MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chúa Nhật Lễ Lá (29/3/2015)
Thứ Hai, Ngày 30 tháng 3-2015

Chúa Nhật Lễ Lá (29/3/2015)

Hôm nay là Chúa Nhật Lễ Lá mở màn cho Tuần Thánh cũng gọi là Tuần Thương Khó, trong đó có Tam Nhật Vượt Qua, tột đỉnh của mạc khải thần linh và phụng niên của Giáo Hội.
 
Riêng Chúa Nhật vừa kết thúc Mùa Chay vừa mở màn cho Tuần Thánh hôm nay bao giờ cũng có hai chiều kích đối nghịch nhau: chiều kích vui mừng nơi sự kiện Chúa Giêsu vinh quang tiến vào Thành Thánh Giêrusalem và chiều kích thương khó nơi sự kiện Người chịu khổ nạn và tử giá.
 
Thật ra, chiều kích thương khó nơi sự kiện Chúa Giêsu khổ nạn và tử giá trong Chúa Nhật Lễ Lá này, về thời điểm, chưa đúng lúc. Bởi cuộc thương khó của Người chỉ xẩy ra vào Thứ Sáu Tuần Thánh mà thôi. Thế nhưng, sở dĩ cuộc thương khó này cũng được cử hành trong chính Chúa Nhật Lễ Lá là vì sự kiện Chúa Kitô khổ nạn và tử giá là một biến cố quan trọng liên quan đến phần rỗi của nhân loại nói chung và Kitô hữu nói riêng, thế nên về phụng vụ, theo Giáo Hội, cần phải được cử hành vào Chúa Nhật cho có tính cách quan trọng chẳng những tự bản chất của biến cố ấy mà còn đối với tất cả mọi Kitô hữu nữa.
 
Bởi thế, vì chiều kích vừa vui lẫn buồn của Chúa Nhật mở đầu Tuần Thánh này mà bao giờ cũng có hai phần ở nghi thức phụng vụ: phần rước lá đầu lễ từ bên ngoài nhà thờ tiến vào trong nhà thờ, với bài phúc âm thích hợp cho sự kiện này của Chúa Giêsu, và phần Thánh Lễ với bài Phúc Âm về cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa Kitô.
 
Hai bài phúc âm ở hai phần trong nghi thức phụng vụ mở đầu Tuần Thánh này bao giờ cũng theo đúng chu kỳ phụng niên A-B-C. Thế nhưng, bài Phúc Âm cho chính Thứ Sáu Tuần Thánh lại là bài phúc âm theo Thánh ký Gioan, một phúc âm đã được Giáo Hội chọn đọc chẳng những cho thánh lễ ngày thường trong tuần 4 và 5 Mùa Chay, cũng như cho Chúa Nhật 3-4-5 Mùa Chay Năm A (có thể đọc cho cả Năm B và C nếu liên hệ đến thành phần dự tòng), mà còn cho cả hầu hết Mùa Phục Sinh 7 tuần lễ nữa.
 
Riêng Chúa Nhật mở đầu cho Tuần Thánh hôm nay, trong phần Lễ Lá, Giáo Hội cũng cho phép đọc bài Phúc Âm của Thánh Gioan, nếu không muốn đọc bài Phúc Âm của Thánh Marcô cho Năm B, trong khi đó Năm A và C thì lại không được thay bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu và Thánh ký Luca bằng bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan.
 
Thật ra chiều kích vẻ vang của một Chúa Giêsu vinh quang tiến vào Thành Thánh Giêrusalem tự nó đã chất chứa hay hướng về chiều kích thương khó của Người rồi. Nên việc cử hành hai biến cố hay sự kiện trái ngược nhau hôm nay cũng rất thích hợp. Tại sao và ở chỗ nào? Tại vì dân chúng và các môn đệ của Người hoan hô chúc tụng Người rằng: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Đavit tổ phụ chúng ta đã đến" (Phúc Âm Thánh Marco), hay "Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Đấng nhân danh Chúa mà đến!" (Phúc Âm Thánh Gioan).

Nhưng sau đó ít lâu, vào thời điểm của Tam Nhật Vượt Qua, như bài Phúc Âm trong Thánh Lễ hôm nay của Thánh Marco cho thấy, chính các môn đệ của Người phản nộp Người, bỏ Người mà tẩu thoát và thậm chí chối bỏ Người, và dân chúng bắt đầu la hò lên án tử cho Người và đòi đáng đanh Người. Như thế nghĩa là họ chẳng hiểu những gì họ đã làm khi hoan hô chúc tụng Người, lúc Người tiến vào Thành Thánh, hay họ tưởng rằng Người chính là Đấng Thiên Sai được Thiên Chúa của cha ông tổ phụ họ sai đến để giải phóng họ khỏi quyền lực của đế quốc Rôma bấy giờ, như đã từng xẩy ra nhiều lần trong giòng lịch sử cứu độ của họ.

Phần Chúa Giêsu, Đấng vẫn thích ẩn mình đi, hơn là tỏ mình ra, nếu không phải "để tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), thì không bao giờ Người muốn tỏ ra bất cứ hành động nào vinh danh nổi nang như thế, nhất là những gì liên quan đến chính trị động đến đế quốc Rôma hay liên quan đến giáo quyền Do Thái. Việc Người công khai tiến vào Thành Thánh Giêrusalem này, bề ngoài thực sự là động đến cả đế quốc Rôma lẫn giáo quyền do Thái, đúng như nhận định của thành phần lãnh đạo trong dân đã bày tỏ về Người trong bài Phúc Âm Thứ Bảy Tuần 5 Mùa Chay hôm qua: "Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta".

Việc Chúa Giêsu công khai và vinh hiển tiến vào Thành Thánh Giêrusalem đây không phải để được dân chúng long trọng nghênh đón và hoan hô chúc tụng, cho bằng để công khai xác nhận vai trò thiên sai của mình, trước khi Người thực sự hoàn thành sứ vụ thiên sai bằng cuộc Vượt Qua vô cùng huyền diệu của Người vào chính thời điểm dân Do Thái tưởng niệm biến cố Vượt Qua của họ xưa kia. Cũng như Người đã cử hành biến cố Vượt Qua của người Do Thái với môn đệ của Người ở Nhà Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh bằng cách thiết lập Bí Tích Thánh Thể là bí tích liên quan đến cuộc Vượt Qua của chính bản thân Người, một cuộc Vượt Qua cần phải được Giáo Hội liên lỉ cử hành "mà nhớ đến Thày" (Luca 22:19).

Cuộc Vượt Qua của Người bao gồm hai chiều kích khổ nạn tử giá và phục sinh vinh hiển. Chiều kích khổ nạn tử giá của Chúa Kitô trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người được long trọng cử hành ở Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, và chiều kích phục sinh vinh hiển của Chúa Kitô trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người được long trọng cử hành ở Chúa Nhật Phục Sinh tuần tới.   

Chiều kích khổ nạn tử giá của chúa Kitô được Giáo Hội long trọng cử hành và tưởng nhớ vào Chúa Nhật Lễ Lá này, như bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô thuật lại (14:1 - 15:47), bao gồm tất cả những gì liên quan đến các môn đệ yếu hèn của Người, đến giáo quyền Do Thái kết tội Người, đến chính quyền Rôma lên án tử cho Người, đến chung dân chúng hò hét nổi loạn, đến bọn lý hình vô cùng tàn ác, đến thái độ ngoan ngoãn hiền lành của Người như chiên bị đem đi sát tế v.v. đều cho thấy Người quả thực chẳng những đã ứng nghiệm lời của Tiên Tri Isaia trong bài đọc 1 (Isaia 50:4-7) về Người Tôi Tớ Chúa:

"Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi", một Người Tôi Tớ cũng tự cảm thấy như câu đầu của bài đáp ca hôm nay cho thấy: "Bao người thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: 'Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương'", mà còn hợp với cảm thức thần linh của Thánh Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay (Philiphê 2:6-11). "Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá".

Về phần mình, Chúa Giêsu Kitô, Vị Thiên Sai đến để làm ý Cha chứ không ý của mình, và ý của Cha ở nơi Đấng được Cha sai đó là cứu chuộc toàn thể nhân loại cho khỏi tội lỗi và sự chết, chứ không phải chỉ cứu dân Do Thái khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, bằng cuộc Vượt Qua của Người, một cuộc Vượt Qua từ sự chết là hậu quả của tội lỗi gây ra bởi loài người mà Người đã mặc lấy bản tính hư hoại của họ, đến sự sống là hoa trái vô cùng yêu thương của Cha trên trời. Bởi đó, khi Người chết bởi mưu đồ của dân Do Thái cũng như bởi phán quyết của dân ngoại Rôma là Người chết với tư cách là "Giêsu Nazarét - Vua Dân Do Thái" (Gioan 19:19), vị họ đã nghênh đón và hoan hô chúc tụng Người cách đó mấy hôm.

Phải chăng Cha trên trời đã tôn vinh Người chẳng những lần Người tiến vào Thành Thánh Giêrusalem mà còn lần Người lên ngai tòa Thánh Giá giữa hai cận vệ tử tội trộm cướp với vương miện mạo gai của Người, ở chỗ, sau khi Người đã tiến vào Thành Giêrusalem và có một số người Hy Lạp ngỏ ý muốn gặp Người, để rồi Người đã kết thúc những lời Người nói bằng câu: "Cha ơi xin hãy tôn vinh danh Cha", thì "có tiếng phán ra từ bầu trời: 'Ta đã tôn vinh nó rồi Ta sẽ tôn vinh nó một lần nữa'" (Gioan 12:28)?

Nếu dân chúng đã hoan hô "Đấng nhân danh Chúa mà đến" khi nghênh đón Chúa Kitô vào Thành Thánh Giêrusalem thì quả thực Thiên Chúa Cha đã tôn vinh danh của Ngài nơi Con Ngài ngay lúc bấy giờ và sẽ tôn vinh danh của Ngài một lần nữa khi Con của Ngài tử giá, vì Con của Ngài đã làm theo đúng ý muốn vô cùng yêu thương cứu chuộc của Ngài đối với nhân loại tội lỗi đáng thương.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Sư Bà Trở Về Công Giáo (4/2/2015)
Đức Mẹ Của Người Công Giáo (4/2/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 58 (534-535) Thông Điệp Năm 1994 (3/31/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 57 (531-533) Thông Điệp Năm 1994 (3/31/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 56 (528-530) Thông Điệp Năm 1994 (3/31/2015)
Tin/Bài cùng ngày
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 55 (525-527) Thông Điệp Năm 1994 (3/30/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 54 (522-524) Thông Điệp Năm 1994 (3/30/2015)
Kìa Ai Đang Tiến Lên Từ Sa Mạc Thơm Ngát Mùi Nhũ Hương Mộc Dược (3/30/2015)
Tin/Bài khác
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 53 (519-521) Thông Điệp Năm 1994 (3/29/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 52 (516-518) Thông Điệp Năm 1994 (3/29/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 51 (513-515) Thông Điệp Năm 1994 (3/28/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 50 (510-512) Các Thông Điệp Năm 1994 (3/28/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 # 49 (602-604) (3/28/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768