MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Nỗi Buồn Của Người Việt Già Ở Nursing Home
Thứ Tư, Ngày 26 tháng 11-2014
Nỗi buồn của người Việt già ở Nursing Home
image
Theo một thống kê của Cơ quan an sinh xã hội bang California, Mỹ, trong tổng số 400 nghìn người Việt hiện đang sinh sống ở miền Nam California, có khoảng 15 nghìn người trên 65 tuổi. 1/3 ở chung với con cháu. Số còn lại, ở trong các viện dưỡng lão (nursing home). Vẫn theo thống kê này, những người Việt già trên đất Mỹ rất sợ bị đưa vào nursing home!

1. Xế chiều 29 tháng Chạp, tôi lái xe đến Viện Dưỡng lão thành phố Westminster, Orange County. Đây là cơ sở được xem như khá nhất trong số những viện dưỡng lão tại miền Nam Cali. Vì là ngày giáp tết nên quang cảnh khá lặng lẽ. Ở các lối đi trong khu vực dành cho người Việt, trên những băng ghế đặt rải rác dưới những tàn cây, không có cụ nào tản bộ hay ngồi nghỉ chân, trò chuyện. Bãi đậu xe cũng chỉ thấy lác đác vài chiếc của nhân viên trực. Nhìn qua khu dành cho người Mỹ, người Hàn Quốc và khu dành cho người Mexico thì đông người hơn. Có lẽ họ không biết hôm nay là giao thừa của người Việt.
Vào trong, tất cả đều vắng vẻ. Một lát, tôi mới thấy một y tá đẩy chiếc xe lăn, trên đó là một cụ ngoẹo đầu, mắt nhắm nghiền, rớt dãi chảy dài xuống khóe miệng. Trước cửa phòng số 6, một bà ngồi im lìm trên chiếc ghế nhựa, nét mặt thẫn thờ. Tôi hỏi: "Bà có con cháu vào thăm chưa?". Nhìn tôi một lát, bà lắc đầu kèm theo tiếng thở dài mệt mỏi.
Tên bà là Trần Thị Nghị, 74 tuổi. Bà sang đây theo diện bảo lãnh của đứa con trai. Bà kể: "Hồi đầu, mọi sự tốt đẹp lắm. Nhưng được vài năm, con dâu tôi nói tôi ở dơ vì lúc đứa cháu nội bị sổ mũi, tôi lấy tay bóp mũi, vắt nước mũi cho nó. Bực mình quá, tôi nói hồi nhỏ tao cũng hay vắt nước mũi cho chồng mày vậy, mà có sao đâu! Thế là nó cấm tôi không được đụng đến con nó nữa. 3 tháng sau, chồng nó nghe lời nó, đưa tôi vào đây".

image
Ở một phòng khác, cụ ông Nguyễn Văn Đức, 71 tuổi, nằm co quắp trên giường. Hỏi ra mới biết cụ bị bệnh suyễn. Đưa tay chỉ một hộp bánh, 2 hộp mứt, 2 hộp kẹo nằm chỏng chơ trên bàn, cụ phều phào: "Cái này con tôi cho, cái kia là của hội thiện nguyện, còn hộp đó là quà tặng của nhà chùa".
Theo tập quán người Việt, một gia đình mà 2, 3 thế hệ gồm ông bà, cha mẹ, con cháu cùng ở chung với nhau thì được xem như gia đình hạnh phúc, ăn ở có đức, có hiếu. Nhưng người Mỹ nói riêng và người phương Tây nói chung, với bản tính thực tế thì họ lại không nghĩ vậy bởi lẽ ngay từ khi còn trẻ, họ đã được học tính tự lập - và điều này đã tác động rất lớn đến thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 - là những người sang Mỹ từ khi còn bé, hoặc sinh ra trên đất Mỹ. Họ hầu như ít nói tiếng Việt mà chỉ dùng tiếng Mỹ - ngay cả khi về nhà.


Phần lớn họ chịu ảnh hưởng nặng của lối sống Mỹ: 18 tuổi là ra ở riêng, cha mẹ già thì đưa vào viện dưỡng lão. Sự thành công về mặt học vấn, tài chính đã khiến họ chẳng còn quan tâm nhiều đến quá khứ của cha ông. Nếu như ở Việt Nam, con cái thường ngồi im nghe cha mẹ giáo huấn - dù ngồi một cách miễn cưỡng - thì ở Mỹ, phần lớn người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 lại chọn cách bỏ đi ra ngoài, không cần quan tâm đến những gì cha mẹ mình đang nói, dẫn đến xung đột... Sự xung đột lắm khi chỉ bắt nguồn từ một nguyên nhân nhỏ nhoi nhưng không được giải quyết thấu đáo, dẫn đến mâu thuẫn ngày càng trầm trọng.

Bà Lý Thị Vân, 69 tuổi, nằm tại phòng số 3, nói: "Có những điều ở Việt Nam coi là bình thường thì qua đây lại trở thành bất bình thường. Trong một bữa ăn chẳng hạn, lúc tôi dùng cái muỗng của tôi để múc canh trong tô canh thì thằng con rể tôi trợn mắt nhìn tôi rồi từ đó đến cuối bữa, nó không đụng vào tô canh đó nữa!".
image
Vì vậy, với những người Việt cao tuổi ở miền Nam Cali, ba chữ "viện dưỡng lão" từ lâu đã là cơn ác mộng. Nó đánh thốc vào tim tạo thành những cơn kinh hãi, đến độ đã có một cụ quỳ sụp xuống ngay trước cổng vào viện dưỡng lão, chắp tay vái con ruột mình: "Ba lạy con, con cho ba về nhà, ba trải ghế bố nằm trong gara cũng được chứ con đừng bắt ba vô đây". Ông Trần Ngọc Lâm chẳng hạn, khi tôi hỏi vợ con ông ra sao, có thường xuyên vào thăm ông không thì ông bực bội: "Làm ơn đừng nhắc đến vợ, đến con tôi nữa. Vợ, con mà để tôi sống như thế này à?".

Ông Lê Cẩm, ở phòng số 9 trong viện dưỡng lão, kể: "Năm tui 68 tuổi, đi đứng bắt đầu yếu, mắt mờ, tay run, con trai tui nói mai đưa ba vô nursing home. Tưởng nó giỡn chơi, ai dè sáng hôm sau nó đưa tui vô thiệt. Tui hỏi nó sao con nỡ lòng nào mà làm vậy. Nó nói tỉnh bơ: Già rồi thì vô viện dưỡng lão chứ làm vậy là làm sao!". Hỏi ông có biết mai là tết âm lịch cổ truyền không? Ông nói biết vì ba bữa trước, con ông vô thăm, có đem cho mấy hộp mứt. Trên gò má nhăn nheo của ông bỗng lăn dài những giọt nước mắt: "Tết nhất là ngày sum họp gia đình. Vậy mà…".

image
2. Công bằng mà nói, sự sợ hãi viện dưỡng lão của các cụ cao niên người Việt - ngoài việc bị tách ra khỏi môi trường gia đình quen thuộc - mà hầu hết các cụ đều nghĩ rằng mình bị bỏ rơi, bị con cháu hắt hủi, thì còn một nguyên nhân nữa. Đó là khi tuổi tác đã cao, sức khỏe các cụ cũng sẽ xuống và bệnh tật ắt phải tới. Chuyện không thể tự chăm sóc cho mình là lẽ đương nhiên khi bệnh trạng các cụ tới thời kỳ nghiêm trọng, và cách giải quyết duy nhất là đưa các cụ vào viện dưỡng lão.
Anh Kevin Nguyen, có người mẹ 72 tuổi, hiện đã ở viện dưỡng lão, nói: "Tôi và vợ tôi đều phải đi làm, hai đứa con đi học nên không lấy đâu ra thời giờ chăm sóc mẹ tôi. Còn nếu mướn y tá hay điều dưỡng đến nhà ăn ở, nấu nướng và chăm sóc mẹ tôi thì tôi không đủ tiền".

Một trong những nguyên nhân nữa dẫn đến việc các cụ buộc phải vào viện dưỡng lão. Đó là về già, các cụ thường bị lẫn, mất trí nhớ, thậm chí không nhận ra vợ (hoặc chồng) hay con cái, không cho họ tới gần. Anh Kevin Nguyen, nói tiếp: "Mẹ tôi đổi tính, trở nên khó chịu. Cụ luôn gắt gỏng, nghi ngờ tất cả mọi người".

Chị Lam Hương, có mẹ cũng ở viện dưỡng lão tâm sự: "Cụ nhà tôi lúc nào cũng nghi ngờ có người ăn cắp tiền của cụ mặc dù tiền đó là của con, cháu cho. Ngày nào cũng vậy, cụ lôi túi tiền ra đếm vài chục lần rồi cũng không dưới chục lần, cụ chửi um lên, bỏ ăn, thậm chí cuốn quần cuốn áo đòi ra khỏi nhà vì "nhà này toàn quân ăn cắp". Riết rồi không ai chịu nổi nữa, chúng tôi đành đưa cụ vào viện".

image
Nỗi sợ phải vào viện dưỡng lão còn có một lý do khác: Đó là nhân viên của nhiều viện dưỡng lão thiếu khả năng chuyên môn, thiếu sự nhiệt tâm và không được huấn luyện kỹ lưỡng, cộng với sự cắt giảm tài trợ của chính quyền do thiếu hụt ngân quỹ dẫn đến số người bị ngược đãi, bị bỏ mặc trên cả hai phương diện sinh lý lẫn tâm lý càng ngày càng tăng, chưa kể có cụ còn bị bắt phải nín lặng, không được phép than phiền, kêu cứu khi lên cơn đau dạ dày hay đau khớp.

Cụ ông Trần Văn Sinh, trước khi sang Mỹ là y tá ở Bệnh viện Bình Dân, TP HCM, nói: "Một thời gian dài, tôi bị trầm cảm vì tuyệt vọng, và tôi được cho uống thuốc an thần một cách rất thản nhiên. Khi tôi báo cáo việc này với ban quản trị, thì con tôi lúc vào thăm đã bị ngăn chặn với lý do là làm trở ngại việc điều hành".

image
Theo tìm hiểu của tôi, Viện Dưỡng lão thành phố Westminster có khoảng 90% là người già trên 65 tuổi. Số còn lại là từ 80 tuổi trở lên. Cũng xin nói thêm là ở Orange County, các viện dưỡng lão đều do người Mỹ làm chủ và điều hành. Nó thường được chia làm hai khu chính là nội trú và bán trú cùng nhiều khu phụ. Khu nội trú dành cho các cụ ở thường trực. Khu bán trú dành cho những bệnh nhân sau khi điều trị ở bệnh viện nhưng không đủ tiền để nằm lại vì viện phí rất cao, nên phải chuyển vào viện dưỡng lão để nằm chờ, lúc bình phục họ sẽ về nhà.

Thường thì nhân viên quản lý sắp xếp các khu theo sắc tộc, như khu dành cho người da trắng, khu cho người Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan v.v... Nếu thiếu phòng, các cụ phải nằm bất cứ khu nào còn trống. Chả thế mà cụ bà Lê Thị Lài, 67 tuổi, sau hơn 2 tháng ở chung với khu người Mỹ da đen rồi lúc được chuyển sang khu người Việt, cụ ngơ ngác như người tâm thần, hỏi gì cũng ú ớ. Nếu người Việt vào đông, các cụ được nhà bếp nấu riêng món ăn Việt nhưng chỉ vào buổi trưa và buổi tối, còn bữa sáng vẫn phải ăn món ăn Mỹ. Hầu hết những trường hợp được đưa vào đây là do bệnh lý, đòi hỏi phải có sự trợ giúp thường trực của nhân viên y tế cùng các thiết bị mà chỉ các viện dưỡng lão mới có khả năng cung cấp. Những người này thường mắc phải những bệnh gây mất năng lực về thể chất lẫn tinh thần, hoặc họ yếu đến nỗi không thể di chuyển, tự tắm rửa hay tự ăn uống được.

image
Trao đổi với tôi, phóng viên Vince Gonzales thuộc Đài CBS, người đã làm những phóng sự về vấn đề ngược đãi người già ở các viện dưỡng lão cho biết: "Nhiều người trong số họ cần có sự chăm sóc suốt đời vì họ không bao giờ có thể hồi phục để có thể tự chăm sóc cho mình, chứ đừng nói là cho về nhà. Tương lai của họ một là sẽ chết trong viện dưỡng lão, hai là chuyển vào bệnh viện nếu bệnh nặng rồi chết ở đó và ba là bệnh viện trả về để chờ chết…".

3. Đã đến bữa cơm chiều. Những cụ còn khỏe thì chậm chạp lê bước, hoặc tự mình lăn xe xuống nhà ăn. Yếu quá thì nằm trong phòng, chờ điều dưỡng mang thức ăn đến. Cô Jenny Pham, một điều dưỡng người Việt ở đây, cho biết: "Viện có rất ít điều dưỡng Việt Nam nên tụi em thường bị điều đi phục vụ toàn khu, chứ không cứ gì khu người Việt". Theo luật riêng của tiểu bang California, mỗi viện dưỡng lão phải có đủ nhân viên săn sóc cho bệnh nhân, nhất là các dịch vụ khẩn cấp, mỗi bệnh nhân phải được y tá săn sóc ít nhất 3 hoặc 2 tiếng mỗi ngày.

image
Jenny Pham nói tiếp: "Khi có đoàn kiểm tra, viện dưỡng lão thuê mướn thêm điều dưỡng cho đông đủ, đồng thời sắp xếp cứ 1 điều dưỡng chăm sóc cho 10 người theo luật định để che mắt. Khi đoàn kiểm tra đi, mỗi đứa tụi em lại phải chăm sóc cho 19, 20 người…". Tôi hỏi: "Mấy hôm nay, gia đình các cụ vào thăm có nhiều không?". Jenny Pham đáp: "Cũng ít thôi, chủ yếu là các hội đoàn thiện nguyện, các tổ chức tôn giáo. Em biết có 26 cụ từ ngày vào đây, có cụ ở đã 5 năm nhưng chưa thấy ai đến thăm lần nào".

Tôi hỏi: "Đêm giao thừa có tổ chức gì không?". Jenny Pham lắc đầu: "Dạ không, mấy cụ còn khỏe, còn minh mẫn thì tụ họp nhau lại uống trà, nói chuyện hồi xưa. Còn hầu hết đều nằm trên giường. Nhiều cụ khi em hỏi ngày mai là mùng 1 tết rồi, biết không? Có cụ nhe răng cười, chẳng biết gì hết".
Tôi ra về và lúc bước ngang phòng số 7, một đôi vợ chồng trẻ cùng hai đứa con đang đứng cạnh một cụ già ngồi trên xe lăn. Người phụ nữ nói: "Chào ông nội đi rồi về con". Ông cụ miệng méo xệch: "Bay cho nó ở chơi thêm chút nữa, vừa mới vô mà". Anh con trai đỡ lời: "Con đưa các cháu vào chúc tết ba, bây giờ dẫn tụi nó đi coi xiếc cá heo. Vé mua rồi, sắp tới giờ diễn rồi…".


image
Dẫu biết ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, sống đâu theo đó, nhưng sao tôi vẫn thấy nao lòng vì ở quê nhà giờ này, gia đình nào chắc cũng đang quây quần, sum họp…

  Cõi Vô Cùng                                                                                                    
                                                                                                                       
                                          CHƯƠNG  II
 
" Hồn tuyệt vọng nhìn lên tường mờ tối,
Thấy bóng mình run rẩy giữa lá hoa,
Buồn mênh mông nên hình ảnh nhạt nhòa,
Hoa với lá chỉ một màu trắng đục."
                              Trần Hồng Văn
 
Hôm ấy là một tối mùa Ðông, trời lạnh lắm và trăng rất sáng, ông nhà văn trút hơi thở cuối cùng trong yên lặng. Từ đầu mùa thu trước, nay đã sang mùa Ðông thứ hai, một thời gian khá dài để ông nằm suy nghiệm cuộc đời, và vợ ông đã quá mệt mỏi với những cơn trở bệnh của chồng. Cái gì cũng trở thành thói quen, cho dù sự đau  khổ cũng không làm người ta băn khoăn bao nhiêu.
 
Lúc ấy cả nhà đang dùng bữa cơm tối, mọi sinh hoạt trong gia đình vẫn bình thường. Hai vợ chồng thằng con trai đi làm về muộn đã ăn cơm xong, rút lên lầu xem TiVi. Người vợ đi đứng nhẹ nhàng đóng cửa phòng người bệnh, yên chí là cái xác ấy còn thở, và bà đang trông chừng hai đứa cháu vừa ăn cơm, vừa cãi nhau.
 
Thật là một cái chết nhẹ nhàng của một con người có tâm hồn bình yên, suốt cả đời chỉ dùng ngòi bút để gửi gấm cho đời những điều tốt đẹp. Vả lại,  chẳng ai biết mình ra đi lúc nào, bằng cách nào. Ông may mắn lìa đời lặng lẽ, có người còn giẫy giụa, la hét, chân tay co quắp như lên cơn động kinh trước khi chết. Ông thỏa được ý nguyện là sự ra đi của mình không làm kinh động người khác, cho nên, khi cái bóng người xưa đứng bên cửa sổ đợi chờ, giơ bàn tay vẫy gọi là ông đi. Ðằng nào chẳng phải đi, huống gì từ trước tới nay bạn bè réo gọi là ông đi, không từ chối ai bao giờ. Dẫu đi chỉ là nói một câu chuyện tầm phào lúc nửa khuya với ấm trà thơm, ly cà phê nóng, nghe tiếng mưa rơi, hay để thưởng thức một bài thơ hay.. . .
 
Từ hun hút của một xác thân bệnh hoạn , ông thấy mình thoát ra từ từ, nhẹ hẫng. Mới đầu thì hai chân không còn cảm giác, sau đi lần lên phần trên của cơ thể, và nhịp tim bỗng chậm hẳn lại, như những tiếng trống rời rạc trong lồng ngực. Khi nó ngừng hẳn thì óc ông cũng còn ghi nhận được vài hình ảnh xung quanh mình. Bức tường sơn xanh với tấm tranh lập thể , bình hoa với những đóa hồng vàng còn tươi thắm, gắn lên đó là hàng chữ nắn nót  " Get well soon " của người bạn tặng ông mới hai hôm trước. Mấy lọ thuốc, con dao gọt trái cây, đôi giày vải dưới chân, tấm khăn trải giường màu xanh in hoa, bây giờ có thân xác ông nằm bất động trên đó. Lặng tắp, bình yên, đôi mắt nhắm he hé, đôi tay còn hờ hững đặt một cách xô lệch bên trên thân xác, chứng tỏ ông vừa với theo, chụp bắt một cái gì. . . Nhẹ , nhẹ lắm, ông chưa bao giờ thấy mình khỏe như lúc này, cái buồn, cái đau, cái mệt trong khoảnh khắc tiêu tan, ông có cái sung sướng của người tù vượt thoát khỏi nhà tù là cái xác thân của mình.
 
Vun vút, vun vút. Ông không cần dùng sức mà vẫn vượt qua cánh cửa gỗ đóng kín, bây giờ ông có thể đi lại trong nhà, nhìn ngắm những chỗ thân quen mà bao lâu nay nằm liệt  một chỗ ông không tới được. Ông đi thẳng vào căn phòng làm việc của mình, còn ngổn ngang sách vở và báo chí, một thứ bừa bãi rất ngăn nắp mà ông đã từng yêu cầu vợ ông đừng mó tay vào dọn dẹp. Chiếc máy điện toán còn nằm im ở mặt bàn gần cửa sổ, lâu nay ông không có dịp mở ra để tìm tòi, đọc những lá thư của bạn bè bốn phương gửi tới. Ðó là cái thú của những ngày còn bận rộn với nghiệp văn chương. Nhìn đống thư từ và bản thảo dầy cộm trong ngăn kéo, không cần mở ra ông cũng có thể thuộc lòng từng trang giấy, từng giòng chữ thân yêu của bạn tâm giao, và tác phẩm của mình viết dở dang. Những thứ này ông quý lắm, vì nó cho ông một giá trị tinh thần mà dù có tiền cũng không mua được.
 
Rồi cứ thế ông đi thơ thẩn , thong thả từ phòng này sang phòng kia. Không đóng cửa, không mở cửa, không ồn ào, nơi phòng ăn ông nhìn thấy vợ và hai đứa cháu đang ăn cơm, mùi gạo thơm và những thức ăn quen thuộc. Ông đứng đó nhìn khuôn mặt mũm mĩm ngây thơ của đứa cháu gái lên bốn tuổi, mà đã biết cãi nhau với thằng anh trai. Vợ ông lừ mắt nhìn chúng, hai đứa bé lấm lét nhìn rồi quay mặt đi, nhưng chân chúng nó đang đá nhau dưới gầm bàn. Thằng bé đá mạnh khiến con bé bị đau bất ngờ óe lên khóc, bà vợ đang ăn cơm chợt nghĩ tới ông đang ngủ trong phòng và chạy vội vào thăm.
 
Như linh cảm có điều gì bất thường trong giấc ngủ lạnh lẽo của chồng, bà chạy vội đến để sờ vào người ông khi thấy ông nằm bất động, bà đặt tay lên hai lỗ mũi thì không cảm thấy hơi thở, và áp tai vào lồng ngực thì không nghe tiếng tim đập. Thế là bà kêu thất thanh, tru lên khóc. Ông biết mà, vợ ông vốn ít khi giữ được sự bình tĩnh cho nên vẫn hay ồn ào như vậy. Bà hiểu ông đã qua đời trong khi bà và hai đứa cháu ăn cơm ở nhà ngoài, vì xác ông còn hơi âm ấm.
 
Nghe tiếng bà la hoảng, tru tréo thét  hai đứa cháu lên lầu gọi bố mẹ chúng . Lập tức con bé nín khóc, hốt hoảng chạy theo thằng anh, nó suýt ngã ở bậc thang thứ hai, nhưng ông đã nhanh tay đỡ cháu. Ðúng ra thì không ai thấy được điều này ngoài ông, nhưng con bé chừng như chựng lại được và nhờ thế không ngã, rồi nó lốc nhốc đi theo thằng anh lên lầu.
 
Tối hôm đó, người nhà lục tục kéo đến, mấy đứa con ở riêng được gọi về, dẫn theo một đám trẻ con, nhà ồn ào như cái chợ. Sau bao nhiêu thủ tục rườm rà để khai tử cho một người đã lìa đời, ông được chở đi khám nghiệm và xác định tình trạng chết vì bệnh, rồi đưa qua nhà quàn là trạm cuối, trước khi đến nghĩa trang và vùi nó trong lòng đất . Cuộc hành trình của một thân xác cũng khác nhau, tùy theo giá tiền và sự giàu nghèo của gia đình. Hòm xiểng cũng đủ giá. Hoa hoét cũng đủ loại. Ngay cả cái nắm đất nằm ở đâu cũng đã có nhiều giá khác nhau, nhưng có một điều buồn cười là cái xác nào cũng vậy, không thơm tho hay hấp dẫn chút nào, dù người ta đã đắp lên nó đủ thứ hoa hoét, và đốt lên đủ loại trầm nhang.
 
Ngay cả buổi lễ an táng cũng có giá đàng hoàng, phân ra từng loại, lễ lớn lễ nhỏ, cầu nhiều hay ít cứ thế mà người nhà chuẩn bị tiền bạc để chi tiêu cho người chết. Ông chả bao giờ thấy điều đó là cần thiết, vì nếu cho rằng mình hoàn toàn chịu trách nhiệm trên hành động và tư tưởng của mình khi còn sống, thì những lời cầu cho người chết chỉ để là cho người sống an tâm thì đúng hơn, họ không bị ray rứt là đã không làm tròn bổn phận. Ðó là lập luận của ông, không phải cho hết mọi người, dù chưa hiểu rõ và xác định được những điều suy nghĩ của mình, ông cảm thấy đó là sự suy nghĩ đúng đắn nhất.
 
Ông hơi buồn buồn khi nhìn cái xác của mình nằm đó như chia tay một người bạn thân, đã có bao nhiêu năm ròng rã vui buồn với nhau. Nom nó thảm hại quá, xanh xao quá, và nghĩ đến chuyện trở về trú ngụ trong nó ông sợ đến run người.
 
Thật ra cần phải có một thời gian dài nằm đó, là gánh nặng cho mọi người trong nhà ông mới nghe rõ được tiếng thở phào rất nhẹ của vợ con. Chắc chắn họ có thương yêu ông, nhưng khi phải gánh một cái gánh quá nặng mà chẳng biết bao giờ được trút xuống khỏi đôi vai, thì trong nỗi đau đớn vẫn có nhẹ nhõm cho người sống, chút mừng cho người nằm xuống . Biết được điều ấy nhưng ông vẫn không buồn. Ðời mà, cái gì cũng chỉ nên tương đối thôi, đừng quá hy vọng  tuyệt đối  một điều gì hay bất cứ ai để dễ bị thất vọng và  trở nên cố chấp. Ông thấy sự ra đi của mình thật là đúng lúc, nhẹ cả đôi đường.
 
Hôm sau là ngày phát tang, trắng xóa những giải khăn tang , áo tang may lùng thùng và khăn tang phấp phới như một đám hội. Một số họ hàng, bằng hữu và gia đình đã tới để  dự lễ phát tang, có thầy tụng kinh cầu siêu, có bát cơm với quả trứng luộc. Trong quan tài, xác ông được mặc quần áo đẹp, lại thắt cà vạt cổ cồn như khi đi ăn cưới hay dự tiệc. Người ta không quên thoa một lớp phấn mỏng và chút phấn hồng lên mặt xác chết, tô một chút son lên môi, ông được trang điểm như sắp lên sân khấu để ăn nói. Điều này khiến ông buồn cười chực nhớ lại thời vàng son cuả mình. Rồi lại còn nằm lên một thảm trà êm ngát mùi hương sen,  với những đồ đạc quen thuộc khi còn sống ông hay dùng. Ðôi giày da, chiếc mũ dạ, chiếc khăn tay, người nhà còn cẩn thận bỏ vào cho ông một cuốn sách và cây bút , chuẩn bị đầy đủ mọi thứ quen thuộc để người chết ngao du trong lòng đất.
 
Ông mỉm cười chua chát. Tất cả những thứ ấy cùng với thân xác ông, sẽ thối đi, sẽ mủn ra để trở thành tro bụi. Hồn sẽ mang đi được gì? Tất cả trên cõi trần thuộc về vật chất, hồn chỉ mang theo những tinh hoa của phần tinh thần, đấy mới là hành trang để định đoạt sẽ đi về đâu ở cõi bên kia.
 
Những ngày cái xác còn nằm đó là những ngày mệt mỏi cho tang quyến. Vợ ông hốc hác và gầy rộc đi, phải nói quá nhiều những lời kể lể, và đau buồn vì cái chết của ông, hai mắt bà sưng mọng lên và khản cả tiếng. Nghe nhiều những lời phân ưu , buồn thật có, giả có, bà mệt rũ người, chưa kể còn phải lo cơm cúng sáng, cúng chiều, sắp đặt trong ngoài tiếp đón họ hàng để sau đám ma khỏi bị "ma chê, cưới trách". Một số họ hàng từ xa đến, con cái kéo về đủ mặt, nhưng đám trẻ con thì không giữ được vẻ buồn lâu, vì đời còn trăm thứ bận rộn mà không thể vì một người nằm xuống, lại có thể làm ngưng đọng. Ðứa con gái vẫn tiếp tục chuyện trò với người yêu bằng điện thoại, chúng rúc rích nói chuyện  với nhau, và ông nghe  chúng nó đang bàn tán đến chuyến du lịch mùa Ðông sau đám ma của ông, vào những ngày lễ nghỉ.
 
Ðây là cuộc gặp gỡ đông đủ để đám con trong nhà có dịp nói với nhau về những dự tính trong tương lai, ông thấy cũng vui vui, hơn là phải nghe những tiếng khóc. Bây giờ thì ông đã hiểu phần nào , tại sao ông bà mình duy trì ngày giỗ trong gia đình. Nó chỉ là cái cớ để xum họp, để con cháu có dịp gặp lại nhau mà nối kết  tình cảm gia đình, khi mỗi người lớn lên lại có một gia đình riêng, ít khi có dịp gặp nhau nếu không có một lý do chính đáng.
 
Trong những người đến thăm viếng ông những ngày cuối, ông nhận thấy nhiều khuôn mặt quen. Nói đúng ra người viếng thăm cũng phải có chút tình nghĩa với người đã chết, nhưng cũng có người tới chỉ để trả lễ cho phải phép. Ông  len lỏi vào đám đàn ông, người thân cùng những bạn gần bạn xa, nghe họ nói chuyện. Lúc đầu thì họ xoay quanh cái chết của ông, về những thứ bệnh tật mà ở tuổi ông người ta hay mắc phải. Không cao máu thì cũng tiểu đường, không tim thì cũng gan, thôi thì có trăm thứ để kể. Nói chán chuyện bệnh tật ốm đau, họ quay sang chuyện xã hội, cộng đồng và chính trị. Bây giờ thì họ quên mất là ông đang nằm đó, và người chết dẫu chỉ là cái xác vô tri nhưng linh hồn chắc cũng đang cần sự yên tĩnh. Ðám ma của ông là dịp gặp gỡ để họ bàn bạc sang nhiều vấn đề khác, những nhân vật khác có những  âm mưu, thủ đoạn, ghen ghét ông nghe đủ. Hình như phải đợi sau khi chết ông mới có cơ hội để đánh giá được lòng dạ con người đối với nhau, kinh khủng hơn là họ còn đem ông ra để mà bàn cãi trong lúc này. Hồi ông còn sống, mỗi lần nghe báo tin một người đã qua đời, sau khi sửng sốt trước cái tin dữ vừa nghe, thế nào ông cũng thấy họ bàn cãi về cuộc đời của nhân vật. Tất cả những chi tiết thầm kín cá nhân cũng được họ xì xào nhắc tới, cho nên ông rất kinh sợ cho những tin buồn như vậy, vì ông thấy thiên hạ vẫn không tử tế thế nào đó, nhất là cho  người nằm xuống có một dĩ vãng đau khổ.
 
Là một người cầm bút, chắc hẳn tư tưởng của ông khi viết ra không thể phù hợp cho hết thảy mọi người. Ông chấp nhận điều đó, cái gì cũng chỉ tương đối thôi, nhưng ông có quyền hãnh diện là những tác phẩm mình viết ra, chia xẻ những điều ông suy nghĩ, và tuyệt đối không bao giờ chà đạp lên tư tưởng của người khác, vì ông đâu phải cái rốn của vũ trụ.
 
Ðám phụ nữ dễ thương hơn. Họ âu sầu trước  cái chết của ông, có người thút thít khóc, có người lấy khăn tay lau nước mắt, đốt cho ông mấy nén nhang và thầm thì vài câu chia biệt. Sau những nghi thức dành cho người chết, họ bắt đầu rù rì sang chuyện khác. Bây giờ thì ông có quyền đứng ngay bên cạnh họ, thậm chí có thể hôn lên má họ và đứng lắng nghe chuyện họ tâm tình với nhau. Ðàn bà lại có chuyện của đàn bà, về ông chồng và những đứa con trong nhà, chuyện thiên hạ với những nhân vật trong sinh hoạt hằng ngày của họ. Nói chán chuyện chùa chiền, nhà thờ hay hội hè, họ quay qua  nhà cửa, tiệm tùng,  thời trang , chuyện nào cũng hấp dẫn hết. Cái nhẫn hột xoàn, cái mề đay kim cương trên khoảng ngực trắng ngần, chiếc áo mới may để chuẩn bị cho đám cưới nhà bà X, ông Y nào đó, ôi thôi đủ thứ chuyện. Chỗ này có tiếng sụt sịt, chỗ kia lại đang khúc khích, đời buồn vui lẫn lộn, khiến ông là người trầm tính nhất mà cũng phải ngao ngán cho cái vui buồn hỗn độn ấy.
 
Ông chán nản quá. Thật thương hại cho cái thân xác nằm kia, sáu mươi năm cuộc đời nghe eo sèo đủ thứ chuyện. Sáu mươi năm trôi nổi trong cái thế giới nhân nghiã có, giả dối, bon chen, vị kỷ cũng có, bây giờ nằm xuống là đúng quá, không nên tiếc làm gì. Suốt mấy ngày quanh quẩn với thế giới loài người, hiểu cặn kẽ về tình đời, giá còn sống có lẽ ông sẽ viết tiếp được một câu chuyện hay. Ông thấy mình nên tách rời thế giới này càng nhanh càng tốt, nhất là khi cái thân xác kia,  không còn sự sống trong đó, chỉ vài hôm thôi, nó sẽ thành một đống thịt thối không ngửi được.
 
Tất cả những kỷ vật ông để lại, ngoài sách vở và hình ảnh, vợ ông cố chèn nhét vào cái áo quan chật hẹp làm hành trang cho ông mang theo. Ðiều này khiến ông buồn cười và nhớ lại tính cẩn thận của bà mỗi khi ông đi đâu xa,sắp xếp từ cái lược cho tới lọ thuốc phải uống hằng ngày. Ðiều đó khiến ông rất cảm động và cũng vẫn hay bực mình , vì có cảm tưởng mình là đứa trẻ con, và vợ ông là bà mẹ luôn luôn rầy rà ông những chuyện lặt vặt. Tình nghĩa vợ chồng là thế, tuy đối với bà, ông không có cái tình thơ mộng bao nhiêu, nhưng ông rất trân trọng tình nghĩa vợ chồng mà hai người đã chia xẻ với nhau. Tuy vậy, vợ ông quả thật cũng mỏi mệt khi ông ốm lâu quá, buồn bực trong người rồi cũng đâm ra khó tính, hay bẳn gắt. Nếu bây giờ sự ra đi của ông là giải thoát gánh nặng cho vợ con, và họ có thể nhẹ mình nhẹ mẩy một chút, ông vẫn không hề trách móc họ, nếu không nói là còn phải cảm ơn họ nữa.
 
Vợ ông là một người phụ nữ đơn giản thì suy nghĩ đơn giản như vậy, và chuẩn bị ma chay cho ông như cách cuả bao người đã làm, riêng ông, cái ông mang theo chính là tất cả tư tưởng và hành động của mình khi còn sống, đấy mới đủ quyết định hồn ông đi về đâu. Vậy thì ông ở lại làm gì với cái thân xác lạnh giá bệnh hoạn kia, như một chiếc áo đầy mụn vá vì bệnh tật. Âu cũng là một cử chỉ đẹp cuối cùng của người sống đối với người chết, thế là hết chuyện. Ngày mai, người ta đưa ông ra đi, đến một nơi để gửi gấm tấm thân đã giá buốt , như bầu trời Ðông đã làm rụng những chiếc lá úa khu rừng cây bên kia đường, lòng ông bỗng cảm thấy rưng rưng.
 
Ông không định nhớ đến hình dáng mảnh mai, mềm mại rất dễ thương của một mái tóc đen dài bên khung cửa sổ vào những ngày cuối cùng của ông trong cuộc đời, nhưng kỳ lạ là nàng đã trở về, đúng như những điều ông thường nghe kể về kinh nghiệm cận tử, người sắp chết thường bỗng dưng lại thấy những bóng hình qua đi trong cuộc đời họ. Như ảo ảnh, có đó rồi mất đó, hình như đã có lúc nó thuộc về cõi này, rồi có lúc lại thuộc về cõi khác, nó đã đến và đã đi, như một cái bóng của định mệnh trong dĩ vãng, rồi bỗng lại trở về để dìu ông bước vào tương lai. Ðiều suy nghĩ này khiến hồn ông run rẩy rồi  tan đi như sương, thành những hạt bụi ly ty của triệu triệu những phân tử ly ty trong vũ trụ. Những phân tử ấy khi tách ra thì rất nhỏ đến nỗi không ai nhìn thấy dù bằng kính hiển vi, nhưng cứ như một sự huyền nhiệm của trời đất, khi kết hợp thì nó tụ lại thành một cái gì rất lơ lửng. Hợp rồi tan, tan rồi hợp, có đấy rồi mất đấy như ảo ảnh, để có lúc như thật mà có lúc như mộng. Nó xuyên suốt ra ngoài cõi không, bỏ lại căn phòng đầy mùi trầm nhang và hoa thơm.
 
Ðấy là lần cuối cùng ông vĩnh biệt thế giới loài người mà lòng không vướng bận, tiếc nuối.
 
                                                                                                                          Nguyên Nhung
                                    
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Maria Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Lm Antôn Nguyễn Văn Độ (12/8/2019)
Trường Hợp Vô Nhiễm Thai Nghĩa Là Gì? (12/8/2019)
Xin Mẹ Cầu Bầu Cùng Thiên Chúa Ba Ngôi Cho Con Và Con Tin Chắc Mình Sẽ Được Cứu Rỗi! (11/29/2014)
Cn 2678: Lễ Kính Đức Mẹ Huyền Nhiệm 27/11 (11/28/2014)
Cn 2677: Tại Slovakia, Đức Mẹ Nói Về Ơn Chữa Lành Và Bình An ( S4) (11/28/2014)
Tin/Bài cùng ngày
Cn 2673: Đức Mẹ Slovakia Hưá Bảo Vệ Khi Gặp Tai Họa ( S3) (11/26/2014)
Tin/Bài khác
Tại Sao Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội? (12/8/2019)
Cn 2662: Đức Mẹ Hiện Ra Ở Slovakia ( S2) (11/19/2014)
Cn 2661: Đức Mẹ Hiện Ra Tại Nước Slovakia ( S1) (11/19/2014)
Chúng Con Xin Dâng Cho Đức Mẹ Mọi Người Trong Giáo Hội Việt Nam! (11/12/2014)
Xin Giúp Đỡ Con Trong Những Khi Khó Ngặt (10/26/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768