MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Mẹ Maria, Đấng Duy Nhất Được Lãnh Nhận Ơn Tiền Cứu Độ (4)
Chủ Nhật, Ngày 8 tháng 9-2019

Mẹ Maria, Đấng duy nhất được hưởng ơn Tiền Cứu Rỗi (4)

(Tiếp theo)

5.  Cuộc sống Mẹ Maria được hoàn tất trong ơn phục sinh

Về phương diện lịch sử, người ta không thể có được những chứng cứ chắc chắn về nơi chốn, về thời gian và về cách thức Mẹ Thiên Chúa đã qua đời như thế nào. Nhưng về phương diện thần học thì chỗ đề cập cuối cùng về Mẹ Maria trong Tân Ước mang một ý nghĩa quan trọng, vì đã nói cho chúng ta biết được Mẹ Thiên Chúa đã cùng với các Môn Đệ, Giáo Hội tiên khởi bé nhỏ của Chúa, chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự xuống như thế nào. Sách Tông Đồ Công Vụ viết: „Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện với mấy người phụ nữ, với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu và các anh em của Đức Giêsu“ (Cv 1,14).

 

Sự xác tín cho rằng cái chết của Mẹ Thiên Chúa mang một ý nghĩa mặc khải về đức tin, chắc chắn được xuất phát từ nội dung những phát biểu tổng quát của Kinh Thánh về số phận những người đã quá cố, chẳng hạn: „Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu“ (1Tx 4,14).

 

Ơn được trở nên giống Đức Giêsu, được trở nên đồng hình đồng dạng với Người qua cái chết và sự sống lại (x. Pl 3,11tt; Ep 2,5; Cl 3,3) và được chiêm ngắm Thiên Chúa nhãn tiền, – nghĩa là „Người thế nào chúng ta sẽ thấy người như vậy“ (x. 1Cr 13,12; 1Ga 3,2) –, được gói ghém trọn vẹn trong tín điều về sự đồng trinh sạch sẽ và thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria, cũng như với sự nhận thức được rằng Mẹ Maria được liên kết chặt chẽ một cách đặc biệt với công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô, đã dẫn tới sự nhận thức thần học này, đó là:

 

·        Mẹ Maria, với tư cách là một con người, một thành phần thực sự của gia đình nhân loại, đã hoàn tất cuộc lữ hành dương thế của mình một cách trọn vẹn và toàn diện trong vinh quang Thiên Chúa, tức Mẹ Maria đã được lên trời cả hồn lẫn xác.

·        Những gì Thiên Chúa đã cho xảy ra và ghi dấu trên cuộc đời Mẹ Maria, vì Mẹ đã tự nguyện chấp nhận sự an bài của Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ thực hiện như thế trên cuộc sống của những ai tin tưởng và tín thác vào sự an bài đầy yêu thương của Người(1).

 

Ngay từ đầu, sự xác tín đức tin về biến cố Mẹ Maria được lên trời cả hồn lẫn xác đã được gắn liền với lòng trông cậy vào sự bầu cử của Mẹ trước tòa Chúa Giêsu, Con Mẹ, vì Mẹ là Đấng Trung Gian giữa Chúa Giêsu và con cái loài người và Mẹ hằng nâng đỡ và trợ giúp Giáo Hội đang trên đường lữ thứ trần gian được đạt tới sự kết hiệp muôn đời với Chúa Kitô trong vinh quang Nước Trời.

 

Ở Tây phương, qua phái Kinh Viện(2), sự xác tín cho rằng thân xác Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã cưu mang Logos, đã cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa, thì nói chung, dù phải trải qua sự chết, cũng không thể chịu cảnh hư nát do Nguyên tội gây nên được (Thomas Aquinô). Trong khi bác bỏ những lý thuyết cho rằng trước khi chết, Mẹ Maria đã được cất về trời, đa số các nhà thần học xác tín rằng Mẹ Maria đã chết một cách tự nhiên. Nhưng cái chết của Mẹ Maria cũng tương tự như một giấc ngủ ngắn trong giây lát, vì ngay liền sau khi chết, Mẹ lại sống lại và được rước về Thiên đàng cả hồn lẫn xác. Bởi vì, sự chết không chỉ là hậu quả của Nguyên tội, nhưng còn là một thực tại nhân chủng học đã được gắn liền với bản tính tự nhiên của con người. Chính thực tại ấy, tức sự chết, chuyển đổi sự tự do sau cùng của con người vào trong hình thức hoàn hảo nhất của nó, đó là sự chiêm ngưỡng đời đời thánh nhan Thiên Chúa.

 

Trong phạm vi triết học nghi vấn về linh hồn-thể xác được đặt ra là làm thế nào với những phương tiện thực nghiệm người ta lại có thể hiểu và nắm bắt được một thực tại vượt khỏi các phạm trù hiểu biết của trí năng tự nhiên của con người, tức sự hoàn tất cuộc sống trong vinh quang bất diệt một cách toàn diện và trọn vẹn. Đồng thời người ta cũng nêu lên nghi vấn về số phận của thi thể Mẹ Maria trong bối cảnh ngày thế mạt một cách tổng quát. Trong khi đó, tính cách đồng nhất giữa thân xác trần thế của Chúa Giêsu (khi còn sống) và thân xác đã được biến đổi nên sáng láng của Người (sau khi sống lại) đã quá rõ ràng và không cần phải đặt thành nghi vấn nữa, bởi vì qua dữ kiện mặc khải về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Chúa Cha đã biểu lộ sự đồng nhất giữa Chúa Giêsu phục sinh và Chúa Giêsu khi còn tại thế, khi Người hiện ra với các Môn đệ sau khi Người đã sống lại từ cõi chết với chính thân xác của Người.

 

Còn tính cách đặc biệt về sự hoàn tất trọn vẹn và toàn diện – gồm cả hồn lẫn xác – của cuộc sống Mẹ Maria trong vinh quang chân thật và vĩnh cửu của Nước Trời, tất nhiên không thể được hiểu là do tự sức riêng của Mẹ, nhưng là do sự liên kết chặt chẽ có một không hai giữa cuộc sống của  Mẹ và Chúa Cứu Thế  và công trình cứu độ phổ quát của Con Mẹ.

 

Sự tuyên tín bày tỏ đức tin mang tính cách quyết định của „Assumpa-Dogma“, của tín điều „Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời“, được diễn tiến như sau: Bởi vì, Mẹ Maria liên kết và gắn bó với công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu một cách chặt chẽ hoàn toàn ngoại thường, nên Mẹ cũng được tham phần vào sự phục sinh vinh hiển của Con Mẹ như một người được tiền cứu rỗi và được cứu rỗi một cách trọn vẹn. Vì thế, Mẹ Maria là kiểu mẫu về sự quy phục toàn diện của con người đối với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và là Đấng hoàn tất mọi sự. Sự khác biệt giữa Mẹ Maria và các Thánh khác là ở chỗ:

 

·        với sự tương quan sâu nhiệm và chặt chẽ với công cuộc cứu độ của chính Con Mẹ, Mẹ Maria là người được cứu rỗi mang tính cách gương mẫu hay tượng trưng cho nhân loại, nghĩa là mọi con cái loài người cũng sẽ được cứu rỗi như Mẹ;

·        về sự hoàn tất trong vinh quang của tất cả các tín hữu trong ngày quang lâm của Chúa Giêsu, thì lời bầu cử của Mẹ Maria mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng.

 

Mẹ Maria là hình ảnh nguyên thủy của Giáo Hội và, do thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Maria là một chi thể quan trọng nhất trong Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Do đó, thánh công đồng Vatican II đã phát biểu: Mẹ Maria được „Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương Trời Đất để nên giống Con Một Người một cách trọn vẹn hơn, là Chúa của các Chúa, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết“ (LG, số 59).

 

5.1.  Nền tảng Kinh Thánh

 

Đức tin vào sự hoàn tất mang tính cách cánh chung của Mẹ Maria trong vinh quang của Thiên Chúa có thể không trực tiếp dựa trên những lời của Kinh Thánh. Nhưng lại được chứng thực bởi những bằng cứ hàm chứa định tín về đức tin ấy, như trong trường hợp vô nhiễm thai của Mẹ Maria. Trước hết, ở đây cần nêu đích danh sự xác tín về đức tin, đó là Thiên Chúa „không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của người sống“ (Mc 12,27). Ngoài ra còn những bản văn quan trọng nói lên sự tương quan nội tại giữa sự kén chọn, sự ân thưởng và sự vinh quang của con người trong sự an bài của ân sủng Thiên Chúa. Trong Thư Roma, thánh Phaolô đã đề cập đến điều đó một cách rõ ràng: „Những ai Thiên Chúa đã tiền định…, thì Người cũng làm cho nên công chính, những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang“ (Rm 8,30; x. Ep 1,3-6). Sự liên kết với Đức Kitô của những người tín hữu đạo hạnh thì sẽ tìm gặp được sự viên mãn trong hạnh phúc được chiêm ngưỡng Thiên Chúa nhãn tiền (x. Cl 3,3-4; Ep 2,5). Những đoạn Kinh Thánh đề cập đến sự liên kết chặt chẽ của Mẹ Maria với Con Mẹ và với sứ vụ cứu độ của Người, đã đóng một vai trò quyết định trong việc định hướng được rằng đức tin vào ơn được tuyển chọn và được sống lại của Kitô giáo trong thời Giáo Hội tiên khởi, được cụ thể hóa trong con người của Mẹ Maria (x. Lc 1,45.48). Và trong lời cầu nguyện của Chúa Cứu Thế cho các Môn đệ trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn thập giá, tất nhiên Mẹ Maria cũng được bao hàm trong đó: „Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con“ (Ga 17,24).

 

Qua những lời Kinh Thánh trên đây, người ta có thể khẳng định được rằng sự hoàn tất cuộc đời dương thế của Mẹ Maria trong vinh quang Nước Trời một cách trọn vẹn và toàn diện, tức cả xác lẫn hồn, là một chân lý đức tin.

 

5.2.  Những phát triển trong lịch sử thần học

 

Những bằng chứng đầu tiên, vốn được coi là chứng tích chắc chắn cho thấy rằng Giáo Hội trong những thế kỷ đầu đã phát triển đức tin phục sinh của mình bằng sự tham chiếu đặc biệt nơi nhân thân Mẹ Maria, thì người ta đã khám phá ra được ở những nơi các tín hữu xưng tụng Mẹ Maria là Đấng luôn hiện diện sống động trong Cộng đoàn Đức Kitô và kêu cầu Mẹ trong khi cầu nguyện. Cũng như các chứng nhân tử đạo, Mẹ Thiên Chúa vinh hiển được tin kính và xưng tụng là Mẹ của Giáo Hội. Những chứng tích này bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ III, ví dụ trong lời nguyện ở Alexandria có viết: „dưới sự che chở phù trì của Mẹ“(3). Còn ở Tây phương, thánh Augustinô lần đầu tiên đã trực tiếp kêu cầu sự bầu cử của Mẹ Maria trong khi cầu nguyện(4). Và tiếp đến, vào thế kỷ IV thì hai thánh Êphräm người Syrie và Gregor thành Nazianz cũng đã nêu danh Mẹ Maria trong các kinh nguyện như là Đấng trung gian chuyển cầu trước tòa Chúa Giêsu.

 

Trong việc phát triển này người cũng phải kể đến vai trò quan trọng của những lễ Đức Mẹ trong niên lịch Phụng Vụ của Giáo Hội. Ở Giê-ru-sa-lem ngay từ thế kỷ V các tín hữu đã cử hành Lễ An Nghỉ (Dormitio) và Lễ An Táng hay Lễ Táng Trong Mồ (Depositio) của Mẹ Maria. Đặc biệt vào thế kỷ VI, Lễ Dormitio đã được cử hành ở khắp cả Đông phương. Còn ở Tây phương, mãi đến thế kỷ VIII Lễ Dormitio hay Lễ An Nghỉ của Mẹ Maria mới cử hành một cách rộng rãi với tên gọi mới là Lễ „Lên Trời của Đức Trinh Nữ Maria“. Trong các bài giảng khi cử hành Lễ này, trước hết người ta chỉ nhắc đến cái chết của Mẹ Thiên Chúa; từ từ về sau người ta càng ngày càng đề cập tới đến sự hoàn tất cuộc sống đầy vinh quang của Mẹ cũng như vai trò trung gian của Mẹ trên Thiên đàng.

 

Riêng thánh Giám Mục Epiphanius Salamis (khoảng 315-403) đã công phu nghiên cứu và tìm kiếm một truyền thống có tính cách Kinh Thánh về sự hoàn tất cuộc sống trần thế của Mẹ Maria trong kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội. Nhưng tiếc thay, ngài đã không tìm thấy. Nhưng qua những nghiện cứu của thánh Epiphanius(5), người ta đã khám phá ra rằng hoàn toàn không có bất cứ một bằng cứ chắc chắn nào về cái chết của Mẹ Maria cả. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu và tìm hiểu của nhà thần học này đồng thời cũng cho thấy rằng trong thời đại của ngài người ta đã suy tư về sự vinh hiển của Mẹ Maria rồi. Từ thế kỷ V cho tới thế kỷ VII đã xuất hiện nhiều huyền thoại về Mẹ Maria – như một loại văn chương đặc biệt – trình bày hiện tượng Mẹ Maria đã vượt qua khỏi cái chết và được rước lên Thiên đàng trong vinh quang vĩnh cửu.

 

Trong các thời đại tiếp theo sau đó, các suy tư thần học đã phát triển mạnh và đã đạt được nhiều tiến bộ hơn. Vì thế những thêu dệt mang tính cách huyền thoại về cái chết và sự vinh hiển của Mẹ Maria bị đẩy lùi vào quá khứ. Thánh Isidor Tổng Giám Mục Sevilla (560-636) đã nói rằng ngài không biết gì về các điều kiện và hoàn cảnh có liên quan đến cái chết của Mẹ Thiên Chúa và ngài còn nêu ra cả nghi vấn là liệu Mẹ Maria có thực sự chết hay không(6). Còn thánh Tiến sĩ Giáo Hội Beda Venerabilis (672-735), một Thầy Dòng Biển Đức, thì tuyên bố rằng ngài hoàn toàn không biết gì về vấn đề này(7).

 

 Vào tiền bán thế kỷ XI xuất hiện một khảo lược mạo danh thánh Augustinô với tựa đề „De Assumptione Beatae Mariae Virginis“ – (Về vấn đề lên trời của Đức Trinh Nữ Maria)(8) được coi như là tài liệu thần học đầu tiên ở Tây phương về sự kiện „Đức Mẹ Lên Trời“. Vì lý do thiếu những chứng tích trực tiếp và rõ ràng trong các văn bản chính thức và đồng thời không muốn tham chiếu các ngụy thư cũng như các huyền thoại, một số tác giả không rõ danh tính(9) đã cố gắng xác định một cách có hệ thống theo phương diện thần học sự vinh hiển của Mẹ Maria dựa vào công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu. Theo lược khảo này, thì do thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của ngài, Mẹ Maria luôn liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu, Con Mẹ. Và chứng cứ được nêu lên là chính lời Chúa Cứu Thế đã phán trong Phúc Âm thánh Gioan: „Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó“ (Ga 12,26). Ngoài ra, tác giả còn cho rằng qua việc Mẹ Maria được lên trời trong vinh quang cả hồn lẫn xác, Chúa Giêsu đã chu toàn Điều Răn Thứ Bốn trong Mười Điều Răn Thiên Chúa, tức bổn phận làm con của Người đối với Mẹ Maria. Sau cùng, những lý do trên đây cũng như những lý do khác đã chứng minh sự chắc chắn của đức tin được phản ảnh từ đời sống của Giáo Hội, đó là: trong sự thông hiệp vĩnh cửu với Chúa Giêsu trên Thiên quốc, Mẹ Maria luôn bầu cử cho Giáo Hội.

 

Cũng như ở Tây phương, ở Đông phương người ta cũng nỗ lực phát triển mỗi ngày một rộng rãi hơn quan điểm thần học về sự hoàn tất cuộc sống của Mẹ Maria trong vinh quang Nước Trời. Hai nhà thần học nổi danh được nêu tên trong phong trào phát huy thần học này ở Đông phương là thánh Gioan thành Đa-mát (650-754) và Đức Thượng Phụ Germanus von Konstantinopel (645-740). Đối với hai nhà thần học thời danh này, thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa là lý do cơ bản cho sự sống lại và được lên trời của Mẹ Maria. Vì thế, người ta có thể nói được rằng công trạng của hai Giáo phụ tài danh này là đã nối kết được những chân lý đức tin liên quan đến Mẹ Maria lại với nhau một cách chặt chẽ, hợp lý và đúng đắn. Các ngài đã nhìn thấy được sự tham phần của Mẹ Maria trong công cuộc cứu độ cúa Chúa Kitô ở dương thế và sự trung gian hay sự bầu cử của Mẹ trên trời cho sự cứu rỗi của nhân loại, được đồng nhất thành một. Như thế, „lý do thần học sâu xa nhất và đồng thời là nền tảng chắc chắn trong mặc khải“(10) của tín điều đã được nêu lên.

 

Đối với những triển khai khác của giáo huấn „Vô Nhiễm Thai“ của Mẹ Maria, thì những ý niệm siêu hình học được sử dụng trong khoa nhân chủng học của Kinh Viện đóng một vai trò rất quan trọng. Đúng vậy, ý niệm về „thân xác“ và „linh hồn“ là tiêu biểu cho một con người duy nhất và toàn diện, một thực thể hiện hữu vừa về phần thể xác hữu hình và vừa phần linh hồn thiêng liêng vô hình. Bởi vì, trong các tạo vật Thiên Chúa đã dựng nên, thì con người là một thực thể duy nhất gồm có linh hồn và thân xác. Trong khi đó, các Thiên thần chỉ có linh hồn thiêng liêng vô hình và ngược lại, các loài vật lại chỉ có thể xác hữu hình mà thôi.

 

Do đó, khi mục đích cuối cùng cuộc lữ hành trần thế của con người được hoàn tất trong vinh quang bất diệt một cách trọng vẹn và toàn diện theo nghĩa nhân chủng học, thì tất nhiên phải hiểu là con người toàn diện gồm linh hồn và thể xác. Và cụ thể, đó chính là trường hợp Mẹ Maria, Đấng đã được lên trời cả hồn lẫn xác ngay sau khi Mẹ đã hoàn tất cuộc lữ hành trần thế của mình. Còn tất cả các con cái loài người khác còn phải chờ đợi cho đến ngày tận thế, ngày mọi xác phàm sẽ được sống lại và đoàn tụ lại với linh hồn để chịu phán xét chung.

 

Thánh Bonaventura, vốn chịu ảnh hưởng ít nhiều tư tưởng truyền thống của phái triết học Platon, khi bàn về sự hoàn tất vinh hiển của Mẹ Maria, đã lý luận rằng: Bởi vì, một khi người ta chết, thì linh hồn hồn lìa ra khỏi xác, và như vậy không còn là con người trọn vẹn và thật sự nữa. Nếu thế, thì sự hoàn tất trong vinh quang của Mẹ Maria cũng chưa thể được hiểu là trong một chiều kích trọn vẹn và hoàn toàn được. Nói cách khác, Mẹ Maria chỉ mới được hưởng vinh quang phần linh hồn mà thôi, nếu như thân xác Mẹ chưa được sống lại(11). Và Thánh Thomas Aquinô cũng có suy tư tương tự(12). Theo các nhà thần học phái Kinh Viện – Bonavventura, Thomas Aquinô, v.v…, – thì Mẹ Maria đã được rước về Thiên dàng „cả linh hồn lẫn thể xác“, nghĩa là Mẹ Maria đã được trở về bên Chúa Giêsu, Con Cực Thánh của Mẹ, một cách trọn vẹn và toàn diện, chứ hồn-xác Mẹ không bị phân tách. Điều đó muốn khẳng định rằng thân xác Mẹ Maria đã được sống lại ngay sau khi cuộc lữ hành dương thế của Mẹ chấm dứt và cùng với linh hồn được rước về Thiên đàng hưởng hạnh phúc bất diệt bên Chúa Giêsu, Con Mẹ, chứ thân xác Mẹ không phải chịu cảnh hư nát trong mộ và không phải chờ đến ngày tận thế mới được sống lại như tất cả các người khác

_______________________

1.     x. A. Ziegenaus, Die leibliche Aufnahme Mariens in den Himmel im Spannungsfeld heutiger theologischer Strömungen, trong: Forum Katholische Theologie 1 (1986, 1-19; K. Rahner, Zum Sinn des Assumpta-Dogmas, trong: ders., Schriften zur Theologie. Bd. 1, Einsiedeln 6. Aufl. 1962, trang 239-252.

2.     Phái Kinh Viện kéo dài từ 1200 đến 1340, gồm các triết gia và thần học gia thời danh, như: Albertus Magnus, Thomas von Aquin, Bonaventura, Duns Scotus, William of Ockham, Raimundus Lullus, Roger Bacon, Siger von Branbant, Meister Eckhart,  v.v… Đây là một trường phái tư tưởng dựa theo khuynh hướng triết học thực tiển (Realismus) của đại triết gia Aristote và đồng thời cũng chịu ảnh hưởng không ít tư tưởng Ả-rập qua các triết gia Averroes và Avicenne, và tư tưởng Do-thái qua triết gia Maimonides. Kinh Viện là trường phái tư tưởng có một ảnh hưởng sâu rộng trong Giáo Hội, nếu không nói là đồng nhất với quan điểm của Giáo Hội trong hầu hết các vấn đề thuộc triết học và thần học.

3.     x. Courth, Texte, số 30.

4.     x. Augustinus, Serm. 291,6.

5.     Panarion 78, 11; x. Courth, Texte, số 45.

6.     x. De ortu et obitu Patrum 67; PL 83, 148tt.

7.     x. Retr.in Act. Ap. 8; PL. 92, 1014 D.

8.     PL. 40, 1141-1148: x. Courth, Texte, số 85.

9.     Theo sự tìm hiểu thì người ta đã phỏng đoán là Ambrosius Autpertus, Ratramnus von Corbie và Alkui.

10.                       x. Georg. Söll, Mariologie (HDG III/4, Freiburg 1978, trang 129.

11.                       x. De Assumptatione Beatae Mariae Virginis, Serm. 2.

12.                       x. Summa Th. I, q. 29, a. 1, ad 5.

 

(Còn tiếp)

Lm Nguyễn Hữu Thy

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768