriel Mountains gần Los Angeles. Như vậy, chắc chắn sức dồn nén tích tụ ở nhiều đoạn trong hệ thống đường nứt San Andreas tới nay đã rất lớn và do đó nên cảnh giác.”

Ông cho biết: “Các lò xo của đường nứt San Andreas đang bị nén xuống rất, rất chặt. Và đặc biệt khu vực phía Nam của đường nứt San Andreas coi như đã sẵn sàng để bung ra bất cứ lúc nào.”

Những phần của đường nứt San Andreas được coi như trong tình trạng dồn nén tới cao độ là ở phía Ðông Nam đèo Cajon Pass, cao gần 4,000 feet trên xa lộ 15 từ đi Barstow, đoạn thuộc San Bernardino County, và xa hơn nữa về phía Ðông Nam, khu vực Salton Sea. Những đoạn nứt này đã tương đối yên lặng kể từ khoảng hơn 300 năm không thấy chuyển động kể từ sau trận động đất năm 1812.

Các khoa học gia ghi nhận là trong chuyển động tương đối giữa hai mảng kiến tạo Thái Bình Dương và Bắc Mỹ, trung bình khoảng 16 feet mỗi thế kỷ, “nên” có một trận động đất để giảm bớt sức dồn nén. Nhưng đường nứt San Andreas không giải tỏa bớt sự dồn nén đã tích tụ từ hơn 100 năm nay, và người ta lo ngại sắp tới có thể có một trận động đất mạnh tới trên 7.5 độ Richter.

Năm 2008, một cuộc nghiên cứu của cơ quan thăm dò địa chất Mỹ (USGS) cho hay một trận động đất 7.8 độ Richter ở phía Nam đường nứt San Andreas có thể làm thiệt mạng 1,800 người, bị thương 50,000 người và thiệt hại vật chất khoảng $200 tỷ, ngoài ra hệ thống cống thoát nước bị gián đoạn sáu tháng mới tái lập được.

Ðể so sánh, trận động đất Fort Tejon 7.9 độ Richgter năm 1857 rung động kéo dài từ 1 đến 3 phút. Tên gọi này không đúng lắm, vì như đã đề cập ở trên, nó xảy ra suốt một đoạn dài 185 dặm của đường nứt San Andreas từ Monterey đi xuống phía Ðông Nam. Fort Tejon cách Los Angeles khoảng 30 dặm ở đầu phía Bắc của đèo Tejon Pass cao 4,000 foot, trên xa lộ 5 đi Sacramento, không hẳn là trung tâm động đất. Chấn động mạnh làm ngã đổ cây cối từ khu vực Ðông Fort Tejon cho tới Stockton.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Cn 3513: Đức Mẹ Hiện Ra Tại Cuapa, Nicaragua, Nam Mỹ (2) (5/11/2016)
Hai Lời Kinh Dâng Giáo Hội Và Đất Nước Việt Nam Cho Đức Mẹ Maria (5/10/2016)
Cn 3508: Xin Chúa Chúc Phúc Cho Các Bà Mẹ (5/8/2016)
Mẹ Cười (5/8/2016)
Thơ Tháng Năm Kính Nhớ Mẹ Maria (5/7/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Mười Thương Kính Dâng Thánh Mẫu (5/6/2016)
Cn 3505: Xin Đức Mẹ Cứu Nước Việt Nam (5/6/2016)
Cn 3203: Con Chịu Đau Khổ Đề Đền Tạ Trái Tim Mẹ (5/6/2016)
Cn 3502: Đức Mẹ Hiện Ra Khắp Nơi Vì Yêu Nhân Loại (5/6/2016)
Tin/Bài khác
Tháng Hoa Dâng Mẹ (5/3/2018)
Lịch Sử Bức Ảnh Những Giọt Lệ Đức Mẹ Từ Thành Syracuse (5/5/2016)
Cn 3501: Đức Mẹ Hiện Ra Tại Nicaragua (1) (5/5/2016)
Tinh Khôi Mai Côi (5/2/2016)
Đ​ề Nghị Sốt Sắng Lần Chuỗi Kinh Mân Côi (5/1/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768