MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Hụng Vụ Lời Chúa Cho 3 Ngày Trước Tam Nhật Thánh Từ Thứ Hai Đến Thứ Tư Tuần Thánh (30/3-1/4/2015)
Thứ Ba, Ngày 31 tháng 3-2015
Từ Thứ Hai đến Thứ Tư Tuần Thánh (30/3-1/4/2015)

Phụng vụ Lời Chúa cho 3 ngày trước Tam Nhật Thánh dường như có một liên hệ với nhau một cách liên tục bất khả phân ly. Thật vậy, ở bài đọc một, được trích từ Sách Tiên Tri Isaia, cả 3 ngày, đều nói về Người Tôi Tớ Chúa, và ở bài Phúc Âm, cả 3 ngày, luôn nhắc đến người môn đệ phản nộp Thày là Giuđa Íchca.

Thứ Hai 

Về Người Tôi Tớ Chúa

(Isaia 42:1-7): "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai, không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. ... Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm".

Về Người Môn Đệ Phản Thày

(Gioan 12:1-11): "Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: 'Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?' Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó".

Thứ Ba

Về Người Tôi Tớ Chúa

(Isaia 49:1-6): "Chúa phán: 'Người là Ðấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel chung quanh Người. Tôi được vinh hiển trước mặt Chúa, và Thiên Chúa là sức mạnh tôi. Người đã phán: 'Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận bờ cõi trái đất'".

Về Người Môn Đệ Phản Thày

(Gioan 13, 21-33. 36-38): "Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: 'Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy'. Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: 'Hỏi xem Thầy nói về ai đó'. Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: 'Thưa Thầy, ai vậy?' Chúa Giêsu trả lời: 'Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó'. Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: 'Con tính làm gì thì làm mau đi'. Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối..."

Thứ Tư

Về Người Tôi Tớ Chúa

(Isaia 50:4-9a): "Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được, chúng ta hầu toà. Ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?"

Về Người Môn Đệ Phản Thày

(Mathêu 26, 14-25): "Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: 'Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?' Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người... Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: 'Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy'. Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: 'Thưa Thầy, có phải con không?' Người trả lời: 'Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!' Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: 'Thưa Thầy, có phải con chăng?' Chúa đáp: 'Ðúng như con nói'".
 

Nhận định riêng:

Về Người Tôi Tớ Chúa

Theo thứ tự của bài đọc 1, từ Thứ Hai tới Thứ Tư Tuần Thánh, thì Người Tôi Tớ Chúa được cho thấy như sau: 

Trước hết là thái độ vô cùng nhân hậu của Người Tôi Tớ Chúa: "Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai, không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói". 

Sau nữa là sứ vụ cứu độ của Người Tôi Tớ Chúa: "Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận bờ cõi trái đất".

Sau hết là số phận thảm thương để hoàn thành sứ vụ cứu độ của Người Tôi Tớ Chúa: "Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu, tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi"

Về Người Môn Đệ Phản Thày

Theo thứ tự của bài Phúc Âm, từ Thứ Hai tới Thứ Tư Tuần Thánh, thì Người Môn Đệ Phản Thày được cho thấy như sau: 

Trước hết khởi đầu là lòng tham lam tiền bạc: "Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó".

Sau nữa là từ lòng tham lam đến độ trở nên mù quáng: "Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: 'Con tính làm gì thì làm mau đi'... Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối..."

Sau hết là từ tình trạng mù quáng đến hành động gian ác một cách cố chấp hay đến độ bất chấp: "Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: 'Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?' Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người... Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: 'Thưa Thầy, có phải con chăng?' Chúa đáp: 'Ðúng như con nói'".

Nhận định chung:

Căn cứ vào Phụng vụ Lời Chúa của 3 Ngày đầu Tuần Thánh, từ Thứ Hai đến Thứ Tư, chúng ta thấy Giáo Hội cố ý nêu lên hai hình ảnh hoàn toàn tương phản nhau giữa Người Tôi Tớ Chúa và Người Môn Đệ Phản Thày, để chẳng những từ từ, nhất là qua các bài Phúc Âm, dẫn đến cuộc khổ giá và phục sinh của Chúa Kitô vào Tam Nhật Vượt Qua từ chiều Thứ Năm đến nửa đêm Thứ Bảy, mà còn cho thấy tất cả những gì về Người Tôi Tớ Chúa trong sách Tiên Tri Isaia đều được hoàn toàn ứng nghiệm, nhất là liên quan đến cuộc khổ giá của Người, một ứng nghiệm lại có liên quan đến Người Môn Đệ Phản Thày: "Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!"

Cho dù sự gian ác, được biểu hiện nơi Người Môn Đệ Phản Thày, có âm mưu bí mật đến đâu chăng nữa và có xấu xa tội ác đến thế nào chăng nữa, vẫn không thể nào phá hủy hay làm lũng đoạn được tất cả những gì vô cùng tốt lành thiện hảo theo dự án thần linh cứu độ của Thiên Chúa, trái lại, Ngài vẫn có thể sử dụng chính những mưu đồ và hành động gian ác của con người để thực hiện dự án cứu độ của Ngài, đúng như Ngài muốn: vào thời điểm Ngài muốn và theo cách thức Ngài muốn. 

Trong việc cứu chuộc nhân loại, không phải bóng tối sự dữ thắng thế mà là "ánh sáng sự sống" (Gioan 8:12): "Ánh sáng chiếu soi trong tăm tối, một thứ tăm tối không át được ánh sáng" (Gioan 1:5). Ở chỗ, như Chúa Kitô đã khẳng định: "Cha Tôi yêu tôi vì điều này, đó là Tôi bỏ mạng sống mình để rồi lấy nó lại. Không ai lấy được mạng sống của Tôi. Tôi tự nguyện bỏ nó đi. Tôi có quyền bỏ nó đi và có quyền lấy nó lại. Tôi được lệnh này từ Cha Tôi" (Gioan 10:17-18).

Đó là lý do, bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan cho Thứ Ba Tuần Thánh đã ghi lại sự kiện liên kết giữa Người Tôi Tớ Chúa và Người Môn Đệ Phản Thày như sau: "khi Giuđa đi rồi" thì "Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: 'Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được', nay Thầy cũng nói với các con như vậy".

Đúng thế, "nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được" đây nghĩa là gì, nếu không phải họ không thể nào hiểu được, không chấp nhận được. Vì nơi đó chính là Thánh Giá. Nếu các người Do Thái nói chung và thành phần Đầu Mục Do Thái nói riêng chẳng những không đến được, không hiểu được, không chấp nhận được mà còn vì thế mà chết trong tội lỗi của họ nữa, còn vì Người mà vấp phạm nữa (xem Gioan 8:21), thì chính các môn đệ của Người cũng vậy, cũng chẳng những không đến được, không hiểu được, không chấp nhận được, mà còn vì Người mà vấp phạm nữa, điển hình nhất là vị lãnh đạo tông đồ đoàn Phêrô, như Người đã báo trước cho người môn đệ này ở cuối bài Phúc Âm Thứ Ba Tuần Thánh.

Như thế, chính Người Môn Đệ Phản Thày cũng không ngoại lệ, cũng không biết việc mình làm, cũng tác hành một cách mù quáng theo lòng tham lam tự nhiên của mình đến độ bất chấp tất cả, nhưng không ngờ trong khi Người Môn Đệ Phản Thày này cứ làm theo ý đồ gian ác của mình thì Người Tôi Tớ Chúa lại càng được dịp để hoàn thành sứ vụ cứu độ của mình: "Khi Giuđa đi rồi... Bây giờ Con Người được vinh hiển". 


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



Chúa Nhật Lễ Lá (29/3/2015)

Hôm nay là Chúa Nhật Lễ Lá mở màn cho Tuần Thánh cũng gọi là Tuần Thương Khó, trong đó có Tam Nhật Vượt Qua, tột đỉnh của mạc khải thần linh và phụng niên của Giáo Hội.

 

Riêng Chúa Nhật vừa kết thúc Mùa Chay vừa mở màn cho Tuần Thánh hôm nay bao giờ cũng có hai chiều kích đối nghịch nhau: chiều kích vui mừng nơi sự kiện Chúa Giêsu vinh quang tiến vào Thành Thánh Giêrusalem và chiều kích thương khó nơi sự kiện Người chịu khổ nạn và tử giá. 

 

Thật ra, chiều kích thương khó nơi sự kiện Chúa Giêsu khổ nạn và tử giá trong Chúa Nhật Lễ Lá này, về thời điểm, chưa đúng lúc. Bởi cuộc thương khó của Người chỉ xẩy ra vào Thứ Sáu Tuần Thánh mà thôi. Thế nhưng, sở dĩ cuộc thương khó này cũng được cử hành trong chính Chúa Nhật Lễ Lá là vì sự kiện Chúa Kitô khổ nạn và tử giá là một biến cố quan trọng liên quan đến phần rỗi của nhân loại nói chung và Kitô hữu nói riêng, thế nên về phụng vụ, theo Giáo Hội, cần phải được cử hành vào Chúa Nhật cho có tính cách quan trọng chẳng những tự bản chất của biến cố ấy mà còn đối với tất cả mọi Kitô hữu nữa.

 

Bởi thế, vì chiều kích vừa vui lẫn buồn của Chúa Nhật mở đầu Tuần Thánh này mà bao giờ cũng có hai phần ở nghi thức phụng vụ: phần rước lá đầu lễ từ bên ngoài nhà thờ tiến vào trong nhà thờ, với bài phúc âm thích hợp cho sự kiện này của Chúa Giêsu, và phần Thánh Lễ với bài Phúc Âm về cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa Kitô.

 

Hai bài phúc âm ở hai phần trong nghi thức phụng vụ mở đầu Tuần Thánh này bao giờ cũng theo đúng chu kỳ phụng niên A-B-C. Thế nhưng, bài Phúc Âm cho chính Thứ Sáu Tuần Thánh lại là bài phúc âm theo Thánh ký Gioan, một phúc âm đã được Giáo Hội chọn đọc chẳng những cho thánh lễ ngày thường trong tuần 4 và 5 Mùa Chay, cũng như cho Chúa Nhật 3-4-5 Mùa Chay Năm A (có thể đọc cho cả Năm B và C nếu liên hệ đến thành phần dự tòng), mà còn cho cả hầu hết Mùa Phục Sinh 7 tuần lễ nữa.

 

Riêng Chúa Nhật mở đầu cho Tuần Thánh hôm nay, trong phần Lễ Lá, Giáo Hội cũng cho phép đọc bài Phúc Âm của Thánh Gioan, nếu không muốn đọc bài Phúc Âm của Thánh Marcô cho Năm B, trong khi đó Năm A và C thì lại không được thay bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu và Thánh ký Luca bằng bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan. 

 

Thật ra chiều kích vẻ vang của một Chúa Giêsu vinh quang tiến vào Thành Thánh Giêrusalem tự nó đã chất chứa hay hướng về chiều kích thương khó của Người rồi. Nên việc cử hành hai biến cố hay sự kiện trái ngược nhau hôm nay cũng rất thích hợp. Tại sao và ở chỗ nào? Tại vì dân chúng và các môn đệ của Người hoan hô chúc tụng Người rằng: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Đavit tổ phụ chúng ta đã đến" (Phúc Âm Thánh Marco), hay "Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Đấng nhân danh Chúa mà đến!" (Phúc Âm Thánh Gioan). 

Nhưng sau đó ít lâu, vào thời điểm của Tam Nhật Vượt Qua, như bài Phúc Âm trong Thánh Lễ hôm nay của Thánh Marco cho thấy, chính các môn đệ của Người phản nộp Người, bỏ Người mà tẩu thoát và thậm chí chối bỏ Người, và dân chúng bắt đầu la hò lên án tử cho Người và đòi đáng đanh Người. Như thế nghĩa là họ chẳng hiểu những gì họ đã làm khi hoan hô chúc tụng Người, lúc Người tiến vào Thành Thánh, hay họ tưởng rằng Người chính là Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa của cha ông tổ phụ họ sai đến để giải phóng họ khỏi quyền lực của đế quốc Rôma bấy giờ, như đã từng xẩy ra nhiều lần trong giòng lịch sử cứu độ của họ

Phần Chúa Giêsu, Đấng vẫn thích ẩn mình đi, hơn là tỏ mình ra, nếu không phải "để tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), thì không bao giờ Người muốn tỏ ra bất cứ hành động nào vinh danh nổi nang như thế, nhất là những gì liên quan đến chính trị động đến đế quốc Rôma hay liên quan đến giáo quyền Do Thái. Việc Người công khai tiến vào Thành Thánh Giêrusalem này, bề ngoài thực sự là động đến cả đế quốc Rôma lẫn giáo quyền do Thái, đúng như nhận định của thành phần lãnh đạo trong dân đã bày tỏ về Người trong bài Phúc Âm Thứ Bảy Tuần 5 Mùa Chay hôm qua: "Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta". 

Việc Chúa Giêsu công khai và vinh hiển tiến vào Thành Thánh Giêrusalem đây không phải để được dân chúng long trọng nghênh đón và hoan hô chúc tụng, cho bằng để công khai xác nhận vai trò thiên sai của mình, trước khi Người thực sự hoàn thành sứ vụ thiên sai bằng cuộc Vượt Qua vô cùng huyền diệu của Người vào chính thời điểm dân Do Thái tưởng niệm biến cố Vượt Qua của họ xưa kia. Cũng như Người đã cử hành biến cố Vượt Qua của người Do Thái với môn đệ của Người ở Nhà Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh bằng cách thiết lập Bí Tích Thánh Thể là bí tích liên quan đến cuộc Vượt Qua của chính bản thân Người, một cuộc Vượt Qua cần phải được Giáo Hội liên lỉ cử hành "mà nhớ đến Thày" (Luca 22:19).

Cuộc Vượt Qua của Người bao gồm hai chiều kích khổ nạn tử giá và phục sinh vinh hiển. Chiều kích khổ nạn tử giá của Chúa Kitô trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người được long trọng cử hành ở Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, và chiều kích phục sinh vinh hiển của Chúa Kitô trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người được long trọng cử hành ở Chúa Nhật Phục Sinh tuần tới.    

Chiều kích khổ nạn tử giá của chúa Kitô được Giáo Hội long trọng cử hành và tưởng nhớ vào Chúa Nhật Lễ Lá này, như bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô thuật lại (14:1 - 15:47), bao gồm tất cả những gì liên quan đến các môn đệ yếu hèn của Người, đến giáo quyền Do Thái kết tội Người, đến chính quyền Rôma lên án tử cho Ngườiđến chung dân chúng hò hét nổi loạn, đến bọn lý hình vô cùng tàn ác, đến thái độ ngoan ngoãn hiền lành của Người như chiên bị đem đi sát tế v.v. đều cho thấy Người quả thực chẳng những đã ứng nghiệm lời của Tiên Tri Isaia trong bài đọc 1 (Isaia 50:4-7) về Người Tôi Tớ Chúa: 

"Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi", một Người Tôi Tớ cũng tự cảm thấy như câu đầu của bài đáp ca hôm nay cho thấy: "Bao người thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: 'Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương'", mà còn hợp với cảm thức thần linh của Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay (Philiphê 2:6-11). "Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá".

Về phần mình, Chúa Giêsu Kitô, Vị Thiên Sai đến để làm ý Cha chứ không ý của mình, và ý của Cha ở nơi Đấng được Cha sai đó là cứu chuộc toàn thể nhân loại cho khỏi tội lỗi và sự chết, chứ không phải chỉ cứu dân Do Thái khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, bằng cuộc Vượt Qua của Người, một cuộc Vượt Qua từ sự chết là hậu quả của tội lỗi gây ra bởi loài người mà Người đã mặc lấy bản tính hư hoại của họ, đến sự sống là hoa trái vô cùng yêu thương của Cha trên trời. Bởi đó, khi Người chết bởi mưu đồ của dân Do Thái cũng như bởi phán quyết của dân ngoại Rôma là Người chết với tư cách là "Giêsu Nazarét - Vua Dân Do Thái" (Gioan 19:19), vị họ đã nghênh đón và hoan hô chúc tụng Người cách đó mấy hôm.

Phải chăng Cha trên trời đã tôn vinh Người chẳng những lần Người tiến vào Thành Thánh Giêrusalem mà còn lần Người lên ngai tòa Thánh Giá giữa hai cận vệ tử tội trộm cướp với vương miện mạo gai của Người, ở chỗ, sau khi Người đã tiến vào Thành Giêrusalem và có một số người Hy Lạp ngỏ ý muốn gặp Người, để rồi Người đã kết thúc những lời Người nói bằng câu: "Cha ơi xin hãy tôn vinh danh Cha", thì "có tiếng phán ra từ bầu trời: 'Ta đã tôn vinh nó rồi Ta sẽ tôn vinh nó một lần nữa'" (Gioan 12:28)?

Nếu dân chúng đã hoan hô "Đấng nhân danh Chúa mà đến" khi nghênh đón Chúa Kitô vào Thành Thánh Giêrusalem thì quả thực Thiên Chúa Cha đã tôn vinh danh của Ngài nơi Con Ngài ngay lúc bấy giờ và sẽ tôn vinh danh của Ngài một lần nữa khi Con của Ngài tử giá, vì Con của Ngài đã làm theo đúng ý muốn vô cùng yêu thương cứu chuộc của Ngài đối với nhân loại tội lỗi đáng thương.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Mặt Trời Quay Trên Bầu Trời Của Nhà Thờ Thánh Linh Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh Apr 2, 2015 (4/13/2015)
Từ Bỏ Giáo Phái Nhờ Đức Mẹ Maria (4/6/2015)
Đứng Gần Thập Giá Đức Chúa Giêsu Có Thân Mẫu Người (4/5/2015)
Sư Bà Trở Về Công Giáo (4/2/2015)
Đức Mẹ Của Người Công Giáo (4/2/2015)
Tin/Bài cùng ngày
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 58 (534-535) Thông Điệp Năm 1994 (3/31/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 57 (531-533) Thông Điệp Năm 1994 (3/31/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 56 (528-530) Thông Điệp Năm 1994 (3/31/2015)
Tin/Bài khác
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 55 (525-527) Thông Điệp Năm 1994 (3/30/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 54 (522-524) Thông Điệp Năm 1994 (3/30/2015)
Kìa Ai Đang Tiến Lên Từ Sa Mạc Thơm Ngát Mùi Nhũ Hương Mộc Dược (3/30/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 53 (519-521) Thông Điệp Năm 1994 (3/29/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 52 (516-518) Thông Điệp Năm 1994 (3/29/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768