MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Để “có Chúa Cùng Hoạt Động”…
Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 10-2014

ĐỂ “CÓ CHÚA CÙNG HOẠT ĐỘNG”…

“Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các tông đồ thì đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16, 19-20)

Sứ mệnh truyền giáo đòi buộc phải “có Chúa cùng hoạt động”. Điều này được khẳng định, theo thánh Luca, như Chúa Giêsu nói với các tông đồ những lời sau cùng này: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 7-8).

Qua 2 đoạn tường thuật trên, tôi cảm nghiệm được những phương thế mà Chúa Giêsu đã áp dụng khi rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Những phương thế mang đậm dấu ấn sức mạnh quyền năng của Chúa Thánh Thần được thể hiện rất cụ thể với những tinh thần mà trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào cũng cần phải nâng lên hàng đầu.

Đặc biệt, với xã hội Việt Nam hiện nay vừa sống dưới chủ thuyết duy vật, vừa đang trải qua thời kỳ đổi mới có quá nhiều những trăn trở kể cả về vật chất lẫn tinh thần chưa thể nào định hình rõ nét. Thời kỳ biến động quá phức tạp ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống thiếu thốn của nhân dân, đặc biệt những vùng nông thôn hoặc những vùng sâu xa từ các vùng nghèo khổ của đất nước. Chính vì thế mà đã nảy sinh ra nhiều cuộc di dân từ các tỉnh phía Bắc đã trải qua nghèo khổ khi sống dưới xã hội bao cấp ròng rã nhiều năm. Sự xáo trộn về đời sống căn bản này của nhân dân đã không ít làm cho cuộc sống của họ chao đảo về mọi mặt. Trong đó chính đời sống vật chất đã có quá nhiều khủng hoảng, có quá nhiều chênh lệch giữa giầu và nghèo, đặc biệt ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tâm linh của những người nghèo xa quê này. Những người nông dân cần mẫn xưa kia nay đang có một cuộc sống phiêu lưu nơi đất khách quê người hẳn rất cần đến những nâng đỡ ủi an để, nhờ đó, họ có thể nhận ra tiếng Chúa nói với họ.

Để đến gần bên họ, nói với họ về Đức Kitô, người giáo dân tâm huyết với sứ mạng truyền giáo, trước hết và hơn lúc nào hết cần phải bước qua 2 giai đoạn cần thiết:

A) Giai đoạn “Nói Với Chúa”:

Nói với Chúa là bước đi trong Thần Khí, là giai đoạn khởi đầu vô cùng quan trọng của người tông đồ đích thực. Để “có Chúa cùng hoạt động” hay để bước đi trong Thánh Thần cần rèn luyện 2 tinh thần then chốt:

1- Tinh thần vâng phục

Chúa Giêsu đã lãnh nhận tràn đầy Thánh Thần từ Chúa Cha tại sông Giođan, bởi vì trong tinh thần tùng phục con thảo, Người đã chấp nhận sứ mạng Đấng Cứu Thế đau khổ và nhục nhã, sứ mạng của Người Tôi Tớ mà Chúa Cha lúc ấy đã tỏ ra cho Người. Xã hội vào thời kỳ đó cũng đang có quá nhiều những xáo trộn trong nhiều chiều kích khác nhau tựa như thời kỳ hiện nay của Việt Nam.

Trong cuộc đời, Người đã phải trăn trở với Chúa Cha, không phải để uốn cong thánh ý Chúa Cha theo ý của Người, nhưng là để bẻ gập ý chí nhân tính của Người theo thánh ý Chúa Cha, và luôn thưa lời “Xin Vâng” trước mọi khó khăn và yêu sách mới mẻ. Sau nhiều đêm như thế, Người mới ra đi rao giảng cho đám đông này và đám đông khác khiến họ bỡ ngỡ thốt lên: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dậy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh” (Mc 1, 37).

Chắc chắn Chúa Giêsu đã giảng dậy bằng quyền bính của chính Thiên Chúa. Khi người ta tùng phục trong sự say mê Thiên Chúa hòan toàn, thì bấy giờ, một cách mầu nhiệm, Thiên Chúa cũng tùng phục và ủy thác cho họ Thánh Thần và sức mạnh của Người vì Người biết họ sẽ không lạm dụng cho những mưu đồ và hư danh riêng của họ. Và chỉ khi ấy mới có những lời “xé lòng” người nghe. Như thánh Phaolô, khi đã hòan toàn vâng phục Chúa Kitô là Đức Chúa, ngài đã viết: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16)

Hoặc như Mẹ Têrêsa Calcutta xác quyết: người truyền giáo là “người say mê Chúa Giêsu đến độ không có một ước muốn nào khác hơn là làm cho mọi người nhận biết và yêu mến Chúa”.

2- Tinh thần cầu nguyện

Chúa Thánh Thần đến với Chúa Giêsu tại sông Gioađan trong lúc Người đang cầu nguyện (x. Lc 3, 21), và trên các tông đồ trong khi các ngài đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện (x. Cv 1, 14); Chúa Giêsu đã hứa rằng Chúa Cha sẽ ban Thánh Thần cho những ai cầu xin Ngài (x Lc 11, 13), và thánh Marcô ghi lại: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1, 38).

Từ đó, để có thể nói trong thần khí, chúng ta phải tự xóa nhòa bản thân, phải làm cho chính mình ra trống rỗng và phó mình cho sự an bài của Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta phải quì gối cầu nguyện, xin Chúa tỏ ra cho chúng ta những lời Người đã chọn và chất chứa trong Trái Tim Người cho một hòan cảnh và các thính giả nhất định, và sau đó, chúng ta mới ngồi vào bàn, đem tất cả vốn liếng văn hóa và kinh nghiệm để phục vụ cho lời này.

Thánh Phaolô, Vị rao giảng Tin Mừng tài ba, đặc biệt khuyên: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô. Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu xa dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1Tx 5, 16-22)

B) Giai đoạn “Nói Về Chúa”:

Nói về Chúa là bước đi bằng hành động cụ thể (kèm theo dấu lạ để xác nhận lời), vì xã hội con người hiện nay đang rất cần nhân chứng sống động. Chính việc làm mang sứ điệp yêu thương Kitô giáo này mà người giáo dân cần nêu cao hơn bao giờ hết. Chính sức mạnh bằng yêu thương đoàn kết này có giá trị hơn cả một bài thuyết giảng. “Nói về Chúa” thể hiện được 2 tinh thần sau đây: 

1- Tinh thần cộng đòan

Trước khi bắt đầu đi rao giảng, Chúa Giêsu đã chọn 4 tông đồ đầu tiên (Mc 1, 29-31) Nhờ lời cầu xin của các tông đồ mà Chúa Giêsu mới biết tình trạng đau đớn mà bà đang gặp phải, để rồi sau đó, với trái tim yêu thương, Chúa Giêsu đã đến gần cầm lấy tay bà đỡ dậy, rồi bà phục vụ các ngài.

Điều này cũng được Chúa Giêsu nói đến: nơi nào có hai ba người họp nhau cầu nguyện thì Thầy sẽ ở giữa họ; hay khi sai các tông đồ đi rao giảng, Người vẫn thường nhắc nhở cứ hai người một đi với nhau. Đặc biệt, khi tường thuật các tông đồ cầu nguyện trong cơn bách hại, thánh Luca kết thúc tường thuật đó như sau: “Họ cầu nguyện xong thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4, 31).

2- Tinh thần dấn thân phục vụ

“Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn anh sạch đi!” (Mc 1, 41).

Khi cảm nhận được trái tim đầy yêu thương của Chúa Giêsu trước người phong hủi đến gặp Người, tôi nhớ thật rõ những tâm tình của cố ĐC Gioan Cassaigne, Giám Mục của người cùi Việt Nam, khi Ngài nói về những bệnh nhân thân yêu của Ngài:

”Họ quá đau khổ, đừng làm hay có cử chỉ gì khiến họ đau khổ hay buồn tủi thêm. Họ là những người đáng quí, đáng thương và tha thứ. Phải băng bó họ lại cả hai vết thương một lúc, thể xác và tinh thần”.

Hay khi đi kiếm người cùi lẩn trốn trong rừng rậm ở Di Linh để sống theo tinh thần của thánh Phaolô khuyên dậy “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô” (1Cr 11, 1) và để “bắt chứơc Đức Kitô” là giơ tay ra đụng vào những con người đang bị loại trừ ra khỏi đời sống xã hội, cố ĐC Gioan Cassaigne đã từng nói: ”Tôi muốn được cùi để có thể hiểu và thương người cùi nhiều hơn”. Với tất cả tấm lòng vì người nghèo, người cùi mà Ngài đã chọn khẩu hiệu Giám Mục của Ngài là Bác Ai và Tình Yêu (Caritas et Amor).

Mẹ Têrêsa Calcutta đã bắt chứơc Đức Kitô và ngài cũng đã nói: “Để yêu mến một người cần tiến tới gần người đó... Tôi không bao giờ săn sóc các đám đông mà chỉ săn sóc các con người cụ thể thôi”.

Thật cảm động khi những con ngừơi được “Chúa Giêsu đưa tay đụng vào” qua những “tồng đồ của người cùi”, lặng lẽ chấp nhận và phó thác như ĐC Gioan Cassaigne nhắc nhở: “Chúng ta không thể làm cho Chúa Giêsu buồn, thì cũng đừng làm cho người cùi buồn vì họ là con Chúa, là hình ảnh Chúa Cứu Thế đau khổ trên Thập Giá”.

Và cũng lúc này tôi cảm nhận được triết lý sống của cha Jerzy người Ba Lan khi người khuyên nhủ: “Người ta sẽ không bao giờ thấy đau khổ khi chấp nhận đau khổ vì Chúa Giêsu”.

Trong Sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Giáo 2014, ĐTC Phanxicô đã viết:

“… Tôi kêu gọi anh chị em, như thể đang làm một cuộc hành hương nội tâm, hãy nhớ lại “mối tình đầu” mà Đức Giêsu Kitô đã dùng để sưởi ấm lòng anh chị em, không phải vì tiếc nuối quá khứ, nhưng để kiên trì trong niềm vui. Các môn đệ của Đức Kitô luôn luôn vui mừng khi cảm nhận sự hiện diện của Ngài, khi thi hành ý Ngài và chia sẻ đức tin, đức cậy và đức ái Phúc Âm của mình cho người khác.”

Lạy Chúa, rất thường, khi yêu ai, người ta thường giới thiệu người ấy cho mọi người. Chúng con xác tín rằng, việc truyền giáo phải được thúc đẩy từ lòng say mê yêu mến Chúa, muốn giới thiệu Chúa cho tha nhân. Xin ban thêm cho anh chị em chúng lòng mến Chúa yêu người để chúng con “có Chúa cùng hoạt động”. Amen.

Vũ Văn Quí

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Tháng Mân Côi (10/20/2014)
Bảy Đóa Hồng Tím Dâng Mẹ (10/20/2014)
Mẹ Đã Tỏ Lòng Yêu Thương Việt Nam Cách Riêng (10/20/2014)
Cn 2639: Ý Nghĩa Của Chuỗi Mân Côi (10/19/2014)
Cn 2638: Nhạc Sĩ Nổi Danh Thích Chuôĩ Mân Côi (10/19/2014)
Tin/Bài khác
Cn 2629: Viếng Đức Mẹ Sa Mạc Mojave, Our Lady Of The Rock (10/24/2014)
Tại Sao Thế Giới Cần Chuỗi Mân Côi? (10/17/2014)
Cầu Thang Về Trời (10/16/2014)
Trên Con Đường Về Quê (10/15/2014)
Trên Con Đường Về Quê (10/15/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768