MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bài Lời Chúa 43: Vai Trò Nữ Giới
Thứ Tư, Ngày 10 tháng 2-2016
BÀI LỜI CHÚA 43

Vai trÒ nỮ giỚi

Trích Tin Mừng Thánh Gioan 2.1-11

Có tiệc cưới tại Ca-na xứ Ga-li-lê, thân mẫu của Đức Giêsu có mặt. Đức Giêsu và các môn đồ của Ngài cũng được mời dự tiệc. Khi thấy họ hết rượu, thân mẫu Đức Giêsu mới nói với Ngài:

-    Họ không có rượu nữa !

Đức Giêsu đáp :

-    Thưa Bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến!

Thân mẫu Ngài nói với các người hầu :

-    Ngài có bảo gì, các anh hãy làm theo !

Ở đó, có đặt sáu chum bằng đá dùng vào việc tẩy rửa theo tục lệ Do thái, mỗi chum chứa khoảng 80 đến 120 lít nước. Đức Giêsu bảo họ :

-    Các anh đổ đầy nước vào chum !

Và họ đổ đầy tới miệng. Ngài nói với họ :

-    Bây giờ, các anh múc đem cho ông quản tiệc.

Khi ông quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu, mà không biết rượu từ đâu ra ….

Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na, miền Ga-li-lê để bày tỏ vinh quang của Ngài ra, và các môn đệ đã tin vào Ngài.

*   Đó là Lời Chúa ! - Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Vì đâu, trải dài bao nhiêu thế kỷ, người phụ nữ chịu không biết bao nhiêu thiệt thòi ?

Lý do thứ nhất : Là vì người đời không có cái nhìn đúng đắn về phụ nữ. Lấy tỉ dụ : người xưa có câu : “Trai thì năm thê bảy thiếp”. Quan niệm ấy hạ giá phụ nữ xuống chỉ còn là kẻ sinh con đẻ cái, cho gia đình chồng có kẻ nối dõi tông đường, hoặc để có kẻ làm lụng đồng áng. Hình như lối suy nghĩ ấy nay vẫn còn tồn tại. Thời mới với luồng văn minh Tây phương bắt nguồn từ Kitô giáo, thân phận người phụ nữ đã được nâng lên, giá trị họ đã được đề cao, nhưng mặt trái của nó lại là truyền sang lối ăn chơi Âu Mỹ, phụ nữ lại bị nhìn dưới góc cạnh tình dục xác thịt, coi họ như đồ chơi, hoặc đối tượng thỏa mãn...

Lý do thứ hai : Chính phụ nữ cũng chưa nhìn nhận đúng về vai trò và giá trị của mình. Trong vở tuồng, một diễn viên không đóng đúng vai trò của mình là diễn viên tồi, vở tuồng thành ra nhạt nhẽo, vô vị. Chẳng hạn vai cô gái bị nạn đáng thương, nếu diễn mà lời ca còn chưa não nuột, nét mặt chưa sầu khổ, cử chỉ còn vụng về, chưa làm cho khán giả cảm xúc, ứa lệ khóc theo mình, là chưa đóng trọn vai trò. Cũng vậy, không nhận định cho đúng vai trò của mình, thì trên sân khấu cuộc đời, người phụ nữ không thể làm cho người xung quanh họ và ngoài xã hội thấy được vai trò của họ, thấy được tất cả cái kho tàng phong phú và quí báu của “thiên tài nữ tính” trong họ, sự đóng góp tích cực và không thể thay thế được về lòng nhân ái, về sự dịu hiền, sự tế nhị, lòng cảm thương... trong sinh hoạt gia đình và xã hội.

Bài suy niệm Lời Chúa hôm nay chỉ nêu ra một hai khía cạnh xét ra có vẻ đáng lưu tâm hơn cả về vai trò nữ giới. Nhờ bài Tin Mừng đọc trên kia chúng ta thấy gì ?

Câu đầu tiên là : “Có một tiệc cưới ở Ca-na. Trong tiệc ấy có Mẹ Đức Giêsu ở đó. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời”. Thế nghĩa là Đức Maria có mặt. Đó là sự hiện diện của một phụ nữ, và hiện diện bên cạnh Chúa Giêsu.

Hội Thánh luôn luôn coi Đức Mẹ là bà Eva mới, phụ tá bên cạnh Đức Giêsu là Ađam mới. Điều ấy làm ta nhớ đến bài kỳ trước : Ađam nguyên tổ đã buồn bã biết bao, vì thiếu người bầu bạn tương xứng. Và từ đó, ta đã xét rộng ra và đặt câu hỏi : Nếu thế giới mà thiếu phụ nữ thì sẽ ra sao ? Trong gia đình thiếu mẹ, thiếu chị sẽ buồn tẻ thế nào ! Vậy có bao giờ chúng ta dâng lên Thiên Chúa một lời cảm tạ, vì Chúa đã ban một hồng ân vô giá : là những phụ nữ làm người mẹ, người chị, người em gái bên cạnh đời ta không ? Đừng vội nghĩ đến những phụ nữ làm ta đau khổ. Khoan ! Đấy là chuyện sau, khi họ không đóng đúng vai trò của họ. Hãy nghe tiếng reo mừng biết ơn của Ađam trong vườn địa đàng khi Thiên Chúa dẫn Eva đến cho ông. Trước đó, ông buồn vì thiếu vắng một người bầu bạn tương xứng, cho dù ông có cả vườn địa đàng, cây cỏ tốt tươi, hoa trái ngon ngọt, các loài cầm thú cui mắt. Có phải Ađam thiếu đồng chí để tính công chuyện làm ăn, để xây dựng nhà cửa, để vui chơi đâu ? Nếu thế, Thiên Chúa đã dựng cho Ađam một người đàn ông nữa. Không ! Ađam thiếu một người bạn trợ giúp và bổ túc cho bản thân ông, với những tính dịu dàng, hiền hậu, kiên nhẫn và đầy yêu đương. Vì thế Chúa đã dựng cho ông một người phụ nữ !

Bước sang phần hai, ta đặt câu hỏi : Có mặt trên đời, phụ nữ đóng vai trò nào ?

Để dẫn giải, ta lấy đoạn Tin Mừng và ta mượn Thông điệp của Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II bàn về “Mẹ Đấng Cứu Thế (số 21), Ngài viết : “Khi thấy họ hết rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Chúa. Nhưng cho dù câu trả lời của Đức Giêsu có thể được Đức Mẹ hiểu như một lời từ chối, hay ít ra một lời nói có ý bí nhiệm sâu xa, Đức Mẹ vẫn cứ bảo với các người hầu : ‘Ngài nói gì, các anh cứ việc làm theo !’.Và chúng ta biết Đức Giêsu sau đó đã hóa nước lã thành rượu hảo hạng, ngon hơn hẳn thứ rượu đã đãi tiệc lúc trước. Giữa Đức Giêsu và thân mẫu Ngài thực là tâm đầu ý hiệp... Trong biến cố vừa xảy ra, vai trò của Đức Mẹ được phác họa rõ ràng với một ý nghĩ mới, đó là việc Mẹ quan tâm tới loài người, Mẹ đoán trước thấy mọi nhu cầu và thiếu thốn của họ.”

Như lời Đức Giáo Chủ nói, nếu không có Mẹ Maria, phép lạ hôm đó không xảy ra. Vậy chính Đức Maria đã đóng góp vào việc ấy cách tích cực, kết quả là vinh quang cho Thiên Chúa, và vui vẻ, hạnh phúc cho loài người.

Nhìn vào Đức Mẹ, phụ nữ thấy ngay vai trò của mình :

Thứ nhất : Đức Mẹ quan tâm tới loài người và mọi nhu cầu của họ : Người phụ nữ cũng vậy. Người phụ nữ là người trời sinh ra không để sống cho mình, song là để quan tâm, lo lắng và săn sóc cho người khác. Người đời thường coi phụ nữ là phái yếu, “chân yếu, tay mềm”, đúng, nếu xét theo sức mạnh cơ bắp, nhưng chính cái mềm yếu ấy lại là điều kiện sinh lý để họ có thể làm mẹ sinh con…(tất cả mỗi người chúng ta dù là ông vua bà chúa, anh hùng cái thế hay bạch đinh bần cùng… đều cũng từ đó mà ra…) ; và cũng lại là điều kiện phát sinh tâm lý làm họ dịu dàng, biết quan tâm, lo lắng, săn sóc và đầy tình thương …, mà nếu không có những cái đó, thế giới này sẽ là thế giới khốn khổ không sống nổi !

Nhưng muốn quan tâm thì phải có quan là nhìn, tức là có con mắt - con mắt nhìn - và phải có tâm là tâm hồn biết thương yêu và lo lắng; vậy quan tâm là con mắt nhìn và để ý, để tâm lo lắng. Nhiều người có mắt mà chẳng thấy gì, chẳng thấy cái khổ, cái đau của người khác ; vì họ chỉ nhìn thấy có mình họ, các quyền lợi và sở thích riêng họ. Người ích kỷ không thấy ai ngoài mình. Người phụ nữ phải là người có đôi mắt để thấy. Người đời luôn ca tụng vẻ đẹp của đôi mắt phụ nữ, nhưng thiết tưởng đôi mắt đẹp nhất là đôi mắt biết nhìn thấy các khổ đau mà cứu giúp. Chị em phụ nữ nào có đôi mắt chỉ nhìn vào mình, vào quyền lợi ích kỷ của mình, họ chưa đóng đúng vai trò của họ trên đời.

Thứ hai : Đức Giáo Chủ còn cho biết Đức Mẹ trình bày nhu cầu loài người với Chúa Giêsu : “Mẹ đoán trước các nhu cầu của con người, nghĩa là đồng thời đưa chúng vào ánh sáng của sứ mạng thiên sai và quyền lực cứu độ nơi Đức Kitô. Vậy, ở đó có một sự môi giới. Đức Maria đứng giữa Con Mình và loài người trong cảnh sống đầy thiếu thốn, nghèo túng và khổ đau..., và với tư cách là Mẹ, Đức Maria khẩn cầu cho loài người”.

Chị em phụ nữ cũng vậy, khi đã nhìn thấy các nhu cầu của người chung quanh, từ trong nhà cho chí ngoài xã hội, thì đứng ra làm môi giới: trước hết là trình bày ra cho ai có quyền, có khả năng, rồi xin họ ra tay giúp đỡ, hoặc giải quyết vấn đề. Nhờ đó, biết bao nhiêu vấn đề đau thương, bao nhiêu tệ nạn xã hội được sửa chữa, chấn chỉnh... Tin tức báo chí đã cho thấy nhiều gương mặt phụ nữ đời nay đã thi hành những công việc tốt đẹp ấy cách rất hiệu quả …!

Ít ra, chị em phụ nữ hãy bắt đầu vai trò môi giới, tức là trình bày và cầu bầu trong phạm vi nhỏ hơn, như gia đình, xóm đạo, xứ đạo đi ! Biết bao điều đang cần đến chị em. So sánh vai trò của Đức Mẹ với vai trò của Bà Eva, các giáo phụ đã thốt lên: “Bởi Eva thì xảy đến sự chết, còn bởi Maria thì có sự sống”. Vì Eva nhẹ dạ, nghe lời con rắn lừa dối, nhìn lên quả cấm, thấy đẹp thì thèm, liền hái ăn. Eva chỉ nghĩ đến mình, đến sung sướng cho mình, đến quyền lợi mình, nên đã xúi giục Ađam ăn trái cấm. Ađam nể tình vợ, là người phụ nữ Chúa đã đặt bên cạnh đời mình để trợ giúp mình, nên đã ăn, trái lệnh Chúa. Đóng sai vai trò của mình, Bà Eva đã đưa đến sự chết cho mình và cả nhân loại. Còn Mẹ Maria thì đã cộng tác đưa đến sự sống cho mình và cho cả nhân loại. Vậy, chị em phụ nữ có thể chọn : đóng đúng vai trò như Đức Maria, hoặc đóng sai như Eva, làm đổ vỡ gia đình, điên đảo xã hội…

Gia đình ta bây giờ dâng lên lời cầu xin cho tất cả giới phụ nữ biết đóng đúng vai trò, đúng thiên chức của mình. Mời tất cả đứng lên, sốt sắng đọc một kinh Kính Mừng xin ơn ấy.

Tích truyện

         Phóng sự của Lý Trần và Thanh Thảo, Tuần báo Công giáo & Dân tộc, số 1987-88, trang 62-63.

            Bước vào bệnh viện Ung bướu, trong không khí ngột ngạt, chúng tôi níu tay một  nhân viên vệ sinh hỏi nhỏ : “Cô có biết những người gội đầu tình nguyện…” Câu hỏi còn chưa dứt, cô đã vui vẻ ngắt lời : “Nhiều lắm, đi một vòng đi, thấy ai lỉnh kỉnh xô chậu là họ đó”. Tìm thì gặp, tại lầu 2, cô Đỗ Ngọc Hương, (giáo xứ Phaolô 3), đang gội đầu cho một bệnh nhân. Trước đây cô là thợ may, nay đã lớn tuổi nên không tiếp tục được nữa. Cô dí dỏm : “Già rồi may vá không nổi nữa, nhìn số 8 thành số 6, may đồ ai bận mà coi cho được, thôi mình gác lại đi làm từ thiện”… Chị Kim Anh phải đi dạy, nhà lại xa thành phố (tận Tây Ninh), nhưng mỗi tuần khi rảnh, lại tranh thủ chạy đến bệnh viện gội đầu cho bệnh nhân ung thư. Chị bảo vì tìm thấy niềm vui trong công việc nên dù xa, tuần nào không đi lòng cảm thấy trống vắng thế nào đó.

            Công việc này chỉ đòi hỏi phải có một vài dụng cụ đơn sơ, song không thể thiếu, là dầu gội, lược, khăn lau…, thường thì chính các chị gom góp với nhau mà mua, cũng có nhóm được người thân hay các linh mục nơi giáo xứ của các chị gửi tặng. Gội đầu cho bệnh nhân nào xong, các chị cho người ấy luôn cái khăn vừa mới dùng. Đến cuối buổi, đếm còn bao nhiêu khăn, trừ ra là biết được hôm đó đã đem sự nhẹ nhàng thoải mái đến cho bao nhiêu người.

            Công việc nhẹ nhàng như vậy, song không phải là dễ dàng đâu, các chị tâm sự : lúc đầu vào đây họ rất sợ, dù khi đi đã xác định được đối tượng mình sẽ tiếp xúc, giúp đỡ là ai, nhưng khi vào viện lại xuống hết tinh thần. Chị Bích kể : ”Mình đã lên dây cót tinh thần ngay lúc ở nhà rất nhiều, nhưng không khí tại bệnh viện dễ gây suy sụp. Ban đầu ăn không dám ăn, nhưng rồi lại nghĩ, người ta bệnh hoạn còn khổ hơn mình gấp trăm ngàn lần. Dần dần thì quen nên ra sức giúp họ”. Bà Nguyễn Thị Giới (quận 3) đã làm công việc này khoảng 14 năm thì xác tín : “Gặp những người có hoàn cảnh thương tâm thì mới thấy mình may mắn tới cỡ nào. Càng làm càng thấy dồi dào sức lực, muốn đem hết khả năng của mình nâng đỡ tinh thần cho họ”.

            Có một điều đặc biệt là gần như những người “gội đầu tình nguyện” lại là nữ. Khi được hỏi, chị Huỳnh Thị Minh Anh, giáo viên của một trường cấp 1, vui vẻ đùa : Có lẽ nữ giới dễ tròn bổn phận chăm sóc, yên ủi người khác”.

            Còn chính bệnh nhân, họ nghĩ sao ? Bà Nguyễn thị Kim Phượng, bệnh nhân lâu năm nói : “Các cô gội đầu tốt lắm, mỗi lần các cô tới, tôi thấy bệnh viện ấm áp hẳn lên. Gì chứ tình người thì bao giờ người ta cũng đói”. ªªª

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Chuỗi Mân Côi Cứu Gia Đình Tôi (2/17/2016)
Đtc Giảng Trong Thánh Lễ Tại Đền Thánh Đức Bà Guadalupe Chiều 13-2-2016 (2/14/2016)
Cn 3380: Đức Mẹ Ocotlan, Mexico (5) (2/14/2016)
Cn 3379: Đền Thánh Đức Mẹ Ocotlan, Mexico (4) (2/14/2016)
Ðức Mẹ Lộ Ðức 11/2 (2/11/2016)
Tin/Bài khác
2/2 – Đức Mẹ Dâng Con (lễ Nến) (2/2/2023)
Dâng Hài Nhi Giêsu Vào Ðền Thánh (2/2/2023)
Ánh Sáng Muôn Dân (2/1/2018)
Thơ Kinh Mân Côi: Bậc Thang Dẫn Về Thiên Đàng (2/5/2016)
Cn 3365: Cảm Tạ Mẹ Guadalupe (3) (2/4/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768