MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Mẹ Maria, Đấng Duy Nhất Được Lãnh Nhận Ơn Tiền Cứu Độ (2)
Chủ Nhật, Ngày 8 tháng 9-2019
3. Những tín điều về Mẹ Maria trong các năm 1854 và 1950

Trong cục diện Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn từ đời đời để làm Mẹ Con Một Người và vì thế Người đã gìn giữ Mẹ khỏi vướng mắc tội Nguyên tổ cũng như các tội khác ngay từ giây phút đầu tiên sự hiện hữu của Mẹ, một vấn nạn thần học đã được đặt ra, đó là mỗi con người đã được tiền định từ đời đời về các ân sủng mà Thiên Chúa sẽ ban cho người ấy, cũng như về sứ mệnh đặc biệt mà Người sẽ trao phó cho người ấy (x. Ep 1,4; 2Tm 1,9tt).

Dĩ nhiên, nếu Thiên Chúa an bài cho ai một số phận hay trao phó cho một sứ mệnh nào đó, cũng như kêu gọi và ban ân sủng cho người ấy, thì trước hết, Người chỉ muốn điều thiện hảo và ích lợi cho người ấy mà thôi; nếu không, Thiên Chúa đã tự mâu thuẫn với chính mình, – vì Người là chân thiện mỹ tuyệt đối – một điều không thể xảy ra được; và tiếp đến, sự an bài hay sự tiền định đó hoàn toàn không chút mảy may có tương quan với chủ trương của những đồ đệ thuyết định mệnh (Determinismus) cứng nhắc, thụ động và mù quáng.

Thật vậy, mặc dù Thiên Chúa đã tiền định, hay đã an bài cho con người một con đường sống thế này hay thế kia, hoặc Người muốn trao phó cho con người một sứ mệnh nào đó, cũng như việc Người ban phát ân sủng cho người ấy, nhưng không nhất thiết luôn luôn phải xảy ra như vậy. Bởi vì, con người còn có ý chí tự do, một khả năng cao quý và đồng thời là một quyền lợi bất khả xâm phạm, nên con người có thể chấp nhận và cộng tác vào chương trình đã được Thiên Chúa an bài và hoạch định hay chối từ và chọn lựa cho mình một cuộc sống theo ý mình muốn. Và tất nhiên, trong trường hợp này, con người phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự quyết định tự do của mình. Để hiểu được điều đó, chúng ta có thể đưa ra một ví dụ tượng trưng như sau: Thiên Chúa cũng tương tự như một người cha đầy nhân từ, khi đứa con của ông cất tiếng khóc chào đời, thì vì thương con và muốn cho con sau này có được một cuộc sống hạnh phúc, nên ông có những dự định hay những chương trình trong tương lai cho con thế này thế kia. Nhưng một khi đứa con khôn lớn và trưởng thành, thì rất có thể nó sẽ làm theo ý nguyện của ông hay nó sẽ chọn cho mình một con đường đi, một lối sống riêng. Tất cả đều tùy thuộc vào sự lựa chọn tự do của người con.

Dĩ nhiên, trong ví dụ trên chúng ta cũng cần phân biệt sự tương đồng và sự khác biệt giữa Thiên Chúa và người cha nhân hậu kia. Sự tương đồng là tình yêu thương: Cả hai đều dự định thế này thế kia cho con mình, vì các ngài chỉ muốn tốt, muốn điều thiện hảo và sự hạnh phúc chân thật cho con cái mình; Còn sự khác biệt cũng rất rõ rệt, đó là: nơi người cha trần thế, ông chỉ suy nghĩ và dự đoán được thế này thế kia là tốt cho con mình và ông ước muốn mọi sự được xảy ra như vậy; trong khi đó Thiên Chúa thì không cần phải suy nghĩ, dự đoán hay ước muốn nữa. Những gì Người ước muốn hay thực hiện cho ta đều là điều thiện hảo và mang lại hạnh phúc chân thật cho ta một cách chắc chắn, vì người là Tạo Hóa toàn năng, Người nhìn thấy được tất cả mọi sự trong chính bản chất của chúng. Vì thế, nơi Thiên Chúa, con người có thể „nhắm mắt“ tin tưởng và phó thác hoàn toàn, mà không sợ phải sai lầm và ân hận.

Nhưng thiết tưởng, ở đây chúng ta cũng cần phải khẳng định lại chân lý đức tin này, đó là khi một người hoàn toàn sống trong mầu nhiệm ơn thánh, nghĩa là sống kết hiệp mật thiết, hay nói theo ngôn ngữ tân thời ngày nay là có tương quan tốt, với Thiên Chúa và ra sức thực hiện thánh ý của Người trong cuộc sống của mình, thì một khi cuộc đời trần thế người ấy kết thúc, người ấy sẽ được sống lại và trở nên giống Chúa Kitô phục sinh vinh hiển (x. 1Ga 3,2; Pl 3,21)). Đây là chân lý mà những giáo huấn đức tin về Mẹ Maria, hay nói rõ hơn, tín điều Mẹ Maria được gìn giữ khỏi tội Nguyên tổ ngay từ giây phút đầu tiên khi vừa được thụ thai trong lòng mẹ mình – „Maria Immaculata“ – và tín điều Mẹ Maria hoàn tất cuộc sống dương thế của Mẹ trong sự sung mãn của ơn thánh cả hồn lẫn xác ở trên Quê Trời – „Maria Assumpta“ – đã chứng minh một cách hùng hồn và cụ thể. Đây là những giáo huấn đức tin đã được hình thành từ sự suy diễn của đức tin dựa theo lời giáo huấn của thánh Phaolô: „Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người“ (Rm 12,6) và từ kết quả của những suy tư thần học trong khuôn khổ đức tin chắc chắn của Giáo Hội, vốn luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đúng như Chân phước Hồng Y John Henry Newman vẫn quan niệm.

Nhưng ở đây không có ý đề cập đến sự phát triển về số lượng của các nội dung đức tin riêng rẽ, nhưng là nói đến một sự thấu hiểu rõ ràng và chắc chắn về những điều kiện nội tại của chân lý Mẹ Thiên Chúa trọn đời đồng trinh (1).

Mẹ Maria đã đáp lại lời đề nghị của Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ nhân loại của Người bằng hai tiếng „xin vâng“ trong bối cảnh Mẹ được chính Thiên thần cung kính chào là „Đấng đầy ơn phúc“ (x. Lc 1,28.41tt), nghĩa là Mẹ Maria đã chấp nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong tình trạng hoàn toàn an bình, thanh thản, sáng suốt, tự do và nhất là rất xứng đáng với ơn Chúa, mặc dù vào lúc bấy giờ Mẹ chưa hiểu được một cách đầy đủ mọi tình tiết của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ chấp nhận và thưa tiếng „xin vâng“, vì Mẹ biết được đó là ý định của Thiên Chúa, Đấng mà Mẹ luôn hết lòng yêu mến và hoàn toàn tín thác.

Vâng, ngay từ giây phút đầu tiên cuộc sống trần thế của Mẹ, Mẹ Maria đã được tràn đầy ân sủng của Chúa Kitô – ân sủng mà tội Nguyên tổ đã đánh mất đi – đến nỗi Mẹ không cần phải được giải thoát khỏi tội Nguyên tổ qua Bí tích Rửa Tội như tất cả mọi con cái loài người nữa, bởi vì Mẹ đã hoàn toàn được hưởng trước ơn cứu chuộc của Chúa Cứu Thế, hay nói cách khác, Mẹ đã được gìn giữ khỏi bị vướng mắc vào vết nhơ đó ngay từ giây phút đầu tiên khi được dựng thai trong lòng mẹ. Và cũng vì thế, một hiệu quả tất yếu của tình trạng „đầy ân sủng“ Chúa Kitô và không chút vương vấn vết nhơ của tội Nguyên tổ nơi Mẹ Maria, là trong khi thực hiện ý chí tự do của mình, Mẹ được ơn thánh gìn giữ trước những dục vọng vô độ do Nguyên tội gây ra và trước tất cả mọi tội trọng và tội nhẹ.

Dĩ nhiên, ơn Mẹ Maria được gìn giữ không bị vướng mắc vào tội Nguyên tổ và các tội riêng, là nhờ vào công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, mà Mẹ là người duy nhất được hưởng trước, ngay từ giây phút đầu tiên khi Mẹ được dựng thai trong lòng mẹ.

Nhưng như đã nói trên, ơn tinh tuyền và hoàn toàn vô tội mà Thiên Chúa ban cho Mẹ Maria, không phải là tình trạng ân sủng nguyên thủy mà Nguyên tổ loài người có được trước khi các ngài phạm tội, nhưng là chính ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Nói cách khác, nhờ vào công nghiệp cuộc tử nạn thập giá của Chúa Kitô, mà mọi tư tưởng, mọi ước muốn cũng như mọi hành động của Mẹ Maria đều đã được gìn giữ trước tất cả mọi sai lầm và tội lỗi. Tuy nhiên, điều đó không có ý nói rằng Mẹ Maria đã hoàn toàn tránh được mọi hậu quả của tội Nguyên tổ; nói rõ hơn, ngoài các hậu quả luân lý độc hại, như: sự vô luân, các dục vọng vô độ và sự hướng chiều về tội lỗi, v.v…, của Nguyên tội, Mẹ Maria cũng phải gánh chịu các hậu quả khác mà Nguyên tội đã gây ra cho toàn thể con cái loài người, như sự đau đớn, sự khổ cực và sự chết.

Hơn nữa, đó cũng là điều phù hợp với sứ mệnh mà Thiên Chúa Cha đã giao phó cho Mẹ, tức làm Mẹ Chúa Cứu Thế, Con Một Người và làm Đấng Đồng Công Cứu Chuộc:

1) Là Mẹ Con Một Thiên Chúa, Đấng Cực Thánh, nên Mẹ Maria cũng phải hoàn toàn tinh tuyền thánh thiện và không vấn vương bất cứ vết nhơ tội lỗi nào.

2) Là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Kitô, nên Mẹ Maria cũng phải chịu mọi đau đớn, buồn sầu và sau cùng cũng phải chết. Chỉ khác biệt với con cái loài người ở chỗ, là sau khi chết, Mẹ Maria đã được rước lên trời cả hồn lẫn xác, chứ xác thánh Mẹ không phải chịu cảnh hư nát trong mồ như những người khác. Và đó là một chân lý đức tin.

Chính chân lý đức này về sự chấm tận đầy vinh hiển của cuộc sống trần thế của Mẹ Maria, đã khẳng định một cách chắc chắn về tương lai tươi đẹp của loài người trong ngày thế mạt: xác mọi người đã chết từ thuở tạo thiên lập địa cho tới lúc bấy giờ, sẽ được sống lại và đoàn tụ với linh hồn. Như vậy, thực tại Mẹ Maria được lên trời cả hồn lẫn xác là một báo hiệu về sự hoàn tất vinh quang của con người trong thân xác sáng láng của mình.

4. Mẹ Maria được gìn giữ khỏi Nguyên tội

Điểm xuất phát cho cảm nghiệm đức tin về Mẹ Maria, về vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ và địa vị của Mẹ trong cộng đồng các Thánh, một cảm nghiệm cuối cùng đã dẫn tới sự diễn giải thần học trong tín điều „Vô Nhiễm Thai“ của Mẹ, được long trọng công bố năm 1854, là tình trạng đối lập giữa bà E-và và Mẹ Maria(2).

4.1. Nền tảng Kinh Thánh

Thực ra, về nền tảng Kinh Thánh của tín điều Mẹ Maria „Vô Nhiễm Thai“, người ta không thể đưa ra được những dẫn chứng trực tiếp. Nhưng điều quan trọng ở đây là các chứng từ đều nhìn nhận tất cả những gì xảy ra trên thế giới đều bắt nguồn trong sự quan phòng của Thiên Chúa, chẳng hạn như ơn gọi của các Ngôn sứ đã được thực hiện ngay khi các ngài còn trong lòng mẹ (x. Gr 1,5; Is 49,1). Theo quan điểm của Tân Ước, thì điều tương tự như thế được hiểu về Giáo Hội. Từ muôn thuở trước, Giáo Hội đã được xác định sống công chính và thánh thiện trong kế hoạch cứu độ của Chúa Kitô (x. Ep 1,3-14). Nói cách khác, cuộc sống Kitô hữu chân chính hoàn toàn nằm trong sự an bài của thánh ý Thiên Chúa, được Người chúc phúc và vì thế, tự trong bản chất đặc thù của nó, cuộc sống ấy phát triển và tràn đầy ân sủng theo mức độ Thiên Chúa ban cho. Trong Thư Roma, thánh Phaolô đã gọi điều đó là „lượng đức tin“, ngài viết: „Dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi xin nói với từng người trong anh em: đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho“ (Rm 12,3).

Còn Tân Ước đã khẳng định Mẹ Thiên Chúa là Đấng „đầy ân sủng“. Thánh sử Luca đã ghi chính lời phát ra từ miệng Thiên sứ Gabriel trong ngày truyền tin: „Thiên sứ vào nhà Trinh Nữ và nói: Kính chào Bà, Bà đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà“ (Lc 1,28).

Mẹ Maria đã được Thiên Chúa kêu gọi và kén chọn làm Mẹ Chúa Cứu Thế, Con Một Người. Nhưng không chỉ sự kêu gọi này từ phía Thiên Chúa, nhưng chính cả sự hoàn toàn tự nguyện đón nhận lời kêu gọi ấy với tất cả lòng tín thác từ phía Mẹ Maria, đều là ân sủng của Thiên Chúa, hay nói cách khác, đều do sự tác động của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,35). Dĩ nhiên, Đức Trinh Nữ cũng cần sự chuẩn bị nội tâm để có thể chấp nhận sứ mệnh làm Mẹ Đấng Thiên Sai với tất cà lòng tín thác và chu toàn sứ mệnh đầy thách đố ấy đúng với thánh ý Thiên Chúa. Còn chính Thiên Chúa, Người luôn nâng đỡ và tạo mọi điều kiện để Mẹ Maria chu toàn được sứ mệnh của mình, vì thế Người luôn ở cùng Mẹ.

4.2. Những phát triển trong phương diện lịch sử thần học

Lý do chính của sự phát triển tín điều là các luận cứ thần học về mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Căn cứ vào biến cố xuống thế làm người của Chúa Kitô, một quan niệm đã được thành hình từ rất sớm, cho rằng Mẹ Đấng Thiên Sai phải được thánh hóa để làm đền thờ Thiên Chúa và phải được thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi. Mẹ của Ngôi Lời Vĩnh Cửu phải hoàn toàn tinh tuyền và thánh thiện. Tư tưởng này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của thánh I-rê-nê thành Lyon (135-202), người đã cho rằng cứu rỗi có nghĩa là thần thánh hóa. Thiên Chúa đã trở thành phàm nhân, hầu phàm nhân được trở nên thần thánh: „Gott wurde Mensch, damit der Mensch vergöttlicht werde“(3). Như thế, nơi thánh I-rê-nê người ta đã gặp được ý kiến cho rằng Mẹ Maria đã được thanh tẩy mọi tội lỗi trong biến cố truyền tin. Và thánh Giáo phụ Gregor von Nazianz (330-390) cũng quan niệm rằng, vì do mầu nhiệm xuống thế làm người của Chúa Kitô, Mẹ Maria đã được ban cho những phẩm giá của trời cao, và tất nhiên những phẩm giá ấy phải được gắn liền với sự thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi và với sự thánh hóa. Thánh nhân đã phát biểu: Chúa Kitô „trở nên người thật, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15): được cưu mang bởi Đức Trinh Nữ, Đấng mà linh hồn cũng như thể xác được Chúa Thánh Thần thanh tẩy trước đó; bởi vì, sự sinh hạ Con Một Thiên Chúa phải được tôn kính và sự đồng trinh của Mẹ Người phải được tán tụng“ (4). Quan điểm này cũng được Đức Thương Phụ Giê-ru-sa-lem Sophronius von Jerusalem ủng hộ (560-638). Kể từ năm 634 ở Đông Phương, Đức Thượng Phụ là một trong những nhân chứng quan trọng nhất của sự phát triển giáo huấn về sự „Vô Nhiễm Thai“ của Mẹ Thiên Chúa. Vì thế, trong cuộc đối thoại đại kết với các Giáo Hội Đông phương hiện nay, những lời phát biểu của Đức Thượng Phụ Sophronius mang một ý nghĩa rất quan trọng.

Còn ở Tây phương, nhà thần học thời danh đã từng bênh vực cho quan điểm cho rằng Mẹ Maria phải được gìn giữ khỏi mọi tội lỗi, là thánh Augustinô (354-430), Giám Mục thành Hippo. Chống lại Pelagius (360-420) (5), người đã cho rằng nhiều chứng nhân đức tin trong Cựu Ước là những người vô tội, tức những người tinh tuyền thánh thiện và không vướng mắc các tội lỗi, thánh Augustinô khẳng định rằng ơn được gìn giữ trước mọi tội lỗi chỉ dành cho một mình Mẹ Maria mà thôi. Theo thánh nhân, sự thánh thiện của Chúa Kitô đòi hỏi sự thánh thiện của Mẹ Người. Thánh Augustinô cũng quả quyết rằng vì sự vinh hiển tuyệt đối cao cả của Chúa Kitô, Mẹ Người cũng không thể bị sa chân vào những chốn do tội lỗi thống trị. Dĩ nhiên, dựa theo lý thuyết đặc biệt của thánh nhân về sự di truyền của Nguyên tội qua sự truyền sinh nòi giống, thánh Augustinô chưa xác tín được sự gìn Giữ (praeservatio) Mẹ Maria trước Nguyên tội. Và có lẽ vì thế, sau này, thánh Thomas Aquinô, người môn sinh ưu tú của ngài và là nhà thần học thời danh của Giáo Hội, cũng đã cho rằng, vì Mẹ Maria được hưởng trọn vẹn ơn cứu độ của Chúa Kitô, nên Mẹ cũng phải vướng mắc Nguyên tội trong một khoảnh khắc hết sức ngắn ngủi nào đó.

Rõ ràng hơn quan điểm của thánh Augustinô, thánh Anselm von Canterbury đã coi trọng tâm của di sản A-dong để lại, tức Nguyên tội, là sự làm mất đi ân sủng của tình trạng nguyên thủy, lúc hai ông bà nguyên Tổ còn sống trong vườn địa đàng, trước khi phạm tội. Về điểm này, thánh Thomas Aquinô cũng quan niệm tương tự. Thánh Anselm không coi sự ham muốn vô độ là yếu tính, nhưng là hậu quả của Nguyên tội. Với quan điểm đối lập với tư tưởng của Giám Mục thành Hippo như thế, thánh Anselm muốn nói rằng sự thánh hóa của Mẹ Thiên Chúa được hiểu như là một sự ân thưởng nguyên thủy (ursprüngliche Begnadung).

Ngược lại với lối suy tư này của thánh Anselm von Canterbury, còn có ý kiến cho rằng, do tính cách phổ quát của công trình cứu chuộc của Chúa Kitô, người ta cũng cần phải nói đến những yêu đuối của Mẹ Maria(6). Nhưng vấn nạn: sự ân thưởng và sự thánh hóa của Mẹ Maria tương quan thế nào với nhu cầu khẩn thiết cơ bản được cứu rỗi của Mẹ, từng là một vấn nạn đầy tranh cãi của phái Kinh Viện. Các nhà thần học Dòng Đa Minh đã nhấn mạnh một cách đặc biệt đến nhu cầu khẩn thiết được cứu rỗi của Mẹ Maria, trong khi đó, các nhà thần học Dòng Phan-xi-cô lại tranh luận để làm sáng tỏ được về sự thánh hóa nguyên thủy của Mẹ Maria.

Trong cuộc tranh cãi thần học này, thánh Thomas Aquinô đã dựa theo quan niệm truyền thống cho rằng Mẹ Maria đã được thánh hóa ngay trong lòng mẹ trước khi được sinh ra. Luận cứ này của thánh nhân được dựa trên nền tảng lời Chúa phán trong sách Tiên tri Giê-rê-mi-a: „Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân“ (Gr 1,5), và lời Thiên thần nói về Tiền hô Gio-an Tẩy Giả: „Ngay khi còn trong lòng mẹ, em (Gio-an Tẩy Giả) đã đầy Thánh Thần“ (Lc 1,15b). Nói cách khác, theo thánh Thomas Aquinô thì thánh Gio-an Tẩy Giả và Tiên tri Giê-rê-mi-a đã được thánh hóa ngay trong lòng mẹ trước khi được sinh ra là do sứ mệnh mà Thiên Chúa sẽ giao phó cho các ngài. Nếu vậy, tất nhiên người ta cũng phải chấp nhận thực tại cho rằng Người Nữ sinh hạ Đấng Cứu Thế, một sứ mệnh quan trọng và cao cả, vượt trên mọi sứ mệnh khác, đương nhiên cũng phải được thánh hóa trước khi sinh ra như thế.

Dĩ nhiên, chúng ta cũng đừng quên rằng, nếu thánh Thomas Aquinô chủ trương rằng Mẹ Maria cần phải được thánh hóa ngay trong lòng mẹ, trước khi được sinh ra, thì không có nghĩa là Mẹ Maria đã được thánh hóa hay đã được gìn giữ khỏi tội Nguyên tổ ngay từ giây phút đầu tiên khi Mẹ được dựng thai trong lòng mẹ. Thật vậy, như đã đề cập đến ở trên, thánh Thomas Aquinô, và sau này các nhà thần học Dòng Đa Minh cũng dựa theo thế giá của ngài, chủ trương rằng giữa sự thụ thai và sự thánh hóa của Mẹ Maria có một khoảng cách thời gian. Nói cách khác, theo ý kiến thánh nhân, trước khi được thánh hóa, Mẹ Maria cũng đã vướng mắc vào tội Nguyên tổ trong một thoáng thời gian ngắn ngủi nào đó.

Bởi vì, thánh nhân lý luận rằng, là thành phần của nhân loại, nên Mẹ Maria cũng được hưởng trọn vẹn ơn cứu độ do cuộc khổ nạn của Chúa Kitô mang lại, nếu vậy, Mẹ cũng phải vướng mắc Nguyên tội, ít là trong một thoáng ngắn ngủi. Với một quan niệm như thế, thánh Thomas cũng muốn liên tưởng đến và giải thích đại lễ „Đức Mẹ Được Cưu Mang“ trong lòng bà thánh Anna, mà Giáo Hội Đông phương đã cử hành từ thế kỷ VII. Theo thánh nhân, nội dung thần học đặc biệt của đại lễ này là khoảng cách giữa sự kiện Mẹ Maria được thụ thai và sự kiện Mẹ được thánh hóa. Và cũng theo ý kiến thánh nhân, vì thời điểm Mẹ Maria được thánh hóa hay được thanh tẩy trước khi được sinh ra không rõ ràng, nên người ta mới cử hành đại lễ „Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội“ vào ngày 8 tháng 12 hằng năm. Trong tác phẩm „Tổng Luận Thần Học“, thánh nhân gián tiếp khẳng định điều ấy khi viết: „Trước Lễ được Thánh Hóa của Mẹ là Lễ Mẹ được Cưu Mang“(7).

Trong khi đó, Chân phước Duns Scotus, nhà thần học nổi danh thuộc Dòng Phan-xi-cô đã đạt được một bước nhảy vọt trong nhận thức thần học về vấn nạn tương quan nội tại giữa nhu cầu cần thiết được cứu rỗi và sự thánh hóa nơi trường hợp Mẹ Maria. Cũng như quan điểm của thánh Thomas Aquinô, Chân phước Duns Scotus cũng cho rằng yếu tính của nguyên tội là làm cho con người mất sự công chính của tình trạng nguyên thủy. Nhà thần học Dòng Phan-xi-cô thời danh này chủ trưởng quan điểm về „Nhập thể tuyệt đối“ (Incarnatio absoluta). Nghĩa là đối với sự nhập thể làm người của Ngôi Lời hoàn toàn không chịu bất cứ ảnh hưởng nào của trần thế. Tội lỗi cũng không chút vấn vương trong biến cố Ngôi Lời nhập thể. Duns Scotus khám phá ra được sự tương quan hết sức chặt chẽ giữa Chúa Kitô và Mẹ Maria và sự tương quan chặt chẽ ấy đã có ngay từ khởi đầu lịch sử cứu độ trong sự an bài đời đời của Thiên Chúa về mầu nhiệm nhập thể của Con Một Người. Từ suy diễn ấy, Duns Scotus, vị „tiến sĩ của Mẹ Maria“ (Doctor marianus) cho rằng tất cả mọi tạo vật đều phải quy phục Mẹ Maria. Bởi vì, sau Chúa Kitô, Mẹ Maria là Đấng giữ vai trò quan trọng thứ hai trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Dựa theo quan điểm của ngài về Thánh Mẫu học trong toàn văn về „Incarnatio absoluta“, Duns Scotus đã thành công trong quan điểm của ngài về sự cứu độ và sự thánh hóa của Mẹ Maria, vốn đã được Thiên Chúa ban cho Mẹ ngay từ giây phút đầu tiên khi Mẹ được dựng thai trong lòng mẹ, nhờ vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Và đây cũng chính là giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.

Thật vậy, luận đề của nhà thần học thời danh Dòng Phan-xi-cô này là ơn cứu độ của Mẹ Maria không thể được hiểu rằng Mẹ đã được „hậu thánh hóa“, nghĩa là Mẹ đã được thanh tẩy khỏi Nguyên tội sau khi đã được dựng thai trong lòng mẹ. Trái lại, trong trường hợp Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đã nhận được ơn cứu rỗi do cuộc khổ nạn thập giá của Chúa Kitô mang lại ngay trong giây phút đầu tiên khi được cưu mang trong lòng mẹ, nghĩ là Mẹ Maria được gìn giữ không bị vướng mắc Nguyên tội ngay từ giây phút đầu tiên sự hiện hữu của Mẹ.

Theo Duns Scotus, với tư cách là thành viên của gia đình nhận loại, nên Mẹ Maria cũng cần đến ơn cứu rỗi, nhưng nhờ vào công nghiệp cứu chuộc nhân loại của Đức Kitô, Con Mẹ, cũng như sự vinh quang cao cả của Người, Mẹ Maria đã được ơn thánh gìn giữ trước Nguyên tội và trước những ảnh hưởng tai hại của nó gây nên và được sống kết hiệp với Thiên Chúa trong tình trạng ân sủng nguyên thủy, tức tình trạng trước khi Nguyên tổ phạm tội.

Đây là một quan điểm mới mẻ, đúng đắn và có tính cách thuyết phục, nhưng phải chờ mãi về sau này, Chân phước Duns Scotus mới nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong toàn Giáo Hội. Đặc biệt và chủ yếu nhất là quan điểm của ngài đã nhận được sự ủng hộ triệt để và đem ra phổ biến của hai nhà chú giải và bình luận thời danh nền thần học thánh Thomas Aquinô thuộc Dòng Tên, đó là: Giáo sư Robert Bellarmin (1542-1621) và giáo sư Francisco Suarez (1548-1617).

________________

1. xin xem G.L. Müller, Katholische Dogmatik. Für Studium und Praxis der Theologie, Freiburg 5. Aufl. 2003, trang 502-508; và F. Courth, Mariologie – Maria, die Mutter des Christus, trong: W. Beinert (Hg.), Glaubenszugänge. Lehrbuch der Katholischen Dogmatik. Bd. 2, Paderborn 1995, trang 357-388; A. Ziegenaus, Maria in der Heilsgeschichte. Mariologie, (Katholische Dogmatik. Bd. 5), Aachen 1998, trang 287-331; A. Müller/D. Sattler, Mariologie, trong: Th. Schneider (Hg.), Handbuch der Dogmatik. Bd. 2, Düsseldorf 2000, trang 155-187, vấn đề được đề cập tới ở đây, xin xem trang 183-186; M. Wagner, Auf sich berufen lassen oder Widerspruch? Zur Problematik und Bedeutung der beiden jüngsten Mariendogmen, trong: Trierer Theologische Zeitschrift 112 (2003), trang 197-207; dies., Die himmlische Frau. Marienbild und Frauenbild in dogmatischen Handbüchern des 19. und 20. Jahrhunderts, Regensburg 1999 und F. Courth, Mariologie. (Texte zur Theologie. Dogmatik. Bd. 6), Graz 1991.

2. Sự đối lập này thường được hiểu trong nghĩa cứu độ: đứng đối lập với Tổ mẫu E-và, người đã sa phạm tội bất phục tùng mệnh lệnh Thiên Chúa, là Mẹ Maria, Mẹ chí thánh của Chúa Cứu Thế, luôn tín thác và tùng phục mọi kế hoạch của Thiên Chúa. Về tín điều „Vô Nhiễm Thai“ xin xem G.L. Müller, Maria, Die Frau im Heilsplan Gottes. (Mariologische Studien. Bd. 15), Regensburg 2. Aufl. 2003, trang 226-230; xin xem tiếp: Gottes makelloses Konzept vom Menschen. Warum die Kirche 1854 das Dogma von der Unbefleckten Empfängnis Mariens verkündete – Ein Gespräch mit dem Dogmatiker Michael Schulz, trong: Die Tagespost Nr. 97/14.8.2004, trang 11tt; K. Rahner, Die Unbefleckte Empfängnis, trong: ders., Schritten zur Theologie. Bd. 1, Einsiedeln 6. Aufl. 1962, trang 223-237; ders., Das Dogma von der Unbefleckten Empfängnis Marias und unsere Frömmigkeit, trong: ders., Schritten zur Theologie. Bd. 3, Einsiedeln 7. Aufl. 1967, trang 155-167; M Seybold, Art. Unbefleckte Empfängnis, trong: R. Bäumer/L. Scheffczyk (Hg.), Marienlexikon. Bd. 6, St. Ottilien 1994, trang 519-525 và Chr. Schaller, Papst Pius IX. begegnen. (Zeugen des Glaubens), Augsburg 2003, trang 72-79), tức đức tin về Mẹ Thiên Chúa trọn đời đồng trinh.

3. x. Adv. Haer. III, 19,1.

4. Rede 38,12; xem Courth, Texte, số 54.

5. Pelagius, một Thầy Dòng người Anh, chủ trương một học thuyết về ân sủng hoàn toàn ngược lại với học thuyết của thánh Augustinô, vị Giáo Phụ thời danh. Pelagius truyền bá sự tự do luân lý (lieberum arbirtrium) đối với sự ác hay sự thiện, và vì thế, ông cho rằng con người được tự do và tự mình có đủ khả năng để làm điều thiện. Đối với ông, ân sủng Thiên Chúa chính yếu chỉ hiện diện trong sự nhắc bảo dạy dỗ về luân lý, mà Thiên Chúa đã ban cho qua luật lệ cũng như trong gương mẫu Chúa Kitô, một điều mà mỗi người Kitô hữu đều phải và có thể bắt chước theo. Còn trường hợp sa ngã của ông A-dong đã gây tổn hại cho nhân loại, nhưng dĩ nhiên chỉ được hiểu là ông A-dong đã làm một gương xấu mà thôi. Vì thế, cái chết của ông A-dong không phải là hình phạt do tội ông gây nên, nhưng là một điều tự nhiên. Còn các trẻ em chết mà chưa được rửa tội, đều đạt tới được cuộc sống vĩnh cửu. Nếu trường hợp chúng đã được rửa tội rồi, thì dĩ nhiên chúng sẽ được sự hạnh phúc ở một cấp độ cao hơn. Nhất là Pelagius đã cho rằng con người có thể sống mà không phạm tội. Trong khi đó ngược lại, thánh Augustinô, Giám Mục thành Hippo ở Bắc Phi, lại dạy rằng ân sủng là sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa đã được tuôn đổ xuống trên tâm hồn con người và biến đổi ý chí con người. Bởi vì, sau khi phạm tội (Nguyên tội), ý chí con người bị trói buộc, chứ không còn được tự do để yêu thương nữa. Bởi vậy, Thiên Chúa phải ban cho con người điều, mà chính Người đòi hỏi trong luật lệ, trước khi con người có thể thực hiện được điều được đòi hỏi trong Luật. Khi con người phạm tội, con người hoàn toàn mất hết khả năng để có thể lãnh nhận được ân sủng. Thiên Chúa ban ân sủng cho con người (hay từ chối), hoàn toàn là một ơn nhưng không của tình yêu thương và của sự tiền định của Người, chứ không do công trạng hay sự sửa soạn của phía con người. Và ngay cả sự bền đỗ của con người trong tình trạng ơn thánh cũng là nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần, nghĩa là một ơn của Thiên Chúa. Sau cùng, lạc thuyết Pelagianismus coi vai trò của Đức Giêsu Kitô như là một gương lành cho con người, đối ngược lại với gương xấu của ông A-dong. Bởi vậy, mỗi người nhận được trọn vẹn sự ảnh hưởng ấy và qua đó cũng hoàn toàn có trách nhiệm đối với phần rỗi của linh hồn hay đối với các tội lỗi của mình. Điều đó muốn nói rằng, đối với thuyết Pelagianismus, người thuận cũng như người chống đều đứng chung trên mức độ như nhau.

6. x. Origenes, Comm. in luc. 17.

7. S. Th. III, q. 27, a. 2 ad 2.3; xem Courth, Texte, Nr. 95.

(Còn tiếp)
Lm Nguyễn Hữu Thy
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Cn 3982: Thiên Thần Tại Linh Địa Akita (1) (1/11/2018)
Cn 3922: Cuộc Hiện Ra Của Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) #2 (7/25/2017)
Cn 3921: Đức Bà Thành Công (our Lady Of Good Success) (7/21/2017)
Câu Chuyệ̣n 6: Nhờ Ơn Đức Mẹ Mà Hết Què (3/29/2017)
Câu Chuyệ̣n 1: Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (3/28/2017)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768