MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19/02 – 25/02/2015
Thứ Năm, Ngày 26 tháng 2-2015
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 19/02 – 25/02/2015

Thảm cảnh chiến tranh tại Ukraine

 

1. Công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 30

Hôm 17 tháng 2, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 30 sẽ được cử hành ở cấp giáo phận vào Chúa Nhật Lễ Lá 29-3-2015 với chủ đề “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc đến hành trình 3 năm chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế giới trẻ cấp hoàn vũ sẽ được cử hành tại Cracovia, Ba Lan, vào tháng 7 năm 2016. Trong tiến trình đó, các bạn trẻ được mời gọi suy tư về các Mối Phúc thật được Chúa Giêsu trình bày trong Bài giảng trên núi.

Trong sứ điệp Ngày Quốc tế Giới trẻ năm nay, Đức Thánh Cha đặc biệt quảng diễn mối phúc: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa”. Ngài nhận định rằng “các bạn trẻ có ước muốn sâu xa, mong được một tình yêu chân thật, đẹp đẽ và cao cả. Bao nhiêu sức mạnh ở trong khả năng yêu và được yêu! Các bạn đừng để cho giá trị quí báu này bị biến thái, hủy hoại hoặc bị ô uế. Điều này xảy ra khi trong quan hệ của chúng ta có sự lợi dụng tha nhân vào những mục tiêu ích kỷ, đôi khi coi tha nhân như một đồ vật để thỏa mãn lạc thú mà thôi. Con tim bị thương tổn và sầu muộn sau những kinh nghiệm tiêu cực như thế”.

Đức Thánh Cha viết:
 

“Tôi xin các bạn đừng sợ tình yêu chân thực, tình yêu mà Chúa Giêsu và Thánh Phaolô đã dạy chúng ta..” (1 Cr 13,4-8). Khi mời gọi các bạn tái khám phá vẻ đẹp của ơn gọi con người sống tình yêu, tôi nhắn nhủ các bạn hãy nổi lên chống lại một xu hướng đang lan tràn tầm thường hóa tình yêu, nhất là khi người ta tìm cách thu hẹp tình yêu vào khía cạnh tính dục, loại bỏ mọi đặc tính thiết yếu của vẻ đẹp, sự hiệp thông, chung thủy và trách nhiệm”.

Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ chống lại thứ văn hóa tạm thời, tương đối, trong đó nhiều người rao giảng rằng điều quan trọng là hưởng thụ ngay trong lúc này, và không bõ công dấn thân trọn đời, đưa ra những chọn lựa chung kết, mãi mãi, vì ta không biết ngày mai sẽ ra sao”.

Cũng trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các bạn trẻ tìm cách “nhìn thấy Thiên Chúa”, qua sự siêng năng tìm gặp Chúa trong kinh nguyện, chuyện vãn với Chúa như với người bạn thân nhất, tìm gặp Chúa trong việc đọc và suy niệm Kinh Thánh. Ngài viết: ”Các bạn hãy đọc mỗi ngày một đoạn Tin Mừng. Hãy để cho Lời Chúa nói với con tim các bạn, soi sáng bước đi của các bạn. Các bạn hãy khám phá thấy rằng chúng ta cũng có thể thấy Thiên Chúa nơi khuôn mặt của những ngừơi anh em, nhất là những người bị lãng quên nhất: những người nghèo, người đói khát, người nước ngoài, các bệnh nhân và những người bị cầm tù (Xc Mt 25,31-46).

Đức Thánh Cha kết luận rằng “Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong kinh nguyện, qua việc đọc Kinh Thánh và đời sống huynh đệ sẽ giúp các bạn biết Chúa và bản thân mình rõ hơn. Như đã xảy ra cho các môn đệ trên đường Emmaus (Xc Lc 24,13-35), tiếng Chúa Giêsu cũng làm cho con tim chúng ta nồng cháy và mắt các bạn sẽ mở ra để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời sống chúng ta, và qua đó khám phá dự phóng tình thương mà Chúa dành cho cuộc sống chúng ta”

2. Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng giáo sĩ giáo phận Roma

Lúc 10 giờ sáng thứ Năm 19 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các linh mục giáo phận Roma tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục ở nội thành Vatican và nói về vấn đề giảng thuyết và nghệ thuật cử hành thánh lễ.

Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục có Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản Roma, 9 Giám Mục đương kim và cựu phụ tá, và đông đảo các linh mục và phó tế phục vụ trong 330 giáo xứ thuộc giáo phận Roma.

Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Vallini cho biết trong năm qua, các giáo xứ và các vùng có các linh mục tuyên úy ở Roma đã học hỏi và trao đổi về Tông huấn “Niềm vui Phúc Âm” (Evangelii gaudium) của Đức Thánh Cha, và hội đồng các cha quản hạt đã quyết định xin ngài nói về bài giảng và nghệ thuật cử hành phụng vụ để cải tiến các bài giảng và việc hành lễ, hầu tránh nguy cơ đưa ra những lời nói trống rỗng, lập đi lập lại, những lời vô hồn, luân lý dạy đời, không đi vào tâm hồn tín hữu. Một bài giảng thiếu sót chẳng những không mang lại kết quả, mà còn có thể làm cho giáo dân bỏ lễ.

Đức Hồng Y Giám quản cũng nói rằng trước khi đến tham dự cuộc gặp gỡ này, các linh mục và phó tế đã đọc bài thuyết trình của Đức Thánh Cha khi còn là Hồng Y Tổng Giám Mục Buenos Aires trình bày tại Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích hồi năm 2005 về vấn đề giảng thuyết của linh mục. Trong bài này, vị Giáo Hoàng tương lai khẳng định rằng việc cử hành Thánh Lễ không phải là một “hành vi bác ái” nhưng là một hành vi công bằng mà vị mục tử phải làm cho dân của mình; vì thế bài giảng không phải chỉ là một bài “đọc, giảng, loan báo, nhưng đúng hơn là một việc cầu nguyện chân thành, một cuộc nói với con tim”.

Đức Hồng Y Bergoglio bấy giờ đã đề nghị các linh mục tránh một số cử chỉ “cứng nhắc, như thể không biết đến sự hiện diện của dân chúng” hoặc những cử chỉ trình diễn, linh hoạt hời hợt, hay thái độ của người bị 'hiệu chứng Marta', quá nhiều công việc đến độ không có giờ để cử hành thánh lễ một cách xứng đáng, với khoảng thời gian hợp lý”.

Trong hơn 1 tiếng rưỡi tiếp đó, Đức Thánh Cha trình bày những kinh nghiệm và giáo huấn của ngài, trước khi trả lời những câu hỏi do một số linh mục nêu lên.

Phòng báo chí Tòa Thánh không công bố bản tóm lược hoặc bài ghi lại cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với các giáo sĩ Roma.

Hồi năm ngoái, trong buổi gặp gỡ các linh mục Roma vào sáng thứ Năm sau lễ tro, 6 tháng 3, 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về bí tích giải tội và nhắc nhở các linh mục hãy thể hiện lòng từ bi của Chúa đối với các tín hữu, đặc biệt qua bí tích Hòa Giải này. Ngài nhấn mạnh rằng: “Trong tư cách là các thừa tác viên của Giáo Hội, chúng ta có nhiệm vụ giữ cho sứ điệp về lòng từ bi thương xót của Chúa được luôn sinh động, nhất là trong các bài giảng, các cử chỉ và dấu hiệu, các quyết định mục vụ, ví dụ trả lại sự ưu tiên cho bí tích Hòa Giải và đồng thời cho các việc bác ái từ bi”.
 

3. Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Giáo triều Rôma bắt đầu tuần tĩnh tâm Mùa Chay

Chiều Chúa Nhật 22 tháng Hai, Đức Thánh Cha và các vị trong giáo triều Rôma đã rời Vatican để tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay.

Tuần tĩnh tâm tập trung vào tiên tri Ê-lia, diễn ra từ ngày 22 đến 27 Tháng Hai, tức là Tuần Thứ Nhất Mùa Chay, tại một nhà tĩnh tâm ở Ariccia, một thành phố nhỏ gần ngoại ô Rôma cách Vatican 30km về phiá Nam. Đây là nhà tĩnh tâm của các cha dòng Thánh Phaolô. Năm ngoái, tuần tĩnh tâm Mùa Chay cũng đã diễn ra tại đây từ 9 đến 14 tháng Ba. Vị thuyết giảng trong dịp này là Đức Ông Angelo De Donatis, một cha sở của giáo phận Rôma.

Cha Bruno Secondin, một linh mục Dòng Cát Minh đang giảng dạy tại Đại học Giáo hoàng Gregoriô ở Rôma, là vị giảng tĩnh tâm Mùa Chay năm nay cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các thành viên của Giáo triều Rôma.

Đức Thánh Cha và các vị trong giáo triều Rôma đã rời Vatican
lúc 4 giờ chiều. Đức Thánh Cha cùng đi với các vị trong giáo triều Rôma trên 2 chiếc xe buýt và đã đến nơi lúc 4 giờ 40.

Tuần tĩnh tâm năm nay có chủ đề là ”Tôi Tớ và các Ngôn Sứ của Thiên Chúa hằng sống”. Vị giảng tĩnh tâm là cha Bruno Secondin, 75 tuổi, dòng Cát Minh, nguyên là giáo sư tu đức thuộc Đại học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma và hiện là cố vấn tại Bộ các dòng tu. Các bài suy niệm của cha trình bày về Ngôn Sứ Elia dưới khía cạnh mục vụ.

Tuần tĩnh tâm bắt đầu lúc 6 giờ chiều với buổi Chầu Mình Thánh Chúa và kinh chiều. Những ngày sau đó có kinh sáng lúc 7 giờ rưỡi, tiếp đến là bài suy niệm thứ nhất lúc 9 giờ rưỡi, rồi thánh lễ đồng tế.

Ban chiều lúc 6 giờ có bài suy niệm thứ hai, tiếp đến là Chầu Thánh Thể và kinh chiều.

Sáng thứ Sáu 27 tháng Hai, sẽ có thánh lễ lúc 7 giờ rưỡi và một bài chia sẻ kết thúc lúc 9 giờ rưỡi.

Truyền thống Đức Giáo Hoàng và giáo triều Rôma tham dự tuần tĩnh tâm đã có từ năm 1925. Trong 39 năm sau đó, các tuần tĩnh tâm này chỉ diễn ra vào Mùa Vọng. Đến năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục mới đề ra Tuần tĩnh tâm Mùa Chay và cũng mở rộng danh sách các vị thuyết giảng. Cho đến lúc đó, các vị giảng thuyết đều là các cha dòng Tên.

Thông thường, tuần tĩnh tâm của giáo triều Rôma được tổ chức tại nhà nguyện Redemptoris Mater – Mẹ Đấng Cứu Chuộc - trong dinh Tông Tòa của Tòa Thánh. Năm ngoái, trước khi thôi giữ chức Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone đã thông báo ý định của Đức Thánh Cha muốn tổ chức tĩnh tâm bên ngoài Vatican.

4. Đức Thánh Cha tái kêu gọi những kẻ bất lương hoán cải

Trong buổi tiếp kiến sáng 21 tháng 2 dành cho cộng đoàn giáo phận Cassano all’Jonio, Đức Thánh Cha tái kêu gọi các tín hữu tránh cộng tác với các tổ chức bất lương và lối sống đạo hời hợt bên ngoài, đồng thời ngài mời gọi những kẻ bất lương ấy hoán cải.

7 ngàn tín hữu thuộc giáo phận Cassano all’Jonio ở miền Calabria, nam Italia, về Roma hành hương, dưới sự hướng dẫn của Đức Giám Mục bản quyền Nunzio Galantino, đáp lễ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại giáo phận này ngày 21 tháng 6 năm ngoái. Đức Cha Galantino cũng là Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Italia.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ám chỉ tới miền Calabria vẫn thường bị tổ chức bất lương 'Ndrangheta', giống như tổ chức mafia, hoành hành và không thiếu những tín hữu Công Giáo thuộc tổ chức này. Ngài nói:

“Ai yêu mến Chúa Giêsu, thì lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, và ai sống chân thành đáp trả tiếng gọi của Chúa thì không thể chiều theo những công việc gian ác. Không thể nói mình là Kitô hữu mà lại vi phạm phẩm giá con người, những ai thuộc về cộng đoàn Kitô thì không thể đề ra chương trình và thi hành những hành vi bạo lực chống lại tha nhân và môi sinh.”

Đức Thánh Cha xác quyết rằng:

“Ai chỉ có những cử chỉ đạo đức bên ngoài mà không có sự hoán cải chân thành và công khai, thì không đủ để coi mình hiệp thông với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Những cử chỉ đạo đức bề ngoài không đủ để coi mình là tín hữu, nếu, do lòng gian ác và kiêu hãnh như những kẻ bất lương, họ biến lối sống của họ thành những điều bất hợp pháp. Tôi tái tha thiết kêu gọi những người chọn con đường sự ác và tham gia các tổ chức bất lương hãy hoán cải. Hãy mở tâm lòng anh chị em cho Chúa. Chúa đang chờ đợi anh chị em và Giáo Hội đón nhận anh chị em, nếu, cũng như trước kia anh chị em công khai chọn lựa phục vụ điều ác, thì nay anh chị em cũng công khai bày tỏ ý chỉ phục vụ điều thiện”.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha cũng ca ngợi sự đẹp đẽ của miền Cassano và mời gọi các tín hữu hãy bảo tồn và thông truyền lại cho các thế hệ tương lai. Cần có sự dấn thân can đảm của mọi người, bắt đầu từ các tổ chức chính quyền, để vẻ đẹp của miền này không bị hủy hoại không thể chữa trị được, chỉ vì những lợi lộc nhỏ nhen.

Ngài không quên đề cao Cộng đồng Emmanuel trong giáo phận Cassano all'Jonio là mẫu gương về sự đón tiếp, chia sẻ với những người yếu thế nhất. ”Những ngừơi trẻ bị ma túy tàn hại đã tìm được nơi cộng đoàn và những cơ cấu của cộng đoàn một người Samaritano nhân lành, biết cúi mình trên những vết thương của họ, và xức dầu gần gũi và yêu thương cho họ. Đức Thánh Cha nói: 'Bao nhiêu gia đình đã tìm được sự giúp đỡ cần thiết nơi anh chị em để tái hy vọng cho số phận con cái của họ. Giáo Hội biết ơn anh chị em vì sự phục vụ này”.

Trong cuộc viếng thăm tại giáo phận Cassano hồi năm ngoái, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các tù nhân, các bệnh nhân, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, người già, viếng thăm Nhà thờ chính tòa và chủng viện.
 

5. Những lời hoa mỹ nhưng trống rỗng của thủ tướng Ấn Độ

"Cuộc sống và những hoạt động của Thánh Chavara và Thánh Euphresia là một nguồn cảm hứng không chỉ cho các cộng đồng Kitô hữu, nhưng cho toàn thể nhân loại nói chung. Hai vị là những gương sáng về sự hiến mình cho Thiên Chúa qua những việc phục vụ vô vị lợi vì sự tiến bộ của nhân loại."

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói như trên nhân dịp hai vị được tôn vinh hiển thánh hôm 17 tháng Hai. Ông nói tiếp:

"Chính phủ của tôi đảm bảo rằng công dân của quốc gia này có hoàn toàn tự do tín ngưỡng và rằng mọi người đều có quyền giữ đạo hay theo một tôn giáo do mình lựa chọn mà không bị ép buộc hoặc bị lung lạc. Chính phủ của tôi sẽ không cho phép bất kỳ nhóm tôn giáo, thuộc các tôn giáo đa số hay thiểu số kích động hận thù chống lại những người khác, công khai hoặc ngấm ngầm. Chính phủ của tôi sẽ là một chính phủ mang lại sự tôn trọng bình đẳng cho tất cả các tôn giáo."

"Ấn Độ là đất của Phật và Gandhi. Sự tôn trọng bình đẳng dành cho tất cả các tôn giáo phải có trong DNA của mỗi người Ấn Độ. Chúng tôi không thể chấp nhận bạo lực đối với bất kỳ tôn giáo nào vì bất kỳ lý do nào và tôi mạnh mẽ lên án bạo lực như vậy. Chính phủ của tôi sẽ hành động mạnh mẽ trong vấn đề này. "

Những lời này thật là tốt đẹp. Nhưng đáng tiếc chỉ là những lời có tính ngoại giao và trống rỗng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là một thành viên của đảng Ấn Giáo - Bharatiya Janata Party.

Từ khi ông Modi lên nắm quyền vào ngày 26 tháng Năm năm 2014, Giáo Hội tại Ấn đã trải qua liên tiếp những ngày thứ Sáu tuần thánh với hàng chục nhà thờ Công Giáo bị đốt phá và hôi của trong mấy tháng vừa qua.

Trong một diễn biến gần đây nhất hai viên chức Vatican
dự trù tham dự một hội nghị về phụng vụ đã bị từ chối thị thực chiếu khán vào giờ chót.

Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, thư ký của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích và Đức Tổng Giám mục Portase Rugambwa, chủ tịch Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, đã buộc phải hủy bỏ chuyến thăm dự kiến của mình đột ngột sau khi thị thực nhập cảnh của hai vị đã bị từ chối.
 

Sự từ chối thị thực là một cú sốc bởi vì nó đưa ra sau một sự chậm trễ bất thường. Vụ này xảy ra sau hàng loạt các vụ tấn công vào các nhà thờ Công Giáo và chương trình bắt buộc cải đạo sang Ấn Giáo đang được thực hiện trong cả nước dưới sự ngầm ủng hộ của thủ tướng Narendra Modi.

6. Sáng kiến 24 giờ cho Chúa – giải tội và chầu Mình Thánh Chúa liên tục 24 giờ tại Rôma và trên toàn thế giới

Tòa thánh đã công bố kế hoạch cho một sáng kiến toàn cầu nhằm khuyến khích người Công Giáo đến với bí tích Hòa Giải và chầu Thánh Thể.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự chương trình mang tên "24 giờ cho Chúa," với một buổi cử hành Phụng Vụ sám hối vào ngày 13 tháng 3 tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong 24 giờ sau đó, các nhà thờ ở Rôma sẽ tổ chức chầu Thánh Thể và các linh mục sẽ túc trực để giải tội cho anh chị em giáo dân.

"24 giờ cho Chúa" sáng kiến này là một dự án của Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa. Tòa Thánh khuyến khích các giáo phận và giáo xứ trên toàn thế giới tham gia vào chương trình này.

7. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh đến sớm với bà cụ chủ tiệm bán hoa cưới ở Washington

Một thẩm phán ở bang Washington đã phán quyết rằng một người Công Giáo chủ tiệm bán hoa cưới đã vi phạm luật chống phân biệt đối xử của tiểu bang khi bà từ chối không nhận đơn đặt hàng của một đám cưới đồng tính.

Thông tấn xã AP tóm tắt phán quyết của toà án Mỹ nói rằng vị thẩm phán truyền rằng bà cụ 70 tuổi, Barronelle Stutzman, đã phạm luật vì theo ông "Tu chính án Thứ Nhất bảo vệ niềm tin tôn giáo, nhưng không nhất thiết bảo vệ những hành động dựa trên những niềm tin ấy."

Luật sư của bà cụ Stutzman nói:

"Thông điệp của phán quyết này là không thể nhầm lẫn: cái chính phủ này sẵn sàng ra đòn tàn bạo làm tiêu tùng cá nhân và doanh nghiệp của bạn nếu bạn không giúp người ta ăn mừng hôn nhân đồng tính"

8. Đức Thánh Cha sẽ tôn phong thánh Gregorio làng Narek người Armeni là Tiến sĩ Hội Thánh.

Hôm thứ Bẩy 21 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, và đã phê chuẩn quyết định của các Hồng Y và Giám Mục thành viên của Bộ trong khóa họp toàn thể về việc tôn thánh Gregorio làng Narek làm Tiến Sĩ Hội Thánh. Đây là vị Tiến Sĩ thứ 36 của Giáo Hội.

Thánh nhân sinh năm 950 tại làng Narek thuộc cộng hòa Arméni trong một gia đình văn sĩ và mồ côi mẹ khi còn nhỏ. Thân phụ của ngài là Cha Khosrov sau này trở thành Tổng Giám mục. Gregorio cùng với em là Gioan được thân phụ ủy thác cho một người họ hàng là bà Anania Narek cũng là người đã lập ra trường học và làng Narek, chăm sóc.

Lớn lên, Gregorio đi tu làm Đan sĩ, rồi thụ phong linh mục và trở thành Viện Phụ một Đan viện. Ngài sống rất khiêm tốn và bác ái, dấn thân làm việc và cầu nguyện, đầy lòng kính mến Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

Cha Gregorio là một thần học gia nổi bật và là một trong những thi sĩ quan trọng nhất của nền văn chương Arméni. Trong số các tác phẩm của ngài có cuốn chú giải Sách Nhã Ca, nhiều bài tán tụng Chúa và Đức Mẹ, cùng với một bộ sưu tập 95 kinh nguyện dưới hình thức thơ phú gọi là ”Narek” cũng là tên Đan viện nơi ngài sinh sống. Ngài qua đời năm 1010, thọ 60 tuổi. Mộ của thánh nhân trở thành nơi thu hút các tín hữu đến hành hương cho đến năm 1915 là thời kỳ cuộc tàn sát của Thổ nhĩ kỳ chống dân Arméni.

Trung thành với truyền thống Giáo Hội thánh Gregorio có lòng sùng mộ sâu xa đối với Đức Mẹ và theo lưu truyền Ngài đã được Đức Mẹ hiện ra. Trong số các tác phẩm của ngài, đặc biệt có bài tụng ca Đức Trinh Nữ Maria và kinh nguyện số 80 mang tựa đề “Từ thẳm sâu tâm hồn, chuyện vãn mới Mẹ Thiên Chúa”. Trong kinh nguyện này, ngài cũng đào sâu mầu nhiệm Nhập Thể, kín múc từ đó những điểm để chúc tụng vẻ đẹp của Đức Mẹ.

Giáo Hội Công Giáo la tinh đã nhìn nhận sự thánh thiện của thánh Gregorio và gọi ngài là vị trổi vượt về đạo lý, các tác phẩm và khoa học thần bí. Lễ kính thánh nhân vào ngày 27-2 hằng năm. Giáo Hội Arméni ghi tên ngài vào số các vị Tiến Sĩ.

9. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng Ba

Kính thưa quý vị và anh chị em

Trong tháng Ba, ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô là:

- Ý chung: Cầu cho những người đang tham gia vào lãnh vực nghiên cứu khoa học, biết nhắm đến mục tiêu phục vụ lợi ích cho toàn thể nhân loại.
 

- Ý truyền giáo: Cầu cho những đóng góp riêng biệt của giới phụ nữ vào đời sống của Giáo Hội luôn được nhìn nhận.

10. Đức Thánh Cha liên đới với Giáo Hội và nhân dân Ukraine

Trong buổi tiếp kiến sáng 20 tháng 2, dành cho 32 Giám Mục Công Giáo Ukraine, Đức Thánh Cha tái bày tỏ tình liên đới với nhân dân nước này đang chịu đau khổ vì xung đột bạo lực và ngài kêu gọi các phe liên hệ tôn trọng hiệp định đình chiến.

21 Giám Mục Công Giáo Ukraine nghi lễ đông phương và 11 Giám Mục Công Giáo la tinh, đã về Roma hành hương, viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh trong tuần lễ từ 16 đến 21 tháng Hai.

Ngỏ lời trong buổi gặp gỡ các Giám Mục, Đức Thánh Cha ghi nhận Ukraine đã chịu cảnh xung đột từ nhiều tháng nay và tiếp tục gây nên nhiều nạn nhân vô tội, tạo ra đau khổ cho toàn dân. Ngài cầu nguyện cho những người quá cố và tất cả những người bị thương tổn vì bạo lực, xin Chúa sớm ban ơn hòa bình. Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả những phe liên hệ hãy áp dụng các thỏa hiệp đã cùng nhau đạt tới, đồng thời tôn trọng nguyên tắc của công pháp quốc tế, đặc biệt là tuân hành cuộc đình chiến mới ký kết, và thi hành tất cả những cam kết như điều kiện để tránh cho xung đột khỏi tái diễn.

Đức Thánh Cha nhắc nhở các Giám Mục Ukraine tránh đưa ra những câu trả lời trực tiếp về chính trị, vì đó không phải là ơn gọi của các vị, tuy nhiên có những thực tại xã hội văn hóa và thảm trạng con người đang chờ đợi sự đóng góp trực tiếp và tích cực của các Giám Mục.

Trong chiều hướng này, ngài cổ võ các Giám Mục Ukraine
quan tâm đối với những giá trị về phương diện mục vụ như: gặp gỡ, cộng tác, khả năng giải quyết những tranh chấp, tóm lại là tìm kiếm nền hòa bình có thể.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha cho biết Tòa Thánh luôn hỗ trợ các Giám Mục Ukraine, kể cả nơi các tổ chức quốc tế, để giúp các giới chức hữu trách hiểu về các quyền lợi, những lo âu và các giá trị Tin Mừng là động lực hoạt động của các vị.

Đức Thánh Cha không quên tố giác tình trạng một thiểu số người ở Ukraine rất giầu sang, gây thiệt hại cho đại đa số dân sống trong lầm than. Tình trạng này cũng làm ô nhiễm các cơ quan công quyền, tạo nên tình trạng nghèo đói tại một phần đất quảng đại và phong phú.

Sau cùng, Đức Thánh Cha cổ võ sự hiệp nhất giữa các Giám Mục Công Giáo nghi lễ đông phương và la tinh ở Ukraine và khẳng định rằng “Sự hiệp nhất của hàng Giám Mục không những làm gương sáng cho dân Chúa, nhưng còn là một việc phục vụ vô giá dành cho đất nước và dân tộc, trên bình diện văn hóa và xã hội, và nhất là bình diện tinh thần. Tôi thấy một điều rất quan trọng là những cuộc họp chung giữa tất cả các Giám Mục thuộc mọi Giáo Hội tự quản ở Ukraine. Anh em hãy luôn quảng đại trong việc nói với nhau như anh em. Các tín hữu Công Giáo nghi lễ đông phương cũng như Công Giáo la tinh, đều là con của Giáo Hội Công Giáo, cả nơi phần đất của anh em vốn đã chịu cuộc tử đạo lâu dài”
 

11. Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói chiến tranh tại Ukraine không phải là nội chiến nhưng là cuộc chiến xâm lược của Nga

Cũng liên quan tới Ukraine, trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Hoa kỳ hôm 19 tháng 2, trước khi gặp Đức Thánh Cha, Đức TGM trưởng tổng giáo phận Kiev-Halych, là Đức Cha Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ukraine nghi lễ đông phương, nói rằng: “Chúng tôi đến đây là trình bày sự thật cho ĐTC về tình hình Ukraine và đó cũng là mục tiêu cuộc viếng thăm của chúng tôi nơi mộ các thánh Tông Đồ. Và sự thực là dân tộc Ukraine là nạn nhân.. Bổn phận của chúng tôi là trình bày sự thật, chứ không phải là bó buộc ai phải thay đổi ý kiến. Đây không phải là một cuộc nội chiến tại Ukraine
, nhưng là một cuộc gây hấn trực tiếp từ một nước láng giềng.

Trong thời gian qua đã có sự xôn xao và phê bình trong dư luận báo chí ở Ukraine, sau khi Đức Thánh Cha ứng khẩu kêu gọi hòa bình cho Ukraine trong buổi tiếp kiến chung ở Vatican ngày 4-2 và tố giác cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” ở miền đông nước này giữa các tín hữu Kitô với nhau.

Báo chí Ukraine
phê bình Tòa Thánh theo lập trường của Nga để giữ quan hệ tích cực về đại kết với Giáo Hội Chính Thống Nga. Cha Lombardi Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh đã bác bỏ giải thích này.

Cộng hòa Ukraine rộng 603.500 cây số vuông trước khi miền Crimea
bị biến thành lãnh thổ của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý tại đây. Ukraine có hơn 45 triệu 370 ngàn dân cư trong số này 78% là người Ukraine, 17% là người Nga. Đa số dân nước này theo Chính Thống giáo chia làm 3 Giáo Hội khác nhau. Giáo Hội Công Giáo, chiếm 10% dân số Ukraine, có khoảng 4 triệu 900 ngàn tín hữu, trong đó có 800 ngàn thuộc Công Giáo la tinh và phần còn lại theo nghi lễ Đông phương Bizantine

12. Đức Thánh Cha tiếp kiến Bà thủ tướng Đức

Sáng 21 tháng 2, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến thủ tướng Đức, bà Angela Merkel.

Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến bà thủ tướng Đức, lần đầu ngày 19 tháng 3 năm 2013, khi bà đến Roma để tham dự lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Ngài. Lần này bà xin gặp Đức Thánh Cha trong ý hướng chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của khối 7 cường quốc (G7) sẽ nhóm tại Elmau, miền Bavaria nam Đức trong hai ngày mùng 7 và 8-6 tới đây.

Sau khi bà thủ tướng Đức hội kiến riêng với Đức Thánh Cha trong 40 phút, đoàn tùy tùng của Bà gồm 16 người đã vào chào thăm ngài. Trước khi phái đoàn của bà đi gặp Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, có Đức Tổng Giám Mục ngoại trưởng Paul Gallagher người Anh, hiện diện.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa thánh, cho biết trong các cuộc hội kiến thân mật, trong viễn tượng hội nghị thượng định G-7, các vị đã đặc biệt bàn về một số vấn đề quốc tế, như cuộc chiến chống nghèo đói, nạn bóc lột người và các quyền của phụ nữ; những thách đố về sức khỏe trên thế giới và việc bảo tồn môi sinh. Các vị cũng bàn về các quyền con người và tự do tôn giáo tại một số nơi trên thế giới. Sau cùng, bàn về tình hình ở Âu Châu, các vị đặc biệt nhấn mạnh nỗ lực đạt tới một giải pháp bằng phương thế ôn hòa cho cuộc chiến tại Ukraine
.

Trong dịp đến Roma lần này, bà Angela Merkel đã viếng thăm Bảo tàng viện Vatican và nhà nguyện Sistina tới tư cách riêng, và sau khi gặp Đức Thánh Cha và Đức Hồng Y Quốc vụ khanh, bà viếng thăm Cộng đồng thánh Egidio ở khu vực Trastevere. Đây là một tổ chức giáo dân Công Giáo, được thành lập năm 1968, chuyên hoạt động bác ái, đại kết Kitô và liên tôn, cũng như thăng tiến hòa bình.

13. Hội Đồng Giám Mục Kenya lên án WHO và UNICEF áp đặt chế độ thực dân ý thức hệ ở nước này

Trong tuyên bố ngày 13 tháng Hai gởi quốc dân đồng bào và tất cả những người thiện chí trên thế giới, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Kenya là Đức Cha Paul Kariuki Njiru đã cực lực lên án WHO và UNICEF sau khi các nhà khoa học nước này báo cáo rằng 30% thuốc chủng ngừa uốn ván có chứa một chất có tác dụng triệt sản.

Các Giám Mục Kenya
khẳng định rằng:

“Hành động này là vừa phi đạo đức vừa vô luân. Chúng tôi cực lực lên án tổ chức sức khoẻ thế giới – gọi tắt là WHO - và qũy nhi đồng Liên Hiệp Quốc – gọi tắt là UNICEF - đã tài trợ và tán trợ cho một chiến dịch vô nhân đạo như thế này ở nước ta. Chiến dịch triệt sản bí mật này là một sự lạm dụng nhân quyền trầm trọng và tấn công vào sự sống còn của một dân tộc.”

Tưởng cũng nên nhắc lại là trong bản tin đánh đi hôm 7 tháng 11, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết các Giám Mục Công Giáo của Kenya đau buồn trước viễn ảnh đen tối của đất nước. Các Giám Mục tố cáo rằng một số đông các phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh sản đã bị triệt sản mà không hề hay biết trong một âm mưu của chính quyền nước này được ngụy trang dưới một chiến dịch tiêm phòng được tài trợ bởi UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới.

Hơn 2 triệu phụ nữ trẻ ở Kenya
đã được tiêm phòng như một phần của chiến dịch quốc tế nhằm chống lại bệnh uốn ván. Tuy nhiên, vắc-xin được tiêm cho những phụ nữ trẻ cũng chứa một chất có tác dụng triệt sản. Các Giám Mục nói với thông tấn xã Fides rằng "chúng tôi tin rằng đó là một chương trình ngụy trang cho âm mưu kiểm soát dân số."

Các cuộc thử nghiệm đã xác nhận rằng vắc-xin chứa HCG, một hormone được sản xuất bởi phụ nữ trong thời kỳ mang thai bình thường. Khi HCG được tiêm vào trước khi mang thai, nó khiến cơ thể của người phụ nữ sản xuất các kháng thể sẽ gây ra sẩy thai.

Sau các thử nghiệm trên những phụ nữ được chích vắc-xin uốn ván, các nhân viên y tế Công Giáo báo cáo rằng HCG có trong tất cả những người đã được xét nghiệm, không sót một ai. Các thử nghiệm đã được thực hiện sau khi nhân viên y tế nhận thấy rằng vắc-xin được chích cho các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là khác với các loại vắc-xin chích cho trẻ em, người già và nam giới.

14. Tuyên bố của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc về Phát Triển Xã Hội

Trong phiên họp thứ 53 của Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội của Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, Sứ Thần và là Đại Diện Thường Trực của Tòa Thánh bên cạnh Hội Đồng này, đã đọc một tham luận, nhân bàn tới “việc tái suy nghĩ và củng cố phát triển xã hội trong thế giới hiện nay”

Ngài ghi nhận rằng dù tiến trình phát triển kinh tế đã bị chậm lại trong mấy năm qua, hàng triệu người vẫn được giải thoát khỏi cảnh nghèo, nhất là tại các nước đang mở mang. Tuy nhiên, ngài lưu ý rằng sự phát triển kinh tế ở nhiều nước chưa mang ích lợi lại cho mọi người trong xã hội một cách bình đẳng. Các bất bình đẳng sâu sắc vẫn còn tồn tại và nhiều nhóm yếu thế nhất trong xã hội vẫn bị bỏ lại phía sau. Không giải quyết bất bình đẳng, nhất là trong lúc ta đang bước vào nghị trình phát triển sau năm 2015, ta sẽ liều mình phá hoại tác động của phát triển kinh tế đối với cảnh nghèo và phúc lợi của xã hội như một toàn thể.

Để được lâu bền và mưu ích cho mọi người, phát triển xã hội phải hợp đạo đức, hợp luân lý và lấy con người làm tâm điểm. Việc phát triển toàn diện con người chân chính và việc loại trừ tận gốc cảnh nghèo chỉ có thể đạt được nhờ biết tập chú vào giá trị vô song của gia đình đối với xã hội, trong đó, mọi con người nhân bản nhận được nền giáo dục sơ đẳng và việc phát triển có tính đào luyện nhất.

Gia đình là mạng lưới an toàn xã hội tự nhiên nhất của xã hội, nhờ biết chia sẻ các tài nguyên vì lợi ích của toàn bộ đơn vị gia đình và cung ứng sự nâng đỡ giữa các thế hệ với nhau. Trong gia đình, ta học cách yêu thương và đóng góp mà không cần được trả công và không giống như trong nền kinh tế hoàn cầu, mọi cá nhân đều có chỗ đứng.

Nhận định của Đức Tổng Giám Mục được đưa ra sau những cáo buộc của các Giám Mục Phi Châu theo đó nhiều cơ quan Liên Hiệp Quốc như tổ chức sức khoẻ thế giới – gọi tắt là WHO - và qũy nhi đồng Liên Hiệp Quốc – gọi tắt là UNICEF – đang áp đặt những ý thức hệ cực đoan về gia đình nhằm phá nát các truyền thống gia đình của đại lục này.

15. Hoa Kỳ liên kết đồng tính luyến ái với cuộc chiến chống khủng bố

Một Giám Mục Nigeria tố cáo rằng các phương tiện truyền thông trên thế giới đang tập chú vào những hành động man rợ của bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Trung Đông mà quên đi những cuộc giết người hàng loạt với quy mô còn trầm trọng hơn quân khủng bố Hồi Giáo IS của bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram.

Đức Cha Emmanuel Badejo của giáo phận Oyo, Nigeria, Tân Chủ Tịch Truyền Thông của các giám mục Phi Châu nhận định rằng sự lờ đi này không phải là một tình cờ lịch sử, mà là một phần trong chiến lược của chính quyền Obama trong đó liên kết cuộc chiến chống khủng bố với ý thức hệ đạo đức tính dục.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho cô Diane Montagna, thuộc tạp chí Aleteia, một tạp chí chuyên về bảo vệ sự sống đưa ra cáo buộc rằng các nước phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ đang thực hiện một mưu toan “thực dân hóa ý thức hệ” nhằm phá hoại gia đình. Chính sách thực dân mới này tồi tệ đến độ Hoa Kỳ không ngần ngại nói rõ: họ chỉ giúp Nigeria
đánh trả nhóm khủng bố Boko Haram nếu nước này chịu thay đổi luật lệ liên quan tới đồng tính luyến ái, kế hoạch hóa gia đình và kiểm soát sinh đẻ.

16. Các Giám Mục Venezuela tố cáo một chế độ độc tài đang được hình thành tại nước này

Các Giám Mục Venezuela nói rằng việc bắt giữ một nhân vật chính trị hàng đầu là bằng chứng cho thấy một chế độ độc tài đang tác oai tác quái tại nước này và đang hủy diệt những nguyên tắc dân chủ tại Venezuela.

Đức Tổng Giám Mục Roberto Lückert đã đưa cáo buộc trên sau khi Thị trưởng Antonio Ledezma bị cảnh sát bắt giam. Tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc rằng viên thị trưởng Ledezma, lãnh tụ phe đối lập, đã tham gia vào một âm mưu đảo chính.

Ông Ledezma đã ký vào một tuyên bố kêu gọi thiết lập một chính phủ chuyển tiếp để giải quyết một cuộc khủng hoảng kinh tế đang càng ngày càng trầm trọng ở Venezuela
. Tuyên bố trên do ông Leopoldo Lopez, người đứng đầu phe đối lập chính trị, soạn thảo. Ông Leopoldo Lopez giờ đây cũng đang phải vào tù.

Đức Tổng Giám mục Lückert nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng chính phủ Maduro, là người kế thừa quyền lực từ tay nhà độc tài đã quá cố Hugo Chavez, đang "chà đạp mọi nguyên tắc pháp luật."

17. Đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã sẵn sàng để đối phó với mối đe dọa của khủng bố Hồi giáo 

Tân chỉ huy Đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ cho biết rằng những thành viên trong đội của ông đã chuẩn bị bảo vệ Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước những đe doạ từ những kẻ khủng bố Hồi giáo.

Đại tá Christoph Graf, người được bổ nhiệm vào đầu tháng này làm chỉ huy của lực lượng Đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ, nói với nhật báo Ý Il Giornale rằng các quan chức an ninh Vatican nhận thức đầy đủ về các báo cáo nói rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã chọn Vatican làm một mục tiêu tấn công.

Ông nói:

"Theo sau những tin tức liên quan đến những mối đe dọa của quân khủng bố Hồi Giáo, chúng tôi đã yêu cầu các thành viên chú ý nhiều hơn và quan sát kỹ lưỡng hơn những di chuyển trên quảng trường Thánh Phêrô. Nếu có chuyện gì xảy ra, chúng tôi đã sẵn sàng."

18. Bộ trưởng Nội Vụ Ý nói an ninh tại Vatican “rất chặt chẽ”

Biện pháp chống khủng bố và phòng ngừa các cuộc tấn công bạo loạn xung quanh Vatican đã được tăng cường "rất cao", Bộ trưởng Nội vụ Italia đã tiết lộ như trên sau những tin tức về mối đe doạ cho Vatican từ bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Bộ trưởng Angelino Alfano, nói với các phóng viên vào ngày 17 tháng 2 sau một cuộc họp với các quan chức Tòa Thánh rằng an ninh tại Vatican "đã rất cao và vẫn luôn là như vậy." Các nhà báo Italia gần đây đã loan tin rằng Vatican
là một mục tiêu của những kẻ khủng bố Hồi giáo.

Tuy nhiên, phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết rằng theo ông Alfano "không có mối đe dọa cụ thể" nào chống lại Vatican ngoài những lời tuyên bố vẫn thường được tên trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh đạo bọn khủng bố Hồi Giáo IS, đưa ra.
 

Đức Hồng Y Pietro Parolin nói rằng trong gần một năm qua đã có "một cuộc chiến tranh truyền thông do quân khủng bố Hồi Giáo IS đưa ra và các chiến binh thánh chiến thường xuyên cam kết sẽ chinh phục Rome”. Tuy nhiên, đã có không có mối đe dọa cụ thể nào.

Đức Hồng Y kết luận rằng các quan chức Vatican nên "cẩn thận, cảnh giác, nhưng đừng rơi vào việc loan truyền những tin tức vô căn cứ gây thêm những căng thẳng không cần thiết."

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2, Từ Năm 1991-1997, #3 (ch.445-446) (3/5/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2, Từ Năm 1991-1997, #2 (ch.443-444) (3/5/2015)
Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2, Từ Năm 1991-1997, #1 (ch.441,442) (3/3/2015)
Đức Mẹ Là Đấng Trung Gian Của Các Ân Sủng (3/3/2015)
Cn 2813: Phép Lạ Của Đức Mẹ Maria Chữa Bệnh Ung Thư (3/1/2015)
Tin/Bài cùng ngày
Chính Đấng Tạo Hóa Càn Khôn Đã Nắn Đức Nên Loài Người! (2/26/2015)
Toàn Thể Giáo Hữu Việt Nam Hết Lòng Tin Cậy Chạy Đến Cùng Mẹ! (2/26/2015)
Trích Đoạn: Tâm Sự Tình Yêu 7 (2/26/2015)
Tin/Bài khác
Dâng Hài Nhi Giêsu Vào Ðền Thánh (2/2/2023)
Mầu Nhiệm Thinh Lặng Của Mẹ (3/26/2019)
Vide Clip: Hoa Hồng Nở Ra Từ Ngực Của Thị Nhân Emma De Guzman, Người Phi Luật Tân, New Jersey, Hoa Kỳ. (2/22/2015)
Xin Đức Bà Làm Mẹ Các Kẻ Còn Ở Ngoài Hội Thánh (2/18/2015)
Tâm Tình Đọc Giả Audio Tác Phẩm Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ (2/17/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768